Trò Chuyện Với Nhà Văn Văn Quang
(Tổng hợp từ dutule.com)
HàThanh Nguyễn:
Thưa ông, ngày nào tôi cũng đón đọc báo Người Việt, để được đọc lại tác phẩm Chân Trời Tím. Cám ơn ông đã cho lại chúng tôi những giây phút hạnh phúc, lãng mạn…của thuở xa xưa. Tôi đã vui, buồn theo câu chuyện. Tôi muốn hỏi thăm ông, hiện tại đời sống ông thế nào?
Nhà Văn Văn Quang trả lời:
Trước hết xin cảm ơn tình cảm của bạn dành cho tôi và Chân Trời Tím. Khi nhật báo Người Việt chọn đăng truyện dài Chân Trời Tím, tôi cứ ngại đó là một truyện dài đã quá xa xưa. Từ năm 1964, nửa thế kỷ rồi, phải không bạn? Vậy mà vẫn còn được độc giả đón nhận. Đây là một niềm an ủi lớn cho tôi. Ngay cả khi nhà xuất bản Tiếng Quê Hương tái bản truyện dài này tại Mỹ vào năm 2006, tôi cũng đã ngần ngại. Tuy nhiên theo lời nhà xuất bản:
“Gửi CHÂN TRỜI TÍM tới tay bạn đọc vào lúc này, bên cạnh sự gợi nhắc kỷ niệm với một số người, còn là đáp ứng cần thiết cho yêu cầu lưu giữ những tiếng nói trung thực phản ảnh thực tế của một thời kỳ lịch sử.
Thêm nữa, trong dòng sinh hoạt văn học Việt Nam thế kỷ 20, CHÂN TRỜI TÍM đã giành được một vị thế đủ để vượt lên với thời gian.
Những băn khoăn dằn vặt trong tâm tư người dân Việt Nam, những thăng trầm nghiệt ngã mà người dân Việt Nam từng trải, những ước mơ hiền hòa mà người dân Việt Nam ấp ủ bao giờ cũng là những thực tế cần luôn luôn hiện rõ trước mắt mọi người để góp phần ánh sáng trên nẻo đường tìm về một hướng sống phù hợp.
Không thể vì một lý do nào để che lấp những thứ đó, cho nên những tác phẩm văn học như CHÂN TRỜI TÍM không thể chìm vào quên lãng.”
Vì vậy tôi đồng ý tái bản tác phẩm này.
Về đời sống của tôi hiện nay ở Sài Gòn, từ tháng 6 năm 2009 đến nay, tôi “ngồi chơi xơi nước”. Tuy vậy vẫn ấp ủ trong lòng một tác phẩm cho đáng một tác phẩm. Riêng cuộc sống vật chất, vẫn “cơm ăn hai bữa, quần áo mặc cả ngày”, không có gì khó khăn.
Xin cảm ơn những tình cảm của bạn HTN.
John Trần:
Thưa ông, tôi tin là ông biết cuộc sống ngoại quốc khá hơn nhiều so với cuộc sống trong nước, không hẳn chỉ khá về vật chất. Nếu không có gì trở ngại, ông có thể cho biết tại sao ông chọn ở lại mà không ra đi như nhiều người khác? Và nghe đâu, khi ở lại ông lại chọn sống ở Tây Ninh. Vì sao ông cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi vậy, thưa ông?
Nhà Văn Văn Quang trả lời:
Bạn nói đúng, tôi biết cuộc sống ở nước ngoài, cụ thể như ở Mỹ, đầy đủ hơn ở VN. Thí dụ, ở Mỹ, bạn thất nghiệp hoặc già yếu sẽ được nhà nước hỗ trợ hàng tháng, còn ở VN thì không có chuyện đó. Sau hơn 12 năm đi “học tập cải tạo”, tôi cũng đã làm thủ tục để đi theo diện H.O.. Không những thế, tôi còn được đôn từ H.O. 22 lên H.O. 18. Nói cho rõ hơn là được đi trước những anh em khác chừng 5-7 tháng hay 1 năm gì đó. Lý do là tôi có thêm người bảo lãnh. Nhưng cũng chính vì sự bảo lãnh này mà nẩy sinh chuyện phức tạp. Vì thế nên khi ra phỏng vấn, tôi quyết định không đi nữa, tôi không muốn phải mang ơn bất kỳ một cá nhân nào. Thà chẳng ai bảo lãnh, tôi đi như những anh em khác, hầu hết họ có cần ai bảo lãnh đâu. Chuyện này hoàn toàn trong phạm vi chuyện riêng của gia đình. Tôi không muốn nhắc lại chứ không phải muốn tìm lối đoạn trường đâu bạn ơi. Có ai dại thế bao giờ. Phần khác có lẽ lại là do số mệnh chăng?
Lý do thứ hai tại sao tôi chọn Lộc Ninh để sống trong một thời gian, tôi đã có dịp trả lời phỏng vấn của nhà văn Lê Thị Huệ, chủ biên trang web Gio-O vào năm 2007. Xin tóm tắt câu trả lời của tôi:
“Tôi vẫn nghĩ: một nhà văn, nhà báo, phải biết “làm mới mình”. Ở thành phố mãi, đề tài quen thuộc sẽ cùn dần. Quay đi quay lại “nó vẫn thế”. Về nhà quê, có lẽ là cách tốt nhất để “làm mới” mình. Nơi này từ năm 1972, người dân Lộc Ninh đã sống trong vùng được gọi là “giải phóng”, nói thẳng ra là họ sống trong vùng của miền Bắc kiểm soát nhiều hơn, dưới cái tên “Mặt trận Giải Phóng miền Nam”. Bên cạnh đó là chiến trường đẫm máu An Lộc, Bình Long năm 74-75 và những vùng nghèo khó, giáp ranh biên giới Campuchia… Tôi có thể tìm hiểu được thực chất đời sống cùng tâm tư của họ. Người dân quê đã mất gì, được gì, từ năm 1975 đến nay? Đích thực họ nghĩ gì, làm gì, hy vọng gì? Những biến chuyển sâu sắc nhất trong từng gia đình như thế nào? Từ đó so sánh với cuộc sống ở những thành phố, từ đó tìm biết được những mảnh đời khác với những gì tôi đã biết. Từ đó cho tôi một cái nhìn sâu hơn, xa hơn, thật hơn, về toàn bộ những gì dân tộc mình qua những triều đại mà tôi đã sống.”
Đó là lý do thứ hai. Sau hơn 4 năm sống ở vùng quê này, tôi đã tìm hiểu, đã học hỏi được rất nhiều điều, hiểu rõ hơn tâm tư tình cảm rất thật, nguyện vọng tha thiết của người dân vùng quê có thể gọi theo chữ nghĩa bây giờ ở VN là “vùng sâu, vùng xa”. Những cảnh đổi đời, lên đời và xuống đời, nếu sống ờ thành phố, không trực tiếp sống với họ, không tâm tình với họ, không chia ngọt sẻ bùi thì ít có ai hình dung ra được.
Có lẽ bạn đã nhầm giữa Lộc Ninh và Tây Ninh. Tôi đã sống ở Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Phước chứ không phải tỉnh Tây Ninh. Nhưng hiện nay tôi đã trở lại sống trong một căn chung cư nhỏ ở TP Sài Gòn.
Người giấu tên:
Thưa ông, với trên nửa thế kỷ cầm bút, trải qua nhiều thời kỳ văn học VN, từ thời kháng chiến chống Pháp tới ngày hôm nay, ông có nhận định gì về:
a- Nền văn học VN hiện tại?
b- Về những người trẻ cầm bút, thế hệ trưởng thành sau cột mốc 30 tháng 4-1975?
Nhà Văn Văn Quang Trả Lời:
Hai câu hỏi của bạn đúng là “hóc búa”. Nhưng tôi không hiểu tại sao bạn cần giấu tên? Trước hết xin trả lời bạn, tôi không phải là nhà phê bình, nghiên cứu hay lý luận văn học. Tôi chú trọng đến sáng tác của chính mình nhiều hơn. Người sáng tác sau khi buông bút ra, cũng chỉ là một độc giả. Nếu có khác, tôi đọc của những tác giả khác để biết, để học tập thêm cái hay, loại trừ được cái dở của chính mình. Nhận định về nền văn học với tư cách là một độc giả, tôi đã thấy có quá nhiều khó khăn rồi. Nền văn học hiện tại cũng phải chia ra làm nhiều thời kỳ và hiểu theo nghĩa thông thường, có hai nền văn học khác nhau. Một ở trong nước từ năm 1975 tới nay và một ở nước ngoài.
Ở trong nước cũng phải kể qua vài giai đoạn theo với trào lưu của xã hội như “thời bao cấp, thời đóng cửa, thời bắt đầu mở cửa….” Còn mở cái gì, mở ra sao, phải nhận định cụ thể và chính xác chứ không nên nói mơ hồ. Việc này tôi xin dành cho những nhà nghiên cứu phê bình văn học lên tiếng chắc chắn sẽ sâu sắc hơn.
Riêng tôi, tuy chưa thấy được những tác phẩm văn học điển hình của các nhà văn trẻ, nhưng tôi vẫn luôn hy vọng rằng những nhà văn trẻ VN sẽ mang đến cho chúng ta một dòng văn học mới, tiến bộ hơn, chân thật hơn, không vì những ham muốn cá nhân, không vì bất cứ một thế lực nào áp đặt được.
Tôi hiểu rằng câu trả lời của tôi chưa thể làm bạn hài lòng và cũng có thể khác với nhận định của bạn. Nhưng thật ra tôi có nói mãi cũng chẳng bao giờ hết. Nó là vấn đề bao la quá. Tôi xin nhường chỗ cho những nhà phê bình văn học, những vị có đầy đủ tài liệu, bỏ công nghiên cứu và đánh giá chính xác hơn. Tôi không dám ăn ốc nói mò và không dám phê phán văng mạng, như thế là tự mình làm mất sự tôn trọng của độc giả mà thôi.
Chúc bạn tìm hiểu được vấn đề này nhiều hơn qua những tài liệu khác.
Hoàng Thanh Hùng:
Thưa nhà văn Văn Quang không phải là nhà văn hay nhà thơ, nhưng là người yêu văn chương nên tôi tìm đọc được cũng khá nhiều tác phẩm thơ cũng như truyện của những cây bút trẻ Việt Nam hiện nay.
Cảm tưởng nổi cộm nhất trong tôi là thế hệ nhà văn cũng như nhà thơ mới hiện nay, họ có vẻ như ganh đua nhau trong việc mô tả một cách táo tợn về những vụ làm tình…
Nếu tôi nhớ không lầm thì có tác giả đã tưởng tượng nhân vật của mình được làm tình với cha chồng khi cô đứng trước bàn thờ cha chồng…
Tôi cũng có cảm tưởng mà tôi hy vọng là tôi sai, khi thấy dường như các tác giả trẻ càng ngày càng cố gắng nghĩ ra những cuộc làm tình quái đản, ma quái, dễ sợ hơn nữa, để chứng tỏ “đẳng cấp cao” trong “sự nghiệp” văn chương của họ.
Nếu nhà văn có nhận thấy hiện tượng này thì tôi xin nhà văn cho biết ý kiến riêng của mình.
Xin cảm ơn nhà văn.
Nhà Văn Văn Quang Trả Lời:
Bạn hơi khắt khe với những nhà văn trẻ đấy bạn ạ. Tuy nhiên tôi thông cảm với những nhận xét của bạn. Bạn đã rất bực mình khi đọc một số nhà văn trẻ (ở cả “bên này” hay bên kia”) diễn tả quá đáng về những vụ làm tình. Tôi phải thưa với bạn rằng đôi khi mô tả như thế là sự cần thiết trong bố cục của một tác phầm, dù là truyện dài hay truyện ngắn. Nó cần thiết vì phải làm nổi bật một tính cách nào đó của nhân vật mình đã khai sinh ra nó hay hơn thế, đó lại là một sự thật. Song tôi cho là hầu hết những đoạn văn tả tình tả cảnh đó là tưởng tượng. Óc tưởng tượng càng phong phú, càng lôi cuốn. Và cũng chính vì muốn lôi cuốn hơn người khác, muốn “trội” hơn người khác nên trở thành “quái đản, ma quái, dễ sợ” đúng như bạn nói.
Đáng trách là nếu nhà văn trẻ của chúng ta mượn con đường “khiêu dâm” đó làm bậc thang đi lên cho sự nghiệp văn chương của mình. Nhưng bạn không nên buồn vì chẳng sớm thì muộn luật đào thải sẽ loại những “nhà văn” đó ra bên lề cuộc sống văn chương đích thực. Họ không thể trụ lại trong cái lâu đài óng ánh xây trên cát.
Tôi cũng như bạn, đã đọc một số những truyện ngắn truyện dài mà bạn cho là quái đản ấy. Tôi thấy lối viết như vậy chẳng khác gì mấy cô cẳng dài, mấy ca sĩ mầm non tự tạo scandal về tình ái, thậm chí cả tình dục để làm nổi tên tuổi mình. Tự mình sẽ hại mình thôi.
Riêng chuyện bạn đề cập tới “có tác giả đã tưởng tượng nhân vật của mình được làm tình với cha chồng khi cô đứng trước bàn thờ cha chồng…”, có lẽ tôi hiểu bạn muốn nói đến tập truyện ngắn gồm 7 truyện của một nhà văn nữ Đỗ Hoàng Diệu, trong đó có truyện nàng dâu theo chồng về làm giỗ cho bố chồng ở nhà quê, cách thành phố khoảng 3 giờ tàu hỏa.
Cô vợ nằm mơ thấy ông già chồng từ trên bàn thờ bò xuống hiếp dâm mình. (Tôi đã có nhận định này trong loạt bài Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự số 153 vào giữa tháng 4 năm 2006).
Tôi cho đó là một truyện hoàn toàn tưởng tượng nhưng có tính ẩn dụ. Chỉ có điều tác giả đã mô tả quá chi tiết về những cử chỉ làm tình lộ liễu, có phần thô bỉ. Ông bố chồng như cái bóng nhào ra ôm ghì lấy cô con dâu với đầy đủ những thú tính cuồng nộ.
Nhưng có phải sự cố ý của tác giả để làm nổi bật tính cách của nhân vật tưởng tượng đó không hay chỉ là cách làm cho truyện của mình hấp dẫn thêm, hơn hẳn những người viết văn khác nên nó trở thành thô bỉ? Từ mặt trái đến mặt phải của một bức tranh khỏa thân có nghệ thuật hay chỉ là sư phô trương thân xác tầm thường chỉ cách nhau có một ly thôi. Và cũng tùy theo con mắt thẩm mỹ của mỗi người.
Thúy Thu Lê:
Cháu có nghe Bố Mẹ nói đến phim Chân Trời Tím, nay mới có dịp đọc trên báo Người Việt, cháu cắt từng kỳ cất lại, mỗi kỳ họ đăng ít quá, mà cháu thì hồi hộp mong biết kết thúc. Thưa chú, cháu tò mò muốn biết khởi đầu điều gì khiến chú viết nên Chân Trời Tím? Nó có bao nhiêu phần trăm sự thật? Chú viết trong bao lâu thì xong? Chú kể lại, lý do nào nó được quay thành phim? Nói chung là cháu muốn biết những gì chung quanh Chân Trời Tím càng nhiều càng tốt. Cám ơn chú.
Nhà văn Văn Quang trả lời:
Cảm ơn cháu đã hồi hộp theo dõi Chân Trời Tím, chú nghĩ là cháu còn rất trẻ. Vào thế hệ của bố mẹ cháu, chắc là cùng thế hệ với chú, Chân Trời Tím được nhiều độc giả dành cho tình cảm rất nồng hậu. Bây giờ truyền ngọn lửa lại cho thế hệ của cháu ở nước ngoài là điều đáng mừng.
Cháu muốn đọc nhiều truyện dài ấy hàng ngày thì chỉ có cách giục ông báo Người Việt đăng nhiều hơn mà thôi, chú chẳng làm gì được. Trang báo có hạn, còn phải để dành cho những mục khác nữa chứ. Cháu cứ từ từ theo dõi xem kết cục đi đến đâu nhé?
Cháu hỏi “khởi đầu điều gì đã khiến chú viết Chân Trời Tím” là đụng đến máu nghề nghiệp của chú rồi đó. Chú là lính trong QLVNCH, ngay từ những năm khởi đầu cuộc chiến chú đã là phóng viên đi nhiều chiến trường tại miền Nam VN. Cho nên truyện chú viết có đến 90% sự thật. Chỉ có tên các nhân vật, đôi khi vị trí là do chú hình dung ra qua các chiến trường. Chú nghĩ chiến trường nào cũng gần như nhau. Những người lính cũng sống và chiến đấu như nhau. Mỗi người mang một hoàn cảnh khác, một tâm trạng khác, nhưng khi chiến đấu họ là một.
Chú cũng muốn làm nỗi bật tính cách thật nhất của người lính, từ đời sống riêng tư đến đời sống trong quân ngũ. Ngoài những giây phút chiến đấu ngoài chiến trường, đời sống tình cảm riêng tư cũng rất sôi nổi. Chú vẫn nghĩ đó là bản anh hùng ca của tình yêu và quân ngũ. Chân Trời Tím ra đời từ những ý thức đó.
Chú viết Chân Trời Tím đăng báo hàng ngày, hồi đó chú cũng viết từng ngày. Cứ sáng ra là tòa báo cho người đến lấy bài về cho thợ sắp chữ, báo in typo. Chú không nhớ rõ đã viết trong bao nhiêu ngày. Có thể là trong hai ba tháng gì đó. Rất may là nó đã gây được tiếng vang và khi xuất bản rồi tái bản nó cũng được đón nhận nồng nhiệt. Lúc đó ở Sài Gòn có nhiều hãng phim tư nhân muốn làm thành phim. Nhưng họ muốn làm một cuốn phim đặc biệt hơn những cuốn khác nên 7 hãng phim tư nhân đã cùng nhau hợp tác để làm cuốn phim này. Lúc đó ông Quốc Phong đang làm chủ nhiệm tuần báo Kịch Ảnh, được các hãng phim bầu là Tổng giám đốc 7 hãng phim, lấy tên là Liên Ảnh Phim.
Vào thời đó kỹ thuật điện ảnh cinemscope mới ra đời, chưa có hãng phim nào ở VN chịu nổi phí tổn quay cinemascope. Hãng Liên Ảnh đã quyết định đầu tư làm phim CTT theo kỹ thuật cinemascope màu.
Chú Mai Thảo và chú được mời viết kịch bản cho phim này. Lúc đó gọi là “phóng tác theo tiểu thuyết Chân Trời Tím”. Tất nhiên khi phóng tác một truyện dài thành phim ảnh phải bỏ đi rất nhiều tình tiết. Còn lại chừng 50% đã là khá rồi.
Chú kể một chuyện ít người biết, tạm gọi là một “bí mật” cho riêng cháu nghe nhé. Lúc đầu Liên Ảnh định mời đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc làm đạo diễn cho phim này với một số tài tử như Kiều Chinh, Thanh Lan cùng một anh sinh viên rất cao ráo bảnh trai làm tài tử chính. Nhưng sau một thời gian, 7 ông chủ hãng phim ngồi vào bàn bạc, không đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của đạo diễn, về phương diện kỹ thuật và diễn viên thôi chứ không phải về tài chánh. Sau đó hãng phim Liên Ảnh mời chú Lê Hoàng Hoa làm đạo diễn và hai vai chính dành cho nghệ sĩ Hùng Cường và Kim Vui. Bản nhạc chính là “Nửa Hồn Thương Đau” của chú Phạm Đình Chương, do cô Thái Thanh hát.
Cuốn phim quay trong vài tháng chú không nhớ rõ, trong đó có Sài Gòn, khách sạn Continental, tiền đồn Suối Dầu ở Nha Trang, bãi bể Cam Ranh…
Sau đó phim được chiếu rộng rãi ở hầu hết các tỉnh thành lớn ở miền Nam VN. Vài tháng sau chiếu ở Pháp và ở Lào.
Chú kể như thế là nhiều rồi, phải không cháu? Chúc cháu khỏe và cho chú gửi lời thăm Bố Mẹ cháu.
HoangThanhHung:
Thưa ông, như tôi biết mong là không sai lắm thì ông là một trong những nhà văn nổi tiếng của miền nam Việt Nam thời trước tháng 4 năm 1975. Do đó, câu hỏi của tôi là trong tư cách một nhà văn nổi tiếng dài lâu như vậy thì ông đã nhận được những vinh quang gì? Và ngược lại tức mặt bên kia của vinh quang có là những tai họa không thưa ông?
Nhà Văn Văn Quang Trả Lời:
Trong cuộc đời viết văn làm báo của tôi, cứ tạm kể là hơn 50 năm, làm sao tránh khỏi cái vinh nhục trong nghề nghiệp. Tôi vẫn quan niệm làm báo là một nghề, viết văn là nghiệp. Đó là thứ nghề nghiệp luôn phải va chạm với hầu như mọi sự kiện xã hội, cả tốt và xấu từ chuyện nhỏ đế chuyện lớn. “Làm dâu trăm họ” tránh sao khỏi người yêu kẻ ghét, đó là chuyện tất nhiên phải chấp nhận như một phần luôn hiện diện trong sự nghiệp của mình. Khi còn viết là anh còn có nhiều kẻ thù. Kẻ thù trước mặt và kẻ thù sau lưng. Và, tấm huy chương nào cũng có hai mặt.
Nhưng định nghĩa vinh quang là gì? Với tôi đó là những thành công trong công việc, trong tác phẩm mình đã sáng tạo ra có ích cho con người, có lợi cho xã hội chứ không phải là những ca tụng kiểu mặc áo thụng vái nhau. Sự vinh quang đích thực nằm trong sự đánh giá của độc giả. Đồng thời phải đánh giá chính mình, không ngạo mạn, không kiêu căng coi mình là “cái rốn của vũ trụ”. Dù có là ai, có là gì thì cũng chỉ là hạt cát trong sa mạc.
Khi đã là người “nổi tiếng” như bạn nói, muốn hay không cũng đã là người của công chúng. Có lẽ khi còn trẻ, mới bước vào “nghề”, ai cũng cần có tên tuổi và rất hãnh diện, thích thú với cái “danh” đó. Nhưng lầu dần rồi thấy chính cái “danh” ấy hạn chế rất nhiều điều những sở thích riêng tư và lâu dần nó trở thành một sự phức tạp, đôi khi phiền toái cho cuộc sống tự do cá nhân. Bị những người bất đồng quan điểm hay chỉ vì sự đố kỵ ghen ghét cũng có thể bị xuyên tạc, vu khống. “Chữ tài liền với chữ tai một vần”, tai họa đến với tôi không phải là ít. Tuy nhiên trong cuộc sống đôi khi “phúc” là “họa” mà “họa” lại là “phúc”, như trường hợp tái ông thất mã vậy.
Nhưng thôi bạn ạ “Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn, trời gần, trời xa”.
Nghĩ vậy tôi đã rất thản nhiên trước mọi cám dỗ của danh vọng, dửng dưng trước mọi tâm địa xấu xa của kẻ thù. Có lẽ một phần lúc này tuổi cũng đã cao, hướng tới một cuộc sống thanh thản hơn.
Bích Thuận:
Theo bản tin của trang mạng dultule.com tôi được biết ngoài tư cách nhà văn viết tiểu thuyết lãng mạn ông còn là một nhà văn viết phóng sự xã hội nữa. Tôi hiểu đó là hai thể loại văn xuôi khác nhau. Nhưng tôi không thể tự phân biệt một cách rành mạch cụ thể về sự khác biệt của hai thể loại đó. Vậy nên tôi xin ông phân biệt cho tôi biết sự khác nhau giữa hai thể loại văn xuôi ấy. Tôi xin được gửi lời cám ơn ông trước.
Nhà Văn Văn Quang Trả Lời:
Hai thể loại bạn vừa đề cập đến là hai loại gần giống nhau. Khác nhau về nội dung và cách mô tả sự việc. Trong tiểu thuyết, tôi không phân biệt là tiểu thuyết lãng mạn hay không lãng mạn. Cũng như nhiều người thường phân biệt kỹ là tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết tâm lý. Trong tiểu thuyết tự nó đã có tính xã hội trong đó rồi. Chẳng qua, đôi khi người viết nặng về mặt này hay mặt kia thôi.
Điều có thể dễ dàng nhận thấy ở thể loại tiểu thuyết, các nhân vật, hoàn cảnh, sự việc hầu hết được tiểu thuyết hóa, có nghĩa là những thứ đó không phải là sự việc có thật ở ngoài đời. Tất cả hay một phần lớn là do tác giả sáng tạo ra. Từ đó gửi gấm được những suy tư, tâm tình của mình.
Trong phóng sự xã hội lại là những chuyện tai nghe mắt thấy trong đời sống thường ngày. Từ đó nội dung và cách diễn tả cũng phải viết theo cách đó. Trong phóng sự, hầu hết không cần diễn tả tỉ mỉ đến những chi tiết về tình cảm, tâm lý nhân vật khi xảy ra sự việc. Cái cần là sự thật đã xảy ra như thế nào để trả lời được câu hỏi “ai, ở đâu, thế nào?”. Phóng sự xã hội mô tả chi tiết hơn một bản tin trên báo hàng ngày, có thể mô tả sự việc dài dòng hơn, chi tiết hơn nhưng không sáng tạo ra những cái gọi là giả tưởng.
Giữa hai cách viết trên đây, còn có thể loại tiểu thuyết phóng sự. Đúng như tên gọi của nó, thể loại này mang 50 tính hư cấu và 50% sự thật ngoài đời thường. Dựa vào những sự việc, sự kiện có thật ngoài đời, tiểu thuyết hóa thành một tác phẩm tiểu thuyết phóng sự. Cách viết ở thể loại này thường là đậm tính chất khôi hài, châm biếm làm nổi bật tính cách của những nhân vật và sự kiện ngoài xã hội.
Riêng với tôi, tùy theo đề tài muốn gửi đến độc giả, tôi sử dụng một bút pháp khác nhau. Bạn có thể so sánh Chân Trời Tím hay Ngã Tư Hoàng Hôn với Lên Đời hoặc Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ sự sẽ thấy rõ hơn.
Diệu My Hoàng:
Thưa nhà văn Văn Quang, theo như ông hiểu thì tại sao các nhà làm phim không chọn những tiểu khác của ông cũng rất nổi tiếng như các cuốn Đời Chưa Trang Điểm hay Nghìn Năm Mây Bay mà họ lại chọn các cuốn Chân Trời Tím và Nguyệt Áo Đỏ?
Nhà văn Văn Quang trả lời:
Thưa bạn Diệu My Hoàng, trong 2 cuốn tiểu thuyết của tôi mà bạn kể trên đều đã được thực hiện thành phim mang cùng tên truyện.
Cuốn phim Ngàn năm mây bay do Thái Lai phim thực hiện và ông Hoàng Anh Tuấn làm đạo diễn. Cuốn Đời chưa trang điểm do hãng phim Giao Chỉ thực hiện và do ông Hoàng Vĩnh Lộc làm đạo diễn đã được trình chiều ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành tại miền Nam VN trước những năm 1975. Còn Nguyệt Áo Đỏ chưa thực hiện thành phim. Có lẽ bạn muốn nói đến truyện Tiếng Hát Học Trò đã được hãng Alpha phim thực hiện thành phim và do ông Thái Thúc Nha làm đạo diễn.
Thật ra tất cả mọi lý do khi một cuốn tiều thuyết nào đó được thực hiện thành phim là do trước hết cuốn sách và tác giả có nhiều độc giả gây được tiếng vang, hay nói theo cách nôm na là cuốn sách đó “ăn khách” theo ý “ông chủ hãng phim”. Tác giả thường chẳng bao giờ đưa ra một đề nghị nào với hãng phim cả. Không thể nói ông nên quay cuốn này hay cuốn kia của tôi. Hãng phim tự chọn và khi quyết định ngân sách mới tìm đến thương lượng với tác giả về bản quyền.
Ông Già Bôn Sa:
Chúng tôi được biết nhà văn Văn Quang cũng là sĩ quan cấp tá của QLVNCH xưa mà thời đó, hình như quân nhân muốn viết văn làm báo thì phải xin phép Bộ Tổng Tham Mưu. Là một người nổi tiếng như ông và đã viết văn từ trước khi có cái lệnh này ông có phải xin phép không?
Nhà văn Văn Quang trả lời:
Xem ra ông Già Bôn Sa cũng là người trong Quân Đội VNCH và… rất thuộc luật lệ của quân đội. Ông bạn “phán” rất đúng, quân đội có quy định ấy vào khoảng năm 1956-57 tôi không nhớ rõ lắm. Vào thời đó tôi làm quyền trưởng Phòng Tâm Lý Chiến ở Quân khu 3 và sau đó chuyển sang làm Đại đội trưởng Đại Đội 3 Văn Nghệ cũng ở quân khu này. Tôi nhận được quy định trên và đã làm đơn xin phép bộ Tổng Tham Mưu theo hệ thống quân giai và được Đại Tá Đỗ Cao Trí, Tư lệnh quân đoàn 3 QK3 lúc đó chấp thuận chuyển lên Bộ TTM QLVNCH. Sau đó được Bộ TTM cho phép viết báo dân sự. Còn làm báo trong quân đội thì không phải xin phép.
Còn một quy định nữa về báo chí, Ông Già Bôn Sa nhớ không? Quân nhân không được phép làm chủ báo. Muốn làm chủ báo phải ra khỏi quân đội mới đứng tên chủ nhiệm trên “măng sét” báo được.
LeKinhLuan:
Thưa ông, ông viết văn vào những lúc nào? Ông có thói quen gì khi viết văn? Thí dụ hút nhiều thuốc lá, uống nhiều trà hay cà phê trong lúc viết…
Nhà Văn Văn Quang Trả Lời:
Do thói quen nghề nghiệp, chúng tôi thường viết ngay ở tòa báo và viết ngay khi công việc tạm thời rảnh rỗi hay có thể nói rảnh lúc náo viết lúc đó. Nhiều người bạn tôi, buổi trưa trời Saigon nóng bức thường ngồi ở mấy quán ăn có máy lạnh viết túi bụi. Hầu hết là những anh em viết feuilleton cho báo hàng ngày.
Đó là thời trước 1975, khi còn đang được làm việc. Sau này tôi viết vào buổi sáng sớm và buổi chiều khi trời dịu mát. Tuy vậy cũng có thời gian bị “lôi kéo” vào một truyện dài, có khi viết luôn cả đêm. Ngã Tư Hoàng Hôn ra đời sau 28 ngày đêm tôi viết như thế.
Thói quen hút thuốc lá chẳng biết “nhập” vào tôi từ bao giờ, nhưng tôi nhớ là khi còn rất trẻ, khi là Sinh viên sĩ quan trường Thủ Đức năm 1953. Nó bám theo tôi cho đến bây giờ. Ở các “trại cải tạo” không có thuốc lá thì hút thuốc lào. Khi trở về thành phố lại phì phèo thuốc lá, nhất là trong lúc viết, không có thuốc lá cứ như thiếu một cái gì, khó viết quá. Cà phê và trà cũng là món “khoái khẩu” khi viết văn, tuy nhiên nếu thiếu thì uống nước ngọt hay nước lọc cũng không thấy thiếu.
Cho đến nay tôi đang cố gắng đoạn tuyệt với thuốc lá đây bạn ạ. Bạn bè tôi bỏ thuốc lá nhiều rồi, chỉ còn tôi là hư chưa bỏ hẳn được. Nhưng rồi cũng phải bỏ hẳn thôi, phải không bạn?
Phước Đào Văn
Thưa ông, ông là một trong những nhà văn chuyên viết truyện tình lãng mạn nổi tiếng, ông có nhận được nhiều thư ái mộ của nữ giới? Và nếu không phải là câu hỏi khiến cho ông khó trả lời thì xin ông cho biết có độc giả nào sau đó trở thành “bạn” của ông không? Tôi mở đóng ngoặc chữ bạn đấy ông ạ.
Nhà Văn Văn Quang Trả Lời:
Thưa bạn, cảm ơn sự quan tâm của bạn. Tôi hiểu chữ “bạn” ở câu hỏi này có nghĩa như thế nào. Thôi thì cứ “nói thẳng, nói thật, nói hết” là độc giả đó có trở thành người yêu của tôi hay không cho dễ nói chuyện. Tất nhiên tôi cũng như nhiều người viết văn khác, nhận được thư của độc giả là… chuyện hàng ngày ở huyện. Có độc giả ái mộ, cũng có những độc giả không ái mộ hoặc có những thắc mắc khi đọc truyện. Xin thú thật với bạn là tôi rất vui khi nhận được thư của độc giả nam hay nữ. Nhưng trong số những nữ độc giả đó, hầu như không có ai trở thành người yêu của tôi cả. Có lẽ trong thời gian đó tôi… đã trót có người yêu rồi. Có nữ độc giả trở thành bạn khá thân của tôi từ ngày còn trẻ (khoảng 19-20) đến nay đã thành lão ông lão bà vẫn coi nhau như bạn thân. Cả gia đình tôi và gia đình người bạn tôi đều biết rất rõ chuyện này. Cũng chẳng có gì lạ, phải không bạn? Người yêu của tôi hầu hết là do sự quen biết tình cờ, không qua tác phẩm nào cả. Có lẽ đó lại là “số mệnh” chăng? Nhìn những người bạn quanh mình, tôi rút ra được một điều là tình bạn thường tốt đẹp và lâu bền hơn. Điều đó không là tuyệt đối, vẫn có những tình yêu qua sự quen biết giữa độc giả và nghệ sĩ nói chung, nhà văn nói riêng, vẫn đẹp như trăng rằm.
ThienNgo:
Tôi có một câu hỏi cũng thường thôi nhưng tôi muốn được ông trả lời đó là lý do gì hay trường hợp nào dẫn ông đến với nghiệp văn?
Nhà văn Văn Quang trả lời:
Câu hỏi của bạn không “thường” đâu, hơi khó trả lời đấy. Phải ngồi nhớ lại từ ngày còn trẻ mình đã mơ ước gì rồi sau đó nguyên nhân chính đưa đường dẫn lối cho mình bước vào sự nghiệp viết văn làm báo. Tôi nhớ là hồi nhỏ tôi sống ở một con phố nhỏ vùng quê. Cả huyện không có một bệnh viện, tất nhiên không có bác sĩ. Cả tỉnh cũng chỉ có 1-2 bệnh viện. Cho nên tôi mong được trở thành bác sĩ và mở BV ngay tại con phố nhỏ này. Nhưng rồi loạn ly, nhà cửa bị tiêu thổ kháng chiến, tôi phải ra Hải Phòng vừa đi dạy học vừa đi học. Từ đó quen biết với một vài nhạc sĩ, vài nhóm văn nghệ, vài anh em viết văn làm báo ở Hanoi xuống chơi. Thế là tôi bắt đầu viết văn, làm báo. Hồi đó ở Hải Phòng chưa có một tờ báo nào. Thời gian đầu (khoảng đầu năm 1953) tôi làm thông tín viên, làm tin hàng ngày ở thành phố cảng cho 1 tờ nhật báo ở Hanoi, sau đó thì viết truyện ngắn, phóng sự cho tuần báo Cải Tạo tại Hanoi. Truyện dài đầu tay của tôi được đăng trên nhật báo Thân Dân – Hanoi năm 1953. Khi ra trường sĩ quan, tôi về cục tâm lý chiến và từ đó có nhiều môi trường cho tôi tiếp tục công việc này. Viết văn như một cái nghiệp nó bám theo mình và cũng phải kể đến môi trường cho mình theo đuổi chí hướng và khả năng sáng tạo nữa bạn ạ. Có nhiều người tôi quen, cũng thích viết văn làm báo và cũng rất có khả năng nhưng trớ trêu thay hoàn cảnh lại không cho phép vì nhiều lý do khác nhau nên chỉ có vài truyện rồi bỏ dở. Rất đáng tiếc cho những tài năng bị mai một. Trường hợp đó không phải là hiếm.
Phú Phạm Hữu:
Nếu ông có một nghề khác kiếm được nhiều tiền và nhàn hạ hơn ông có chịu từ bỏ nghề viết văn? Có thì tại sao và không thì tại sao thưa ông?
Nhà văn Văn Quang trả lời:
Thưa ông, trong cuộc đời tôi cũng có đôi khi gặp trường hợp có người anh em bà con bạn bè chỉ cho con đường có thể kiếm được khá tiền hơn là viết văn. Thí dụ mở dịch vụ vi tính trong khi TP Sài gòn thời đó có rất ít computer. Một thí dụ khác và gần nhất là có người bạn chỉ đường, giúp đỡ cho tôi đi vào đường làm dịch vụ địa ốc ở Saigon, nói gọn lại là mua bán nhà đất. Từ những năm 2000 đến nay, nghề đó phát đạt lắm. Nhưng cũng không hiểu tại sao tôi không thể bỏ bút đi theo con đường tương đối nhàn hạ ấy. Tôi vẫn bị cái “nghiệp” lôi đi như… có ma ấy. Nhưng xét kỹ ra tôi vẫn cho lựa chọn của mình là đúng, dù ở đây, cái nghiệp ấy đôi khi gây phiền toái cứ như đánh đu với tinh. Song đi theo được con đường lý tưởng của mình vẫn là trên hết.
NhungTuyetPham:
Trước khi khởi công việt một cuốn tiểu thuyết ông có phải đầu tư nhiều thời gian, suy nghĩ, cân nhắc, tìm kiếm những chi tiết hay dữ kiện cần thiết cho tác phẩm của ông không?
Nhà văn Văn Quang trả lời:
Thưa bạn, đối với tôi, điều trước hết khi bắt đầu bất cứ một truyện nào là chọn chủ đề của tác phẩm. Đó là sự “đầu tư” bằng cái vốn sống và suy nghĩ của mình. Nói rõ hơn là tôi sẽ viết về vấn đề gì trong truyện trước mắt. Thí dụ trong Chân Trời Tím, tôi phải xác định viết về người lính với tất cả đời sống riêng tư và tinh thần đồng đội qua những biến chuyển của thời đại mà tôi đang sống. Tất nhiên là quân nhân đi nhiều chiến trường và đơn vị tôi có nhiều tài liệu, có nhiều cảm xúc. Tôi hoàn toàn tự tin có thể diễn tả được trung thực mọi sự kiện, mọi tâm tình trong tác phẩm của mình. Cũng thời gian ấy, đời sống xã hội Saigon có nhiều điều đáng ghi lại, cuộc sống của những người trẻ tuổi chịu ảnh hưởng của lối sống Âu Mỹ du nhập vào VN, tôi chọn đề tài này và chọn thể loại phóng sự như “Những ngày hoa mộng” đăng trên báo Truyện Phim, phóng sự “Saigon tốc” đăng trên nhật báo Chính Luận. Hoặc sau này, khi vừa đi “cải tạo” về vào năm 1987, tôi viết truyện dài “Ngã tư hoàng hôn”, tôi chọn đề tài xã hội VN trong những năm 1990 mà tôi đã từng chứng kiến, mặt phải cũng như mặt trái của con người trong thời đại này. Sau đó cuộc sống ở Saigon lại có quá nhiều biến chuyển, một tầng lớp tư sản mới ra đời, những băng đảng xã hội đen lộng hành… Tôi chọn thể loại tiểu thuyết phóng sự, để đễ dàng diễn tả mọi tính cách nhân vật và sự kiện của thời đại này. Tiểu thuyết phóng sự “Lên đời” được ra mắt bạn đọc từ đó.
Tóm lại có một chủ đề vững vàng cho một tác phẩm sẽ làm cho mình tự tin hơn, dễ dàng trong sáng tạo, nhẹ nhàng trong khi viết, trở thành đam mê không muốn buông bút dù chỉ để đi ăn hay đi café với bạn. Tuy vậy đôi khi cũng đau đầu vì những chi tiết hợp lý hay gượng ép, nên hay không nên đưa sự kiện này vào truyện, có cần tìm kiếm thêm tài liệu nữa hay không. Không thể tránh khỏi đôi khi “khựng lại” vì một nguyên nhân nào đó, đến nỗi đặt bút viết trở thành khó khăn như bị búa giáng vào đầu. Nhưng phải cố gắng vượt qua để hoàn thành tác phẩm của mình.
Trong khi viết một truyện dài, có bố cục cũng chỉ là tạm thời. Khi viết chương 1 có thể có nhiều ý hay hơn nên chương 2 lại khác với bố cục ban đầu, chương ba có thể lại có ý hay hơn. Nói cho đúng là vừa viết vừa sáng tạo thêm không nhất thiết phải đi theo bố cục có sẵn. Nhưng chủ đề thì nhất định không thay đổi vì như thế truyện sẽ loãng và lạc đề. Cũng không nên “ôm đồm” nhiều quá làm truyện thêm rối tung. Những truyện tôi viết đăng báo hàng ngày, hàng tuần không thể sửa chữa được vì viết đến đâu cho đăng báo đến đó rồi. Tuy nhiên khi xuất bản, có thể sửa lại, nhưng cũng khó mà có thể sữa chữa được trọn vẹn như mong ước.
Bạn có hiểu tôi ở VN, hầu hết những bài viết, những truyện dài truyện ngắn của tôi đăng ở báo nước ngoài, tôi thường không biết mặt mũi tờ báo đó ra sao. Lên net coi cọp, khi được khi không. Thỉnh thoảng mới được một người bạn mang về cho một tờ báo thì chỉ biết vậy thôi.
NguoiMeNhac:
Thưa ông Văn Quang, nhiều năm trước đây tôi nhớ có đọc đâu đó một tin văn nghệ liên quan tới phần nhạc của cuốn phim Chân Trời Tím. Theo tin này thì bản nhạc chính đùng cho phim Chân Trời Tím là ca khúc “Nửa Hồn Thương Đau” của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Và người đặt hàng là ông Quốc Phong, hình như thời đó là giám đốc sản xuất của cuốn phim đó. Câu hỏi của chúng tôi là:
– Những chi tiết được ghi lại đó có đúng như vậy không?
– Ông có được hỏi ý kiến trước khi phần soạn nhạc chủ đề cho phim được tiến hành?
– Và câu hỏi chót của chúng tôi là phần cá nhân ông, ông có hài lòng với bản nhạc ấy?
Nhà văn Văn Quang trả lời:
Vâng, bài hát chính trong phim Chân Trời Tím là bài “Nửa hồn thương đau” của anh Phạm Đình Chương do chị Thái Thanh hát. Người “đặt hàng” là ông Quốc Phong với tư cách là Tổng giám đốc hãng phim Liên Ảnh (gồm 7 ông bà chủ 7 hãng phim). Vì cái chức Tổng giám đốc này nên bạn bè chúng tôi thường gọi đùa ông với cái nick name là ông Tổng Cóc.
Tôi được hỏi ý kiến… cho có lệ thôi chứ thật ra chẳng có phiếu nào khi quyết định. Anh Phạm Đình Chương cũng là bạn tôi nên việc chọn “Nửa Hồn Thương Đau” cũng làm tôi vui.
Tuy nhiên có một bản nhạc mang tên Chân Trời Tím của anh Nhật Trường tức Trần Thiện Thanh, cũng là bạn tôi và người hát thành công nhất là nữ danh ca Minh Hiếu. Tôi thích cả hai bản nhạc, nhưng nếu tôi được quyền quyết định chọn nhạc chính cho Chân Trời Tím, tôi chọn bài của anh Trần Thiện Thanh. Dù có thể lời nhạc không lãng mạn, không bay bổng như “nửa hồn thương đau” nhưng bản Chân Trời Tím của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đi sát với truyện phim hơn, trong khi “nửa hồn thương đau” là tâm sự của tác giả nhiều hơn là ý chính của truyện phim. Đó chỉ là nhận định riêng tư của tôi. Anh Trần Thiện Thanh làm việc tại Phòng Văn Nghệ Cục TLC, tôi làm ở Đài Phát Thanh Quân Đội, sát vách nhau nên chúng tôi có nhiều buổi trưa tâm sự cùng nhau. Anh Trần Thiện Thanh sáng tác bản nhạc ngay sau khi Chân Trời Tím mới được xuất bản lần đầu.
Dù sao bản nhạc của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương và tiếng hát của nữ danh ca Thái Thanh cũng đã góp phần làm nên sự thành công của cuốn phim Chân Trời Tím.
Ông Nguyễn Văn…
Thưa ông, tôi muốn hỏi về bút hiệu của ông. Thưa ông người ta là Nguyễn Văn Cao nên là Văn Cao, là Nguyễn Văn Phụng nên là Văn Phụng…là Văn Vĩ, Văn Chung, Văn Hường…Tôi được biết tên thật của ông không phải là Nguyễn Văn Quang, tại sao bút hiệu của ông là Văn Quang?
Ông còn bút hiệu nào khác nữa không?
Nhà văn Văn Quang Trả Lời:
Thưa bạn, bút hiệu thường không phải là tên thật. Rất nhiều nhà văn nhà thơ lấy một bút hiệu tượng trưng cho một ý nào đó của mình. Và một nhà báo thường có vài bút hiệu khác nhau, ở mỗi thể loại dùng một bút hiệu khác. Một nhạc sĩ như cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, khi sáng tác dùng tên thật, khi hát mang tên ca sĩ Nhật Trường. Chính tôi cũng không rõ “Nhật Trường” có ý như thế nào. Điều này chỉ tác giả mới biết. Còn tên tôi, ngay từ hồi mới viết, tôi chỉ mang ý nghĩ giản dị là viết văn phải trong sáng, cố gắng làm thế nào để độc giả hiều rõ được những sự vật, những tâm trạng, những cảnh trí mình đang thấy, đang có giống như đang ở trước mặt độc giả vậy…
Đó là mong ước từ khi còn trẻ của tôi, còn có đạt được hay không là chuyện khác, tùy vào sự đánh giá của bạn đọc.
Tôi còn một vài bút hiệu khác như Hoài Giang Ngọc, dùng khi phỏng vấn ca nhạc sĩ hồi còn làm báo Kịch Ảnh, Truyện Phim hoặc tường thuật đá banh với tính cách không chuyên nghiệp. Bút hiệu Hạ Sĩ Già khi viết mục chuyện vui trên mấy tờ báo Quân Đội. Sau này còn một vài bút hiệu nữa, nhưng chỉ dùng một thời gian ngắn rồi bỏ, khi truyện xuất bản ở nước ngoài lại ký tên Văn Quang.
Nguyễn thị Thảo Sương
Thưa chú, cháu thấy nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ… của miền nam cũng như của miền bắc qua Mỹ. Cháu cũng từng có dịp chứng kiến cảnh các nhà văn nhà thơ của hai miền nói chuyện với nhau rất cởi mở thậm chí còn rất chân tình với nhau. Bao giờ thì chú qua Mỹ để tụi cháu có thể gặp mặt?
Nhà văn Văn Quang Trả Lời:
Những người được gọi là nghệ sĩ gặp nhau dù mới quen, nói chuyện thân mật với nhau có thể là qua tác phẩm đã đọc của nhau hoặc có chung một “tiếng nói”. Chú muốn nói đến quan niệm, chí hướng có nhiều điểm tương đồng. Nếu khác “tiếng nói” thì khó lòng ngồi lại nói chuyện thân mật cởi mở chân tình với nhau được. Đôi khi chỉ là sự xã giao bề ngoài thôi. Chú nghĩ là ở Saigon hay ở Mỹ cũng vậy cháu ạ.
Chú vẫn chưa thể nói với cháu bao giờ chú có dịp qua Mỹ. Bạn bè, anh em chú ở Mỹ rất nhiều, hầu như 90%. Còn các con chú ở cả bên Mỹ, nay các em ở nhiều tiểu bang khác nhau. Nhưng trong tình trạng của chú hiện nay việc đi nước ngoài là điều rất khó khăn. Tuy nhiên chú vẫn hy vọng “ngày mai trời lại sáng”. Lúc đó chú sẽ báo tin cho cháu biết nhé. Cảm ơn cháu.
Lưu Trí Đạt
Là một quân nhân, khi viết những truyện về lính, ông có bị một áp lực nào ở trên không? Thí dụ sự kiểm duyệt ngầm của các sếp, hay có một áp lực từ lương tâm, thí dụ ông đã che dấu những điều không nên nói, có thể làm ảnh hưởng đến quân đội, tập thể nơi ông đang phục vụ. Về chế độ kiểm duyệt hồi đó, những tác phẩm của ông có bị cái kéo của kiểm duyệt không? Nếu có ông có thể nói cụ thể là tác phẩm nào?
Nhà văn Văn Quang trả lời:
Câu hỏi của ông sâu sắc lắm. Ông “khai thác” đến tận cùng tâm tư của tác giả. Trước hết tôi cần phải nói ngay rằng ở trong Quân Đội VNCH trước đây không hề có chuyện các “sếp” can thiệp vào cuộc sống riêng tư của người khác, nhất là trong lãnh vực “làm văn nghệ” nói chung. Thế nên tôi không bao giờ chịu áp lực nào về sự kiểm duyệt từ các vị chỉ huy của tôi. Cũng chẳng bao giờ các “sếp” ngỏ ý phê bình những gì tôi viết dù đăng báo dân sự hay báo quân đội. Trừ khi sếp cũng là bạn, chúng tôi mới bàn luận đến tác phẩm của nhau.
Về áp lực từ nội tâm, không tránh khỏi bạn ạ. Viết về cái tốt hay cái xấu đều khó như nhau. Viết về một nhân vật tốt quá sẽ trở thành những ông thánh. Viết xấu quá có thể sẽ chỉ tỏ rõ lòng thù hận không đáng có. Những điều đó trở nên không thật. Tất nhiên là quân nhân, tôi phải yêu quý, trân trọng tập thể ấy. Phải ý thức được cái gì gây ảnh hưởng không tốt cho quân đội.
Khi đặt một vấn đề nào đó, đều có mặt phải và mặt trái của sự việc. Thí dụ nói đến đời sống quân nhân, nói đến sự hào hùng anh dũng, tình yêu quân ngũ, tình yêu đồng đội không thôi là chưa đủ, có thể coi là phiến diện. Quân nhân không phải là những ông thầy tu và cũng không ai thập toàn cả. Cho nên vẫn có những cái không tốt hay nói thẳng ra là những cái xấu (cái xấu tầm thường và bình thường) của con người như lòng ghen ghét đố kỵ, sự hợm hĩnh kiêu ngạo… Vậy nói bao nhiêu, nói thế nào cho đúng… Đó là thứ áp lực của lương tâm người cầm bút như bạn nói. Tôi đã hết sức cố gắng gạn lọc để nói được một phần trong tác phẩm của mình. Điển hình như trong Chân Trời Tím, bên cạnh những nhân vật như Phi, như Điền còn có nhân vật như ông Minh. Và tôi cũng đã nói chung khi quân đội bị lôi kéo vào những chuyện có tính chính trị, phe phái. Trong một cuộc đảo chính, “quân ta bắn quân mình”, tôi đã khẳng định: “QUÂN ĐỘI KHÔNG PHẢN BỘI AI CẢ, CHỈ CÓ NGƯỜI TA LỢI DỤNG QUÂN ĐỘI MÀ THÔI”. Xin ông đọc đoạn cuối trong Chân Trời Tím đang đăng trên báo Người Việt – Cali. Tôi đã nói được một phần tâm tư của mình và hy vọng đó cũng là tâm tư của rất nhiều đồng đội của tôi.
Tuy nhiên, tôi cũng thành thật thú nhận với ông là áp lực này luôn đè nặng lên con tim người cầm bút. Đôi khi đặt một vấn đề nặng quá sẽ làm mình ân hận. Đặt nhẹ quá thì không đủ. Áp lực đó sẽ là lâu dài.
Về lưỡi kéo kiểm duyệt của Bộ Thông Tin hồi đó cũng tùy giai đoạn, tùy đối tượng phải cắt bỏ nhiều hay ít thôi. Truyện của tôi thường là những tiểu thuyết tình cảm nên thường chẳng có gì đáng phải kiểm duyệt. Cả đến những phóng sự và tiều thuyết phóng sự của tôi cũng là những sự thật được phơi bày nên không bị lưỡi kéo cắt xén. Vả lại hồi đó đôi khi gặp “trục trặc”, tôi cũng có thể giải thích, tranh luận với người kiểm duyệt nên mọi chuyện đều có thể “thông qua”.
Cô bé khôn vặt
Thưa chú, cháu có hai câu hỏi:
a. Những cuốn truyện được quay thành phim của chú, thế nào mà chẳng có chuyện bên lề thú vị. Ai mà chẳng tò mò muốn biết những chuyện đó (cháu mà hỏi câu này thì có nhiều người thích lắm). Bây giờ chuyện đã qua lâu rồi, chú kể đi (để nhờ chú mà mọi người cám ơn cháu).
b. Thưa chú cháu nghe nói, các nhà văn, nhà thơ thường bày tỏ, trang trải cõi lòng của mình qua những nhân vật trong tác phẩm của họ. Những tình tiết trong truyện đôi khi cũng là ước mơ…không đạt của họ. Chú có vậy không? Nếu có chú chú “chỉ” cho cháu đoạn nào? ở đâu? nhân vật nào? Chú có dám trả lời thật không? chú có …s..ợ…CÔ không?
Nhà văn Văn Quang trả lời:
a/ Cái nick name của cháu sao mà đúng quá vậy? Chú là người có truyện để các hãng phim mua bản quyền quay thành phim chứ chú có phải là nhà sản xuất phim đâu. Chỉ có vài cuốn phim, chú đi theo để giúp đỡ đạo diễn về những đoạn có liên quan tới quân đội hoặc bạn bè rủ thì đi cho biết hoặc làm một cái phóng sự ngắn vậy thôi. Những chuyện bên lề chú cũng chỉ biết ít thôi, song nay cũng quên nhiều rồi. Cô bé khôn vặt “tha” cho chú đi. Chú kề cho cháu nghe một chuyện vui thôi nhé.
Hồi chú Hùng Cường nhận đóng vai chính trong phim Chân Trời Tím, hôm gặp chú ở khách sạn Continenal, nơi quay phim, chú Hùng Cường ghé tai chú nói nhỏ: “Anh ơi, cái lon hạ sĩ nhất nó ra sao và đeo ở đâu. Anh dẫn em đi mua được không?” Thế là chú phải đưa chú Hùng Cường ra tiệm An Thành ở trước cửa chợ Bến Thành mua “lon cai sếp” và phải gắn lon cho chú ấy đóng phim. Trẻ con và cả người lớn kéo nhau ra xem mặt chú Hùng Cường đông quá, chẳng ai chịu nhìn chú cả. Thế có buồn không?
Đôi chỗ vài mẩu chuyện như thế này, khi viết về bạn bè chú trong loạt bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn thiên hạ sự”, chú cũng đã nhắc đến như trong đoạn chú nói về đạo diễn Hoàng Anh Tuấn và cuốn phim Ngàn năm mây bay (có người gọi là phim Ngàn năm máy bay đấy). Cháu chịu khó đợi khi sách này xuất bản sẽ đọc nhé.
b/ Về câu hỏi thứ hai, tất cả những nhà văn nhà thơ trang trải nỗi lòng mình trong tác phẩm, qua những nhân vật là chuyện thường tình, nếu không thế thì viết để làm gì? Riêng chú, trang trải tâm tư mình rải rác trong hầu hết những truyện dài truyện ngắn của chú nên không thể chỉ rõ trong một đoạn hay một tác phẩm nào. Kể cả những ước mơ không đạt hoặc những điều đã đạt được biến thành kỷ niệm cũng được thể hiện trong đó. Chú chỉ tiết lộ với cháu “bí mật” này, đôi khi chú có những kỷ niệm riêng tư với một ai đó… chú đã phải “dàn trải khéo léo” để chỉ có 2 người biết thôi. Nó là một tình tiết rất hợp lý trong truyện, nhưng lại là của riêng mình. Như thế thú vị hơn, phải không cháu? Chú nghĩ nhiều nhà văn cũng có lối “chơi chữ” này.
Cháu thử hỏi 10 ông viết văn làm thơ xem có ông nào không sợ CÔ không? Nếu có, cho chú gửi lời bái phục. Nhưng sợ như thế nào mới là điếu đáng nói. Sống với nhau phải tương kính mới là đúng. Nếu “kính” quá mới thành sợ. Thế nên chú cứ “kính đủ đô” thôi, gọi là “nể” thì đúng hơn. Như thế vui vẻ cả làng. Cháu oái oăm thật đấy.
Huỳnh thị Bạch Tuyết
Thưa nhà văn, như nhà văn đã trả lời độc giả trên trang nhà dutule.com rằng, truyện của ông dựa vào những quan sát ghi nhận hay lấy ra từ vốn sống của mình. Nhưng tôi nghĩ ít nhiều gì thì phần tưởng tượng hay phần hư cấu cũng phải có. Nên câu hỏi của tôi là có bao nhiêu phần trăm sự thật trong truyện của ông? Hoặc, có bao nhiêu phần trăm hư cấu?
Nhà văn Văn Quang trả lời:
Thưa bạn, tùy theo thể loại, để quyết định tính chất hư cấu hay toàn là sự thật. Nhưng tất cả phải dựa trên cái vốn sống, vốn hiều biết, tìm tòi và suy luận của mình. Dù là hư cấu cũng phải dựa trên sự thật. Không có sự thật thì không có văn học nghệ thuật nữa.
Tôi lấy những tác phẩm của tôi gần đây nhất để bạn có thể so sánh. Hy vọng đáp lại được mong muốn của bạn.
Tôi xin nói rõ hơn là trong thể loại tiều thuyết mà chúng ta thường gặp, hầu như 90% nhân vật là hư cấu. Nhưng cũng 100% là sự thật đang có trong thời đại mà tác giả đang sống. Tôi cũng vây thôi, tên tuổi, hoàn cảnh, nhân vật sống trong tiểu thuyết là hư cấu, nhưng chính nhân vật ấy chuyên chở những sự việc chính của thời đại mình. Xã hội trong truyện chính là hơi thở của thời đại mình. Toàn truyện phản ảnh được tâm tư, nguyện vọng, tình trạng của mọi người. Thí dụ trong truyện dài Ngã Tư Hoàng Hôn, tôi mang cái khát khao được diễn tả về những đổi thay của con người và Thành phố Sài Gòn trong thập niên 1990- 2000, và nhiều điều còn đúng cho tới hôm nay (2010).
Trong tiều thuyết phóng sự Lên Đời, có 50% sự thật và 50% hư cấu, song lối viết khác, hài hước, châm biếm, nói toạc ra mọi thủ đoạn, mọi tính cách xảo quyệt của đám được gọi là “tư sản mới” và dân “giang hồ có số má”.
Trong loạt bài phóng sự Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự thì không có gì là hư cấu, 100% hoàn toàn là sự thật trắng trợn ngoài đời. Tôi viết với tất cả những bằng chứng xác thực nhất, chứng minh cụ thể từng tên nhân vật, từng nơi chốn, từng sự việc cùng với những nhận định của mình và tiếng nói của những người dân, biết mà không thể nói ra.
Trịnh Văn Mạnh
Nói theo người xưa là “văn dĩ tải đạo”. Nhưng nếu hoàn cảnh hay thời thế không cho phép một nhà văn được viết hay không thể viết những điều mình muốn viết thì trong trường hợp đó, như trường hợp của ông chẳng hạn, ông sẽ làm gì hay sẽ chọn làm gì để thay thế cho phần không thể kia?
Nhà văn Văn Quang trả lời:
Rất cảm ơn bạn đã hiểu tôi đang ở trong hoàn cảnh nào. Khi không viết được sự thật thì cách tốt hơn hết là không viết hay chưa nên viết. Bởi có viết cũng chỉ được 1-2 bài rồi lại buộc phải chấm dứt thì chỉ phiền thêm ra mà thôi. Và, tôi cũng không thích viết theo cái lối “vô thưởng vô phạt”. Tuy nhiên bằng một cách nào đó, vẫn có thể tìm được một con đường đi lâu dài. Mỗi người có một con đường đi của mình, không thể rời bỏ lý tưởng mà mình đã theo đuổi trong suốt cuộc đời. Đó là điều cần phải có và là quan trọng nhất. Tôi hy vọng sẽ có một ngày lại được gặp bạn đọc trong một tác phẩm luôn ấp ủ từ trong đáy sâu tâm tư mình. Không viết được không có nghĩa là không suy nghĩ được. Không làm được lúc này không có nghĩa là mãi mãi chìm trong tăm tối.
Mong bạn hiểu ý của tôi và xin cảm ơn bạn. Được một người hiểu mình là một hạnh phúc lớn với tôi trong thời gian này.
Khuyết danh
Thưa ông, có người nói rằng, viết văn cũng như bất cứ một ngành nghề nào khác, kinh nghiệm là cái giúp ích rất nhiều nếu không muốn nói là rất đáng kể trong sự nghiệp của những người theo đuổi ngành nghề ấy. Vậy phần cá nhân ông thì ông có thấy sự hữu dụng của kinh nghiệm không? Nếu có thì kinh nghiệm đã giúp ông một cách cụ thể như thế nào?
Nhà văn Văn Quang trả lời:
Thưa ông,đúng vậy kinh nghiệm bao giờ và ở đâu cũng đáng quý. Cụ thể nhất là trong cuộc sống của tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm và nhiều cung bậc trong đời sống tình cảm. Tôi xin kể ngay một kinh nghiệm thuộc phạm vi công việc và cũng là nghề nghiệp. Năm 1956, khi tôi làm trưởng ban biên tập báo Quân Đội (sau đổi tên là báo Chiến Sĩ Cộng Hòa), tôi đã viết một bài phê bình tập thơ của một tác giả được Phòng Tâm Lý Chiến quân khu xuất bản. Tôi cho rằng Phòng TLC quân khu đã lãng phí ngân sách, xuất bản một tập thơ quá tầm thường, nên để xuất bản cuốn sách của nhiều tác giả là quân nhân trong quân khu đó. Lời lẽ bài viết khá nặng nề, sau đó tôi bị “hạ tầng công tác”, đang làm trưởng ban báo chí thuộc Nha CTTL Bộ Quốc Phòng, xuống làm trưởng ban báo chí Bộ TTM rồi đi quân khu 3 ở Pleiku. Tôi hiều ra rằng tôi đã sai, tuổi trẻ “hăng tiết vịt” khi đả kích quá đáng và làm tổn hại đến một nhà thơ, làm mất mặt phòng TLC quân khu, ảnh hưởng đến công tác tâm lý chiến. Lẽ ra việc này nên phê bình thẳng thắn trong một cuộc họp tham mưu hơn là viết một bài báo cho tất cả quân nhân trong nước đọc. Từ kinh nghiệm ấy cho tôi bài học là phải cân nhắc thận trọng trong công việc, nhất là trong các bài viết bất kể thể loại nào.
Kinh nghiệm khác quý báu trong cuộc sống của tôi là không được ngã lòng trước mọi biến chuyển đến với mình. Bình tĩnh đón nhận nó (bình tĩnh chứ khó mà bình thản) vì không còn cách nào khác, từ đó tìm ra con đường mình phải đi tới.
Trong đời sống tình cảm, nói chung là tình yêu, tình bạn và đối với những người quanh ta thì có quá nhiều điều có thể rút ra làm kinh nghiệm sống, không thể nói hết. Tôi chỉ xin tóm tắt là nên tôn trọng mọi người và tìm cái sai của mình để sửa chữa, chứ không chỉ khoe khoang cái hay của mình để vênh váo. Xin bạn đừng cho là tôi nói chuyện đạo đức rởm ở đây. Nói có vẻ dễ, ai cũng có thể làm được, nhưng làm thì hơi khó vì cái hay của mình thường ở trước mặt, cái sai lại ở sau gáy. Người chửi mình chưa chắc đã là kẻ thù của mình, người khen mình chưa chắc đã là bạn tốt của mình. Đó cũng là kinh nghiệm sống cụ thể nhất, tôi vẫn làm theo cho tới ngày nay. Nhưng không biết có làm được không.
Nguoigoigio
Là một người có trên nửa thế kỷ cầm bút, đồng thời ông cũng trải qua quá nhiều gian truân từ đời sống thường tới đời sống của một nhà văn, tôi xin ông nếu được giải thích cho tôi biết bằng vào kinh nghiệm của bản thân ông là: Tại sao có lúc người nhà văn đó viết được, viết tốt (còn gọi là “lên tay”). Ngược lại có lúc viết không được tốt, hay còn gọi là “xuống tay”? Thưa ông, có thể câu hỏi của tôi không được rõ lắm, nhưng tôi tin ông hiểu điều tôi muốn hỏi. Xin cảm ơn ông trước.
Nhà văn Văn Quang trả lời:
Thưa bạn, tôi hiểu câu hỏi của bạn, một câu hỏi rất hay. Với kinh nghiệm của tôi xuyên qua những tác phẩm ở mọi thể loại, tôi thấy người viết “lên tay” hay “xuống tay” là chuyện rất thường gặp trong hàng loạt tác phẩm của người viết văn. Không thể nói truyện nào của tôi cũng hay hoặc ngược lại, chẳng ai muốn nhận xét truyện nào của tôi cũng dở. Tôi vẫn thường hy vọng truyện sắp viết sẽ hay hơn truyện đã viết. Nhưng thật ra có những truyện viết xong mới biết là nó hay hoặc dở.
Theo tôi, khi viết “lên tay”, trước hết là phải tin vào đề tài mình chọn là đúng, hiểu biết sâu sắc về những tình tiết sẽ diễn tả. Thật sự tự tin, thích thú và đam mê với đề tài đó.
Người viết “xuống tay” thường là khi bí đề tài hoặc không thích thú lắm với đề tài đó hoặc phải “cung cấp” thường xuyên bài vở cho các báo nên cứ “tạm” chọn đề tài viết cho xong. Tôi chưa nói tới hoàn cảnh khách quan chi phối như chuyện gia đình, chuyện bệnh tật, chán chường vì “cuộc đời bất công”… Đôi khi vì tuổi tác, vì sức khỏe, vì môi trường sống nhạt nhẽo nhàm chán cũng khó mà viết “lên tay” được. Tuy nhiên cũng không loại trừ có những vị càng nhiều tuổi viết càng hay, “gừng càng già càng cay” là thế, phải không bạn?
Nhà Văn Văn Quang – Đôi lời với độc giả:
Thưa bạn đọc,
Hơn 20 câu hỏi của độc giả dành cho tôi trên trang web này trong những ngày qua là một niềm vui, một nỗi xúc động đến với tôi trong lúc này. Tôi không ngờ vẫn còn được độc giả quan tâm đến thế. Trong số đó, nhiều vị độc giả cao niên chia sẻ, cảm thông với những khó khăn của tôi mà chắc quý bạn đã thừa biết lý do. Đồng thời cũng có khá nhiều những độc giả trẻ cũng chú ý đến những tác phẩm của tôi từ thời “xa xưa” như Chân Trời Tím và cả những bài viết gần đây nhất như Lên Đời, Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự. Thật ra tôi vẫn nghĩ rằng lớp người trẻ tuổi VN ở hải ngoại rất ít đọc hoặc không đọc báo Việt ngữ. Nhưng qua những câu hỏi ở đây đã minh chứng, còn rất nhiều bạn trẻ VN ở hải ngoại vẫn tha thiết với tiếng nước nhà. Đó là một dấu hiệu đáng mừng cho văn hóa VN nói chung chứ không phải cho riêng tôi.
Với những câu tôi đã trả lời các bạn, tôi hiểu còn nhiều điều chưa thể làm bạn đọc hoàn toàn hài lòng. Nhưng tôi đã rất thành thật trả lời những gì mình biết, mình nghĩ, không dám “nói leo” sang những lãnh vực khác. Có một điều chắc nhiều vị đang muốn biết là đến bao giờ tôi có thể lại gửi những bài viết đến với độc giả nước ngoài như đã từng làm trong hơn 10 năm qua.
Đó cũng là suy nghĩ rất gay go của tôi trong lúc khó khăn này. Viết thế nào để có thể thường xuyên, liên tục đến với độc giả chứ không phải đang viết bỗng bị “ngừng ngang xương” như đã từng xảy ra. Tuy nhiên viết thế nào để vẫn đi theo con đường mà mình đã lựa chọn, không chịu một áp lực nào, không vì một lý do gì có thể khống chế tư tưởng mình. Tôi hy vọng ngày ấy sẽ không xa.
Xin cảm ơn tất cả độc giả đã thăm hỏi, khích lệ và những độc giả đã quan tâm theo dõi những câu trả lời của tôi và xin ghi nhận tình cảm của dutule.com đã dành cho tôi cơ hội được tâm tình với độc giả.
2010
Nguồn: dutule.com
0 Bình luận