Truyện tranh ở Việt Nam, ba mươi năm nhìn lại
Dịp Tết Nguyên Đán vừa rồi, tôi gặp lại mấy đứa cháu trong nhà. Tôi hỏi, dạo này các cháu đọc truyện gì, tất nhiên ý tôi nói tới truyện tranh, vì chúng cũng đã ở độ tuổi học sinh cấp hai, cấp ba như chúng tôi ngày ấy, tức là đã bước vào giai đoạn đọc truyện tranh có ý thức. Trong mắt đám nhóc này, tôi luôn là một ông chú cun ngầu tột bậc, chuyện, mấy ai có được ông chú ngoài ba mươi tuổi lại có thể thơn thớt nói cười về cõi truyện tranh mênh mông rộng lớn trải suốt từ thế hệ mấy ông già sang tới thế hệ thanh thiếu niên hiện tại. Thay vì những lời kêu ca “rát cổ bỏng họng” của cha mẹ chúng về chuyện chúng lười đọc sách mà chỉ cắm mặt vào mấy quyển truyện tranh “đọc vèo cái là hết”, tôi luôn được lòng mấy đứa này vì có thể cùng bình luận và tư vấn cho chúng nên đọc bộ này bộ kia, sau rốt, khi đã xây dựng được lời nói đầy sức thuyết phục, lúc ấy, tôi xui đọc sách gì mà chúng chẳng nghe (haha).
Suy nghĩ như cha mẹ của các cháu tôi không phải là hiếm, nổi tiếng nhất trong những năm gần đây chính là phát ngôn (phải nói là) trong sáng của một cháu bé được xưng tụng là thần đồng rằng cháu không đọc truyện tranh vì mẹ cháu bảo truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn. Nghe mà lặng người, hoá ra khu vườn tâm hồn đầy hoa lá, rất đậm hương và rộn tiếng chim (Tố Hữu) của rất rất nhiều người trên toàn thế giới đã không hề được phun thuốc trừ sâu!! Kể câu chuyện như vậy làm vui để thấy rằng hoá ra những định kiến tiêu cực về truyện tranh vẫn còn rất mạnh ngay cả ở thế hệ những người đã sinh ra và lớn lên trong thời kì Đổi Mới và Cởi Mở từ cuối thập niên 1980 ở nước ta. Vậy truyện tranh ở Việt Nam đã đi được những bước đi thế nào? Chất lượng, thể loại và tư duy về truyện tranh đã thay đổi ra sao? Nhân dịp sau Tết đám trẻ nghỉ học ở nhà vì dịch bệnh đang rất cần sách truyện để giải trí, tôi nghĩ về việc nhìn lại hành trình ba mươi năm đã qua, tính từ năm 1990, của một thể loại vô cùng độc đáo nhưng chưa có được sự ghi nhận và đánh giá đúng mực trong lòng xã hội Việt Nam.
Trong bối cảnh lịch sử những năm 80, việc truyện tranh Việt Nam kém phát triển là điều hoàn toàn dễ hiểu. Không như văn học, mỹ thuật hay điện ảnh, kịch nghệ ít nhiều vẫn có được những tác phẩm đáng chú ý, truyện tranh hoàn toàn bị gạt khỏi đời sống văn hoá chính thống. Người ta chỉ biết tới hai bộ nổi tiếng nhất phỏng theo hai trong số Tứ đại danh tác là Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ và Tây Du Ký liên hoàn hoạ, là những bộ truyện tranh của Trung Quốc vẽ theo lối hội hoạ Trung Hoa cổ truyền. Đọc các bộ truyện này có cảm giác đó là sự kết hợp giữa việc đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tây Du Ký bằng cổ văn và xem kinh kịch; hình thái nghệ thuật truyện tranh vẫn còn rất xa so với truyện tranh hiện đại vì các bộ liên hoàn hoạ này được ra mắt lần đầu ở Trung Quốc từ tận đầu thế kỷ 20, phỏng theo các tác phẩm văn học, truyện tích cổ điển của nền văn hoá Trung Hoa như Tứ đại danh tác, Phong Thần Diễn Nghĩa, Hán Sở Diễn Nghĩa, v. v…
Truyện tranh chỉ thực sự bắt đầu bước chân vào đời sống văn hoá Việt Nam kể từ dấu mốc đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 12 năm 1986, bắt đầu thời kỳ Đổi Mới và Cởi Mở. Chỉ sau vài năm, cùng với bộ mặt xã hội, truyện tranh ở Việt Nam đã có những bước phát triển rõ rệt mà sau đây chúng ta sẽ điểm lại theo từng giai đoạn.
(Để tiện cho việc theo dõi, xin được giải thích và quy ước một số thuật ngữ.
Ngày nay, người ta sử dụng các từ phiên âm Latinh như manga, manhua, và manhwa đôi lúc gây nhầm lẫn cho người đọc. Về mặt chữ viết, đó đều là một từ có phiên âm Hán Việt là mạn hoạ; cách viết giản thể: 漫画; phồn thể: 漫畫. Mạn hoạ dịch ra tiếng Việt chính là truyện tranh, tức là khi nói “truyện tranh manga”, thực chất là nói sai. Trong lịch sử phát triển truyện tranh, có những nền truyện tranh đã đạt được những dấu ấn riêng biệt, vì vậy, người ta sử dụng chính danh từ “truyện tranh” trong ngôn ngữ nước ấy để chỉ các sản phẩm truyện tranh xuất xứ từ các nước này. Sau đây để ngắn gọn, sẽ quy ước như sau:
manga: truyện tranh Nhật Bản – mangaka: mạn hoạ gia, tác giả truyện tranh Nhật Bản
manhua: truyện tranh Hoa ngữ
manhwa: truyện tranh Hàn Quốc
comic: truyện tranh phương Tây nói chung
truyện tranh Việt Nam: truyện tranh Việt Nam)
*Lưu ý: trong khuôn khổ bài viết này, tôi lựa chọn tính thập niên theo cách quản lý đầu số, ví dụ như 90-91-91…-98-99 coi là một thập niên. Cách tính này không thể hiện quan điểm của tôi về việc một thập kỷ bắt đầu từ năm số 0 hay năm số 1. Mong bạn đọc thông cảm và không tranh cãi về vấn đề này. Các mốc thời gian đều là năm xuất bản lần đầu trong nước, số liệu theo nguồn lưu trữ của Thư viện quốc gia Việt Nam và trí nhớ của người viết.
Giai đoạn 1990-1999
Thập kỷ này bắt đầu bằng sự le lói xuất hiện những bộ truyện vẫn có nguồn gốc Hoa ngữ ví dụ như Phong Thần (1991), Chung Vô Diệm (1991?), Anh Em Hồ Lô (1992), v. v… Những bộ truyện này mang đậm màu sắc chủ nghĩa anh hùng Á Đông, đối tượng trực tiếp chính là độc giả nhỏ tuổi, nội dung nói về các nhân vật nam nữ anh hùng trừ gian diệt ác. Chất lượng nghệ thuật của những bộ truyện này nhìn chung còn thấp, bố cục cả về nội dung lẫn hình thức đều sơ sài, đơn giản. Gần như ở đó vắng bóng ý thức về bố cục kể chuyện, hay còn có thể hiểu như những phân cảnh chính phụ tạo nên nhịp điệu cho mạch truyện, các trang truyện với lời dẫn, lời thoại cứ đều đều vô cảm tiếp diễn, không khác nào nghe radio thời sự, giọng đọc của phát thanh viên tịnh không cảm xúc. Tuy vậy, ở thời điểm ấy khó có thể đòi hỏi hơn nên nó vẫn thu hút được sự quan tâm của các độc giả ở độ tuổi nhi đồng, thiếu niên, vì trẻ em ở nơi nào thì cũng đều yêu thích truyện tranh cả. Có thể đây chính là nguồn cơn cho quan điểm đã mọc rễ trong đầu óc của các bậc phụ huynh Việt Nam nói chung, những người làm công tác xuất bản văn hoá ở Việt Nam nói riêng: truyện tranh chỉ dành cho trẻ con.
Việc xuất bản truyện tranh ở Việt Nam có bước chuyển mình khi nhà xuất bản Kim Đồng phát hành bộ manga lừng danh Doraemon của tác giả Fujiko F. Fujio dưới tên gọi Đôrêmon năm 1992. Ban đầu, nhà xuất bản Kim Đồng tiến hành in vài mẩu truyện lẻ Đôrêmon trên báo Kim Đồng và in 4 tập thử nghiệm. Sau khi nhận được phản hồi vô cùng tích cực từ phía độc giả nhỏ tuổi, ban giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng đã quyết định xuất bản những tập truyện chính thức như chúng ta đã biết. Đây thực sự là một quả bom đã thay đổi nhận thức của hàng triệu trẻ em Việt Nam trước đó chưa hề được tiếp cận với văn hoá manga vốn đã ở một trình độ rất cao. (Lại) lần đầu tiên, trẻ em Việt Nam và cả những người làm công tác xuất bản truyện tranh ở Việt Nam ngỡ ngàng nhận ra, bên cạnh tính giáo dục, truyện tranh còn có thể mang đậm tính giải trí và tạo ra tác động tốt đến thẩm mỹ của người đọc. Đó cũng là lúc mà những bộ truyện tranh Việt Nam với cung cách răn dạy đạo đức, giáo điều khô khan và sự đầu tư về nội dung cũng như hình thức ở mức độ nghèo nàn đi đến hồi kết do không còn được đón nhận, điển hình là bộ Cô Tiên Xanh (1991) của tác giả Kim Khánh và Hùng Lân, nơi mà chỉ cần bạn đi xe máy phân khối lớn, đeo kính đen và để râu thì bạn đích thị là quân vô lại.
Tiếp nối thành công của Đôrêmon, thập kỷ 1990 vươn mình trở thành thập kỷ hoàng kim của truyện tranh ở Việt Nam với hàng loạt bộ manga đình đám của các tên tuổi lớn nối đuôi nhau ra mắt và giáng những cú đấm kinh hoàng vào văn hoá đọc văn xuôi của thanh thiếu nhi Việt Nam. Điển hình có thể kể ra như Siêu Quậy Téppi (Ore wa Teppei, 1995) của Tetsuya Chiba, Subasa (Captain Tsubasa, 1993) của Yōichi Takahashi, 7 Viên Ngọc Rồng (Dragon Ball, 1995) của Akira Toriyama, Đường Dẫn Đến Khung Thành (Kattobi Itto, 1998) của Motoki Monma, Nhóc Marưko (Chibi Maruko-chan, 1994) của Momoko Sakura, Thám tử lừng danh Conan (Case Closed/Detective Conan, 1995) của Gosho Aoyama, và các tuyệt phẩm của sư tổ manga Osamu Tezuka như Bác Sĩ Quái Dị (Black Jack, 1996), Cậu Bé Ba Mắt (The Three-eye One, 1995), Thái Không Phi Thử (Astro Boy, 1995?) v. v… Cách kể chuyện vô cùng đa dạng của manga làm người ta ngỡ ngàng, từ lối trường thiên tiểu thuyết cho tới lối kể tập hợp từng mẩu truyện ngắn, cốt truyện có sự nghiên cứu sâu sắc trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống và trên hết là chất lượng mỹ thuật quá tuyệt vời đã chinh phục toàn thế giới. Độc giả trẻ Việt Nam, từ nhi đồng cho tới thiếu niên và cả thanh niên chìm đắm trong thế giới manga, đối với họ, giờ đây truyện tranh đồng nghĩa với manga và chỉ manga mà thôi. Điều này khá tương đồng với việc nhắc tới phim ảnh thì đa số chúng ta sẽ nghĩ ngay tới phim Mỹ. Văn hoá manga bùng nổ tới mức Siêu Quậy Téppi được quảng cáo trên truyền hình, còn Đôrêmon và Nôbita trở thành nhân vật quảng cáo cho một nhãn hiệu bimbim sau đó bán chạy rầm rầm, kỳ tích mà sau này không một tác phẩm truyện tranh nào còn làm được.
Giai đoạn hoàng kim này mãi mãi được lưu danh trong lịch sử như thời kỳ của những bộ manga kinh điển. Đúng với logic thông thường, khi mà bạn bước những bước đầu non trẻ trong công tác xuất bản truyện tranh thời mở cửa và bạn không bị luật bản quyền chi phối, bạn sẽ đem tới cho khách hàng của mình những lựa chọn hàng đầu để họ phải trôi đi trong cơn say không lối thoát. Bạn đọc trẻ tuổi Việt Nam quả thực đã triền miên thống khoái trước sự đổ bộ của manga không khác nào trước sự trỗi dậy của ma tuý trong lòng xã hội sau Đổi Mới. Các tác phẩm manga kinh điển đã thay đổi một lần và mãi mãi thị hiếu đọc của người Việt Nam. Đây chính là thời kì mà các bậc cha mẹ vừa móc túi cho con tiền mua truyện thuê truyện, vừa không tiếc lời nguyền rủa mấy cái quyển truyện lèo tèo vài chữ đọc vèo cái là hết. Bạn đọc trẻ tuổi Việt Nam chính thức từ đây xao nhãng văn hoá đọc văn xuôi, thơ thì càng không, mặt tiêu cực này của truyện tranh ở Việt Nam phải nói là khiến cho sự phát triển văn hoá truyện tranh ở Việt Nam một cách chính thống gặp rất nhiều khó khăn do những định kiến ác cảm mà người đời gán cho nó mà thành, giống như thay vì giáo dục nâng cao tinh thần đọc sách từ sớm cho trẻ nhỏ, thì người ta lại quay sang đổ lỗi cho một thứ dễ được trẻ nhỏ tiếp nhận hơn. Và tất nhiên vì thế nên không ít tài năng từ cấp thôn xóm cho tới cấp địa cầu trong làng mỹ thuật thiếu niên nhi đồng đã bị bỏ phí, chỉ vì toàn vẽ ba cái truyện tranh lăng nhăng chứ không vẽ những thứ trong sáng hồn nhiên (bị bắt phải) đúng với lứa tuổi. Cá nhân tôi hồi ấy nhờ đọc truyện tranh nên đã mơ hồ cảm nhận được có một kĩ thuật gì đó để có thể vẽ được theo phối cảnh trước mắt mình như trong truyện tranh, chứ không phải lối vẽ 2D bèn bẹt ngây ngô theo chủ đề cho trước (và gọi đó là sáng tác) mà các thầy cô giáo mỹ thuật áp đặt cho học sinh mẫu giáo tiểu học. Khi cha mẹ cho tôi đi học vẽ ở Cung thiếu nhi Hà Nội hồi học cấp một, tôi đã mạnh dạn yêu cầu thầy giáo dạy mình cách vẽ ấy, đáp lại, thầy giáo liên tục thuyết phục tôi rằng thứ duy nhất trên đời phù hợp với tôi là lối vẽ (mà tôi thấy là) xấu hoắc của bọn trẻ con thông thường. Sau vài buổi bị bắt phải ngây thơ cho đúng lứa tuổi, tôi đã cự tuyệt việc đi học ở Cung thiếu nhi và nằm nhà miệt mài tự nghiên cứu Sôn Gô Ku, nhân vật truyện tranh được vẽ lại nhiều nhất ở nước ta. Tin rằng tôi không phải trường hợp cá biệt giữa lòng xã hội Việt Nam ta.
Lép vế hơn so với manga nhưng comic cũng dần xây dựng vị thế của mình trong giai đoạn này với loạt các tác phẩm từ châu Âu, đặc biệt là hai nước Pháp-Bỉ. Đáng kể nhất có thể nhắc tới Lucky Luke (1989) của Morris, Những Cuộc Phiêu Lưu Của Tintin (The Adventures of Tintin, 1989) của Hergé, Xì Trum (The Smurfs, 1989) của Peyo; bên cạnh đó là bộ Donald Và Bạn Hữu (Donald Duck and Friends, 1996) được phát hành dưới dạng song ngữ đã trở thành một lựa chọn không tồi cho nhiều phụ huynh muốn con cái mình tranh thủ học tiếng Anh. Điểm khác biệt đáng kể bên cạnh phong cách sáng tác cả về nội dung lẫn mỹ thuật của comic so với manga là các tập truyện comic thường được in màu khổ tạp chí, giá cả vì vậy cũng đắt đỏ hơn và ít đến được với bạn đọc hơn so với manga in thành những tập nhỏ đen trắng. Tuy vậy, vẫn có những bộ comic được chọn lọc để tăng tính cạnh tranh, đó chính là các bộ comic siêu anh hùng mà các fan DC/Marvel sinh sau đẻ muộn không bao giờ ngờ được rằng thế hệ các đàn anh chúng tôi đã từng tiếp cận với Người Nhện, Người Dơi, Người Sói, Siêu Nhân (1997?) của các ấn phẩm thời kỳ đầu in đen trắng vô cùng nguyên bản và xa xưa.
Thứ nữa là manhua. Tuy xếp sau về tầm ảnh hưởng so với manga và comic, thập niên này vẫn ghi nhận các tác phẩm Chú Thoòng (Old Master Q, 1992) của Vương Trạch, Hiệp Sĩ Giấy (Origami Warriors, 1999) của Châu Hiển Tông, Tiểu Hoà Thượng (The Little Monk, 1999) và Chân Mệnh Thiên Tử (1998) của Lại Hữu Hiền, đôi lúc người ta nhầm lẫn không biết đó là manga hay manhua, điều này vừa là lợi thế vừa là điểm yếu của các tác phẩm vượt ra ngoài phạm vi thẩm mỹ vốn bị đánh giá là cải lương và xôi thịt, thiếu phong cách cá nhân của làng manhua. Tiêu biểu nhất cho dòng manhua cải lương xôi thịt và lối kể chuyện trường thiên mô tả bằng lời dẫn chính là tác phẩm nổi tiếng Người Trong Giang Hồ (Teddy Boy, 1997?) của Ngưu Lão, bộ truyện này xác lập vị thế văn hoá to lớn của nó khắp châu Á và có thể nói chính là một trong những bộ manhua kinh điển đương đại không thể không nhắc đến.
Điểm chung làm nên nét đặc trưng của truyện tranh quốc tế ở Việt nam trong giai đoạn này, đó là đa phần đều được xuất bản trong tình trạng không có bản quyền, với sự tham gia của rất nhiều nhà xuất bản trên khắp cả nước. Không có chế tài nào để khống chế, những người làm công tác xuất bản thoả sức làm những gì họ muốn, vừa để tránh điều tiếng từ phía phụ huynh vốn chưa hề cởi mở, vừa để đối phó với việc kiểm duyệt những nội dung nhạy cảm. Tất cả các tín đồ truyện tranh 8x đều vô cùng căm ghét những màn bôi đen cảnh nóng hay cảnh quá dã man bạo lực, xoá bỏ các trang truyện mà người làm xuất bản cho rằng thừa, không cần thiết (!!). Tôi đã từng không tiếc lời nguyền rủa mỗi lần đọc truyện gặp phải tình trạng như vậy, họ vừa không tôn trọng tác giả, vừa không tôn trọng khách hàng bỏ tiền ra mua truyện. Đó là chưa kể tới tình trạng dịch thuật hỗn loạn, dịch chế linh tinh trong khi trình độ văn chương và sự thông minh là một hạn chế lớn. Lại còn tình trạng các nhà xuất bản in lậu trùng nhau hết bộ này tới bộ kia, các bộ truyện cứ như anh em sinh đôi sinh ba cùng trứng, hình dáng tính cách y chang nhau chỉ khác mỗi cái tên. Hai vấn nạn này tồn tại ở gần như tất cả các bộ truyện và đó là một vết nhơ cho thời hoàng kim này. Duy chỉ có một ngoại lệ duy nhất, chính là bộ Ninja Loạn Thị (Rakudai Ninja Rantarō, 1997) của tác giả Amako Sōbē do nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện. Đây là bộ truyện mà công tác dịch thuật đã đạt tới đẳng cấp rất cao khi Việt hoá thành công những màn gây cười bằng tiếng địa phương, những màn chơi chữ và sự tỉnh bơ vô cùng hài hước của các nhân vật. Chúng tôi ngày ấy đọc bản in lần đầu của bộ truyện này mà ngỡ ngàng cười lăn lộn, cảm giác như mình đang đọc một bộ truyện tranh Việt Nam, tình hữu nghị Việt Nhật là đây chứ đâu nữa.
Còn truyện tranh Việt Nam? Sau cái chết của những bộ truyện (nếu có thể gọi đó là những bộ truyện) theo phong cách sách giáo khoa đạo đức, truyện tranh Việt Nam có gì? Một con số không tròn trĩnh ư? Rất may là không, ngay trong thời khắc nguy khốn ấy nước Việt đã có Hùng Lân, đồng tác giả của bộ truyện tranh đầy ám ảnh Cô Tiên Xanh đã được nhắc tới ở trên. Sau khi vẽ nhái theo mấy tập phim hoạt hình Voltro-Defender of the Universe được 4 tập, Hùng Lân đã dựa trên bước đà ấy mà sáng tác tiếp một lèo thêm 154 tập truyện Dũng Sĩ Hesman (1993). Đúng là ở đời không bao giờ có thể biết trước được điều gì, và cũng chỉ có trẻ em mới có sự chí công vô tư tuyệt vời để đón nhận một huyền thoại thực sự của truyện tranh Việt Nam.
Trong điều kiện rất khó khăn, thiệt thòi đủ đường so với các tác giả truyện tranh nước ngoài, hoạ sĩ Hùng Lân đã thực sự đã tạo ra được một công trình đáng nể, càng về sau thế giới của Hesman càng đa dạng, với các mối quan hệ nhân vật chồng chéo nhưng vẫn rất gần gũi, thân thuộc. Chất lượng mỹ thuật của Dũng Sĩ Hesman tuy chưa thể so sánh với manga, manhua hay comic, nhưng đã có sự tiến bộ rõ rệt và tạo ra sự phấn khích cho độc giả trẻ Việt Nam, chỉ duy có điều đáng tiếc là nội dung của mỗi tập truyện 72 trang lại thường lặp đi lặp lại theo cùng một kiểu “anh hùng đi bài” (không khác gì chơi game). Dù tác giả đã có những sáng tạo để tránh nhàm chán nhưng quả thật Dũng Sĩ Hesman nếu ra đời muộn hơn thì chưa chắc đã có được thành công như vậy, và để vươn mình ra thế giới thì có lẽ vẫn còn phía trước cả một con đường dài, không chỉ cho riêng tác phẩm này, mà còn cho toàn bộ truyện tranh Việt Nam nói chung.
Giai đoạn 2000-2009
Chỉ trong mười năm, tuy còn nhiều hạn chế, nhưng cùng với sự phát triển của văn học dịch, truyện tranh ở Việt Nam đã đi được những bước dài trong việc cập nhật dòng chảy truyện tranh thế giới, đặc biệt là manga, cho bạn đọc Việt Nam. Chính từ thập kỷ bước ngoặt vừa rồi, ở Việt Nam đã hình thành nên một thế hệ mới, thế hệ những người có văn hoá thưởng thức truyện tranh. Giới trẻ Việt Nam từ đây có thể vừa đọc sách vừa đọc truyện tranh, có thể đọc truyện tranh mà không đọc sách, chứ không một ai là không đọc truyện tranh. À quên, có cháu bé được xưng tụng là thần đồng mà tôi có kể ở trên, nhưng thôi, chúng ta nói là nói tới cái đại chúng, chứ không nói tới các hiện tượng cá biệt ở đây.
Bước qua thập kỷ tiếp theo, dòng chảy truyện tranh ở Việt Nam tiếp tục cuồn cuộn như thác đổ. Số lượng đầu truyện tăng cao với một loạt các tên tuổi như Naruto (2003) của Masashi Kishimoto, Cuộc Truy Lùng Kho Báu Hải Tặc (One Piece, 2001?) của Oda Eiichiro, Thợ Săn (Hunter x Hunter, 2000?) của Yoshihiro Togashi, Thám Tử Kindaichi (The Kindaichi Case Files, 2001) của Kanari Yozaburo, v. v… Đồng nghĩa với việc độc giả Việt Nam được hừng hực trui rèn qua ngọn lửa chất lượng thế giới, bất chấp việc số lượng các bộ truyện tranh đạt tới đẳng cấp “tác phẩm” luôn ít hơn so với những bộ truyện giải trí nhàn nhạt thông thường, tương tự như với văn học và điện ảnh, một lượng lớn độc giả Việt Nam đã dần tích luỹ được cho mình kiến thức và trình độ thưởng thức truyện tranh không hề thua kém bất kì môn nghệ thuật nào khác. Độc giả của thập niên 2000 đã vĩnh viễn không còn dễ dãi “có đọc là tốt lắm rồi” như thập niên trước, chính vì vậy các nhà xuất bản bên cạnh những đầu truyện nổi tiếng bậc nhất đã bắt đầu tìm tòi giới thiệu những đầu truyện kén độc giả hơn, hướng tới nhóm lửa tuổi cao hơn, bởi đám trẻ năm ấy nay cũng đã bắt đầu lớn khôn thật rồi.
Bộ manga Monster (2003) của Naoki Urasawa vào thời điểm đầu những năm 2000 khi xuất hiện trên thị trường có thêm dòng chữ rất ấn tượng “Truyện kinh dị cho tuổi mới lớn.” Thực tế thì các tác phẩm này của Naoki Urasawa được xếp vào dòng seinen (truyện tranh dành cho nam giới trưởng thành). Bộ truyện mang đậm tính tiểu thuyết này đã trở thành một trong những cái tên bất hủ ghi dấu trong lòng bạn đọc Việt Nam, mở ra một bầu trời tư duy mới về công việc sáng tác và hấp thụ văn hoá manga. Tên tuổi của Naokia Urasawa ở Việt Nam gắn liền với bộ truyện này, các tác phẩm khác của ông sẽ được nhắc tới trong phần sau của bài viết.
Dấu ấn gây kinh ngạc tiếp theo là siêu phẩm đình đám Quyển Sổ Thiên Mệnh (Death Note, 2006) của cặp đôi Tsugumi Ohba và Takeshi Obata. Chất trinh thám hình sự kết hợp cùng giả tưởng huyền bí được tác giả xử lý thông minh khéo léo tới mức người ta phải thốt lên, trời ơi, nó còn hay hơn rất nhiều tiểu thuyết nổi tiếng! Lần đầu tiên có một bộ truyện tranh với nhân vật chính là kẻ phản diện, trí tuệ, tính cách và lý tưởng của hắn đã lay động trái tim của không biết bao nhiêu bạn đọc mà kể. Đây là một bộ ở đẳng cấp thế giới, và tất nhiên nó cũng tạo ra làn sóng hâm mộ cuồng nhiệt ở Việt Nam. Là một fan truyện tranh chân chính mà chưa từng đọc Death Note thì quả tình nên tự lấy làm xấu hổ vì đã sống uổng phí một đời, chao ôi…
Đồng thời với việc tiếp nhận một dòng manga mới, seinen, những con mọt manga ở Việt Nam bắt đầu tìm hiểu và nắm bắt 5 phân khúc chính của manga: shounen (manga dành cho nam giới lứa tuổi học sinh, sinh viên), seinen (đã nói), shojo (manga dành cho nữ giới lứa tuổi học sinh), josei (manga dành cho nữ giới lứa tuổi trưởng thành) và kodomomuke (manga dành cho thiếu nhi). Tất nhiên mọi sự phân loại đều chỉ mang tính tương đối, trong ta có địch trong địch có ta, thiên biến vạn hoá không biết đâu mà lường, và nhất là không có luật nào ngăn cấm người ta đọc bất kì thứ gì họ thích. Nhưng không phải vì vậy mà sự phân loại này không giúp ích gì được cho độc giả trong việc chọn lọc truyện tranh để tiết kiệm thời gian. Ai không tin thì có thể hỏi những cậu bé, chàng trai thuộc thế hệ khi bộ Nữ Hoàng Ai Cập (Crest of the Royal Family, 2002) của nữ mangaka Chieko Hosokawa được phát hành. Đây không phải lần đầu và cũng không phải lần duy nhất một bộ shojo được in tại Việt Nam, nhưng đó là lần đầu tiên phong cách shojo bộc lộ đậm đặc đến vậy, nó tạo ra một cú shock lớn, độc giả nữ Việt Nam thì dằn vặt, ức chế và hậm hực chửi bới nhân vật trong khi vẫn đều đều theo dõi, còn độc giả nam thì nhăn như khỉ ăn ớt mỗi khi nhắc tới bộ truyện này, họ thực sự chán ngán tột độ lối vẽ và sáng tác shojo kể từ đây. Điểm đặc biệt của shojo khi vào Việt Nam, đó là cũng y như ở Nhật, nó chia người ta ra làm hai phe: phe nam giới tỏ ra căm ghét khinh bỉ, và phe nữ giới say mê y như một thời các chị em say mê tiểu thuyết Quỳnh Dao; phe nam thề chết không đụng vào shojo, còn phe nữ thì vẫn thích thú tìm đọc shounen và seinen. Phụ nữ thật là bao dung.
Cũng may (lại may), nước Nhật không chỉ sản sinh ra những nữ mangaka vẽ và viết đặc sệt shojo, bên cạnh những bộ shojo ướt át mà ngày nay được nhìn nhận chính là ngôn tình dưới dạng manga, chúng ta còn có Một Nửa Ranma (Ranma ½) và Inu-Yasha (2001)của Takahashi Rumiko. Bà tác giả này nổi tiếng và được yêu thích bởi cả hai phe nhờ nét vẽ gần với phong cách shounen và nội dung tổng hoà giữa sự lãng mạn mềm mại và sự phiêu lưu cùng những cảnh chiến đấu đẹp mắt. Thế giới shojo với tạo hình đậm chất định hình phẫu thuật thẩm mỹ cho các bạn nữ sau này còn có một ngôi sao nữa là bộ 7 Mầm Sống (7 seeds, 2008) của Taruma Yumi rất đáng chú ý với câu chuyện vẫn vừa lãng mạn lại vừa phiêu lưu hồi hộp. Cũng như Adashi Mitsuru nổi danh với những bộ shounen thể thao đan cài tâm lý tình cảm tuổi mới lớn vậy, bản thân tôi rất mê các sáng tác của ông như Anh Em Sinh Đôi (Touch, 1997), H2 (2008), Ớt Bảy Màu (2002), v. v… Nói tới đây mà bỏ qua Chie Cô Bé Hạt Tiêu (Jarinko Chie, 2003) của Etsumi Haruki có nghĩa là đã bỏ sót một trong những biểu tượng cho thể loại manga về đề tài gia đình dành cho mọi đối tượng độc giả trên đời. Những câu chuyện nhẹ nhàng của cô bé Chie đem tới cho người ta sự xúc động dung dị về những nhân vật đời thường không có tài năng kiệt xuất và niềm hoài cố về nhóc Marưko dễ thương thưở nào, đồng thời xua đi định kiến rằng truyện tranh là chỉ có đấm đá á ối bịch hự.
Ghi nhận cho shojo là vậy, nhưng manga shounen và seinen vẫn chiếm thế thượng phong không có đối thủ trong toàn thị trường truyện tranh ở Việt Nam. Tiếp bước thành công của bộ Slam Dunk (2002) gây chấn động châu Á, cổ vũ mạnh mẽ phong trào chơi bóng rổ ở Việt Nam, mangaka Takehiko Inoue có thêm một tác phẩm được xuất bản ở Việt Nam: Lãng Khách (Vagabond, 2006). Tới bộ này thì thực sự không một ai có thể đánh giá Takehiko Inoue là người chỉ phù hợp với thể loại các cậu trai trẻ nhiệt huyết hài hước. Ông cũng góp phần xây dựng một trong những tiêu chí mà bạn đọc tìm kiếm ở các bộ manga shounen và seinen, đó là nét vẽ phải đặc sắc, đậm đà phong cách cá nhân, người ta đọc truyện tranh không chỉ bởi nội dung, mà còn bởi nét vẽ sáng tạo của riêng từng hoạ sĩ, điều mà shojo hoàn toàn không đáp ứng được cho độc giả nam giới.
Những năm 2000 cũng cho thấy comic đã yếu thế đi rất nhiều khi không có thêm ấn phẩm nào đáng kể so với thập kỷ trước. Ngược lại, manhua và là manhwa đã trỗi dậy mạnh mẽ. Manhua tràn vào Việt Nam theo đúng chiến thuật biển người ưa thích của những người hàng xóm phương Bắc. Cơ man nào là các bộ truyện phỏng theo các tác phẩm kiếm hiệp hoặc sáng tác theo phong cách kiếm hiệp tràn ngập nơi nơi. Vẫn là thẩm mỹ manhua xôi thịt, thiếu phong cách cá nhân, cầm bất cứ cuốn manhua nào lên, người ta cũng mụ mị thần hồn bởi nét vẽ cơ bắp kim khí, dày dặc chi tiết và cứ na ná nhau từ tác giả này qua tác giả khác. Tất nhiên vẫn có những ngoại lệ trội hẳn lên, ví dụ như Phong Vân (2004) phần 1 của Mã Vinh Thành và Đan Thanh với lối vẽ nhuốm màu thuỷ mặc u buồn, bộ này có phần bình luận ở cuối mỗi tập do Vũ Đức Sao Biển chấp bút, đọc khá cuốn hút. Tiếc rằng sau phần 1 các tác giả đã sa vào con đường câu khách kiếm tiền và trở thành một sản phẩm hạng thấp về chất lượng nghệ thuật mà không cách nào ngóc đầu lên được. Lại nữa, nhắc tới manhua mà bỏ qua đỉnh cao muôn trượng Hoả Phụng Liêu Nguyên (The Ravages of Time, 2005) của Trần Mỗ thì đúng là uổng phí công sức bao năm dùi mài trong những hàng thuê truyện. Tác phẩm này vượt ra khỏi quan niệm và định kiến thường thấy trong làng truyện tranh Hoa ngữ, Trần Mỗ bằng tài năng nổi bật của mình đã áp đặt thứ thẩm mỹ và tư duy vượt trội, đóng một cái đanh khủng khiếp vào lòng bạn đọc, biến tất cả những tác phẩm khác dựa trên Tam Quốc Diễn Nghĩa của cả làng manga lẫn manhua trở thành trò hề không hơn không kém. Hoả Phụng Liêu Nguyên được kể theo lối chương hồi vô cùng đa dạng và phức tạp về góc nhìn trong dòng chảy thời gian, có nhân vật chính mà lại như không có nhân vật chính, tuyến nhân vật phụ xuất hiện tầng tầng lớp lớp luôn chặt chẽ và có vai trò quan trọng, đọc tới đâu người ta phải lần hồi tra cứu tới đó, đưa hình thức truyện tranh dựa trên cảm hứng về các tác phẩm kinh điển đạt tới một đẳng cấp mới, nơi người ta trông đợi cái kết cục đã biết trước trong sự tò mò khôn thấu, thực là một tác phẩm lý thú khiến cho người ta phải thừa nhận rằng các mạn hoạ gia hoàn toàn có thể đạt tới đẳng cấp nhà văn. Ấy là còn chưa bàn về phong cách mỹ thuật điêu luyện của Trần Mỗ. Nói tới Hoả Phụng Liêu Nguyên là nói tới những bức vẽ phối cảnh đầy nhạc tính, chuyển động dẫn hướng của bố cục trong các cảnh chiến đấu và trong từng trang truyện khiến người đọc, hay chính bản thân tôi, không thể rời mắt. Nói nhỏ, ông sử dụng hiệu ứng phân mảng màu ghi trung tính hay tới nỗi tôi đã học hỏi rất nhiều trong việc thể hiện bản vẽ kiến trúc của mình sau này, khi hành nghề kiến trúc sư giữa đường đời rộng lớn.
Có Hoả Phụng Liêu Nguyên, không còn ai dám to mồm nói rằng truyện tranh chỉ là thứ dành cho trẻ con. Não trạng ấy quả tình nếu còn tồn tại, đó là do thiếu hiểu biết và do tính cách bốn nghìn năm chưa chịu lớn như chính mồm họ từng nói vậy thôi.
Manhwa với tác phẩm Ám Hành Ngự Sử (Blade of the Phantom Master, 2005) của Youn In-Wan và Yang Kyung-il đã gây ấn tượng sâu đậm trong lòng rất nhiều thiếu niên Việt Nam. Đây có thể coi là bộ manhwa chính thức đầu tiên ở Việt Nam, và ngay lập tức nó đã được xếp lên chiếu trên cùng các anh tài manga, manhua đầu bảng. Có lẽ Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho truyện tranh Á Đông bởi sự gần gũi trong văn hoá và tiết tấu nhịp điệu trong sáng tác, xem phim Tàu, phim Hong Kong, phim Hàn Quốc, phim Nhật rồi, lẽ nào lại có thể bỏ qua truyện tranh của họ?? Bên cạnh Ám Hành Ngự Sử với bút pháp bay bướm trùng trùng điệp điệp kĩ xảo và nội dung u tối thì Hiệp Khách Giang Hồ (Ruler of the Land, 2004) của Jeon Keuk Jin và Yang Jea Hyun cũng rất đáng nhớ với cốt truyện đầy nhịp điệu khi hài hước khi sâu lắng. Đâu đó vẫn có những lời chê cho cách đặt vấn đề và xử lý tình huống còn non tay so với manga, nhưng bạn đọc vẫn đón nhận manhwa nồng nhiệt không một chút đắn đo, làm cho đời sống truyện tranh ở Việt Nam vốn đa dạng lại càng thêm trăm hoa đua nở.
Năm 2004, sự kiện Việt Nam tham gia công ước Berne đánh dấu một bước phát triển mới của truyện tranh ở Việt Nam, giống như điều đã xảy ra trong lĩnh vực văn học. Kể từ đây, việc xuất bản truyện tranh ở Việt Nam đã bắt đầu có những dấu hiệu của sự văn minh. Những câu chuyện ví dụ như Sôn Gô Ku đi ăn bún riêu bị ngộ độc đau bụng suýt chết, hay những cái tên chỉ ở Việt Nam mới có, những đoạn chế nhảm nhí vô duyên gây cười rẻ tiền bất chấp nguyên tác sẽ lùi vào dĩ vãng, biến cả một thời kì trước đó trở thành kí ức đẹp và buồn (cười) của những thế hệ bạn đọc vô tình bị sự vô tình của thời gian sắp đặt cho dính chưởng. Từ đây, các thế hệ sau sẽ biết tới Doraemon thay vì Đôrêmon, Suneo thay vì Xêkô, Shizuka thay vì Xuka, Vegata thay vì Cađic; Son Goku bị đau tim, chứ không phải như trước đây mồm kêu đau bụng nhưng tay thì ôm ngực; và người thầy vĩ đại mang tên Eikichi Onizuka là người Nhật sống ở Tokyo, chứ không phải một thanh niên Việt Nam mang tên Đỗ Thành Đạt lên Sài Gòn lập nghiệp, còn tác giả của bộ này là Tooru Fujisawa chứ không phải Tùng Dương mang dòng máu Lạc Hồng (!!!).
Tư duy về truyện tranh kể từ nay cũng thay đổi, khi mà vào cuối thập niên, những tập truyện manga sao y bản gốc đã xuất hiện, tức là đọc từ phải sang trái, đi ngược lại truyền thống sách truyện in đọc từ trái sang phải trước nay ở Việt Nam. Lần đầu tiên, bạn đọc được cầm trên tay những tập truyện xứng đáng với số tiền mà họ bỏ ra, chứ không phải những tập truyện đã qua xử lý bằng thao tác đồ hoạ để mirror lật ngược tất cả các hình vẽ theo chiều ngang mà không hề được hỏi ý kiến. Những người làm công tác xuất bản đã có bước tiến đảng kể về não trạng khi vượt qua khỏi định kiến tồn tại nhiều năm rằng sách đọc từ trái sang thì truyện tranh cũng phải đọc từ trái sang. Ngày nay chúng ta dễ dàng nhìn nhận đó là suy nghĩ ấu trĩ và ngớ ngẩn của họ, vừa tự mua thêm việc vào người, vừa xâm hại đến tác phẩm gốc, nhưng ở thời điểm đó, họ không thể hình dung nổi là đám trẻ biết thừa và thông minh hơn họ tưởng nhiều. Kể đến đây lại nhớ tới chuyện trong các bộ manga về bóng đá, ví dụ như bộ Đường Dẫn Đến Khung Thành in lần đầu, có độc giả gửi thư thắc mắc, tại sao cầu thủ nào cũng sút chân trái hết vậy? Công nhận độc giả này không nằm trong nhóm thông minh kia, nhưng lố bịch nhất là ban biên tập đóng vai nhân vật trả lời độc giả ở cuối truyện rằng tất cả mọi người đều cố tình sút chân trái để gây bất ngờ cho đối phương (hả??).
Và (lại và) truyện tranh Việt Nam thì sao? Sau thời kì của Dũng Sĩ Hesman thì đến thời kì của huyền thoại nào?
Xin thưa, sau khi Dũng Sĩ Hesman kết thúc, hoạ sĩ Hùng Lân cũng đã sáng tác thêm vài bộ truyện khác, nhưng đều không vượt qua được cái bóng của Hesman, ông cũng không tự làm mới được phong cách mỹ thuật và cách kể chuyện của bản thân. Vì vậy mà tên tuổi của ông dù vẫn tiếp tục được nhắc đến, nhưng là với quá khứ, chứ chẳng phải vì hiện tại hay bất kì niềm kì vọng cho tương lai nào cả. Bù đắp cho khoảng trống này chính là Thần Đồng Đất Việt (2002) với hai cái tên: công ty Phan Thị và hoạ sĩ Lê Phong Linh. Từng mẩu truyện ngắn rất vui nhộn và có đủ cả tính giải trí lẫn tính giáo dục cho bạn đọc nhỏ tuổi, thu hút được cả sự chú ý của những độc giả thanh thiếu niên, cho đến giờ vẫn được nhắc đến như một trong các tượng đài đáng nhớ của truyện tranh Việt Nam. Trong thập kỷ tiếp theo, công ty Phan Thị và hoạ sĩ Lê Phong Linh cãi nhau tơi bời xem ai là tác giả, cuối cùng họ dẫn nhau ra toà và hoạ sĩ Lê Phong Linh là người chiến thắng, ông được xác nhận là tác giả duy nhất của Thần Đồng Đất Việt. Từ nay, tên tuổi ông sẽ được nhớ tới và vụ kiện của ông đã đặt nền móng niềm tin cho các lớp hoạ sĩ trẻ kế cận tiếp tục hành trình gian khó của họ.
Sau thập kỷ khởi đầu, đây thực đúng là một thập kỷ có lắm biến chuyển đổi thay.
Giai đoạn 2010-2019
Năm 1997, Việt Nam được hoà vào mạng internet toàn cầu, từ đó cho tới cuối thập niên 2000, người Việt Nam đã có thể dùng Google và Facebook để học hỏi, trao đổi và làm việc cùng thế giới. Truyện tranh ở Việt Nam vì vậy mà cũng có những bước chuyển mình theo xu thế chung. Cho tới giữa những năm 2010, manh nha có những trang web phục vụ độc giả đọc truyện tranh online, đa phần là truyện scan từ bản in cũ do sưu tầm được, nghĩa là có đầy đủ tất cả những khuyết điểm của truyện giấy cộng thêm chất lượng mờ nhoè, người đọc phải chịu đựng đa phần vì họ muốn tìm đọc những bộ truyện đã không còn tìm thấy được trên thị trường chứ không phải vì đây là một lựa chọn tối ưu.
Sau hai mươi năm mở cửa và bắp nhịp với xu thế truyện tranh thế giới, đặc biệt là manga, thị trường truyện tranh ở Việt Nam đã cung cấp được tương đối đầy đủ cho bạn đọc các kiến thức về truyện tranh kinh điển, về thẩm mỹ, nội dung, các dòng chính phụ và các xu hướng truyện tranh trên thế giới. Tuy vậy, lúc này công tác xuất bản truyện tranh lại gặp phải một vấn đề mới, khi mà những bộ truyện kinh điển đã kết thúc ở nước ngoài không phải sinh ra từ nồi cơm Thạch Sanh. Việc in tuần tự từng tập như bản gốc chỉ phát huy thế mạnh nếu bộ truyện đó đã kết thúc, còn trong trường hợp tác giả vẫn đang miệt mài cần mẫn, có những khi kéo dài mấy chục năm vẫn chưa xong một bộ truyện, thì khoảng cách giữa các tập truyện sẽ là rất lâu, đủ để khiến người ta đánh mất nhịp điệu theo dõi và có thể sẽ dần dần nản lòng mà lãng quên nó lúc nào không hay. Ở Nhật các nhà xuất bản không gặp khó khăn trong chuyện này vì ngay từ đầu họ đã định hướng phát hành truyện tranh theo mô hình tạp chí, hằng tuần đều có rất nhiều các tạp chí truyện tranh đến tay bạn đọc, ở đó, mỗi bộ truyện đều đặn được đăng tải định kỳ, nhịp độ lý tưởng nhất là mỗi số lại có một chương mới. Nổi tiếng nhất có thể kể tới Weekly Shounen Jump, Weekly Shounen Sunday, Weekly Young Jump, Monthly Shonen Magazine, v. v… Cứ sau một thời gian, khi khối lượng đã đủ, người ta mới gom lại và in từ vài đến cả chục tập một lượt, vì vậy thời gian chờ đợi để được in ở Việt Nam có thể kéo dài đến hàng năm trời là thường. Về đề tài này, thậm chí cặp đôi nức tiếng Tsugumi Ohba và Takeshi Obata còn ra mắt hẳn một bộ manga dưới tiêu đề Bakuman Giấc Mơ Hoạ Sĩ Truyện Tranh (2011), bộ này không biết nên xếp vào loại nào, có lẽ nó nên được gọi là mangaka manga (!), manga nói về các mangaka. Nội dung kể về hành trình lập thân bằng con đường trở thành mangaka của hai thanh niên trẻ tuổi, từ lúc còn là học sinh phổ thông cho tới khi trở thành những người đàn ông trưởng thành. Truyện mô tả đời sống của những con người trong ngành truyện tranh Nhật rất gian khổ, kỷ luật và cạnh tranh khốc liệt, quy trình làm việc của họ ra sao, các tác phẩm được định đoạt thế nào, vai trò của biên tập viên và nhà xuất bản là gì, họ có phải chỉ đơn giản là thợ in và thợ bôi đen cảnh nóng như ở ta không? Qua đó cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn behind the scene khá thú vị. Bộ này đã được phát hành tại Việt Nam, ai muốn vào nghề tác giả truyện tranh nên tìm đọc để gọi là có cái tham khảo và tăng thêm động lực phấn đấu, chứ thực ra môi trường làm việc ở Việt Nam chắc chắn là khác hẳn.
Nói một cách công bằng, các nhà xuất bản Việt Nam không hoàn toàn cam chịu, họ cũng đã có những bước thử nghiệm mang tính học hỏi. Ví dụ như giai đoạn cuối thập niên 1990-1999, đầu thập niên 2000-2009, đã có những cuốn truyện tranh khoảng 120 trang được in theo kiểu tạp chí Nhật, nghĩa là vài chục trang truyện này rồi đến vài chục trang truyện kia. Kết quả là dân tình phản đối rầm trời và tỏ ra vô cùng chán ghét. Lý do thì nhiều, họ không thích và chưa chấp nhận cảm giác đọc vỏn vẹn vài chục trang như vậy, huống gì cả cuốn vốn đã chẳng dày dạn gì cho cam, lại thêm vấn đề in shounen chung với shojo của mấy vị biên tập viên thì quả đúng là thiếu hiểu biết tâm lý khách hàng. Nói đến đây thế nào cũng có người nhớ tới giai đoạn Subasa in cùng Candy Cô Bé Mồ Côi và mấy thứ đại loại như vậy, hầm bà lằng đọc rất khó chịu. Nếu in thật nhiều thật dày như ở Nhật thì giá thành lại đội lên quá cao, nhà xuất bản cầm chắc cái lỗ, thế là thử nghiệm thất bại và ý tưởng về mô hình tạp chí truyện tranh ở Việt Nam tắt ngấm.
Vậy giải pháp của thị trường là gì?
Đó chính là lúc sự tiến hoá tự nhiên đã thúc đẩy các trang web truyện tranh phát triển lên một mức độ mới. Không còn chỉ là những bản scan mờ nhoè của những cuốn truyện cũ, giờ đây các trang web truyện tranh đã cung cấp được những bộ truyện có chất lượng hình ảnh sắc nét với nguồn tải từ trang web nước ngoài, có thể là cả bỏ tiền ra mua bản xịn. Nhiều nhóm dịch được thành lập, họ sẵn sàng cạnh tranh với nhau cả về thời gian và chất lượng, phạm vi thì rộng lớn bao trùm cả những bộ truyện đã từng được phát hành ở Việt Nam, hay những bộ chưa được phát hành nhưng đã kết thúc, và tất nhiên là cả những bộ vẫn đang được tác giả miệt mài tung ra hằng tháng hằng tuần.
Chưa bao giờ không gian truyện tranh ở Việt Nam lại bừng nở tự do như thế, các dòng truyện tranh đã xác lập vị trí sau hai thập kỷ trước đó nay vẫn tiếp tục làm mưa làm gió trên khắp cõi mạng. Các con nghiện càng thêm đắm chìm trong thế giới truyện tranh. Cơ man nào là truyện cũ, cơ man nào là truyện mới. Việc theo dõi chiều dài sự nghiệp của bất kì tác giả nào cũng trở nên vô cùng dễ dàng, không còn lệ thuộc vào bài toán kinh tế của các nhà xuất bản như trước đây. Người ta thoả sức thưởng ngoạn cảnh nóng, cảnh máu me, cảnh từng bị cắt cúp, và những cảnh chắc chắn sẽ bị cắt cúp, và xa hơn nữa là các hình thức truyện tranh kĩ thuật số mới được phát minh nhằm đem đến thêm nhiều trải nghiệm cho khách hàng. Người ta đọc, và so sánh đối chiếu các bản dịch với nhau và với cả bản gốc hay bản dịch tiếng Anh. Đa nguyên là đây chứ đâu! Minh hoạ cho ý này có thể nhắc tới bộ 20th Century Boys của Naoki Urasawa với nội dung châm biếm đả kích các hệ thống tuyên truyền độc tài, nền giáo dục tẩy não bệnh hoạn thông qua hình thức trinh thám đầy mê hoặc. Nó được đánh giá là một trong những tác phẩm manga hay nhất mọi thời đại và được không dưới 2 nhóm dịch ở Việt Nam tiến hành chuyển ngữ. Naoki Urasawa ở bộ này vẫn sử dụng mô típ sở trường của ông: nhân vật chính vốn đang sống đời bình thường, bỗng dưng bị vòng xoay số phận đẩy vào hành trình kiếm tìm sự thật để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cho lương tri phẩm giá của con người. Sự thay đổi trong tâm lý nhân vật chính cùng tuyến nhân vật phụ, bao gồm cả phản diện, trong 20th Century Boys diễn ra khi thì thong dong kể lể, khi lại dồn dập nghẹt thở tạo ra cảm giác về sự sáng tạo kết hợp giữa văn chương và điện ảnh dưới hình thức hội hoạ qua nét vẽ tinh tế đẹp mắt. Nói không ngoa, tác phẩm này chính là một trong những điểm sáng có vai trò cực kì quan trọng trong thập kỷ vừa qua, khi mà xuất bản phi chính thống trong nghệ thuật nói chung, trong lĩnh vực truyện tranh nói riêng, đã trở thành một xu thế không thể nào đảo ngược.
Song le, hình thức truyện tranh online này cũng bộc lộ những mặt yếu kém của nó. Khi không có một khuôn khổ nào để khống chế, sự hăng máu của các nhóm dịch đa số là trẻ tuổi dễ khiến cho họ vượt ra ngoài phạm vi cần có trong công việc, ví dụ như dịch chế ở truyện giấy trước đây, so với truyện online thì không thấm vào đâu. Bên cạnh những người dịch nghiêm túc, có rất nhiều những người thích thể hiện sự hài hước thông minh của bản thân một cách rất ngớ ngẩn trong khi năng lực văn chương thì hạn chế, họ tạo ra những thảm hoạ vô duyên không để đâu cho hết, làm cho nhiều độc giả cảm thấy bực mình vì thời gian của họ không được tôn trọng đúng mực. Khi nhận được phản hồi thì nhiều nhóm còn ngang nhiên lên giọng thách thức, theo kiểu dịch cho mà đọc rồi còn lắm lời, đọc thì đọc không đọc thì biến. Ô hô, rất mậu dịch bao cấp nhé, thế mà cứ bảo là thời bao cấp đã xa lắm rồi! Hết thảm hoạ dịch chế, ta lại có cả thảm hoạ giữ nguyên tên phiên âm Latin của các bộ manga thay vì dịch ra tiếng Việt hoặc để tên tiếng Anh, kết quả ta có rất nhiều đoạn chữ cái vô nghĩa không thể nhớ nổi với phần lớn mọi người, ví dụ như Shokuryou Jinrui, Saijou no Meii, Tensei Shitara Suraimuda, Boku no ushiro ni majo ga iru, v. v… Một hạn chế nữa là vấn đề các web truyện thường phụ thuộc vào dịch vụ server lưu trữ, sau này đến khi dịch vụ ấy hết hạn đồng nghĩa với việc sản phẩm của họ biến mất khỏi các trang web, khi đó sẽ xuất hiện những trang tổng hợp cùng một bộ truyện nhưng lại do rất nhiều nhóm dịch, các nhân vật ở những chương đầu đang mày tao, qua các chương sau đã lại chí tớ, và đến khúc cuối thì lại thành anh em. Độc giả gặp trường hợp này nhiều như cơm bữa, và tất nhiên là bấm bụng bỏ qua, đọc lấy cái tinh thần cốt cách, cái tài hoa tác giả, chứ thôi đòi hỏi gì ở chốn này. Đó là còn chưa kể chuyện các nhóm dịch đang dở chừng thì vì lý do nào đó mà bỏ luôn không theo nữa, hay các nhóm cãi chửi nhau vì không tuân thủ quy ước post lại truyện của nhau sau một khoảng thời gian nhất định, bỏ tên nhóm dịch hay vô thiên lủng những va chạm như vậy, họ sẵn sàng thượng lên trang truyện những câu watermark kiểu như “bọn XXX là lũ chó đẻ” (XXX là bọn thủ ác), độc giả ngao ngán lắm, mà… thôi.
Đặt qua một bên những khiếm khuyết khó lòng tránh khỏi ấy, hình thức web truyện tranh đã thay thế vai trò của tạp chí truyện tranh tại Việt Nam, khi mà họ cập nhật rất nhanh nhạy các chương truyện mới nhất của những bộ truyện ăn khách nhất, giới thiệu những đầu truyện mới nổi, những siêu phẩm bí ẩn kén người đọc, và tất nhiên là cả những truyện có nội dung nhạy cảm sẽ khó lòng vượt qua được vòng kiểm duyệt xuất bản Việt Nam. Các nhà xuất bản chính thống giờ đây giống như báo chí chính thống, lại phải nghe ngóng từ phía các trang web truyện tranh để nắm bắt dư luận và thị hiếu bạn đọc. Đã có những bộ truyện bước từ thế giới dịch thuật online sang trang giấy, nổi tiếng nhất có thể kể đến One-punch Man (2017) của One và Ajin (Ajin: Demi-Human, 2018) của Gamon Sakurai. Chắc hẳn trong tương lai tới đây, cùng với sự phát triển của công nghệ, vai trò của các nhóm thực hiện truyện tranh online sẽ càng lúc càng trở nên quan trọng trong đời sống truyện tranh ở Việt Nam.
Mở ngoặc, nhờ có hình thức đọc truyện tranh online mà có những bộ truyện tranh tưởng chừng như đã mất hút từ thưở ấu thơ của không ít người bỗng một ngày trồi lên từ cõi hư không nào đó và đem lại niềm hoài cảm ấm áp cho chúng ta. Vốn bộ truyện Hiệp Sĩ Giấy tôi đã đọc từ những ngày còn là thằng trẻ con học lớp bốn lớp năm, với những tập truyện được một nhà xuất bản địa phương nào đó in lậu, hoàn toàn không có tên tác giả hay thông tin xuất bản, tất nhiên như thế thì không nộp lưu chiểu là điều chắc chắn, ngoài bìa đôi lúc có dòng chữ in nho nhỏ “Chíp Bông và Heo” không ai hiểu mang ý nghĩa gì (chắc là tên con cái ai đó trong ban biên tập), bẵng đi nhiều năm, mãi cho tới gần đây, khi đã ba mươi tuổi để tóc dài mồm đầy râu, tôi mới mò ra bản online và đọc ngấu nghiến xem rốt cuộc bé Triết và Cuồng Long đã hoá thành cái loại chiến sĩ gì, kết cục câu chuyện của mấy đứa nhóc lứa tuổi nhi đồng đi cứu thế giới ấy ra sao. Còn Conan cuối cùng lưu lại trong lòng bạn đọc như quả bom xịt kéo dài lê thê mà càng về sau càng dở tệ, chỉ còn dành cho những bạn đọc bị lòng hâm mộ mù quáng dẫn dắt, các bạn đọc này nhìn chung cũng ít kiến thức về truyện tranh nên việc họ cứ tha lôi thằng nhóc thám tử mãi không chịu lớn theo mình vô tình đã làm tác giả bị chai sạn tài năng theo vì phải chạy theo doanh số. Đóng ngoặc.
Điều đáng mừng trong thập kỷ này là sự xuất hiện của những đơn vị xuất bản và hỗ trợ truyện tranh Việt Nam của tư nhân, do những người có cái nhìn trẻ trung và tư duy tiếp cận tự do, không bị (hay ít bị) ràng buộc bởi cơ chế (hơn). Và từ đây các tác giả truyện tranh Việt Nam thuộc thế hệ 8x trở đi đã có sân chơi của mình, họ được tạo điều kiện hơn so với thế hệ các bậc đàn anh đi trước trong việc giới thiệu, quảng cáo và bán sản phẩm của mình ra thị trường, nổi tiếng nhất là Comicola, nền tảng truyện tranh bản quyền duy nhất (cho tới lúc này) tại Việt Nam. Cuộc chơi giờ đã cởi mở hơn cho các tác giả trẻ, vậy họ đã làm được gì, và họ đang cần gì để chuẩn bị cho tương lai?
Nhắc tới truyện tranh Việt Nam trong thập kỷ này, xứng đáng để nhắc tới đầu tiên chính là Long Thần Tướng của Phong Dương Comics. Đây là bộ truyện tranh hư cấu lấy đề tài lịch sử dưới bối cảnh là thời kỳ nhà Trần trước sự nhòm ngó của nhà Nguyên. Bộ truyện này được phát hành qua hình thức gây quỹ cộng đồng và đã phát hành được 4 trên tổng số 5 tập, lần lượt vào các năm 2014, 2015, 2016 và 2019. Cầm trên tay sản phẩm, người ta có thể cảm nhận được công sức đầu tư kĩ lưỡng cho nội dung, hình thức, các yếu tố lịch sử của tác giả. Là người luôn đặt yếu tố về mỹ thuật lên hàng đầu khi đánh giá mọi tác phẩm truyện tranh, cá nhân tôi rất có cảm tình với tác giả Long Thần Tướng, vốn đã có tên tuổi nhất định trong không gian hoạt động truyện tranh non trẻ ở Việt Nam. Lựa chọn lối vẽ thô mộc có phong cách cá nhân, bố cục chính phụ của từng trang truyện, đặc biệt là ý thức về bố cục trang đúp là điểm sáng khiến cho Long Thần Tướng không phải bộ truyện nhấp nháy như những con đom đóm ôm ước vọng được như mặt trời manga mà thực chất chỉ mang theo hơi tàn rồi lịm tắt mà thôi. Nội dung nhịp truyện có tính tiết tấu cao, không sa đà mô tả giải thích rườm rà, tính văn chương vốn rất hiếm gặp trong truyện tranh Việt Nam nay đã được biểu đạt dưới sắc thái tinh tế của truyện tranh. Thế mới thấy vấn đề không nằm ở chỗ là bạn là người Việt Nam thì bạn chắc chắn sẽ chỉ làm ra những thứ như cứt, mà là bạn có đủ nghiêm khắc và dám đặt mình ngang hàng không chút ưu ái vì này vì kia cùng truyện tranh thế giới hay không. Bộ này quả thật đã thuyết phục được bạn đọc, chỉ trừ một điểm yếu chí mạng: quá lâu.
Sáu năm cho một bộ truyện với rất nhiều lần gián đoạn trì hoãn, không quá dài nhưng vẫn chưa xong. Và các tác giả vẫn đồng thời thực hiện các dự án khác. Tất nhiên, chúng ta đang nói tới truyện tranh Việt Nam, với một núi những khó khăn trở ngại trên đủ mọi phương diện, và tôi chỉ đơn giản đang thực hiện một phần của cái gọi là trên đe dưới búa mà thôi, sự cảm thông của độc giả là điều hoàn toàn dễ dàng có thể nhận thấy, không ai bỏ rơi Long Thần Tướng, chúng tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi và luôn dành cho tác giả sự ủng hộ trong khả năng. Nhưng, bạn thân mến của tôi, chẳng gì có thể thay đổi được thực tế mà tôi đã nói ở trên: quá lâu. Phải không nào?
Thứ nữa, chúng ta nhắc tới Địa Ngục Môn (2018) của Can Tiểu Hy cùng các truyện tranh Việt Nam khác, tôi xếp các bộ này vào chung một nhóm bởi dù đã có rất nhiều tiến bộ trong về mặt tổng thể, các bộ truyện này vẫn đều mắc phải những khuyết điểm khó bỏ qua. Về nội dung: thiếu tính nhịp điệu của văn chương, nội dung khiên cưỡng chưa thuyết phục được độc giả khó tính đã kinh qua manga lâu năm. Về mỹ thuật: chỉ đáng xếp vào loại truyện tranh hạng hai, hạng ba với nét vẽ nhái theo manga, không có phong cách riêng, quá lạm dụng hiệu ứng đồ hoạ máy tính, bố cục truyện chưa chặt chẽ, hoặc nếu không thì chỉ đơn giản là vẽ xấu. Việc tung hô chỉ vì nó đoạt giải thưởng và dành quá nhiều sự nuông chiều cho các tác phẩm kiểu này chỉ vì nó là truyện tranh Việt Nam sẽ chỉ khiến cho chúng ta tiếp tục những bước đi u mê không khác gì phim Việt Nam và văn học Việt Nam hiện tại. Hãy luôn nhớ, các giải thưởng không làm cho tác phẩm hay lên, không đoạt giải không có nghĩa là tác phẩm dở đi. Các giải thưởng chỉ đại diện cho cái tôi của ban giám khảo chứ không đại diện cho cái tôi của tác giả. Hãy luôn nhớ điều đó.
Kết
Ba thập niên sau giai đoạn Đổi Mới và Cởi Mở đã biến ngành xuất bản Việt Nam từ hình ảnh nhàn nhạt cũ mòn trong thập niên 1980 lột xác trở nên đầy sức sống và có thể tự tin mà nhìn nhận rằng đã đạt tới đẳng cấp thế giới về sự đa dạng, trong đó xuất bản truyện tranh là một điểm tích cực không thể bỏ qua. Trong phạm vi bài viết này, tôi khó lòng tránh khỏi sơ suất trong nhận định và thiếu sót trong thống kê, mong bạn đọc rộng lòng chấp nhận và cảm thông. Tôi, chúng ta, đã lớn lên trong thời kì này, và việc một lần ngồi xuống nhìn lại những năm tháng đã qua có lẽ không hẳn là điều vô nghĩa. Thập kỷ mới (theo cách tính này) đã bắt đầu, hãy cùng chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra và điều đó sẽ thay đổi chúng ta như thế nào.
Suy cho cùng, đọc truyện tranh hay đọc sách chữ, điều quan trọng là người ta biết mình đang đọc gì và sẽ nhận được gì từ những thứ mình đọc. Nếu phải lựa chọn giữa đọc truyện tranh và đọc sách chữ, hãy hỏi đám trẻ con trong gia đình bạn, và tự hỏi cả đứa trẻ trong con người bạn. Câu trả lời có ra sao, thì cũng cứ yên tâm, con sâu đục khoét tâm hồn bạn chắc chắn là một con sâu khác, với gông cùm kiềm toả chứ không phóng khoáng tự do như những gì mà chúng ta đã có với thế giới truyện tranh.
Chu Kim
(Toàn bộ ảnh trong bài được lấy từ internet và bản quyền hình ảnh thuộc về người chụp. Xin trân trọng cảm ơn.)
Nguồn: https://zzzreview.com/2020/03/10/truyen-tranh-o-viet-nam-ba-muoi-nam-nhin-lai/
0 Bình luận