Từ Công Phụng Với Cõi Đam Mê Âm Nhạc Với Đời Sống Dung Dị, Thủy Chung
Bàn về âm nhạc Từ Công Phụng, thực tình mà nói, tôi chưa đủ khả năng. Chút năng khiếu thẩm âm riêng tư, hạn hẹp của một thính giả trung bình như tôi, chưa đủ. Dù lắng nghe nghiêm chỉnh, thận trọng, vẫn chỉ là hình thái của dục mã khán hoa, xem hoa trên lưng ngựa.
Cũng bằng những cảm nhận riêng tư ấy, nhạc Từ Công Phụng đã âm thầm chiếm một chỗ trang trọng trong ngăn riêng thưởng ngoạn tôi. Với không nhiều lắm, những giòng nhạc khác đã thăng hoa ở một cõi riêng. Từ thập niên 1960, “Bây Giờ Tháng Mấy” đã tàng ẩn trong kỷ niệm xanh, đã làm một phần của kỷ niệm tôi, của chúng ta, đã không còn là của riêng Từ Công Phụng: “Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em. Tôi đi tìm mùa xuân êm đềm…”
Cũng từ “Mưa Trên Ngày Tháng Đó”, những âm giai thánh thót dội đập vào cảm thức mơ hồ mà rõ nét, của ai đó mà riêng ta, muốn quên mà mãi nhớ, một thời mà hằng cửu:.. “ Trời còn làm nước mắt rơi mau, trên vùng tuổi mưa ngâu, người còn nước mắt rơi mau, trên vùng tuổi thương đau, người xin hơi thở bên nhau, để tình còn ấm khi người xa tôi ngàn đời. Trời còn làm nước mắt rơi mau, khi cuộc tình ta đã (sẽ?) chết mai sau. Người về còn giữ lấy cơn mê, nghe đã lạc loài trên gót chân thề…”
Nhiều người đã viết về Từ Công Phụng, nhưng chưa đủ, không bao giờ đủ. Nhiều người đã hát nhạc Từ Công Phụng, nhưng chưa tới, dù là những tiếng hát hàng đầu như Kim Tước, Châu Hà, Mai Hương, Khánh Hà…
Từ Công Phụng, kẻ hào phóng và keo kiệt trong tình cảm. Đáng, thì cho hết, xả láng. Trước sau như một. Không đáng, thì một lời, một chữ cũng không. Anh thành khẩn với đời và cũng thờ ơ với người. Anh chọn cho mình một thể sống ẩn dật. Anh không có nhu cầu. Chỉ là cây lục huyền cầm và dăm ba bạn thiết. Rao bán âm nhạc, tiếng hát của anh, chỉ là một điều chẳng đặng đừng. Chưa bao giờ được coi là nhu cầu hay lợi nhuận.
Anh sáng tác cho mình, cho đời. Thảng hoặc là cho những giao tế, chẳng đặng đừng. Tiếng hát Từ Công Phụng chỉ thực sự bay bổng, thăng hoa, khi anh cất lên vì bằng hữu, cho bằng hữu. Từ một căn phòng bừa bộn, chờn vờn khói thuốc, một hàng ba thênh thang đêm, tiếng hát trầm ấm Phụng vươn lên, đâm suốt tim người.
Chỉ một lần Phụng hát không có nhạc đệm. Hát cho một người nghe: Thanh Nam. Lần ấy, Phụng và tôi ghé thăm những ngày cuối đời của Thanh Nam trên giường bệnh. Chiều Seattle hôm ấy đang tầm tã mưa. Thanh Nam đã yếu lắm nhưng còn đủ tỉnh táo để cảm nhận cơn mưa nồng nàn quý hiếm của âm thanh, của kỷ niệm đang rào rạt trong lòng, khi tiếng hát ân tình của Phụng cất lên: “ Em đến thăm anh một chiều mưa. Mưa dầm dề đường trơn ướt tiêu điều…” Tiếng hát Phụng làm ngỡ ngàng mọi người. Thanh Nam rớm lệ, Túy Hồng mắt đỏ hoe. Đám y tá Mỹ lặng lẽ bu kín cửa với xúc động bất ngờ. Những tiếng vỗ tay thật nhẹ mà vang dội giữa tim người.
Phụng đã chọn Tô Vũ, và bản nhạc Thanh Nam thích nhất, và cũng chỉ hát có một bài ấy trước lúc chúng tôi từ biệt người bạn văn. Riêng trong lòng tôi, có nhẽ rằng trước đây, và sau này, không ai có thể hát Tô Vũ hay hơn thế nữa.
Đã có những nhóm bạn, khắp nơi, từng tổ chức những đêm nhạc thính phòng riêng cho Từ Công Phụng. Như một chào đón, vinh danh cho người nhạc sĩ tài hoa với giọng ca thiên phú ấy. Gần đây, là đêm kỷ niệm 35 năm nhạc Từ Công Phụng (60-95) ở Virginia, thành công rất tốt đẹp.
Đám bằng hữu anh gồm Người Việt Tây Bắc và ca sĩ Hoàng Trọng Minh cũng đang rục rịch dựng lại một đêm nhạc Từ Công Phụng, nhằm giới thiệu cuốn CD mới nhất của anh: Mưa Trên Ngày Tháng Đó (Gồm 10 bài ca chọn lọc do chính tác giả trình bầy. Điạ chỉ liên lạc: 3340 SE Hawthorne Blvd. Portland, Oregon 97214).
Dường như Phụng không chọn cho mình niềm vui nào khác, ngoài âm nhạc, thế nhưng anh chọn nghề in làm cách sống. Anh thanh thản hồn nhiên như trăng sao, dung dị như ẩn tu. Anh thành khẩn với đời, chung thủy với người. Thế nên, thảng hoặc Từ Công Phụng xách đàn xuống núi, đều là những tin vui đến với những người mến mộ anh. Như cá nhân tôi.
Hà Huyền Chi
10 – 95
Trích từ Từ Công Phụng Dưới Mắt Bằng Hữu, nhà xuất bản Nhân Ảnh, 2011
0 Bình luận