Từ Công Phụng với Nguyễn Đình Toàn, Du Tử Lê và Ngọc Dũng

Từ Công Phụng xuất hiện cùng một lúc với những Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đức Quang, Trần Quang Lộc, Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An… trước hoặc sau nhau một chút, nhưng cùng trong thập niên 60.

Ông đã được giới trẻ hoan nghênh ngay từ tác phẩm đầu tay “Bây Giờ Tháng Mấy”.

Kể từ 1954, sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước, cuộc di cư vĩ đại của hơn một triệu người từ miền Bắc vào Nam, dường như cũng là một cuộc pha trộn phù sa của sông Hồng với sông Cửu Long, làm nên một mảnh đất phì nhiêu mới cho văn học nghệ thuật Việt Nam.

Chúng ta có thêm một loạt những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ mới, như những hoa trái xanh tươi của vùng đất ấy.

Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ của lớp người sáng tác mới ấy.

Trên ba mươi năm “ôm đàn tới giữa đời” [Phạm Duy Nhượng], Từ Công Phụng như một người tình chung thủy, không viết gì khác và hát gì khác ngoài tình ca.

Tình ca của Từ Công Phụng đã đóng góp rất nhiều vào việc làm phong phú thêm kho tàng tình ca chung của Việt Nam.

Dĩ nhiên với tuổi đời, với những cuộc tang thương biến đổi của đất nước, và có thể của cả cuộc sống riêng nữa, tình ca của Từ Công Phụng càng ngày càng mất đi cái vẻ trong sáng ban đầu, nhưng càng sâu thẳm hơn ở những cõi đớn đau cũng như hạnh phúc.

Hoàn cảnh đất nước chúng ta dường như đã làm cho tất cả những người còn sống hôm nay đây, nhất là những người đang lưu lạc ở các xứ người này, trở thành những kẻ sống sót.

Hạnh phúc của những kẻ sống sót nào, chẳng không cùng một lúc pha lẫn đau thương và nước mắt?

Mưa soi dấu chân em qua cầu
Theo những cánh rong cứu mang niềm đau
Đời em đã khép đi vội vàng
Tình tôi cũng lấp lối thiên đàng
Như cánh chim khuất ngàn
Như cánh chim khuất ngàn
Còn mong còn ngóng chi ngày yêu dấu…

Đó là những lời ca rút ra từ một ca khúc của Từ Công Phụng [Mắt Lệ Cho Người].

Nó cho thấy cái khổ đau, cái ngọt ngào trộn lẫn.

Những lời nói nửa mơ, nửa thật.

Có thể nói tất cả những điều ấy là thế giới nhạc thu nhỏ của Từ Công Phụng.

Ông đã chọn làm người đi hát tình ca và đang đi tiếp con đường của mình.

Tình ca của Từ Công Phụng có những nét riêng biệt, người ta có thể nghe và nhận biết và cách thức viết lời ca của ông.

Như một thứ gừng, càng già càng cay, nhạc Từ Công Phụng càng về sau càng trở nên thắm thiết. Hay nói như Tô Vũ [càng] “dạn dày đời mới” [càng] “ngọt ngào đường tơ”.

Và, nghe nhạc Từ Công Phụng, phải nghe chính ông hát mới thấy hết được cái chất thơ mộng, lãng mạn, chứa dấu trong từng mỗi âm thanh.

Vì, ngoài sáng tác, Từ Công Phụng còn là một ca sĩ hát tình ca đích thực, hiếm hoi, chúng ta có được.

Tất cả những người yêu nhạc đều muốn có, muốn được nghe một đĩa nhạc, do Từ Công Phụng hát, chẳng cần chỉ toàn nhạc của ông, mà còn có thể là nhạc của những người khác nữa,với một dàn nhạc “sống” do các nhạc sĩ đàn, chứ không phải là những dàn nhạc máy.

Vì với những dàn nhạc máy, dù người ta có sắp xếp khéo đến đâu chăng nữa, cũng không thể so với những tiếng đàn do tay người tạo nên, và, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tới tiếng hát.

Nhưng đúng là ước muốn.

Những gì Từ Công Phụng đã đóng góp cho âm nhạc Việt Nam bằng những ca khúc của mình, đủ để chúng ta, những người đã được dịp nghe ông hát hoặc nghe nhạc của ông, mỗi người, gởi đến ông một bông hồng tạ ơn.

Đặc biệt là những người còn đang sống trong tình còn phải mang ơn ông nhiều hơn nữa.

Nguyễn Đình Toàn

Nguồn: Ngày Nay, Houston, Số 523 Ngày 1 Tháng 4 năm 2004

NguyenDinhToanVietVeTuCongPhung

 

 

 

0 Bình luận

Bình Luận