Du ký ” Một vòng Đông Nam Á ” , đơn thân độc mã – một người một ngựa thần Honda Wave Alpha 100cc , lang thang rong ruổi qua mấy nước láng giềng : Kampuchia – Thái Lan – Malaysia – Singapore – Myanmar – Lào .

Từ thành phố cực bắc Mae Sai đến Ngả 3 biên giới của Tam Giác Vàng : Thái Lan – Myanmar – Lào .

Đại lộ Thanon Phahonyothin ở Mae Sai , buổi sáng , chung quanh xa xa là núi cao trùng trùng điệp điệp .

Tạm biệt Mae Sai , thành phố cực bắc của Thái Lan vào một buổi sáng mùa đông trời đẹp , mát mẻ . Trên đại lộ Thanon Phahonyothin vẫn còn một lớp sương mù mỏng , xa xa chung quanh trùng trùng điệp điệp là những dãy núi cao của vùng Tam Giác Vàng .

Từ đây , nếu chạy xe máy xuyên Thái Lan rồi tiếp tục xuyên Kampuchia để về đến Sài Gòn ta sẽ đi qua hơn 1.700km – gần bằng khoảng cách Sài Gòn đi Hà Nội ! Nhưng mơ ước của mình là sẽ đi đường dài hơn , sẽ ” vòng vo Tam Quốc ” hơn , cần thời giờ nhiều hơn , một chuyến đi qua vùng hoang vắng của Thái Lan ven biên giới với Lào và cứ thế theo sông Mekong đi cho hết biên giới Thái Lan và Lào . Và giờ đây mình đang có cơ hội ” ngàn năm một thưở ” để biến giấc mơ thành sự thật thì làm sao mà để mất cơ hội này được phải không các bạn ?

Hành trình hôm nay rất ngắn , chỉ vài chục cây số thôi , đi ngang qua vùng cực bắc Thái Lan . Từ trong phố Mae Sai , ngay đại lộ Thanon Phahonyothin có ngả 3 quẹo trái đi về hướng đông vào quốc lộ 1041 – còn có tên là Meuang Dang Road , xuyên qua khu dân cư thưa thớt ở phía nam sông Mae Sai , bên Myanmar sông này có tên là Ruak River !

Rời Mae Sai chừng vài cây số ta sẽ gặp bên tay phải quốc lộ 1041 – Meuang Dang Road một cụm nhà cửa khang trang trên khuôn viên rộng lớn , cứ tưởng là ” trường quốc tế ” như hiện nay thường gặp ở Việt Nam ta . Trường của nhà nước thì bị chê , để rồi cha mẹ phụ huynh học sinh tìm mọi cách cho con vào những ” trường quốc tế ” này với sự tốn kém gấp vài chục lần ” trường Việt ” ! Bi kịch nền giáo dục của chúng ta hiện nay !

Lứa chúng tôi có ” xuất thân lý lịch ” từ trường công lập tỉnh lẻ ở thành phố Qui Nhơn – Bình Định – Việt Nam , đi học hoàn toàn không tốn một đồng học phí nào trong 12 năm từ lớp 1 đến lớp 12 đi thi tú tài , trong hệ thống giáo dục của ông Thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn – bộ trưởng bộ giáo dục chỉ có mấy tháng ngắn ngủi thời chính phủ Trần Trọng Kim mùa hè năm 1945 và chẳng cần biết ” trường quốc tế ” là cái quái gì ! Nhưng gần nửa thế kỷ nay , bạn bè chúng tôi đi khắp thế gian , học hành không ai dám coi thường , thậm chí có nhiều bạn giỏi đến nỗi được mời dạy tại các trường đại học Mỹ – Pháp – Anh – Úc – Đức v . . . v . . . ! Đến đâu cũng được tiếp đón niềm nở , lúc nào chúng tôi cũng nhìn thẳng vào mặt và vào mắt mọi người trên thế giới này với lòng tràn đầy tự hào ” Tôi là người Việt Nam ! ”

Vậy mà bây giờ nhìn kỹ kiểu giáo dục của nước ta từ mấy chục năm nay , mọi người đều ngao ngán và tìm cách . . . tỵ nạn giáo dục ! Bằng mọi giá và bằng mọi cách ” tống khứ ” con cháu mình ra nước ngoài , nước nào cũng được miễn là đừng bị đi học ở trong nước ! Đã có mấy thế hệ bị ” vô giáo dục ” rồi thì chúng ta còn chờ đợi được gì về trình độ dân trí hiện nay ?

Lại bị lạc đề tài rồi , xin lỗi nhé , và xin quay trở lại với ” trường quốc tế ” trên quốc lộ 1041 miền bắc Thái Lan ! Vì đang suy nghỉ theo cách của dân ta hiện nay là cái gì tốt , đẹp đều là . . . ngoại quốc , là quốc tế nên mình đã bị lầm to ! Cơ sở này đúng là trường học nhưng không phải là ” trường quốc tế ” mà là trường đặc biệt dành cho người khiếm thị .

Trường dành cho người khiếm thị ở Mae Sai – Thái Lan .

Thấy nước bạn , cũng ” da vàng mũi tẹt ” như ta , không là nước ” Xã hội chủ nghĩa , đỉnh cao của trí tuệ loài người ” , cũng không phải là nước giàu có mà lo cho dân như vậy thì nếu đúng là con người Việt Nam đàng hoàng thì ta không thể không ngậm ngùi cay đắng khi nghĩ đến người không may mắn bị khiếm thị bên ta ! Bên ta mỗi khi nói đến người khiếm thị thì thường ta chỉ nghe và thấy những cơ sở chuyên . . . Mát xa người mù và người mù đi lang thang bán vé số khắp nơi !

Đoạn đường tiếp theo dẫn ta đi qua vùng ruộng lúa ở đồng bằng , đây đó có những nhà hàng bình dân giữa đồng , được dựng lên bằng vật liệu mây tre lá , phút chốc xe lại leo lên vùng đồi cao , hai bên đường toàn cây bông lau cao đến vài thước !

Km 20 – Ngả 4 quốc lộ 1041 – Meuang Dang Road gặp quốc lộ 1290 . Từ ngả 4 này ta quẹo trái đi tiếp về hướng đông qua Ban Wieng Kaew và Ban Wang Lao , vẫn là theo bờ phía nam – hữu ngạn của sông Ruak River .

Km 30 – Bản Sop Ruak . Đây là nơi giáp ranh giới của 3 nước Thái Lan – Myanmar – Lào . Tại vùng này , con sông Ruak River chảy theo hướng tây bắc – đông nam và làm thành biên giới thiên nhiên giữa 2 nước Thái Lan và Myanmar , chảy vào sông Mekong . Còn con sông Mekong to rộng chảy qua khu này theo hướng bắc – nam và là biên giới thiên nhiên giữa Lào với Thái Lan và Lào với Myanmar .

Ngả 3 sông đồng thời cũng là Ngả 3 Biên Giới Thái Lan – Lào – Myanmar . Xin lưu ý : Nơi nước sông Ruak River chảy vào sông Mekong có lằn ranh giới của 2 màu nước từ 2 con sông !

Khái niệm Ngả 3 Biên Giới là dùng cho cả 3 nước nhưng chỉ có Thái Lan là nước tổ chức du lịch chụp hình . . . ” Check – in ” thành công nhất !

Chuyện Tam Giác Vàng , chuyện ” Binh đoàn bại trận ” của Quốc dân đảng – Tưởng Giới Thạch , bị Hồng Quân Trung Cộng truy sát đánh tan nát phải chạy từ Vân Nam qua tạm trú tại miền bắc Myanmar rồi sau đó được tỵ nạn chính trị tại Thái Lan , chuyện trồng – chế biến – buôn bán ma túy Heroin – bạch phiến , chuyện các thế lực tranh giành quyền lợi dẫn đến những cuộc đụng độ đẩm máu , chuyện khát vọng của dân tộc Shan với quân đội SUA – Shan United Army đấu tranh để tái lập đất nước Mong Tai , đều đã đi vào lịch sử của vùng này .

Tất cả những chuyện nói trên xảy ra cách xa Ngả 3 Biên Giới nhiều chục cây số và cũng đã khép lại từ cuối thế kỷ 20 , không dính dáng gì tới địa danh Ngả 3 Biên Giới nhưng Thái Lan đã khôn khéo níu kéo , bám vào những sự kiện này , gài thêm vào địa điểm Ngả 3 Biên Giới một số công trình phục vụ cho du lịch như khách sạn , khu nghỉ dưỡng cao cấp , vài viện bảo tàng , trùng tu chùa chiềng , phế tích lịch sử , dựng thêm một số tượng Phật đủ kiểu dưới danh nghĩa ” Du lịch tâm linh ” và đã biến nơi đây thành một điểm tham quan thu hút được rất nhiều du khách !

Lần trước , đến đây cuối năm 2011 , mình cảm nhận Ngả 3 Biên Giới này đẹp hơn , rộng rãi hơn , thoáng hơn và văn hóa hơn . . . Lần này thì có phần . . . thất vọng vì nơi đây đã bị bê tông hóa nặng nề ! Nhiều hạng mục ” Trời ơi đất hỡi ” đã bị xây lên trông rất là . . . chật chội , hổ lốn , tự phát !

Khi xưa chỉ có một địa điểm là cái trụ hình tam giác cao vài thước cho du khách đứng chụp hình vì nơi đó là vị trí tốt nhất để nhìn ra ngả 3 sông , nơi sông Ruak River chảy vào sông Mekong . Mấy năm gần đây chắc là số lượng du khách tăng nhanh và nhiều quá nên ban quản lí đã cho dựng thêm nhiều cổng như những cổng chào nho nhỏ với kiểu dáng khác nhau nhưng luôn có hàng chữ ” Golden Triangle ” – Tam Giác Vàng , để du khách tha hồ . . . ” đóng phim Check – in ” !

Một trong những cổng ” Check – in ” , mới được dựng lên để phục vụ du khách tại Ngả 3 Biên Giới .

Mặc kệ cho nơi đây đã có nhiều thay đổi , mình đậu xe ngay cửa hàng 7 – Eleven ở trung tâm , đẩy cửa ” hiên ngang bước vào ” tự pha chế một ly cafe sữa nóng Nestle , uống cho tỉnh táo rồi sẽ đi dạo sau !

Bản Sop Ruak là bản ở ngay bên ngả 3 sông Ruak River và sông Mekong , nhỏ xíu nên khách dễ dàng đi tham quan mấy địa điểm nên ghé qua tại đây , gồm :

– Tượng Phật ngồi , thếp vàng , Phra Chiang Saen Si Phaen Din ,ngay bên sông Mekong .

– Mấy cổng chào , ngay sau lưng tượng Phật ngồi, để chụp hình ” Check – in ” , một thủ tục đã trở nên phổ biến mà hầu hết các khách du lịch đều tuân thủ rất nghiêm ngặt , nhất quyết không
bao giờ dám quên !

– House of Opium , nhà bảo tàng về . . . Opium , rất đáng để tham quan . Ở đây ta sẽ biết thêm về nhân vật Khun Sa , xuất thân là đại tá trùm tình báo – Chief of Ka Kin Yae của Myanmar , sau đó lại trở thành ông trùm . . . Tam Giác Vàng với khát vọng về một quốc gia Mong Tai độc lập của dân tộc
Shan vùng phía đông và phía bắc nước Myanmar .

– Hall of Opium , nằm bên sông Ruak River , đi ngược lên thượng nguồn chừng 2km cạnh quốc lộ 1290 đi Mae Sai , sẽ thấy bên tay trái một dinh thự rất lớn : Đó là nhà trưng bày lớn nhất trên thế giới về đề tài cây thuốc phiện – Opium và ma túy với những gì liên quan tới đề tài này . Hall of Opium được xây rất hoành tráng , cách sắp xếp trình bày rất hiện đại .

– Chùa Wat Phra That Pu Khao nằm trên ngọn đồi ngay bên ngả 3 biên giới .

– Một vòng đi bằng thuyền du lịch trên sông , lượn qua 3 nước Thái Lan – Lào – Myanmar .

Tượng Phật ngồi rất lớn được thếp vàng , ngay Ngả 3 sông – Ngả 3 Biên Giới .

Khu vực tượng Phật ngồi , cao mười mấy thước , bên sông Mekong , được thếp vàng . Phra Chiang Saen Si Phaen Din bây giờ có thêm nhiều ” công trình phụ ” với Naga – rắn thần , với vô số tượng Phật khác , rồi thêm tượng voi bốn mặt , rồi Thần bốn mặt , dấu chân Đức Phật , rồi Phật Di Lặc v . . . v . . . tạo thành một mớ hỗn độn hổ lốn !

Chỗ mấy cổng chào với hàng chữ Golden Triangle thì bị tụi Tàu – Trung Cộng chiếm đoạt hoàn toàn ! Hết cặp này đến cặp khác , hết nhóm này đến nhóm khác đứng chụp hình , ưỡn ẹo đủ mọi tư thế , không cho người khác chụp hình , làm như trên thế giới này không có ai ngoài tụi Tàu – Trung Cộng ! Tình hình giống như anh bạn Võ Quang Dũng Cosa thường nói là . . . ” dễ đánh lộn thiệt ” !

Khách nào còn thời giờ và còn . . . sức lực , có thể leo lên chùa Wat Phra That Pu Khao nằm trên đỉnh đồi ngay trung tâm và bên cạnh ngả 3 sông . Đây là ngôi chùa rất cổ kính , có từ thế kỷ 14 và hiện nay chỉ còn giữ lại được một số phế tích như tháp cổ , tượng cổ v . . . v . . . và đang được bảo tồn !

Chùa đã được xây mới với một cổng chào Golden Triangle ở cạnh phía bắc , nhìn về hướng ngả 3 sông – Ngả 3 Biên Giới , để khách tha hồ . . . chụp hình ” Check – in ” mà không bị đám Tàu – Trung Cộng ở dưới chân đồi , sát bờ sông làm phiền vì trên này ít du khách hơn !

Sau nhiều tiếng đồng hồ để tham quan những điểm kể trên thì mình nhận ra một điều phũ phàng là nơi đây không có chỗ trọ cho du khách ba lô ! Các tập đoàn du lịch lớn đã đầu tư vào địa danh nổi tiếng này những khách sạn , những khu nghỉ dưỡng nhiều sao và giá rất cao ! Ở đây cũng tốt nhưng không ở ngay tại Ngả 3 sông cũng không sao , thậm chí còn có phương án 2 hay hơn : Chiang Saen , thị trấn Ngả 3 Biên Giới bên sông Mekong !

Không vội vàng hấp tấp nên mình muốn lưu lại , ở ngay khu vực Ba biên giới – Ngả 3 sông này ít nhất một đêm và Chiang Saen là lựa chọn thực sự hấp dẫn .

Không còn là cánh đồng cây thuốc phiện mà là . . . cây thuốc lá bên bờ sông Mekong , gần thị trấn Chiang Saen !

Thị trấn Chiang Saen nho nhỏ xinh xinh , chỉ cách Ngả 3 Biên Giới 10km về phía nam , trải dài chừng 1.500m dọc theo sông Mekong chảy qua đây theo hướng bắc – nam . Phố xá nằm trong phạm vi 4 con đường chạy song song với sông Mekong và 5 con đường cắt ngang nhưng phố xá hàng quán chỉ tập trung ở con đường bờ sông và con đường lớn giữa thị trấn với những cơ quan hành chính , chợ búa , chùa chiềng v . . . v . . . là đường Thanon Phahonyothin .

Khách sạn và nhà nghỉ nằm rải rác đều trong phố , mình chọn một nhà nghỉ ở ven phía bắc thị trấn , nằm lùi xa mặt tiền , có vườn hoa nho nhỏ , vắng vẻ yên tĩnh , gần bờ sông và chợ Ẩm thực buổi tối . Phòng rộng rãi , sạch bóng , mới xây , trang thiết bị cũng rất mới , giá phải chăng , cô bé tiếp tân dễ thương ! Vậy thì tốt quá , lữ khách không còn mơ ước gì hơn nữa ! Đến Chiang Saen và ở lại đây thực sự là lựa chọn đúng đắn kèm thêm may mắn !

Thị trấn Chiang Saen nằm ở bờ phía tây – hữu ngạn sông Mekong và được thành lập từ thế kỷ 14 . Hiện nay vẫn còn thấy được dấu vết của tường thành hình chữ nhật , chu vi khoảng chừng 4,3km và cả hào phòng thủ bao quanh khu trung tâm . Những ngôi chùa nơi đây toàn là những chùa cổ thứ thiệt , đều được xây dựng từ thế kỷ 14 .

Phế tích ở Chiang Saen .

Mình đi dạo bộ theo con đường bờ sông , ngang qua mấy ngôi chùa cổ nhiều trăm năm tuổi , một bến cảng với nhiều tàu thuyền lớn , xà lan chuyên chở hàng hóa giữa Thái Lan và Trung Cộng . Du khách đã có Visa của Trung Cộng có thể đi theo thuyền chở khách du lịch lênh đênh trên sông Mekong gần cả một ngày một đêm để đến Jinghong , phía nam tỉnh Vân Nam của Trung Cộng .

Đi hết con đường bờ sông , gặp một nhà hàng ở tận ven phía nam thị trấn , bên cạnh một cầu cảng . Mình vào , chọn cái bàn nhỏ nhìn ra sông Mekong đang lững lờ trôi về phương nam , qua hàng ngàn ghềnh thác sẽ về đến Việt Nam ở Hồng Ngự – Đồng Tháp và Châu Đốc – An Giang , rồi cùng nhau ra Biển Đông .

Bữa cơm thanh đạm , nhìn ra sông Mekong để tâm hồn lữ khách cũng trôi theo , về hướng Việt Nam !

Vừa thưởng thức dĩa cơm nhỏ , trong lòng rộn ràng niềm vui vì hôm nay đã là ngày đầu tiên trên đường ” Qui cố hương ” . Một ngày đẹp trời , tham quan được nhiều điểm rất hấp dẫn , được đến một thị trấn nhỏ và đẹp . Trước mắt , giòng Mekong lấp lánh trong ánh nắng hấp hối của một buổi chiều vàng ở Ngả 3 Biên Giới Thái Lan – Lào – Myanmar .

 

Nguyễn Chí Hoài Nhơn

Photos:

Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo

 

Nguồn: https://nguyenchihoainhon.com/bai-so-63-tu-mae-sai-den-nga-3-bien-gioi-cua-tam-giac-vang/

 

0 Bình luận

Bình Luận