Vì sao người dân thành mặt hàng xuất khẩu và giải pháp nào cứu nguy cho dân tộc
Các thống kê về hàng vạn người Việt đua nhau đi xuất khẩu lao động trong những năm gần đây là của báo nước ngoài. Trong nước chưa có một thống kê chính thức nào và số phận hàng ngàn con người ấy ra sao nơi đất khách quê người. Chỉ thấy một số người đang ra đi hoặc đã trở về có cải thiện đời sống cho gia đình mình, cùng với những lời quảng cáo ngọt ngào từ các công ty xuất khẩu, thế là xứ tư bản giãy chết hay địa ngục trần gian mà lâu nay tuyên giáo vẫn tuyên truyền trong mắt của nhiều người đã trở thành miến đất hứa hay thiên đường đang vẫy gọi.
Sự thật, tỉ lệ người Việt thành đạt tại nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thường là những tài năng du học rồi ở lại với hình thức lao động kỹ thuật bậc cao, một số giỏi buôn bán và kể cả một số làm ăn mafia… Còn lại đa số là lao động bậc thấp như dọn rác, rửa bát, cắt móng tay, làm osin, kể cả trộm cắp, làm đĩ, những nghề mà dân sở tại không làm hoặc ít làm.
Tất nhiên, dù là lao động bậc thấp nơi nước người, họ vẫn có tiền gửi về gia đình trả nợ hoặc cải thiện phần nào đời sống khó khăn. Chính sự thật này đã tạo nên một làn sóng “xuất khẩu lao động”.
Nhiều người quy hết về nền chính trị Việt Nam đang có vấn đề về tự do dân chủ. Cũng có người quy cho kinh tế phát triển lệch lạc, chênh lệch giàu nghèo, tình trạng thất nghiệp… Một số cực đoan và vô cảm thì quy hết cho tội ham giàu, ham tiền đối với những người tham gia lao động xuất khẩu, kể cả tội phản bội Tổ quốc.
Tất cả hình như đều có phần đúng, nhưng đều mơ hồ và đều có thể phản bác, bởi các nguyên nhân đó nếu biến thành giải pháp cụ thể để hóa giải vấn đề thì cũng không giải quyết được điều gì.
Tôi không bàn sâu về chính trị, bởi những người dân quê chỉ biết sinh nhai thì chính trị với họ gần như vô nghĩa, trừ phi họ bị đẩy đến chân tường. Tôi chỉ bàn trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Điều trực tiếp dễ thấy nhất là nguyên nhân chênh lệch giá giữa nước người với nước ta. Đồng tiền làm ra ở nước người hiển nhiên phải đổi bằng xương máu, với đồng tiền ấy, người lao động phải sống vật vã nơi xứ người. Nhưng nếu tằn tiện gửi số tiền ấy về nước thì nhờ chênh lệch giá mà giải quyết được nhiều thứ, nợ nần, nhà cửa, xe cộ… Tính thực dụng bộc lộ rõ trong tâm lý những người nghèo hơn là những ước mơ cao xa về dân chủ, nhân quyền.
Nhưng phải đặt câu hỏi tiếp, rằng cái gì đã làm nên sự chênh lệch giá như vậy? Theo kinh tế học, giá cả dù có biến động cách gì cũng phải dựa trên giá trị lao động. Giá trị lao động được tính trên tương quan giữa sức lao động đã bỏ ra và chất lượng sản phẩm. Ở đây nảy sinh hai vấn đề. Một là, lao động sản xuất ở Việt Nam vẫn còn là lao động thủ công, cả nông nghiệp lẫn công nghiệp, riêng công nghiệp thì toàn nhập máy móc cũ kỹ lạc hậu, vừa tốn công sức lao động vừa sinh ra sản phẩm kém chất lượng. Những ông chủ có tâm vẫn không thể trả lương cao cho nhân công. Hai là, quan trọng hơn, tham nhũng và bóc lột hoành hành mà nhà nước thì chỉ chống cái ngọn chứ không có chế tài nào kiểm soát hữu hiệu từ gốc. Thật nghịch lý là kinh tế vẫn phát triển, nhiều ông chủ (nhà nước lẫn tư nhân) giàu cực nhanh với thu nhập cao ngất ngưỡng, nhiều công ty, xí nghiệp có lợi nhuận khổng lồ đến hàng ngàn ngàn tỷ nhưng lương của người lao động vẫn thấp đến tận đáy. Với mặt bằng thu nhập (bình quân cho đa số người lao động chứ không chơi trò chia bánh mì, đứa ăn nguyên cái và đứa chỉ cạp được một phần rồi tính bình quân) quá thấp, ắt dẫn đến chênh lệch giá giữa Việt Nam và các nước văn minh.
Tất nhiên cũng cần nhìn thấy hai mặt khác nữa của vấn đề. Một là, số quan chức và doanh nghiệp giàu có với lợi nhuận khổng lồ thì lại toàn tiêu thụ hàng ngoại, đầu tư nhà đất, con em du học ở nước ngoài, hậu quả là tiền làm ra từ nước ta lại chảy ra cho nước ngoài. Hai là, rừng, đất nông nghiệp canh tác truyền thống đã bị đô thị hóa, chùa hóa gần hết, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt để làm giàu cho một nhóm lợi ích, dân chỉ còn cạp đất cũng không đủ ăn. Hậu quả là người nghèo không đem bán thân xác cho các ông chủ nội quốc thì cũng phải bán cho ngoại quốc để kiếm ăn.
Giữa hai con đường phải lựa chọn, hàng vạn người đã lựa chọn bán thân xác cho ngoại quốc vì… chênh lệch giá. Xóa đói giảm nghèo bằng cách đó, tưởng là ích nước lợi nhà, kỳ thực là vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên lẫn tài nguyên con người để làm lợi cho nước khác.
Cuối cùng, mấu chốt của vấn đề mà tôi phải nói ra, biết là rất nhạy cảm nhưng vì quốc kế dân sinh và sự tồn vong của quốc gia dân tộc, kể cả sự tồn vong của chế độ, nên phải nói. Không ai khác, chính ông tổ của chủ nghĩa cộng sản là K. Marx từng viết, rằng những cuộc đình công và biểu tình của công nhân, người lao động là liều thuốc cải thiện đời sống của chính họ. Đạo đức xét đến cùng là phải đứng lên “tước đoạt kẻ đã tước đoạt mình”. Tôi không cổ vũ bạo lực như Marx, Engels, Lenin từng cổ vũ bạo lực cách mạng vào đầu thế kỷ 20. Nhưng tôi ủng hộ đình công và biểu tình ôn hòa. Bởi đúng như Marx nói, không có ông chủ nào tự giác cho không người lao động cái gì, trừ phi người lao động biết đấu tranh, đòi hỏi quyền lợi một cách chính đáng. Sự thật là nhờ cơn bão biểu tình và đình công của người lao động mà ở phương Tây chủ nghĩa tư bản hoang dã đã thức tỉnh và chuyển hóa thành tư bản văn minh với sự đáp ứng thỏa mãn nhu cầu và quyền lợi của người lao động.
Có nghĩa là, đến lúc ở Việt Nam, để xóa chênh lệch giá giữa lao động trong nước và nước ngoài, lương công nhân, người lao động phải được chi trả theo lợi nhuận chứ không thể cào bằng mỗi tháng dăm ba triệu, trong khi lợi nhuận tư bản trên đất nước này có khi còn vượt mức so với các nước tư bản văn minh. Chính sự bất công mới dẫn đến chênh lệch giá giữa Việt Nam và các nước văn minh, và chính vì không được quyền đình công, biểu tình, đòi hỏi quyền lợi chính đáng mà người dân chỉ còn biết lựa chọn con đường bán thân xác cho nước ngoài.
Cùng với khai thác tài nguyên bán cho nước ngoài, chính sách xuất khẩu lao động để phát triển kinh tế là một chính sách sai lầm từ gốc. Đất nước bị vắt kiệt từ tài nguyên thiên nhiên đến sức người và tất yếu sẽ đưa đất nước đến một thảm họa trong tương lai rất gần.
Mong Quốc hội tập trung trí tuệ bàn và nhanh chóng thông qua luật đình công và biểu tình, luật hình thành những công đoàn độc lập hơn là ngồi bàn những thứ viễn vông và vụn vặt. Thông qua những cuộc đình công và biểu tình của chính người lao động gây sức ép lên các ông chủ giàu có bằng bóc lột, chính quyền nghe được tiếng nói của dân và ra những quyết sách đúng về tiền lương và giải quyết hợp lý phúc lợi cho người lao động thay vì dùng chuyên chính vô sản trấn áp giai cấp vô sản để bảo vệ quyền lợi của những ông chủ tư bản, dù là tư bản nhà nước hay tư bản tư nhân.
Chu Mộng Long
Nguồn: trang FB của Chu Mộng Long
0 Bình luận