Nguyễn Xuân Hoàng & Trương Gia Vy lúc mới cưới

Khi ta mười sáu, ta nghi nhận cuộc đời qua ánh mắt của hai người: đứa trẻ lên mười và em bé lên sáu. Tính hiếu kỳ [mọi người] của tuổi lên mười và sự vòi vĩnh [mọi thứ] thơ ngây của tuổi lên sáu. Khi ấy, tôi đọc Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu bằng hai đôi mắt băng tâm của hai thực thể chưa-phải-là-của-mình, nhân vật nam gần như chiếm trọn sự chú tâm của tôi. Đó là một người chững chạc, lãng mạn, thâm trầm, hút liền tay những ngụm khói bi quan, thở bằng những luồng nhớ da diết, sống trong không khí tràn ngập tình yêu nồng nàn nhưng vẫn trăm năm cảm thấy mình cô đơn. Nhân vậy ấy toát ra vẻ bí ẩn, bạt mạng, khích động sự hiếu kỳ của tuổi lên mười và cùng lúc khơi gợi lòng chiếm hữu nằng nặc của tuổi lên sáu. Tôi bắt đầu ý thức bản lĩnh đầy quyền lực của một người nam.

Nhân vật nam, một người có “sự khỏe mạnh của thân xác, cái chiều cao của cơ thể, vóc dáng vạm vỡ của những thớ thịt” – những nét bề ngoài đặc thù của một người đàn ông lý tưởng – dường như còn là một người sống nội tâm, chìm trong cô đơn, có vẻ từng trải, có địa vị, đầy tham vọng, và tràn đầy tự tin về sức ảnh hưởng của sự hiện diện mình trong trái tim nhân vật nữ. “Anh coi trời bằng vung, anh khinh bỉ cái bọn trọc phú, anh ghét bọn háo danh rởm chung quanh như những con múa rối…” Đó là quan niệm sống của một người hùng, không sợ cường hào, bất cần sự phê chuẩn. Lòng can đảm, sự dũng cảm là một trong những cá tính có sức mê hoặc người nữ vì nó tạo cho nàng cảm giác an toàn trong cuộc sống chung thân, một thái độ truyền từ gene thời tiền sử cho đến bây giờ. Những người đàn ông mạnh mẽ thường là những người có quyền lựa chọn và được chọn. Nhân vật nam hiểu sự thu hút của anh nằm ở điểm anh không muốn mình biến thành “cái bóng nhòe nhoẹt của người nữ.”

Nếu không có anh, nếu anh đừng có mặt trong đời sống này, chắc gì em đã chông gai và phiền lụy như thế.” Lời cân nhắc ủi an tuy tha thiết nhưng ẩn náu hơi hướm kiêu căng không chủ tâm. Theo tiềm thức, nhân vật nam thiết lập uy quyền của mình trong thế giới tình yêu vì anh hiểu rõ tác động được phiền lụy của nàng đồng nghĩa với sự củng cố tầm quan trọng và sức ảnh hưởng vượt gia phong của mình. “Những ngọn nến sinh nhật […] đêm đó đã tắt, nhưng tôi bất ngờ trở thành một người đàn ông đầy quyền lực.” Người đàn ông ấy tự cho mình là “cộc cằn”, “thô lỗ”, “xấu tính”, nhưng lối suy nghĩ, trực giác biểu lộ sự tự tin tuyệt đối, đôi khi lấn sát ranh giới ngạo mạn. Và đặc tính đó toát ra mùi vị pheromone-tinh-thần đầy lôi cuốn, trong tâm tình bất định của một thiếu nữ đang lớn như tôi.

Và như rất nhiều cô gái mười-sáu-đang-tiếp-chuyển, tôi trở thành người “may mắn bất hạnh” trong những cuộc tình vọng tưởng, may mắn trong cuộc-sống-toàn-quyền-tự-do nhưng bất hạnh trong những sự chọn-lựa-không-thể-tự-chủ. Hoàn toàn tin mình bất lực trước mọi diễn biến chung quanh mình. Thụ động trước những đúng/sai, ân/oán, được/mất, quy lỗi cho mình qua những nghi ngờ tự sự. Tự trách, tự nó, biểu lộ sự thụ động hèn nhát. Rồi khổ-lụy-tự-trút như những mẫu lego xếp hình, biến dạng theo tâm tư, lúc vươn cao như rìa vực lúc chùng xuống như mặt biển, nhào nặn để chuyển hóa thành bản-ngã-nguyên-thủy theo thời gian.

Khi ta lên hai mươi sáu, phản chiếu trong đôi mắt ta nhận thức của chỉ một người: một ta đã qua thời định vị bấp bênh. Ta nhận diện ngay ra chính mình ở Bất Cứ Nơi Nào, Bất Cứ Ở Đâu, Bất Cứ Với Ai, Bất Cứ Trạng Thái. Tôi đọc lại cuốn sách yêu thích thời niên thiếu và nhân vật nam hầu như không còn tồn tại trên những trang giấy ấy, anh lùi hẳn vào sau bức màn tái hiện hiện thực của tôi. Bao nhiêu nét phác họa về người đàn ông bị tôi đặt vào góc não bên trái – góc điều khiển nghi vấn.  Tôi cảm thấy sự cô đơn huyền bí của người đàn ông nay trở thành đầy kịch tính. Một người đang yêu cuồng nhiệt và được yêu trọn vẹn sao lại luôn cảm thấy cô đơn, phải chăng đó là một thứ cô đơn tự áp đặt để lấp liếm che phủ tầm quan trọng của ái-lực đang dần xâm nhập, điều khiển trọn vẹn người đàn ông? “Trong thời chiến tình yêu đôi khi chỉ là xa xí phẩm”, người đàn ông tuyên bố, nhưng có thật sự thuyết phục được chính mình không khi thú nhận “Vy, anh đang gọi tên em để làm thơm đời anh. Em là đôi cánh chắp vào thân anh để anh có thể bay cao hơn… Em là trái tim đập mỗi phút giây trong lồng ngực anh để anh còn có sự sống.” Nghe như giọng điệu của một người đang bấu víu vào tình yêu tìm sự sống, không còn là người cao ngạo vung vãi ái tình như tôi đã ghi nhận.

Lần này, và rất đỗi tự nhiên, vùng não hyphothalamus của tôi – vùng kiểm soát cảm giác – hoàn toàn bị chinh phục bởi nhân vật nữ, một người con gái đài các, xinh đẹp, thông minh, thánh thiện, sở hữu nụ cười rụt rè đầy mê hoặc, đầy sẵn lòng hy sinh và sự tha thứ, tận tụy và thủy chung, mạnh mẽ trong đức tin của tình yêu. Tôi nhận ra quyền lực vô song của người nữ, không phải người nam, như đã từng ngây thơ ngộ nhận.

Nhân vật Vy nhỏ bé ở mọi khía cạnh: tuổi nhỏ, vóc dáng nhỏ, có hai bàn chân nhỏ và những giấc mơ hạnh phúc nhỏ nhoi, nhưng nàng khống chế trọn vẹn tâm tư người tình tưởng chừng như đã qua bao phen trưởng thành. Sự hiện diện của nàng gần như toàn năng, luôn “có-mặt-kiếm-diện”, dù nàng “choàng áo len dầy, đang ngồi trên chiếc xích đu ngoài sân nhà,” cách xa bao nhiêu “hố thẳm”, “thung lũng”,“biển trời”, “Khổng Tử”, “gia phong”, nhưng nàng diện hiện mọi nơi, bên cạnh người tình lúc nào cũng đang bất lực, sự bất lực gần như bi đát trước nỗi nhớ nhung nàng quay quắt và tình cảnh đất nước bi thảm. Quyền lực nàng truyền tiếp khả năng liên tưởng cho người tình, như Chúa đầy quyền năng với khả năng cứu rỗi sự sống loài người. “Hình như tôi đang nghe thấy giọng cười của Vy trong tiếng kêu khan của một trái cao su lăn dưới chân mình.” Giọng cười, ánh mắt, ngay cả những dấu chân nàng cũng đủ tạo nên những trận mưa tầm tã, những cơn tuôn trào cảm giác thương yêu trong lòng người tình. Chúa cần nước mới biến được thành rượu. Vy không cần bất cứ thứ gì để tạo nên cả một thế giới luôn mới, một vũ trụ sinh sôi, một không gian đầy hy vọng trong lòng người đàn ông sống ngay ranh giới giữa sống còn thoi thóp và cái chết chập chờ. “Anh còn tiếp tục sống cái đời sống tưởng như sót lại của anh, anh còn tiếp tục hoạt động những công việc mà anh đã mất lòng tin tưởng, anh còn đi trên con đường mà anh đã từng nhiều lần vấp ngã đau nhói, cũng là nhờ tình yêu của em dành cho anh.” Vy chỉ cần là chính Vy, với tất cả sự dịu dàng và tình thương yêu thiêng liêng của riêng Vy. Một Vy toàn năng.

Và Vy bằng xương bằng thịt của ngày nay, sắp đi hết trọn vẹn con đường tình yêu chồng vợ, vẫn là một Vy đầy quyền năng, tác động hy vọng bằng tình thương tận tụy. Vẫn là một Vy nhỏ bé, trước gió giông bệnh tình ngặt nghèo của mình, của chồng. Vẫn là một Vy với nụ cười rụt rè mê hoặc của thời con gái pha thêm nghị lực của một người đàn bà được điểm xuyết bởi muôn vạn tâm tư buồn vui phúc khổ đời người. Quyền năng sẵn có của Vy vẫn nguyên vẹn, có lẽ còn phi thường hơn, trong tâm thức của người tình, người bạn đời của Vy. Nỗi cô đơn, giờ đây, bỏ cuộc, tuẫn tiết. Tình-yêu-vợ-chồng-đã-qua-thử-thách, giờ đây, hiện rõ trước mặt, trong lòng người đàn ông trước kia mãi sống trong liên tưởng bất diệt.

Giờ đây, tôi luôn tin vào sức mạnh của người nữ, nhưng tôi không muốn gọi đó là nữ quyền (dù “quyền lợi” hay “uy quyền”) bởi “quyền” hay khiến ta liên tưởng đến sự thao túng, chiếm lĩnh, lộng hành: những điều phụ nữ chân chính không hề thấy thú. Tôi muốn gọi sức ảnh hưởng của người nữ, khả năng tạo dựng và cưu mang sự sống, biệt tài truyền linh cảm, năng lực khởi động hy vọng, bản lĩnh đối đầu với mọi thử thách, và nghệ thuật chăm chút yêu thương là nữ lực. Với nữ lực của Vy, chắc chắn tác giả Người Đi Trên Mây sẽ luôn bước trên những đám mây mịn màng, bồng bềnh, thư thái nhất giữa nụ cười e lệ đã chinh phục người trọn suốt một đời có đôi, và vì thế, nhẹ tênh.

Lưu Diệu Vân

Nguồn: https://damau.org/28453/vy-luc

 

0 Bình luận

Bình Luận