Abdulrazak Gurnah
Abdulrazak Gurnah – nhà văn Anh gốc Tanzanian – người da đen đầu tiên đoạt giải Nobel văn học sau gần hai thập niên (sau Toni Morrison 1993) – ông được vinh danh là người cương quyết vạch trần thực chất của chủ nghĩa thực dân và niềm cảm thông sâu sa với số phận của những người tỵ nạn vì sự khác biệt về văn hóa lẫn cuộc sống ở mỗi đại lục.
 
“Đánh mất một quê hương” rồi đau khổ, nhớ thương, hoài niệm về quê xưa đã tạo cho Gurnah những nguồn cảm hứng để viết lên những tác phẩm để đời của ông.”
 
Abdukrazak Gurnah sinh ngày 20 tháng 12 năm 1948 tại Sultanate, Zanzibar – bây giờ gọi là Tanzania (thuộc phía Đông Phi Châu – Ấn Độ Dương). Ông là người tỵ nạn đến Anh quốc sau cuộc nổi dậy ở Zanzibar vào thập niên 1960. Ông theo học tại University of London, sau đó lấy bằng tiến sĩ tại University of Kent, và ông cũng giảng dạy tại trường đại học này cho đến khi về hưu.
 
Sinh ra và lớn lên tại Zanzibar, một quần đảo ngoài khơi của Tanzania, Châu Phi. Từ thuở nhỏ, Gurnah không bao giờ nghĩ đến ông sẽ trở thành một nhà văn, vậy mà nay ông đã trở thành một nhà văn nổi tiếng thế giới, đoạt giải Nobel văn học năm 2021.
 
Gurnah rời quê hương, đến Anh quốc vào năm 18 tuổi. Là một thanh niên mới lớn, nghèo khổ, cô đơn, buồn rầu, nhớ nhà; ông đã tập tành viết truyện, ông viết những mẩu truyện nhớ thương về quê hương trong những trang nhật ký, rồi truyện dài và những câu truyện đời. Gurnah đã xuất bản 10 cuốn tiểu thuyết và một số truyện ngắn. Tác phẩm đầu tay của ông Memory of Departure ghi lại những chuỗi ngày lang thang, tha phương cầu thực, và thêm 9 tác phẩm kế – ông viết lại những nỗi đau khổ, nhục nhằn, ray rứt khi sống dưới chế độ cai trị tàn bạo, vô nhân đạo của thực dân, của chiến tranh và những ngày loạn lạc…những ngày ông phải rời xa quê mẹ…!
 
Những tác phẩm nổi tiếng của Gurnah:
 
Memory of Departure -1988. (Nhớ về một chuyến đi) – một thanh niên phải sống chật vật đói khổ dưới chế độ độc tài trước khi được về sống với người chú giàu có ở Kenya. Anh đã phải đấu tranh để tìm ra hướng đời của mình nhưng anh đau đớn nhìn hình ảnh của một nền văn hóa cổ truyền đã đang bị suy sụp với những đổi mới và sự nghèo đói. Anh không muốn bị ảnh hưởng xấu bởi những đồng tiền kiếm được ở vùng biển với người chú, nên đau khổ, nhục nhã trở về nhà với người cha nghiện ngập và cô em gái bị cưỡng bức phải làm “gái giang hồ”.
 
Pilgrims Way -1988. (Đường hành hương) Daud, một người tỵ nạn đến nước Anh, làm y tá phụ trong bịnh viện tại Canterbury vào thập niên 1970. Ở đây Daud đã bị kỳ thị về chủng tộc và bị ngược đãi… câu chuyện kể lại những kinh nghiệm “ghê sợ nhưng sôi động” của những người tỵ nạn.
 
Dottie – 1990. Câu chuyện này nói về Dottie Badoura, sinh ra và lớn lên ở Leeds, Anh Quốc, nhưng mẹ là người đàn bà da đen tỵ nạn. Dottie lớn lên trong nghèo khổ, phải bươn chải kiếm sống để nuôi hai đứa em sau khi bà mẹ qua đời. Không còn liên lạc với những người thân ở quê mẹ, Dottie cảm thấy mình như không còn có cội nguồn.
 
Paradise – 1994. (Thiên đường) viết về Yusuf, một cậu bé 12 tuổi, nghèo khổ ở vùng Đông Phi, bị bán cho một thương gia giàu có Ả Rập làm người ở không lương để trả nợ cho cha. Yusuf đã kể lại những chuyến đi xuyên qua đại lục, phải sống ngoài hoang dã và luôn đụng độ, đương đầu với những bộ tộc khác. Không chỉ kể lại nỗi đắng cay, sầu thảm của một cậu bé Yusuf mà cho cả một đại lục (Phi Châu) với những đứa trẻ thơ không hề có tuổi thơ lẫn tự do… Cuộc đời trôi nổi nhưng cũng có một kết cục tốt lành cho Yusuf.
 
Admiring Silence – 1996. (Ngưỡng mộ thầm lặng) – chuyện của một thanh niên đã rời bỏ Zanzibar đến sống tại Anh, lấy vợ người Anh và trở thành một nhà giáo. Chàng thanh niên luôn sống với niềm đau khổ ray rứt vì phân vân giữ hai nền văn hóa khác biệt (nơi quê hương mình và quê vợ).
 
By the Sea – 2001. (Bên Bờ Biển) – Saleh, 65 tuổi, theo đạo Hồi, từ Zanzibar đến tỵ nạn tại Anh quốc. Ông buồn rầu đặt chân đến phi trường Heathrow, tay ôm một chiếc hộp gỗ trầm hương có chạm trổ rất đẹp, và đó là tất cả ‘hành trang” ông mang theo. Ông bước đến… và chỉ vỏn vẹn nói một chữ “Asylum” (Tỵ nạn).
 
Desertion – 2005. (Rời bỏ) – Hai câu chuyện tình bi đát nhưng có liên quan mật thiết: Vào năm 1899, Martin Pearce, người Anh, thích phiêu lưu mạo hiểm và chống đế quốc; ngã xỉu bên đường được một chủ tiệm buôn cứu giúp và cho tá túc. Martin đã đem lòng thương yêu một cô gái gốc Đông Phi tên Rehana, con gái của ông chủ tiệm. Cuộc tình này đã gây một dư luận sôi nổi vì sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo…! Gurnah cho chuyện tình này là một “lãng mạn kiểu đế quốc” … Vào nửa thế kỷ sau đó, Zanzibari đã đau khổ kể lại những bất hạnh của gia đình: hoàn cảnh đã đưa đẩy em trai hắn yêu thương đứa cháu gái của Rehana.
 
Vài tác phẩm của Abdulrazak Gurnah
Gravel Heart – 2017. Nhan đề của tác phẩm này Gurnah trích trong một kịch bản của Shakespear “Measure for Measure”(Mắt đổi mắt, răng đổi răng) trong đó ông Quận Công đã nói; “Unfit to live or die! O gravel heart.” (Không đáng sống hay chết! hỡi con tim sỏi đá.) – Lớn lên ở Zanzibar, Salim không bao giờ biết tại sao gia đình bị chia ly, mở đầu câu chuyện, Salim đã nói: “cha tôi không muốn có tôi”. Sau đó, Salim đạt thành tích xuất sắc trong học tập và được đi du học ở Anh quốc, nhưng anh đã thất vọng và suy sụp trước sự tiết lộ bí mật của gia đình. Chỉ là những đặc tính rất nhỏ của từng nhân vật đã làm cho tác phẩm nổi bật – đó là những điểm thú vị đáng yêu nhất khiến độc giả ưa thích chọn đọc cuốn tiểu thuyết này.
 
Tiếng mẹ đẻ của Gurnah là Swahili, nhưng tiếng Anh là ngôn ngữ chính, những bài văn xuôi ông viết thường hay bị ảnh hưởng của tiếng Swahili, Arabic và Đức. Ông hay tưởng tượng và viết những câu chuyện từ kinh Quran cũng như từ tiếng Arabic và thơ phú của vùng vịnh Ba Tư, đặc biệt nhất là trong tác phẩm The Arabian Nights (Những đêm ở Ả Rập).
 
Và tác phẩm mới nhất của ông là Afterlives – 2020. (Kiếp Sau), Guranh đã viết tiếp đoạn cuối của tác phẩm Paradise. Thời điểm bắt đầu của thế kỷ 20, trước khi thực dân Đức tại Đông Phi kết thúc vào năm 1919. Hamza, một thanh niên đã bị cưỡng bức gia nhập quân đội Đức, bị cai quản, hành hạ, và lạm dụng tình dục dưới quyền một sĩ quan “đồng tính luyến ái”. Trong một trận đụng độ, Hamza bị thương và bị bỏ lại bịnh viện. Anh tìm đường trở về quê quán nhưng không còn gặp được ai – người thân cũng như bạn bè…! Trong tác phẩm, Gurnah đã nghiên cứu những ảnh hưởng của chế độ thực dân Đức tại Tanzania qua bao thế hệ, và hiểu được chủ nghĩa này đã làm chia rẽ trong cộng đồng dân Tanzania ra sao.
 
Đọc qua những tác phẩm của Gurnah, độc giả có thể nhận thấy đó là một trong những tuyệt tác của thế giới viết về những hậu quả đau thương của chế độ thực dân. Gurnah đã mạnh dạn viết lên tâm tình với đầy cảm xúc của một người tha phương cầu thực, đi tìm tự do; một người đã bị dứt bỏ khỏi cội nguồn, xa lìa quê cha đất tổ để trở thành một kẻ rày đây mai đó, đi tìm đất dung thân trên khắp các nẻo đường thế giới…!
 
Vì hoài nhớ quê hương, nên những tác phẩm của Gurnah luôn mang hình ảnh của vùng quần đảo nơi ông sinh ra và lớn lên với nền văn hóa dân tộc riêng ở Phi châu. Ông mô tả cuộc sống của những người còn ở lại và những người đi tìm đất mới phải đương đầu với nạn phân biệt chủng tộc, giai cấp, và những thành kiến trong xã hội vì những khác biệt về màu da, về văn hóa lẫn đời sống ở châu Phi lục địa.
 
Nhà văn Maaza Mengiste đã mô tả “văn phong của Gurnah đưa vào truyện như một lưỡi dao mỏng manh nhưng sắc bén, từ từ cứa vào làm gợi mối thương tâm, làm con tim nức nở. Lời văn tuy nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc, thâm thúy, và đi vào lòng người…”
 
Trong việc giảng dạy cũng như viết tiểu thuyết, Gurnah luôn cố gắng vạch ra những đường lối mà chủ nghĩa thực dân đã làm thay đổi cuộc sống bao người trên thế giới này, khiến những người còn sống sót dưới chế độ đó đã và đang ôm trong lòng một vết thương không bao giờ lành, và một nỗi đau không bao giờ quên.
 
Mặc dù được tôn vinh là một nhà văn sáng giá của Phi châu, nhưng những tác phẩm của Gurnah không được hưởng ứng nồng nhiệt như những người đoạt giải Nobel văn học trước đây. Bà Lola Shoneyin, giám đốc của Ake – Lễ Hội Nghệ Thuật và Văn Học tại Nigeria – mong rằng giải Nobel văn học trao cho Gurnah sẽ thu hút độc giả tại Phi châu và hy vọng thế hệ trẻ sẽ ngưỡng mộ và tạo một niềm thông cảm sâu sa vào những biến cố lịch sử đau thương mà thế hệ trước đã phải trải qua. Nếu không nhìn lại quá khứ để học hỏi, để suy nghiệm thì làm sao có được những “hậu sinh khả úy”.
 
Gió ViVu
 
Nguồn Tài Liệu:
 
https://en.wikipedia.org/wiki/Abdulrazak_Gurnah
https://www.nytimes.com/2021/10/07/books/abdulrazak-gurnah-books.html
https://www.nytimes.com/2021/10/07/books/nobel-prize-literature-abdulrazak-gurnah.html?auth=linked-google1tap
https://www.nobelprize.org/prizes/literature/2021/bio-bibliography/
 
Nguồn: https://www.diendantheky.net/2021/10/gio-vivu-abdulrazak-gurnah-uoc-trao.html
 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận