Bùi Giáng: “cuồng Bồ Tát” của non nước chúng hương
Khoảng các năm 1956-57, nhà sách Tân Việt miền nam cho ra đời một loạt các các cuốn sách biên khảo văn học: Một vài nhận xét về Kim Vân Kiều, Một vài nhận xét về Lục Vân Tiên, Một vài nhận xét về Chinh phụ ngâm, Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Giảng luận về Chu Mạnh Trinh, Giảng luận về Tôn Thọ Tường… nhưng đằng sau những bài “luận đề” theo thể lệ giáo khoa, tưởng chừng như vô cùng bình thường cho học sinh, lại là cách nhìn nhận vấn đề quá sâu thẳm pha lẫn đôi chút kỳ dị. Bạn đọc hoang mang trước từng trang giấy lạ lùng. Tâm tình tha thiết của người viết như muốn réo gọi tiếng lòng của người đọc hướng vọng về một chân trời khác, để tìm ra khuôn mặt thực của các thi nhân. Người ta âm thầm linh cảm các tác phẩm “giáo khoa” nho nhỏ đó là những tia sáng đang âm thầm báo hiệu một Bình Minh rực rỡ lạ lùng trong mai hậu.
Tiếp theo đó, khi các bộ Tư tưởng hiện đại, Martin Heidegger và Tư tưởng hiện đại, rồi đến Sao gọi là không có triết học Heidgger ra đời vào những năm đầu của thập niên 60 thì cái Bình Minh chói lọi đó đã thực sự hiện ra nơi phương trời lồng lộng của thi ca và tư tưởng, khiến hầu hết giới trí thức miền Nam thuở đó đều bị chấn động, mà cơn dư chấn còn kéo dài mãi đến tận hôm nay. Dưới các phẩm đó ký tên một người, mà có lẽ những ai đọc sách sẽ còn ghi nhớ mãi mãi như một hiện tượng kỳ dị nhất trong mọi nền văn học cổ kim: Bùi Giáng.
Như Kim mao sư vương Tạ Tốn đột nhiên xuất hiện trên Vương Bàn Sơn đảo, dùng thần công vô địch trấn áp quần hùng và đoạt thanh đao Đồ long của Thiên Ưng giáo, gây chấn động kinh hoàng cho cả hai phe hắc bạch, thì Bùi Giáng xuất hiện trong nền văn học miền Nam cũng bất ngờ như thế. Nhà thơ gầy gò nhỏ bé của xứ Quảng Nam đã đột nhiên hiện ra sừng sững như một cây đại thụ giữa cõi thi ca và triết học đông tây — vùng đất “hàn lâm” mà xưa nay người ta nghĩ rằng chỉ dành riêng cho những kẻ học phiệt và khoa bảng. Ban đầu không thiếu những người chê bai phản đối, nhưng dần dần người ta nhận ra rằng với lối viết cà tửng lạ lùng, ông buộc họ phải xét lại từ cơ bản về cách hiểu xưa nay của họ đối với triết học — một cách hiểu lạnh lùng trưởng giả, thiếu đi tiếng nói đằm thắm của tâm tình. Đó là những ngọn Thất thương quyền cân não đánh vào các học giả trường trại sính kiến thức từ chương.
Đi vào các tác phẩm của ông, người ta có cảm tưởng như đang tham dự vào một bữa đại yến tiệc của tư tưởng, trong đó ông — như người nhạc trưởng vĩ đại — điều khiển bản giao hưởng kỳ diệu giữa hai giàn đại hợp xướng đông tây. Hằng trăm thiên tài khắp bốn phương cùng về hội ngộ với những kiều nữ và ca nhi suốt cõi cổ kim. Những Marilyn Monroe, Kim Novak, Cô Em Mọi Nhỏ, Dương Quý Phi, Thúy Kiều… hồn nhiên về hội thoại với Long Thọ, Faulkner, Heidegger, Lý Bạch, Parménides, Tagore, Homère…. Nhưng nếu các tác phẩm đầu tiên của ông làm người đọc chưa hết ngạc nhiên thì các tác phẩm về sau như: Con đường ngã ba, Đường đi trong rừng, Sa mạc trường ca, Sa mạc phát tiết… càng khiến cho người đọc thêm hoang mang, khi ông đẩy họ vào tham dự “cuộc chơi” với mình trong cái “mê hồn trận” của ngữ ngôn. Người ta thấy bên cạnh những lời tha thiết “Tờ mỏng xiêm hồng Trang biền biệt cuối trời Tây tuyết. Ta lắc đầu gục mặt, nghe mây trời đẩy mộng xuông lao xao” lại là hình ảnh những mẫu thân Kim Cương, Phùng Khánh, Brigitte Bardot… cùng nhau về “đi tiểu trên nấm mồ của trung niên thi sĩ” để họ Bùi thêm chan chứa hồn thơ!
Người ta thấy cái tót vời tuyệt hảo trong thi ca cũng ở nơi ông, mà cái cùng cực nhảm nhí của thi ca cũng ở nơi ông. Tác phẩm ông giống một cái “lẩu thập cẩm” khổng lồ, lẫn lộn giữa kim cương và rác rến! Nhưng người đọc sẽ nhận ra rằng trong đó vừa có cái hồn nhiên thơ dại của kinh Thi, lại vừa có cái kỳ bí ảo huyền của kinh Dịch. Không lạ gì khi ông vô cùng kính phục Khổng Tử, người đã san định cả kinh Dịch lẫn kinh Thi, dìu phương Đông vào cuộc hội thoại giữa tư tưởng với thi ca. Người ta nghĩ rằng ông điên, vì họ cho rằng một người đã từng làm những câu thơ tha thiết:
Rong chơi râu tóc bạc phơ
Còn nghe đắm đuối vần thơ yêu người.
Hoặc phiêu bồng:
Cười với tuyết rỡn với vân
Một mình nhớ mãi gái trần gian xa.
Hoặc kỳ ảo:
Trần gian bất tuyệt một lần
Nghe triều biển lục xa dần non xanh.
Hoặc mênh mang:
Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay.
Hoặc tài hoa:
Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay
và người đã đưa văn xuôi Việt Nam đến chỗ tận diệu trong nhạc điệu mênh mông, qua các dịch phẩm như Cõi người ta, Hoàng tử bé… cùng các trang tha thiết đằm thắm trong những luận đề triết học, thì nếu là người bình thường (hoặc phi thường nhưng không… bất thường!) người đó không thể làm những câu thơ nhảm nhí như:
Một con vịt, hai con gà
Thêm ba con lợn gọi là chăn nuôi (!)
Họa có là người điên! Họ trách ông là phải. Ông đùa bỡn với thi ca đến độ quỷ khốc thần sầu cỡ đó, thì thử hỏi cõi biển dâu lấy đâu ra chỗ để ông mở những cuộc hội thoại với nhân gian? Ông bỡn với cả Khổng Tử: “Con chim thì ta biết nó bay, con cá thì ta biết nó lội, thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ, nhưng thơ là gì thì đó là điều mà ta không biết!” Các thiền sư vì cái “không biết” đó mà ẩn mình hằng mười năm chốn tùng lâm, Tổ Đạt Ma vì cái “không biết” đó mà ngồi yên lặng chín năm nhìn vách đá ở ngọn Thiếu Thất, còn Bùi Giáng vì cái “không biết” đó đã mở một trận chơi kỷ ảo giữa nhân gian, trong cơn lốc khốc liệt với thi ca và tư tưởng. Đọc sách ông, người đọc sơ cơ như lạc lối hẳn trong trận đồ bát quái mà ông cứ thuận tay bày ra trong những cơn ngẫu hứng bốc đồng. Cái “không biết” của ông dẫn người đọc đi dần đến chỗ… hết biết!
Ta biết ông không “điên” theo thói thường thiên hạ, nên muốn đi tìm lời giải đáp, và khi đọc lại kinh Duy Ma Cật, ta có thể hiểu cái chơi tuyệt trù khoáng tuyệt cổ kim của Bùi Giáng. Kinh Duy Ma chép rằng các Bồ Tát cõi non nước Chúng Hương của đức Phật Hương Tích đều là những bậc trí huệ thượng thượng đẳng, toàn thân luôn tỏa mùi thơm để những ai ngửi được đều ngộ đạo. Đức Phật Hương Tích vì muốn hóa độ chúng sinh hạ liệt cõi Ta Bà, nên chấp thuận cho chín muôn Bồ Tát đến nhà cư sĩ Duy Ma Cật, một bồ tát hóa thân biện tài vô ngại, tại thành Tỳ Da Ly. Việc hoằng pháp đó không có gì đáng nói, nhưng điều kinh dị là những lời đức Phật căn dặn môn đồ.
Phật ngôn: “Khả vãng. Nhiếp nhữ thân hương; vô linh bỉ chư chúng sinh khởi trước hoặc tâm. Hựu đương xả nhữ bản hình, vật sử bỉ quốc cầu Bồ tát giả nhi tự bỉ sỉ. Hựu nhữ ư bỉ mạc hoài khinh tiện nhi tác ngại tưởng. Sở dĩ giả hà? Thập phương quốc độ giai như hư không. Hựu chư Phật dục hóa chư nhạo Tiểu thừa giả, bất tận hiện kỳ Thanh tịnh độ nhĩ.” (Đức Phật bảo: “Các ông đi được đấy. Nhưng hãy thu nhiếp mùi thơm trên thân, đừng để chúng sinh nơi đó khởi lòng mê đắm. Lại nữa các ông nên xả bỏ hình thể vốn có của mình, đừng để những kẻ cầu đạo Bồ Tát nơi đó sinh lòng xấu hổ. Lại nữa, các ông đừng ôm lòng khinh chê những kẻ đó mà khiến họ sinh ra tư tưởng e ngại. Vì sao thế? Vì mười phương quốc độ đều như hư không. Lại nữa, chư Phật muốn giáo hóa những người ham chuộng phép Tiểu thừa nên không hiện hết cõi đất Thanh tịnh của mình.”)
“Hựu chư Phật dục hóa chư nhạo Tiểu thừa giả, bất tận hiện kỳ Thanh tịnh độ nhĩ.” Mỗi lần đọc đến trang kinh huyền diệu đó, tôi luôn nghĩ đến nhà thơ Bùi Giáng. Theo tôi, có thể ông cố tình làm ra những vần thơ tào lao như thế, vì đó chính là tấm lòng Bồ Tát vậy. Ngôn ngữ đã đạt đến mức thượng thừa, nhưng khi cần vẫn lai rai chơi ngôn ngữ hạ thừa với thi sĩ trần gian để “chúng sinh cõi Ta Bà khỏi sinh lòng e ngại.” Và vì mười phương thi ca vẫn như hư không! Nói về tác phẩm Ngày tháng ngao du, ông bảo: “Đành rằng ngao du là ngao du với bước đi của ngôn ngữ thượng thừa, nhưng thỉnh thoảng cũng phải chịu chơi giấn thân vào cuộc với ngôn ngữ hạ thừa!” Như một hoàng đế có từ tâm ăn mặc lộng lẫy lỡ đi lạc vào xóm những thần dân nghèo khó ắt sẽ thấy lúng túng. Để các thần dân khỏi sinh lòng sợ hãi, vị hoàng đế đó phải vất bỏ triều phục, ăn mặc lam lũ như thần dân để “hòa kỳ quang, đồng kỳ trần,” nhưng những ai tinh ý sẽ dễ dàng nhận ra được phong độ của đấng vương gia. Chính ông cũng nhận xét về mình “Làm thơ lắm lúc quàng xiên, đôi phen rất mực thần tiên dịu dàng!”
Nếu muốn cà cưỡng chơi một trận với ngữ ngôn theo kiểu Bùi Giáng, ta có thể nói: ”Hựu chân thi sĩ dục hóa chư nhạo hạ thừa thi ca, bất tận hiện kỳ thượng thừa thi ca đích cảnh giới!” Những thi sĩ chân chính đi về cõi trần gian từ non nước Chúng Hương vì muốn hóa độ cho những kẻ ham chuộng thi ca hạ thừa nên không nỡ hiện hết cảnh giới của thi ca thượng thừa. Và có thể ông đã mang tấm lòng đó để đi về cõi nhân gian. Nhiều lần ông vào chợ Bến Thành, đi lượm những trái cây bị vất bỏ để ăn; bị bè bạn trách, ông giải thích: “Bao nhiêu cái nhơ nhớp của miền nam tau phải chứa hết trong bụng tau đây này!” Ta có nên xem đó là “giai thoại” và lời của người điên? Hay đó là “cuộc chơi” khốc liệt của nhà thơ mang nặng một khối bi tâm? Trong một bài viết về Giang Nam Tứ hữu, tôi đã từng nói: “Thích Ca hoàn tất cuộc chơi trong cõi Niết Bàn, Lý Bạch tiếp tục cuộc chơi bằng cách cưỡi cá kình lên trời Hãn mạn, Khổng Minh bỏ dở cuộc chơi trên Ngũ trượng nguyên, Nietzsche chấm dứt cuộc chơi trong nhà thương điên, Bùi Giáng xóa nhòa mọi cuộc chơi trong cảnh giới ngao du thù thắng.” Mà “xóa nhòa mọi cuộc chơi” lại là cuộc chơi khốc liệt nhất.
Nhiều người xem ông là kẻ có một vị trí thượng thừa trong thi ca và triết học, nhưng ông lại không hề nhân danh thi ca và triết học để phát biểu bất cứ điều gì, mà cứ hồn nhiên như hài nhi để rồi cảm nhận:
Bao đêm theo thức thật thà
Sưu tầm chân lý té ra tầm ruồng!
Phải chăng trong đám chín muôn Bồ Tát đi về cõi Ta Bà từ non nước Chúng Hương, có một “cuồng Bồ Tát” tự hóa thân thành một Trung niên thi sĩ Bùi Giáng để chơi một trận chơi kỳ tuyệt giữa “cõi người ta”?
Huỳnh Ngọc Chiến
Theo Sử Ký Tư Mã Thiên thì tương truyền sau khi khi đến gặp Lão Tử để hỏi về lễ, Khổng Tử nói với môn đồ: “Điểu, ngô tri kỳ năng phi. Ngư, ngô tri kỳ năng du. Thú, ngô tri kỳ năng tẩu. Tẩu giả khả dĩ vi võng. Du giả khả dĩ vi luân, Phi giả khả dĩ vi tăng. Chí ư long, ngô bất năng tri kỳ thừa phong vân nhi thướng thiên. Ngô kim kiến Lão Tử kỳ do long da?” (Chim thì ta biết nó bay. Cá thì ta biết nó lội. Thú thì ta biết nó chạy. Thú chạy có thể dùng lưới bắt, cá lội có thể dùng móc câu, chim bay có thể dùng ná bắn. Chứ đến con rồng thì ta không biết được nó sẽ nương gió mây mà lên trời ra sao. Nay ta thấy Lão Tử giống như con rồng vậy!”)
Nguồn: https://damau.org/8550/bui-giang-cuong-bo-tat-cua-non-nuoc-chung-huong
0 Bình luận