Bụi Và Rác của Nguyễn Xuân Hoàng
Người Ði Trên Mây Trần Lâm Thăng trong Bụi Và Rác, cuốn truyện thứ nhì của bộ tiểu thuyết Người Ði Trên Mây, vẫn tiếp tục đi trên mây.
Nhưng những đám mây ở dưới gót chân của Trần Lâm Thăng trong Bụi Và Rác màu đỏ lòm và có hình tượng búa liềm. Có cả những hình tượng súng ống, cùm kẹp, rút cục cũng chỉ là những búa và liềm biến dạng.
Ðám mây màu đỏ hất thầy giáo Trần Lâm Thăng ra khỏi trường học, nơi anh dạy Triết, khi mà triết học dưới màu mây đó chỉ còn là “một môn học bá láp.” Mây đỏ đẩy “người đi trên mây” vào nhà giam ở vùng Phan Thiết, ném anh xuống đáy xà lim ở Kiên Giang.
Trần Lâm Thăng bị những đám mây màu đỏ xô đẩy đi từ phi lý này đến phi lý khác, sự phi lý nghẹn họng của các thầy cô trước những giáo án, giáo trình, những lớp học bị dòm ngó, phi lý cuộc đời của Tư Long, phi lý khi trở về nhà sau những năm tháng giam cầm vợ con đã biến đi mất, phi lý bị tống vào xà lim chỉ vì cao hơn những người tù khác một cái đầu.
Nhưng thật kỳ lạ, đứng trên những đám mây của quê hương tự do, thầy giáo Triết Trần Lâm Thăng quả thực đi trên mây, nhưng hôm nay, đi trên những đám mây màu đỏ hình tượng búa liềm, “người đi trên mây” Trần Lâm Thăng lại di chuyển bằng những bước thật vững vàng. Trần Lâm Thăng từ chối không dạy học cho một trường trung học đã bị biến thành một nhà giam, từ chối và thúc đẩy bà chị dâu không cho bọn công an cướp sống ngôi nhà, từ chối đứng về phía Mười Tân, một khuôn mặt rất Trần Bạch Ðằng của Việt Nam sau bảy mươi lăm.
Ðối chiếu “người đi trên mây” Trần Lâm Thăng với những người đi dưới đất, thực tế cùng mình của Việt Nam thời kỳ quốc nạn này, Thăng hiện ra như một con người can đảm, có tự hào và tự tin mà người đi trên mặt đất nhiều người không có được.
Hai trăm sáu mươi hai trang, Bụi Và Rác – do Thanh Vân xuất bản – là một tác phẩm rất lôi cuốn. Tốc độ của bút pháp phù hợp vừa khít với nội dung gồm sự kiện nhiều hơn hồi tưởng hay nội quan, động tác nhiều hơn tâm sự.
Tách rời ra khỏi toàn bộ Người Ði Trên Mây – vì chưa chấm dứt – Bụi Và Rác một mình nó là một cuốn tiểu thuyết có giá trị cao.
Nền tảng triết học khởi đầu của bộ sách vẫn được gìn giữ trong Bụi Và Rác, được phong phú hoá bằng đông đảo những sinh hoạt và sự việc cụ thể, có khi làm buồn, có khi làm khóc, có khi làm cười, thường thì làm đau, làm thành Nguyễn-Xuân Hoàng, một Nguyễn -Xuân Hoàng khác biệt với Võ Phiến, với Mai Thảo, với Tự Lực Văn Ðoàn. Khác biệt với những nhà văn Nhà Nước Hà Nội. Khác biệt với cả Nguyễn-Xuân Hoàng của những ngày tháng trước. Nghĩa là làm cho Nguyễn-Xuân Hoàng thành một nhà văn có vóc dáng không phải chỉ trong dòng văn chương hải ngoại, mà còn trong văn chương Việt Nam nữa.
Tháng Chín, 1992
Nguyên Sa
Nguồn: Khởi Hành số chủ đề Nguyễn Xuân Hoàng, 187-188, 2012
0 Bình luận