Nhà văn Dương Nghiễm Mậu và tác giả Aki tại Sài Gòn ngày 6 tháng Tám 2014

Đúng ngày hôm nay cách đây hai năm, ngày 6 tháng Tám năm 2014, tôi đã gặp ông Dương Nghiễm Mậu tại Sài Gòn. Nguyên do là năm 2013 trong dịp tham dự cuộc Triển lãm và Hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn tại Little Saigon miền Nam California, tôi đã được nhà thơ Thành Tôn tặng một bản sao của số báo Văn đặc biệt về Khái Hưng, xuất bản tại Sài Gòn trước 1975, chính nhờ số báo này mà tôi có ý định viết một luận văn về nhà văn Khái Hưng để đóng góp vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam của tôi. Trong cuốn Văn đó, tôi đọc và thích bài viết của tác giả Dương Nghiễm Mậu về cuốn Băn Khoăn của Khái Hưng, cuốn sách mà tôi chú ý nhiều nhất so với các tác phẩm khác của Khái Hưng. Như vậy chuyến đi Mỹ năm 2013 tham dự hội thảo TLVĐ và việc được tặng cuốn báo Văn coi như là những sự kiện có tính cách định mệnh để tôi chọn hẳn một đề tài nghiên cứu. 

Khi đi Sài Gòn để gặp nhà văn Dương Nghiễm Mậu tôi đã có ý định hỏi ông thêm nhiều điều liên quan đến đề tài văn học này, nhưng rồi trong suốt buổi gặp gỡ không lúc nào chúng tôi nhắc tới những gì ông Mậu đã viết. Coi như tôi đến để biết về con người ông thôi, chứ không phải là những kiến thức văn học.

Trước khi đi gặp ông Mậu, điều lo lắng nhất của tôi là tôi có nghe và hiểu được hết tất cả những gì ông Mậu nói không? Có nên mang theo máy thu âm không? Tôi biết nếu dùng máy thu âm sẽ phá đi không khí tự nhiên của cuộc đối thoại, vì thế tôi không mang đi.    

Theo như hẹn trước, tôi đến gặp ông Mậu tại nhà của ông ở Sài Gòn. Tại đây ông vui vẻ nói chuyện với tôi, và tôi lắng nghe một cách vui thích. Tôi nhớ, trong cuộc gặp nói chuyện này, ông Mậu kể “mấy năm trước, vài tập truyện ngắn của tôi được tái bản ở Việt Nam”, nghe như vậy tôi rất vui mừng, nhưng tôi buồn và đau khổ ngay, vì ông kể tiếp “một thời gian sau đó, các cuốn sách ấy đã bị thu hồi”.   

Nhưng mà có những lúc ông nói say sưa, khá nhanh, tôi lại không nghe kịp những lời của ông. Việc này tôi đã có nghĩ đến và đã lo sợ trước, không ngờ lại xảy ra: tôi không hiểu hết những nội dung mà ông đang nói với tôi. Tôi vừa nghe vừa bực bội cho chính bản thân mình. Sao khả năng tiếng Việt của mình dở quá vậy. Lúc đó tôi tự hỏi, sao mình lại không phải người Việt Nam, nếu là người Việt Nam, tôi có thể nghe kịp, nghe hết, tôi có thể biết và hiểu những gì từ thâm tâm của ông… Nhưng dù ở trong tình trạng không bằng lòng chính mình như vậy, tôi vẫn có được một cảm giác dễ chịu là tôi như đang được bao bọc bởi sự rộng lượng ấm áp tỏa ra từ của con người của nhà văn Dương Nghiễm Mậu. Tôi đến để gặp một con người mà tôi khâm phục và kính trọng, hiểu hay không hiểu hết những gì ông nói lúc ấy đối với tôi không quan trọng mấy nữa. 

Mới đây, vào ngày 20 tháng Bảy 2016, từ Tokyo tôi gửi thư bằng đường bưu điện cho ông Mậu, trong đó có kèm theo bản photocopy một truyện ngắn của ông, truyện “Kẻ vô danh trước mặt”. Tôi tìm thấy truyện đó trên một tạp chí tiếng Việt của Sài Gòn ngày trước, thập niên 60, nằm trong thư viện trường Đại học của tôi ở Tokyo. Đặc điểm của truyện ấy là mỗi trang có chữ “Ai?” ở dưới. Tôi rất thích truyện này, muốn đăng lại trên một tạp chí tiếng Việt nào đó để chia sẻ với nhiều người đọc khác. Tôi gửi thư và bản sao truyện đó cốt là để xin phép ông Mậu cho tôi thực hiện việc phổ biến này. 

Ông Mậu có nhận được bức thư ấy không? Bức thư có kịp tới tay ông trước khi ông vĩnh viễn ra đi hay không? Tôi có cảm giác tôi lại hụt một bước, tôi đã không theo kịp ông… 

Aki
6 tháng Tám, 2016

Nguồn: https://www.diendantheky.net/2016/08/tanaka-aki-gap-ong-duong-nghiem-mau.html

 

0 Bình luận

Bình Luận