Gửi Du Tử Lê – Chút Khói Cho Ngày Giỗ Đầu
1. Cây Cọ Vẽ Cũ
Vậy mà Lê mất đã một năm…
Giờ này năm trước, tôi đang ở Việt Nam có chút việc, và cứ tưởng mình sẽ không đến dự kịp lễ tang của anh tại nhà quàn Peak Family. Nhưng may thay, cuối cùng công việc lại êm xuôi và tôi trở về Bolsa kịp đúng vào buổi sáng ngày di quan linh cữu của anh – nhà thơ của hằng ngàn bài thơ tình trong số đó có nhiều bài thuộc loại nằm lòng của rất nhiều bạn đọc Việt Nam, nhất là phái nữ.
Dù phải trải qua chuyến bay dài, tôi cũng dễ dàng bỏ qua sự mệt mỏi để đến dự tang lễ và nhất là đến để đưa tận tay chị Hạnh Tuyền, vợ anh, chiếc cọ vẽ cũ của tôi. Trong một buổi sáng cà phê nào đó ở Little SG, anh đã từng ngỏ ý muốn tôi tặng một cây cọ đã dùng của mình cho bộ sưu tập những cây cọ vẽ cũ của các hoạ sĩ Việt Nam nổi tiếng mà chị cất công sưu tập bấy lâu. Và đó là lúc mà tôi thực hiện lời hứa với bạn mình, chỉ là không ngờ phải thực hiện ngay trước linh cữu bạn.
Tầm 11 am, sau khi tìm được chỗ đậu xe, tôi đến nơi đang có rất nhiều người trong trang phục màu xẫm, họ đứng tràn ra trước cửa nhà tang lễ. Đưa tay vẫy nhẹ vài người quen, tôi đi thẳng tới chỗ những người thân nhà thơ Du Tử Lê đang đứng cạnh chiếc quan tài phủ hoa và nến. Họ đều mặc y phục đen và mang băng trắng. Tôi gặp chị Hạnh Tuyền, người đứng cuối cùng, đưa chị cây cọ cũ được bọc trong giấy bìa trắng và nói khẽ: “Đây là món quà mà tôi tặng chị như đã hứa trước kia với anh ấy.” Tôi quay lại nhìn lần cuối bạn mình, nhà thơ của những tình khúc trác tuyệt giờ đây đang nằm an lạc trong chiếc áo quan chờ đến giờ trở về làm tro bụi, rồi đi vội ra về với một âm vang trong đầu: “Rồi chẳng mấy chốc nữa…”
2. Những Dự Án
Quen biết nhau từ những thập niên trước 1975, thời tôi còn là “hoạ sĩ trẻ” và Du Tử Lê là nhà thơ tình, ngôi sao đang toả sáng, sau nữa là vài lần gặp ở Little Sài Gòn khi tôi có dịp qua Mỹ triển lãm. Nhưng tôi thật sự chỉ mới gần gũi Du Tử Lê những năm gần đây thôi, là những năm tôi chính thức định cư ở vùng Little Sài Gòn, quận Cam.
Little SG là thành phố số 1 của người Việt lưu vong trên toàn nước Mỹ, nơi có cộng đồng người Việt đông nhất, có hệ thống thương mại, văn hoá mang bản sắc Việt phong phú và sầm uất nhất. Đặc biệt hơn, đó là nơi có nhiều văn nghệ sĩ cư trú hơn cả trên nước Mỹ. Do đó, tôi đã chọn nơi đây làm chỗ tạm trú vì nghĩ rằng mình sẽ có được một môi trường thích hợp. Nhưng thực tế không phải vậy, lớp bạn cũ, không mấy ai còn đủ máu nóng văn nghệ để “đầu đường xó chợ” với mình, họ vắng bóng hầu hết trên đường phố ở đây do giàu có nên vui thú điền viên trong những cơ ngơi sang trọng trên núi hoặc trên các ngọn đồi nhìn xuống biển, hoặc già yếu đang nằm trong các viện dưỡng lão và hoặc đã nằm yên ở nghĩa trang. Lớp trẻ thì họ đã Mỹ hoá, nếu không thì họ cũng không cần biết đến lớp già nua như mình, thế mới oái ăm, mới chán nản. Tôi trở nên một kẻ lạc lõng trong thế giới tự do không biên giới của Hoa Kỳ.
May thay, cuối cùng tôi cũng tìm được một người bạn già cùng máu me như mình, một nhà thơ lừng tiếng, anh ấy là Du Tử Lê.
Anh là người làm văn nghệ cũ mà tôi được chào đón thân tình, ấm áp nhất, cũng có thể là duy nhất qua những buổi sáng ngồi cạnh nhau cùng một số bạn trẻ thân quí anh tại những quán cà phê như Tài Bửu (nay đã đóng) và Hạt Ngò cho đến ngày anh ra đi đột ngột.
Đối với thế hệ văn nghệ sĩ chúng tôi, những người sinh những năm 30-40 thế kỷ trước, ở vùng này không mấy ai còn giữ được máu văn nghệ trong sáng tác cũng như trong gặp gỡ hàn huyên cởi mở ngoài Du Tử Lê cho dù sức khoẻ anh không còn tốt nếu không muốn nói là ốm yếu. Vẫn viết báo, làm thơ, viết bình luận và đúc kết văn học hải ngoại, tiếp tục cho ra mắt những tập thơ mới và thường đi Việt Nam để ra mắt sách cũng như gặp gỡ bạn đọc. Du Tử Lê là như thế cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng.
Nhờ thế, chúng tôi thường bàn luận về tình hình văn nghệ và trao đổi về những ý tưởng muốn làm sống lại không khí văn nghệ sôi nổi như thời Sài Gòn cũ cho vùng Little Sài Gòn. Tôi làm triển lãm Studio Open tại chỗ ở, tự xuất bản vài cuốn sách về mỹ thuật, về thơ,… những việc làm ấy Du Tử Lê đều đến dự và rất quan tâm. Anh viết nhiều bài trên báo “NV“ ở đây và cả trong sách 20 Năm Văn Học & Nghệ Thuật Việt Nam ở Hải Ngoại về tôi và những hoạt động nghệ thuật của tôi một cách nghiêm túc, sâu sắc. Nhờ vậy, tôi chẳng những đỡ thấy mình lẻ loi ở đây mà còn hơn thế nữa, cách nào đó, Du Tử Lê đã tiếp nạp cho tôi một nguồn năng lượng quan trọng để tôi tiếp tục cho ra đời những sáng tác mới, và cuộc triển lãm cá nhân năm 2019 của tôi được tổ chức tại báo Người Việt, một dấu ấn hội hoạ mới của tôi đã được đón nhận, là một kết quả từ cái nhân đó.
Trong một dịp tôi đưa anh về nhà sau buổi cà phê sáng vì hôm ấy anh không có xe. Đó là một ngôi nhà lớn và đẹp nằm ở thành phố Garden Grove, Du Tử Lê đưa tôi vào nhà. Ôi cái kiến trúc dành cho living room quá hay, tôi thích những đà gỗ mạnh mẽ nổi bật trên nền trắng của trần nhà, khiến nó làm cho căn phòng trở nên rất nghệ thuật, rất táo bạo và cũng rất hiện đại, thích hợp cho bộ sưu tập tranh và kệ sách được treo và sắp đặt ở đây. Căn phòng này rộng theo chiều dài, có thể dùng làm triển lãm tranh hay những buổi giới thiệu sách, đọc thơ hoặc nói chuyện chuyên đề về văn học nghệ thuật với số lượng người tham dự từ 20-30 thì rất vừa. Tôi nghĩ thế và đem ý này bàn với Du Tử Lê và bạn mình nghe xong, mặt vui hẳn lên và nói: “Ý này hay lắm, nhà cũng đang làm mới cái vườn sau, để tôi bàn lại với bà xã.”
Những buổi cà phê sau đó, câu chuyện này được chúng tôi coi như một dự án khả thi, chỉ chờ hoàn tất việc tân trang lại cái vườn sau nhà là tiến hành khai trương. Buổi ra mắt đầu tiên, dự định thực hiện vào cuối năm 2019, Du Tử Lê muốn tôi mở màn bằng giới thiệu những tranh mới của mình và kèm theo một câu chuyện về hội hoạ. Tất nhiên là tôi nhận lời.
Nhưng trời đã không cho, tôi được tin Du Tử Lê đột ngột qua đời sau bữa tối vào một ngày đầu của tháng 10-2019.
Dự án ấy đã đi theo bạn mình về bên kia thế giới và cũng từ đó tôi bỏ dở việc sáng tác cho buổi ra mắt cái nơi tạm gọi là Điểm Hẹn Của Văn Học & Nghệ Thuật Hải Ngoại cho đến hôm nay.
3. Những Điếu Thuốc Được Mồi Rồi Để Bên Bia Mộ
Họ là những người bạn trẻ (hơn chúng tôi), khoảng từ 45 – 70, có người làm thơ, phần lớn không dính gì đến văn nghệ nhưng rất yêu quí Du Tử Lê. Mỗi sáng họ thường ngồi cùng bàn và luôn coi nhà thơ như một ông anh, một ông anh lúc nào cũng có một bộ mặt trầm tư, một đôi mắt buồn bí ẩn và một nụ cười hiền hậu, bao dung.
Đôi khi họ dành nhau trả tiền cà phê, tặng một gói thuốc hoặc đi mua một tô cháo cá, khúc bánh mì kẹp thịt cho anh. Những lúc anh không có xe, Giáp hay Phong luôn sẵn sàng đưa anh về nhà hay chở đi khi bạn tôi cần đi đâu đó. Cho đến bây giờ những người bạn trẻ ấy vẫn thường ghé thăm mộ anh mỗi khi nhớ, rồi mồi cho anh một điếu thuốc để lên bia mộ, như thể anh vẫn luôn còn hiện diện bên họ những sáng nào bên bàn cafe. Với tôi, anh và họ đẹp như những nhân vật trong một truyện cổ tích nào đó nói về mối tình thân trong sáng,ấm áp và đẹp kỳ diệu. Phần tôi, họ hôm nay, cũng coi tôi như một người anh. Tôi và họ, vẫn tiếp tục những sáng cà phê như ngày nào còn Du Tử Lê và không quên mồi cho anh một điếu thuốc để ngắm những sợi khói bay lên, đan vào nhau rồi để gió mang đi, mang đi về trời.
Bolsa, Oct. 5-2020
Trịnh Cung
Nguồn: https://www.diendantheky.net/2020/10/trinh-cung-gui-du-tu-le-chut-khoi-cho.html
0 Bình luận