Duy Thanh (trái) và Trịnh Cung trên phố Polk – San Francisco

Một Quá Khứ đã là Lịch Sử

Sau khi viết Về Kiều Chinh, hôm nay Đi là Về Duy Thanh. Thực ra từ vài tháng qua tôi đã viết về người hoạ sĩ tự do có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với giới hoạ sĩ trẻ chúng tôi vào những thập niên 50-60 của thế kỷ trước ở Miền Nam Việt Nam, lúc đó là một quốc gia có tên là Việt Nam Cộng Hoà, ông là Duy Thanh.

Tuy nhiên, bài viết không hoàn thành được dù đã viết khá dài. Vì dài nên điều chính yếu để nói về người vừa là hoạ sĩ hiện đại tiền phong của Hội hoạ Sài Gòn đồng thời cũng là nhà văn rất mới trong thể loại truyện ngắn trên tạp chí Sáng Tạo, một tạp chí văn học và nghệ thuật tiêu biểu cho phong trào hiện đại hoá sáng tác văn học và nghệ thuật của Miền Nam tự do kể từ 1954 đến 1975 lại thiếu tập trung, việc gì của ông, tôi cũng đều muốn kể nên bài viết cứ lan man, không kết thúc được.

Ngưng lại từ vài tháng nay cho đến khi thấy hình ông cùng Kiều Chinh do Vương Ngọc Minh chụp đẹp quá nên muốn vẽ và muốn viết một bài mới hay đúng hơn là một bài khác: “Về Duy Thanh”.

Thật ra, cách nay khoảng 3 năm, tôi đã viết một bài khá đầy đủ về ông với tựa đề:” Xem và đọc lại Duy Thanh”. Bài này đã được post trên tạp chí damau.org. Nhưng đó là những gì đã qua, lần này có lẽ là thời kỳ cuối đời của ông mà tôi có may mắn được gặp, được biết.

Sau nhiều năm xa cách, 23 năm kể Sài Gòn thất thủ, tôi gặp lại hoạ sĩ Duy Thanh tại Thành phố Wesminster-OC, năm 1998, vào dịp tôi đến thăm nhà văn Mai Thảo tại một khu nhà dành cho người già neo đơn nằm trên đường Bolsa. Ông (lúc đó vào khoảng 67 tuổi còn tôi thì ở tuổi 60) trong bộ vest màu xám nhạt trông rất khoẻ và dáng vẻ ngon lành, bảnh bao. Hai anh em mừng rỡ lâu ngày gặp lại nhau trước ánh mắt yếu ớt nhìn như với của “bệnh nhân” Mai Thảo, tác giả của đoản thiên lừng danh “Đêm Giã Từ Hà Nội”, đang nằm yên trên chiếc giường đơn được kê giữa phòng. Thấy họa sĩ Duy Thanh đang cầm một tập giấy vẽ, tôi hỏi mượn để ghi nhanh vài nét khuôn mặt một người sắp từ bỏ cuộc đời, từ bỏ văn chương, mà ai đã từng gặp, đã từng đọc đều quí mến. Rất tiếc, vào thời bấy giờ tôi không có máy ảnh, không có smart phone, nên không có cái hình nào làm kỷ niệm. Và không biết bản vẽ trong tập giấy của Duy Thanh có còn hay lưu lạc về đâu? Và chỉ vài tháng sau, khi tôi đã trở về Sài Gòn thì được tin nhà văn Mai Thảo đã yên nghỉ nghìn thu cũng vào năm 1998.

Kể từ đó tôi không gặp lại ông cho đến năm 2016, tức 18 năm sau, lúc này tôi có đủ điều kiện cá nhân để thực hiện chuyến đi thăm ông sau khi đã nhờ Vương Ngọc Minh sắp xếp một cuộc hẹn.

Từ Orange county, tôi trực chỉ đi San Francisco cùng bà xã Phương Lan và cháu Bách bằng xe riêng vào ngày 11 tháng tư năm 2015, nhân dịp Spring break. Sau khi vượt qua hơn 400 dặm, và vài lần bị lạc đường vì lần đầu tôi lái trên con đường chạy dọc biển, highway 1, mà không có máy GPS dẫn đường, chúng tôi cũng đến được San Francisco vào buổi xuân xế chiều. Trời xanh vút và mặt trời đang xẻ những đường sáng sắc lẽm như những nhát kiếm Samurai cuối cùng trong ngày xuống những mái nhà cao tầng, trả quyền cai trị SF cho bóng đêm. Đúng như đã hẹn, Vương Ngọc Minh đón và chọn dùm chúng tôi một khách sạn bình dân nằm trên đường Larkin ngay trung tâm thành phố SF. để qua đêm cho ngày mai đầy mong đợi.

Đúng hẹn, Vương Ngọc Minh, chàng nghệ sĩ lãng tử người Việt số 1 ở Vùng Vịnh này đã có mặt ở khách sạn để đưa chúng tôi đến thăm hoạ sĩ Duy Thanh đang cư ngụ tại phố Polk, chỉ đi bộ không mất quá 10 phút từ khách sạn.

“Kìa, anh Duy Thanh đang đi về phía anh em mình, anh Cung ơi!”

Minh reo lên, tay chỉ về phía người đàn ông mặc quần short khaki, áo khoác xanh, và đội mũ lưỡi trai cùng màu với áo khoác đang đi về phía chúng tôi.

Chỉ vào bịch nilon trên tay ông nói:”Mình mới đi chợ về, mua một ít thức ăn”. Tôi vui quá, ôm anh (đến đây tôi sẽ dùng từ anh trong xưng hô vì tính thân mật) trên vỉa hè phố Polk trong nắng mai rực rỡ. Anh vẫn giữ được một cơ thể rắn chắc, nước da màu gỗ Sồi, ánh mắt vẫn còn tinh anh và tiếng cười vang vang mặc dù tuổi đã ngoài 80, chỉ mỗi bị lãng tai.

Anh đưa chúng tôi vào căn hộ nằm trên lầu của một chung cư cũ có từ thời trước 1975, nơi gia đình anh cư ngụ từ khi tị nạn 30-4-1975. Căn hộ nhỏ, sách vở nhiều hơn mọi thứ khác. Tôi nhận ra chị Trúc Liên ngay dù tóc chị đã bạc và không còn xinh tươi như thời còn làm việc cho phòng triển lãm ở Sài Gòn thủa nào. Anh Duy Thanh cho biết vợ mình bị alzheimer, không còn nhớ gì nhiều, nhưng chị cầm tay tôi và gật đầu nói: “Trịnh Cung lâu quá!”. Ôi, rất mừng, những kỷ niệm cũ đặc biệt nào đó vẫn sống sót, vẫn có thể đánh thức được ký ức đang chết dần trong chị. Và như thế, chị từ từ nhắc lại những cuộc triển lãm của chúng tôi ở Alliance Francaise trên đường Gia Long, ở Phòng Thông tin Đô thành nằm ngay góc đường Lê Lợi và Tự Do,…

Trong cơn vui đang dâng trào, tôi lấy tập giấy vẽ và cây bút chì than có sẵn trên bàn để làm nhanh vài phác hoạ khuôn mặt rất màu thời gian nhưng không làm mất đi những góc cạnh rắn rỏi, mạnh mẽ rất Duy Thanh một thời.            

Trịnh Cung vẽ Duy Thanh
Vài phút sau…

Một thời, anh là một trong vài tiếng nói quan trọng nhất về nghệ thuật hiện đại của Sài Gòn những năm 50-60 thế kỷ 20, đúng hơn là kể từ cuộc di cư vào nam năm 1954. Trong ký ức tôi vẫn còn in đậm giọng nói cởi mở, vang mà ấm cùng cử chỉ nhiệt tình của anh khi tôi lần đầu bước vào Câu lạc bộ Văn nghệ trên đường Tự Do, Sài Gòn, năm 1962, lúc sẫm tối: “Trịnh Cung phải không?” Một giọng Bắc kỳ 54 phát ra từ một người đàn ông có khuôn mặt sắc cạnh và đôi mắt to đang ngồi ở chiếc bàn ngay trước lối vào, tôi nhận ra anh là hoạ sĩ Duy Thanh nhờ đã xem báo và đọc tạp chí Sáng Tạo.

“Dạ, vâng.”

Hoạ sĩ Duy Thanh đứng dậy, xiết chặt tay tôi và lắc thật mạnh, cùng lúc ấy các anh Thái Tuấn, Đinh Hùng quây lấy tôi như gặp lại được một cậu em thất lạc đã lâu. Các anh kéo tôi ngồi xuống và rót cho một cốc bia. Tôi thật sự bất ngờ và vui sướng vì tôi đến đó chỉ là vì sự tò mò của một hoạ sĩ vô danh từ tỉnh lẻ mới vào Sài Gòn, nghe nói ở đây là chỗ các văn nghệ sĩ nổi tiếng thường đến uống bia vào những buổi chiều, cốt là chỉ tìm hiểu thôi, tôi không nghĩ là sẽ được nhận ra và chào đón đầy thiện cảm như thế.

Thật ra, các anh ấy để ý đến tôi là do đọc bài của hoạ sĩ Thái Tuấn trên tạp chí Bách Khoa, viết về bức tranh sơn dầu “Mùa Thu Tuổi Nhỏ” của tôi, được cho là bức đáng chú ý trong số tranh Việt Nam được tuyển chọn dự cuộc triển lãm mỹ thuật quốc tế Sài Gòn lần thứ nhất vào tháng 10 năm 1962. Hồi đó, bộ ba Thái Tuấn, Duy Thanh và Ngọc Dũng là biểu tượng của dòng hội hoạ phi trường qui. Họ khởi xướng một cách nhìn mới về hội hoạ, đặt nặng tự do sáng tạo, chống cách vẽ sao chép, gò bó, tẩn mẩn, thông qua bằng các bài viết, những trao đổi lý thuyết, quan niệm sáng tạo dưới hình thức thảo luận bàn tròn hàng tháng trên tạp chí Sáng Tạo. Điều này chưa từng có không chỉ ở Miền Nam mà chưa từng có ở cả nước kể từ ngày ra đời Trường Mỹ Thuật Đông Dương-Hà Nội năm 1925. Sự thật, trước khi có sự xuất hiện không hẹn trước của luồng gió mới mà bộ ba hoạ sĩ tự do nêu trên thổi vào giới hội hoạ Sài Gòn vốn đang ngủ yên trong chiếc nôi của thứ thẩm mỹ chân phương, hiền hoà đến bình dị, mà đỉnh cao của nó là hội hoạ theo cách đào tạo của Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn, một bản sao của Trường Mỹ Thuật Đông Dương.

Trong 3 hoạ sĩ nêu trên, Thái Tuấn là người từng theo học dự bị tại Trường MTĐD nhưng sau đó bỏ cuộc, trở thành hoạ sĩ “tự học”. Ông là người có kiến thức rộng, có khả năng đặc biệt trong đánh giá tác phẩm và viết bình luận. Duy Thanh thì theo học với hoạ sĩ Nguyễn Tiến Chung, ông được đào tạo chính qui từ Trường MTĐD. Duy Thanh táo bạo trong bút pháp, dù không nhận mình theo trường phái nào nhưng tranh sơn dầu của Duy Thanh rõ ràng rất gần với trường phái Dã Thú thông qua cách dùng màu không pha trộn, có độ tương phản cao và bút pháp mạnh. Nhưng sự đóng góp của anh ngoài giá vẽ cũng rất đáng nể. Trong các hội thảo về đổi mới trong thực hành và khái niệm về hội hoạ thời đại, tiếng nói của anh rất quyết liệt và hữu lý. Với tư cách là người cùng 6 nhà văn khác đã thành lập tạp chí Sáng Tạo, anh vừa là lá phổi vừa là con tim của tạp chí Sáng Tạo, khởi xướng sự thay đổi tình trạng kéo dài tính ước lệ của nền văn học nghệ thuật Miền Nam có từ thời Hồ Biểu Chánh. Vui vẻ, thân thiện, cần mẫn, trách nhiệm là những gì có ở một Duy Thanh vừa là hoạ sĩ vừa là nhà văn và cũng là nhà báo, tất cả những khả năng ấy đều ở một đẳng cấp tiền phong, đã đóng góp rất lớn cho sự thành công có tính lịch sử của tạp chí Sáng Tạo, dù nó chỉ tồn tại có chín năm kể từ số ra đời vào tháng 10 năm 1956 tại Sài Gòn.

Trong trong cái rủi có cái may, đúng như vậy, cuộc chia đôi đất nước vào 1954 là một nỗi đau lớn của dân tộc, điều này không thể chối cãi, nhưng tìm được vài điều an ủi cũng không phải không có. Hội hoạ, văn chương, âm nhạc, kịch nghệ, điện ảnh và chính trị dân chủ là những thứ đã làm nên một Miền Nam khác hẳn Miền Bắc theo nghĩa tốt đẹp kể từ đó. Và, tôi nghĩ rằng nếu bộ ba Thái Tuấn, Duy Thanh và Ngọc Dũng ở lại Miền Bắc cộng sản thì 3 anh sẽ không cất được tiếng nói cải cách mỹ thuật và không ai thừa nhận những giá trị tự do sáng tạo mà các anh mơ mộng. Ngay cả việc các anh không xuất thân từ Trường MTĐD thì cũng đã bị cái xã hội Hà Nội thủa đó – vốn rất trọng khoa bảng – loại bỏ, đó là chưa nói tới tự do sáng tạo vốn là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản.

Rõ ràng, cái nền chính thể VNCH của Miền Nam đã có đủ dân chủ và tự do để đón nhận cái cần thiết, cái đang thiếu, mà các anh muốn đột phá, muốn kêu gọi: “Tự do và hiện đại cho sáng tạo.”

Cuộc Lưu Vong và Sự Im Lặng của Sáng Tạo

Kể ra, 1956, năm ra đời của nhóm Sáng Tạo, tôi mới học tới lớp đệ tứ trung học đệ nhất cấp, mới tập tễnh làm thơ, chưa biết gì nhiều, thì các anh, những hoạ sĩ bộ ba này đã là những hoạ sĩ hiện đại, những người khai nguồn cho một dòng chảy nghệ thuật mới cho thế hệ hoạ sĩ trẻ Sài Gòn bằng những cuộc triển lãm, những bài bình luận và những hội thảo. Ở đây, tôi cũng xin mở ngoặc, làm mới hội hoạ Việt Nam không chỉ có bộ ba này. Trong một bài viết về Tạ Tỵ cách nay nhiều năm, tôi đã ca ngợi tài năng và viễn kiến về một thế giới mỹ thuật phải nhiều đổi thay theo hướng hiện đại của ông khi theo đuổi hội hoạ Lập Thể từ khi còn là sinh viên Trường MTĐD vào khoảng năm 1940. Chính Tạ Tỵ mới là người mở đường, nhà tiên phong từ bỏ lối vẽ trường quy sớm nhất, dù vẫn theo học và tốt nghiệp Trường MTĐD. Tuy nhiên, Tạ Tỵ là một hoạ sĩ rất độc lập và không giao tiếp nhiều. Nhất là thời gian ông phục vụ trong quân ngũ với cấp bậc Đại tá thì bọn hoạ sĩ trẻ chúng tôi lại càng khó tiếp xúc. Điều này cũng tương tự như trường hợp cố hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí, ông cũng là người làm mới cho tranh sơn mài, nghệ thuật tạo hình của ông rất hiện đại tới mức ông đã bắt đầu loại bỏ hội hoạ hữu hình để tiến vào trừu tượng trong những năm cuối đời, nhưng rất tiếc ông không dành cho lớp trẻ sự tiếp cận về chuyên môn lẫn kiến thức sâu rộng của ông. Như thế, sự cởi mở, sự tạo ra tiếng nói, tạo ra đối thoại chung quanh vấn đề vẽ và xem tranh như thế nào của bộ ba Thái Tuấn, Duy Thanh và Ngọc Dũng nó đã tác động mạnh mẽ đến lớp trẻ chúng tôi như thế nào để sau đó Sài Gòn có được một lớp tài năng mới như Nguyễn Trung, Mai Chửng, Nguyễn Phước, Dương Văn Hùng, Nghiêu Đề, Đinh Cường, Nguyên Khai, Hồ Thành Đức,… mà cho tới gần 50 năm sau kể từ tháng tư 75 họ vẫn còn để lại dấu ấn của một nền hội hoạ hiện đại Việt Nam rực rỡ không thể bị quên lãng dù lịch sử ngày nay đã không dành chỗ cho những sự thật như thế.

Duy Thanh – tranh chì trên giấy khổ nhỏ

Trở lại với Duy Thanh bây giờ, anh vẫn không thay đổi gì mấy trừ tuổi đã 86, bao nhiêu bạn bè một thời với anh như Mai Thảo, Thái Tuấn, Ngọc Dũng, … đều đã “muôn năm cũ”. Vì anh bị lãng tai nên người đối thoại phải nói lớn tiếng và lập lại vài lần thì anh nghe được. Trong căn hộ chật chội này, anh và chị Trúc Liên sống như hai người bạn già, một lãng tai chăm sóc cho một mất trí nhớ, giữa thành phố SF hoa lệ, ngùn ngụt sự sống, vùn vụt đổi thay, bất kể, họ vẫn ở bên nhau như ngày nào còn ở trên đường Bạch Đằng – Bà Chiểu thủa nào.

Từ ngày cùng gia đình đặt chân trên đất Mỹ như bao người Miền Nam Việt Nam di tản vào những ngày Sài Gòn đầu hàng Việt cộng 30-4-75, cuộc sống của hoạ sĩ Duy Thanh phải đối diện với một thay đổi không tưởng. Trắng tay!

Mất Sài Gòn đối với anh là mất Sáng Tạo, mất gallery, mất những ngày tự do vẽ, tự do viết và tự do thảo luận văn học nghệ thuật. Tại nước Mỹ, dù có may mắn được ở những thành phố lớn của nghệ thuật như New York, San Francisco hay Los Angeles, đối với một nghệ sĩ Việt Nam di tản, hai bàn tay trắng, thân cô thế cô, dù có tài ba, dấn thân đến đâu cũng đành ngậm đắng đứng bên lề cuộc chơi của người bản địa. Duy Thanh cũng như các anh chị nghệ sĩ Việt Nam có tên tuổi khác cũng đồng cảnh ngộ dù có đam mê và xoay sở tới đâu thì sự im lặng của sáng tạo của họ cũng phải bắt đầu một kỷ nguyên không có ngày mai. Hôm nay, sau 42 năm lưu vong của người Việt tại Mỹ, sự thật này không thay đổi  bao nhiêu. Hoạ sĩ không tìm đâu ra một gallery của người Việt dù là tại Bolsa, thành phố sầm uất nhất của người Việt tại Hoa Kỳ ngoại trừ 2 chỗ có dành cho hoạ sĩ triển lãm, đó là hội trường của các nhật báo Người Việt và Việt Báo nằm trên đường Morin. Các cuộc triển lãm ở đây thường chỉ kéo dài 2 ngày cuối tuần. Sở dĩ ít ngày như vậy vì không có mấy người đi xem, đa số khách xem là đồng nghiệp hoặc bạn văn nghệ và người nhà.

Lẽ dĩ nhiên, đã lỡ mang cái nghiệp vào thân thì cuộc đầu hàng trước định mệnh cũng dằn co bằng tất cả những nhịp đập cuối cùng của con tim sáng tạo của họ khi còn có cơ hội. Vẽ mà không triển lãm, một cuộc sống nghệ thuật im lặng, những giây phút thăng hoa của nghệ thuật từ vô thức như một chương cuối của định mệnh nghệ thuật của những trường hợp như Duy Thanh.

Điều tôi muốn nói sau cùng trước khi kết thúc bài viết này là về những bức tranh chì than trên giấy canson khổ nhỏ của Duy Thanh, được ông vẽ rất nhiều vào những năm cuối đời đã làm tôi rất bất ngờ, rất nhiều cảm xúc. Nó hoàn toàn khác xa với những tranh đơn sắc, hoặc chỉ với xanh và đen, mà tôi đã thấy vài năm trước đây do anh đã tặng cho vài người làm văn nghệ ở Cali mà tôi quen biết. Loạt tranh này có kích thước bằng khổ giấy A4 được anh vẽ bằng bút lông và màu nước. Chỉ với vài phóng bút một cách thanh thoát, ngẫu hứng, không nhiều lời, không dụng công phô diễn kỹ thuật, anh đã bước vào một cõi giới nghệ thuật vô vi. Nghệ thuật của anh giờ đẹp như một làn khói, như một cánh mây mỏng bất chợt xuất hiện giữa một bầu trời mênh mang rộng. Chúng cho người xem một sự lắng đọng, nghỉ ngơi, thanh thản và cảm nhận tác giả của chúng là một nhà thiền hoạ hoặc ít ra ông ấy đã ném cái ồn ào, sân si, nổi loạn một thời, vào quên lãng. Loạt tranh chì than mà anh vừa ký tặng cho nhà tôi, nhà thơ eL, có khổ gần như vuông, rất nhỏ, cỡ 18x20cm đã đưa tôi vào một trạng thái cảm xúc hoàn toàn trái ngược. Cái cảm xúc như người đang đi đường rất bình yên thì thình lình trời nổi cơn giông, sấm sét. Hay như đang đứng trước biển xanh với sóng vỗ rì rào thì bỗng thấy mây đen kéo tới cùng những cơn sóng lớn hung hãn, ầm ầm lao vào bờ,… Loạt tranh này cho thấy một mặt khác của hội hoạ Duy Thanh ở giai đoạn cuối đời: những trận bão trong quả trứng. Nó dữ dội hơn hẳn tranh của anh từ thời còn thanh xuân dù không màu, dù kích thước nhỏ bé. Vẻ đẹp của một thứ nghệ thuật vượt ra ngoài nghệ thuật. Một thứ nghệ thuật trông rất dễ dàng, một thứ nghệch ngoạc bâng quơ, nhưng lại là hiện thân của nghệ thuật bậc thầy.

Xin cảm ơn anh, một biểu tượng cho một tình yêu sáng tạo, một nguồn cảm hứng và một tấm gương trong sáng.

Bolsa, tháng 3, 2017

Trịnh Cung

Nguồn:
https://www.diendantheky.net/2017/04/trinh-cung-ve-duy-thanh-1.html
https://www.diendantheky.net/2017/04/trinh-cung-ve-duy-thanh-2.html

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận