KENNEDALE, Texas (NV) – Hai năm sau ngày Olga Tokarczuk, nhà văn nữ Ba Lan đoạt giải Nobel văn chương 2018, Nobel văn chương 2020 lại được trao cho một cây bút nữ, Louise Glück, một trong những nhà thơ lớn của văn chương đương đại Hoa Kỳ. Đây là cây bút nữ thứ 16 đoạt giải Nobel văn chương kể từ khi giải này được thành lập vào năm 1901.

Nhà thơ Louise Glück. (Hình: AP Photo/Susan Walsh)

Khi loan báo trao giải Nobel cho Louise Glück, ông Anders Olsson, chủ tịch Ủy Ban Nobel, ca ngợi “giọng thơ hết sức giản dị” của bà, “nhất là những bài thơ chạm vào cốt lõi của cuộc sống gia đình.” Giọng thơ đó “không lẫn vào đâu được. Nó bộc trực và kiên quyết, nhưng đầy hài hước và dí dỏm cay đắng.” Vì “nét đẹp giản dị mộc mạc khiến cho hiện hữu cá nhân trở thành phổ quát,” theo Olsson.

Giải Nobel Văn Chương năm nay trị giá khoảng $1,125,000.

Trả lời trong một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại được Adam Smith, trưởng Ban Truyền Thông Giải Nobel (Chief Scientific Officer of Nobel Media), thực hiện ngay sau khi giải được loan báo, Louise Glück cho biết cảm nghĩ đầu tiên của bà là sợ mất bạn bè.

“Tôi không biết. Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là tôi sẽ chẳng còn bạn bè nào cả, vì hầu hết bạn bè tôi đều là nhà thơ nhà văn.” Theo bà, đây là một giải mà bất cứ nhà thơ ngoại hạng nào của Mỹ cũng mong ước. “Khi nghĩ đến những nhà thơ nhà văn Mỹ không đoạt giải, quả là một điều làm họ nản chí.”

Bà thực sự choáng váng, không tin là bà có thể đoạt một giải thưởng lớn như thế. “Nó quá mới mẻ… Tôi thực sự không biết là nó có ý nghĩa gì nữa. Và tôi không biết đó có phải là một vinh dự lớn hay không nữa. Nói thực tế một chút thì là tôi muốn mua một căn nhà khác, một căn nhà ở tiểu bang Vermont – tôi hiện có một căn ở Cambridge – và tôi nghĩ, vâng, tôi có thể mua một căn nhà bây giờ…”

Khi được hỏi tác phẩm đặc biệt nào mà bà muốn độc giả nên tìm đọc đầu tiên, Louise Glück cho biết: “Tôi gợi ý rằng họ không nên đọc tác phẩm đầu tiên của tôi vì nó xoàng. Nên đọc tác phẩm gần đây là ‘Averno’ và tác phẩm mới nhất là ‘Faithful and Virtuous Night.’”

“Averno,” tựa đề đặt theo tên miệng núi lửa ở phía Tây thành phố Naples mà người La Mã ngày xưa xem như là đường vào địa ngục, xuất bản năm 2006 là một tuyển tập thơ, diễn giải lại huyền thoại nàng Persephone bị tử thần bắt cóc. Còn “Faithful and Virtuous Night” (Đêm Thủy Chung và Đức Hạnh) xuất bản năm 2014, là tác phẩm giúp Louise Glück được trao giải “National Book Award” (Giải Sách Quốc Gia).

Tin nhà thơ Louise Glück đoạt giải Nobel đã nhận được ngay những phản ứng tích cực từ văn giới. Claudia Rankine, một bạn thơ Hoa Kỳ của bà, nói với tờ Guardian: “Bà là một nhà thơ lớn, một nhà thông thái và là một người bạn tuyệt vời.” 

Robert Pinsky, Thi Sĩ Quốc Gia Hoa Kỳ (US Poet Laureate) ba năm liên tiếp 1997-2000, phát biểu: “Thỉnh thoảng, thế giới đã làm những điều đúng.” Và ông “hy vọng bà sẽ sớm cho ra đời một tập thơ mới tuyệt vời.”

Trong lúc đó, Robert Casper, trưởng Trung Tâm Thi Ca Và Văn Chương Thư Viện Quốc Hội (Hoa Kỳ), cho biết: “Tôi rất biết ơn Ủy Ban Nobel đã trao giải năm nay cho Louise Glück mà những bài thơ đầy năng lượng và âm vang của bà là những mẫu mực điển hình cho nghệ thuật – đó cũng là lý do khiến bà được phong tặng ‘Thi Sĩ Quốc Gia Hoa Kỳ’ năm 2003 của Quốc Hội Hoa Kỳ. Giải Nobel sẽ không chỉ mang thơ bà ra toàn thế giới mà còn bảo đảm là chúng nằm cùng với văn chương vĩ đại nhất trong bất cứ ngôn ngữ nào, và bất cứ thời đại nào.”

Dwight Garner của nhật báo New York Times ca ngợi: “Thơ của bà đầy chất tri tuệ và cảm xúc sâu lắng.”

Louise Glück sinh năm 1943 ở New York, là con gái đầu trong một gia đình gồm hai chị em gái, cha là Daniel Glück, thương gia, người Hung gốc Do Thái, và mẹ là Beatrice Grosby, quản gia, người Nga gốc Do Thái. Bà có một thời tuổi trẻ không mấy hạnh phúc vì bị mắc chứng bệnh biếng ăn (anorexia nervosa), một thách đố lớn trong suốt thời thiếu niên và thanh niên, khiến tâm lý bà không ổn định, gây nhiều khó khăn trong việc học hành.

Vào năm cuối cấp ba, bà bắt đầu chữa trị bằng “tâm lý trị liệu,” do đó, phải nghỉ học một thời gian. Sau khi tốt nghiệp trung học, bà tiếp tục việc chữa bệnh suốt thời gian bảy năm kế tiếp, khiến bà phải bỏ dở chương trình đại học và rời trường mà không lấy được mảnh bằng nào.

Tuy nhiên về sau, khi đã trở thành một nhà thơ có tiếng tăm, bà ghi danh vào Đại Học Columbia, ngành “Nghiên Cứu Tổng Quát” (General Studies) chuyên về thơ như một sinh viên không chính thức. Nhờ thế, năm 1984, bà được trường đại học William College nhận vào làm giảng viên trong phân khoa Anh Văn. Năm 2004, Đại Học Yale bổ nhiệm bà làm giảng viên về thơ với tư cách Nhà Thơ Nội Trú (Writer-in-Residence) trong chương trình Rosenkrannz (The Rosenkranz Writer in Residence at Yale University).

Cuộc sống gia đình của bà cũng không mấy hạnh phúc. Năm 1967, bà lấy chồng, nhưng ly dị. Năm 1977, bà lấy chồng một lần nữa và có một đứa con, nhưng rồi cuộc hôn nhân thứ hai này cũng lại đổ vỡ.

Sự nghiệp làm thơ của bà như một bù đắp cho những mất mát trong việc học hành và hôn nhân. Bà bắt đầu làm thơ ngay từ tuổi thiếu niên. Thành công đến với bà năm 1968 với tác phẩm đầu tay “Firstborn” (Con Đầu Lòng) và bà nhanh chóng trở thành một trong những nhà thơ lớn của văn chương Hoa Kỳ đương đại. Sau đó, bà liên tiếp đoạt những giải thưởng văn chương giá trị của Hoa Kỳ.

Năm 1985, đoạt giải “National Book Critics Circle Award” cho tác phẩm “The Triumph of Achilles” (Khúc Khải Hoàn của Achilles); năm 1993, đoạt giải Pulitzer với tập thơ “The Wild Iris” (Hoa Diên Vĩ Hoang Dã); đến năm 2014, đoạt giải “National Book Award” cho tập thơ “Faithful and Virtuous Night” (Đêm Chung Thủy và Đức Hạnh). Năm 2012, nhà xuất bản “Farrar, Straus and Giroux” tuyển chọn thơ của bà vào trong một tuyển tập nhan đề “Poems 1962-2012.”

Theo Steven Ratiner của nhật báo Washington Post trong một bài điểm sách: “Tập thơ này chứa đầy nội dung tối tăm của vũ trụ nhân sinh, vốn không thể nhìn thấy được trong cuộc sống hằng ngày, nhưng nằm trong cốt lõi của kinh nghiệm ý thức của chúng ta.”

Được hỏi về sự thành công của bà về thi ca trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Poets and Writers, bà cho biết cần phải có sự cân bằng giữa đời sống và tác phẩm nghệ thuật: “Bạn phải sống cuộc đời của bạn nếu bạn muốn có tác phẩm nghệ thuật độc đáo” bởi vì “tác phẩm ra đời từ một cuộc sống đích thực.”

Xin ghi lại một vài nhận xét của Ủy Ban Nobel, trích từ “Biobibliographical Notes,” được đăng tải trên trang mạng chính thức của nó: “Trong thơ bà, cái tự ngã lắng nghe những gì được để lại từ những giấc mơ và ảo mộng của nó, và không có ai cứng cỏi hơn bà khi chạm mặt với những ảo ảnh của tự ngã.”  (…) “Glück tìm kiếm sự phổ quát, và trong sự tìm kiếm này, bà lấy cảm hứng từ những huyền thoại và những chủ đề cổ điển, hiện hữu trong hầu hết tác phẩm của bà.”

Trong thơ Louise Glück, “Chúng ta bắt gặp những hình ảnh trung thực hầu như tàn bạo về những mối quan hệ đớn đau trong gia đình. Nó bộc trực, thẳng thắn, chẳng cần một chút tô son điểm phấn nào.” (…) “Louise Glück không chỉ bị ràng buộc bởi những lầm lẫn và những thăng trầm của cuộc đời, mà bà cũng còn là nhà thơ của đổi thay và tái sinh triệt để, nơi mà bước nhảy vọt về phía trước được hình thành từ một cảm thức sâu sắc về sự mất mát.”

Giải thưởng Nobel 2020 đánh dấu một sự thay đổi nơi nhà thơ vốn rất sợ tên tuổi nằm trên những bản tin hàng đầu. Khi được tặng danh hiệu “Thi Sĩ Quốc Gia Hoa Kỳ” năm 2003, bà cho biết bà không quan tâm đền chuyện có nhiều độc giả, trái lại, chỉ thích một số lượng độc giả “nhỏ bé, có cảm xúc sâu sắc và đam mê.” 

Một số tác phẩm của Louise Glück

Xin giới thiệu một bài thơ điển hình của Louise Glück, Snowdrops (Giọt Tuyết), mô tả sự sống trở lại sau một mùa Đông dài lạnh lẽo. Bài thơ này được trích từ tác phẩm nổi tiếng nhất của bà, “The Wild Iris” (Hoa Diên Vỹ Hoang Dã), vốn đã giúp bà đoạt giải Pulitzer 1993:

“I did not expect to survive
earth suppressing me
I didn’t expect
to waken again, to feel
in damp earth my body
able to respond again, remembering
after so long how to open again
in the cold light
of earliest spring –
afraid, yes, but among you again
crying yes risk joy
in the raw wind of the new world
afraid, yes, but among you again
crying yes risk joy
In the raw wind of the new world.”

Tạm dịch:

“Tôi chẳng hề mong sống sót
Đất ép chặt tôi
Tôi chẳng hề mong
Thức dậy lần nữa, để cảm nhận
Xác thân tôi trong đất ẩm
Có thể lại biết phản ứng, khi nhớ ra
Sau thời gian quá dài làm sao mở lại
Dưới ánh sáng lạnh
Buổi đầu xuân
Vâng, thì sợ, nhưng lần nữa giữa các bạn
Cùng vỡ òa niềm vui mạo hiểm
Trong làn gió đầu mùa thế giới mới.”

Louise Glück đã xuất bản tất cả 12 tác phẩm, hầu hết là thơ, nổi tiếng nhất là “The Triumph of Achilles” (1985), “Ararat” (1990), “The Wild Iris” (1992), “Vita Nova” (1999), “Averno,” “Faithful and Virtuous Night” (2014)… Ngoài ra, bà còn có hai tập tiểu luận về thi ca: “Proofs and Theories: Essays on Poetry” (1994) và “American Originality: Essay on Poetry” (2017). Một số tác phẩm của bà cũng đã được dịch sang tiếng Tây Ban Nha, Thụy Điển và Đức.

Trần Doãn Nho

—–

Tham khảo:

-Interview Transcript (Nobel Committee): www.nobelprize.org/prizes/literature/2020/gluck/interview

-Biobibliographical notes (Nobel Committee): www.nobelprize.org/prizes/literature/2020/bio-bibliography

-New Yorker: www.newyorker.com/books/page-turner/nobel-laureate-louise-gluck-in-the-new-yorkerui

-Wikipedia: https://en.wikipedia.org/wiki/Louise_Gl%C3%BCck

-Các bản tin của CNN, New York Times, Washington Post, The Guardian, Indian Express…

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/louise-gluck-nha-tho-nu-hoa-ky-doat-giai-nobel-van-chuong-2020/

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận