Khác với những năm trước, giải Nobel Văn Chương năm nay (2022) hầu như không tạo ra tranh cãi gay gắt nào, một dấu hiệu cho thấy văn giới quốc tế lặng lẽ tán thành quyết định của Hàn Lâm Viện Thụy Điển: trao giải Novel Văn Chương 2022 cho nhà văn Pháp Annie Thérèse Blanche Ernaux.

Nhà văn Annie Ernaux. (Hình: Arturo Holmes/Getty Images for FLC)

Theo Ban Giám Khảo giải, từ nhiều góc độ khác nhau, nhờ “sự nhạy bén lâm sàng” (clinical acuity) của mình mà bà Ernaux khám phá ra “gốc rễ, sự cách biệt và những hạn chế tập thể của ký ức cá nhân.” Và từ đó, bà “khảo sát cuộc đời đầy dấu ấn của những cách biệt mạnh mẽ về phái tính, ngôn ngữ và giai cấp.”

Tạp chí The New Yorker cho đi một bài viết ca ngợi tài năng của tân khôi nguyên Nobel với tựa đề: “Annie Ernaux’s Justly Deserved Nobel” (Annie Ernaux hoàn toàn xứng đáng đoạt giải Nobel) (1).

Nhà văn Jacques Testard, giám đốc nhà xuất bản Fitzcarraldo Editions chuyên xuất bản những tác phẩm dịch ra tiếng Anh, xem bà là một nhà văn “ngoại hạng và độc đáo” (exceptional and unique) và là “một nhà văn nữ quyền quan trọng của thời đương đại.”

Với vinh dự này, Annie Ernaux trở thành nhà văn nữ đầu tiên trong số 16 nhà văn Pháp và là nhà văn nữ thứ 17 trên toàn thế giới, đoạt giải Nobel Văn Chương.

Ernaux nhận tin mình đoạt giải từ ngôi nhà của bà ở Cergy-Pontoise, thuộc vùng ngoại ô thành phố Paris, qua điện thoại trực tiếp gọi từ Hàn Lâm Viện Thụy Điển vào ngày 6 Tháng Mười.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Thụy Điển không lâu sau đó, bà cho biết: “Tôi xem đây là một vinh dự lớn lao mà Hàn Lâm Viện dành cho tôi và đồng thời, đối với tôi, cũng là trao cho tôi một trách nhiệm lớn lao. Đó là làm chứng nhân cho công bằng, cho công lý, đối với thế giới” (2).

Ông Emmanuel Macron, tổng thống Pháp, qua Twitter, ca ngợi bà là “tiếng nói cho tự do của người phụ nữ và của những con người bị lãng quên của thế kỷ” (3).

Annie Ernaux sinh ngày 1 Tháng Chín, 1940, tại Lillebonne trong một gia đình công nhân. Bà trải qua thời thơ ấu và trưởng thành tại Yvetot, thuộc vùng Haute-Normandie, Pháp, nơi cha mẹ bà có một cửa hàng tạp hóa-cà phê nhỏ với một lợi tức khiêm nhường vừa đủ sống và đủ tài trợ cho bà, đứa con gái duy nhất trong gia đình, theo học cấp 2 ở một trường tư thục Công Giáo, nơi mà sau này khi nhớ lại, bà không quên cảm giác hổ thẹn vì mặc cảm thua kém những học sinh khác thuộc các gia đình trung lưu.

Sau khi tốt nghiệp trung học, bà theo học tại Đại Học Rouen rồi sau đó là Đại Học Bordeaux. Bà tốt nghiệp cao học ngành văn học hiện đại vào năm 1971. Sau đó, bà lần lượt giảng dạy tại trường Trung Học Bonneville, trường Đại Học Évire ở Annecy-le-Vieux rồi ở Pontoise trước khi chuyển về National Centre for Distance Education, một trung tâm giáo dục dạy từ xa.

Năm 1964, bà lấy Philippe Ernaux, một công chức cao cấp. Họ có với nhau hai người con và ly dị vào năm 1981. Từ năm 1994 đến 1997, bà dan díu tình ái với một sinh viên kém hơn bà đến 30 tuổi. Đề cập đến mối tình so le này, bà cho biết: “Với chồng tôi ngày xưa, tôi chỉ là một cô gái dân dã, lần này, đối với anh này, tôi là một kẻ trưởng giả.”

Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, ngay từ nhỏ, bà đã chứng kiến đủ mọi loại sinh hoạt trong đời sống hằng ngày của tầng lớp người nghèo khổ; điều này giúp bà ý thức sâu sắc về sự phân chia giai cấp trong xã hội.

Lớn lên, do được học hành tới nơi tới chốn và cũng do hôn nhân (lấy một người chồng có địa vị), bà từ giai cấp nghèo hèn leo dần lên giai cấp trưởng giả. Quá trình thay đổi đó khiến bà vừa thích thú lại vừa hổ thẹn, cảm thấy mình như một “kẻ đào ngũ giai cấp” (transfuge de classe), một kẻ phản bội. Nhưng chính những chênh lệch cũng như những căng thắng và xung đột đó lại gây cảm hứng cho bà viết văn.

Nhà văn Pháp Annie Ernaux đoạt giải Prix Renaudot, một giải văn chương Pháp dành cho các tác phẩm độc đáo và sáng tạo, với tác phẩm thứ tư, “La place” (Nơi Chốn, 1983), hôm 12 Tháng Mười Một, 1984, tại Paris. (Hình: Pierre Guillaud/AFP via Getty Images)

Tác phẩm đầu tay của bà, “Armoires vides” (Tủ Quần Áo Trống Không, 1974), là một tự truyện, diễn tả sự cách biệt dần dà giữa bà với cha mẹ xuất phát từ trình độ học vấn và chuyện bà bí mật phá thai vào thời điểm chuyện phá thai vẫn còn bị cấm đoán. Sợ bị chồng trêu chọc, bà giấu chồng, bằng cách “giả vờ như đang soạn luận án tiến sĩ để có thời gian ngồi viết một mình.” Tác phẩm không mấy thành công, nhưng bà vẫn tiếp tục viết.

Phải đến tác phẩm thứ tư, “La place” (Nơi Chốn, 1983), đề cập đến cuộc sống của một công nhân ít học đầu thế kỷ 20, bà mới có một chỗ đứng trên văn đàn. Tác phẩm được độc giả và giới phê bình nồng nhiệt ca ngợi, đoạt giải Prix Renaudot, một giải văn chương Pháp dành cho các tác phẩm độc đáo và sáng tạo.

Năm 1987, “Une femme” (Chuyện Một Phụ Nữ) ra đời, viết về người mẹ bị bệnh suy khờ, qua đó, đề cập đến sự khác biệt về tình dục giữa hai thế hệ. Tác phẩm đồng thời giúp soi sáng cách viết riêng của bà: viết là sự chuyển đổi giữa hư cấu, xã hội học và lịch sử.

Năm 1991, bà viết “Passion simple” (Niềm Đam Mê Đơn Giản) diễn tả nỗi ám ảnh của một chuyện tình mà bà có với một nhà ngoại giao, nhiều năm sau khi cuộc hôn nhân riêng của bà chấm dứt. Tác phẩm được ca ngợi vì lối diễn tả tinh tế về sự căng thẳng giữa những gì người ta ước muốn và những gì người ta hiện có.

Năm 1996, “La honte” (Hổ Thẹn) ra đời, soi rõ nỗi thống khổ mà bà chịu đựng trong quá khứ qua hình ảnh nóng giận bất thường của cha bà đối với mẹ bà. Giới phê bình tìm thấy trong tác phẩm này một điểm khá lý thú. Dòng đầu tiên của “La honte,” “Mon père a voulu tuer ma mère un dimanche de juin, au début de l’après-midi (Cha tôi đã muốn giết mẹ tôi vào vào đầu giờ chiều một ngày Chủ Nhật Tháng Sáu) có chút gì tương tự với dòng đầu tiên trong “L’étranger” (Kẻ Xa Lạ), tác phẩm nổi tiếng của Albert Camus: “Aujourd’hui, maman est morte. Ou peut-être hier, je ne sais pas” (Hôm nay, mẹ tôi chết. Cũng có thể là hôm qua, tôi chẳng biết).

Sau hàng thập niên khai quật quá khứ mình trong nhiều tác phẩm khác nhau, năm 2008, Ernaux xuất bản “Les années” (Theo Dòng Năm Tháng) mà nhiều nhà phê bình xem như là kiệt tác của bà. Tác phẩm đoạt giải “Marguerite Duras” và “François Mauriac” và được tạp chí Le Monde xếp vào danh mục 100 tác phẩm văn chương sáng giá nhất của văn học Pháp vào năm 2019.

Tác phẩm đưa ra một cái nhìn mở rộng vào khung cảnh xã hội đã tạo nên bà. Đó là lịch sử cá nhân và tập thể đan bện vào nhau của một nước Pháp hậu chiến, được viết theo lối tự sự từng năm trong cuộc đời bà từ 1940 đến 2006. Tác phẩm này sáng tạo ra một thể loại văn chương mới, “tự truyện tập thể” (collective autobiography), qua đó, đại từ “tôi” (Je) hầu như được thay bằng đại từ “người ta” (On) hay “chúng ta” (Nous), và thỉnh thoảng “bà/cô ta” (Elle).

Chả thế mà, Annie Ernaux được mệnh danh là nhà văn viết truyện ký (memoirist). Văn chương bà nhập nhòe giữa hồi ký và hư cấu. Đó là những hồi ức được hư cấu hóa một cách nhẹ nhàng, và được viết với một lới văn giản dị, trong sáng, không trau chuốt cầu kỳ, đôi khi khô khan. Một thứ “văn phong phẳng” (écriture plate).

Giải thích về sự ra đời của “Les années,” bà cho biết “Tất cả hình ảnh rồi sẽ biến mất,” cho nên, tác phẩm được viết ra như để “vớt vát đôi điều từ giòng thời gian, nơi mà người ta sẽ không bao giờ tìm lại được.” Durs Grünbein, nhà thơ Đức, ca ngợi tác phẩm là một “thiên sử thi xã hội học” (sociological epic): đời sống được hình thành từ những câu chuyện được nghe, những bài ca được hát và những điều đã biến thành quy luật bất thành văn trong đời sống.

Một số tác phẩm của nhà văn Annie Ernaux. (Hình: Andrea Renault/AFP via Getty Images)

Bàn về chuyện viết, bà cho biết, viết là “một đòi hỏi không thể ngừng nghỉ. Là sự ràng buộc hết câu này sang câu khác, hết tác phẩm này đến tác phẩm khác, nhằm soi rõ hiện thực, vươn tới chỗ hiểu biết và diễn đạt chân lý cuộc tồn sinh vốn khó có thể đạt được bằng phương cách khác.”

Sự nghiệp sáng tác của Annie Ernaux là một công trình dài hơi, gồm gần 30 tác phẩm và nhiều bài tiểu luận và truyện ngắn, tiêu biểu nhất là “Les armoires vides” (1974), “La place” (1983), “Une femme” (1987), “La honte” (1996), “Les années” (2008), “L’autre fille” (2011), “Mémoire de fille” (2016), “Le jeune homme” (2022).

Nhiều tác phẩm của bà đã được dịch ra tiếng Anh, trong đó có “A Woman’s Story,” “Cleaned Out” (Les armoires vides), “A Man’s Place” (La place), “Shame” (La honte), “The Years” (Les années), “Exteriors” (La vie extérieure : 1993–1999).

Có hai tác phẩm được dịch ra tiếng Việt: “Một Chỗ Trong Đời” (La place) do Nguyễn Thị Thúy An dịch (2015) và “Hồi Ức Thiếu Nữ” (Mémoire de fille), do Bảo Chân dịch (2021).

Trần Doãn Nho

Chú thích:

(1) Annie Ernaux’s Justly Deserved Nobel

(2) Je considère que c’est un très grand honneur qu’on me fait et, pour moi, en même temps, une grande responsabilité, une responsabilité qu’on me donne en me donnant le prix Nobel. C’est-à-dire de témoigner (…) d’une forme de justesse, de justice, par rapport au monde.

(3) Her voice is that of women’s freedom, and the century’s forgotten ones.

Tham khảo:

1-Trang mạng Nobel: www.nobelprize.org/prizes/literature/2022/bio-bibliography; www.nobelprize.org/prizes/literature/2022/ernaux/facts/

2-Adam Gopnik, Annie Ernaux’s Justly Deserved Nobel (The Newyorker): www.newyorker.com/culture/cultural-comment/annie-ernauxs-justly-deserved-nobel

3-Jonathan Clarke: All Ego, No Boundaries, Annie Ernaux and the sacralization of the self: www.city-journal.org/annie-ernaux-all-ego-no-boundaries

4-Raphaëlle Leyris, (Le Monde, 6/10/22) Le prix Nobel de littérature 2022 attribué à l’écrivaine française Annie Ernaux

5-Britannica: www.britannica.com/biography/Annie-Ernaux

6-Wikipedia

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/annie-ernaux-nobel-van-chuong-2022-chan-dung-va-su-nghiep/

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận