Một thời của tuổi mộng mơ
Chúng tôi có bốn năm bên nhau dưới mái trường Đồng Khánh, Huế. Đời sống của những cô thiếu nữ ở cái thành phố cổ kính, phong kiến, bé tí xíu ấy thập niên 50 thế kỷ trước chẳng có gì nhiều để kể lại nếu không là những lá thư kết bạn bốn phương vớ vẩn chuyền cho nhau đọc vào giờ ra chơi, trong tiếng cười rúc rích và những đuôi mắt lúng liếng.
Tôi học cùng lớp với Túy Hồng, cùng ngồi ở những hàng ghế đầu, cùng vòng tay nghiêm chỉnh để lên bàn thành hàng thẳng tắp trong mỗi giờ học. Thân phụ Túy Hồng là giáo sư Nguyễn Doãn Thám, dạy Pháp văn chúng tôi ở hai lớp đệ thất và đệ ngũ. Thầy rất nghiêm nhưng điềm đạm, không bao giờ lớn tiếng rầy la chúng tôi và không bao giờ phí phạm thì giờ nói chuyện ngoài giáo trình từ lúc bước vào lớp cho đến lúc xách cặp bước ra. Tứ thời bát tiết, lúc nào Thầy cũng mặc bộ complet bằng hàng đũi màu vàng nhạt, có chút cũ kỹ nhưng tươm tất. Thầy ít khi ngồi ở bàn mà thường một tay trong túi quần, tay kia cầm viên phấn để khi cần thì dừng lại, viết lên bảng. Thầy đi qua đi lại, đi tới đi lui hết bề ngang lớp học, mắt nhìn xuống đám học trò với dáng vẻ oai phong, tự tin và cả sự phấn khích tỏ lộ rõ của một diễn viên trong vai trò đắc ý nhất. Trong khi chúng tôi có chút ganh tỵ rất con nít, thấy Túy Hồng oai quá vì có cha là giáo sư, xem ra chị lại rất cấn cái, khó chịu trong hoàn cảnh ấy. Nhờ công ơn giáo dục rất kỹ của Thầy môn Pháp văn, sau này lên đại học, tôi hãnh diện được Giáo sư thỉnh giảng Camborde đến từ Bỉ, có lần ưu ái hỏi: “Cô từ đâu tới?” sau nhiều bài làm được ông hết lời khen tặng.
Bây giờ, trong hồi tưởng, mỗi khi nghĩ về Túy Hồng, tôi thấy bật ra trong trí nhớ đôi môi cắn chỉ đỏ thắm, khô, nứt nẻ của chị (ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng, TCS) Mùa đông ở Huế rét ngọt những hôm trời mưa bụi hay không mưa, mây nặng màu chì và không gian đông cứng như đá, chạm tay vào đâu cũng giật bắn người như bị chạm điện. Dưới bầu trời ẩm sẫm và trong cái lạnh co thắt ruột gan, nhìn tôi mặt tái mét, đôi môi thâm tím, chị thì thào bảo tôi: “BH bắt chước mình đi, về nhà đứng trước gương, xé một cái bao nhang, thấm chút nước bọt rồi bôi lên môi như mình, đẹp cho coi!” Tôi bắt chước làm như chị dặn, cả môi và mấy đầu ngón tay đỏ ong, tòe loe phẩm nhuộm, vừa không hồng hào tự nhiên như chị, vừa kệch cỡm khiến mẹ tôi tinh mắt nhận ra ngay: “Em bôi cái gì lên mặt thế? Da trẻ con bôi tầm bậy hỏng đi đấy!” Thế nhưng rửa bớt, chút ánh hồng sót lại có làm cho khuôn mặt tôi bớt xanh xao và sáng ra. Hôm đầu đi học với chút thay đổi liều lĩnh ấy, tuy tôi đã cẩn thận lau hết phẩm điều của bao nhang đi nhưng tôi không tự tin lắm, sợ bạn bè thấy tôi khác nên dọc đường cứ liếm môi liên hồi và nhận ra vị đắng ngắt của thuốc nhuộm làm se đầu lưỡi, khiến tôi chợt lo, thoáng nghĩ ra sao không hỏi chị cẩn thận, nhỡ ngộ độc thì có chết không?
Đến trường, chị khuyến khích tôi: “BH cứ làm tiếp đi, sẽ quen mà. Sau này không cần giấy nhang nữa, cứ cắn môi là đỏ thôi!” Chị cả quyết nhưng tôi sớm biết có làm gì thì cũng không giống chị được, nên thôi. Chị cười hoài, cả môi lẫn mắt, tươi roi rói, không biết chị có thật vui không mà sao tôi nhìn đôi môi chị, cứ cảm giác nó như một vết thương mòng mọng, có thể bật máu ra bất cứ lúc nào và thường xuyên làm chị đau lặng lẽ.
Túy Hồng có đôi mắt chim tròn xoe, bốn mùa trong trẻo như mặt nước hồ long lanh gợn, bồi hồi, sâu lắng, cuốn hút. Chị có mái tóc đen, dầy, xoắn xít quăn hai bên đường ngôi rẽ giữa đổ xuống thái dương, khuôn mặt vuông, sống mũi trũng giữa hai hàng lông mày và riềm mi đậm, làn môi cắn chỉ trễ nải trên chiếc cằm có hậu, làm chị trông có cái man dại của một bông hoa lạ lẻ loi nở. Trong lớp, chị nói cười láu táu, hai mắt chớp như nhánh hổ ngươi nhưng chị ít kết bạn. Giờ ra chơi, thay vì túm năm tụm ba, chị một mình đi dọc cái hành lang dài mùa đông các bức mành tre được cuốn lên, thò một bàn tay ra hứng những bụi mưa bay nghiêng hay những giọt tranh lả tả. Ơn em dáng mỏng mưa vời (DTL) tôi nghiệm ra ở chị có những nét đẹp thầm, kín đáo, đi qua muốn nhìn lại vì như có điều gì bỏ sót.
Xong 4 năm trung học đệ nhất cấp, chúng tôi chia tay rồi lại thấp thoáng trông thấy nhau ở sân trường Đại học Sư phạm Huế cuối thập niên 50, giờ giấc và phân khoa chuyên môn khác biệt. Từ đó, tôi chỉ còn biết về chị qua tin tức giữa bằng hữu cũ hoặc trên báo chí vì chị nổi tiếng rất bất ngờ và nhanh chóng. Tôi biết chị bỏ Huế vào Saigon, dạy Anh văn ở truờng Mạc Đĩnh Chi. Tôi biết chị trở thành tiểu thuyết gia nổi tiếng có tác phẩm đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc. Tôi biết chị kết hôn với nhà văn Thanh Nam và sau cùng, khi Saigon thất thủ, tôi biết gia đình chị di tản kịp ngày 30/4.
Đầu năm 1986, tôi qua Mỹ. Vài năm sau, nhờ nhà thơ Trần Mộng Tú cùng chồng con rời Cali dọn lên Washington State, tiểu bang Ngàn Xanh vùng Tây Bắc, nơi Túy Hồng đang định cư, chúng tôi vui mừng nối lại nhịp cầu đứt đoạn.
Tôi bay lên thăm chị lần đầu tại căn nhà ở đường Othello, trung tâm Seattle. Lúc đó, anh Thanh Nam đã mất được mấy năm. Ở lưng chừng cái cầu thang cuốn đưa xuống chỗ lấy hành lý, tôi bồi hồi nhận ra bạn vẫn nhỏ nhắn trong chiếc áo len hồng, đứng co ro, ngơ ngác, hai tay ôm chặt cái ví vào ngực y như những ngày Đồng Khánh, chị ôm khư khư cái cặp sách cùng một kiểu. Tôi đến bên bạn, mừng tủi vỡ òa. Tôi ngồi vào xe cho chị lái, qua xa lộ, qua những chặng đường lưu thông yên ả từ phi trường SeaTac về thành phố Seattle, về nhà chị. Bất thình lình, cả tôi và chị đều cùng lúc thấy một chiếc xe chạy ngược chiều, mũi xe hướng về chúng tôi ở khoảng cách vừa đủ để có thể không húc nhau. Chị kêu khẽ như tiếng một con chim bị trúng đạn ná: “Chết cha, mình chạy ngược đường một chiều!” May mắn cho tất cả là ngay bên tay phải tôi có con đường ngang nhỏ cho chị kịp rẽ vào để tìm lối ra.
Chao ôi, bao nhiêu vật đổi sao dời, bao nhiêu thăng trầm đến mức, bạn tôi vẫn hiền hậu, vẫn khờ khạo, vẫn nguyên vẹn một Túy Hồng mười ba, mười bảy, gồng mình khi bắt buộc nhưng trong lòng chết nhát thế ư?
Nhà chị ở đường Othello, lạ thật, duyên nghiệp nào bỏ chị vào đây? Tôi chỉ đến một lần này, chị đi về bao nhiêu năm, có bao giờ mường tượng ra các nhân vật trong vở kịch Othello lẫy lừng của Shakespeare cách nay hơn bốn thế kỷ? Những mâu thuẫn, những xung đột với kịch tính cao độ, sự đan kết giữa nét thơ mộng và việc đời khủng khiếp, giữa cao thượng và tầm thường kêu gọi một cách giải quyết tình lý vòng vo, lẫn lộn, của các nhân vật trong Othello và trong đời riêng của chị liệu có an ủi hay có làm chị khổ đau hơn? Phiên bản của loài nguời trên dòng thời gian vô tận có những đổi thay dễ thấy căn cứ vào dung mạo, ngôn ngữ và y phục nhưng cấu trúc và vận hành của trái tim trong lồng ngực con người là bất biến. Như Lai đi tìm chấm dứt luân hồi, chấm dứt khổ đau. Hơn 2000 năm qua, đời vẫn luân hồi, con người vẫn khổ đau không loại trừ những bước chân hành giả theo Như Lai đi trong kinh kệ và trầm hương, trong ba vạn sáu ngàn ngày như một giấc mê hoang.
Vài ngày ngắn ngủi bên nhau, chúng tôi không có thời giờ ôn lại quá khứ. Chúng tôi nói chuyện hiện tại. Chị phàn nàn các con không vâng lời. Trước mắt tôi, cả bốn cháu cao lớn dềnh dàng, sắp hàng ngang, lễ phép vòng tay, cúi đầu chào khách lạ: “Thưa Dì.” Hỏi ra, chỉ là các cháu vào đại học, tự ý chọn con đường đi theo sở thích riêng. Cháu gái đầu lòng học ngành điều dưỡng 4 năm, đi học bằng xe buýt, giấu trong cái túi nhỏ thỏi son, hộp phấn hồng và cây bút chì kẻ mắt. Đến trường, cháu vào locker trang điểm. Tan lớp, trước khi về nhà, cháu lại vào locker rửa mặt. Tôi thực sự ngạc nhiên thấy bạn tôi bắt các con mình sống như chị đã phải sống gần nửa thế kỷ trước ở cái thành phố Huế chật hẹp về địa dư, cổ kính về văn hóa, từ đó chúng tôi sinh ra và lớn lên mang trong mình nhiều cố tật.
Trong căn nhà ở đường Othello, chị là hình ảnh người mẹ nghiêm khắc, nhiều tài năng và bí ẩn như một mê cung. Chị nuôi con thú cưng là một chú khuyển lai gốc sói, to lớn, chả biết bao nhiêu tuổi mà thả những sợi lông màu xám khắp nhà. Đón tôi, chị phải bóp bụng bỏ ra $300 mỹ kim thuê một người Mễ đến dọn dẹp và giặt thảm nhưng thuốc giặt thơm vẫn không đánh bạt được mùi lông chó phảng phất khắp nơi, nhiều nhất trên sofa. Kỹ lưỡng vậy vẫn chưa đủ, chị đem con chó gửi ở nơi nào khác để tôi không bị sợ hãi vì theo lời chị, thỉnh thoảng nó vẫn hú giữa đêm khuya. Để đãi tôi bữa cơm thanh đạm gia đình, chị khui một hộp ham đổ thẳng vào cái nồi đã bắc lên bếp. Chị cắt miếng một bìa tàu hũ trắng cho tiếp vào đấy cùng với vài quả cà chua và chị giải thích đây là món tàu hũ om thịt. Nén chút ngậm ngùi, tôi cười vui hỏi đùa bạn: “Lấy chồng Bắc Kỳ, quên hết món ăn Huế rồi hả?” Chị không trả lời nhưng đôi đũa trong tay chị đảo lia lịa cái nồi đang sôi trên bếp và món tàu hũ kho thịt, cà chua của chị giống như một đống vữa màu đỏ hồng.
Vừa rồi, có chị bạn văn chuyển cho tôi bài viết về Túy Hồng của bà Liễu Trương, một ngòi bút phê bình cự phách hiện sống ở Âu châu. Bài viết xuất hiện trên mạng ngày 31/5/ 2017, có nhan đề “Viết Với Thân Xác Như Túy Hồng,” trong đó, tác giả mổ xẻ cuốn Tôi Nhìn Tôi Trên Vách của chị, trích dẫn một đoạn Túy Hồng làm tác giả kinh ngạc khi chị viết về sự thèm muốn các món ăn Huế của nhiều nhân vật trong truyện, sự thèm muốn như một ám ảnh cực kỳ tha thiết, dai dẳng, dung tục, pha trộn mùi nước mắm chanh ớt thật cay với mùi tỏi hăng nồng, bừng bừng, xoáy vào gan ruột, mùi của da thịt động tình mập mờ tơ lụa. “Ăn một bụng bánh khoái Gia Hội, ních bốn dĩa bánh bèo Tây Thượng, ăn ba đọi cơm hến, ăn một mớ bánh nậm…” Người Huế cực đoan trong cảm xúc nên ngôn ngữ Huế, khi cần, diễn tả được trạng thái cực điểm và ngòi bút Túy Hồng sử dụng tinh xảo tố chất này, biến chúng từ tầm thường đến tràn trề ma lực. Sâu bên dưới biểu hiện nói trên, nhà phê bình Liễu Trương nhìn thấy tình yêu Huế nồng nàn, gắn bó của Túy Hồng. Gợi nhắc Huế ở bất cứ điều nhỏ nhặt nào là khua thức rộn ràng những kỷ niệm với Huế đã hòa quyện vào máu thịt chị thành một thực thể bất khả chia lìa. Như đã có lần chị thở dài tâm sự với tôi: “Nghe tiếng một người đàn ông Huế giữa phố phường là thấy lại một trời kỷ niệm. Không nghe được, mình chết không nhắm mắt” nên lúc cuối đời, chị đã rất dịu dàng ôm một người đàn ông Huế chỉ vì chị muốn nghe bên mình cái “âm vọng” suốt đời mơ tưởng, vừa là hạnh phúc chói chang, vừa là thương đau nhầy nhụa trong cả tâm hồn lẫn thể xác chị đang mỗi ngày tan rã, “Còn gì nữa đâu mà khóc với cười…”(PD)
Tôi lấy làm lạ ngay giữa downtown Seattle, ngôi nhà liêu xiêu của Túy Hồng ở trên đầu con đường dốc lên, ngắn, lổn nhổn đá vụn và cỏ dại. Bên tay trái ngôi nhà, là một căn phòng nhỏ hoang phế, cửa sổ kiếng vỡ, bẩn, nghiêng vẹo, khiến tôi không thể không liên tưởng đến cái không gian buồn bã của cuốn tiểu thuyết Wuthering Height với Emily Bronte. Tôi tò mò nhưng không hỏi. Chị cũng không nói. Về sau có nguời cho biết anh Thanh Nam đã nằm bệnh vài năm cuối đời trong căn phòng ấy. Tôi đoán chị yêu thích ngôi nhà và cảnh vật xung quanh nó vì con ngõ lên xuống nhà chị giống hệt những con ngõ bên ven con đường tráng nhựa men theo giòng sông An Cựu nơi chị ở Huế, chỉ thiếu mấy cây mít lá mướt như tắm mỡ, mùa hè lũng liễng từ gốc đến ngọn những chùm quả xanh dòn, căng mẩy, thiếu cả quãng sông lúc trong lúc đục, năm năm tháng tháng miệt mài cuộn nỗi buồn ra cửa Thuận An…
Suốt bốn năm bên nhau trong lớp, Túy Hồng là chiếc bóng mờ nhạt bên cạnh một bầy con gái lau hau tuổi chị, tinh anh và tinh ranh hơn chị. Chúng xinh đẹp, học giỏi, mỗi đứa một vẻ, tươi mát, quyến rũ. Qua năm đệ thất lạ nước lạ cái, lên đệ lục, nhiều đứa làng nhàng mang thư tình Khải Định vào lớp cho bạn bè chia nhau đọc, có đứa bảnh hơn: chàng du học tận Saigon, Hà Nội; có đứa như thần tiên, cổ tích: chàng là thi sĩ, làm thơ hay nhất nước và ở xa tít tắp bên trời Tây; có đứa duyên phận tội tình cột buộc vào đời trai thời loạn, mỗi lá thư là một hẹn hò không biết có còn lần nữa hay không? Thế nhưng chúng sởn sơ hạnh phúc. Chúng rạo rực chờ mong. Chúng nôn nao hy vọng. Chúng lo âu. Chúng khóc cười từng khi. Chúng sống rực rỡ như mặt trời thức dậy mỗi sớm mai. Chúng lãng mạn thầm như khu vườn khuya thao thức màu trăng xứ Huế. Túy Hồng thì không. Túy Hồng như ngày không nắng, không mưa. Túy Hồng như tập vở không nặn ra chữ. Túy Hồng như bấu trời đứng gió. Túy Hồng khô cứng, lạnh lẽo, dáng đi như bức tường không đổ nền vững, cứ chực nghiêng về phía trước. Chị một mình, thui thủi. Chị một mình, mặc thế sự xung quanh. Chị đi học vì ai cũng đi học. Vì không thể ở nhà mà có cơm mẹ thổi nấu sẵn cho ăn, có quần áo mẹ may sẵn cho mặc. Chị đi học để chờ khôn lớn.
Thế nên khi chị đột nhiên nổi tiếng như cồn trên văn đàn cả nước, bạn bè cũ ngạc nhiên vì không có dấu hiệu sớm sủa nào ở chị báo trước điều này. Riêng tôi không lạ, biết chị vốn không giống bất cứ đứa nào trong cả bọn chúng tôi ở Đệ nhất cấp trường Đồng Khánh thập niên 1950. Chị không là một nhà văn được nhìn theo ước lệ, đặt ra mẫu mực hàn lâm cho cả một thời đại. Chị lớn lên trong một gia đình có đông đàn bà hơn đàn ông và cảnh ngộ eo xèo, khốn khổ này khiến chị không muốn đi con đường của họ. Chị tách mình ra, tự do, thênh thênh một cõi. Chị là một hiện tượng. Thâm trầm. Ẩn mật. Chị là một kho tàng chất chứa của cải lạ. Không ai thấy. Không ai ngờ. Không ai có thể thẩm lậu. Cho tới khi chị mở cửa, đãi đằng, mời mọc những thực đơn của riêng chị.
Không phải nhà văn lớn VP ở tòa soạn Bách Khoa khi không mà vội vàng hạ cố viết mấy giòng khen tặng chị kèm với chi phiếu $1,000 hậu hĩnh cho một bài viết đầu tay như thế. Sau này, miệng lưỡi thiên hạ đã làm chị nao núng, nghi hoặc. Sau này lề thói xã hội đã làm nhà văn ngượng ngùng, biện bạch cho đánh giá của ông, thậm chí muốn chối bỏ. Cả chị, cả ông, không ai lầm lẫn chi cả. Một cách nào đó, họ chờ nhau trong vô thức. Chị đến thình lình, cất tiếng kêu man dại của con mèo cái có đôi mắt tím than chạy thục mạng trên mấy cái mái nhà lợp ngói nung lửa mặt trời mùa hè ở Huế. Ông đến đúng lúc, đúng cách, như một người đàn ông từng trải, biết thèm muốn đàn bà, nghĩ đến chị với sự thèm muốn lộ liễu ấy ngay khi chỉ mới đánh hơi mà chưa thấy chị, rất khác với những chàng trai Huế, vừa nhát cáy, vừa tự phụ, yêu đương kiểu tình sách vở, kiểu lãng mạn vụn vặt tỉnh lẻ, ngâm nga viết lá thư ba tháng không biết làm sao đưa, mới cầm tay nhau đã vội vàng ước hẹn trăm năm, mộng thắm hiền hòa như gạo thổi thành cơm. Chị không chú ý đến họ nên suốt thời con gái dậy thì, chị không yêu ai. Chị không thèm ghé mắt đọc chung mấy lá thư tình viển vông của lũ nhóc chúng tôi toàn gửi nhờ địa chỉ nhà nhau qua bưu điện, Ý Uyên là Oanh Oanh, Mai Tâm là Cỏ Hồng, Bích Hảo là Thu Giang..vv..kể những chuyện thần tiên ở mãi tận đâu đâu: “Provence mùa xuân hoa trắng nở kín trời làm anh nhớ em!” “Em ơi, Brest quanh năm sương mù chẳng thấy quê nhà, chẳng thấy nơi em ở!” “Tết Hà Nội đi giữa hoa đào Nhật Tân hình dung ra em với má môi hồng, ước gì anh là gió để được “thơm” em!”
Nhà phê bình Liễu Trương rất tinh tế để nhận biết Túy Hồng nặng tình yêu Huế lạ thường. Sau này, khi khôn lớn đủ, tôi biết hơn ai hết, bạn tôi là một thu gom toàn vẹn những đặc trưng của một xứ Huế cuồng nhiệt, kiên cường, nồng nàn, say đắm, trong tình yêu, suy nghĩ, mơ ước và biểu lộ. Duyên trời đưa đẩy hay oan khiên ghé qua vườn thúy để chị và ông đâm sầm vào nhau, vỡ ra từng mảnh. Ông có vợ, có con. Ông thủy chung với vợ con nên nhìn thấy ở chị cơ hội tuyệt vời để thử thách hay để bay bổng với trái tim tù ngục của mình? Họ như những đồng cỏ bạt ngàn khô cháy chờ lửa để rực rỡ hóa thân. Trong thế giới riêng chị, tình yêu, nếu có một điều gì gọi tên như thế giữa loài người thì đó là ngọn pháo bông chỉ tỏa rạng một lần trong phút giây. Là ngôi sao lạ chỉ xẹt qua bầu trời một lần rồi mất hút vào hư vô. Còn lại có chăng chỉ là chút hồi quang tuyệt đẹp trong tâm tưởng đã ước mơ đến rã rời của chính chị.
Sau đó, như mọi thứ đã chết và thối rữa, chị tình nguyện một mình thu dọn, khâm liệm tang tích tàn dư thật sâu, thật kỹ, rải trầm hương lên nghĩa trang và nếu không thể tự hủy mình như một cách chôn vùi tận cùng, chị sẽ chấp nhận cuộc sống như đang chết của cha mẹ chị, của nhân loại quanh chị, đàn ông đàn bà lấy nhau và sinh con đẻ cái, suốt đời gấu ó nhau, cam chịu ngày tháng qua trong những cái lồng chật chội giam giữ họ.
“Tôi nhìn tôi trên vách,” một Túy Hồng dập đầu diện bích. Cô đơn cùng cực. Khao khát cùng cực. Xác thân lầm bụi trần ai là lãnh cung đầy ải chị.
Túy Hồng tâm sự: “Suốt nhiều năm, nửa khuya, trong ngôi nhà tịch mịch chỉ có mùi trẻ con, hơi thở của chúng lẫn với mùi lông chó và thỉnh thoảng tiếng hú đêm trăng của nó, mình chui vào closet nói chuyện điện thoại đường xa với Thiền sư.” Nguyên cớ cái vạ này cũng y như cái truyện ngắn đầu tay chị gởi cho Bách Khoa năm nào, cho VP nhìn thấu tâm can chị. Chị gửi một bài chi đó cho tờ báo Phật học và cái tâm Phật cứu rỗi chị những phút giây khắc khoải đã làm lay động trái tim Thiền sư. Họ đến với nhau tự nhiên như nắng gió qua hiên nhà, như cơn mưa đầu mùa làm mát những viên ngói khô nẻ. Họ nói đủ thứ chuyện, chung quy là phiền não của nhân gian, hệ lụy của nghiệp chướng, sạn đạo dưới gót bậc chân tu hay hành giả khổ đau đi tìm niết bàn siêu thoát…” Chị kể: “Chuyện đời nói bao nhiêu là đủ? Một hôm, Thiền sư báo tin Người sẽ về Seattle dự một Phật sự quan trọng và muốn mình đi đón Người ở phi trường.” Chị ngừng một giây, đôi mắt vẫn trong sáng ngày nào chớp lia như nhánh hổ ngươi ngợp gió, hai má đỏ hồng. Chị nói tiếp, giọng run rẩy: “BH biết không? Mình không lái xa lộ được mà lại không muốn lỡ cơ hội nên hứa bừa là sẽ đón Ngài theo hẹn. Mình đọc báo tìm người dạy và học cấp tốc trong ba ngày.” Chị lại ngừng, nén xúc động, rồi tiếp: “Tới hẹn, mình lái xe ra xa lộ, nói khẽ với lòng có chết cũng đành.” (Nghe chị nói câu này, tôi thực sự không biết chị có lấy từ ý thơ tương tự của thi sĩ Hồ Dzếnh hay không? (…Giữa một giờ thiêng tình rất đẹp, Em ạ, yêu nhau chết cũng đành!)
Câu chuyện tiếp tục: “Mình tới phi trường còn sớm nên tìm parking đậu xe. Xong rồi tìm tới ga đến của hành khách và nép mình chờ sau một vách ngăn mỏng. Đến lúc này, mình nhận ra có quá đông quý vị tăng lữ và Phật tử với biểu ngữ, cờ xí, chắc hẳn đi đón Ngài. Sợ hãi, thất vọng, mình lùi ra một khoảng khá xa cổng ra của hành khách, biết rằng không có cơ hội nào được đón Ngài như ước hẹn.”
Im lặng. Nghẹn ngào.
“Sau cùng, mình cũng thấy được Ngài oai nghiêm, phẩm cách, đi giữa lễ nghi, thậm chí không cả một ánh mắt đi tìm trong đám đông vây quanh. Mình tức cười nhủ thầm: hóa ra mọi chuyện như một pho sách mở từng trang và từng chương ở cái trai phòng thanh tịnh trong ngôi đại tự nổi tiếng ấy và trong cái ngách tủ treo quần áo ẩm hơi người ở nhà mình, chẳng có chuyện nào thật cả. Xạo sự cho vui thôi! Người đàn ông thông tuệ cũng ngổn ngang tâm sự trần gian muốn lánh mình trong những bài thơ đầy đạo vị, rót âm điệu vào lòng mình hằng đêm thanh vắng không hề là vị cao tăng đang đi những bước chậm giữa đoàn người long trọng chắp tay đón rước kia, mình đã nằm mơ rồi!”
Cho nên, tôi tự hỏi liệu có bao nhiêu độc giả, bao nhiêu nhà phê bình văn học đọc và phê phán tài sản văn chương khá đồ sộ và hung hãn của Túy Hồng mà có thể nhìn ra, nói đúng về nhân thân chị, định nghĩa bằng cái tình yêu “trong một giờ thiêng” chị cả đời tìm kiếm, đeo đẳng? Từ lọt lòng đến khôn lớn, chị đã được cả giòng họ, gia đình, bằng hữu, quê hương, thành phố dạy dỗ, uốn nắn, mách bảo phải sống như một người suốt đời chăm chỉ, miệt mài, trả những món nợ không vay: học hành, lấy chồng, đẻ con, làm một cô giáo lương thiện…Tuổi đời qua như những áng mây buồn, trả xong món nợ đầu tiên, chị bung ra viết như một cách thể hiện mình vô vọng và đầy thương cảm. Chị gào thét đền bù cho nỗi căm phẫn mãi còn nín lặng trong đáy lòng chị. May thay, cách sống sót duy nhất Túy Hồng khám phá ra và giữ được cho riêng mình là một chọn lựa trong tự do tuyệt đối: Tình Yêu.
Sinh thời, có lần nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng nói với tôi và nhiều bạn bè khác của anh, câu này: “Ai đã đi qua Huế một lần sẽ không thể nào quên.” Túy Hồng không chỉ đi qua Huế một lần, chị ăn gạo de An Cựu, uống nước sông Hương suốt phần đời thơ ấu và thanh xuân của chị, mang ơn Huế, nặng tình với Huế vì Huế với tất cả tinh hoa và diễm lệ, của thiên nhiên, của lịch sử, của con người, dẫu khắc nghiệt, đã cho chị một linh hồn, một thể phách mà chị rất bằng lòng, rất hãnh diện được có. Không tầm thường, không nhàm chán, không tàn phai, Huế là tình yêu mãi đẹp, là người tình không có phiên bản trong trái tim chị cho đến tuổi già, thể nhập khít khao trong từng ngõ ngách cảm xúc sâu thẳm và bí ẩn của chị, đồng hóa vào chị không tách lìa.
Nhạc sĩ Văn Cao nghĩ về Huế, nhớ về Huế như nhớ bồng lai, tiên cảnh. Túy Hồng là chiếc bóng phơ phất bồng lai, tiên cảnh ấy, là
Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần…
Chị yêu Huế thủy chung. Chị yêu mình thủy chung. Thủy chung của chị như bông hoa say đắm sắc hương mình, không chút buồn phiền, ảo não. Thủy chung của chị là thiên thu trong bàng hoàng một nhịp tim, trong quỵ ngã một bước chân không lần lữa, là hào quang một đường dao vung lên tuyệt kỹ
“Một ánh dao bay ngàn thuở đẹp
Dù sai hay đúng cũng là hư.” (VHC)
Có thể nói Túy Hồng không thực sự yêu ai theo cách thế gian yêu nhau. Đàn ông với chị chỉ là duyên cớ. Tôi nhớ đã đọc được đâu đó một câu của nhà thơ Elizabeth Barrett Browning, rất thích hợp để mô tả bạn tôi: “I love you not only for what you are, but for what I am when I am with you.” Yêu với Túy Hồng là bỗng dưng, là hạnh phúc được thể hiện mình tuyệt đối dù trong phút giây.
Tôi có giữ vài cái vỏ ốc thật đẹp, nhặt về từ nhiều bãi biển tôi có dịp đi qua. Những cái vỏ ốc trống trơn, óng ánh, với những đường vân mỹ thuật sóng đưa dạt vào bờ, ong ong tiếng thở xa xôi của biển không bao giờ ngơi nghỉ. Tôi nhìn thấy bạn tôi như con ốc lạc loài giữa đại dương mênh mông, một đời dập dềnh, nổi trôi theo sóng nước ba đào, thân xác nhỏ nhoi gửi lại biển, chỉ còn cái vỏ là chứng tích ngục tù giam giữ chị xin trả lại nhân gian.
Bùi Bích Hà
Quận Cam, tháng 8/2020
Nguồn: https://damau.org/65416/mot-thoi-cua-tuoi-mong-mo
0 Bình luận