Ngô Thụy Miên 38 năm viết nhạc tình
Ngô Thụy Miên có lẽ là một trong số rất ít nhạc sĩ sáng tác có một cuộc sống nhàn nhã, như một ẩn sĩ ở riêng một góc trời tại thành phố tĩnh mịch và hiền hòa có tên Olympia, tiểu bang Washington. Mỗi ngày một ly rượu vang vào bữa cơm tối, cuối tuần quây quần quanh bàn “mà chược” với vài ba người bạn thân, ngày thường đi làm đều đặn tại một nơi đã 20 năm. Bên cạnh anh luôn có bóng dáng người bạn đời đã cùng anh chung sống trong niềm hạnh phúc từ 24 năm qua. Góc trời của Ngô Thụy Miên là như vậy. Nơi đó, anh sống để viết nhạc bằng tất cả sự rung cảm sau 38 năm cống hiến những tình khúc đã in sâu trong trí nhớ mọi người, kể từ ca khúc đầu tiên “Chiều Nay Không Có Em” vào năm 1965.
Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh năm 1948 tại Hải Phòng, trong một gia đình 7 người con mà anh là người con thứ nhì. Bốn trong năm người em gái cùng người anh cả của anh hiện cư ngụ tại Canada. Một người em gái khác còn ở lại Việt Nam. Ngô Thụy Miên lớn lên trong sự gần gủi với sách vở, thơ văn (gia đình anh điều hành nhà sách Thanh Bình ở Hải Phòng, và sau đó ở Sài Gòn, trên đường Phan Ðình Phùng) và do đó tâm hồn anh đã sớm có cơ hội phát triển về lãnh vực nghệ thuật đặc biệt là âm nhạc. Anh bắt đầu học nhạc dưới sự chỉ dẫn của các nhạc sĩ Hùng Lân và Ðỗ Thế Phiệt. Thời gian kế tiếp, song song với việc theo học ở trường Nguyễn Trãi và Ðại học Khoa Học, anh thi vào trường Quốc Gia Âm Nhạc. Tám năm sau anh tốt nghiệp về violon và nhạc pháp. Chính trong môi trường âm nhạc đó, anh đã quen với Ðoàn Thanh Vân – sau này trở thành vợ anh – khi hai người cùng theo học tại đây vào những năm đầu của thập niên 60.
Ðoàn Thanh Vân là con gái của nam tài tử lão thành Ðoàn Châu Mậu, với những anh chị em đều là những người hoạt động về âm nhạc như Ðoàn Châu Nhi, Ðoàn Châu Bào, Ðoàn Thanh Sâm, Ðoàn Thanh Tuyền.
Sự quen biết giữa Ngô Thụy Miên và Ðoàn Thanh Vân bị ngắt quãng một thời gian để sau đó họ gặp lại nhau vào năm 1973, đưa đến quyết định cùng nhau thành hôn. Nhưng biến cố tháng Tư 75 đã xẩy ra khiến dự định của hai người không được thành tựu tại Việt Nam, khi Ðoàn Thanh Vân cùng với toàn gia đình di tản sang Mỹ trong ngày đầu tiên, để lại Ngô Thụy Miên quay quắt với niềm nhớ thương vô hạn. Chính niềm thương nhớ đó đã giúp anh sáng tác nên ca khúc “Em Còn Nhớ Mùa Xuân”. Ðây là nhạc phẩm duy nhất Ngô Thụy Miên sáng tác tại Việt Nam sau tháng Tư, 1975, được hoàn tất vào cuối năm 1978 khi anh vượt biên đến được Pulau Bidong cùng một số nghệ sĩ trong ban văn nghệ của công ty Ðại Dương. Sau sáu tháng ở trại tỵ nạn, Ngô Thụy Miên sang Montreal, Canada vào tháng Tư năm 1979 đoàn tụ với gia đình. Từ San Diego, được tin người yêu đã đến được Montreal, Ðoàn Thanh Vân đã tức tốc bay sang nối lại cuộc tình.
Cùng năm 79, hai người qua San Diego cư ngụ một thời gian ngắn, trước khi dời lên Orange County vào cuối năm. Qua năm 80, Ngô Thụy Miên bắt đầu đi làm về ngành điện toán cho UCLA. Vì vấn đề di chuyển bất tiện, anh đã nghỉ việc sáu tháng sau để cuối cùng hai vợ chồng quyết định dọn lên Seattle, Washington, cư ngụ. Tại đây, anh cho ra đời sáng tác đầu tiên tại hải ngoại của mình là “Bài Tình Ca Cho Em”.
Những ngày đầu ở Seattle, Ngô Thụy Miên thường trình diễn vào dịp cuối tuần trước khi được thu nhận vào làm việc về ngành điện toán cho một cơ quan chính phủ của tiểu bang Washington. Sau khi trụ sở của cơ quan này dời về thành phố Olympia (thủ đô của tiểu bang Washington), vợ chồng anh một lần nữa lại di chuyển theo và cư ngụ tại thành phố nhỏ êm đềm và rất ít người Việt này từ năm 1983 cho đến nay. Từ góc trời nhỏ bé đó, Ngô Thụy Miên đã tìm lại được nguồn cảm hứng bị trì trệ bởi những biến cố liên tiếp xẩy ra trong cuộc sống của anh. Từ sự căng thẳng trong khi còn kẹt lại Việt Nam, niềm thương nhớ người yêu, sự hồi hộp phập phồng khi vượt biên đến những ngày đầu tiên tiếp xúc với cuộc sống mới cùng những lo toan về công ăn việc làm trong khi chờ đợi một nơi cư trú ổn định. Những ca khúc quen thuộc khác được liên tiếp tung ra sau đó như: “Nắng Paris Nắng Sài Gòn”, “Mùa Thu Xa Em”, Tháng Giêng Và Anh”, “Dốc Mơ”…
Trong thập niên 90, Ngô Thụy Miên được nhắc nhở đến nhiều với những “Cần Thiết”, “Em Về Mùa Thu”, “Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng”… và nhất là “Riêng Một Góc Trời”, được coi là một trong vài tình khúc tiêu biểu của thập niên qua, được sáng tác vào năm 1997. Năm 2000, nhạc phẩm “Mưa Trên Cuộc Tình Tôi” của anh cũng được thính giả đón nhận một cách đặc biệt.
Tổng cộng cho đến nay, Ngô Thụy Miên đã sáng tác được trên 60 ca khúc, với khoảng 20 bài sáng tác ở trong nước. Tại hải ngoại vào năm 1982, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã đứng ra thực hiện băng nhạc “Tình Khúc Ngô Thụy Miên 2” gồm một số nhạc phẩm chọn lọc được anh viết trong thập niên 80 như “Bài Tình Ca Cho Em”, “Dốc Mơ”… và bài tình ca duy nhất anh viết sau năm 1975 tại Sài Gòn “Em Còn Nhớ Mùa Xuân”.
Vào năm 1993, trung tâm Thúy Nga đã dành riêng cho anh một chương trình video đặc biệt và sau đó phát hành một CD gồm những sáng tác mới của anh tại hải ngoại, chưa kể đến nhiều ca khúc của anh được thu thanh rải rác trên rất nhiều sản phẩm audio và video.
Gần đây hơn, cũng trung tâm Thúy Nga đã mời anh xuất hiện trên chương trình video số 66 “Người Tình và Quê Hương”, phát hành trong năm 2002. Trong đó có tám ca khúc, gồm ba bài mới là “Nỗi Ðau Muộn Màng” và “Biển và Em”, sáng tác vào năm 2001, “Nỗi Ðau Từ Ðấy” (sáng tác từ năm 97). Những nhạc phẩm này với tám nhạc phẩm khác cùng “Liên Khúc Ngô Thụy Miên” cũng đã được đưa vào CD của trung tâm Thúy Nga, mang tựa đề “Nỗi Ðau Muộn Màng”.
Vào tháng Tư vừa qua, trung tâm Asia cũng đã mời anh xuất hiện trên một chương trình “Tác Giả và Tác Phẩm” với phần giới thiệu một nhạc phẩm mới nhất của anh là “Một Cõi Tình Phai”, viết vào năm 2002 do Thanh Hà trình bầy.
Người ta nhận thấy có sự khác biệt giữa dòng nhạc của Ngô Thụy Miên tại hải ngoại khi so sánh với dòng nhạc của anh thời kỳ còn ở trong nước. Ngô Thụy Miên nói: “Trong hai thập niên 60, 70 thì ảnh hưởng nơi nhạc của tôi là nhạc tiền chiến. Luôn luôn tôi muốn viết nhạc vui mặc dầu là một chuyện buồn. Cái đẹp của cuộc tình là có đổ vỡ nhưng mình vẫn thấy đẹp”. Anh cho biết những ca khúc ở hải ngoại của anh: “ngay cả những lời từ và dòng nhạc cũng vậy, chậm hơn và buồn bã hơn. Lời có vẻ bi quan hơn, không đẹp như những năm 60, 70 nữa”. Ngô Thụy Miên giải thích: “Tôi nghĩ là âm nhạc cũng như đời sống. Qua tới đây tất cả không gian và thời gian đều biến đổi, thành ra con người mình cũng biến đổi theo. Có những lúc tình cảm của mình trùng xuống, không còn được vui vì chung quanh mình, cái ambiance không còn như ở quê hương nữa. Thời gian 60, 70 là đẹp nhất của mình. Bây giờ làm sao tìm lại được những đêm đi lang thang ngoài phố, gặp gỡ bạn bè để chơi nhạc hay tổ chức những buổi trình diễn?”.
Những năm gần đây, thỉnh thoảng Ngô Thụy Miên vẫn nhận lời xuất hiện trước khán thính giả khắp nơi để giới thiệu về dòng nhạc của mình dù anh thành thật công nhận là “vẫn còn nguồn cảm hứng, tuy nhiên không cách gì viết được nhiều như trước. Bây giờ cần có cảm hứng thật mạnh, thật lớn mới có thể viết được. Lý do là đầu óc mình nó cũng không còn nhặm lẹ như trước. Có thể do hoàn cảnh sinh sống, cách suy nghĩ và số tuổi tương đối khá cao”. Nhưng dù sao anh vẫn mang trong lòng một ý định thực hiện một CD cho chính mình, với những sáng tác mới và một hai ca khúc quen thuộc ưng ý nhất của anh. Nhưng không phải trong thời gian này vì công việc anh đang làm đòi hỏi quá nhiều thời gian, khi mới chuyển qua thêm về lãnh vực “net-working”, cần phải làm quen với những “platforms” và ngôn ngữ mới trong ngành điện toán. Ngoài ra anh cũng rất tích cực trong những công tác từ thiện như đã cùng với Từ Công Phụng và Vũ Thành An xuất hiện trong một chương trình video thực hiện tại Portland, Oregon để giúp các trẻ em bị bệnh cùi tại Cao Nguyên hoặc cùng với Ðức Huy và Nam Lộc tham gia một buổi văn nghệ tại Nam Cali để gây quỹ giúp một số giáo sư trường Nguyễn Trãi – là nơi anh theo học trước kia – đang trong tình trạng khó khăn.
Vào ngày 18 tháng Năm, 2003 anh lại sẽ có mặt tại San Jose trong một chương trình “Hát Cho Tuổi Thơ” do tổ chức ICAN thực hiện tại Mexican Heritage Center, với Khánh Ly, Ái Vân, Anh Dũng, Quang Tuấn, Diễm Liên và dàn nhạc thính phòng do nhạc trưởng Thomas Ngô điều khiển.
Việt Mercury 05/2003
Trường Kỳ
Nguồn: https://saigonocean.com/nhacchude/html/truongky-NTM.htm
0 Bình luận