Ngồi chơi, vẽ phác chân dung Nguyễn Xuân Hoàng (mẩu giấy còn sót lại)

Có hai điều đối với tôi để nghĩ về Nguyễn Xuân Hoàng đó là sự mềm mỏng và hào phóng.

Năm 1972 tôi mon men vào làng báo, văn nghệ. Khi ấy tôi làm việc cho nhà xuất bản Vàng Son trụ tại 32/1 Nguyễn Bỉnh Khiêm Q.1 Saigon với vai trò phụ trách về mỹ thuật cho sách báo… một nhà xuất bản nhỏ chỉ được biết đến khi cho ra được hai đầu sách bán chạy đó là cuốn Papillon – Người Tù Khổ Sai của Henri Charrière và Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle ) của Alexandre Solzhenitsyn – công việc của tôi thường xuyên và gắn bó nhiều nhất vẫn tại nhà phát hành Sống Mới (trên đường Phạm Ngũ Lão )- nơi có nhiều mối cho tôi kiếm tiền từ trình bày bìa sách của các nhà xuất bản khác tụ về. Tôi đã chỉ thấy mà chưa quen Nguyễn Xuân Hoàng trong thời gian này. Có một lần ghé qua Nguyễn Đình Vượng (gần bên Sống Mới) cùng với vài người, gặp anh và nhận từ đó một nụ cười không biểu lộ rõ cảm xúc, nhưng có thể thân thiện… thế thôi, vì chúng tôi không quen biết nhau.

Gần mười năm sau tôi gặp lại nụ cười ấy ở tại chợ trời khi anh đang đi mua một ổ khoá… kỷ niệm khởi đầu của tôi với Nguyễn Xuân Hoàng nhàn nhạt như vậy. Thế mà cũng thấy vui vui.

Tôi có thói quen tin vào những gì trực giác mách bảo. Gặp một người hay bắt tay một người nào mình cảm thấy gờm gờm, ái ngại thì dứt khoát không thể quen hay thân thiện được. Nguyễn Xuân Hoàng luôn có nụ cười hiền lành đi trước khiến cho người mới gặp thấy an tâm, gần gũi.

Thời gian thoát qua mau. Năm 1989, khi chân ướt chân ráo vừa định cư tại Hoa Kỳ, gặp lại anh, anh tiến dẫn tôi vào làm việc trong báo Người Việt, phụ trách layout cùng với Nguyễn Đồng và chị Nguyễn Thị Hợp, chúng tôi có dịp gặp nhau mỗi ngày. Thời gian sau đó gắn bó hơn vì tờ Thế Kỷ 21 ra đời. Anh vẫn hiền lành, tháo vát và linh động. Tôi chưa thấy anh giận giữ hay la hét bao giờ. Trong toà soạn báo Người Việt, ngày lại ngày mọi chuyện bình thường như những cư dân ngụ cùng thôn xóm. Chỉ có điều sự bình thường này nó ngấm vào tôi lâu ngày, tự bản chất có sự sắp xếp thành ngăn nắp. Để rồi mỗi khi gặp lại anh sau này tôi luôn thấy rất vui.

Thế rồi một thời gian sau, vì vài chuyện nhạy cảm xảy ra cùng với một số nhà văn có liên quan, tôi quyết định nói với anh tôi sẽ nghỉ làm tại Người Việt. Tôi thấy anh có chút thoáng buồn. Tôi trở về Boston và anh vẫn tiếp tục công việc của báo Người Việt.

Chúng tôi, thỉnh thoảng hay e-mail hoặc phone cho nhau và anh hay nói về quỹ thời gian để thấy rằng nếu mình muốn làm điều gì thì nên làm ngay. Nói chuyện qua phone hay gặp gỡ tuyệt nhiên chúng tôi không đề cập đến chuyên môn, vì có nhiều sự khác biệt giữa văn học và hội họa. Tôi không đủ chữ nghĩa để nói chuyện về văn chương với anh, chúng tôi tránh nói đến những gì mình không thông suốt… tuy nhiên, mỗi lần gặp nhau chúng tôi đều không tiếc thời gian cho buổi gặp gỡ. Chúng tôi đều quý mến nhau.

Tôi tự định đặt cho cuộc sống của mình những giới hạn chọn lựa. Trong tôi hai dòng máu chảy song song là hội họa và âm nhạc. Tôi đã chỉ dùng âm nhạc như một mối giao hảo nhanh chóng với những người chung quanh, đồng thời cũng giống như văn chương nó làm đẹp cuộc sống tôi và bồi dưỡng trong tôi những cảm xúc cần thiết cho việc sáng tạo nghệ thuật, và khiến cho tôi tự tin, yêu đời, yêu cuộc sống và yêu mến những người tôi quen biết. Tôi nghiệm ra rằng cho đi và nhận lại ít nhiều cũng rất cân bằng.

Ngày xưa tôi hay tìm những cuốn sách dịch của Guy de Maupassant để đọc, tôi thích những không gian, những hoàn cảnh cuộc sống được dàn trải một nỗi cô đơn mênh mang… nhiều bộ mặt xã hội. Khi đọc Nguyễn Xuân Hoàng tôi thấy thích ngay. Đọc Nguyễn Xuân Hoàng, tôi không bao giờ mong tìm ở anh những bút pháp hay không gian làm chấn động hoặc những tàn bạo, mãnh liệt cao độ… ngay cả khi anh viết về những bi kịch, những hoàn cảnh cùng cực trong cuộc sống. Tôi tìm thấy những kỹ lưỡng và kiến thức, kiến thức văn chương, kiến thức suy luận.

Tôi là một họa sĩ, chắc chắn chỉ thế thôi. Thỉnh thoảng Nguyễn Xuân Hoàng khuyến khích tôi viết, cho tạp chí Văn hay cho Blog trên Voa của anh. Nhưng tôi đã không đáp ứng được điều anh muốn. Từ bé đến tận bây giờ tôi mới chỉ viết được khoảng 6 truyện ngắn trong đó có một truyện hai mươi năm nay vẫn chưa hoàn tất vì một chi tiết tôi viết về một địa danh mà hiện nay tôi chưa có dịp đến. Tôi luôn để cho bản thân mình được tự do, kết nạp những tinh túy của trời đất rồi ứa ra điều gì tôi hoàn toàn tuân theo luật tự nhiên. Viết truyện, làm thơ, hay viết ca khúc… cho mình, cho bạn bè hay những gì liên đới đều tự trào ra trong tôi. Tôi không cần phải cố gắng hay o ép tâm trí mình.

Lúc gần đây, ngẫu hứng tôi hay vẽ chân dung những bạn bè văn nghệ. Gặp ai tôi cũng tìm cách để thực hiện một chân dung bằng viết chì hay bằng than. Tôi lo sợ cho mình sẽ đánh mất cơ hội như một số trường hợp. Bạn bè cũng không phải lúc nào mình cũng có thể gặp mặt và cũng không thể biết chắc được lúc nào để thực hiện điều mình muốn. Nên tôi hay đem theo bên mình tôi một thỏi than hay viết chì để bất cứ lúc nào có sự gặp gỡ là tôi có thể vẽ. Thế nhưng, không phải chân dung nào mình cũng có thể vẽ ngay được. Có nhiều khuôn mặt bộc lộ cá tính rõ nét vẫn dễ vẽ hơn. Vẽ giống như thật với tôi là điều dễ dàng, nhưng cho ra một nhân vật lại là một điều khác. Đôi khi nó như biển cả, những chuyển động bão bùng bên dưới một bề mặt bình lặng. Tôi gặp anh Nguyễn Xuân Hoàng nhiều lần mà vẫn chưa vẽ được anh. Tôi hay âm thầm nhìn ngắm anh để tìm một góc độ đắt giá, vẫn chưa thoả mãn. Mặt anh không quằn quại như Dostoyevky, không lồng lộng như Tolstoy… lại không nghiêm trang như một nhà giáo hay đăm chiêu, khó hiểu của một triết gia… nói chung nó không biểu lộ ra ngoài những nặng lực của anh. Anh đẹp, đẹp từ ngoại hình đến nụ cười. Thế thì vẽ Nguyễn Xuân Hoàng thế nào bây giờ. Chân dung Nguyễn Xuân Hoàng là một chân dung không thể vẽ vội vàng ngay được.

Tôi là một họa sĩ có một thời gian dài trình bày bìa sách cho các nhà xuất bản tại Saigon. Cũng vì bệnh nghề nghiệp, khi cầm một cuốn sách trên tay, tôi thường hay mân mê cái hình thức của nó; nhất là những sách của tác giả yêu mến, quen biết. Tôi đã tự nói với chính mình rằng tôi sẽ làm tốt công việc này cho bạn bè tôi, và điều này đối với tôi như một trách nhiệm. Thời gian trong quỹ còn lại, tôi rất muốn trình bày cho anh Nguyễn Xuân Hoàng một bìa sách vừa ý.

Tạo hoá! Hai tiếng này vang trong tôi ở cả hai mặt đời sống và tâm linh. Nó khiến cho ta suy tưởng về sự sinh, hủy. Đang khi không nghe tin Nguyễn Xuân Hoàng ngã bệnh. Thật ra chung quang ta hiện đang có nhiều người ngã bệnh… tôi biết, không phải chỉ riêng tôi thấy lo lắng thay, thương quá những người ngã bệnh. Ngã bệnh tức là phải ngưng lại toàn bộ sinh hoạt bình thường, ngã bệnh là phải nhận cùng một lúc sự chán nản và đau đớn… những hình ảnh được post lên net lại càng cảm thấy xao động hơn. Hôm tôi điện thoại nói chuyện và hỏi thăm sức khoẻ anh và có nhắc đến sự nguy kịch của Lê Thiệp, anh còn nói với tôi, tiếc là anh cũng bệnh hoạn không thể đi thăm Lê Thiệp được. Hôm nay nhìn thấy những tấm hình Nguyễn Xuân Hoàng trên facebook tôi không nghĩ là anh xuống sắc đến như vậy. Nhìn thân thể tiều tụy và sự hốt hoảng trong tia mắt thật thương anh quá đỗi. Tuy vậy thấy cảnh đoàn tụ cả gia đình trong không khí vui vẻ hỗ trợ cũng cầu mong anh vì thế mà khoẻ mạnh thêm lên.

Tôi là một Kytô hữu. Tôi tin vào hai điều: những gì thuộc trong quyền hạn con người hãy tin và hy vọng vào hành sự của con người; những gì không thuộc quyền hạn con người tôi chỉ biết cầu nguyện. Tôi cầu nguyện cho anh dầu thế nào cũng luôn được bình an.
 

Nguyễn Trọng Khôi
(Boston/August/2013)

Nguồn: https://damau.org/28649/nguyen-xuan-hoang-than-thien-va-hao-hoa

 

0 Bình luận

Bình Luận