Khoảng giữa thập niên 1990, giới viết lách ở Việt Nam rất thích dùng chữ “rất ấn tượng”, có lẽ vì nghe nó… tây tây và sang sang! Thấy cái gì có vẻ mới lạ cũng “ấn tượng”, rồi báo chí tiếng Việt ngoài nước, có lẽ nhất là ở Mỹ, cũng dần dần bắt chước “ấn tượng”.

Chẳng hạn:

trông anh ta rất ấn tượng
anh A rất ấn tượng khi gặp chị B
món hàng rất ấn tượng
một cử chỉ rất ấn tượng

Làm việc với ông Google về chữ ấn tượng được các kết quả như sau:

Nhóm chữ Triệu lần
ấn tượng
rất ấn tượng
104
121
‘ấn tượng’
‘rất ấn tượng’
105
115
“ấn tượng”
“rất ấn tượng”
46
2.13

 

Google gặp rất ấn tượng nhiều lần hơn ấn tượng, trừ khi cho hai nhóm chữ đó vào dấu nháy kép. Google là một nhân vật… rất ấn tượng, chẳng hiểu ông cử động, nhúc nhích ra sao mà cho kết quả… rất ấn tượng như vậy.

Dạo này đọc sách báo thấy ít “ấn tượng” hơn hồi đó, có lẽ người ta “ấn tượng” mãi cũng nhàm.

Dùng nhóm chữ “rất ấn tượng” hay “ấn tượng” như tính từ và động từ có lẽ là cách dịch những chữ “very impressive” hoặc “to be impressed”. Tiếng Việt dùng “ấn tượng” như vậy dường như nghe không trôi, nhưng nó cho cảm giác… rất ấn tượng.

*

Tìm đến từ điển để xem giải thích như thế nào.

Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển (1931, bản chụp và in lại của nhà xuất bản Đường Thi, Sài Gòn, 1957), đưa ra ba chữ:

ấn tượng 印 象 (Tâm) Cái hình tượng do ngũ quan cảm xúc mà còn in sâu vào óc (impression).

ấn tượng chủ nghĩa 印 象 主 義 (Nghệ) Chủ nghĩa của nhà nghệ thuật, cốt đem cái ấn tượng của họ cảm chịu được mà hiện ra những phẩm vật của họ làm (impressionisme).

ấn tượng thuyết 印 象 說 (Xã) Học thuyết của nhà xã hội học nước Pháp là Durkhein, chủ trương rằng tâm lý của người ta đều chịu ảnh hưởng của cái hành động, cảm tình và tư tưởng của kẻ khác, vì thế mà sinh ra hiện tượng xã hội (théorie de l’impression).

Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ (Hoàng Phê chủ biên, Hà Nội, 1992) cho rằng “ấn tượng” là danh từ:

ấn tượng d. Trạng thái của ý thức ở giai đoạn cảm tính xen lẫn với cảm xúc, do tác động của thế giới bên ngoài gây ra. [thí dụ] Gây ấn tượng tốt. Để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.

Thời gian trôi qua, Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học VietLex (nhóm Hoàng Phê, in lần thứ bảy, nhà xuất bản Đà Nẵng 2015), cho rằng “ấn tượng” có thể là danh từ và tính từ:

ấn tượng d.; t.

d. nhận thức cảm tính xen lẫn với cảm xúc còn lưu giữ lại trong đầu óc [về sự vật, hiện tượng khách quan] [ thí dụ] gây ấn tượng, tác phẩm để lại ấn tượng tốt trong lòng độc giả.

t. có tác dụng gây cảm xúc mạnh mẽ và tạo thành dấu ấn trong nhận thức [thí dụ] gương mặt rất ấn tượng, một pha biểu diễn ấn tượng.

Cả ba từ điển trên chưa nhận thấy có hiện tượng “ấn tượng” làm động từ, kiểu “anh A ấn tượng chị B”.


Hán Việt từ điển, Đào Duy Anh, 1931.


Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ, Hoàng Phê chủ biên, Hà Nội, 1992.


Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học VietLex, nhóm Hoàng Phê, Hà Nội, 2015 (cuối trang 26 và đầu trang 27).

Mỗi khi gặp chữ “ấn tượng” dùng làm tính từ và động từ, chúng tôi chẳng hiểu sao thường nhanh nhẩu liên tưởng đến nhóm chữ “nhanh nhất có thể” hoặc “tốt nhất có thể” hoặc “sớm nhất có thể”, những cách nói cũng rất… ấn tượng, có lẽ cũng vì nghe nó… tây tây, sang sang và rởm rởm!

Đặt thử một câu xem nó thế nào: Một giọng hát rất ấn tượng khiến cho người nghe bị ấn tượng một cách nhanh nhất có thể.

Ngôn ngữ là như vậy, ngứa tai ngứa mắt mãi thành quen, rồi bắt chước, rồi có ngày nó hiên ngang đi vào từ điển lúc nào không biết.

12/2004 – 3/2021
Phạm Văn

 Nguồn: https://damau.org/67970/rat-an-tuong

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận