Đỗ Quý Toàn
Đỗ Quý Toàn

Thần chú 

Kinh nghiệm nói đầu tiên của một đứa bé là nói với mẹ. Huỳnh Sanh Thông đã tìm chứng cớ ở rất nhiều ngôn ngữ để ủng hộ giả thuyết rằng khởi nguyên của tiếng nói là do sự tiếp cận của đứa trẻ sơ sinh với bà mẹ, đặc biệt là với vú mẹ. Tiếng mẹ đẻ là một phần của chúng ta, của cuộc sống, cách cảm nghĩ, cách nhìn, cách tiếp nhận thế giới. Lê Bi ngẫm nghĩ về 15 năm luân lạc, thấy chỉ còn mầu da và tiếng nói:
 
Bao bọc ta là màu da vẫn vàng
Che chở ta là ngôn ngữ mẹ đẻ
(Tự thân)

Ma lực của tiếng nói 

Lời nói trong thơ có đặc tính của những thần chú, mật ngữ. Nó tạo nên những ảnh hưởng mà lý trí dùng óc phân tích, óc duy lý không thôi không tiếp nhận được. Nó giống như tiếng chuông của Pavlov, mình nghe từ lúc mẹ bồng trên tay.
 
Chúng ta đã biết rằng trên thế giới này không có tiếng nói nào êm dịu hơn tên của chính mình. Không phải thi sĩ mới thấy “Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ,… tôi hét tên tôi cho nguôi giận…” (Thanh Tâm Tuyền). Một trong những lời nói đầu tiên mà một đứa trẻ nhận ra là tên gọi của nó. “Cu Tí, cu Tí! cười nào!” Cái tên nghe âu yếm, gần gũi, thân mật, kêu gọi. Khi lớn lên, đứa trẻ lại được nghe tên của mình kèm theo với những tiếng khác, như “em … yêu” hay “anh … mến,” tác dụng ma lực của tên mình càng mạnh.
 
Cũng như khi con chó nghe tiếng chuông, chúng ta nghe gọi tên, nghe bút hiệu của mình thì bao hạch tuyến trong cơ thể cùng phát động. Một trong những cực hình của các trại tập trung, trại tù cải tạo, là nó khiến người ta nghe đọc tên của mình lên thì hoảng hốt sợ hãi. Nghe gọi: “Anh nào là anh Lào: Lên ban làm việc” là giật mình. Trong tình cảnh đó, Tự Do được hiểu là khi mình nghe gọi tên mình thì không hoảng sợ nữa!
 
Những đứa trẻ hay bị cha mẹ gọi tên để la mắng chắc cũng chia sẻ nỗi sợ hãi như người tù cải tạo, và có lẽ sẽ muốn đổi tên mình. Khi một chàng trai được một cô gái cho phép gọi bằng cái tên thân mật trong gia đình cô vẫn gọi, “Lou ơi,” chàng biết rằng chàng bước vào một mối quan hệ mới. Người yêu nhau hay đặt tên mới cho nhau, cái tên chỉ chúng mình biết với nhau thôi.
 
Ngôn ngữ có ảnh hưởng ma lực khi một đứa bé thấy mình la to lên một tiếng thì người lớn tíu tít chạy lại, người vội bế mình lên, người chạy đi lấy tã thay, người vén áo cho mình bú sữa. Đứa bé bắt đầu có cảm tưởng tiếng nói, tiếng la, tiếng khóc và các âm thanh mà nó trộn lại, phát ra, có tác dụng kỳ diệu, thay đổi thế giới, gây ảnh hưởng, có thể sai khiến được người khác. Những tiếng u ơ đầu tiên là để đòi cái vú mẹ. Kêu lên một tiếng là cái vú ngon lành xuất hiện. Đối với trẻ sơ sinh, vú mẹ là tiếp xúc đầu tiên với thế giới. Tiếng kêu, cái bao tử, vú mẹ, mẹ và vũ trụ chung quanh, tất cả là một. Đó là kinh nghiệm đầu tiên về tiếng nói, vừa thực dụng, vừa có ma lực. Những nhà phù thủy đi xa hơn một bước nữa, họ nghĩ rằng mấy tiếng họ nói có tác dụng ngay cả với các chất sinh hóa, các vật vô tri. Họ hô phong hoán vũ, chữa bệnh, đánh giặc… bằng các câu thần chú.
 
Khi đứa trẻ lớn lên, học dùng tiếng nói là một diễn trình giúp nó làm chủ tình hình trong cuộc sống chung quanh. Đứa trẻ bày đồ chơi, gọi tên từng món một, thỏa thuê về quyền sở hữu tư! Ở trong nhà, gọi đúng tên các đồ vật là một cách bắt đầu để tập dùng, hay để chiếm hữu đồ vật đó. Khi đi học, gọi tên các chữ, học đúng tên các con vật, các định lý toán học, là làm chủ hiểu biết. Một người vào dự một cuộc hội thảo khoa học mà không biết dùng đúng các thuật ngữ thì cũng lớ quớ như một đứa trẻ gọi con dao là cái muỗng. Người ăn nói lắp bắp vụng về thì cũng “có tật” như người có bàn tay vụng về. Ngược lại thì mồm miệng đỡ chân tay.
 
Trong lúc học nói, tiếng nói luôn luôn có đủ hai tính chất: thực dụng và ma lực.
 
Tiếng nói lại có vẻ ma lực do ngữ pháp, tức là cách xếp đặt tiếng nói, tạo ra. Động từ là một loại tiếng rất lạ. Khi nói: “tôi hái hoa,” tiếng “hái” là động từ chỉ việc mình làm; việc làm đó thay đổi tình trạng ngoại vật là bông hoa. Tôi tưới hoa, tôi cắm hoa, tôi xé hoa v.v… đều như vậy. Nhưng khi nói: “tôi ngắm hoa” thì động từ “ngắm” không thay đổi tình trạng của bông hoa mà nói về người ngắm. Tuy nhiên cấu trúc của hai câu giống nhau, động từ “ngắm” ở vào vị trí giống như động từ “hái.” Vì thế người nói và người nghe có cảm tưởng “ngắm hoa” cũng là một cách tác động vào thế giới bên ngoài, như “hái hoa.”
 
Cách chúng ta dùng tiếng nói, ngữ pháp, khiến chúng ta có cảm tưởng mình có khả năng thay đổi thế giới nhiều hơn là thật sự.
 
Nguyễn Chí Thiện tin tưởng rằng:
 
Nhà thơ có khả năng biến chiếc điếu cầy thành bất tử…
Các nhà thơ sẽ đọc cho nghe những lời thơ
mà chẳng phải là tráng sĩ Kinh Kha tóc kia cũng dựng.
(Trước mắt nhà thơ – 1972)
 
Tác dụng thần chú của thơ làm cho chúng ta “thấy” những điều mà trước đó ta không thấy. Có thể nhìn mà không thấy. Thơ là thần chú vì chuyển đổi trạng thái tâm thần ta, tưởng như thế giới chung quanh cũng thay đổi. Thi sĩ ngắm hoa thược dược:
 
Đứng im ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
 
Thi sĩ đã trả bông hoa về cho bông hoa, không chiếm hữu bông hoa, không bắt bông hoa làm một vật tùy thuộc vào người nhìn. Những câu thơ đã làm bông hoa hiện lên, hiện lên như cách thi sĩ đã nhìn thấy. Tác dụng ma lực vẫn đó. Quách Thoại đã khiến một bông hoa thược dược trở thành bất tử, cũng như Van Gogh đã làm bất tử mấy bông hướng dương.
 
Trong cảnh tù ngục Nguyễn Chí Thiện nghe thấy tiếng của hy vọng như tiếng gió, tiếng sóng, và ông khấn gọi bình minh:
 
Tôi mong mãi một tiếng gì như biển ầm vang dội
Một tiếng gì sôi nổi con tim
Đã bao năm rồi teo chết nằm im
Trong những quan tài hình hài hèn đớn
………
Tôi mong mãi một tiếng gì
Như tiếng ầm của bể
……….
Tôi vẫn nguyện cầu
Vẫn sống và tin
Bình minh tới, bình minh sẽ tới
………
Ôi tôi sống và tôi chờ đợi
Ngày triệu trái tim bằng nổ tung trời!
(Đồng Lầy)
 
Trong cơn cảm hứng của thi sĩ, câu “Tôi mong mãi một tiếng gì…” lập lại hai, ba lần. “Bình minh tới, bình minh sẽ tới”. Những câu thơ giống các lời cầu nguyện, và đối với người sống trong cảnh tù ngục lớn, một dân tộc chịu cảnh tối tăm, thì các câu thơ cũng là những lời tiên tri, lời thần chú gọi bình minh. Cảnh biển đen, cảnh biển ầm nổ, và các trái tim bừng nổ, những hình ảnh tạo nên tác dụng thần chú của lời gọi bình minh.
 
Một thi sĩ khác, cũng ở trong cảnh tù ngục, lại khấn: “Bình minh bình minh anh kêu khẽ cảm động muốn khóc”. (Thanh Tâm Tuyền). Hai cách đọc thần chú, hai cảnh bình minh khác nhau hiện lên. 

Hoa bố thí hương

Nhìn thấy thơ là tiếng nói hồn nhiên, thơ vượt ra khỏi tâm phân biệt, cũng là thừa nhận tính ma lực của ngôn ngữ thi ca. Một câu thơ vén màn lên, thế giới mới hiện ra.
 
Tác dụng thần lực của thơ, như là mặt trời thay đổi mọi vật dưới ánh nắng:
 
O Soleil ! Toi sans qui les choses
Ne seraient que ce qu’elles sont
 
Mặt trời làm cho mọi vật hiện lên như muốn nó phải hiện lên, cũng như nghệ thuật làm hiện lên các kinh nghiệm sống. Thơ có tác dụng đánh thức các hình ảnh và xúc cảm như vậy. Nghe đoạn Cầu hồn (Requiem) trong Symphonie Fantasique của Berlioz tôi thấy hiện lên cảnh giao đường rực rỡ trang nghiêm, vì các khúc cầu hồn đó thủa còn trẻ tôi đã nghe nhiều lần, lúc nghe mắt ngước lên nhìn cái vòm cao ở nhà thờ Cầu Kho. Nhưng nghe tiếng tụng bài Chú Vãng Sinh thì tôi lại rưng rưng muốn khóc. Vì nhiều lần nghe bài đó tôi thấy hình ảnh chiếc áo quan hay một lễ cầu siêu của người thân mới chết.
 
Năm 1975, khi tôi phải xa mẹ tôi, tôi biết rằng lòng tôi rất tiếc nhớ, không biết bao giờ mới lại được gặp mẹ. Nhưng tôi đang sống trong một trạng thái bàng hoàng, xao xuyến vì cảnh lìa bỏ quê hương, đến nơi xa lạ, tìm kế sinh nhai, lo các con còn nhỏ; cho nên tôi “nghĩ” rằng mình “nhớ mẹ” nhiều hơn là lòng tôi thực sự xúc động vì “nhớ.” Cho đến một hôm, sống mùa thu đầu tiên ở Canada, nhìn lá cây phong đổi màu đỏ áy bên đường, trong các công viên, tôi chợt nhớ câu thơ Nguyễn Du:
 
“Rừng thu từng biếc chen hồng”
 
Câu thơ đẹp diễn tả đúng hình ảnh mình chứng kiến. Đẹp quá!
 
Nhưng đọc câu thơ đó thì phải nhớ đến câu sau: 
 
“Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn”
 
Nhớ tới đó thì tôi bật lên nức nở. Lúc đó tôi mới sống thật nỗi nhớ mẹ. Tôi quên cảnh mùa thu, mà chỉ sống “tấm lòng thần hôn.” “Thần hôn” nghĩa là sáng, chiều, những người con có hiếu thường thăm nom cha mẹ buổi sáng, buổi chiều. Cô Kiều nghe chim hót động lòng nhớ mẹ, cha. Nghĩ đến bốn chữ “tấm lòng thần hôn” như là đọc một thần chú, làm cho tấm lòng đang lạnh lẽo khô khan rung lên, thổn thức.
 
Không phải câu thơ trong Truyện Kiều làm cho tôi cảm động khóc. Câu thơ đó chỉ đánh thức tiếng khóc có sẵn đang bị chìm lấp trong lòng. Câu thơ định hình một mối xúc động còn mơ hồ, bàng bạc, chìm khuất. Nếu không có mối cảm xúc chất chứa lâu ngày đó, thì đọc hai câu thơ thấy mờ nhạt hơn.
 
Lại một buổi tối chúng tôi ngồi uống trà, coi hoa quỳnh nở, trong căn phòng nhỏ. Mọi người ngồi xếp bằng, yên lặng nhiều hơn là nói, ngọn đèn chiếu vào bông hoa, bên cạnh một tượng Phật. Đó là một buổi tối thanh tĩnh, êm đềm, có người đọc thơ, có người hát, mọi người đều thở chậm và đều. Rồi hơn một tháng sau, đọc bài thơ của một người đã tham dự bữa đó, tôi chợt thấy mình sống lại giờ phút thưởng ngoạn hoa quỳnh lần nữa:
 
Nở thản nhiên một cách dị thường
Trước lòng thành hoa bố thí hương
(Bắc Phong)
 
Và lần này, tôi thấy mình sống hơn cả những giây phút đã ngắm hoa. Tôi chia sẻ rõ rệt hơn cái kinh nghiệm, của bông hoa nở thản nhiên, thản nhiên khiến mình kinh ngạc. Câu thơ làm hiện lên một thế giới trong đó chỉ có bông hoa từ bi và những tấm lòng thành. Không có các nhiễu xạ của các khái niệm, tình tự, âm thanh và hình ảnh khác.
 
Trong đời sống xã hội, ngôn ngữ vừa có tính thực dụng, vừa có tính ma thuật. Xã hội là một tập thể trong đó chúng ta trao đổi nhau các lời nói. Đứa bé lớn lên trong xã hội, học sử dụng ngôn ngữ hai cách. Kỹ thuật, khoa học dùng ngôn ngữ cho mục tiêu thực dụng, như dùng cái búa, cái xe. Dùng ngôn ngữ theo lối ma thuật khi người ta làm quảng cáo thương mại, hô khẩu hiệu tuyên truyền, tụng các bài kinh cầu nguyện, đọc thần chú.
 
Hai thứ ngôn ngữ ma thuật và thực dụng trao đổi với nhau, trộn lẫn vào nhau, một tiếng ở lãnh vực này bay sang lãnh vực kia, rồi trở về. Một vị ngyên thủ quốc gia đứng dậy nói: “Tôi tuyên bố khai mạc thế vận hội lần thứ ba mươi!” Cả vận động trường vỗ tay, chim bồ câu bay lên hàng đàn, cờ phất, mũ tung lên trời… Người ta chứng kiến cách dùng ngôn ngữ ma thuật. Mạch máu, trái tim mọi người người cùng chạy rồn rập. Tình huynh đệ thế giới, tự ái dân tộc, tinh thần thượng võ, những tình tự truyền qua bao nhiêu thân thể cùng một lúc như một luồng điện. Một câu nói đó làm thế giới biến đổi. Sống qua giây phút đó cũng giống như sống kinh nghiệm của con người thời sơ khai, họ lập đi lập lại một câu: “Ma quỉ! Mày đi chỗ khác!” với niềm tin rằng nếu mình nói đi nói lại mãi, con ma sẽ đi, người bịnh sẽ lành. Ma thuật chứa đựng hy vọng, lạc quan. Dùng ngôn ngữ ma thuật là biểu hiện lòng tin ở sức con người, là một cố gắng vượt ra khỏi nỗi nghi ngờ, sợ hãi. 

Cứu độ bởi vần thơ 

Người có tôn giáo khi cầu kinh, tụng kinh cũng sống với kinh nghiệm ngôn ngữ chuyển hóa tâm và thân mình.
 
Những lời cầu kinh, niệm chú có ảnh hưởng đến người nghe vì tất cả thân tâm của người nghe đã từng xúc động nhiều lần trong những lúc cầu Thượng Đế, niệm Phật, tụng thần chú. Một nhà văn đã nhận xét rằng khi một người Việt Nam theo Thiên Chúa giáo gọi “Chúa ơi” thì tiếng gọi đó êm dịu thiết tha chứ không trừu tượng như khi gọi “Thượng Đế ơi.” Người theo đạo Phật cũng vậy, khi họ niệm “Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm” thì lời nói vang động đến tận cùng tâm khảm, như lời gọi mẹ.
 
Một Phật tử đến chùa cầu an nhiều lần, khi đọc câu:
 
Nguyện ngày an lành đêm an lành
 
thì âm thanh của câu đó, hành động đọc câu đó thôi cũng đã tạo nên tâm an lành. Một người không theo đạo Phật, khi đọc câu đó với lòng chân thành, thiết tha, dù chỉ nói với chính mình, cầu mong tin tưởng hơn ở khả năng sống an lành, thì tác động “cầu an” cũng xảy ra.
 
Những người tu trong tự viện Phật giáo mỗi lần làm việc gì đều đọc mấy thi kệ trong Tì ni nhật dụng thiết yếu. Thiền sư Nhất Hạnh đã dịch các bài trên, và sáng tạo thêm. Khi một người nâng ly trà lên uống, vừa nâng ly vừa đọc:
 
Chén trà trong hai tay
Chánh niệm dâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ và ở đây
 
thì thanh âm của bốn câu thơ, và hành động phát âm từ miệng, cử chỉ trang nghiêm nâng chén trà, đã giúp thân và tâm an lạc.
 
Người ta có thể giải thích rằng đó là hiện tượng tự kỷ ám thị. Nhưng tự kỷ ám thị thì hời hợt lắm. Tự nói “Tôi không sợ ma! Tôi không sợ ma” thì có lẽ cũng bớt sợ ma thật. Nhưng tình trạng bớt sợ ma diễn ra chỉ bên ngoài, trong chốc lát, chưa đụng tới gốc rễ của nỗi sợ. Có thể khi miệng mình còn bận đọc “thần chú” thì mình quên cái sợ.
 
Nhưng đọc bài thi kệ là dốc cả tấm lòng thành của mình vào hành động tụng đọc. Đọc lên, tự nghe tiếng của mình và chuyển động thân tâm. Không phải như người sợ ma chạy trốn nỗi sợ này để rơi vào một cơn mê khác.
 
Những câu thơ có tác dụng qui tụ, cô đọng những cảm xúc hoang mang, hỗn độn, vào một trạng thái định hình bằng ngôn ngữ, các câu thơ đó cũng tác động thân tâm như những bài thi kệ. Thơ biến trạng thái hỗn độn thành ra cân bằng, mê loạn thành an trị.
 
Thần chú không phải là cách duy nhất để con người thay đổi thế giới. Chúng ta còn có người vẽ bùa, có khi gõ trống đồng và thùng thiếc v.v… Hội họa và âm nhạc cũng là những cố gắng của con người để biến mình thành chủ nhân của thế giới, để di sơn, chuyển đảo.
 
Nhưng tại sao người ta cứ nói: “Thơ mình, vợ người” mà không ai nói “tranh mình”, hoặc “nhạc mình.” Bộ thi sĩ nhiều tự ái, ngã mạn nặng nề hơn các họa sĩ và các nhà soạn nhạc hay sao?
 
Tôi đoán rằng chúng ta nặng tình với thơ, hơn là với họa và nhạc, bởi vì thơ dùng tiếng nói, mà tiếng nói thì ở ngay trong chúng ta, là một phần của thân và tâm chúng ta. Chúng ta thường phát triển khả năng dùng tiếng nói trước khi biết dùng các phương tiện truyền đạt như âm thanh và hình vẽ.
 
Tiếng nói dùng hơi thở, và hơi thở ở ngay trong chính mình, là nguồn sống, nhịp sống là chính sự sống của mình. “Ngôn ngữ của thân tâm” gần gũi nhất, tự nhiên nhất, là tiếng mình nói ra, là thơ. Tiếng kêu phát ra từ bên trong, như ngọn gió thổi qua khiến cõi lòng xao động. Hàn Dũ viết: “Phàm vật mất thế thăng bằng thì phát ra tiếng kêu” – bất bình tắc minh. Có tiếng lòng kêu lên bằng màu sắc, bằng tiếng sáo, tiếng đàn. Nhưng ngay từ khi lọt lòng mẹ, chúng ta đã biết dùng thanh quản và môi, lưỡi, miệng để phát ra những tiếng có ma lực, kỳ diệu! Kêu lên một tiếng là thấy mẹ xuất hiện, ôm ấp, vội mở yếm cho bú! Má! Mẹ! Bu! Mỗi tiếng đều có ma lực khiến người mẹ phải phản ứng ngay. Như thể mẹ muốn đền bù cho mình vì rất ân hận đã để cho đứa con phải rời khỏi nơi trú ẩn êm ấm đầu tiên, khi còn nằm co trong bụng mẹ.
 
Nói tiếng hồn nhiên, chân chất, như những tiếng lúc chúng ta vừa bập bẹ, đầy thần lực huyền diệu, đó là làm thơ. Làm thơ là trở về căn nhà cũ, mảnh đất chôn rau cắt rún. Mỗi lần đi xa lâu ngày, nhà tôi trở về chỉ thích được ra vườn nhổ cỏ dại, vun đất cho các luống hoa. Nhà tôi thấy chăm sóc cho cỏ, hoa, làm việc với mặt đất có một tác dụng “an thần” đặc biệt. Người làm thơ và đọc thơ cũng vậy. Tiếp xúc với tiếng nói giản đơn, thuần túy, trực chỉ nhân tâm, để vượt thoát khỏi thế giới sống hằng ngày với ngôn ngữ đầy khái niệm đối đãi, trừu tượng. Đó là trở về với mặt đất, với bụng mẹ.
 
Làm thơ, đọc thơ có tác động “an thần” – Phàm vật bất bình tắc minh. Minh, kêu lên, là một phản ứng của “cơ năng tự vệ” ngõ hầu lập lại một thế thăng bằng mới. Tiếng kêu càng thảng thốt, nguyên sơ, bất ngờ thì chúng ta càng chạm được tới thực tại gần mặt đất nhất, gần bụng mẹ nhất. Chúng ta được cứu rỗi vì chợt thoát ra khỏi cách nói và nếp sống gò ép trong qui ước, trong khái niệm, khuôn khổ, héo khô, máy móc. Như một người Việt Nam tị nạn ở Huê Kỳ tâm sự:
 
Xém chút nữa ta thành người điện tử
Nếu không nhờ cứu độ bởi vần thơ
(Ngu Yên)
 
Người làm thơ này cảm thấy dược cứu độ vì anh được nói tiếng mẹ đẻ. Trở về với tiếng mẹ là trở về với ngôi nhà cũ quen thuộc, trở về với một thế giới cân bằng.

Nói và cảm thọ 

Khi nói rằng hệ thống tiếng nói (tín hiệu) thay đổi tùy theo mỗi người vì họ trải qua các kinh nghiệm sống khác nhau, chúng ta đã nói chỉ theo một chiều. Có thể nói ngược lại, rằng chính cách chúng ta nói năng cũng thay đổi cách chúng ta cảm thọ thế giới mình đang sống.
 
Mấy thế kỷ trước người ta thường quan tâm đến tiếng nói cốt yếu như một thứ khí cụ, như chúng ta có mười ngón tay để sử dụng. Thế kỷ 20, nhiều triết gia đặt ngôn ngữ vào một trọng điểm. Người ta không hỏi: “Mình biết gì về thế giới?” mà hỏi “Mình nói gì về thế giới?” Nghiên cứu các khoa tâm lý, ngữ học, ngôn ngữ, dân tộc học v.v… giúp loài người thấy rõ hơn những liên hệ giữa cách mình nói với cách mình cảm thọ.
 
Tiếng Việt dùng những chữ xa và gần để nói về cả thời gian và không gian. Tại sao vậy? Không cần chờ đến khi nghe Thuyết Tương Đối của Albert Eisntein (1905 và 1915) loài người, trong khi sáng tạo tiếng nói, đã thấy không gian và thời gian liên hệ với nhau.
 
Người ta nói “từ Sài Gòn tới Cần Thơ,” cũng như nói “từ sáng đến trưa;” nói “trước Tết” hay “sau Tết” giống như nói “trước hay sau ngôi nhà;” nói “trong khu vườn” và “trong giờ làm việc;” cho nên cũng nói “gần bốn giờ chiều” và “gần cây phong tía,” vân vân. Tất cả đều dùng không gian như một ẩn dụ để nói về thời gian, dùng một thứ mình nhìn thấy được để diễn tả một thứ trừu tượng vô hình.
 
Người ta cũng hay dùng các bộ phận của thân thể để diễn tả các khái niệm trừu tượng, như mặt cái nhà là phía trước nhà, theo gót anh hùng là bắt chước làm như các vị anh hùng, vân vân. Ngữ học gọi là “zoomorphic model.” Phần lớn ngôn ngữ đều dùng tiếng “lưng” để nói đến phía sau, đến hành động đi trở lại chỗ cũ, chống lưng tức là ủng hộ ai đó, quay lưng là không đồng ý, vân vân. Người Việt nói “để bụng” là lưu giữ trong trí nhớ; nói “gái phải lòng trai” là cô đã yêu rồi. Tiếng Hungary “quá khích” hơn nữa, gọi Bộ Nội Vụ là Bộ Ruột (bel-ugy-miniszterium), Deutscher cho biết.
 
Một tiếng như chạy trong tiếng Việt chỉ một việc hay cỏ là một vật, vì tiếng Việt là tiếng đơn tiết. Cũng tiếng tương đương với cỏchạy trong tiếng Đức, tiếng Nga sẽ có các ý trung gian: từ loại, giống cái hay đực, số ít hay nhiều, thời gian, ngôi của chủ từ hay khách từ v.v… Người nói tiếng Anh khi học tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nhà thấy mệt vì phân biệt “giống đực, giống cái;” học đến tiếng Đức còn mệt hơn, nó thêm một “giống ở giữa!” Nhưng nếu họ học tiếng Nga, không thấy tiếng nào tương đương với những “mạo tự” họ quen dùng như “the,” “a,” “an” thì họ có thấy “khỏe” hơn không? Không chắc! John McWhorter cho biết trong ngôn ngữ dân tộc Fula ở Tây Phi châu có đến bốn “giống” chứ không phải chỉ có ba! Những danh từ chỉ một vật nho nhỏ được phân biệt với những vật lớn! (McWhorter, The Power of Babel). Một người học và nói được những lối khác nhau như vậy, chắc bộ óc phải “sang số” hoài hoài mới khỏi lẫn lộn! Các tiếng Ấn – Âu trở thành một mô hình có lăng kính, gián tiếp, không trực tiếp và cụ thể như tiếng Việt. Nói tiếng Việt chắc sẽ cảm nghĩ khác khi nói tiếng Anh, Pháp.
 
Tiếng Pháp, theo lối tiếng Latinh, thay đổi động từ theo thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai. Nhà ngữ học Whorf nhận thấy người “da đỏ” Hopi ở miền đông bắc Arizona thay đổi động từ (chia động từ) tùy theo việc xẩy ra ở xa hay ở gần, tùy theo hành động xảy ra nhanh hay chậm. Có ngôn ngữ trong đó động từ thay đổi tùy theo một sự kiện có thật chắc chắn hay chỉ là phỏng đoán (thí dụ nhìn thấy trời mưa thì nói mưa theo một cách, còn nghĩ rằng trời bên ngoài đang mưa động từ mưa sẽ thay đổi). Người Hopi không dùng số đếm mà chỉ dùng số thứ tự (thứ nhất, thứ nhì, v.v… khác một, hai…). Whorf đã quan sát những nhóm trẻ nói tiếng Anh và trẻ nói tiếng Hopi để trắc nghiệm các em bé này coi chúng có những cách “cảm thọ” ngoại vật khác nhau không. Chưa có các kết luận dứt khoát, nhung có thể đoán rằng cách chúng ta nói và cách chúng ta “nhìn” thế giới phải có liên hệ.
 
Sự phân biệt ngôi thứ, giai cấp xã hội không có sẵn trong tiếng Việt thuần túy. Người Việt thay đổi động từ mang, sách, vác, khiêng… để chỉ cùng một hành động. Nhưng khi dùng động từ chết, muốn phân biệt thứ bậc thì phải dùng tiếng Hán Việt: băng hà, một, vong, viên tịch, v.v… Đếm số thì người Việt dùng tiếng gốc Nam Á, nhưng khi dùng chỉ thứ bậc thì lại dùng chữ Hán Việt. Người Nhật Bản dùng chữ Hán khi nói đến thứ hạng nhưng vẫn dùng chữ gốc Nhật khi đếm.
 
Trong tiếng Việt cách nói khác nhau cũng biểu lộ cách cảm nhận khác nhau. Người bình dân dùng chữ Bụt, đơn tiết, gốc từ tiếng Ấn Độ khi đạo Phật truyền sang nước ta, tên gọi Bụt thành tiếng thuần Việt. Trong Phép Giảng Tám Ngày của Alexandre de Rhodes (1652) vẫn còn dùng chữ Bụt. Gọi là Phật, chữ Hán Việt, nghe có vẻ bác học và xa cách hơn. Trong ca dao, tục ngữ có nhiều Bụt hơn là Phật. Gần chùa thì gọi Bụt bằng anh, chứ không ai dám gọi Phật thân mật như thế. Những quán ăn bình dân (mì, phở) thường có tên thuần Việt, các cửa hàng và công ty hay mang tên Hán Việt cho có vẻ trang nghiêm. Đều là cách cảm nhận khác nhau.
 
Người Pháp khi mới tới Việt Nam, có người đã nghĩ rằng mắt người Việt không được tinh lắm, nhìn cỏ nói là xanh, nhìn mặt biển, bầu trời cũng nói là xanh. Người Việt dùng một chữ xanh để nói đến mầu da trời, mầu lá cây. Người Roman có tiếng để gọi nhiều mầu xanh khác nhau, nhưng không có tiếng gọi màu xanh chung. Dân tộc nào lúc đầu cũng thấy giống dân nói tiếng khác mình là… kỳ cục. Người Hy Lạp gọi tất cả các giống dân nói lắp bắp (ba ba ba…) là bọn mọi rợ (barbares). Trạng Quỳnh chê người Tàu nói nghe như tiếng ễnh ương kêu.
 
Trong ngữ học tâm lý, Whorf (và sau đó, Sapir) đã giả thiết rằng cách chúng ta nói liên hệ mật thiết với cách chúng ta nghĩ, cảm và sống. Có rất nhiều cuộc nghiên cứu về giả thuyết này. Có người nêu ra, thí dụ, tiếng Pháp, Tây Ban Nha hay đặt hình dung từ, tính từ sau danh từ, tiếng chỉ định sau tiếng được chỉ định, (cá biệt và cụ thể sau, đại cương và tổng quát trước) trong khi tiếng Anh thì ngược lại. Nhà nghiên cứu thấy cách nói đó liên quan đến hệ thống luật lệ. Ở Pháp người ta diễn dịch từ các bộ dân luật căn bản đem xử cho các trường hợp riêng. Trong khi đó hệ thống Anh dùng các án lệ cụ thể để từ đó tìm tới các quy luật chung mà xã hội công nhận. Có biết bao nhiêu thí dụ khác. Người da đỏ Huron có hai từ để nói cắt cá (chặt) và cắt cây (đốn), nhưng họ không có động từ cắt nói chung. Làm nhà (cây) và ăn (cá) là hai hoạt động riêng biệt. Người Inuit ở Greenland không nói “tôi bắn tên” mà nói “mũi tên bay từ tôi đi…” Họ có năm, bẩy chục tiếng để gọi tên một thứ mà chúng ta chỉ gọi chung là “tuyết.”
 
Chúng ta có thể đặt một giả thuyết rằng người Việt trong mấy ngàn năm không bị đồng hóa thành người Tàu chỉ vì giữ được ngôn ngữ theo lối nói của các giống dân miền Nam sông Dương tử. (Ở Quảng Đông vẫn còn những nhóm thiểu số nói tiếng Tàu theo kiểu Việt, thí dụ kê hùng thay vì hùng kê, tức là gà trống). Một sắc dân có cách nói và cách cảm thọ, cách suy tưởng không giống những sắc dân khác.
 
Các nhà tư tưởng thế kỷ 20 đã nhìn thấy vai trò quan trọng của ngôn ngữ trong cách chúng ta cảm thọ ngoại vật. Michel Foucault gọi cảm-thọ-hệ của một xã hội là cái épistémè của con người trong xã hội đó. Trong Les mots et les choses ông đã nhận xét sự khác biệt trong cách dùng lời nói qua các thời kỳ của lịch sử Âu Châu, từ thời Trung Cổ đến thế kỷ này. Ông cũng nhắc lại lời Nietzsche nói rằng không có tiếng nói khách quan (value-free). Tiếng nói quyết định cách chúng ta nghĩ, tiếng nói đòi chúng ta nghĩ theo chiều hướng nào đó. Nhân vật Don Quixote là một biến cố đổi chiều dòng suy tưởng Âu châu vì, Foucault nhận xét, liên hệ giữa lời và vật đã bị đứt, lời nói chạy lang thang đi tìm chỗ đậu, không còn dính vào sự vật mà nó vẫn chỉ định.
 
Tôi nhắc đến những giả thuyết của Whorf hay Foucault không phải để thuyết phục quí độc giả về một lý thuyết nào. Tôi nói chuyện thơ và bàn đến các ý kiến trên chỉ để nhấn mạnh một điều, là lời nói của chúng ta và cách cảm thọ của chúng ta khó tách biệt. Những lời chúng ta dùng và cách chúng ta nói lên, nhất thiết có liên hệ với cách chúng ta cảm thọ thế giới quanh mình.
 
Vì ngôn ngữ có thể là một cái khuôn cho tâm tưởng của mình vận hành trong đó, thành ra khi nói lên mình cũng thay đổi trạng thái tâm tưởng. Người vượt biển trong cơn hoạn nạn đã cầu nguyện để cho lòng bình an.
 
Các tôn giáo đều bắt đầu bằng lời nói. Vệ Đà, Kinh Thi, sách Sáng Thế Ký của người Do Thái, kinh điển Phật giáo đều bắt đầu trong các tác phẩm văn học truyền khẩu. Người Việt Nam đọc truyện Kiều đến mức coi như mọi buồn vui của kiếp người đều có thể diễn tả được bằng các câu thơ trong đó. Và các nhân vật đã trở thành các thần linh, các hồn ma, nhưng lại rất gần gũi đến nỗi người ta có thể khấn vái: “Lạy ông Từ Hải, bà vãi Giác Duyên, lạy cô Đạm Tiên, cô Vân, cô Kiều, Vương Quan, Kim Trọng… cho tôi xin một quẻ ‘cầu duyên’.” Từ Hải chết trận, lại chết oan ức, chết đứng, nên có lẽ linh thiêng nhất. Vãi Giác Duyên liên quan đến tôn giáo. Cô Đạm Tiên là một bóng ma v.v… Người bình dân bói Kiều như người biết chữ bói Dịch.
 
Một tập tiểu thuyết bằng thơ như Truyện Kiều đã trở thành một tài liệu bói toán, cho bao nhiêu người, mấy thế hệ. Đó là một trường hợp hãn hữu. Còn những bài thơ ta đọc hàng ngày, tác dụng ma lực của tiếng nói vẫn có, thơ cũng tác động lên các ước ao, hy vọng, như người đi xem bói, chăm chú nghe những ước ao hy vọng của chính mình.

Ôi tự do thật vô cùng quyến rũ

Bàn về câu “Thiên hà ngôn tai! – trời có nói gì đâu” (Khổng Tử) nhà văn Hoài Đồng Vọng (Nguyễn Đức Quỳnh) bảo: Chẳng qua là cụ Khổng sống vào cái thời người ta nói nhiều quá, nói dối nhiều quá! (Ai có qua cầu, Sài Gòn 1957)
 
Chúng ta sống ở cái thời mà người ta không những nói nhiều, nói dối nhiều, mà còn nói đi nói lại nói tái nói hồi nhàm tai chỉ một giọng một điệu. Những khẩu hiệu hô đi hô lại. Đến đá cũng phải mòn chứ đừng nói chữ nghĩa. Tôi nhớ có lần Nehru (thủ tướng Ấn) bàn bạc chuyện này. Đại ý ông nói những danh từ Tự Do, Cách Mạng, Công Lý… ngày nay đã thành những khẩu hiệu vô hồn không kích thích mình mạnh mẽ nữa, nhưng chúng ta đừng vì thế mất niềm tin vào tự do, công lý và khả năng con người thay đổi vận mạng của mình. Vì, ông nhắc nhở, cái hồi mà những chữ đó lần đầu tiên được hô thành khẩu hiệu, chúng đều chứa đựng nội dung. Chúng làm rúng động tâm can. Nung sôi dòng máu. Chuyển gió thành bão. Cuốn sông thành biển. Như niềm hy vọng thánh linh trên đầu bốc lửa.
 
Đó là cái thời mà thi sĩ viết chữ Tự Do trên bắp tay, trên vầng trán, trên trái tim, trên thềm đá nhà thờ, trên ruộng, trên núi, như Paul Éluard diễn tả. Đó là lúc người ta đọc tên Tự Do như tên người yêu:
 
Ôi Tự Do thật vô cùng quyến rũ
(Quách Thoại)
 
Một cái tội lớn nhất của nhà “lãnh tụ” chính trị là họ làm cho các tiếng Độc Lập, Tự Do, vân vân, hết cả ma lực. Đang là thơ, các tiếng đó rớt xuống thành tiếng kêu rỗng, vô nghĩa, có khi bị nguyền rủa (Nguyễn Chí Thiện).
 
Không phải chỉ những chữ “độc lập, tự do” mới bị đem ra để lừa bịp, số phận đọa đầy biến thành những tiếng khôi hài nhạt nhẽo. Tất cả ngôn ngữ loài người đều có thể chịu số phận đó. Một ngày chúng ta phải nghe bao nhiêu câu hỏi: “Khỏe không?” (How are you? Ça va? Wie geht es Ihnen? 你好? Nị hào ma? Nhĩ hảo ma). Có bao nhiêu người khi nói mấy câu đó thực sự hỏi người kia rằng anh, chị có “Khỏe không?”
 
Một ông nhạc trưởng, trong cuộc tiếp tân sau buổi hòa nhạc, hỏi thính giả nghĩ sao về cuộc trình tấu. Một bà nói: “Tuyệt vời!” (Wonderful!). Ông nhạc trưởng ngạc nhiên: “Chỉ wonderful, tuyệt vời, thôi ư?” Người kể câu chuyện (trong radio CBC) bình luận rằng cái anh nhạc trưởng này tự cao quá đáng. Người ta đã khen “Wonderful” mà còn chưa hài lòng!
 
Tôi nghĩ khác. Chẳng qua là ở Bắc Mỹ này cái chữ “Wonderful” bị xài mòn hết từ lâu rồi. Bà coi cái áo này sao? Wonderful! Thằng con tôi mới chiếm giải ba về hội họa trong lớp! Wonderful! Sáng nay tưởng bị sổ mũi, bây giờ thấy hết! Wonderful! Tội nghiệp, hồi mới qua Canada, nghe ai nói wonderful tôi cứ tưởng thật!
 
Bao nhiêu tiếng bị biến thành “độc lập, tự do” theo lối đó. Nghe ai hỏi “is it wonderful?” bao giờ tôi cũng thấy ngẩn ngơ tiếc rẻ. Cái lời đó, đáng lẽ nó phải wonderful biết bao nhiêu, mà bây giờ thực sự nó chỉ còn wonderful mà thôi.
 
Ước gì mỗi ngày chúng ta lại được nghe ít tiếng giản dị, chân thành. Ước gì có ai yêu mình đến mức không gởi cho mình một tấm thiệp in sẵn. Ước gì mỗi ngày, mọi người đều nói với tất cả tấm lòng thành. Tiếng nói chí thành như khi làm thơ.
 
Thơ bật ra khi người nói sống mãnh liệt những lời mình nói lên, thốt ra. Sống văn xuôi là sống bằng tấm thiệp in sẵn, các bức tranh in lại. Sống thơ là vẽ lấy tranh của mình, tự mình cất tiếng hát. Phải nói cách nào để cho cái gì Wonderful nó thực sự Wonderful trở lại. Tu đến bao giờ để khi nói ai wonderful, người đó trở thành wonderful thật?
 
Thơ làm mới tiếng nói phải chăng vì lời thơ thoát khỏi cách dùng những chữ đã xáo mòn, xếp đặt làm sao để bật ra cái ý nghĩa tinh ròng nhất (essenzialità!)! Để ta sống mỗi tiếng nói, từng tiếng một, tiếng nào thốt ra cũng có một ý nghĩa thật, người nghe thấy nó thật từ trong tâm người nói. Nói một tiếng như chưa bao giờ biết dùng tiếng đó, mỗi tiếng đều chất đầy trọng lượng của xúc cảm và tư tưởng, đó là làm thơ. Để ta sống mỗi giây phút, mỗi ngày đều trọn vẹn, đầy đủ, vì mỗi ngày đều là một ngày mới. “Nhật tân, nhật nhật tân!” Để mỗi phút ta sống đều là một phút tuyệt vời.
 
“Hãy thưởng thức từng phút giây! Vì đây là một ngày của trời đất. Hãy vui hưởng, hãy an trú ở đó” (Psam 118:24). Các thiền sư cũng khuyên chúng ta như vậy: “An trú trong hiện tại – Giờ phút đẹp tuyệt vời” (Nhất Hạnh, Từng Bước Nở Hoa Sen).
 
Đỗ Quý Toàn
 
Nguồn: diendantheky.net
 

0 Bình luận

Bình Luận