Tuồng chiến tranh thịnh hành thời đầu thập niên 1950
Không hiểu do nhận định thế nào về nhu cầu giải trí, mà khán giả cải lương những năm đầu của thập niên 1950 lại đổ xô đi coi tuồng chiến tranh, để thấy cảnh súng liên thinh nổ liên hồi, máy bay dội bom khói lửa mịt mù, tàu chiến, xe tăng bắn phá,… và người coi hát tưởng tượng như là đang chiến tranh thực sự vậy.
Lúc bấy giờ đoàn ca kịch Phát Thanh của cô đào Nguyệt Yến, lúc mới ra đời khoảng cuối thập niên 1940 chỉ chuyên môn hát tuồng dựa theo truyện Tàu, với trang phục màu sắc, rườm rà giống như gánh Phụng Hảo của Má Bảy Phùng Há.
Thế nhưng, đến năm 1951 thì loại tuồng này không còn ăn khách, khán giả thưa dần nhiều đêm không mở màn được, bởi vì khán giả quay sang đi coi tuồng chiến tranh của gánh hát Hậu Tấn. Do đó mà đoàn Phát Thanh phải chuyển hướng hoạt động, chạy theo thị hiếu của khán giả để sống còn.
Thế là bà bầu gánh Nguyệt Yến kiêm đào chánh đoàn Phát Thanh lệnh cho soạn giả phải viết tuồng chiến tranh giống như gánh Hậu Tấn. Giờ đây thì ông thầy tuồng Văn Sinh dù không sở trường cũng ráng sức chạy đôn chạy đáo tìm đề tài viết tuồng cho hợp với thời thế, chớ không thôi thì “treo nồi gạo” bởi vì bà bầu gánh đã hăm he như vậy rồi. May mắn cho ông gặp được một nhà báo trao cho tài liệu chiến tranh Nhật – Trung, tường thuật trận chiến tại hải cảng Lư Cầu Kiều.
Như bắt được vàng, ông soạn giả dựa theo chiến trận đó, và hư cấu vài nhân vật nam nữ, viết lên vở hát “Tiếng Súng Lư Cầu Kiều,” và khi tờ programme được xe ngựa mang đi quảng cáo (thời này ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và các tỉnh miền Đông nếu di chuyển gần thì xe ngựa là chính). Mấy người biết chữ được bà con yêu cầu đọc cho nghe xem gánh hát diễn tuồng gì, hay dở thế nào?
Vào thập niên 1940-1950 đa số người ở vùng thôn quê miền Nam họ không đọc được Quốc Ngữ, số người biết đọc biết viết rất ít. Và khi đọc đến đoạn tàu lặn Nhật Bổn kịch chiến với tàu tuần Trung Hoa, thì thiên hạ vỗ tay rần rần, hẹn nhau đến tối sẽ cùng đi coi hát.
Tình tiết câu chuyện éo le gay cấn: Chấn Thái Lang là gián điệp của Nhật Hoàng, được lệnh sang Nam Kinh bí mật hoạt động từ nhiều năm trước. Chàng lấy quốc tịch Trung Hoa và kết duyên với một phụ nữ Tàu tên Lan Hương, hai vợ chồng làm nghề thương mại ở Lư Cầu Kiều. Đến khi sinh đặng một trai vừa lên ba, thì trong một đêm nọ chiếc tiềm thủy đỉnh từ Đông Kinh vượt biển nổi lên cặp vào một vịnh gần Lư Cầu Kiều rước Chấn Thái Lang về Nhật.
Câu chuyện tuồng khá hay, nhưng phần lớn khán giả thời này lại không chú ý nhiều đến diễn tiến câu chuyện, mà nhắm vào cảnh chiến trận trên mặt biển giữa.
Tóm lại là đoàn Phát Thanh chuyển sang diễn tuồng chiến tranh thì khán giả đông đảo trở lại. Đến lúc đoàn Hoa Sen của Bảy Cao khai trương thì tuồng chiến tranh được cải tiến, sân khấu trở nên sôi động hơn nhiều.
Các kỳ tới chúng tôi sẽ nói nhiều về thiên tài Bảy Cao với tuồng chiến tranh làm chấn động làng sân khấu. Bảy Cao là người đưa phim ảnh lên sân khấu, mà giờ đây nhắc lại những người lớn tuổi khi xưa từng đi coi hát đã không khỏi nuối tiếc.
Ngành Mai
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/tuong-chien-tranh-thinh-hanh-thoi-dau-thap-nien-1950/
0 Bình luận