Những năm gần đây, áp lực tăng trưởng cao đòi hỏi lượng điện phải tăng đột biến khiến Việt Nam đang ngả hẳn vào vòng tay điện than (1) – một trong những thủ phạm làm ô nhiễm không khí và tạo khí thải gây hiệu ứng nhà kính đáng sợ.

So sánh nồng độ bụi siêu mịn PM2.5 từ các nhà máy điện than hiện nay (hình trái) và dự báo năm 2030. Mô phỏng của nhóm Shannon N, Kopliz và ctv, Đại học Harvard 2015. Copy d’ecran Green ID

Tưởng không có đường nào khác. Thế nhưng, trong năm 2019 vận hội mới đang mở ra. Tiến trình giã từ điện than có thể sẽ diễn ra sớm hơn. Nhiều yếu tố cho thấy điện than phải tạm lùi một bước, trước đòi hỏi của giới bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đây rất có thể chỉ là một bước lùi chiến thuật của các thế lực muốn thúc đẩy điện than đến cùng.

Trong hội nghị tổng kết hoạt động năm của ngành Công Thương, ngày 27/12/2019, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ”cần tiếp tục đẩy mạnh các dự án đang làm, nhưng nếu tiếp tục phát triển các dự án điện than mới, dư luận không đồng tình. Phát triển mới phải theo hướng năng lượng xanh”. Sau hội nghị tổng kết ngành, ngày 30/12/2019, những đại diện cho nhiều liên minh, mạng lưới các tổ chức phi chính phủ đã nhóm họp, ra ”Tuyên bố Hà Nội” hoan nghênh ”ý kiến kết luận” của thủ tướng Phúc.

Nhiều địa phương tẩy chay điện than

Tuyên bố Hà Nội” (về việc xây dựng các nhà máy điện than trên lãnh thổ Việt Nam) ”ủng hộ chính quyền các tỉnh Bạc Liêu, Long An, Huế, Tiền Giang đã mạnh dạn bác bỏ các dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký năm 2016) để thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch hơn”, đồng thời nêu ra danh sách 14 dự án điện than (2) – với công suất tổng cộng 17.390 MW, tương đương hơn 1/3 tổng công suất điện hiện có tại Việt Nam – cần tạm dừng triển khai, ”để đánh giá toàn diện tính khả thi về tài chính, các tác động về sức khỏe, môi trường, an ninh, trật tự xã hội”.

Tuyên bố Hà Nội” cũng coi nhận định của thủ tướng Phúc là một câu trả lời trực tiếp cho phát biểu của ông chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, đưa ra cũng trong hội nghị này, “đề nghị thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình”.

Bên cạnh đó, nhóm các tổ chức dân sự ra ”Tuyên bố Hà Nội” cũng yêu cầu chính quyền buộc các nhà máy nhiệt điện phải ”công khai dữ liệu quan trắc môi trường (nước thải và khí thải) tới người dân và công chúng để đảm bảo công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình”. Các tổ chức dân sự yêu cầu người dân và các tổ chức đại diện cho người dân phải có quyền được ”tham vấn” về các dự án năng lượng ”ngay từ khâu lập kế hoạch”, để tránh tình trạng người dân bị chính quyền các cấp đặt trước sự đã rồi.

Một hội nghị đầy kịch tính – Ý kiến của GS Nguyễn Ngọc Trân

Hội nghị tổng kết ngành Công Thương ngày 27/12/2019 quả thật đầy kịch tính. Ngay sau hội nghị đặc biệt này, và trước khi Tuyên bố Hà Nội về điện than của nhóm các tổ chức dân sự được đưa ra, Giáo sư TSKH Nguyễn Ngọc Trân – nguyên phó chủ nhiệm Ủy Ban Khoa Học và Kỹ Thuật Nhà nước, nguyên ủy viên Hội Đồng Chính Sách và Công Nghệ Quốc Gia – đã có một bài viết trực diện hiếm thấy. Giáo sư Trân đã nói đến trách nhiệm của bộ Công Thương và Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN).

Trong bài Bộ Công Thương, Điện Than và Nghị Quyết 120/NQ-CP‘, GS Nguyễn Ngọc Trân phê phán một luận điểm phổ biến thường được giới chủ trương phát triển điện than, bất chấp các hệ quả môi trường – sức khỏe, đưa ra để biện minh cho loại hình năng lượng này, được chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam nhắc lại trong hội nghị. Đó là trong hiện tại ”hệ thống điện quốc gia hầu như không còn dự phòng’‘. Luận điểm nói trên ngụ ý như vậy điện than bắt buộc phải khẩn trương trở thành giải pháp chủ đạo.

Theo tác giả, với lập luận nói trên, giới chủ trương ”ôm chặt điện than” đã tìm cách lẩn tránh trách nhiệm trong việc, trong một thời gian dài, đã viện nhiều lý lẽ để ”từ chối năng lượng tái tạo, trước tiên là năng lượng gió và năng lượng mặt trời’‘, cũng như trong việc đã không thực sự tạo điều kiện để các nguồn năng lượng tái tạo kết nối với mạng lưới điện toàn quốc thời gian gần đây, khi điện mặt trời phát triển đột biến. Mặt khác, lập luận này cũng nhằm tạo một thứ áp lực để người đứng đầu chính phủ chỉ đạo một số tỉnh không được phép phản đối nhiệt điện than.

Trong bài viết nói trên, Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân còn đặt bộ Công Thương, Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam đối diện với nghị quyết 120/NQ-CP, về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ban hành ngày 18/11/2017). Theo nghị quyết này, bộ Công Thương phải có nhiệm vụ ”hạn chế tối đaviệc bổ sung các nhà máy nhiệt điện than mới vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; từng bước chuyển đổi công nghệ đối với các nhà máy nhiệt điện than hiện có theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; tập trung khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, trước hết là năng lượng gió và năng lượng mặt trời”.

”Năng Lượng Tái Tạo” liên minh với ”Sức Khỏe Cộng Đồng”

Sự chuyển biến trong nhận thức của người đứng đầu chính phủ Việt Nam, về các nhà máy điện than không được dư luận đồng tình do ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe – môi trường, một phần là kết quả của các vận động bền bỉ của hai mạng lưới, liên minh cổ vũ cho năng lượng tái tạo và liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm, trên các mạng truyền thông xã hội, trên báo chí chính thống cũng như trực tiếp với các cơ quan chính quyền.

Bác sĩ TS Trần Tuấn, thành viên sáng lập Liên minh Phòng Chống Các Bệnh Không Lây Nhiễm Việt Nam(NCDs-VN), nhận xét:

”Về vấn đề năng lượng ở Việt Nam, thì rõ ràng là từ khi chính phủ ra Quy hoạch điện VII (trong đó có cơ cấu các nguồn sản xuất điện của Việt Nam, từ 2015 đến 2030), lúc đó chúng tôi có tham gia vào và nhận thấy rằng : có sự lệch lạc trong đường lối, khi đẩy mạnh phát triển nhiệt điện than, mà không chú ý đến năng lượng tái tạo.

Sau thời gian đó, đã có những lên tiếng rất mạnh mẽ ở các góc độ khác nhau. Lúc đó, các tổ chức xã hội dân sự chủ yếu tập trung vào một mạng lưới gọi là Liên minh Năng Lượng Bền Vững Việt Nam (VSEA),mà điều phối là tổ chức Green ID. Liên minh Phòng Chống Các Bệnh Không Lây Nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) lúc đó cũng bắt đầu tham gia vào, với mục tiêu xem xét vấn đề sức khỏe liên quan đến các nguồn sản xuất điện gây ô nhiễm, trong đó đặc biệt là nhiệt điện than. Tiến trình vận động liên tục để làm sao giảm cơ cấu nhiệt điện than, và tăng nguồn điện từ năng lượng tái tạo đã diễn ra tương đối mãnh liệt và ngày càng tăng.

Chúng tôi có thể tóm lược là, một là bản thân về phía chính phủ ở cấp độ thủ tướng, đã được tiếp nhận thông tin và đã có sự chuyển hướng, nhận thức được nhiệt điện than là năng lượng bẩn, nguy cơ đối với sức khỏe, môi trường, cho nên không thể cho phát triển trong tương lai. Chính vì thế các liên minh phối hợp đưa ra kiến nghị Hà Nội, ủng hộ sự chuyển hướng đó. Cái quan trọng là các liên minh này lần đầu tiên đã phối hợp với nhau, và dùng cách tiếp cận lên tiếng một cách chính thống, gửi đến các cơ quan cao nhất, đáp ứng ngay phản ứng tích cực từ phía chính phủ. Và đồng thời cũng để ngăn chặn ngay các thế lực đang vận động cho nhiệt điện than quay lại. Chúng tôi đánh giá đây là một tín hiệu tốt. Một cách làm tốt. Thể hiện sự quan tâm của khối xã hội dân sự một cách công khai, dân chủ, với tình hình hiện nay”.

Chính phủ trong thế ”nước đôi”

Tuy lạc quan, nhưng bác sĩ Trần Tuấn tỏ ra rất thận trọng. Đối với ông, phản ứng nói trên của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho dù có phần ngả về phía năng lượng tái tạo, nhưng chính phủ vẫn đang ở thế ”nước đôi” :

”Chính phủ dường như vẫn đang ở thế nước đôi. Một mặt cũng mở ra chấp nhận phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, nhưng mặt khác vẫn tiếp tục đi theo kế hoạch xây mới (các nhà máy nhiệt điện than). Trước đây, theo kế hoạch dự kiến có 43 nhà máy nhiệt điện than xây mới. Và gần đây, dự kiến đến 2030, sẽ xây thêm vào khoảng 51 nhà máy điện than mới”.

Thái độ nước đôi của chính phủ có lẽ đặc biệt thể hiện rõ trong chính sách đối với điện mặt trời trong năm 2019.

Trong lúc điện than ngày càng bị lên án mạnh mẽ, năm 2019 vừa qua chứng kiến một bước thay đổi chưa từng có trong lịch sử năng lượng Việt Nam. Công suất điện mặt trời lắp đặt mới tăng gấp hơn 50 lần so với năm 2018, với khoảng 4.500 Megawatt (MW), chiếm khoảng 10% công suất điện toàn quốc, gấp 5 lần so với dự kiến trong Quy hoạch điện VII. Điện mặt trời, từ chỗ là một nguồn năng lượng lép vế, hết sức bị coi thường, đang bật lên như một nguồn năng lượng bổ sung hàng đầu, bù đắp vào nguồn thiếu hụt điện năng, với công suất ước tính hàng nghìn MW/năm. Tuy nhiên, điện mặt trời trong năm 2019 đã trở thành giấc mơ dang dở, thậm chí nỗi khổ ải của không ít nhà đầu tư.

Ba tắc nghẽn: ”Tắc quy hoạch – tắc giá – tắc lưới

Bài Bỏng vì… điện mặt trời trên trang mạng của báo Nhân Dân (ngày 28/12/2019) tổng kết: ”Trái với sự sôi động đua chen, giành giật bằng được để có dự án điện mặt trời trước đó, năm 2019 đã chứng kiến nhiều tâm trạng từ lo âu, bồn chồn trông đợi đến thất vọng vỡ òa của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này…”. Cụ thể là ”sự phức tạp “như đánh đố” của hệ thống luật, dưới luật khiến 290 dự án điện mặt trời khác đang đề xuất bổ sung quy hoạch với tổng công suất 31.600 MWp (tương đương khoảng 25.300 MW) lại “dài cổ chờ””.

Trang mạng của cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Việt Nam tổng hợp ba loại ách tắc chính: ”Tắc quy hoạch, tắc giá, tắc lưới”. ”Không chỉ các dự án điện mặt trời mới tắc triển khai vì không có trong Quy hoạch, các dự án điện mặt trời đang được triển khai cũng gặp khó khăn vì tới giờ vẫn chưa biết tính giá nào”. Và nhiều nhà máy điện mặt trời đã đi vào hoạt động cũng lại không thể hoạt động hết công suất do nguy cơ quá tải hệ thống đường dây truyền điện, đặc biệt tại Ninh Thuận, Bình Thuận.

Trước áp lực của giới bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trong bối cảnh điện mặt trời ngày càng có tiềm năng phát triển, trong xu thế chung toàn cầu, các thế lực ủng hộ điện than tại Việt Nam phải chấp nhận tạm lùi một bước. Nhưng điện mặt trời – động lực chủ yếu của năng lượng tái tạo tại Việt Nam – đang gặp phải hàng loạt rào cản về pháp lý và hành chính đủ loại.

Điện than ngăn điện mặt trời ?

Bên cạnh tình trạng ”vỡ quy hoạch”, cơ sở hạ tầng lưới điện không chuẩn bị kịp với sự phát triển đột biến của điện mặt trời (vốn bị coi nhẹ trong một thời gian dài), nhiều nhà quan sát cho rằng cơ chế xin – cho hiện nay trong ngành điện lực tiếp tục là một trở lực chính đối với năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Một số người thậm chí còn hoài nghi là tại bộ Công Thương và Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam – EVN, có nhiều thế lực muốn bằng mọi cách giữ cho điện than có tỉ trọng cao nhất có thể trong Quy hoạch điện VIII đang được xây dựng (dự kiến hoàn tất vào mùa thu năm 2020), và với họ, điều này chỉ có thể được, nếu như điện do năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời nói riêng, phát triển càng chậm càng tốt.

Có nghĩa là, năm 2020 đáng lẽ sẽ phải là năm bùng phát NLTT, với đà phát triển thuận lợi hiện nay, rất có thể sẽ trở thành một năm chững lại, chỉ với hy vọng ”giải tỏa” hết công suất hiện có (vào cuối năm 2020, như lời hứa của ông chủ tịch EVN). Tình hình có lẽ sẽ không khác mấy so với những gì diễn ra vào nửa sau năm 2019. Và Việt Nam trong một thời gian dài sắp tới vẫn sẽ còn bị đặt trong tình trạng đầy nghịch lý là: ”hầu như không có dự phòng về điện” trong lúc một bộ phận những người muốn đầu tư vào điện gió, điện mặt trời, lại sẽ phải nản lòng, bỏ cuộc, vì vô vàn trở ngại từ phía chính quyền.

Tạo các rào cản về pháp lý và hành chính đủ loại, để hạn chế điện mặt trời, phải chăng nằm trong toan tính ”câu giờ” của những người chủ trương phát triển điện than đến cùng hiện nay?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, trong một bài viết đầu năm 2019 mang tựa đề Nhiệt điện than trong một tổng sơ đồ năng lượng quốc gia đổi mới, đã lưu ý vấn đề cục bộ của nhiệt điện than ”phải đặt trong tổng thể (tổng sơ đồ năng lượng quốc gia), và tổng thể này ”phải luôn đổi mới trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đang làm thay đổi sâu sắc và nhanh chóng mọi hệ thống. Theo ông, ở đây có hai điểm chính cần đặc biệt chú ý cho một chiến lược điện than hợp lý. Đó là loại năng lượng này cần được đặt trong thế so sánh đầy đủ với các năng lượng khác, về cán cân Được – Mất về cả ba mặt  kinh tế, môi trường và xã hội,  trong đó sinh kế và sức khỏe của người dân phải được đặt lên hàng đầu (không thể đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế).

Điểm chính thứ hai là cần theo dõi sát ”tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ và giá thànhtrong lĩnh vực năng lượng; nói riêng trong lĩnh vực điện than, năng lượng tái tạo (NLTT), rút ra những dự báo và điều chỉnh kịp thời” (3). Nếu không dự báo và điều chỉnh kịp thời, Quy hoạch điện VIII chắc chắn sẽ lại rơi vào vết xe đổ của Quy hoạch điện VII.

Trọng Thành

Ghi chú

1 – Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), ban hành tháng 3/2016, nhiệt điện than đến năm 2020, dự kiến chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than; năm 2025, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than; năm 2030, khoảng 53,2% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than. Do nguồn than sản xuất trong nước hạn chế, cần xây dựng một số nhà máy nhiệt điện… sử dụng nguồn than nhập khẩu.

2 – Trong số 14 dự án được nêu trong danh sách, ngoài nhiều dự án bị chính quyền địa phương bác bỏ, còn có một số dự án – tuy được chính quyền ủng hộ, nhưng bị dân chúng chống lại – như dự án Vĩnh Tân 3 (tỉnh Bình Thuận). Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (cũng thuộc tỉnh Bình Thuận), do một công ty Trung Quốc xây dựng, hoạt động từ 2014, từng là nguyên nhân dẫn đến biểu tình, bạo động, do xỉ than gây ô nhiễm nghiêm trọng.

3 – Vấn đề lưu trữ năng lượng điện tái tạo, vốn bất ổn vì phụ thuộc vào điều kiện thất thường của tự nhiên, là một trong các bài toán khó với điện mặt trời, điện gió. ”Thủy điện tích năng” là một giải pháp. Quy hoạch Điện VII điều chỉnh (2016) đã quy hoạch 3 nhà máy ”thủy điện tích năng”. Nhà máy thủy điện loại này sử dụng điện năng thừa vào những giờ thấp điểm phụ tải, để bơm nước từ bể nước thấp lên bể cao. Vào thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện năng lớn, nước sẽ được xả từ hồ chứa cao xuống hồ chứa thấp hơn thông qua các tua bin để phát điện trở lại lên lưới. Công suất ‘‘thủy điện tích năng” toàn cầu năm 2018 ước tính 1.400 GW.

Nguồn: http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200108-viet-nam-dien-than-phai-tam-lui-mot-buoc

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận