Vingroup và sự trỗi dậy đầy nghi vấn của một đế chế kinh tế
Dịch từ bài The rise and rise of a Vietnamese corporate empire của nhà báo John Reed, đăng trên Financial Times ngày 27/6/2019. Tựa đề chính và phụ do Luật Khoa tạp chí đặt.
Mấy tuần trước, tôi có đi về phía Đông Hà Nội, xuyên qua các khu công nghiệp và ruộng đồng, đến thành phố cảng Hải Phòng thuộc miền Bắc Việt Nam.
Bác tài chở tôi qua một cây cầu vượt biển để ra đảo Cát Hải. Tại đây, một thứ đáng chú ý đang dần thành hình: chiếc xe hơi “quốc dân” đầu tiên của Việt Nam đang được chế tạo, dưới nhãn hiệu VinFast.
Chiếc xe này nằm trong một dự án trị giá 3,5 tỷ đô-la Mỹ của công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam – Vingroup – vốn nằm dưới quyền điều hành của người giàu nhất đất nước, Phạm Nhật Vượng. Vingroup đã xây dựng một cơ sở sản xuất tích hợp nằm trên những phần đất lấn ra biển.
Một nhà máy tiên tiến bậc nhất chứa đầy robot sản xuất đã được xây lên trong vòng 21 tháng – một tốc độ xây dựng nhanh đến mức khi tôi mở bản đồ Google để kiểm tra vị trí mình, Google vẫn còn cho thấy tôi đang đứng trên mặt biển Vịnh Bắc Bộ.
Nếu bạn chưa nghe danh Vingroup bao giờ, bạn sẽ sớm nghe thôi. Tại Việt Nam, người ta miêu tả nó như là một phiên bản chaebol Hàn Quốc, một dạng tập đoàn đa ngành cái gì cũng làm và mang trọng trách làm ngọn cờ đầu của nền kinh tế. Giống như Huyndai hay Samsung vậy. Dạng tập đoàn này không chỉ thống trị thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sản phẩm ra toàn thế giới.
Việt Nam đang nhanh chóng trở thành miền đất “toàn Vin”
Tập đoàn này có gốc gác là một doanh nghiệp sản xuất mì gói tại Ukraine thời hậu Xô Viết, trở nên nổi tiếng trong ngành địa ốc và kinh doanh khu du lịch nghỉ mát trước khi lấn sang làm chuỗi siêu thị nhỏ, trường học, bệnh viện. Gần đây nhất, họ làm điện thoại thông minh và xe hơi.
Vào tháng Tư vừa rồi, Vingroup mở một khách sạn năm sao có đài quan sát trong tòa cao ốc Landmark 81 – tòa nhà cao nhất Đông Dương. Đây được xem là một địa điểm tốt để quan sát được các tòa cao ốc mới (nhiều tòa của chính Vinhomes) đang dần làm thay đổi chân trời của thành phố Hồ Chí Minh, trước đây là Sài Gòn.
Khi hãng Formula 1 tổ chức cuộc đua xe công thức 1 đầu tiên của họ tại Hà Nội vào năm sau, Vingroup sẽ là nhà tài trợ độc quyền của họ.
Ngày nay, một người Việt Nam có đẳng cấp nhất định thường sống trong một căn nhà Vinhome, cho con học trường Vinschool (và từ năm 2020 là đại học VinUni), đi nghỉ mát tại khu resort Vinpearl, và nạp điện cho chiếc xe máy VinFast của họ tại một siêu thị VinMart.
Lê Thị Thu Thủy, phó chủ tịch tập đoàn Vingroup, miêu tả doanh nghiệp mình như một nhà cung ứng hàng hóa và dịch vụ “từ trong nôi ra đến ngoài mộ” cho một quốc gia đang trong cơn chuyển dịch.
“Với danh tiếng của chúng tôi, bất kỳ sản phẩm nào Vingroup bán đều rất chạy”, Thủy, một cựu nhân viên ngân hàng Lehman Brothers, nói với tôi khi chúng tôi gặp mặt tại một văn phòng mới của VinFast. Lối đi vào văn phòng đó phải qua một cổng hình chữ V mang phong cách phục cổ vị lai (retro-futuristic) của nhà máy VinFast.
Sự trỗi dậy của Vingroup phản ánh chính sự trỗi dậy của Việt Nam – một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Người sáng lập Vingroup là người giàu nhất trong năm tỷ phú của đất nước, theo tạp chí Forbes. Ông có giá trị tài sản ròng là 7,6 tỷ đô-la Mỹ.
Nhưng phần còn lại của Việt Nam cũng đang tăng trưởng: theo tập đoàn nghiên cứu thị trường Nielsen, lương trung bình của người Việt đã tăng 17%, còn thu nhập khả dụng của cá nhân đã tăng 29% trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018. Lương bổng sẽ tiếp tục tăng thêm 30% nữa, trong khi thu nhập sẽ tăng thêm 26% từ nay đến năm 2022.
Nielsen chỉ ra rằng số lượng người giàu Việt Nam đang gia tăng chóng mặt, trong đó có các triệu phú đô-la Mỹ. Con số triệu phú đô-la này sẽ tăng 170% để đạt 38.600 người trước năm 2025.
Trong suốt nhiều tháng nghiên cứu viết bài về Vingroup, tôi đã quan sát cận cảnh những chuyển biến như vậy. Tôi đã đi qua Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hai siêu đô thị của Việt Nam.
Tôi đã đi xuống phía Nam đến Phú Quốc – nơi từng là một hòn đảo của những người du lịch ba-lô nhàn nhã. Giờ đây, tại đó, Vinpearl đang xây dựng hàng ngàn phòng khách sạn cùng một khu công viên hoang dã có những bầy thú săn và những buổi diễn các điệu nhảy Zulu hai lần một ngày.
Tôi đã nói chuyện với những người theo dõi sự trỗi dậy của Vingroup: từ chính các quan chức của tập đoàn, cho đến các nhà tư vấn, nhà phân tích, từ nhân viên hiện thời cho đến cựu nhân viên tập đoàn, và các nhà hoạt động xã hội dân sự.
Quả là không khó để tìm những người ngưỡng mộ Vingroup. Logo tập đoàn này có con chim hình chữ V màu vàng trên nền đỏ. Đó là màu của quốc kỳ Việt Nam.
Vingroup đang khá thành công trong việc tuyển dụng những tài năng người Việt Nam trong và ngoài nước có kinh nghiệm để phụ trách các hoạt động ngày càng mở rộng của họ. Trong số những người đó có cả Jim DeLuca, từng là một nhân viên kỳ cựu của hãng General Motors. Ông hiện là giám đốc điều hành của VinFast.
Tuy nhiên, mức độ phát triển lớn của tập đoàn này cũng đặt ra nhiều dấu hỏi. Một số nhà phân tích đã tỏ ra lo ngại rằng Vingroup đang bung ra quá cỡ khi lấn sân ra ngoài lĩnh vực bất động sản – một lĩnh vực hái ra tiền – sang một ngành nhiều rủi ro và có tính cạnh tranh cao là sản xuất xe hơi.
Nghiêm trọng hơn nữa, một số người Việt Nam đã đặt vấn đề: liệu là tình hình Việt Nam có đang trở nên giống như Hàn Quốc với các chaebol, như Samsung, dính vào các bê bối chính trị hay không? Các nhà hoạch định chính sách và giới chính trị gia Việt Nam có đang gặp nguy cơ bị Vingroup và các doanh nghiệp tư nhân đang lên mua chuộc, lợi dụng hay không?
Sau hơn hai thập niên làm phóng viên quốc tế, tôi nghiệm ra rằng, chính phủ cộng sản Việt Nam là một trong những chính phủ thân thiện với doanh nghiệp nhất mà tôi từng gặp.
Giống như ở Trung Quốc, công thức kết hợp một môi trường kinh doanh năng động với một nhà nước độc đảng phi dân chủ đã giúp tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, do thiếu vắng những cơ chế kiểm soát và cân bằng, chẳng hạn như một nền báo chí tự do hay một cộng đồng công dân được phép nói những gì họ nghĩ, thì có một rủi ro là các doanh nghiệp lớn có thể giành được quá nhiều quyền lực. Rủi ro đó vẫn là đáng kể ngay cả với những doanh nghiệp có sứ mệnh tự xưng như Vingroup là “tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt Nam”.
“Để thành công được ở Việt Nam, bạn phải xây dựng quan hệ với những người trong chính phủ có khả năng bảo vệ bạn,” Alexander Vuving, một học giả người Mỹ gốc Việt tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương tại Honolulu, nói với tôi. “Nhưng khi bạn đã có một mối quan hệ thân cận với những người có quyền trong một nhà nước chuyên chế, bạn có thể cảm thấy mình mong muốn dùng mối quan hệ quyền lực đó để bịt miệng những ai chỉ trích bạn.”
Khi nghiên cứu để viết bài này, tôi đã bắt gặp nhiều câu chuyện từ những khách hàng của Vingroup, từ những nhà hoạt động và những người khác. Họ kể rằng họ từng bị công an Việt Nam hoặc là liên lạc hoặc là bám theo, sau khi họ lên tiếng chỉ trích Vingroup.
Các tin tức tiêu cực về tập đoàn này thường biến mất một cách kỳ lạ trên các báo điện tử trong nước (vốn do nhà nước kiểm soát) hay trên Facebook.
Đặng Hoàng Giang, người điều hành một tổ chức phi chính phủ chuyên về quản trị công, cho rằng quyền lực của Vingroup đang làm chia rẽ công luận.
“Một phần công luận ngưỡng mộ Vingroup vì họ xây được những tòa nhà chọc trời, những khu resort và nhiều thứ khác. Một phần khác, tôi thuộc phần này, thì đang rất lo lắng về những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường từ công việc kinh doanh của Vingroup, về cái cách rất phi minh bạch mà các tài sản công cứ biến thành tài sản của Vingroup, và về cái cách mà họ đang ảnh hưởng lên truyền thông để bịt miệng những ai chỉ trích họ”, ông Giang nói.
Tỷ phú đầu tiên
Người sáng lập Vingroup, Phạm Nhật Vượng, hay “Vượng Vin” như cái cách nhiều người gọi, là một người khôn lanh và làm việc không ngừng nghỉ.
Người giàu nhất Việt Nam này điều hành tập đoàn của ông ta một cách chặt chẽ. Tôi được bảo là ông Vượng chỉ trả lời phỏng vấn mỗi năm một lần, và tờ Tuổi Trẻ của Việt Nam đã giành được suất phỏng vấn đó từ tháng Hai vừa rồi.
Vượng sinh năm 1968 và lớn lên ở Hà Nội. Cha ông ta phục vụ trong không quân. Khi còn là một thiếu niên trong những năm 1980, Vượng là một trong số những học sinh có được đặc quyền đi du học tại Đông Âu. Khi đó, nền kinh tế hậu chiến của Việt Nam vẫn đang khốn khổ vì cấm vận. Sau khi học tại một viện địa chất ở Moscow, Vượng chuyển về Kharkiv ở Ukraine.
Khi khối Xô Viết tan rã, một loạt các cơ hội kinh doanh đã mở ra cho những ai dám làm dám chịu. Vượng ban đầu cùng phối hợp làm ăn với Lê Viết Lam – một sinh viên Việt Nam khác. Ông Lam sau này cũng sáng lập một tập đoàn đa ngành khác là Sun Group.
Năm 1993, Vượng và Lam thành lập Technocom. Công ty này sử dụng một quy trình công nghệ mang từ Việt Nam sang để tạo ra Mivina – nhãn hiệu mì gói phổ biến nhất tại Ukraine.
Cách đây một thập niên, Vượng bán Technocom cho Nestlé với giá ước lượng khoảng 150 triệu đô-la Mỹ. Ông mang khoản tiền này về Việt Nam. Đó là một quyết định đúng thời điểm. Ông rút tiền khỏi Ukraine đúng lúc cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đang ảnh hưởng đến quốc gia Đông Âu này, để rồi mang tiền về Việt Nam khi các biện pháp cải cách kinh tế theo định hướng thị trường đang đẩy mạnh tăng trưởng ở đây.
[Người dịch: Mặc dù thông tin trên được báo chí xác nhân, tuy nhiên, việc kinh doanh của Phạm Nhật Vượng ở Việt Nam đã bắt đầu ít nhất là từ đầu những năm 2000, như thông tin trên website của tập đoàn, với các dự án Vinpearl ở Nha Trang và Vincom Bà Triệu ở Hà Nội]
Dự án lớn đầu tiên của Vượng chính là khu resort Vinpearl [thành lập năm 2001, khai trương năm 2003 – ND]. Khu này được xây trên một hòn đảo kém phát triển nằm ngoài khơi thành phố biển Nha Trang. Các nhân viên Vingroup mới vào làm thỉnh thoảng hay được kể lại cách mà Vượng đã giải quyết được một thử thách kỹ thuật tưởng chừng như không thể nào giải quyết nổi: xây một cáp treo đi ngang biển từ ngoài đảo vào trong đất liền.
Sau thành công ban đầu đó, Vượng xây khu tổ hợp cao ốc văn phòng đầu tiên của Hà Nội, trung tâm Vincom Bà Triệu [thành lập năm 2002, khai trương năm 2004 – ND], và một loạt các dự án nhà ở khác tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều dự án đó được xây dựng với hỗ trợ từ các chương trình “Xây dựng-Chuyển giao” (Build-Transfer). Trong các chương trình này, các công ty nhà nước thiếu tiền hay các quan chức giao đất cho các nhà kinh doanh địa ốc để đổi lấy đường xá hay các cơ sở hạ tầng khác.
Năm 2012, Vượng sáp nhập Vinpearl – mảng kinh doanh resort – với Vincom – mảng kinh doanh địa ốc – để tạo thành Vingroup.
Một năm sau đó, tạp chí Forbes tuyên bố Vượng là tỷ phú đầu tiên của Việt Nam. “Câu chuyện của Vượng chính là hiện thân của câu chuyện Việt Nam thời hậu chiến, một thành quả tư bản trên một đất nước vẫn tồn tại trên danh nghĩa là một nước cộng sản”, Forbes bình luận.
Bây giờ, chiến lược kinh doanh của Vượng tiếp tục theo đuổi cái cốt truyện “hiện thân” đó.
Tất cả những gì tôi nghe kể về Vingroup đều cho thấy đấy là một môi trường làm việc khắt khe. Họ có một chuẩn quy tắc ăn mặc nghiêm khắc, những nhân viên vi phạm có thể chịu phạt bằng cách trừ lương (một phát ngôn viên Vingroup cho tôi biết tiền phạt này được góp vào làm từ thiện).
Trong cuộc phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ, Vượng nói rằng văn hóa doanh nghiệp của Vingroup được xây dựng xung quanh “ba giá trị: lòng yêu nước, kỷ luật, và văn minh”. Vượng đề xuất cho nhân viên tập đoàn ông đọc cuốn sách dạy kinh doanh “Từ tốt đến vĩ đại: Tại sao một số công ty đạt bước nhảy vọt còn các công ty khác thì không“.
Vingroup càng mở rộng sang các ngành khác thì sản phẩm mới lại càng xuất hiện nhiều hơn. VinFast mới đây xuất xưởng xe máy chạy điện, một dạng ít ô nhiễm hơn so với phương tiện mà phần lớn người Việt Nam dùng để đi lại. Tuy nhiên, VinFast đang đặt cược là vài triệu người trong dân số 100 triệu người Việt Nam sẽ sớm đặt mua những chiếc xe hơi đầu tiên của họ. Quy trình sản xuất những chiếc ô tô mui kín, mẫu đầu tiên trong một nhóm ba mẫu xe, đã được khởi động vào tháng 6 này.
Công luận biết rất ít về các mối quan hệ giữa Vingroup và chính phủ Việt Nam. Nhưng trong khi giới lãnh đạo Việt Nam đang tìm cách đẩy qua bên lề các doanh nghiệp nhà nước cứng nhắc, họ thường phát biểu rằng khối kinh tế tư nhân là động lực hàng đầu cho tăng trưởng của đất nước.
Năm 2017, khi Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng (người mới đây đã trở thành chủ tịch nước), tới thăm nhà máy VinFast, có tin cho biết ông Trọng đã khen ngợi Vingroup là “nhà tiên phong trong sản xuất nhãn hiệu xe quốc gia”.
Gần đây hơn, trong một dịp khai trương sản phẩm hồi đầu tháng 6/2019, Vượng đã lái một chiếc xe điện tại nhà máy Hải Phòng của VinFast. Ngồi cùng xe với Vượng là khuôn mặt tươi cười của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đang khuyến khích người dân nước mình “ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Năm ngoái, chính phủ Việt Nam đưa ra một số biện pháp để kiểm soát lượng xe hơi nhập khẩu. Động thái này có lợi cho VinFast và cả Thaco, nhà sản xuất xe hơi còn lại của Việt Nam. Nhiều người Việt Nam tin rằng động thái đó là một nỗ lực bảo hộ nhãn hiệu xe hơi non trẻ của VinFast.
Việt Nam cũng đã công bố các kế hoạch giảm sử dụng xe gắn máy gây ô nhiễm trong giao thông tại hai siêu đô thị Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhiều người Việt Nam nói với tôi cho rằng động thái này cũng được thiết kế để giúp đỡ cho các xe máy chạy điện của VinFast và cho doanh nghiệp kinh doanh xe buýt chạy điện, VinBus, mà Vingroup mới lập ra vào tháng 5/2019.
Khi tôi hỏi phó chủ tịch Thủy rằng Vingroup có đóng vai trò gì trong chính sách giao thông của chính phủ Việt Nam hay không, bà Thủy gạt bỏ ngay ý tưởng đó: “Chúng tôi không bao giờ vận động hành lang với chính phủ vì bất cứ điều gì cả”, bà nói.
Trình bày chung về tầm nhìn của ông Vượng dành cho Vingroup, bà Thủy nói tập đoàn này có một sứ mạng “rất nặng nề” là phải dẫn dắt nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam, với mục tiêu trở thành doanh nghiệp dẫn đầu hay chí ít là đứng thứ nhì trong mọi ngành kinh doanh họ làm. “Chúng tôi đã có may mắn trong các năm qua khi chính phủ hỗ trợ khối kinh tế tư nhân vươn lên hàng đầu”, bà Thủy nói. “Chúng tôi may mắn là đang có mặt đúng thời điểm và đang làm những gì tốt nhất cho đất nước.”
Chiếm lĩnh
Sự thâm nhập của Vingroup vào mọi mặt trong đời sống tại Việt Nam sẽ còn trở nên sâu sắc hơn nữa.
Năm ngoái, Vingroup làm cả thị trường ngạc nhiên bằng tuyên bố khởi động mảng kinh doanh điện thoại thông minh VinSmart, và một đơn vị mới trong tập đoàn chuyên về trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn.
Ông Vượng tuyển người một cách sâu rộng cho các hoạt động mới, săn tìm nhân tài từ giới người Việt sống ở nước ngoài, những người hay được gọi là Việt kiều. Vũ Hà Văn là một giáo sư toán học tại Đại học Yale đã có nhiều năm làm việc ở nước ngoài (ở Mỹ ông được biết đến với tên Van H Vu). Ông đã được chọn làm cố vấn chính cho Vingroup về trí tuệ nhân tạo.
Tôi đến nói chuyện với ông Văn tại khu Times City, một khu đô thị tại Hà Nội do Vingroup xây dựng. Khu này là một minh họa sống động cho tầm nhìn của Vingroup: bên cạnh các căn hộ chung cư cao cấp Vinhomes là bệnh viện quốc tế Vinmec, một ngôi trường Vinschool, một thủy cung Vinpearl, và một khu mua sắm Vincom Mega Mall.
Trong văn phòng Vingroup có đầy các ghế lười hạt xốp và tranh ảnh Bill Gates với Steve Jobs, ông Văn bảo tôi rằng công việc của họ là nghiên cứu các ứng dụng dữ liệu lớn sẽ cho phép Vingroup cung cấp thêm các dịch vụ khác khi tập đoàn này mở rộng các ngành kinh doanh điện thoại, TV thông minh, nhà cửa và xe hơi.
Ví dụ, các cửa hàng siêu thị VinMart có thể sử dụng các “camera thông minh” để lưu lại thông tin về thời gian khách hàng nán lại một gian hàng nào đó trong siêu thị.
Ông Văn cũng nói với tôi rằng đơn vị nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Vingroup đang tiến hành các nghiên cứu với mục đích “trợ giúp cộng đồng khoa học và xã hội nói chung”. Trong số đó có một nghiên cứu làm bản đồ gen người cho Việt Nam.
Qua một chương trình có khả năng giúp ích cho ngành công nghệ cao còn non trẻ của Việt Nam, Vingroup còn đang cấp học bổng cho các sinh viên cao học tài năng, những người này không hề có nghĩa vụ bắt buộc phải làm việc cho Vingroup sau khi tốt nghiệp.
“Chúng tôi cho rằng nếu lực lượng lao động của cả nước lớn mạnh, chúng tôi cũng sẽ hưởng lợi thôi,” ông Văn bảo tôi.
Tuy nhiên, với việc Vingroup và các công ty đang lên khác gia tăng ảnh hưởng và cho ra lò các công nghệ mới đầy quyền năng, giới hoạt động xã hội dân sự nói rằng cần phải có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả giới doanh nghiệp lớn.
Các quan điểm phê phán và các báo cáo khắt khe về giới doanh nghiệp lớn rõ ràng là đang thiếu vắng trong môi trường truyền thông bị nhà nước kiểm soát của Việt Nam. Các đơn vị truyền thông Việt Nam không chỉ phải hoạt động dưới bàn tay kiểm duyệt của nhà nước, họ thường vật lộn về mặt tài chính và rất ngại làm phiền lòng các doanh nghiệp mua nhiều quảng cáo.
Mối quan hệ giữa cánh nhà báo và các doanh nghiệp thường khá là nhập nhằng. Giống như tại Trung Quốc, các phóng viên Việt Nam thường được trả lương thấp và họ thỉnh thoảng được các doanh nghiệp cho thêm các khoản tiền mặt nhỏ mỗi lần họ đến dự các buổi họp báo.
Khi tôi đến dự buổi khai trương mẫu điện thoại Vsmart tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 12 năm ngoái, trong bộ tài liệu quảng cáo dành riêng cho báo giới mà bên Vingroup trao cho tôi có kèm một phong bì hai triệu đồng (khoảng 85 đô-la Mỹ). Tôi trả cái phong bì đó lại cho một nhân viên Vingroup.
Bên Vingroup xác nhận rằng tại Việt Nam “theo thông lệ” doanh nghiệp thường mời các phóng viên ăn trưa sau buổi họp báo. Một khoản “tiền tiêu vặt” thường được doanh nghiệp trao cho các phóng viên trong trường hợp doanh nghiệp không thể tổ chức ăn trưa. (Các bữa ăn trưa của tôi ở Hà Nội đều do tòa soạn Financial Times trả, ít khi nhiều hơn 10 đô-la Mỹ.)
Khi tôi mới lần đầu viết bài về VinFast cho Financial Times năm 2018, công ty này đã liên lạc với tôi chỉ vài phút sau khi bài báo được đăng lên mạng. Họ yêu cầu chúng tôi xóa bỏ một câu trong bài nói về mối quan hệ giữa Vingroup với hãng BMW vốn đang hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho VinFast. Vingroup không hề nói rằng câu đó sai sự thật. Financial Times từ chối yêu cầu xóa câu đó của họ.
Tuy nhiên, trong cõi mạng Việt Nam, các tin bài với những chi tiết gây tranh cãi thường biến mất sau khi có sức ép từ các doanh nghiệp hay quan chức nhà nước.
Tranh luận về tầm ảnh hưởng đang lớn mạnh của Vingroup thường sống động hơn trên các mạng xã hội. Việt Nam hay được miêu tả là một phiên bản nhỏ của Trung Quốc, nước láng giềng cộng sản của Việt Nam. Tuy nhiên, có một lĩnh vực mà phép so sánh này trật lất: mạng internet. Trung Quốc xây dựng mạng internet riêng của họ phía sau bức “vạn lý tường lửa” để không cho các dịch vụ mạng xã hội từ Mỹ xâm nhập. Việt Nam thì lại vẫn cho phép Facebook, YouTube và Google hoạt động.
Người Việt Nam được tự do nói những gì họ nghĩ hơn người Trung Quốc nhưng thỉnh thoảng họ vẫn phải gánh chịu hậu quả của việc đó.
Sử dụng một luật an ninh mạng khắt khe mới ban hành, chính phủ Việt Nam đang cố gắng kiểm soát các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ từ Mỹ cũng như môi trường tự do ngôn luận mà các doanh nghiệp này cung cấp. Chính phủ Việt Nam đang cảnh giác với vai trò của mạng xã hội trong việc tạo điều kiện cho người dân tổ chức các cuộc biểu tình lớn. Những cuộc biểu tình như thế đã diễn ra trong những năm gần đây, ví dụ như cuộc biểu tình năm 2016 liên quan đến việc một nhà máy thép của Đài Loan xả hóa chất độc hại ra bên ngoài.
Quyền lực
Một chiều nọ ở Hà Nội, tôi gặp Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động thuộc cộng đồng bất đồng chính kiến tuy nhỏ nhưng rất có tiếng nói tại Việt Nam.
Tuấn đã có nhiều bài viết sắc sảo trên Facebook về các thương vụ đất đai lớn có dính líu tới các đại doanh nghiệp tư nhân và giới quan chức chính phủ. Trong một loạt bài bắt đầu từ cuối năm 2016, Tuấn chất vấn cách mà Vingroup đã dùng để có thể giành được một mảnh đất đắt đỏ nằm ở trung tâm Hà Nội vốn có liên quan đến việc cổ phần hóa một doanh nghiệp nhà nước chuyên kinh doanh dịch vụ triển lãm.
Tuấn đặt câu hỏi về giá tiền mà Vingroup đã trả, về quy trình mà Vingroup dùng để lấy được đất, và về một quyết định của Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội cho phép Vingroup xây dựng các tòa nhà chọc trời trên khu đất đó. Việc xây dựng này bất chấp các quy định nghiêm ngặt về kiểm soát độ cao công trình vốn được áp dụng bên trong khu vực nội đô mang tính lịch sử của thủ đô Hà Nội. (Vingroup nói rằng họ đã xin được giấy phép cho việc xây dựng công trình đến 50 tầng tại khu đất đó.)
Tuấn kể rằng vào tháng 5/2018, anh đã bị giữ lại tại sân bay TP. Hồ Chí Minh khi vừa đi nước ngoài về. Tuấn đã bị giữ 15 tiếng đồng hồ bởi các sĩ quan đến từ Phòng A67, đơn vị chống khủng bố của Bộ Công an đầy quyền lực tại Việt Nam. Chính Bộ Công an này đã chủ trì việc soạn thảo luật an ninh mạng của Việt Nam. Tuấn kể rằng một viên chức đã nói với anh: “Anh phải xóa bài về Vingroup và cách họ chiếm khu đất kia.”
Không sợ hãi, Tuấn viết tiếp một bài khác kể lại cả vụ việc bị tạm giữ này. Anh viết: “Nếu các ông muốn tôi xóa bài về đảng hay về chính quyền thì tôi còn hiểu. Nhưng tại sao các ông lại muốn tôi xóa bài về Vingroup?”. Tuấn vẫn để các bài đó trên trang Facebook của mình.
Tuấn không phải là người duy nhất đã đặt câu hỏi về các thương vụ đất đai của Vingroup, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công khai hỏi rằng ai cho phép xây dựng công trình cao tầng trong nội đô Hà Nội. (Các tài liệu đã được công khai cho thấy rằng Vingroup mua lại đến 90% cổ phần của công ty triển lãm, dựa trên đề xuất của công ty đó, trong một vụ mua bán cổ phần mà Vingroup là bên duy nhất đi mua.)
“Tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng người Việt Nam xứng đáng có một đất nước tốt đẹp hơn”, Tuấn nói với tôi. “Nhưng để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi cần một nền báo chí tự do, chúng tôi cần tự do hiệp hội, và chúng tôi cần tự do hội họp để người dân có thể được lắng nghe”.
Sơn Đặng, một kiến trúc sư ngụ tại Nha Trang, nói rằng anh để ý đến khu công viên hoang dã trên đảo Phú Quốc của Vingroup sau khi nhìn thấy hình ảnh khu công viên này trên bản đồ Google Earth. Sơn nhận thấy công viên này được xây dựng trên đất thuộc quy hoạch rừng quốc gia của Việt Nam.
Sơn bèn viết một bài phê phán Vingroup trên Facebook. Bài viết lan toả nhanh chóng và được trích lại trên trang BBC Việt Ngữ – một nguồn tin không kiểm duyệt của nhiều người dân trong nước.
“Sau khi tôi đăng bài đó, tôi bị chỉ trích gay gắt trên trang của mình. Các chỉ trích đó đều bảo vệ Vingroup”, Sơn kể với tôi. Anh nói rằng anh cũng đã bị sách nhiễu tại chính nhà mình, nhưng anh yêu cầu tôi không viết chi tiết về việc đó để tránh nguy cơ bị trả đũa.
Các hậu quả rõ là nặng tay nói trên dành cho những người chỉ trích Vingroup không chỉ xảy ra cho những người thuộc cộng đồng bất đồng chính kiến nhỏ bé của Việt Nam.
Trong một buổi chuyện trò cà phê sáng tại một khách sạn sang trọng ở Hà Nội, tôi đã gặp một nhóm chuyên gia và doanh nhân giàu có. Họ đều nói rằng họ đã bị công an Việt Nam hỏi thăm vì chỉ trích Vingroup.
Năm người mua căn hộ trong khu đô thị Vinhomes Skylake đã kể với tôi rằng họ đã phải trả những mức giá cao nhất tính trên mét đất cho các căn hộ hạng sang. Nhưng họ vẫn chưa được chuyển vào ở các căn hộ đó. Một con đường dẫn vào khu nhà, cùng với một cái hồ (được nêu trong tên khu đô thị) vốn phải được xây vì là một phần trong dự án “Xây dựng-Chuyển giao” – đến giờ vẫn chưa có.
Những nhà đầu tư địa ốc cáu kỉnh thì ở đâu trên thế giới cũng có cả. Nhưng nhóm năm người này phàn nàn rằng phản ứng của Vingroup đã làm cả bọn họ ngạc nhiên.
Hồi tháng 1/2019, khoảng 250 khách mua căn hộ Skylake đã gặp Vingroup để yêu cầu tập đoàn này giải thích lý do giao nhà chậm trễ. (Các khách mua nhà này kể lại rằng địa điểm diễn ra cuộc gặp đã phải thay đổi hai lần do yêu cầu từ công an.) Cuộc gặp không đưa ra được giải pháp gì. Vingroup chuyển vấn đề cho bên luật sư của họ.
Sau cuộc gặp, một số khách mua nhà tham gia cuộc gặp đã nhận được những tin nhắn điện thoại từ những số lạ. Họ kể với tôi rằng những tin nhắn này đe dọa “an toàn của gia đình” họ.
Họ bèn tổ chức hai cuộc biểu tình vào tháng Ba vừa rồi. Cuộc biểu tình đã có mặt cả công an và “những kẻ nhìn như bọn mafia trong các series phim bạo lực Hollywood”. Họ cho tôi coi hình của một nhóm người đàn ông trẻ, một vài người trong nhóm đó mang khẩu trang và cầm dù (trong một ngày không mưa). Những kẻ đó lườm mắt vào camera chụp hình. Một người trong nhóm các khách mua nhà đã bị trầy xước do xô xát với một kẻ trong nhóm người lạ đó.
Truyền thông nhà nước có đưa tin về tranh chấp tại khu đô thị Skylake. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, các bài báo biến mất khỏi mạng internet sau khi được đăng tải.
Sau khi tôi phỏng vấn những vị khách mua nhà nói trên vào tháng Tư vừa rồi, hai người trong số họ đã bị công an gọi điện và đến nhà hỏi thăm. Bên công an cảnh báo họ không được nói chuyện với phóng viên hay đăng bài trên Facebook (một cuộc gọi diễn ra ngay trong lúc tôi đang phỏng vấn một người. Cuộc gọi đó cảnh báo người này không được nói chuyện với người ngoại quốc).
Nhóm khách mua nhà kia gửi email cho tôi sau các cuộc phỏng vấn. Họ yêu cầu tôi không nêu tên họ nhưng thỉnh cầu tôi phải kể câu chuyện của họ ra.
Tuy không thể liên kết trực tiếp Vingroup với bên công an và với nhóm những kẻ đeo khẩu trang, các vị khách mua nhà đầy bất bình của khu Skylake tin rằng có một mối dây liên kết cả ba nhóm đó.
Khi tôi hỏi Vingroup về các cuộc các chạm trán nói trên, Vingroup nói rằng các thông tin này “không chính xác” và “rõ ràng là dựa trên những nguồn không khả tín hay những tin đồn thất thiệt”.
Khi tôi hỏi Vingroup về vụ tranh chấp Skylake, họ xác nhận rằng các công trình công cộng [thuộc dự án Skylake – ND] đang được Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội tiến hành. “Chúng tôi không thể can thiệp [vào các công trình đó]”. Và rằng chi tiết này đã được nêu trong hợp đồng mua bán nhà với các khách hàng, đồng thời đã giải thích cho họ. “Nhưng một số người từ chối không chịu hiểu”.
Một dấu hiệu cho tầm ảnh hưởng khủng khiếp của Vingroup chính là việc một loạt người Việt Nam mà tôi đã phỏng vấn, bao gồm bốn chuyên gia chuyên phân tích tài chính về Vingroup, đều từ chối cho tôi dẫn lời mà có nêu tên họ. Họ sợ Vingroup sẽ không hài lòng.
Chính Vingroup cũng giám sát mạng xã hội. Họ làm một việc mà người Việt Nam gọi là “hóng” (social listening) và trong một số trường hợp, Vingroup tiến hành can thiệp, cho dù là những vấn đề nhỏ.
Đỗ Thanh Huyền, một người làm việc tại Hà Nội, kể với tôi rằng Vingroup đã liên hệ với cô sau khi cô phàn nàn về tập đoàn này trên Facebook. Huyền phản ánh rằng một máy trộn xi măng tại một khu đô thị của Vinhomes đang nằm chắn trên một đoạn lề đường, khiến cho người đi bộ phải đi xuống lòng đường đông đúc xe cộ.
Nhân viên của Vingroup đã liên lạc với Huyền nói rằng họ đang xử lý vấn đề nên yêu cầu Huyền phải gỡ bài trên Facebook xuống. Huyền từ chối. Cô bảo tôi: “Tôi nói với họ ‘Không, đó là những gì tôi thấy. Tôi muốn các anh phải tôn trọng không gian công cộng’”.
Huyền nói tiếp: “Việc này không chỉ là về xe hơi, về xe máy điện, về trí tuệ nhân tạo hay về trường đại học; đây là về cái cách mà họ đang cố gắng kiểm soát xã hội. Chúng tôi cần phải học những bài học từ các chaebol”.
Vingroup xác nhận rằng họ có theo dõi mạng xã hội với mục tiêu “xử lý nhanh” nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng của họ. “Thông thường, những người phàn nàn trên mạng xã hội đều tự nguyện sửa bài hoặc xóa bài”, Vingroup cho tôi biết.
Cái bóng chaebol
Tranh cãi về Vingroup xuất hiện trong một thời điểm quan trọng đối với các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Các chaebol ở Hàn Quốc đã từng là nền tảng cho kỳ tích phát triển kinh tế của nước này. Nhưng các chaebol cũng liên tục làm xáo trộn hệ thống tài chính Hàn Quốc và gặp hàng loạt các bê bối. Một bê bối năm ngoái dẫn đến án tù dành cho cựu tổng thống Park Geun-hye.
Một chuyên gia người Hàn Quốc nói rằng có một rủi ro là các doanh nghiệp mới nổi của Việt Nam, dẫn đầu là Vingroup, có thể trở thành những doanh nghiệp “quá lớn để có thể thất bại” (too big too fail). Việc này mang lại những hậu quả nhất định cho cả nền kinh tế và xã hội Việt Nam.
“Nếu Vingroup hay các doanh nghiệp khác chiếm một phần đáng kể việc sản xuất hay nguồn việc làm của Việt Nam, chính phủ sẽ không có lựa chọn nào ngoài việc phải dựa dẫm vào các doanh nghiệp lớn đó để điều chỉnh chính sách kinh tế”, Woochan Kim, một giáo sư dạy ngành kinh doanh của Đại học Korea, nói với tôi qua điện thoại từ Seoul. “Rất khó để quản lý các doanh nghiệp này, và truyền thông trong nước sẽ phụ thuộc nặng nề vào quảng cáo từ Vingroup và các doanh nghiệp khác. Phụ thuộc tới mức truyền thông sẽ không đưa tin về các bê bối của doanh nghiệp”.
Không thể biết được là giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam có đang thảo luận chuyện này hay không. Công chúng hiếm khi biết đến các tranh luận chính trị trong nội bộ đảng. Nhưng chính sách mang dấu ấn nhất của vị lãnh đạo đảng, ông Nguyễn Phú Trọng, chính là chiến dịch chống tham nhũng vẫn đang tiếp diễn. Chiến dịch này đã khiến một loạt cựu quan chức và doanh nhân vào tù.
Hồi tháng Tư vừa rồi, công an bắt Phạm Nhật Vũ, em trai Phạm Nhật Vượng, với nghi vấn đưa hối lộ trong một vụ bê bối của một doanh nghiệp truyền thông. Vụ bắt giữ này có vẻ không liên quan đến Vingroup, tuy nhiên, nhiều người xem đây là một dấu hiệu cho thấy nhà nước Việt Nam đang ngày càng ít dung túng cho các sai phạm của những kẻ chóp bu.
Trong điều kiện là nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh, cùng với việc kinh doanh địa ốc – nguồn tiền chính cho các ngành kinh doanh mới đầy rủi ro của họ – vẫn đang ăn nên làm ra, Vingroup sẽ tiếp tục chiếm thế thượng phong và ngày càng lớn mạnh.
Nhưng quỹ đạo phát triển của các doanh nghiệp ít khi nào là một đường thẳng, kể cả những doanh nghiệp ở Việt Nam, nơi mà doanh nghiệp lớn nhất trong nước có vẻ, trong một chừng mực nào đó, ít nhất là vẫn đang dựa dẫm vào sự ủng hộ từ giới chóp bu cầm quyền.
“Giờ đây, tôi nghĩ rằng, nếu mọi thứ vẫn tiếp tục như hiện nay, Vingroup sẽ là một trong những doanh nghiệp tư nhân được quản lý tốt nhất tại Việt Nam”, Alexander Vuving nói. Tuy nhiên, ông phân tích thêm: “Vì thành công của một doanh nghiệp tư nhân ở đất nước này tùy thuộc vào mối quan hệ của họ với các chính trị gia, số phận của họ tùy thuộc nhiều vào các dàn xếp chính trị nội bộ bên trong giới tinh hoa cầm quyền”.
Phùng Anh Khương dịch
Tác giả John Reed là phóng viên phụ trách Đông Nam Á và là trưởng văn phòng Bangkok của Financial Times.
Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2019/06/vingroup-va-su-troi-day-day-nghi-van-cua-mot-de-che-kinh-te/
0 Bình luận