Xem tranh Bùi Chát
Lần đầu tiên ra mắt, nhưng Bùi Chát vẽ đã hơn 10 năm. Tranh chất đống ở nhà hàng trăm bức. Hầu hết là tranh khổ lớn…
Trong triển lãm này, ở tư cách giám tuyển, tôi chỉ chọn ra gần 30 bức. Tôi muốn, và có thể chọn được nhiều hơn, nhưng tổng diện tích tường ở Alpha Art Station chỉ cho phép bày được bấy nhiêu…
Tôi biết, và quen Bùi Chát từ năm 2000. Đã hơn hai mươi năm. Hơn mười năm qua, đọc thơ, và theo dõi các hoạt động của Bùi Chát trên các lĩnh vực văn hoá văn nghệ, với tôi, Bùi Chát là một nhân vật “đáng nể”…!
Nhưng, tất cả những điều đó không phải là lý do để tôi hào hứng đứng ra giới thiệu tranh Bùi Chát. Trước triển lãm, tôi đã đến xưởng vẽ và xem gần hết tranh của Bùi Chát hai lần. Ngay từ lần đầu tiên, tranh Bùi Chát đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng, đã gợi ra nhiều vấn đề để suy nghĩ…
Tôi sẽ không ngạc nhiên, nếu Bùi Chát vẽ theo lối tượng trưng hay biểu hiện. Gần như hầu hết các nhà thơ, nhà văn và nhạc sĩ băng ngang qua hội họa, đều chọn theo lối tượng trưng hay biểu hiện. Dễ hiểu, vì đó là cách “dễ nhất” cho họ. Họ, ai cũng đầy những ý tưởng, những hình tượng và biểu tượng trong tâm trí để giãi bày lên mặt tranh. Và, cách giãi bày theo các khuynh hướng này, không đòi hỏi phải tuân theo các khuôn mẫu hàn lâm hay tiêu chuẩn khách quan nào. Nói chung, nó chủ quan và thuộc về “sở trường” của họ. Tranh họ, như vậy, cũng dễ phù hợp với “tâm cảm đương đại,” dễ chạm vào tâm tưởng người cùng thời, nên cũng dễ dàng được công chúng rộng rãi đón nhận…
Bùi Chát đã chọn trừu tượng, là điều đầu tiên đáng để ngạc nhiên. Bùi Chát biết từ bỏ “cái mạnh” trong tư duy của mình, từ chối con đường “dễ” cho mình.
Lựa chọn trừu tượng, là lựa chọn cái “phi khách quan,” “phi tượng hình,” “phi đại diện,” là lựa chọn phiêu lưu, là lựa chọn tìm kiếm, và cả bất an. Theo tôi, đây là điều đáng quý.
Điều thứ hai, khiến tôi thực sự ngạc nhiên, là khi lựa chọn trừu tượng, Bùi Chát đã không sa vào khuynh hướng trừu tượng hoá – hiểu theo nghĩa giản lược hoá còn có thể quy chiếu về thế giới đối tượng – hay khuynh hướng “lẹt quẹt” vô ý thức chỉ nhắm đến cái đẹp hiểu theo nghĩa cân bằng thị giác v.v. khá phổ biến trong thế giới “nghệ thuật trừu tượng”…
Bùi Chát cho hội họa của mình là hội họa “tình huống.” Tôi không đồng tình. Bởi thực tế, tình huống, và ứng biến, luôn là vấn đề của con người – nói chung. Khác nhau ở mỗi người, là họ phải đối diện với các loại tình huống gì, và ứng biến ra làm sao…
Tuy nhiên, cái ý niệm “tình huống” Bùi Chát đưa ra, lại gợi cho tôi vài suy nghĩ khác có ý nghĩa tổng quát hơn khi đối diện với các tác phẩm “trừu tượng.” Nói như nhà thơ, nhà phê bình mỹ thuật Anh quốc Sir Herbert Read, “Ý niệm về phẩm chất chính là ý niệm về cái đẹp, và rốt cuộc, ý niệm về cái đẹp mang ý chí sống còn. Không có nó, chúng ta không là gì.” Trong nghệ thuật trừu tượng, ý niệm về phẩm chất bộc lộ qua sự ứng biến liên tục trước những tình huống nghệ thuật không ngừng biến hoá trên bề mặt tác phẩm, và ý niệm về phẩm chất, bởi vậy, cũng chính là ý niệm về sức sống, về cái “khí vận sinh động” nơi tác phẩm.
Trừu tượng của Bùi Chát, bằng thứ “ngôn ngữ tự trị” thuần khiết của hình và màu, thực sự là một thứ hiện thực tâm cảnh. Mỗi bức tranh đều bộc lộ một trạng thái tinh thần, biểu hiện cho một sự thật nào đó trong góc khuất tâm hồn…
Rất khó dùng chữ nghĩa để diễn tả những cái “hiện thực,” “trạng thái,” và “sự thật” này. Nhưng chúng tồn tại trong tranh, như một thứ năng lượng, gây nên những xáo động trong tâm tư người đối diện…
Trước tranh Bùi Chát, mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau. Và ở mỗi người, từng lúc, cũng có thể có cảm nhận khác. Nhưng điều quan trọng, theo tôi, nó có nguyên cớ từ chính tác phẩm.
“Tâm tình tác động, nghệ thuật hoàn thành,” E. H. Gombrich đã nói như thế!
Nguyên Hưng
(Saigon 15/7/2022)
0 Bình luận