Nhớ hồi xưa, lúc hắn vừa mới được thả về nhà sau năm năm rưỡi cải tạo, hắn đã phải làm đủ thứ nghề để nuôi sống gia đình: Chẻ củi, đạp xe ba bánh, làm cho lò nước tương…..Nhưng hiển hách nhất là khi hắn làm phu bốc xếp tại cửa hàng lương thực số 4, chợ gạo Trần Chánh Chiếu, Chợ Lớn. Tại đây hắn đã được anh em bầu lên làm Tổ Trưởng tổ bốc xếp, chỉ nhờ vào hắn biết làm toán chia. Trước đó anh em bốc xếp đánh nhau như cơm bữa chỉ vì cuối ngày chia tiền không đều. Họ thiếu học nhưng thừa hăng máu với nhau, tội lắm. Cũng tại đây, ngày nào chiếc loa phường treo trong chợ cũng ra rả bài hát Giữa Mạc Tư Khoa Nghe Câu Hò Nghệ Tĩnh: ” Ngày xưa người ra đi vì câu hò ví dặm, tìm khắp bốn phương trời con đường lên no ấm….” Bố láo. No ấm đâu không thấy, chỉ thấy những bao gạo oằn trên vai, mà tối về thu nhập chỉ đủ để mua gạo và 2 cái hột vịt chiên cho cả gia đình xúm vào ăn. Làm sao gắp? Vợ chồng hắn chủ yếu chỉ chan nước tương và nhìn các con ăn.

Năm nay, đúng theo chương trình, chiếc du thuyền Celebrity Summit ghé thành phố Quebec City của Canada cho du khách lên bờ đi thăm thú. Đây là một thành phố đẹp, cư dân ở đây nói tiếng Pháp và chỉ sống nhờ vào khách du lịch. Nhờ Gu Gồ chỉ lối, anh em hắn tìm ra được một quán Starbuck gần nhất. Quán cà phê có Wi Fi này nằm ngay cạnh một quảng trường không to lắm nhưng đẹp, và đây cũng là một trong những điểm tham quan chính của các tour du lịch đến thành phố.

Sau hơn 3 tiếng miệt mài check mail, check facebook chán chê, bọn hắn rời quán cà phê bước ra để hưởng ánh nắng chan hoà của quảng trường. Tại đây hắn nhìn thấy một nghệ sĩ đường phố đang đứng thổi kèn Saxophone. Hắn chẳng biết ông ta đang thổi bài gì, về nhạc ngoại quốc hắn kém lắm, nhưng cảm cái tình nghệ sĩ, hắn cũng lò dò lại bỏ 1 đô la vào cái chậu đựng tiền trước mặt ông. Người nghệ sĩ gật đầu cảm ơn hắn và ngay sau đó thổi qua Bài Không Tên Cuối Cùng của Vũ Thành An. Hắn giựt mình, bà chị đi sau hắn cũng ngạc nhiên thích thú, thế là bà chị hắn hào phóng thả xuống nguyên tờ 5 đô la. Rồi ba anh chị em hắn bèn ngồi xuống cái băng ghế gần đó, vừa trố mắt ra thưởng thức, vừa hỏi lẫn nhau tại sao ông ta biết tụi mình là người Việt Nam? Chưa hết, chắc có cảm hứng từ 6 đô la kiếm được trong vòng mấy phút, ông ta liền thổi tiếp bài Hạ Trắng của Trịnh Công Sơn. Hạ Trắng mà thổi bằng Saxophone thì nghe chỉ có từ chết tới bị thương thôi. Hắn lịm đi, còn ông anh hắn vẫn túc tắc đi được tới cái chậu đựng tiền, bỏ thêm vào đó bao nhiêu thì hắn không rõ.

Tôi đưa em về, chân em bước nhẹ, trời buồn gió cao. Đời xin có nhau, dài cho mãi sau. Nắng không gọi sầu, áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau…..

Nhạc thế mới là nhạc chứ. Ai lại đi ” Điệu hò sông nước, lưu luyến tình đất nước, gợi lên hình của bác lúc tìm về Lê-Nin…” Tầm bậy tầm bạ. Cái thứ nhạc viết theo đơn đặt hàng của chính trị này bây giờ có ai nhớ, ai hát nữa đâu?

Nghe xong, bọn hắn trở về tàu để chuẩn bị ăn buổi tối. Bữa ăn tối nay hứa hẹn sẽ ngon hơn các bữa khác, bởi vì là buổi tiệc do thuyền trưởng đãi, mọi người được yêu cầu phải mặc đồ đẹp.

Và chỉ khi ngồi ăn gần tàn tiệc rồi, đưa ly rượu chát lên môi, hắn mới thoáng qua một ý nghĩ: Ở Mỹ này, không có tay phụ bếp nào trốn xuống tàu đi tìm đường cứu nước, mà sao dân tình sống sướng thế nhỉ? Hắn qua đây cũng chỉ làm lao động tay chân, lãnh đồng lương thấp kế chót trong thang lương của xã hội Mỹ, rồi về hưu, nhưng chẳng có một ngày nào hắn phải lo toan với cơm áo gạo tiền.

Thì ra, mức sống của người dân sướng hay khổ tuỳ thuộc vào cách quản lý và điều hành đất nước của những người cầm quyền, gọi tắt là chính phủ. Chính phủ lương thiện, tận tuỵ lo cho dân thì thằng dân sướng. Còn chính phủ lưu manh, chỉ lo vơ vét cho bản thân, rớ vào thằng quan chức nào là đi tù thằng đó, thì người dân chỉ có từ chết tới bị thương.

Tất nhiên, cái từ chết tới bị thương này khác hẳn với cảm giác từ chết tới bị thương đầy lãng mạn, mà hồi lúc chiều, ngồi ở Quebec City, hắn đã đắm mình theo tiếng nhạc du dương của tay saxophone đang cong mình lên thổi bài Hạ Trắng…/.

Loc Duong

Nguồn: Trang FB của Loc Duong

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận