Du Tử Lê Mẹ, Và Trường Ca
Thơ Du Tử Lê thường làm tôi nhớ mẹ. Nhớ một ngày cuối năm tôi đưa mẹ tôi ra bến xe đò liên tỉnh miền Đông, mua vé cho bà về quê ngoài Trung ăn Tết. Mẹ tôi bất ngờ, bà hỏi nhỏ, sao đứa con trai út của bà, đứa con trai duy nhất của bà, sau khi anh tôi mất, từ lâu, như một người lính trên chiến trường, không giữ bà ở lại? Tôi quay mặt đi, cằn nhằn: Tết này con học hành công việc bận lắm, mẹ cứ về trước lo cúng giỗ. Ra giêng con sẽ về thôi. Tôi đã nói dối mẹ tôi lần đó. Biết bao lần tôi đã nói dối mẹ? Tôi biết tôi sẽ không ăn tết ở Việt Nam. Một nơi nào đó, nhưng không phải Việt nam. Có thể là trên biển Đông. Hay là không có một cái Tết nào cho tôi cả.
Mẹ mặc chiếc áo nâu sẫm bằng hàng satin, chiếc quần
Mỹ Á màu đen, hơi bạc màu, nhưng còn mới, những thứ bà vẫn để dành mặc mỗi khi ra ngoài. Tôi nhớ thời nhỏ mặc dù gia đình tôi không đến nỗi nghèo, bà vẫn có tính cần kiệm, vào mỗi năm vào ngày khai trường chỉ sắm cho các con mỗi đứa một bộ quần áo, riêng mình thì mặc thứ vải thô tiện dụng cho công việc vườn tược đồng áng. Xe chuyển bánh, bà kịp thò đầu ra ngoài đưa chiếc nón ra vẫy, vành nón lá hắt xiêu xiêu ánh mặt trời chiều che khuất một phần hàng chữ màu đỏ trên thành xe mà lớp sơn xanh lá mạ tróc vảy nhiều choã: xin đừng thò đầu và tay ra ngoài.
Sau này, ở xa đất nước hàng ngàn dặm, đôi khi giữa những giờ làm việc căng thẳng, trong buổi trưa chợp mắt, mệt nhoài, tôi thường mơ thấy mẹ tôi, chiếc áo ngắn màu nâu bằng vải satin và chiếc nón của bà bay phấp phới. Bên kia biển Đông. Tôi chưa từng có ý kể với ai điều riêng tư này. Cho đến khi tôi đọc Du Tử Lê vào năm 1989 và trường ca của anh: Trường khúc Mẹ vể biển Đông, phụ tập của một tập thơ. Anh là một trong những người đầu tiên nói với tôi rằng, một người đàn ông trưởng thành có thể khóc không phải chỉ trong bóng tối, và anh ta có thể kể cho người khác nghe về những bí ẩn của đời sống mình, có thể nói về mẹ như một đứa con trai nhỏ bé.
Vì nói cho cùng có một người nào trên đời này lại có thể thoát khỏi, bước ra khỏi, chiếc bóng của mẹ mình?
Mẹ nằm thế chỗ cho con
Thịt xương cõi khác. Biển vàng sau lưng
Du Tử Lê mất cha từ năm anh lên ba tuổi. Hình ảnh nào của ông còn in lại trong tâm trí non dại của anh? Sự thiếu vắng người cha trong gia đình đã ảnh hưởng đến anh ra sao? Người đàn bà góa bụa sẽ dồn tình thương yêu đối với chồng lên các con của mình, nhất là con trai. Ngược lại, những đứa trẻ cũng đi tìm nhiều hơn ở người mẹ sự đùm bọc chở che. Quan hệ mẹ con, cùng với các quan hệ khác như cha con, anh chị em, bà con và bè bạn, tạo nên sợi dây nối kết vững bền, là rễ của cây, chúng càng mạnh mẽ, ăn sâu và đất, cây càng lớn, đâm cành trổ nhánh, ra hoa. Những biến đổi bất thường trong các quan hệ này sẽ dẫn đến những biến đổi khác ở đứa trẻ, tuổi mới lớn, tuổi bắt đầu trưởng thành. Một người mẹ quá nghiêm khắc với con, ít biểu lộ tình thương, sẽ mang lại sự giận dữ lặng lẽ ngấm ngầm, chỉ chờ dịp là hiện ra, một người mẹ quá thương yêu hoặc nuông chiều con, nhưng thiếu kỷ luật, sẽ tạo ra sự phóng túng, sự vô minh đối với các giới hạn, ở đứa trẻ.
Tôi tự hỏi do đâu mà Du Tử Lê chiêm nghiệm được điều này:
Hãy để một người đàn bà chưa một lần sanh nở
Biết được thế nào là sanh nở
Hãy để những đứa trẻ
Thiếu cả mẹ lẫn cha
Lớn lên
Sẽ tin cậy sự dịu dàng từ bàn tay kẻ khác
Đứa trẻ lớn lên trong một môi trường vừa thương yêu vừa nghiêm khắc mau chóng học được sự tin cậy ở người khác và sự bao dung đối với trần gian. Những đứa trẻ cùng lớn lên trong một gia đình cùng cha cùng mẹ có thể khác nhau vì bản thân mối quan hệ của chúng đối với cha mẹ cũng hoàn toàn riêng rẽ. Sự gắn bó của anh chị em trong gia đình và sự đối nghịch giữa họ cũng phần nào phản ảnh mối quan hệ của từng cá nhân đối với cha, nhất là mẹ mình. Tôi có cảm tưởng Du Tử Lê là người được mẹ anh thương yêu nhất nhà. Có phải không, hay chẳng qua chỉ vì tôi cũng là con trai út như anh?
Trường khúc mẹ về biển Đông hình như là trường ca duy nhất của Du Tử Lê, và hình như là trường ca duy nhất viết về mẹ trong nền thơ Việt Nam. Nhiều người bắt đầu biết đến nó, nhưng có lẽ ít người hơn để ý rằng anh là một trong những nhà thơ thường nhắc đến mẹ nhiều trong văn chương của mình. Hãy nghe đứa con trai nhắc lại:
Mẹ tôi chẳng bao giờ biết tới văn chương
Chẳng bao giờ bà cần biết tới
Bà chỉ có mỗi điều lo lắng
Là áo cơm, mồ mả
Anh nói về mẹ của anh hay mẹ của tôi? Hay mẹ của
những người khác nữa? Những người đàn ông Việt Nam, chỉ biết tới văn chương, hay chỉ biết tới chiến tranh, cách mạng, hay chỉ biết tới những điều lớn lao huyền ảo khác?
Ôi nếu một người đàn bà cả đời chỉ thờ chồng nuôi con
Miếng ngon không ăn
Mảnh vải đẹp không mặc
Mà vẫn phải xuống âm ty cho quỷ thần tra khảo
Thì biết còn ai lên niết bàn
Biết còn ai về lại biển Đông ?
Có lẽ đây là lời tụng ca đẹp nhất của một người con trai dành cho mẹ mình. Du Tử Lê cũng dành nhiều tâm tưởng cho kỉ niệm tuổi thơ, trong đó hình bóng của mẹ nghiêng xuống như sự dịu ngọt của sữa, như mùi thơm của hoa hoàng lan, như khói bếp lam chiều. Sao anh cứ nhớ về mẹ anh nhiều như thế, anh Du Tử Lê? Và ngoài ra, biết bao lần tôi cũng nghĩ về anh trai của tôi, đã mất, tương tự như thế này :
Con về mẹ ngỡ trong mơ
Chiếc xe ai đó vừa qua nhận còi
Có lẽ vì anh cô đơn quá, vì cõi người vừa chật hẹp vừa mênh mông, hay vì những người phụ nữ trong đời mình khi anh lớn lên lần lượt bỏ anh mà đi. Mỗi người một cách. Mối tình đầu tiên năm 18 tuổi, hay là sớm hơn. Mối tình kế tiếp, mối tình ở giữa, mối tình gần cuối, mối tình suốt đời. Nhưng có mối tình nào mà không suốt đời?
Chim có trời với đất rất thênh thang
Tôi chẳng có một chốn nào để ở
Hay vì chúng ta khi nào cũng thương cảm và ngưỡng mộ trước sự hy sinh của người mẹ, vô bờ, vốn là đức tính muôn đời không đổi của người phụ nữ. Tôi tin rằng sự hy sinh dành cho con của mẹ là một thứ gene di truyền mạnh khủng khiếp, mạnh nhất trong các di tử di truyền của loài người, thuần như đất, bền như kim cương. Du Tử Lê biết cách nói về điều đó, cũng giản dị mà chấn động lương tâm.
Lòng già sớm bạc cơn mong
Sáng vun chân mộ, chiều trông nhang tàn
Bao nhiêu người phụ nữ đi qua, hàng chục năm sau nghĩ lại, là bấy nhiêu lần tôi lầm lỗi. Đến một tuổi nào đó, trưởng thành hơn, mặc dù chẳng bao giờ hoàn toàn trưởng thành, người đàn ông tìm cách thu xếp lại tâm hồn mình. Muốn như thế, họ phải thương thảo với quá khứ. Làm cách nào? Họ không biết. Không ai dạy họ cả. Không có một cuốn sách nào dành cho tất cả mọi người. Họ dần dần, bằng cách vật lộn với các câu hỏi siêu hình mỗi ngày, nhận ra rằng sự bắt đầu có lẽ ở chỗ học cách tha thứ cho người khác. Nhưng thường khi, mặc dù không phải bao giờ cũng vậy, người đàn ông thấy mình có lỗi hơn, vì vậy nếu câu hỏi đẩy đến tận cùng, anh nhận ra muốn tha lỗi cho người khác trước hết là phải biết tự tha lỗi cho mình.
Nhiều khi anh không làm được điều đó. Anh gõ cửa phòng mẹ.
Xương tàn một dúm chưa yên
Cố lay lắt sống để đền lỗi con
Khi chúng ta cần mẹ, biết tìm bà ở đâu: có khi là ở một
nơi không ai mong đợi. Tôi tìm ra nhà quàn dễ dàng hơn tôi tưởng
Nơi đó không lâu
Tôi đã tới thăm một người bạn bị cháy.
mười năm sau cái chết của Ngạc
lần thứ hai tôi tìm tới một nhà quàn
tôi tới lần này, không phải để nhìn xác con hay xác bạn
mà để tìm xác chết mẹ tôi.
Cái chết của mẹ là sự thật đau đớn không ai có thể chấp
nhận nó dễ dàng.
Ta hãy nghe một nhà thơ khác nói về cái chết.
When death comes
Like a hungry bear in autumn
Khi cái chết đến bất thần
Như con gấu đói đến gần mùa thu
Mùa thu rừng núi Canada đẹp, hùng vĩ. Thỉnh thoảng tôi cùng bạn bè đi cắm trại và hiking trong rừng sâu. Len lỏi giữa các chân núi, những cánh rừng đỏ như những đám cháy, rừng bách hương và rừng phong. Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san. Đi một mình, bất ngờ gặp một con gấu đơn độc, khi mùa hè phong phú thức ăn và mật ong đã qua, là nỗi ác mộng kinh hoàng của bất cứ người lữ hành nào. Mới thấy hết sức mạnh của câu thơ trên của Mary Oliver. Mới thấy hết tác động thoạt đầu của cái chết lên tâm hồn Du Tử Lê. Mặc dầu, cái chết vì tuổi già có thể đến thanh thản cho người lớn tuổi, bao giờ cũng là nỗi bất ngờ cho người thân. Nhưng con người có một bản năng sinh tồn khác, đó là các phản ứng tâm lý liên tiếp để cân bằng.
Thoạt đầu, anh ảo ảnh
Từ Nam ra Bắc
Từ Bắc vô Nam
Cảnh tượng nào
Cũng ấp đầy xác chết
Cho đến khi anh đứng lên được, bình tĩnh lại, chịu chấp nhận cái chết của người mẹ, chịu tiếp tử thần trong nhà mình như một người khách. Và anh bắt đầu nhớ đến mẹ anh từ tuổi ấu thơ
Trí nhớ tôi là ngôi nhà nằm ven sông Đáy
Ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ
Có cánh cửa ngó xuống nỗi lầm than của mấy đời chạy giặc
những ngôi mộ xới nhanh
dấu đi những xác người chết trẻ
xác chị, xác anh
Nho Quan, mồng ba Tết
Anh bắt đầu nhận ra sự hy sinh của bà chính là sứ mạng mà bà nhận lấy trên cõi trần gian như một sứ thần đến từ cõi khác.
Nhưng anh học được cách đi lại con đường bình thường, hành xử bình thường, tập thản nhiên như bất kỳ một người đàn ông nào khác.
Mẹ tôi nằm trong chiếc áo quan màu dưa úa
Các chị tôi nhắm mắt chọn cho dù giá tiền khá đắt.
Những ngọn nến được thắp trên hai bàn thờ
Tôi nghĩ rằng lúc đó hoặc là anh đã khóc hết nước mắt hoặc là chưa nhỏ một giọt nước mắt nào cho mẹ anh. Tôi nghĩ rằng mọi người đàn ông đều có thể như thế khi đứng trước sự mất mát lớn lao này.
Về mặt thi pháp, trường ca Mẹ về biển Đông có thể nói là đã góp phần tạo nên một bước ngoặt trong thơ Việt Nam. Ở đây Du Tử Lê đã chọn một mạch ngôn ngữ khác, xa rời cách viết tượng trưng và lãng mạn thường thấy trong những bài thơ đầu tiên của anh, và cũng vượt qua bút pháp biểu hiện. Ngôn ngữ của bài thơ là một thứ ngôn ngữ hiện thực: anh dùng những hình ảnh thường gặp hàng ngày, giản dị, tự nhiên gần với lời nói.
Vòi nước từ chiếc bồn trước cửa tòa nhà chính
Phun hoài như thế chẳng biết đã bao năm
Giọng điệu của nhà thơ vì vậy có vẻ thản nhiên, thậm chí lạnh lùng (distant ).
Mẹ tôi nằm trong chiếc quan tài màu dưa úa.
Các chị tôi nhắm mắt chọn cho dù giá tiền khá đắt
Những ngọn nến được thắp trên hai bàn thờ
(Vốn là hai chiếc bàn bỏ không)
Chính giọng điệu lãnh đạm này đã đưa Du Tử Lê ra khỏi bút pháp hiện thực thông thường. Đây là cách trình bày thường thấy ở các nhà thơ haiku nổi tiếng của Nhật Bản. Bí quyết của haiku là tạo nên các hình ảnh chân thực của thế giới, như tự nó vốn như thế, không thêm bớt, không sửa đổi, không bộc lộ cái tôi của tác giả. Mặc dù trong trường ca Mẹ, Du Tử Lê dùng nhiều lần chữ “tôi”, đó là một cái tôi quan sát, không phải là một cái tôi tham gia vào các diễn tiến của câu chuyện, hoàn toàn khác với cái tôi lãng mạn, thường gặp như ở Thơ mới của Việt Nam.
Sự quan sát của anh trong bài thơ này thật tinh tế, có một chút tỉ mỉ rất cố tình. Anh từ tốn sắp xếp các sự vật theo một trật tự như tự nó vốn thế
Có người nhắc nhở tôi đi tìm ông giám đốc nhà quàn
Để khiêng xác mẹ tôi từ giường lăn, thả vào áo quan
Bằng hữu nêm cứng căn phòng
Tràn ngoài hành lang
Sự tương phản giữa một bên là sự xúc động nội tâm của một người đàn ông mất mẹ, lệ chảy bên trong, và một bên là dòng chảy lạnh lùng của các sự kiện và các vật thể, vốn không biết tới xúc cảm, đã tạo ra hiệu ứng nghệ thuật .
Tuy nhiên Du Tử Lê viết không gò bó, không tự ép mình trong một khuynh hướng nào: bút pháp của anh biến hóa tự nhiên. Anh sẵn sàng biểu hiện mình ra khi cần
Có người từng đến thăm mẹ tôi cách đây hơn hai năm
Có người chưa hề biết mặt ngang mũi dọc của bà
Tôi nắm tay đôi người
Muốn quì, lạy họ
Giữa các đoạn thơ tự do không vần, mạch đi phóng túng, thỉnh thoảng anh chen vào những khổ thơ ngắn viết kiểu cổ điển theo bút pháp thông thường của anh
Một linh hồn gần thế kỉ long đong
Ngay lúc sống đã tựa như thiên cổ
Tôi ở cùng tháng một mưa giông
Bàn tay nhỏ chơ vơ khoắng khua thời bú sữa
Đây là những đoạn tâm tình, làm cho âm điệu toàn bài biến đổi, là những nốt lặng cần thiết trong âm nhạc, làm cho người đọc chùng lại, nghĩ ngợi, xa vắng.
Nhưng đôi khi những khổ thơ ngắn, có vần, lại có hiệu ứng làm tăng lên tốc độ của bài thơ, như dòng nước lúc chảy qua chỗ hẹp, dốc, như suối réo rắt.
Tháng năm buồn đi qua
Đôi vai nào chẳng mỏi
Trái tim nào không chật
Khi ắp đầy xác khô
Hết chồng rồi tới con
Hết con giờ tới cháu
Ngữ pháp của Du Tử Lê ở ngôi thứ nhất, thì hiện tại, để mô tả sự diễn tiến trong một ngày, một giờ, một đoạn đời. Để bao phủ được nhiều sự kiện, anh phải dùng đến kĩ thuật của phim ảnh, chụp từ nhiều góc độ khác nhau như người nghệ sĩ nhiếp ảnh lia ống kính. Một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài ba bao giờ cũng biết chờ đợi và chọn khoảnh khắc vàng để bấm máy: anh ta không tác động lên các sự kiện, nhưng là người hiểu hơn ai hết các sự kiện sắp xảy ra. Không định trước, chuyến bay muộn đem tôi trở lại San Jose
Ngày thứ mười một, sau cái chết của mẹ tôi
Giọt lệ bốc hơi; bay khỏi nắm đất
Chỗ tôi ngồi, vạt cỏ đã xanh non
Không ai hỏi:
-Dưới huyệt sâu, mẹ tôi nằm, có lạnh?
Như dương gian mưa, gió đã đi, về
Tôi có cảm giác là ranh giới giữa thực và ảo, giữa thơ tự do và thơ có vần, đã bị Du Tử Lê vượt qua trong đoạn thơ này.
Sự nhào nặn giữa hiện tại và quá khứ làm cho bản trường ca ngoài tính hiện thực còn mang tính hoài niệm, nhưng là một hoài niệm đầy suy nghĩ.
Trí nhớ tôi là ngôi nhà mặt tiền con đường Phan Bội Châu, Hội An
Bước dừng chân di cư thứ nhất
Lịch sử của dân tộc Việt Nam cũng là lịch sử của những di dân ngay trong lòng đất nước mình. Nhưng đó là một lịch sử đầy những mất mát không biết rõ ngọn nguồn.
Mẹ tôi ngồi ca cẩm về người anh thứ hai của tôi
Đột nhiên mất tích
Trường ca Mẹ là lời tự tình của một người đàn ông xa xứ, là bản tiểu sử tâm hồn, là lịch sử một quốc gia được kí gửi lên bia mộ của một người đàn bà. Đó là một người phụ nữ lúc nào cũng nghĩ đến những người đã mất, và cái chết đối với bà không phải là sự đau đớn, mà như là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần của nòi giống tổ tiên, kế tiếp nhau truyền đi mãi.
Riêng mẹ tôi
Tính đến ngày chết
Thì sự giàu có của bà
Chỉ là những ngôi mộ
Người đọc tinh ý sẽ nhận ra trong cái phong cách irony của mình, Du Tử Lê đã dồn vào đó biết bao suy nghiệm về dân tộc. Trường ca “Trường khúc Mẹ về Biển Đông” dài khoảng trên dưới một ngàn câu thơ, hầu hết viết ở thể tự do, gồm bốn phần:
a. Khúc thứ nhất: Ngôi nhà trắng, chiếc quan tài và những cây phong ở đường Beach.
b. Khúc thứ hai: Những cánh cửa sổ, hồi chuông và, buổi sáng.
c. Khúc thứ ba: Những bông bird-flower, nắm đất và, sự trở lại.
d. Khúc thứ tư: Chuyến bay muộn, ký ức và mẹ ở xa. Khúc thứ nhất nói về lần đầu đến viếng mẹ anh ở nhà quàn.
Khúc thứ hai là những hoài niệm về tuổi thơ và mẹ.
Khúc thứ ba viết về ngày hạ huyệt.
Khúc thứ tư: chuyến bay trở lại thăm mẹ anh mười một ngày sau cái chết của bà. Các lần trở lại này, trong đời thật, cũng là những lần trở lại về mặt nội tâm. Mỗi lần như thế anh lại có cái nhìn khác hơn, mới hơn, sâu hơn. Và đối với hiện thực.
Lần đầu anh tới:
Tôi thèm ly cà phê, lời chào hỏi
Khu nhà trắng đẫm sương
Đưa anh trở lại:
Ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ
Có chiếc ngó xuống tám mươi năm làm người u ám
Đến lúc anh trở lại lần nữa:
Ai đó dúi vào tay tôi một cành huệ trắng
Người con gái nói: vứt xuống
Và trở lại lần nữa, như anh thăm viếng chính tâm hồn mình:
Chỗ tôi ngồi cỏ mọc đã xanh um
Trong MVBĐ, Du Tử Lê dùng một cấu trúc mở, đôi khi với các tình tiết đan chéo. Tuy vậy nhìn chung, trừ khúc thứ hai, các phần khác diễn tiến theo chiều dọc thời gian, từ trước ra sau, hoặc từ cận cảnh đến lùi lại.
Các chủ đề cũng được lồng vào nhau:
– Tình mẹ con
– Mẹ như một nhân vật nữ
– Cái chết
– Tuổi thơ
– Đất nước và chiến tranh
– Đời sống hiện tại của tác giả
– Gia đình, bạn bè, tình yêu, quan hệ xã hội
– Thân phận
Tác giả gần như hoàn toàn kiểm soát được giọng của mình: anh ít khi để cho nước mắt lăn đi trên gò má. Đó là một giọng kỳ lạ: vừa nghẹn ngào vừa tỉnh táo, vừa xúc động vừa lãnh đạm. Được như thế là nhờ tác giả biết chọn góc nhìn (point of view), có khi từ bên trong nội tâm, có khi từ bên ngoài. Các hình ảnh tập trung, dồn hết về một phía, không hay xen lẫn các phase thời gian. Đây rõ ràng là một bút pháp mô tả ( narrative). Nhiều nhà thơ Việt Nam khi viết có trường hợp nhầm lẫn ở điểm này: họ không chọn trước bút pháp, và thường để cho bút pháp trữ tình vượt lên, mặc dù đó không phải là dự định ban đầu của họ. Nhưng sự mô tả của Du tử Lê không phải là sự mô tả thuần túy thế giới bên ngoài: cái anh nhắm tới là một thế giới bên trong. Nói cho cùng bản lĩnh của anh vẫn là của một nhà thơ trữ tình. Có lẽ nhờ thế, trường ca MVBĐ phảng phất khuynh hướng của chủ nghĩa hình tượng (imagism ). Cho đến nay, ở hải ngoại, trừ một hai ngoại lệ, như của Cao Đông Khánh, Thường Quán, Trần Nghi Hoàng, Đỗ Quyên, Mẹ về biển Đông là một trường ca hiếm hoi. Không những thế, đó là một thành công về nghệ thuật. Thành công này bắt nguồn từ nỗi rung cảm sâu xa, dễ được chia sẻ bởi người đọc, nhởng quan trọng nhất là những rung động và suy tưởng được nói lên một cách giản dị, tự nhiên, bằng một giọng nói đầy rẫy nội lực. Cái chết của mẹ anh thật ra là giọt nước làm đầy ly, một cái ly đựng đầy những cảm hứng nghệ thuật mà Du Tử Lê tích lũy từ năm này qua năm khác, dồn nén lại, hay như anh nói:
Như nhà buôn tích lũy hàng hóa
Tôi tích lũy vết thương
Tích lũy thời gian
Tích lũy những chặng đường
Cho đến khi những tích lũy này nở rộ thành:
Khi tôi tới những bông birdflower nở ối
Lãm bảo
Hãy cám ơn sự chết.
Thì anh đã nói xong lời cám ơn sự chết. Lời cám ơn mẹ. Tất cả chúng ta đều muốn được nói như anh, đối với mẹ của mình.
Nguyễn Đức Tùng
Trích đoạn ( trường khúc MVBĐ, Du Tử Lê ):
+Khi tôi tới, những bông bird-flower ngửa mặt nở ối cỏ trông xa như mấy vụng nước biển hình vuông và méo những thân cây có lá to, tựa lá bồ đề không lớn
xòe theo chiều rộng
đoàn xe ngừng lại
tôi cầm chiếc gậy gỗ bước xuống
bầu trời thấp nhưng trong vắt
nghĩa địa dành cho người Việt Nam được quây lại
bằng một lớp tường vôi trắng, có dậm song sắt
tôi thấy hàng chữ “nghĩa trang Việt Nam”
+Khi tôi đến
những chiếc máy hút dầu vẫn gật gù
kiên nhẫn chào tôi buổi sáng
buổi sáng muôn năm
buổi sang chúng tôi tiễn mẹ đi
tiễn mẹ đi để không bao giờ trở lại
không trở lại để thấy những chiếc máy hút dầu chào hoài. Chào hoài. Buổi sáng
ooo
Khi tôi đến, những bông bird flower ngửa mặt nở ối
khu nghĩa trang kẹp giữa hai con lạch
anh tôi nói con lạch có nước quanh năm
nhờ thế, đất sẽ nhuần nhị
riêng xác mẹ tôi thì không ai nói được nhuần nhị?
chỉ biết mẹ tôi nằm rất sâu
rất sâu trong lòng đất
buổi chiều ngồi nhìn trời đất
đất thật gần
nhưng trời lại rất xa
trời hay đất thì cũng bất thân như nhau
tôi muốn chửi thề trời đất
chửi thề ngọn cỏ
chửi thề buổi chiều
oo0oo
+Mẹ tôi cố tình làm cho mình tiều tụy hơn
Quanh năm bà chỉ mặc áo dài đen
vấn tóc, chụp thêm chiếc khăn nâu
chít mỏ quạ
lúc nào cũng xụp xụp như đôi mắt húp
đêm đêm mẹ tôi thường khấn vái xì xụp
trước bàn thờ chồng con
làm như thể bà thấy mình có lỗi
không chỉ với chúng tôi
mà với cả những người vắng mặt
những đêm đông ở Hà Nội
mẹ tôi đốt lò than
bà gấp đôi tấm chăn bông
đắp hết cho tôi
bà ru tôi ngủ bằng giọng kể thì thầm
tiếng ru buồn của một người đàn bà Việt Nam góa bụa
nhiều khi
nửa đêm tỉnh dậy
tôi còn nghe bà ru
như ru chính nỗi lầm than của đời bà ghẻ lạnh
oo0oo
Trí nhớ tôi là căn nhà ở đường Triệu Việt Vương
Trí nhớ tôi là ngôi nhà trông ra bến Bạch Đằng
Đà Nẵng
Ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ
Có cánh cửa ngó xuống nỗi buồn hiu của mẹ tôi
Bó gối nhìn bày con lớn lên
giữa lúc sự phân chia đất nước biến bà thành kẻ vô dụng
những biến chuyển bên ngoài dự tính của người
bà là người không thể nào ngồi yên một chỗ
vậy mà lần lữa thành hơn hai mươi năm
hơn hai mươi năm
bà chỉ còn những chỗ ngồi để&nhắc mãi chồng con
hơn hai mươi năm, mẹ tôi chỉ sống bằng nỗi nhớ mồ
mả không người hương khói
bà chờ những người hương khói
bà chờ những bữa cơm
ly rượu thuốc
những đứa cháu thêm
những đứa con vắng mặt
hơn hai mươi năm ngựa thồ thôi bương bả
hơn hai mươi năm sống lẫn lộn giữa bóng ma, thịt
xương và khuất vắng
+Tôi và bóng tôi
rất đáng buồn
vì đã không có điều gì để nói
oo0oo
mẹ tôi nằm như thế
bây giờ là thứ bảy
mười một ngày đi qua
trên thân xác già nua
tám mươi lăm năm tần tảo
tám mươi lăm năm không mót nổi một giờ vui
tám mươi lăm năm chưa bao giờ mẹ tôi tự hỏi
cớ sao phải làm người
cớ sao đời sống bà lại vô cùng vất vả
tháng năm buồn đi qua
đôi vai nào chẳng mỏi
trái tim nào không khô
khi ắp đầy xác chết
hết chồng rồi tới con
hết con lại tới cháu
(Trích chương 7, tác phẩm “Với Du Tử Lê, đời sống trở nên thơ mộng hơn,” của Nguyễn Đức Tùng, Tự Lực xuất bản và phát hành, California, Feb. 07.)
Nguồn: https://www.dutule.com/p128a2422/du-tu-le-me-va-truong-ca
0 Bình luận