Du Tử Lê, Trần Duy Đức, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mạnh Trinh

Đọc thơ, có lúc cũng cần những chất xúc tác bên ngoài. Trời mưa, thơ ủ nóng da thịt. Trời gió, thơ làm se những phân vuông đời sống để có một lúc, những sợi thần kinh sẽ rung lên những tần số vút cao. Thơ, đôi khi dường của không gian, thời gian mờ mịt, không là của trần gian này. Chẳng có ai nhốt được gió, được mây vào những khuôn nhỏ hẹp. Thơ thuần cảm tính và ghét lý luận. Trong suy nghĩ ấy, tôi đọc thơ Du Tử Lê… Dù chuyện lớn hay nhỏ, cũng là cái duyên, tôi tin như vậy. Trời đất này là để đọc thơ, nhất là những câu thơ mênh mang như thời tiết bây giờ. Mấy ngày hôm nay: trời mưa và gió…

Buổi sáng sớm đi làm, mang theo tập thơ vào sở định đọc, chữ nghĩa phù thủy ám ảnh ngay từ lúc bật máy điện toán làm việc. Những e-mail nhận, gửi, những dự trù trong ngày, những lệ thường quen thuộc bỗng dưng thay đổi. Tất cả lung linh mờ ảo và trôi tuột trong óc.. Rồi cả ngày, mấy ngôn ngữ ấy cứ quẩn quanh trong óc. Những câu thơ dòm ngó thời khắc. Những ngôn ngữ ám ảnh giác quan. Thơ không tả mưa tả gió, mà, cái cảm về gió mưa sao cứ trực diện trong tâm…

Thời tiết này, có phải là cho thơ hiển lộng hay không? Lâu quá không làm được một câu thơ nào, thế mà bây giờ chỉ thấp thoáng câu thơ của người khác trong óc … rồi chan hòa những cảm giác trống không. Thơ tự nhiên biến mất dạng trong cái đối nghịch sẵn có của đời sống! Thế mà thi ca vẫn hiện hữu. Hôm nay. Trong thơ Du Tử Lê. Nhìn xuống sân , thấy những hạt mưa, tự nhiên nghĩ đến nắng. Lạ quá- có một cái gì khác thường trong buổi sáng hôm nay. Những câu thơ, gợi lại nỗi niềm nào xa xôi. Có và không như chỉ là một. Nó đối chiếu với nhau, có khi mâu thuẫn, có khi đối nghịch nhưng vẫn hài hòa cùng nhau. Tôi, như một lúc quán tưởng. Có phải vì đọc thơ họ Du chăng?

đừng tìm nhau nữa: trong kinh kệ
con chữ khôn cùng: những hóa thân
đừng chờ nhau nữa : trong hơi thở:
ta đã chung:
– cùng một chữ không.

Thực ra, tôi nghĩ chỉ có thơ, và độc nhất có thơ mà thôi. Tôi thấy những từ ngữ như thơ thiền, thơ đạo, thơ triết…có một ý nghĩa nào thừa thãi. Thơ, đủ rồi. Bởi , một chữ bao hàm tất cả. Làm thơ với một chủ đích, sẽ khó thành công. Chẳng thà, cứ theo dòng cảm xúc, thế mà hay. Đừng nhốt ngôn ngữ vào khuôn hẹp. Cứ để “ tôi tự do phơi phới một đời” như câu thơ Thanh Tâm Tuyền viết. Chẳng cần cố tâm nhồi nhét – trời đất, âm dương, ngày đêm, mưa nắng, đen trắng, tốt xấu, thiện ác… Tự nhiên rồi thơ sẽ có đủ. Giở tập thơ “Qua môi em: Tôi thở biết bao đời!?.” ra mà xem thử…Có phải đủ để vuông tròn thành một thế giới riêng không?

 Tôi vẫn đuổi theo tôi, từng phút một
 (những con người đi , đến tự hư vô.)
 tôi vẫn đuổi theo em từng phút một
 (mà em, sao tôi chả gặp bao giờ!)”

Phải, làm sao mà gặp được cái vô cùng. Có khi, em không phải là một người, một hình dáng, mà là một đích đến không bao giờ gặp. Sống là đi trong một hành trình đeo đuổi theo từng phút từng giây để đến sự trống vắng hư vô. Tôi chợt nhớ lại câu thơ Nguyên Sa ngày nào :

Buổi sáng tinh khôi, lúc năm giờ, thủy triều rút đi mang theo cả bãi biển.
Tôi nghe thấy tiếng kêu cứu của những hạt cát
Tôi rượt đuổi hụt hơi
Mà không làm được gì !”

Tôi sẽ không viết về sự cách tân của thơ Du Tử Lê. Cũng như, tôi sẽ không đề cập đến những ngôn ngữ trong thi tập này mà tôi gọi là “ ngữ ngôn phù thủy”. Và tôi cũng sẽ không nói về những lối ngắt câu, dùng những ký hiệu / hay +, hoặc những nhan đề thơ có phong vị rất “Du Tử Lê”… Bởi những điều ấy đã có người viết về và đã có những nhận xét chính xác và sâu sắc. Thơ lục bát đã có tự ngàn xưa và tạo thành những khuôn khổ khiến cho người làm thơ phải chùn bước. Trong cái khuôn khá nhỏ hẹp ấy, làm sao mà hiển lộng được tuyệt chiêu để ý tưởng vượt lên và mượt mà những cỏ non tâm thức. Bài “Mừng, Em Thêm, Mất ( Như Còn).” Thơ là những chuỗi ngôn ngữ và ý tưởng sắp hàng cạnh nhau nối liền đến vô tận. Trong cái mênh mang thực tại có nỗi bâng khuâng của nơi chốn nào mà thực tế và mộng mơ nhòa nhạt với nhau và không phân chia được. Hình ảnh cũng chỉ là phác sơ vài đường nét nhưng chan chứa một đất trời, một tượng hình cõi sống. Thơ không phải là điệp khúc của mừng vui mà chính là lập lại hân hoan của bước trở về kỷ niệm.

mừng! em, thêm, năm ,tháng, ngày;
thêm, thân giả tạm, tâm dầy hạt kinh(?!?)
mừng! thêm, lênh đênh thác, ghềnh
thác không ký ức, ghềnh nằm ung dung(!?!)
mừng! em, thêm, sông, thêm, rừng:
sông không bờ bến, rừng không gió, về
mừng! thêm, xa lạ cái ta?
(như da, thịt mới đi qua cuộc tình.)
mừng! em, thêm, mất (như còn;)
mất không tên gọi, còn không bóng, lời.
mừng! thêm… năm, tháng… đủ rồi!
buồn/ vui trong một gương soi chia/ lìa.
mừng! em thân/ tâm ra đi
tốt thôi! kỷ niệm cũng là máu, xương.
mừng! như người đã lên đường,
tôi qua đời vẫn vô cùng biết ơn!
(ơn em, trang kinh thân, tâm)

Thơ Du Tử Lê với tôi có nhiều tần số cộng hưởng. Ở cái cảm riêng tư, có không gian riêng, cảnh thổ riêng. Thơ không triết lý nhưng vẫn mở ra những cánh cửa lý luận. Triết, thiền, không còn là danh từ chỉ định nữa mà biến thành động từ. Và thơ, ở thể tĩnh nhưng lại “động” vô cùng. Đời sống đối chiếu hai mặt, và, thơ cũng thế. Có một lúc nào, như buổi sáng soi vào gương để thấy nhân dáng mình trong thơ. Hình như, con người không một ai từ bỏ được cá tính mình. Như giai nhân, phải phấn son gương lược điểm trang. Hay, tráng sĩ phải hào hùng trăng treo vó ngựa. Thơ Du Tử Lê dù tràn đầy thiền tính nhưng vẫn là nhịp đập rộn rã của trái tim đầy cảm lụy.

tôi chẳng thể nói gì thêm, yêu dấu
khi tâm hồn cũng nặng, khẩm sớm mai
biển hạnh ngộ, sóng xô, dồn kiếp, khác
chiều sa di cởi áo: tạ ơn đời
“tôi chẳng thể nói gì thêm, yêu dấu
khi đêm tìm đêm / lạnh / ngón tay, riêng- –
cây tháng tám, gửi lá người: tinh khiết
cho môi tôi: một tối ướt hương, bền
“tôi chẳng thể nói gì thêm, yêu dấu
khi thương yêu thấu, vượt khỏi chân trời
con đường sẽ giữ giùm ân, nghĩa gắt
gối chăn rồi đẫm, đẫm khát khao, tôi…

Mỗi một người làm thơ đều có những dông bão riêng từ những đoạn đường song song thi ca và đời sống. Thơ phản ánh trung thực suy tư. Tâm ổn định, thơ thanh thoát. Tâm sôi nổi, thơ cũng dồn theo một nhịp. Với Du Tử Lê, thơ đang đi trên một hành trình tìm kiếm cái vĩnh cửu cho ngôn ngữ. “Qua môi em: tôi thở biết bao đời!?.” chỉ là một chặng. Tôi nghĩ ông sẽ đi xa hơn nữa, sâu thẳm hơn nữa, cao rộng hơn nữa. Như cái tiến trình đã vượt, như những thác ghềnh đã qua của thơ ông…Trước và sau Du Tử Lê, có được bao nhiêu người đã trải qua như thế với tâm sự ngất ngất đỉnh trời?

Nguyễn Mạnh Trinh

(Nhật báo Người Việt, Chủ Nhật, ngày 21-11-04)

Nguồn: https://www.dutule.com/p128a2426/du-tu-le-qua-moi-em-toi-tho-biet-bao-doi-

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận