Phần lớn những bài viết dưới đây đều đã đăng báo; tôi gom lại một nơi để các bạn đọc có hệ thống hơn. Notes của Facebook hỗ trợ tìm kiếm rất kém.
 

Hương, nhà tạo hương, và âm nhạc

Hai cụm từ đầu thì chắc chắn có liên hệ gần gũi sâu xa. Nhưng còn Âm nhạc? Âm nhạc dính dáng gì vào đây?
 
oOo
 
Tôi yêu những mùi hương. Ở một tản văn nào đó, viết đầu năm nay, tôi đã nói rằng mình yêu những người nữ thơm tho. Vừa rồi đọc lại Thư Kiếm Ân Cừu Lục – bộ truyện đầu tay của Kim Dung, nhân vật nữ tôi yêu nhất, dù nàng chẳng có chút võ công nào, là Hương Hương Công chúa. Nàng mười tám tuổi, người Hồi, ngoài vẻ đẹp hình thể, dung mạo, thì còn thơm. Thơm lạ lùng. Không cần ướp tẩm. Trong câu chuyện lúc sơ giao với Trần Gia Lạc, cô công chúa này cho biết nàng vẫn thường ăn những nụ hoa; đó có phải là cách lý giải mùi thể hương kỳ ảo mà nàng có?

 
Ăn những nụ hoa. Để thơm tho.
 
Còn gã Ếch (Jean-Baptiste Grenouille, tiếng Pháp, grenouille nghĩa là con ếch) trong tiểu thuyết nổi gai ốc Perfumecủa P. Süskind thì sao? Cả đời hắn là một cuộc hành hương không mỏi mệt vào thế giới mùi hương. Hắn PHẢI tạo ra một mùi hương chưa từng có trên thế gian. Mùi ấy khiến muôn vạn người ngây ngất, kéo nhau vào một trận cuồng hoan bất tận. Rồi chết cả. Không, may thay, đó chỉ là side effect của liều thuốc. Tác dụng tốt của nó, của mùi hương tổng hợp từ cơ thể các trinh nữ kia, là làm cho Tình Yêu khởi đầu và lớn lên.
 
oOo
 
Chiều nay, tôi gặp Sébastien Dagorn, nhà tạo hương 32 tuổi người Pháp. Nơi gặp, là ở chỗ làm việc của tôi, Viết Tân Studio. Thật ra, chúng tôi đã “gặp” trước đó trên Facebook. Sébastien đến khi tôi đang rà soát lại toàn bộ các bản thu âmMai-Khôi sings Quôc-Bao trước khi mix. Thế là trên nền nhạc “Ngày Hai Mươi”, bản nhạc mà Sébastien cho rằng “rất thân thuộc và đáng yêu đối với đôi tai người phương Tây”, chúng tôi trò chuyện về tạo hương và tạo nhạc.
 
Hóa ra, sáng tác nhạc và “sáng tác” mùi hương có quá nhiều điểm chung. Một bên, là tìm kiếm các giai điệu, xây dựng các tầng hòa thanh, viết lời ca, gia giảm các nốt nhạc/đoạn nhạc sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Bên kia, là tìm kiếm các “notes” (tức các tầng cơ bản trong một sản phẩm thơm), xây dựng các lớp mùi hương, đảo vị trí và gia giảm tỷ lệ để thứ hương thơm mình tạo ra hấp dẫn nhất, ấn tượng mạnh nhất, bền vững nhất có thể. Và cũng hệt như ở âm nhạc – nơi không bao giờ bạn chơi hoặc hát một đoạn nhạc hai lần giống hệt nhau, thế giới hương liệu cũng dành nhiều đất cho ngẫu hứng, cho các cảm xúc nhất thời, các khoảnh khắc độc sáng. Up to your mood, Sébastien bảo vậy. Okay, rất gần với công việc của tôi, bạn ạ.
 
Tôi tưởng rằng Sébastien không bao giờ phải dùng đến máy tính, trừ khi lên… Facebook, hóa ra ngược lại. “Tôi luôn dùng computer. Còn phải viết các trình ứng dụng chuyên biệt để dùng nữa. Chúng tôi cần cơ sở dữ liệu các nguyên liệu gốc (thiên nhiên, tổng hợp), thử sắp xếp một số hương vào các vị trí khác nhau, lưu lại thành những files “lý lịch”, rồi đem pha chế thử. Khi đạt được một mùi hương mong muốn rồi, lại phải dùng máy để tính các tỷ lệ; điều này rất tinh tế, phụ thuộc vào việc bạn hiểu thật kỹ hiệu năng của các sản phẩm khác nhau: dầu gội khác sữa tắm, nước hoa khác nước cạo râu, vân vân.”
 
Cuộc trò chuyện của chúng tôi chiều nay là một cơ hội thú vị cho cả hai.
 
(2008)
 

Chơi nước hoa niche

Byredo làm một dòng nước hoa tên là Thư Viện (Bibliothèque) để bạn ngửi thấy mùi giấy mực. L’Artisan Parfumeur làm Timbuktu, Al Oudh, Dzongkha hay Batucada đầy những câu chuyện viễn phương. Etat Libre d’Orange làm nước hoa có mùi máu, mùi móng tay cháy, mùi tinh dịch (Secretions Magnifiques). Và những cái tên Arquiste, Christopher Brosius, Clive Christian, Cire Trudon, Laurent Mazzone, Joya Studio chắc chắn không quen thuộc với số đông.
 
Nếu bạn thích và tin dùng Chanel, Dior, Dolce & Gabbana, bạn là người thích nước hoa. Và (có thể) bạn yêu mùi hương, yêu thế giới xa xỉ. Không có gì sai cả.
 
Nước hoa niche là một lãnh địa khác, của những kẻ mê triết lý điên rồ, có những ám ảnh nhất định về tâm lý và tìm thấy ở mùi hương một cách lý giải nào đó cho vướng mắc của hắn ta. Cũng có thể chẳng bao giờ lý giải được hết, nhưng hắn ta cứ theo đuổi những mùi hương kỳ dị, những chai lọ dán những cái nhãn tạm bợ, những cái tên xa lạ. Hắn tự làm cân bằng mình bằng những mùi hương. Bằng thú chơi nước hoa niche.
 
Các hãng thời trang danh tiếng đều góp… mùi vào thị trường thời trang bằng cách mời một số nhà tạo hương đầu bảng chế cho hãng mình dòng này dòng kia, tất nhiên có những dòng đã trở thành cổ điển như Chanel No. 5. Thị trường nước hoa designer rất lớn, và chính vì lớn vậy nước hoa trở thành phổ thông, dễ mua. Đã dễ tìm thì không còn quý, không độc đáo—tôi nghĩ dân chơi niche nói thế như một cái cớ hợp lý chứ chưa chắc đã đúng. Việc chơi và gắn bó với thú sưu tập nước hoa niche có những nguồn cơn sâu xa hơn.
 
Có thể từ những câu chuyện. Như câu chuyện này: Christopher Brosius, một tài xế taxi chuyển sang mở một “nhà nước hoa” tên là Tôi Ghét Nước Hoa (I Hate Perfume) chỉ vì “hành khách của tôi xài nước hoa toàn những mùi quá kinh”. Có thể vì nguồn gốc, thành phần và tỷ lệ pha chế làn hương là khả tín và đúng ý mình. Cũng có thể vì nhà tạo hương ấy có một triết lý khác thường. Có thể vì Imaginary Authors “gần” với tiểu thuyết và Olfactive Studio gần với nhiếp ảnh. Có thể vì James Creed hay Ramón Monegal thuộc về một gia tộc truyền đời chuyên cung cấp nước hoa cho hoàng gia Anh và Tây Ban Nha. Cũng có thể vì một kỷ niệm, một giấc mơ, một ảo ảnh. Dù bất kỳ lý do nào dẫn đến việc chơi và sưu tập nước hoa niche, môn này vẫn là một lãnh vực khó khăn, kỳ bí, cần nhiều công sức nghiên cứu và tất nhiên, tốn tiền.
 
(2016)
 

Từ mùi hương mà ngẫm

Nghệ thuật chế tác nước hoa hơn nhau ở chỗ làm thế nào ba lớp hương (top, body, dryout) đuổi theo nhau mà không có đường nối, lớp này mờ lập tức tan nhòa vào lớp kia. Trong nhiếp ảnh, những vùng sáng tối không có lằn ranh rõ rệt được tạo bởi phim mịn hạt và ống kính tốt. Những ống kính rẻ tiền hoặc (và) cảm biến phổ thông, phim chất lượng kém đều cho thấy những đường xếp lớp giật cấp. Nước hoa, nếu các lớp bị giật cấp như vậy, sẽ làm người thưởng thức làn hương đó hoang mang, có khi còn bị sốc: tại sao vừa mới mùi hoa lại nhảy sang gỗ, mới tiêu cay nhảy cóc thành hổ phách!
 
Trong âm nhạc, các bước chuyển hành hòa thanh phải làm thế nào nghe thuận tai, không hay biết mới là tài tình. Những người học hòa âm đều phải kinh qua các bài tập xây dựng chuỗi hòa thanh liền lạc, không thấy mối nối.
 
Trong thế giới tình cảm, sự việc xảy ra tương tự. Những mối quan hệ biến đổi giật cục, gãy khúc—ví dụ từ người tình chuyển thành bạn, từ vợ chồng thành đối tác—đều gây khó chịu. Trái tim cũng cần được làm bài tập để thành thục với các sắc thái tình cảm, sao cho sự chuyển biến nếu phải xảy ra (và tất yếu phải xảy ra) thì xảy ra một cách nhu thuận, dễ chịu, dễ thở. Không phải mọi mối quan hệ đều có thể chuyển êm, chắc chắn rồi, vì cần sự đồng thuận và thấu hiểu từ cả hai phía. Và bài tập cho trái tim cũng không thể máy móc áp dụng ở mọi trường hợp, tuy rõ ràng là, ai cũng mong muốn điều êm đẹp.
 
Sở dĩ những mối quan hệ không êm đẹp được lúc chuyển mình, thậm chí đứt hẳn không còn liên hệ nổi, là vì người ta cứ thích bám vào những tín điều máy móc. Người ta tự đặt ra những quy chuẩn, chẳng hạn bạn thì chỉ thế này, vợ thì chỉ thế kia, khách hàng thì chỉ thế nọ mà không được thế ấy; rồi tự mình mắc bẫy với các quy định. Những người thông minh nhất hóa ra dốt nát nhất: tình cảm mà lại giáo điều, duy ý chí. Những người chuyển “êm” nhất là những người nhạy cảm, có linh giác mạnh và dũng cảm đi theo tiếng gọi của linh giác.
 
Những mùi hương giật cục không ai xài. Nhạc giật cục không ai nghe. Quan hệ xã hội giật cục thì phí. Chai nước hoa có thể vứt sọt rác, nhạc có thể tắt, người đã đến chẳng ai muốn mất.
 
Vậy mà cứ mất hoài đấy thôi.
 
(2014)
 

Vấn đề mùi hương

Sau khi ôm một người đàn bà, bạn ngửi đôi tay mình và đoán được mức độ trưởng thành tính dục của nàng. Tôi nói điều này là thật, không tin bạn cứ thử xem. Mùi hương—bao gồm thể hương (hương tự nhiên) và thứ nước hoa, dầu gội, sữa tắm, xà phòng, kem dưỡng da—của người đàn bà xác định khá rõ sự gợi cảm, mức độ sang trọng, phẩm cách và sự trưởng thành với tư cách một người nữ. Mùi bé gái khác mùi thiếu nữ dậy thì, mùi đàn bà trưởng thành khác mùi người già. Chắc chắn.
 
Mùi hương đi thẳng từ mũi vào tim. Yêu một người, là yêu làn hương của người. Ghét một người, ghét cả mùi. Tránh xa những mùi tương tự.
 
Mức độ trưởng thành về mặt giới tính không thuần túy sinh học. Sinh học, với sự tiết ra của các hormones, chỉ là một phần vấn đề. Khỏe mạnh hay yếu bệnh cũng chỉ là một phần vấn đề. Trưởng thành giới tính liên quan mật thiết đến trưởng thành văn hóa. Bằng trải nghiệm đời sống, một người nữ tích tập các hiểu biết về mùi hương, chọn ra cho mình những mùi hương thích hợp—sự chọn lựa đó hiển nhiên là một chọn lựa văn hóa, nó đem lại cho người nữ một khí chất không trộn lẫn với đám đông, và khi khí chất hình thành một cách toàn diện nghĩa là người ta trưởng thành.
 
Ngửi mùi hương một người đàn bà, bạn có thể đoán người ấy có mắc chứng lãnh cảm hay lệch lạc tính dục không.
 
Ngửi mùi hương một người đàn bà, bạn hiểu được tính tình nàng, sở thích nàng, những nét chính trong hành vi và xu hướng sống của nàng.
 
Diễn giải những điều trên cần rất nhiều giấy mực. Chỉ biết rằng, ta nhận thấy được. Không hoang đường chút nào.
 
Cũng vì thế, tôi tôn sùng mùi hương.
 
Loài vật ngửi sát đất, mượn đất làm chất lan truyền mùi hương. Loài người đứng thẳng, những homo erectus của hôm nay không còn thính mùi như tổ tiên nguyên thủy, vì vậy chúng ta dùng nước hoa. Chúng ta cần những mùi hương mạnh. Mùi hương dẫn dụ những giấc mơ, như thợ săn New Guinea tin rằng ngủ gối đầu lên những bó cỏ thơm sẽ mơ thấy con đường đi săn vào buổi sáng hôm sau.
 
Hãy ôm một người đàn bà thơm, mùi hương chỉ cho bạn con đường vào tim nàng.
 
(2014)
 

Tôi kể chuyện gì khi kể chuyện hương

Những mùi hương phổ thông thì rỗng. Những mùi hương niche (làm cho một đối tượng hẹp sành chơi nước hoa) thì đầy đặn, sâu sắc và mang trong chúng những triết lý riêng.
Ai đã nói, mùi hương như bài thơ. Đẹp đã đành, còn phải có thông điệp. Mùi hương phải biết nói. Biết nói đã đành, phải là nói điều gì lạ lùng, sâu kín, hướng đến một đối tượng đặc biệt.
Những mùi hương niche như thơ Baudelaire, đầy máu lệ, đầy thương đau, đầy ẩn ức. Những người dùng mùi hương niche, tôi tin rằng ắt họ phải từng trải qua những thương đau ẩn ức. Đã từng chảy máu quả tim không chỉ một lần. Nếu không, họ sẽ sợ những mùi hương ấy; họ luôn tìm đến những hương phổ thông. Gọi cho sang thì là hương design, tức một hiệu thiết kế thời trang như Gucci Chanel D&G làm thêm nước hoa cho… vui. Ai chưa trải qua cô độc tận cùng hoặc cầm giữ một nỗi đau lớn có thể dùng nước hoa nhưng không sưu tập. À họ có thể sưu tập nhưng chỉ như một thú giải trí, không là nhà sưu tập chuyên “đọc” những thông điệp mùi hương, để nghe “thơ” trong mùi hương, chắc chắn không như vậy.
 
Một người dùng nước hoa là để cho mình, và cho người yêu.
 
Cho mình, là mượn nước hoa nói thay mình, mượn làn hương thay thế lời nói, để thể hiện/nói ra/tuyên bố một ý gì đó. Giống như đeo huy hiệu phản chiến là mong muốn hòa bình, dùng một mùi hương cũng vậy: các làn hương biểu trưng cho các xu hướng sống, cá tính, tập quán, ý nghĩ, nhân sinh quan. Nước hoa đâu chỉ để thơm.
 
Cho người yêu, là dùng một mùi hương hợp với mùi cơ thể nhất, sao cho nước hoa không còn tồn tại như một yếu tố bên ngoài, mà hợp nhất với cơ thể. Hương gây mùi nhớ. Dùng nước hoa để người mà ta yêu thương nhớ và nhận ra ta giữa trùng trùng người. Nhận ra ta ngay cả trong giấc mơ.
 
***
 
Hôm nay tôi kể cho các bạn về Etat Libre d’Orange. Tình trạng tự do của quả cam.
Etat Libre d’Orange không phải là một thương hiệu nước hoa phổ thông, hẳn vậy rồi, và tự thân nhãn hiệu cũng chẳng muốn trở thành phổ thông. Những người chơi nước hoa tìm kiếm một cảm hứng dị thường, một triết lý sống riêng biệt và một cách giải tỏa ẩn ức từ mùi hương, thì họ đến với Etat Libre d’Orange.
 
Như những tín đồ của rock thích đi giày Converse, những tín đồ của thi ca và lối sống Đông phương cần một thứ nước hoa bênh vực cho họ. Etat Libre d’Orange là một.
 
Như những người dùng bật lửa Zippo và đeo dây cổ bạc “nói” bằng ngôn ngữ không lời rằng họ thích phiêu lưu và xe máy, dùng Etat Libre là “nói” cho mọi người biết: Tôi yêu tự do, tôi yêu nhạc rock tối ám, tôi yêu Helmut Lang và John Galliano, tôi yêu tranh Paul Klee, tôi yêu hiệu Apple, tôi yêu nội thất cực giản, tôi yêu tiểu thuyết Pháp đương đại, tôi yêu nàng/chàng bằng tình yêu không chiếm hữu. Tuyên ngôn như thể nhóm Sáng Tạo ngày nào tuyên ngôn về văn chương và nghệ thuật đặc tuyển.
 
Bạn tôi tặng tôi cả một collection đủ mọi mùi hương do nhà Etat Libre bào chế, và tôi đang thử Fils de Dieu. Không phải con trai của Thượng đế đâu, mà của Thần gạo và cây chanh. Gừng, dừa, gạo, quế, lài, da thuộc, xạ hương, hổ phách, cam bergamot. Thần gạo và cây chanh là vị thần nào xứ Phi luật tân, kẻ đem ánh trời đến cho mặt đất, cho thân thể người. Etienne De Swardt tràn đầy cảm hứng Đông phương! Và Fils de Dieu thì mời gọi, một làn hương có nuances phong phú, từng lớp từng lớp đan cài như từng cánh hoa nở ngát trong nắng. Các dòng nước hoa phổ thông tỏa mùi . . . nước hoa, còn những mùi hương đặc tuyển tỏa hơi ấm người. Tỏa ra tri thức và sức mạnh, tỏa ra ngôn ngữ và những lời thơ.
 
Fils de Dieu tỏa mùi cơm gạo mới. Mùi nước dừa trên ngực các nàng thổ dân. Mùi đất, rừng và những câu chuyện cổ. Mùi tinh dịch. Mùi tính dục nguyên thủy. Tỏa theo một cách thế rất giống các chàng trai cô gái chưa kịp lớn đã muốn mình già dặn nên phải hét lên những khẩu hiệu.
 
Mùi gạo mới ngòn ngọt, mùi phấn rôm ngây thơ, mùi giấy cháy nồng, mùi sashimi tanh tanh. Ôi những mùi hương của Etat Libre! Sáng nay tôi dùng mùi Archives 69, cái tên đến hay! Putain des Palaces cũng là một mùi hương đặc biệt của nhà Etat. Tôi thích những làn hương gợi tình hoặc kiểu cổ điển hoặc phải quái chiêu kỳ dị. Tôi không để ý để tâm những thứ phổ cập.
 
Những làn hương có thể là sát thủ thầm lặng, chúng đầu độc tâm hồn, gây ám ảnh. Những làn hương khác thì cứu rỗi, giúp thăng hoa tâm linh.
 
Tôi không thích mùi ngọt và chua. Ngọt thì chóng mặt và chua thì rẻ tiền. Hương phải hơi đắng, hơi tanh, hơi sống sít. Như sợi thuốc lá, da thuộc, máu chưa đông, cá biển, giấy hay sợi bông cháy. Như thân thể người tình, đừng ngọt và chua.
 
Mười sáu mùi trong bộ niche fragrances của nhà Etat tôi còn phải nghiên cứu tiếp. Không một sớm một chiều mà thấu hiểu được. Như Sécrétions Magnifiques do parfumeur Antoine Lie tạo ra, nó gợi ra sữa mẹ, máu và tinh dịch, đàn hương, hoa hồng Bulgary, thuốc tẩy vải, sợi len ẩm. Những thứ thuần bản năng dục tính và phồn thực. Những thứ âm dương giao hòa, những chất xuất tiết của con đực và con cái. Những hoa trái của dục lạc trần gian.
 
Yêu nước hoa và da, mực và giấy, ấy là có khuynh hướng quay về các cảm giác/cảm xúc nguyên thủy.
 
Về basic instinct.
 
***
 
Tôi từng thích những mùi suy đồi, mở ra một thiên đường của sự “suy đồi”, sự tà mị, liêu trai, như là đọc thơ Baudelaire. Mùi xạ, mùi vani, mùi á phiện, mùi cỏ trong nắng. Mùi bùn, mùi thuốc lá, mùi da thuộc, mùi sữa mẹ, mùi máu, mùi tinh dịch. Những mùi ấm nóng. Người ta là quần áo để dậy mùi vải. Nướng bánh, rang cà phê để những thức ăn thức uống tỏa mùi thơm tho. Người ta hôn nhau, quấn lấy nhau, dùng nhiệt kích hoạt mùi hương. Phấn rôm trẻ em, sữa tắm em bé thì làm chìm mùi đi. Vậy thì chúng ta đã đủ hoặc là thừa thơm tho khi còn bé và giảm dần hương thơm lúc lớn lên. Khi biết yêu, người ta đi tìm thiên đường của làn hương đã mất bằng cách làm nóng thân thể, kích hoạt hay là xức thêm các mùi hương ấm.
 
Những mùi ấm gợi tình. Những mùi ngọt và chua thì ngán. Những mùi lạnh có sắc xanh xám, gợi hình ảnh bệnh viện, thuốc mê và dao mổ. Những mùi unisex của nhà Etat Libre vẽ ra trước mắt hai vạt xương quai xanh như vết chim bay thơm lừng trong một buổi chiều rét mướt và còn nữa, chỗ hõm cổ người tình, nơi bệnh nhân người Anh của M. Ondaatje gọi là Bosphorus.
 
Những mùi “suy đồi” tôi đang dùng có màu đỏ cam, hoặc màu nâu vàng. Như là đốm máu ửng lên trong tuyết lạnh.
 
(2014)
 

Vào thế giới mùi hương

Đi vào thế giới những làn hương là bước chênh vênh trên lằn ranh của mộng và thực. Thực bởi vì ta ngửi thấy khi tỉnh thức, mùi hương tác động đến ta theo cách của nó, có thể tích cực hoặc tiêu cực nhưng ta đều nhận biết được. Song cũng như lý thuyết tảng băng trôi, phần chìm hay là vô thức mới giàu có và khó lý giải hơn nhiều. Ta không hiểu được vì sao ngửi mùi hương này khiến ta nhớ đến một giai đoạn của đời sống mặc dù chẳng có gì liên kết hương – đời. Ta cũng chẳng thể nào hiểu nổi mình bỗng nhiên thấy cay đắng, thấy sợ hãi, thấy hạnh phúc, thấy bình yên mặc dù sách vở nói rằng mùi hương này gợi đến những con cá ươn, đến đất ẩm, đến mùi tóc thiếu nữ. Ta chỉ làm chủ được một chút xíu khi chạm vào làn hương, ta vô cùng nhỏ bé—giống như mùi thơm của nắng hay của biển, mùi hương nào cũng bao la hơn ta nhiều.
 
Có bao nhiêu chất hữu cơ đã được dùng để chế tạo một mùi hương thuần (nước hoa thuần một lớp hương mới được coi là quý hiếm), như da thuộc hay rượu whisky? Hẳn không ai làm như nhân vật trong Das Parfumcủa Patrick Süskind chưng chưng cất cất những mẫu thật cho đến khi cô đặc thành nước hoa rồi! Các làn hương kinh điển đều được tái tạo bằng phân tích/tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Vậy thì cái phòng thí nghiệm mùi hương đó liệu có tồn tại nổi ở xứ nóng mù bụi như xứ mình không? Dân Ấn còn dùng nước hoa có mùi hành, hay ta làm tỏi để xào rau muống?
 
Điều kiện để ta trở thành một-ai-đó dính dáng đến chế tạo làn hương là phải học vô cùng nhiều như một nhà giả kim thời Trung cổ: triết học, tâm lý học, hóa học, khả năng gán một khái niệm trừu tượng vào một mùi cụ thể. Bạn có thể cho hoắc hương đại diện tình mẹ tha thiết nhưng tôi chỉ thấy nó gợi ra cơn đói, sáng nay tôi chưa kịp ăn sáng. Vậy thì bạn đúng hay tôi đúng?
 
Ngặt một nỗi là, thế giới làn hương không có khái niệm đúng sai. Chỉ có hay và dở, được công nhận hay bị từ chối. Có những dòng nước hoa gánh trên vai nó hàng hàng lớp lớp khái niệm, lãng mạn có, cổ điển có mà điên rồ phóng túng cũng có hết. Chẳng qua là nó được sinh ra và được chấp nhận, như đứa bé bị bỏ rơi sân nhà thờ có bà hảo tâm đến bế về nuôi nấng. L’Etat Libre d’Orange là một nhà nước hoa ưa thích sự điên rồ nhưng may mắn, họ được công nhận. Đã công nhận rồi thì nói gì chả được, bạn muốn đặt tên là Thần Gạo hay Tình Dục Tự Do, là quyền của bạn.
 
Tôi chỉ là người sưu tập nước hoa nghiệp dư. Như tất cả những ai muốn đến với thế giới làn hương, tôi cũng đã học một số kỹ năng, kiến thức đủ để… nghiệp dư. Saigon nóng quá, trong năm chỉ có ít ngày cho ta “mood” chơi nước hoa. Ngửi độ ba mùi là phải hít hạt cà phê để khôi phục khứu giác. Tôi lại là dân hút thuốc, may mắn chơi đùa với những làn hương thì không khắt khe như nếm rượu vang hay thẩm định phó mát. Môi trường sống bụi bặm, ô nhiễm, nóng nực, quá nhiều mùi ám vào ta (mà ta không biết)—thì chơi nước hoa cũng chỉ ở cấp nghiệp dư thế này thôi.
 
(2018)

Nước hoa, một điểm nhìn cá nhân

Nước hoa thể hiện nguyện ước về một tình yêu bất tử, bởi sự thơm tho chính là bằng chứng cho một sinh thể (xác chết không thể thơm), là hiện thân của sự giao hoà âm dương (người ta thơm cho người, không phải thơm vì mình), và bởi thế thuật chế nước hoa chẳng qua là thuật giả kim bằng hương liệu. Mong muốn biến chì thành vàng ròng hay mong muốn đem cây lá dại hoá thành hương thơm vĩnh cửu hoàn toàn tương đồng.

Da tổng hợp cũng bền, sao người ta vẫn chuộng da thật? Hoá chất tổng hợp cũng thơm, sao dân chế nước hoa lại đòi tinh chất chiết xuất từ nguyên liệu thật? Là vì hoá chất tổng hợp không có sự sống.

Mùa nho này cho rượu vang khác mùa kia. Thì cánh hồng Bulgary với cánh hồng Maroc, Ai Cập hoàn toàn khác nhau. Được chiết xuất, được trộn lại để tạo ra những lớp hương, các mùi hương đó vẫn sinh sôi, vẫn vận động (tóc vẫn mọc sau khi chết), và vì thế nước hoa mới biểu đạt được cái giá trị, cái tinh tế, cái khác biệt của Sự Sống.

Chẳng hạn như các thầy dòng La Mã làm nước hoa Acqua di Colonia, đâu phải chuyện pha pha chế chế là hobby đâu. Đó là upaya (phương tiện thiện xảo) đó chớ, là bắc nhịp cầu nối con người với Chúa, là ngõ lối cần bước vào để nghe thấy tiếng nói linh thiêng. Những nhà tư tế Ấn giáo và nay thì Tạng, Nhật đều dùng hương liệu trong mọi hoạt động tôn giáo.

Nước hoa tổng hợp (thương mại, đại trà) là sản vật đại chúng, ta không việc gì phải phán xét xấu tốt; nhưng ta cần hiểu cái gốc rễ của thuật parfumerie: ấy là triết học, siêu hình học, thần học—không đơn thuần là hóa học và khứu giác.

Từ “note” trong ngành nước hoa nghĩa là “lớp hương”, nhưng cách chuyển hành của các lớp có rất nhiều gần gũi với một tổng phổ ba bè trong âm nhạc phức điệu. Bên âm nhạc, chọn âm sắc nhạc cụ—bên nước hoa, chọn làn hương chính. Tiến trình vận động của từng tuyến giai điệu vừa độc lập vừa giao hòa với các tuyến khác, không ngừng vượt lên nhau, thay thế nhau, bứt thoát khỏi nhau mà vẫn dính chấp vì một nhân duyên chưa lìa nổi. Làn hương cũng thế, những làn hương nối nhau tỏa rạng, hương nọ đè lên hương kia, xâm thực nhau, nhường nhịn nhau, chiến đấu với nhau và giảng hòa với nhau, kể cả khi lớp trước đã phai thì vẫn không chểt, nó vẫn còn đó như một bằng chứng tình yêu và ký ức thì không chết được, vẫn ăn mòn vào số phận lớp hương sau.

Vận động biến thiên của Hương là vô tận. Như phức điệu của J. S. Bach là vô tận.

(2016)

 
Quốc Bảo
 
 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận