Du Tử Lê – Đinh Cường vẽ

(CUỘC MẠN ĐÀM VỚI NHÀTHƠ DU TỬ LÊ NHÂN THỜI ĐIỂM ĐÁNH DẤU 50 NĂM SÁNG TÁC THI CA CỦA ÔNG.)

Ngày 18 tháng 11 năm 2007 sắp đến, hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam (VHKHVN) sẽ tổ chức một chương trình vinh danh nhà thơ Du Tử Lê nhân thời điểm đánh dấu 50 năm kể từ ngày ông dùng bút hiệu Du Tử Lê cho một bài thơ đăng trên tạp chí Mai xuất bản tại Sài Gòn, khi ông mới 15 tuổi. Buổi vinh danh nhà thơ sẽ được tổ chức trọng thể tại hý viện Stafford Performing Arts tại Stafford, thành phố kế cận Houston, thuộc tiểu bang Texas, và bao gồm một chương trình nhạc thính phòng với các ca khúc được phổ từ thơ Du Tử Lê. Các ca sĩ xuất hiện trong chương trình là những nghệ sĩ tên tuổi của cộng đồng người Việt hải ngoại. Nhân sự kiện này, kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo, sáng lập viên và hiện là cố vấn hội VHKHVN, đã có cuộc mạn đàm với nhà thơ về cõi thơ của ông và cuộc đời ông trong quãng thời gian 50 năm qua.

***

Nguyễn Ngọc Bảo (NNB): Thưa anh Du Tử Lê, năm nay đánh dấu thời điểm 50 năm anh sống trọn vẹn với chữ nghĩa. Xin anh cho biết cho đến hôm nay, anh có bao nhiêu tác phẩm được xuất bản? Bao nhiêu là thơ và bao nhiêu là văn xuôi?

Du Tử Lê (DTL): Thưa anh Nguyễn Ngọc Bảo, tính tới hôm nay, tôi có tất cả 46 tác phẩm đã được in thành sách. Trong số đó, non một nửa là thơ. Phần còn lại là truyện, tùy bút…

NNB: Giả thử được khởi sự lại thời điểm 50 năm về trước, khi còn là cậu bé 15 tuổi sắp sửa gửi đăng báo bài thơ đầu tiên với bút hiệu Du Tử Lê, anh sẽ quyết định hướng đi nào cho anh? Vẫn nhất định trở thành một nhà thơ, hay sẽ theo đuổi một sự nghiệp khác?

DTL: Thưa anh, chắc chắn tôi chọn một hướng đi khác,

cho đời mình. Tôi muốn làm một công việc gì đó, thiết thực, hữu ích cụ thể cho mọi người, như những việc làm của các anh, chị trong Hội VHKHVN. Thí dụ, tôi được trở thành một tài xế xe tải 18 bánh, lái xuyên bang chẳng hạn.
NNB: Chẳng lẽ làm một tài xế xe tải xuyên bang lại thú vị hơn làm một nhà thơ?

DTL: Theo những tài xế xe tải thì, dọc đường có nhiều chuyện thú vị lắm, thưa anh. Tuy nhiên, nếu trở lại được từ đầu, tôi vẫn muốn được làm một việc gì khác, hữu ích cụ thể.

NNB: Ngay từ thuở có bài thơ đăng báo đầu tiên, anh có tin rằng anh sẽ trở thành một trong những thi sĩ hàng đầu của văn học Việt Nam hiện đại không, thưa anh Du Tử Lê?

DTL: Thưa anh không. Lý do, sau khi được đăng bài thơ

đầu tiên với bút hiệu Du Tử Lê, nhiều khi cả năm sau, tôi không có bài thơ nào được đăng báo. Họ luôn luôn trả lời tôi “nhận được, cám ơn.” Thời của tôi, ở miền Nam Việt Nam, muốn được đăng một bài trên tạp chí, rất khó khăn, nếu không có sự quen biết, hoặc không có người đỡ đầu…

NNB: Thông thường, trong giai đoạn đầu tiên của sự

nghiệp văn chương, một nhà thơ thường chịu ảnh hưởng từ một hay vài ba nhà thơ nổi tiếng của thế hệ đàn anh. Trường hợp anh, anh có chịu ảnh hưởng của nhà thơ nào không? Nếu có, thì đó là những ai?

DTL: Tôi tìm vào văn chương rất sớm. Có thể bởi tôi quá cô đơn. Quá nhút nhát! Tôi không có bạn vì mặc cảm sáu ngón tay… Tôi đọc tất cả những gì có trong tủ sách gia đình. Về thơ, lúc đầu tôi rất thích thơ Nguyễn Bính, rồi, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu… Nhưng tôi thích nhất và tôi nghĩ, nhiều phần, tôi chịu ảnh hưởng thơ Huy Cận, nhất là thơ năm chữ.

NNB: Tuy nhiên, ngay từ những năm đầu làm thơ, anh đã vượt ra khỏi ảnh hưởng của những nhà thơ vừa kể để tạo thành một cõi thơ riêng biệt cho mình, một cõi thơ Du Tử Lê. Nếu không làm được điều này, có lẽ anh không thể trở thành một trong những nhà thơ lớn như hôm nay?

DTL: Vâng, thưa anh Bảo. Khi lớn thêm một chút, tôi

thấy tuy các tác giả tiền chiến, có những đặc điểm khác nhau, nhưng họ vẫn có một mẫu số chung: Đó là thời đại của họ. Ngay từ khi còn rất bé, tôi đã thấy tôi không được sống trong cái không khí thanh bình, êm ả. Thời của tôi là thời chiến tranh, chạy loạn, chạy giặc, tản cư, di cư, chia lìa, chết chóc… Tôi nghĩ thơ của tôi phải có được cái nhịp đập của trái tim, của thời đại tôi sống. Tôi muốn nói, mỗi thời đại có những suy nghĩ, những ngôn ngữ, và cách diễn tả riêng. Từ đó, nó cũng tự đi tìm lấy cho nó những hình thức khác.

NNB: Năm 1985, trong một bài tiểu luận về thơ Du Tử Lê, nhà văn Mai Thảo đã viết “thời gian gần đây Du Tử Lê làm thơ hay, có nhiều thơ hay.” Rồi sau đó, ông ví von thơ Du Tử Lê ở thời điểm ấy như một thứ rượu nho thượng hạng được hạ thổ đúng tháng, đúng ngày. Trên nguyên tắc, ngay từ trước năm 75, anh đã là một nhà thơ lớn, được trao giải Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn Thơ, vào năm 1973. Vì vậy. thưa anh, tại sao mãi đến năm 1985ø, tức 12 năm sau khi anh được giải, ông Mai Thảo mới ví von thơ Du Tử Lê vừa được hạ thổ đúng tháng đúng ngày, đã loại trừ được cái xóc cái gắt để chỉ còn lại cái đầm của rượu?

DTL: Vâng anh Bảo. Tôi cũng không biết tại sao. Mặc dù, thời nhà văn Mai Thảo trông nom tạp chí Sáng Tạo, tôi cho, ông là người chủ trương làm mới văn chương. Tôi xin kể một chuyện mà, tôi cũng đã từng nói ở nhiều nơi, từng viết xuống và in ra, khi nhà văn Mai Thảo còn sống. Câu chuyện đó, có thể tóm tắt như thế này: Giai phẩm Văn, số Xuân năm 1967, ở Saigòn, tôi có đưa cho anh Trần Phong Giao, một bài lục bát ngắn, nhan đề “Bài cuối 66.” (66 = năm 1966.) Báo ra, một tuần sau, tôi tới tòa soạn lấy tiền nhuận bút. Tình cờ, gặp nhà văn Mai Thảo cũng vừa tới. Tôi nhớ, gặp tôi, ông nói ngay: “Tôi vừa đọc bài lục bát mới của Du Tử Lê. Lục bát gì kỳ vậy!” Ông không đồng ý khi tôi dùng dấy phẩy (phết) để ngắt lại nhịp đi của lục bát. Cụ thể là hai câu chót, trong bài thơ đó. Nguyên văn của nó, như sau: “phố cao, gió nổi, bóng mờ – – đêm lu, trời nặng, tôi gù lưng, đi.” Là người có làm thơ, anh Bảo biết rằng, lục bát của chúng ta, xây dựng trên nhịp chẵn là 2/2/2 cho câu Sáu và 2/2/2/2 cho câu Tám (hoặc đôi khi cũng có thể là nhịp đều 3/3 cho câu Sáu, 4/4 cho câu Tám).

Do đó, với hai câu thơ tôi vừa đọc, nếu chia nhịp, thì nó sẽ là: 2/2/2 cho câu Sáu và 2/2/3/1 cho câu Tám. Việc làm đó của tôi, tôi nhấn mạnh, cách đây đã trên 40 năm, chứ không phải gần đây! Khi ấy, sự cố tình ngắt lại nhịp đi của lục bát, của tôi, nó là cái gì khó cho mọi người chấp nhận, ngay cả người luôn chủ trương đứng về phía cái mới… Rất may cho tôi, đầu thập niên 90, nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh cho tôi mượn cuốn “Nghĩ về thơ” của Nguyễn Hưng Quốc. (Tác phẩm này do nhà Văn Nghệ xuất bản năm 1991, đã tái bản, sau đó.) Trong tập sách này, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, ghi nhận chủ tâm đổi mới nhịp lục bát của tôi. Khi trích dẫn một số câu lục bát của tôi, Nguyễn Hưng Quốc có trích dẫn hai câu tôi mới đọc. Và ông ta kết luận, đại ý, lục bát sau Du Tử Lê, là một lục bát khác. Nỗ lực ấy, không thể phủ nhận.

NNB: Nhắc đến chuyện anh đổi mới nhịp thơ, nhà thơ Đỗ Quý Toàn đã từng nhận định rằng “Du Tử Lê là một nhà thơ hiếm hoi, kỳ tài ở chỗ luôn làm mới được thơ của chính ông ấy.” Theo anh, vì lý do nào ông Đỗ Quý Toàn đã nhận định như vậy? Phải chăng chỉ ở nhịp lục bát như anh vừa trình bầy?

DTL: Để trả lời đầy đủ câu hỏi này, tôi nghĩ sẽ mất rất nhiều thì giờ của quý độc giả. Vì, nhà thơ Đỗ Quý Toàn có những lý giải khá cận kẽ, và trích dẫn nhiều câu thơ của tôi, trước khi đi tới kết luận. Và, ông không chú trọng nhiều đến thể lục bát, mà ở cấu trúc, cùng ngôn ngữ nơi các thể thơ khác của tôi. Do đấy, tôi xin đề nghị vài phương cách giản tiện hơn, đó là: Thứ nhất, xin quý vị mua và xem phần phát biểu mới nhất (ngày 29 tháng 9-07, vừa qua,) của nhà thơ Đỗ Quý Toàn trong cuốn video “Du Tử Lê / 50 Năm” do Hội VHKHVN thực hiện và phát hành. Thứ hai, quý vị có thể vô thư viện, hoặc hỏi các tiệm sách, cuốn “Tìm thơ trong tiếng nói” của nhà thơ Đỗ Quý Toàn, do nhà Thanh Văn xuất bản tại Hoa Kỳ, năm 1992. Hoặc nữa, quý vị cũng có thể mua tuyển tập nhiều tác giả, cùng nhan đề “Du Tử Lê / Năm mươi năm,” cũng do Hội VHKHVN xuất bản và, sẽ chính thức phát hành lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 18 tháng 11 tới đây, tại hí viện Stafford Performing Arts Centre. Trong tuyển tập nhiều tác giả này, như tôi biết, Hội VHKHVN cũng sẽ đăng tải bài nói chuyện, phân tích của nhà thơ Đỗ Quý Toàn về thơ của tôi, tại Đại học Montreal, hồi tháng 4 năm 1994, ở Canada.

NNB: Cho đến hôm nay, anh có nghĩ là các lối cách tân thơ của anh được nhiều người làm thơ tán thành và áp dụng không?

DTL: May mắn cho tôi, sau này, nhiều người đã hưởng ứng, ngay cả trong nước. Thậm chí cả các ký giả viết báo nữa. Nhất là khi tôi chủ trương chẻ chữ để thêm nghĩa, thí dụ “chia, ly” “tàn, tạ,” “thất, lạc”… Mặc dù, trước đây, tôi từng bị chửi trên báo là “vô học,” là “không biết xử dụng dấu phết, khi tôi in một tập tùy bút, nhan đề: “Tôi, ấu thơ và, mẹ!””

NNB: Anh có lo ngại một ngày kia, sẽ có một Du Tử Lê khác vượt qua anh khiến anh bị lu mờ và ít được nhắc nhở nữa không?

DTL: Thưa anh, không. Tôi nghĩ tôi đã miễn nhiễm với sự sợ hãi đó. Bởi vì không phải mai này mới có những “Du Tử Lê khác.” Mà, hiện tại cũng như quá khứ, tôi đã được gặp, đã đối điện với rất nhiều Du Tử Lê khác. Nói một điều, có thể không thuận tai anh Bảo, nhưng tôi vẫn xin được nói: Tôi quan niệm đời sống là dòng sông chảy, trôi không ngưng nghỉ. Tôi rất mong, những ngày còn sống, sẽ thấy được “một Du Tử Lê” mới, làm lu mờ hoặc khiến không ai còn nhắc tới Du Tử Lê cũ, là tôi, nữa.

NNB: Thưa anh Du Tử Lê, là một nhà thơ thành danh

ngay từ khi còn rất trẻ, chắc chắn anh đã tận hưởng những vinh quang đến từ ngòi bút, từ tài hoa của anh. Trong số những vinh quang ấy, đối với anh, đâu là vinh quang rực rỡ nhất? Phải chăng đó là giải Văn Chương Toàn Quốc trong bộ môn Thơ mà anh nhận lãnh năm 1972?

DTL: Vâng. Nhưng điều đó, chỉ đúng cho giai đoạn trước năm 1975 mà thôi, thưa anh Bảo. Với tôi, thì cái rực rỡ, sung sướng hay hạnh phúc nhất, là những phút mà tôi may mắn sẽ được có vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng 11 tới đây, do Hội VHKHVN, cũng như các thân hữu và độc giả đem lại…

NNB: Thưa anh, trong tác phẩm biên khảo của ông Nguyễn Đức Tùng mang tựa đề “Với Du Tử Lê, đời sống trở nên thơ mộng hơn” (do nhà sách Tự Lực xuâùt bản và phát hành trong năm nay), tác giả đã chia thơ Du Tử Lê theo từng đề tài và có những bài tiểu luận về những đề tài này như thơ viết cho quê hương, thơ viết về mẹ, thơ cho bằng hữu, thơ thiền tính, và dĩ nhiên thơ tình. Tuy nhiên, tác giả đã viết rõ “Du Tử Lê là người vắt kiệt đời mình để làm thơ tình.” Theo anh, vì sao ông Nguyễn Đức Tùng nhận định như vậy, vì số lượng thơ tình anh đã sáng tác vượt trội hẳn những bài thơ viết về đề tài khác, hay vì những bài thơ tình ấy đặc sắc hơn?

DTL: Tôi nghĩ, có lẽ vì cả hai lý do mà anh Bảo vừa nêu ra. Thêm nữa, thơ tình bao giờ cũng dễ đọc và, dễ đáp ứng số đông, hơn những loại thơ khác.

NNB: Theo kinh nghiệm của anh, phải chăng một nhà thơ chỉ có thể sáng tác được những bài thơ tình thật hay nếu trong lòng họ lúc bấy giờ đang có một tình yêu lớn, nhất là thứ tình yêu có bóng dáng của bất an, của trắc trở?

DTL: Vâng. Thưa anh, đúng vậy.

NNB: Trong tác phẩm “Với Du Tử Lê, đời sống trở nên thơ mộng hơn” vừa nhắc đến, có một chương thật thú vị. Đó là chương khá dài mang tựa đề “Người Kể Chuyện Tình.” Trong chương này, ông Nguyễn Đức Tùng có một hành động khá liều lĩnh là liệt kê những nhân dáng cũ trong đời anh và những bài thơ bất hủ của anh liên hệ đến những nhân dáng ấy. Chẳng hạn như Huyền Châu với “67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu” tức “Trên Ngọn Tình Sầu,” Huỳnh Thụy Châu với “Khúc Thụy Du,” Nguyễn Lan Anh với “Kiếp Sau Xin Giữ Lại Đời Cho Nhau,” Thục Ngạn với “Đêm, Nhớ Trăng Sai Gòn,” một nghệ sĩ tên tuổi khác với “Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu,” Thúy Ngọc với “Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi,” v.v. và v.v. Thưa anh, phải chăng nếu không có những người phụ nữ này, thì sự nghiệp thi ca của Du Tử Lê đã không được như hôm nay, kể cả lượng lẫn phẩm? Giả tỉ như những người này đang lắng nghe cuộc mạn đàm của chúng ta, anh có điều gì muốn nói với họ không, thưa anh?

DTL: Vâng. Đúng thế. Nếu có ai trong số những người mà anh Bảo vừa đề cập, đang lắng nghe, cho phép tôi được gửi lời cảm ơn và, cùng lúc lời xin lỗi!”

NNB: Không hiểu khi đọc chương này, chị Hạnh Tuyền, tức Du Tử Lê phu nhân, có mang tâm trạng “Lửa tâm càng dập càng nồng” như Hoạn Thư trong Truyện Kiều không, thưa anh?

DTL: Tôi nghĩ là… có thưa anh. Nhưng gần đây, tôi có cảm tưởng Hạnh Tuyền quan tâm tới sự nghiệp của tôi, nhiều hơn bất cứ một điều gì khác. NNB: Xin hỏi thêm anh một câu nữa về đề tài này. Trong “Với Du Tử Lê, đời sống trở nên thơ mộng hơn,” ông Nguyễn Đức Tùng khai danh tính những phụ nữ đã từng lưu dấu trong đời anh, và dĩ nhiên trong thơ anh. Tuy nhiên, có một người mà ông Tùng không nêu đích danh mà chỉ nhắc đến bằng cụm từ “một nghệ sĩ lẫy lừng tên tuổi”. Thưa anh, vì lý do nào mà ông Tùng tế nhị không nêu tên nữ nghệ sĩ này? Thêm nữa, có nhiều thân hữu của anh đã nhận định rằng trong những năm gần đây, dường như hình ảnh người nữ này vẫn thấp thoáng đi ra đi vào trong cõi thơ anh?

DTL: Thưa anh Bảo, câu hỏi về sự không nêu danh người nữ nghệ sĩ kia, xin anh Bảo hỏi thẳng anh Nguyễn Đức Tùng. Còn câu hỏi kế tiếp, tôi nghĩ, có thể, anh Tùng cho rằng, chưa phải lúc để công bố. Hoặc cũng có thể vì một lý do nào khác, mà tác giả Nguyễn Đức Tùng không hoặc chưa muốn nói ra… Về phần thứ hai của câu hỏi, tôi có thể khẳng định ngay là, không hề, thưa anh Bảo. Có thể những thân hữu đó, của tôi nhầm lẫn với một hình ảnh nào khác chăng…

NNB: Thưa anh Du Tử Lê, trong hơn 10 năm qua, anh đã được nhiều trường đại học tại Hoa Kỳ mời nói chuyện về văn chương Việt Nam nói chung và thi ca nói riêng. Trong những buổi nói chuyện này, đã có sinh viên nào hỏi anh về sự khác biệt cơ bản giữa thi ca VN và thi ca Hoa Kỳ không? Nếu có, anh đã trả lời họ ra sao?

DTL: Thưa anh có. Tôi trả lời họ rằng, đời sống Mỹ là một đời sống hạnh phúc, thanh bình, dư thừa mọi thứ… Vì thế, thơ của các thi sĩ Mỹ hầu hết rất êm ả, ít dằn, xóc. Họ thường nói về thiên nhiên – – Như buổi sáng hay buổi chiều dạo bờ biển, với họ, cũng đã có thể thành một bài thơ. Trong khi thơ Việt Nam ngược lại. Đời sống của người việt Nam, nhất là thế hệ tôi, đầy bất trắc, đầy tai ương. Không một ai có thể nói trước điều gì, về ngày mai của mình! NNB: Và có ai hỏi anh là thơ Du Tử Lê đặc biệt ở những điểm nào không?

DTL: Thưa anh không. Nhưng có một chuyện mà tôi xin kể lại ở đây, như một sự kiện tiêu biểu cho tinh thần học hỏi của sinh viên Mỹ. Đó chuyện năm 1999, tôi có hai lần được mời nói chuyện tại đại học Berkeley. Lần thứ hai, có một sinh viên Mỹ, cô đang là ứng viên tiến sĩ Vật Lý; nhưng ghi tên theo học một lớp về văn chương Việt Nam. Cô phải dịch một đoạn văn trong truyện ngắn “Đời ta” của tôi, sang tiếng Mỹ. Câu thứ nhất, cô hỏi tôi rằng, cô nghĩ người bạn đời hiện tại của tôi, không phải là nhân vật nữ, trong truyện “Đời ta”? Tôi đáp, đúng vậy. Câu kế tiếp, cô hỏi ngay, rất thẳng thắn rằng, tương lai, nếu tôi có dịp gặp lại người đàn bà trong truyện, thì tôi có … “sex” với người đàn bà đó? Tôi bật cười, thay câu trả lời. Anh Bảo biết mà, sinh viên Mỹ họ rất tự nhiên. Muốn hỏi là hỏi. Họ chẳng thấy có gì không ổn trong tất cả những câu hỏi của họ.

NNB: Thưa anh Du Tử Lê, có lẽ anh là nhà thơ Việt Nam duy nhất có thơ được dịch sang Anh ngữ để dùng làm tài liệu giảng dậy tại một số trường đại học Âu Mỹ như Berkeley, UCLA tại Hoa Kỳ, và Cambridge tại Anh quốc. Anh có tin rằng thơ anh sẽ được dùng để giảng dậy tại trường đại học Văn Khoa ở Việt Nam trong tương lai không?

DTL: Tôi tin là có, khi Việt Nam tự đem được mình ra khỏi mặc cảm Nam / Bắc, thể chế chính trị… Để chỉ còn một thứ chung, vĩnh cửu, là Văn Học và Nghệ Thuật. NNB: Giả tỉ trong một vài năm tới, trường đại học Văn Khoa Việt Nam chọn một bài thơ của anh, chỉ một bài thôi, để giảng dậy. Thưa anh Du Tử Lê, trong trường hợp này, anh muốn họ chọn bài nào, và vì lý do nào anh chọn bài này?

DTL: Trường hợp đó, nếu xẩy ra và, giả tỷ được tự chọn thì, tôi sẽ chọn bài “Vỡ lòng cho một người con gái Mỹ.” Tôi viết bài này vào cuối năm 1969, trong thời gian theo học một khóa tu nghiệp ngắn về Báo chí, tại Hoa Kỳ. Nội dung bài đó, đại ý nói, tôi ước mơ cái ngày mà người bạn gái của tôi viếng thăm quê hương tôi – – Là ngày mà tất cả những hố bom, hố mìn trên đất nước Việt Nam, đã được san bằng, được lấp đi, cho rất nhiều hoa nở… Và, người bạn gái Mỹ của tôi, sẽ chọn quê hương tôi, làm nơi định cư vĩnh viễn của cô… Trớ trêu thay, hiện tại, tôi lại chính là người lưu vong, sống trên đất nước của cô ấy! Nên hiểu theo một nghĩa nào đó, thì tôi vẫn ước ao đất nước mình thay đổi, để chính tôi và có thể rất nhiều ruột thịt của chúng ta, tương lai, có thể trở lại sống trong quê hương của mình…

NNB: Trong số tất cả những nhà thơ của Việt Nam từ cổ đến kim, có thể nói mà không sợ nhầm lẫn rằng anh là nhà thơ có nhiều thơ được soạn thành ca khúc nhiều nhất. Theo tôi được biết thì có hàng trăm nhạc sĩ, ở cả quốc nội lẫn hải ngoại, đã phổ nhạc thơ anh. Theo anh, điều gì ở thơ anh đã khiến nhiều nhạc sĩ phải lòng như vậy? Vì ý thơ, tứ thơ, vì cảm xúc gửi gấm trong thơ, hay vì thơ anh đã gói ghém sẵn âm hưởng, tiết điệu thích hợp cho một ca khúc?

DTL: Thưa anh tôi thực sự không rõ. Chưa kể, thơ tôi vốn trúc trắc. Tôi hay dùng những âm trắc để mở đầu cho một hay, nhiều câu thơ của mình. Tôi thí dụ một câu thơ có 7 chữ là “ở chỗ nhân gian không thể hiểu.” Trong 7 chữ này, hết 4 chữ là âm trắc. Ngay hai chữ đầu câu, đã trúc trắc, trục trặc rồi! Chưa kể dấu hỏi và, dấu ngã. Nhiều nhạc sĩ cho biết, đã nhiều hỏi, ngã mà lại còn đi liền nhau, gây khó khăn không ít cho họ. Nếu nhạc sĩ không “bản lĩnh” thì, khi ca sĩ khi hát, dù có… lẹo lưỡi, méo miệng đến đâu, nó vẫn thành chữ… khác. Một thí dụ khác nữa, như câu thơ: “hãy nói về cuộc đời…” – – Có 5 chữ thôi mà, hết 3 chữ là âm trắc. Lại mở đầu câu thơ bằng một chữ có dấu… ngã!….

NNB: Nhắc đến thơ phổ nhạc, tôi nhớ có lần họa sĩ kiêm nhà thơ Tạ Tỵ phát biểu đại khái rằng ông không chấp nhận được những bài thơ phổ nhạc vì thơ và nhạc là hai ngành riêng biệt; và như vậy, khi được phổ nhạc thì thơ đã mất đi ít nhiều tính chất thơ cũng như cảm xúc gói ghém trong thơ. Anh nghĩ sao về nhận định này?

DTL: Họa sĩ và cũng là nhà thơ Tạ Tỵ có lý, khi ông nói như vậy. Tuy nhiên, cá nhân tôi, cũng không phủ nhận, nếu giữa thơ và nhạc là một hôn phối tốt đẹp thì, âm nhạc đã chắp thêm (tôi nhấn mạnh: thêm,) cánh cho thơ bay xa hơn. Vì âm nhạc đến với người nghe bằng rung cảm trực tiếp của trái tim. Trong khi thi ca đến với người đọc bằng khối óc, kinh nghiệm và cả kiến thức, trình độ nữa.

NNB: Trong số những ca khúc soạn từ thơ anh, có lẽ “Trên Ngọn Tình Sầu” do nhạc sĩ Từ Công Phụng soạn là ca khúc được biết đến và được yêu mến nhiều hơn cả. Hội VHKHVN chọn chủ đề “Du Tử Lê, 50 Năm Trên Ngọn Tình Sầu” một phần cũng vì lý do này. Tôi được biết tại Việt Nam, nhân thời điểm kỷ niệm nửa thế kỷ âm nhạc vào năm 1996, hội Âm Nhạc Việt Nam đã công bố những nhạc phẩm hay nhất trong 50 năm theo sự chọn lựa của quần chúng. Trong số này có “Trên Ngọn Tình Sầu”. Xin anh cho biết lai lịch bài thơ đã được Từ Công Phụng dùng để soạn nên ca khúc bất hủ này.

DTL: Thưa anh Bảo, theo tài liệu tôi có, thì, đó là năm 1993, chứ không phải 1996. Bài thơ ấy, nguyên bản, có tên là “67, khúc thêm cho Huyền Châu.” 67 tức là năm 1967. Tôi in lại bài thơ đó, trong tập thơ “Tay gõ cửa đời,” xuất bản năm 1967. Hai năm sau, một người bạn của tôi, anh Nguyễn Thiệp chơi thân với nhạc sĩ Từ Công Phụng, chỉ cho nhạc sĩ Từ Công Phụng bài thơ ấy. Theo anh Nguyễn Thiệp, thì đó là một bài thơ hay. Anh Phụng đọc. Xong, soạn thành ca khúc. Mãi về sau, tôi mới được biết “ngọn nguồn” này. Khi phổ xong, anh Phụng mang bản thảo ra café La Pagode, nơi tôi hay ngồi, hát cho tôi nghe; và đề nghị tôi chọn một cái tên khác, cho bản nhạc. Anh Phụng nói, nếu để nguyên nhan đề thì, nó có vẻ cá nhân quá, riêng biệt quá. Sẽ khó được đón nhận. Tôi đồng ý và đề nghị đổi lại là “Trên ngọn tình sầu.” Tôi đâu ngờ, khi ra đời, ca khúc này lại có được cho nó cái định mệnh tốt lành đến như thế. Tiếc một điều anh Nguyễn Thiệp, người “mối lái” cho cuộc hôn phối giữa thơ tôi và nhạc anh Phụng, đã bị bắn chết từ năm 1978, khi anh vượt ngục ở một trại tù ở miền Nam! Anh Nguyễn Thiệp có một hai người con hiện ở Mỹ. Tôi hy vọng các cháu, nghe / đọc được những gì chúng ta đang nói đây.

NNB: Thưa anh, hỏi thật anh một điều, có rất nhiều nhạc sĩ phổ thơ anh rất hay, rất tới, như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng, Trần Duy Đức, Đăng Khánh, Hoàng Quốc Bảo, v.v. là những nhạc sĩ có các ca khúc phổ thơ Du Tử Lê sẽ được trình diễn trong chương trình “Du Tử Lê, 50 Năm Trên Ngọn Tình Sầu” ngày 18 tháng 11 sắp đến tại Houston. Tuy nhiên, thưa anh Du Tử Lê, trong số những nhạc sĩ từng phổ thơ Du Tử Lê, có vị nào đã giết chết thơ anh một cách “thô bạo” không?

DTL: Cũng có khá nhiều người, thưa anh Bảo. Tuy nhiên, ngay cả trường hợp ấy, tôi cũng vui, vì họ đã tìm tới với thơ của tôi.

NNB: Có nhiều bạn trẻ đang làm thơ và mong mỏi sau này sẽ trở thành một nhà thơ lớn, lớn như Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, Trần Dạ Từ, Đỗ Quý Toàn, những nhà thơ còn tại thế hôm nay. Bằng vào kinh nghiệm 50 năm làm thơ, anh có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ này không?

DTL: Tôi rất ngại ngần trước những câu hỏi như thế này. Nhưng, thưa anh, nếu buộc phải nói, thì tôi xin thưa rằng: Chúng ta đều có thể đốt giai đoạn ở rất nhiều lãnh vực. Từ học hành, làm giầu cho tới chức tước, địa vị xã hội… Riêng lãnh vực văn học, nghệ thuật (trừ một vài trường hợp ngoại lệ, như Beethoven…) thì không. Là những người bình thường, chúng ta không thể đốt giai đoạn. Đừng nhảy cóc, đừng “skip” bằng những thủ đoạn như lớn lối chê bai, chửi rủa, xỏ xiên, xổ toẹt… những người đã thành danh, đã định hình. Bạn sẽ ân hận, nếu đánh giá thấp đám đông thầm lặng. Văn học, nghệ thuật cũng đòi hỏi sự lao tác cật lực nơi các tác giả, như những người làm công việc khác…

NNB: Thưa anh DTL, anh có đọc chuyện kiếm hiệp của Kim Dung không?

DTL:
Vâng. Có. Rất mê.

NNB: Có lẽ anh còn nhớ đoạn Trương Tam Phong truyền Thái Cực Kiếm cho Trương Vô Kỵ. Khi theo dõi Trương Tam Phong biểu diễn lần đầu, Vô Kỵ nhớ phân nửa. Đến khi sư tổ biểu diễn lần thứ hai, Vô Kỵ quên cả. Nhưng đó chính là mấu chốt để lãnh hội kiếm pháp cao minh này. Phải chăng người mới làm thơ cũng nên bắt chước Trương Vô Kỵ học Thái Cực Kiếm, thưa anh Du Tử Lê?

DTL: Ồ, anh Bảo. Thí dụ anh đưa ra, quá hay!

NNB: Thưa anh Du Tử Lê, trong nửa thế kỷ làm thơ và làm người, chắc chắn anh đã học được những bài học giá trị, cho đời mình và cho cả đời người. Trong những bài học này, đâu là bài học lớn nhất, có giá trị nhất mà anh cảm nghiệm được?

DTL: Thưa anh Bảo, sau nhiều năm, và nhất là bước vào tuổi già, tôi nghiệm thấy, bài học một tôi cho là lớn nhất của đời tôi là: Kiên nhẫn, tự tin và, tử tế với tất cả mọi người.

NNB: Tôi được biết là khoảng một năm về trước, anh bị vướng phải một căn bệnh khá hiểm nghèo. Anh có thể kể cho biết đó là căn bệnh gì không?

DTL: Tôi bị ung thư ruột già.

NNB: Anh có cảm tưởng gì ngay sau khi biết mình bị căn bệnh này?

DTL: Tôi bình thản. Gần như không chút xúc động. Chỉ bởi vì, tôi hằng tự nhủ, tôi được sống đến ngày hôm nay, là đã quá phước đức, quá may mắn rồi; nếu so với các bạn cùng trang lứa, cùng giai đoạn. Nhưng nhà tôi thì gần như muốn ngất xỉu, tại chỗ!

NNB: Từ ngày biết tin mình bị bệnh đến hôm nay, anh có tiếp tục sáng tác nữa không?

DTL: Tôi vẫn, thưa anh, dù không nhiều. Tôi cho đó là cách duy nhất để cụ thể hóa sự biết ơn người, biết ơn đời của tôi.

NNB: Và vẫn tiếp tục làm thơ Thiền tính như trong vài năm gần đây? DTL: Vâng. Với cá nhân tôi, hai tập thơ thiền tính, trong quá khứ, mỏng thôi, nhưng rất đáng kể. Hiện tại, nếu có dịp, tôi sẽ đọc anh Bảo nghe, một vài bài thơ ngắn, tôi viết sau khi biết mình trở lại đời sống, từ cõi chết. Anh sẽ thấy tôi không còn dùng bất cứ một ngôn từ nào liên quan gần xa tới…Thiền… Nhưng…

NNB: Xin anh cho biết những dự định của anh trong tương lai?

DTL: Tôi không có một dự tính nào rõ rệt. Ngoài, ao ước; phải chi, mỗi năm lại có một lần… “50 Năm Trên Ngọn Tình Sầu!”

NNB: Lúc nẫy, anh cho biết nếu được quyền chọn một bài thơ Du Tử Lê để đặt vào chương trình giảng dậy trong tương lai của đại học Văn Khoa Việt Nam thì anh sẽ chọn bài “Vỡ lòng cho một người con gái Mỹ.” Đây là một bài thơ nói lên lòng yêu quê hương ở anh. Tuy nhiên, là một người “vắt kiệt đời mình để làm thơ tình,” khi phải chọn một bài thơ Tình tiêu biểu cho sự nghiệp 50 năm thi ca, anh sẽ chọn bài nào? Xin anh viết bài thơ ấy ra đây như một món quà tặng những độc giả yêu mến dòng thơ Tình Du Tử Lê trong bao năm qua.

DTL: Trường hợp đó, tôi xin được chọn bài thơ tôi viết từ năm 1967, nhan đề “67, Khúc thêm cho Huyền Châu” tức “Trên ngọn tình sầu” theo ca khúc. Bài thơ đó, nguyên văn như thế này:

67, KHÚC THÊM CHO HUYỀN CHÂU,
(Trên ngọn tình sầu.)

hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn
trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng
bày sẻ cũ hom hem chiều ngói xám
trời xanh xao chân nhỏ cũng không về.
cây mộng nở từng ngón tay lá nõn
nôi tương tư cỏ ấm thịt da người.
tôi hắt hiu từ mắt em ngát tạnh
môi thâm khô từ thuở định xin hôn
ngày tháng hạ khi không mà trở rét
em khi không mà trở mặt điêu ngoa.
tay trông ngón hương đưa mùi tóc mạ
ngọn me xa theo ký ức rì rào.
chiều qua đó chân ai còn ríu rít
lời ai say cho trời đất lại gần.
kỷ niệm tôi từ những ngày vỡ tiếng
nhẩn nha gom từng cọng thiết tha rơi
con dế nhỏ lớn lên đầm tiếng hát
khi đêm về ru giọng đớn đau hơn.
cây niên thiếu cũng thui mầm trong sáng
lá oan khiên lả tả mái hiên người.
tôi èo uột từ những ngày cả gió
con dế buồn tự tử giữa đêm sương.
bày sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ,
ngọn me xưa già khọm nhớ thương hờ.
em ở đó, bờ sông còn ấm cát
con sóng tình vỗ mãi một âm quên.
1967
(Trích: Tay Gõ Cửa Đời. Xb. năm 1967.)

NNB: Và câu hỏi cuối cùng, anh có cảm tưởng gì khi hội VHKHVN tổ chức trọng thể chương trình vinh danh anh ngày 18 tháng 11 sắp đến, thưa anh Du Tử Lê?

DTL: Tôi không có chữ, cũng không biết phải nói sao, để phản ảnh được, dù chỉ một phần những cảm nhận sâu, lớn trong tôi. Đây là một trong nhiều trường hợp, tôi thấy rõ sự bất lực của ngôn ngữ! Có lẽ anh Bảo cho phép tôi được lập lại cái ý tôi đã phát biểu lúc nẫy, đó là: Điều mà tôi cho là hạnh phúc nhất, rực rỡ nhất đời tôi, không phải là khi tôi nhận được giải thưởng văn chương toàn quốc, bộ môn thơ, dù khi đó, tôi còn rất trẻ. Mà, chính là những gì tôi sẽ nhận được từ Hội VHKHVN, từ các thân hữu, bạn đọc thuộc nhiều thế hệ dành cho tôi, vào buổi chiều ngày 18 tháng 11 tới đây, tại Stafford Performing Arts Centre.

LỜI CUỐI CỦA NNB: Thưa anh Du Tử Lê, trong câu chuyện hôm nay, anh đã nhắc đến “Vỡ lòng cho một người con gái Mỹ,” bài thơ được viết năm 1969 với những lời mời gọi người con gái tên Donna đến với quê hương ta sau khi chiến tranh chấm dứt. Tôi xin được chép một đoạn trong bài thơ ấy ra đây, để gửi tặng những người bạn trẻ hội VHKHVN, mà trong đó, có rất nhiều người được sinh ra trên xứ sở này, xem nơi này là quê hương, và suy nghĩ, hành xử như cô Donna của anh ở 38 năm về trước. Những người trẻ của hội VHKHVN ấy, họ đang nỗ lực làm việc để buổi vinh danh anh ngày 18 tháng 11 sắp đến đạt được kết quả tốt đẹp.

………………………

anh hy vọng ngày đó
những hố bom hố mìn
đã được lấp bằng
cho rất nhiều hoa nở
em sẽ thấy xứ sở anh có phần còn đẹp hơn nước Mỹ
để em sẽ nhận ra
không ở đâu có thể có được
một giống dân hiền lành nhưng quả cảm
một giống dân cần cù nhẫn nại
và dễ mến như dân tộc anh
và biết chừng đâu khi ấy
em sẽ chẳng chọn quê hương anh
như một tổ quốc thứ hai
khởi đầu cho một cuộc định cư vĩnh viễn
…………………………..

Chắc anh cũng đồng ý, những hố bom hố mìn, ở một ý nghĩa khác, vẫn còn đầy dẫy trên quê hương ta hôm nay. Mong rằng chúng sẽ sớm được lấp bằng “cho rất nhiều hoa nở”.

Riêng anh, tôi chúc anh sẽ vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo. Tôi tin rằng thơ; phải, chính thơ, sẽ góp phần chữa anh lành bệnh, như đã vực anh ra khỏi bao bi lụy của cuộc đời, trong suốt 50 năm qua. Và mong rằng, mai này, anh sẽ có cơ hội trở về quê hương. Đến lúc anh giã từ cõi thơ, giã từ cuộc đời, sẽ không ai phải “mang anh ra biển,” như những lời trong một bài thơ nổi tiếng của anh. Đến lúc ấy, anh sẽ được ngủ giấc an bình trong lòng đất mẹ (mảnh đất đang có rất nhiều hoa nở).

Xin cám ơn anh đã dành cho hội VHKHVN cuộc mạn đàm lý thú này.

10/2007

Nguyễn Ngọc Bảo 

Nguồn: https://www.dutule.com/p128a2427/nam-muoi-nam-ay-bay-gio-la-day

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận