Nói đến Đinh Hùng, người ta thường nghĩ ngay tới “Mê Hồn Ca,” tác phẩm đầu tay của thi sĩ do nhà xuất bản Tiếng Phương Đông của Hồ Dzếnh ấn hành tại Hà Nội năm 1954.

Tập thơ chia làm bốn phần:

1-Nguyên thủy.

2-Chiêu niệm.

3-Thần tượng.

4-Mê hồn.

Với những tiêu đề này, tác giả đã cho người đọc một ý niệm khái quát về vũ trụ thi ca mang tên ông.

Đọc xong tập thơ, gấp lại, trong tôi một khoảng trống lớn dần, lớn mãi cùng nỗi buồn nhè nhẹ nhưng thấm thía. Không biết tại sao tôi buồn? Cũng không một hình ảnh, một cảnh sắc nào lưu dấu trong tôi. Hình như tất cả đã tan đi, loãng ra theo dòng thơ cuồng xiết trôi về một trời nào xa vắng, một thiên đường nào, mà đôi lần trong vô thức tôi đã mơ tưởng, đã phác dựng. Cùng một lúc, tôi nhớ tới Xuân Diệu, tới Chế Lan Viên, tới Huy Cận, tới Thế Lữ, tới Hồ Dzếnh… Tới những khuôn mặt tiền chiến, hơn một lần soi đậm vóc dáng họ, trong vòm trời văn học nghệ thuật Việt Nam…

Tôi hình dung khung cảnh Hà Nội thuở 1940-1944. Tôi hình dung tới những cao lâu, tửu điếm, nhà hát… Cuối cùng, Đinh Hùng trong cốt cách lãng tử cô đơn, lăn vào cuộc sống âm vang tiếng sênh, tiếng phách, của những đêm hoan lạc suốt sáng để quên. Quên thân phận tôi mọi trâu chó của một kẻ mất nước. Một tên nô lệ sống trên đất nước mình, mà mang tâm thức kẻ lạ mặt, một ngoại nhân sống giữa quê người.

Giữa trạng huống đau thương đó, Vũ Hoàng Chương tìm quên trong “Say.” Chế Lan Viên khóc vay thương mướn một dân tộc đã diệt chủng. Xuân Diện dìm mình trong thế giới ái tình tuổi trẻ, hưởng thụ vội vàng. Đinh Hùng cũng dựng tạo cho riêng ông một cõi trú. Một thế giới khả dĩ dung nạp được tâm hồn đam mê cuồng nhiệt của ông. Thế giới đó là thế giới thuở sơ khai. Thuở những bon chen, những trì kéo của kiếp người chưa trở thành những đòi hỏi, những định luật thiết yếu.

Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản
Mất tinh thần từ những thuở xa xôi
Ta về đây lạ hết các ngươi rồi
Lạ tình cảm, lạ đời chung cách sống

Giữa hoang loạn của lâu đài đình tạ
Ta thản nhiên khi trở lại núi rừng
Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng
(Trích “Bài Ca Man Rợ”)

Thế giới thi ca của Đinh Hùng qua “Mê Hồn Ca,” là một thế giới lạ kỳ, mang đầy bản chất sơ khai. Có người cho ông thuộc phái tượng trưng hay siêu thực. Nhưng theo tôi, dù siêu thực, tượng trưng, điều quan trọng nằm ở chỗ Đinh Hùng đã là… Đinh Hùng, có một khoảng trời riêng, bi thảm bọc vây cố hữu. Một khung trời hư ảo với những xung động dẫn về cội gốc:

Từng buổi hoàng hôn xuống lạ kỳ
ta nằm trên cỏ lắng tai nghe
thèm ăn một chút hoa man dại
rồi ngủ như loài muông thú kia”
 

Cố thi sĩ Hàn Mạc Tử khi sinh thời, cũng có những khát đói thần bí huyễn hoặc đó: “Trời hỡi làm sao khi đói khát/ Gió trăng có sẵn làm sao ăn” (thơ Hàn Mặc Tử).

Nhưng người ta còn có thể giải thích một cách thỏa đáng bởi vì căn bệnh nan y: bệnh cùi, mà nhà thơ của chúng ta chẳng may phải mang nặng. Ngược lại, với Đinh Hùng, lời giải đáp có phần khó khăn hơn. Có người cho rằng vì bất mãn, thất vọng với hiện đời, thi sĩ mơ tưởng thuở đời sống của nhân loại còn sơ khai. Thuở thực phẩm chính yếu của con người còn là cây cỏ, hoa trái…

Người khác lại cho rằng thế giới không tưởng vượt xa, cao trên cuộc sống trần tục, giữa không khí hôn mê, u trầm đó, thi sĩ Đinh Hùng đã bẵng quên thể xác để tâm hồn hóa nhập vào cõi ảo… Nên trong những giây phút xuất thần, thi nhân trực cảm những đói khát kỳ dị.

Theo tôi thì sự thực không hẳn đã là như thế. Bởi ngoài những khát vọng bất thường bộc lộ trong dòng thơ huyễn hoặc, thế giới thi ca của thi sĩ Đinh Hùng vẫn là thế giới của tình yêu, với những xúc động băn khoăn rất người:

ta thường có những buổi sầu ghê gớm
ở bên em ôi biển sắc rừng hương
em lộng lẫy như muôn ngàn hoa sớm
em đến đây như đến tự thiên đường…”
 

Những khắc khoải về tình yêu trong thơ ông, như những đường biểu diễn được đẩy lên tới điểm mức cao nhất:

Ta trong đó thấy trời ta mơ ước
thấy cả bóng một vầng đông thuở trước
cả con đường sao mọc lúc ta đi
cả chiều sương mây phủ lối ta về
khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ”

Tuy nhiên ở mặt khác của thương nhớ, tương tư thần tượng hư ảo kia lại là một người con gái có thực. Một kỹ nữ, thành phần bị xã hội xưa xếp vào loại thấp kém nhất.

Nhưng với thi sĩ thì nàng kỹ nữ đó muôn đời vẫn là thần tượng, là lối thoát cho những đam mê dồn nén. Như tác giả cho biết, đó là mối tình một chiều. Một thứ tình tuyệt vọng:

em đài các lòng cũng thoa son phấn
hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ”
 

Nếu đạo giáo là cõi trú thích ứng nhất của những tâm hồn yếu đuối, ê chề thất lạc trong cuộc sống thực tế, khiến họ chọn tôn giáo làm con đường giải thoát siêu hình cần thiết, thì Đinh Hùng lại chọn cho ông một tôn giáo khác. Đó là tôn giáo tình yêu.

Nói cách khác, ông chủ trương một thứ đạo gọi là “đạo ái tình.” Loại đạo của hầu hết những kẻ sinh ra trót mang trong hơi thở, trong mạch máu “nòi tình.” Hiểu như vậy, chúng ta sẽ không mấy ngạc nhiên khi thấy tiếng thơ của thi sĩ luôn là tiếng gọi kêu cầu ân ái, hay những tiếng than van, oán trách kẻ phụ bạc.

ta đã muốn trở nên người vô đạo
tất cả em đều bắt ta trở nên khổ não
và oán hờn căm giận tới đau thương
và yêu say mê mệt tới hung cuồng
và khát vọng đến vô tình vô giác”

Vì thi sĩ chấp nhận tình yêu như một lẽ sống tối thượng để quên, để xa, để lẩn trốn trước thực trạng xã hội ngày một bi đát, tối đen. Sự tự ru mình vào cõi hôn mê đã đưa linh hồn thi sĩ lênh đênh vào những vòm trời cao rộng, với những thương đau khắc khoải không ngờ.

Tình yêu, với ý thức thi sĩ cần thiết bao nhiêu thì sự đền bồi của nhan sắc, của tượng thần, của giai nhân cũng tàn nhẫn hắt hủi bấy nhiêu. Bởi thi sĩ thâm cảm được luật tương đối, cùng những hữu hạn, bất lực của thân phận làm người.

Một hữu hạn không bao giỡ cưỡng vượt nổi định mệnh khắt khe tàn bạo. Nó cũng như nước không bao giờ chảy ngược, hoa phải có ngày tàn. Khát vọng dâng tràn như sóng cuồng, bão loạn mà đời người thì ngắn ngủi, phận người thì nhỏ nhoi trước vũ trụ vô biên, thiên nhiên huyền bí! Nên ngay tại giây phút đạt tới cực điểm của nồng độ đam mê, đỉnh cùng của khát vọng, thi sĩ vẫn linh cảm được những bất lực của mình:

Niềm khát vọng ta ghi vào huyết sử
dưới chân em thơ lạc mất linh hồn
ta đau xót trong mỗi giờ tình tự
ta khóc nhiều cả lúc trao hôn”
(ác mộng)

 

Du Tử Lê

Nguồn: nguoiviet.com

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận