Vài chi tiết, chung quanh ca khúc ‘Trên ngọn tình sầu’
Ngay từ những ngày còn ở Saigon, tôi đã có thói quen mà sinh thời, cố nhà văn Mai Thảo nhiều lần nhắc nhở tôi, nên bỏ đi… Đó là thói quen ghi lại thời gian hoàn tất bài thơ, hay tùy bút của mình. Hơn thế, thậm chí tôi còn đem thời điểm ra đời của bài thơ vào ngay tựa đề của một số bài thơ nữa.
Thí dụ, trước năm 1975, tôi có một bài lục bát nhan đề “Bài cuối 66”, đăng trong tạp chí Văn số Xuân 1967. Mấy chục năm sau, cây bút phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc đã phân tích bài thơ ấy, trong cuốn “Nghĩ về thơ”, (xuất bản bởi nhà Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1991) – – Đi tới nhiều kết luận bất ngờ…
Hai con số “66” ở đây là con số viết tắt của năm 1966. Nếu không có tựa đề ấy, thì nhiều chục năm sau, tôi sẽ không biết chính xác bài thơ được viết năm nào! Cũng thế, khi tôi đặt tựa đề “67, khúc thêm cho Huyền Châu”, thì “67” là con số viết tắt của năm 1967. Bài thơ tám chữ này, sau đấy, được nhạc sĩ Từ Công Phụng tìm vào và soạn thành ca khúc, với tựa đề mới: “Trên ngọn tình sầu.”
Vẫn theo cố nhà văn Mai Thảo thì một trong những ưu thế của thi ca là tính “phi thời gian”. Ông cho rằng, một bài thơ một khi đã vượt qua đãi lọc của thời gian thì nó sẽ sống mãi, dù tác giả không còn nữa.
Bản chất, tôi chưa bao giờ lạc quan hay bi quan tới mức thầm nghĩ: Có thể bài thơ này sẽ tồn tại dài lâu hay, bài thơ kia, sẽ có một đời sống ngắn ngủi – – (Dù cho đấy, có là bài thơ tôi hài lòng, đắc ý nhất.)
Tôi vẫn quan niệm, một bài thơ khi ra khỏi tôi, nó không còn thuộc về tôi nữa. Nó sống / chết theo định mệnh của riêng nó.
Trở lại với bài thơ tám chữ, “67, khúc thêm cho Huyền Châu”, tôi viết cách đây hơn nửa thế kỷ. Nếu không có hai con số “67”, tôi e không tài nào nhớ nổi thời gian ra đời của nó!
Giữa thập niên 1990, đạo diễn Đinh Anh Dũng khi đó còn sống ở miền nam Cali, được nữ ca sĩ Thái Xuân, Trung tâm băng nhạc Diễm Xưa mời thực hiện bộ video có tên “Du Tử Lê – Giữ Đời Cho Nhau.”
Thời điểm bài thơ chuyển thể thành ca khúc là năm 1969, sau khi bài thơ được in lại trong tập thơ nhan đề “Tay gõ cửa đời”, xuất bản bởi nhà XB Nguyễn Đình Vượng, Saigon, tháng 6 năm 1967. Hồi đó, tôi và Phụng chưa thân nhau. Người giới thiệu và đưa tập thơ “Tay gõ cửa đời” của tôi cho Phụng là Nguyễn Thiệp, phóng viên Quân đội, làm cùng một phòng với tôi. Thiệp bảo bài thơ hay và lạ lắm. Vì ngay câu đầu tiên mở vào bài thơ đã là một câu thơ lạ… Tuy Thiệp không giải thích rõ được, nhưng tôi hiểu, Thiệp muốn nói tới câu thơ:
“Hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn”.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, chưa hoặc rất hiếm có một người làm thơ nào, về phương diện văn phạm hay cấu trúc câu thơ, lại đặt tính từ “hạnh phúc” trước nhân xưng đại danh tự “tôi”. Phụng đồng ý nhận xét của Thiệp, đã phổ nhạc ngay, bài thơ ấy.
Một buổi sáng, Phụng rủ tôi và Thiệp ra café La Pagode, hát cho chúng tôi nghe và yêu cầu tôi, chọn cho ca khúc một tưa đề khác: Không quá riêng tư như tựa đề đầu tiên. Nhìn thấy mấy cây cổ thụ trên đường Lê Thánh Tôn, nhớ những ngày buồn bã vì chuyện HC, qua bao nhiêu năm, tháng nắng, mưa một mình… tôi chọn “Trên ngọn tình sầu” cho bài thơ ở dạng ca khúc.
Thời còn trẻ ở VN, họ Đinh cũng rất thích ca khúc này. Nên khi dàn dựng phần hình ảnh và chi tiết chung quanh ca khúc, Đinh Anh Dũng đã bay đến thành phố Porland, tiểu bang Oregon, để phỏng vấn nhạc sĩ Từ Công Phụng. Dịp này, nếu Phụng không kể lại và được thu hình cho video, thì tôi hoàn toàn không biết người đóng vai “môi giới” bài thơ của tôi với Phụng là Nguyễn Thiệp! (Thiệp là một trong những người tù cải tạo đầu tiên, trốn trại rất sớm, năm 1978 và, Thiệp đã bị bắn chết!!!)
Nên khi dàn dựng phần hình ảnh và chi tiết chung quanh ca khúc, Đinh Anh Dũng đã bay đến thành phố Porland, tiểu bang Oregon, để phỏng vấn nhạc sĩ Từ Công Phụng. Sau đấy, họ Đinh lại bay về Saigon, tìm tới căn nhà của linh hồn bài “67, khúc thêm cho Huyền Châu”, địa chỉ 112 Bis Bến Chương Dương, Saigon.
Người con gái linh hồn của bài thơ đã xin lỗi Đinh Anh Dũng là không thể trả lời cuộc phỏng vấn có thu hình của Dũng. Cô cũng xin lỗi không có một tấm hình cá nhân nào, cho họ Đinh mượn, để bỏ vào cuốn video…
Đạo diễn bộ video “Du Tử Lê – Giữ Đời Cho Nhau” ngạc nhiên và thất vọng trước sự từ chối dứt khoát ấy. Phần cá nhân tôi, tôi không ngạc nhiên khi họ Đinh lập lại gần như nguyên văn lời của Huyền Châu dành cho Dũng mà, nhiều phần là nhằm nhắn gửi cho tôi:
“Cho tới giờ phút này, tôi vẫn là người con gái độc thân, nghĩa là tôi không có một trở ngại nào, nếu tôi có xuất hiện trong cuốn video đang được thực hiện bởi ông. Nhưng, tất cả ý nghĩa của đời sống và tình yêu của tôi, nó diễn ra ở đây, ở những con đường, những hàng cây thuộc thành phố này, không phải ở một nơi nào khác. Sự tha thiết muốn có tôi trong cuốn video của anh Lê, nếu đó cũng là ý của anh ấy thì, đó cũng chỉ là một cách nói của anh Lê mà thôi…”
Nhớ lại, lần đầu tiên tôi gặp Huyền Châu là một buổi sáng, Tháng Năm hay Tháng Sáu năm 1962, tôi được chọn làm SVSQ đại diện sinh viên, đi theo trung úy Sinh, đại diện trường Bộ Binh Thủ Đức, ngồi cùng xe nhà thầu, đi chợ Cầu Ông Lãnh, mua nhu yếu phẩm cung cấp phần ăn hàng ngày cho sinh viên… Nhà thầu chọn chợ Cầu Ông Lãnh vì họ cho là chợ có đủ hàng nhất, lại là chợ đầu mối, tức bán sỉ, giá rẻ.
Trước khi ngang qua căn nhà mặt tiền, số 112 Bis Bến Chương Dương, trông vào chợ Cầu Ông Lãnh, trung úy Sinh bảo tôi, trong căn nhà đó, có một cô bán kẹo rất xinh. Ông đố tôi vào, nói chuyện với cô ấy.
Từ rất nhỏ, tôi đã vốn nhút nhát… Nhưng khi bị thách đố, tôi liều lĩnh, nhận lời.
Tiệm tạp hóa là một phòng lớn, chỉ bày một tủ kính, bán kẹo, ô mai và sơ sài vài loại văn phòng phẩm. Rõ ràng, họ bày cho có thôi (?)
Bước vào rồi, tôi thấy người con gái để tóc thề, khuôn mặt trái soan, mắt to, hơi lạnh, khá nghiêm nghị. Tôi chới với, không biết nói gì! Bèn hỏi mua một lạng ô mai cam thảo và thú thật với cô bán hàng rằng, ông sĩ quan, chỉ huy tôi, đố tôi vào, nói chuyện với cô…
Tôi nghĩ có thể cô bán hàng bất ngờ trước sự thật kia, nên đã mỉm cười, mời tôi ngồi xuống chiếc ghế duy nhất, bên ngoài tủ kính. Sau đấy, tôi im lặng, không biết nói gì thêm. Lát sau, tôi cầm bịch ô mai, đứng lên, xin kiếu, với lý do ông xếp chờ bên ngoài.
Tôi nhớ, Huyền Châu cũng đứng dậy, nói, buổi sáng cô thường ra trông… hàng cho mẹ. Mai mốt có dịp thì tôi cứ ghé vô, nếu thấy cô.
Hai tuần sau, tôi tình nguyện và lại được chọn làm sinh viên kiểm thực cho trường. Như lần trước, nhìn vào trong tiệm, thấy HC sau quầy, tôi xin trung úy Sinh cho tôi ít phút… Ông gật đầu.
Lần này HC vẫn gọi tôi bằng “ông” nhưng cho biết tên là Lê Huyền Châu và kể, có người anh ruột tên Lê Huyền Trang đang học ở Thủ Đức, cùng khóa với tôi. (Vì thế, sau này, tôi viết bài thơ “Tâm sự người lên mặt trận” đăng ở tạp chí Văn, đề tặng Lê Huyền Trang.)
Tuy câu chuyện trao đổi với nhau rất ít, nhưng sau lần đó, mỗi khi được về phép, tôi lại ghé tiệm. Lần nào tôi cũng chỉ mua đúng một lạng ô mai cam thảo cho có (dù không ăn.)
Trước khi mãn khóa, HC có lên trường thăm tôi và ông anh. Lúc này chúng tôi đã gọi nhau bằng tên. Tôi bắt đầu làm thơ cho Huyền Châu; gửi trang thơ báo VNTP, do ông Như Trị phụ trách. Trong số những bài thơ được chọn đăng, có một bài tôi lấy tên là “Bài Huyền Châu”. Báo đăng xong, tôi mua một số báo, mang tặng Huyền Châu. HC có vẻ cảm động lắm.
Ra trường thay vì phải đi đơn vị ngay, tôi chọn học một khóa Căn bản CTTL. Trường ở Saigon, nên tôi lại có cơ hội gặp HC.
Giữa lúc mọi chuyên diễn ra một cách êm đềm, trong vòng lễ giáo (một cái cầm tay cũng chưa có) bỗng, một buổi sáng khi tôi đang ngồi nói chuyện với HC (cách nhau cái tủ kính) thì thình lình, ba HC từ trong nhà đi ra. Ông không nói một lời nào với HC hay với tôi, hầm hầm vung tay tát HC.
Tôi biết thời gian đó, tinh thần kỳ thị Bắc – Nam còn rất nặng nề. Nhưng tôi vẫn ngỡ ngàng, choáng váng. Tôi không hề dự trù việc ba HC, em ruột của học giả Lê Ngọc Trụ lại có thể hành động như vậy! Tôi cho cơn giận dữ ấy, thực sự nhắm vào tôi, chứ không phải Huyền Châu.
Cảm thấy tự ái của mình bị tổn thương trầm trọng, không kịp suy nghĩ, tôi xô ghế, đứng lên nói với ông rằng, chính tôi mới là người có lỗi, không phải HC.
Vì thế:
“Cháu xin hứa với bác sẽ không bao giờ trở lại căn nhà này nữa!”
Nói xong, tôi quầy quả đi ngay, không nhìn Huyền Châu!
Hai tháng sau, mãn khóa học, tôi và số bạn cùng khóa bị gửi đi thực tập ở quận Ninh Hòa, Nha Trang. Sau cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963, chúng tôi được về lại Saigon. Tôi may mắn được chọn làm việc ở Saigon. Thời gian này, tuy vẫn nghĩ tới HC, nhưng tôi đã nguôi ngoai niềm đau và, nỗi nhớ. Tôi đinh ninh HC với nếp khép kín, nghiêm túc, sẽ không có chuyện muốn tiếp tục liên hệ với tôi!
Nhiều năm sau, khi đã có gia đình, qua người bạn văn nghệ của tôi nhà thơ Tuệ Mai, tôi mới biết, thời gian tôi ở Ninh Hòa, HC đã tìm tới căn nhà số 1029, đường Trần Hưng Đạo của ông anh tôi, tìm tôi.
Tôi không biết có phải vì quá thật thà, nên, trước khi hỏi xin địa chỉ của tôi ở nơi thực tập, HC đã khai hết chuyện lẽ ra nên giấu đi của hai đứa, với anh Q. tôi. Có dễ vì thế, anh tôi từ chối khéo với lý do, gia đình chưa có địa chỉ của tôi. Ông nói, chừng nào tôi viết thư về thì ông sẽ đưa địa chỉ tôi cho HC. Tôi nói ông anh tôi từ chối khéo vì suốt thời gian hơn nửa năm ở Ninh Hòa, tôi vẫn thường xuyên viết thư cho mẹ tôi!…
Sau khi biết chuyện, tôi hỏi lại anh Q. tôi chuyện đó. Anh tôi xác nhận HC có đến nhà. Nhưng ông nghĩ hai gia đình thuộc hai nguồn gốc khác nhau, sẽ rất khó hòa hợp. Chưa kể khi đó, tôi còn quá trẻ…
Qua thu xếp của nhà thơ Tuệ Mai, chúng tôi được gặp lại nhau nhiều lần ở nhà riêng của nữ sĩ, ở đường Trần Hoàng Quân thuộc Chợ Lớn… Nhưng không hiểu tại sao, suốt mấy năm thời gian gặp với nhau, tôi không hề hỏi HC có biết bài thơ tôi viết cho Châu, đã được chuyển thể thành ca khúc? Tôi cũng thực sự không nắm vững, lý do tại sao, chúng tôi lại mất hẳn liên lạc với nhau, ít ngày trước biến cố 30 tháng 4-1975 xẩy tới? Mặc dù khi đó cả hai vẫn ở Saigon.
Hôm nay, nhiều năm sau khi HC không còn nữa (*), đôi khi tôi tự hỏi, nếu tôi chọn một nhan đề khác cho ca khúc “Trên ngọn tình sầu” thì liệu định mệnh của cuộc tình chúng tôi, có đổi khác? Hay, như tôi hằng nghĩ, một sáng tác, dù thơ hay nhạc, khi đã ra khỏi tác giả, nó sẽ sống đời riêng của nó mà, không tác giả nào có thể ảnh hưởng?!?
Du Tử Lê
(Garden Grove, Jan. 2019)
67 KHÚC THÊM CHO HUYỀN CHÂU
hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn
trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng
bầy sẻ cũ hom hem chiều ngói xám
trời xanh xao chân nhỏ cũng không về
cây mộng nở từng ngón tay lá nõn
nôi tương tư cỏ ấm thịt da người
tôi hiu hắt từ mắt em ngắt tạnh
môi thâm khô từ thuở định xin hôn
ngày tháng hạ khi không mà trở rét
em khi không mà trở mặt điêu ngoa
tay trông ngóng hương đưa mùi tóc mạ
ngọn me xa theo ký ức rì rào
chiều qua đó chân ai còn ríu rít
lời ai say cho trời đất lại gần
kỷ niệm tôi từ những ngày vỡ tiếng
nhẩn nha gom từng cọng thiết tha rơi
con dế nhỏ lớn lên đằm tiếng hát
khi đêm về ru giọng đớn đau hơn
cây niên thiếu cũng thui mầm trong sáng
lá oan khiên lả tả mái hiên người
tôi èo uột từ những ngày cả gió
con dế buồn tự tử giữa đêm sương
bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
ngọn me xưa già khọm tiếc thương hờ
em ở đó bờ sông còn ấm cát
con sóng tình vỗ mãi một âm quên
1967
………………………………………………………………………………………
(*) Mời đọc thêm “Trên ngọn tình sầu” in trong tập tùy bút “Trên ngọn tình sầu”, HT Productions ấn hành, Hoa Kỳ, 2011(?)
Nguồn: https://www.dutule.com/a9101/chung-quanh-ca-khuc-tren-ngon-tinh-sau-
Bài Cùng Tác Giả:
- Duy Thanh, đầu mối đưa tới sự ra đời tạp chí Sáng Tạo?
- Họa sĩ Tạ Tỵ, con sư tử lạc loài, cô độc
- Đằng sau những câu thơ dễ dãi của Bùi Giáng
- Những hình thái chiêm bao trong thơ Bùi Giáng?
- Thơ Bùi Giáng ảnh hưởng Nguyễn Du, Huy Cận?
- Phản ứng của Bùi Giáng trước dư luận vùi dập bộ sách ‘Tư Tưởng Hiện Đại’
- Bùi Giáng, cuồng sĩ hay gã chăn trâu trên đồng cỏ Việt Nam?
- Tô Thùy Yên, một trong những tiếng thơ lớn, của 20 năm văn chương miền Nam
- Hội họa Trịnh Cung từ 1962 đến 2018, một hồi ức nghệ thuật
- Bước vào cõi giới ‘Mê Hồn Ca’ Đinh Hùng
- Tiếng thơ được nhiều người chờ đợi: Trần Dạ Từ
0 Bình luận