Budapest Và Những Tượng Đài Lỗi Thời
Budapest không lãng mạn và ướt át như Venice, không có một bề dày lịch sử cỡ như Rome, không phóng khoáng và hiện đại như Berlin, không cổ kính và nhiều người Việt bằng Prague. Nhưng Budapest có suối nước nóng, có dòng sông Danube ( dù rằng sông Danube chảy qua Hungary có 12% chiều dài, nhưng nhắc tới Danube người ta thường nghĩ đến Hungary và Budapest) và nhứt là có Công Viên Tượng Đài Lỗi Thời (Memento Park)!
Sau thế chiến thứ nhất, Hungary ở bên thua cuộc, trở thành một nước cọng hòa nhưng mất hơn hai phần ba lãnh thổ và vấn đề này vẫn còn được bàn cãi sôi nổi cho tới ngày này[1].
Xe tăng Liên Xô vô Budapest tháng 11.1956
Trong thế chiến thứ hai, muốn đòi lại phần đất đã mất nên Hungary tham chiến với Đức Quốc Xã năm 1941. Sau chiến tranh, một lần nữa Hungary lại ở bên thua cuộc và bị Liên Xô chiếm đóng từ tháng 4.1945. Tới năm 1947 thì chính quyền cọng sản của Hungary đã vững mạnh và bắt đầu “tiến lên xã hội chủ nghĩa.” Ngày 23.10.1956 cảnh sát bắn vào sinh viên biểu tình đòi bộ đội Liên Xô rút về xứ. Ngày hôm sau Imre Nagy, bộ trưởng bộ Nông nghiệp – người có đầu óc cải cách – lên làm Thủ Tướng. Ngày 28.10.1956, chính phủ Imre Nagy xá tội cho tất cả những người tham gia biểu tình bạo động và hứa là sẽ bãi bỏ bộ phận công an mật vụ AVH. Dĩ nhiên là người anh em “vĩ đại” Liên Xô đâu có chịu mấy trò “xét lại” này. Ngày 4.11.1956, xe tăng Liên Xô lăn bánh xích vô Budapest, đè bẹp phe cải cách. Một tuần sau, khi mọi chuyện ngã ngũ thì đã có 20.000 người bị bắt, 2.000 người bị xử tử – kể cả Nagy – và hơn 250.000 người bỏ trốn ra ngoại quốc[1].
Tới thập niên 70 thì Hungary đã dần dần từ bỏ “xã hội chủ nghĩa” và đi theo một chính sách kinh tế thị trường hạn chế, thường được gọi là “Cọng Sản kiểu bò kho thập cẩm” (Goulash Communinism). Tháng 7.1987, Karoly Grosz lên làm Thủ Tướng, Hungary xa rời chủ nghĩa xã hội và từ từ biến thành một quốc gia dân chủ toàn diện. Năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ phần lớn là nhờ ở một số lượng lớn người Đông Đức vượt bức màn sắt sang thế giới tự do qua ngã Hungary[1].
Từ 1989, Hungary là một nước dân chủ tự do có quốc hội đàng hoàng nghiêm chỉnh. Ngày nay Hungary được coi như là một nước phát triển, là một trong 30 nước được nhiều du khách ghé thăm nhất, hơn 10 triệu người hàng năm [2].
* * *
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, chế độ xã hội chủ nghĩa tiêu tán đường ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Mười mấy nước tuyên bố độc lập từ cái xác chết Liên Xô và tất cả các quốc gia Đông Âu trong liên minh Warsaw cũ nước nào cũng khôn ngoan từ bỏ thiên đường cọng sản hết ráo và đi theo chế độ dân chủ, cách này hay cách nọ, ở những mức độ khác nhau. Ngoài những vấn nạn lịch sử, chính trị, kinh tế và xã hội do mấy chục năm chế độ xã hội chủ nghĩa để lại, còn có hàng ngàn hàng vạn đài tưởng niệm mấy cuộc cách mạng, tượng đá tượng đồng của mấy lãnh tụ vĩ đại vân vân đã được dụng lên khắp nơi. Không rõ là các xứ khác xử lí ra sao nhưng Hungary thì dồn lại và lựa ra một số đem về chưng ở Công Viên Tượng Đài Lỗi Thời (Memento Park). Tất cả có 42 món được trưng bày cho bà con coi chơi.
Tụi tây có thằng khen dân Hung có óc khôi hài đen. Cô hướng dẫn viên du lịch thì nói là để dạy cho hậu thế là đừng bao giờ tin và theo chủ nghĩa cọng sản một lần nữa (never communism again!). Sách vở nói khu Cung Điện Hoàng Gia là trạm đầu tiên của du khách tới thăm Budapest. Nhưng thiết nghĩ cho người Việt mình thì trạm đầu tiên phải là Công Viên Tượng Đài Lỗi Thời này!
Mỗi ngày ở trung tâm Budapest, công trường Déak Ferenc tér, có một chuyến xe bus chở khách du lịch đi thăm Công Viên Tượng Đài Lỗi Thời, khởi hành lúc 11 giờ sáng. Đi gần nửa giờ thì tới nơi. Khách tới thăm Công Viên Tượng Đài Lỗi Thời không nhiều, và không chắc có được mấy người tới để tưởng tiếc những ngày “vàng son” của nước “Cọng Hòa Nhân Dân Hungary” cũ!
Cổng chính của Memento Park
Ngay cổng lớn thì có hai món “lớn” nhất, bên phải là tượng Max và Engels, bên trái là tượng Lenin. Bước qua khỏi cổng tới chỗ bán vé / soát vé là thấy nóng lạnh liền, bên trái là một cái radio cổ lỗ sĩ lải nhải nhạc quân hành làm nhớ tới những buổi duyện binh trong mấy ngày lễ lớn cũ… Bên phải là một chiếc xe hơi Trabant rỉ sét, như để nhớ lại Cộng Hòa Dân Chủ Đức, đỉnh cao nhất của “thiên đàng cọng sản” mà loài người từng đạt được!
Vô trong công viên, có thêm 40 món nữa sắp theo một vòng tròn lớn cỡ sân bóng đá, la liệt từ tượng Karl Max, Lenin tới những lãnh tụ cọng sản của Hungary cho tới biểu tượng gia cấp công nhân, anh hùng lao động, vân vân và vân vân. Du khách có một tiếng rưỡi đồng hồ để soi mói, sờ soạng, sỉ vả, hoài niệm, tư duy, làm điệu, chụp hình, làm thơ, viết văn … trước khi leo lên xe bus về lại trung tâm Budapest.
* * *
Budapest là một thành phố đẹp và cổ kính, có dòng sông xanh Danube chảy ngang ở giữa, một bên là Buda và bên kia là Pest. Đại khái một vài danh lam thắng cảnh mà khách phải ghé thăm là Cung Điện Hoàng Gia, Quốc Hội, Nhà Thờ Thánh Stevens, Nhà thờ Thánh Matthias, Nhà Hát Opera Quốc Gia vân vân … các bạn thử google hay wiki hay đọc mấy trang du lịch thì biết liền. Như đã nói bên trên, Cung Điện Hoàng Gia là nơi được khách tới thăm nhiều nhất và trước nhất. Đại khái thì vua chúa xưa nay ở xứ nào cũng chơi cha cả, lựa cuộc đât cao ráo chung quanh có sông nước mà xây cung điện! Nhưng cảm giác đẹp nhất có lẽ là ngồi trên du thuyền chạy lên chạy xuống trên dòng sông Danube trong một ngày hè Budpest có gió nhè nhẹ, nhìn hoàng hôn buông xuống trên những cung điện đền đài hai bên bờ sông…
Hoàng hôn trên sông Danube – Budapest
Tuy nhiên, điểm đặc biết nhất của Hungary nói chung và Budapest nói riêng là chuyện tắm nước suối nóng. Budapest nổi tiếng là trung tâm tắm nước suối nóng của châu Âu. Hungary có hệ thống suối nước nóng ngầm dưới lòng đất lớn nhứt thế giới, và có hồ nước nóng Hévíz lớn thứ nhì thế giới. Cả nước hầu như đào đâu cũng có suối nước nóng ngầm (80%), tổng cọng chừng hơn 1500 suối, và lòng vòng Budapest là đã có cả 100 suối rồi. Cả nước có chừng 450 nhà tắm nước nóng, nổi tiếng nhất ở Budapest là Gellért Baths, Lukács Baths, Margaret Island, và Széchenyi Medicinal Bath[2].
Buổi chiều cuối cùng ở Budapest, hai vợ chồng tìm đường đi lại nhà tắm nước nóng Széchenyi cho biết, và cũng hi vọng là như quảng cáo – nhờ nước suối nhiệm mầu xóa bỏ hết những mệt mỏi trong mấy ngày “dọc đường gió bụi” vừa qua, và lấy sức cho những ngày sắp tới. Nghe nói đây là nhà tắm nước nóng lớn nhất Âu Châu. Phần lớn các nhà tắm nước nóng ở đây có hai khu nam nữ riêng biệt, và vô hồ thì không phải mặc quần áo gì hết ráo! Nhưng đỡ là ở Széchenyi thì nam nữ tắm chung và vô hồ phải mặc đồ tắm đường hoàng nghiêm chỉnh. Đại khái nước suối nóng dưới lòng đất được bơm lên rồi cho vô hồ để bà con vô ngồi ngâm. Hồ thì lớn có nhỏ có, nước thì nóng ít nóng nhiều đủ hạng. Hồ nào cũng thử năm mười phút, nhưng thú thật nước ngâm không “đã” như ở Rotorua bên Tân Tây Lan, và sợ còn thua cả nước nóng ở Hội Vân, Phù Cát Bình Định mình nữa!
Ra về, lên khỏi trạm metro Oktogon đi bộ về khách sạn, sực nhớ là đã hết nước uống, và ngày mai phải đi xe lửa về Vienna nữa, nên mới tìm mấy tiệm tạp hóa mua cho rẻ. Bước đại một tiệm “Mini Market” thì gặp phải chủ tiệm là người Việt. Không hẳn là như “tha hương ngộ cố tri” nhưng cũng thấy vui vì đi mấy ngày ở Budapest mà không gặp một ai là con Rồng cháu Tiên cả. Hỏi ra thì mới biết là vợ chồng chủ tiệm đã định cư ở đây 15 năm rồi. Có chừng ba tới bốn ngàn người Việt sinh sống ở Budapest, không nhiều như ở Prague, cho nên cũng chẳng có phố Việt chợ Việt xôm tụ gì cả. Khi biết khách là ở Úc qua chơi, bà chủ tiệm mới khen là “anh chị ở Úc có biển nên nhìn thấy đẹp hơn hẳn người ở đây!”
Tôi mua hai lít nước, vài túi bánh kẹo cho chuyến xe lửa ngày mai. Chào tạm biệt, bước ra đường tôi phân vân trong bụng không chắc là bà chủ người Bắc khéo miệng khen đại khách hàng (xưa nay tôi chưa “bị” ai khen “đẹp” cả!), hay vì nước suối nóng hiệu nghiệm như lời quảng cáo nên hai vợ chồng mới tắm xong mà mặt mày đã sáng sủa ra. Hay là chỉ như cậu bồi bàn ở chợ Sapa Prague hôm nọ, đối với bà chủ tiệm tạp hóa ở một góc phố Budapest thì biển là biểu tượng của quê nhà yêu dấu đẹp đẽ giờ đã xa lơ xa lắc…
Nguyễn Sĩ Hạnh
7.2013
References:
[1] Central Europe, Lonely Planet, 9th edition, 2011.
[2] Hungary http://en.wikipedia.org/wiki/Hungary
0 Bình luận