Chương 17. Vĩnh Biệt Bố Già
phỏng dịch truyện Dear John của Nicholas Sparks
Ba tôi mất bảy tuần sau đó, và tôi được phép đặc biệt về để tang.
Chuyến bay về lại Mỹ trôi qua lờ mờ. Tôi không biết làm gì hơn là nhìn qua cửa sổ, nhìn xuống biển xám mờ cả mấy ngàn mét bên dưới, ước ao là đã được ở gần bên ba tôi trong những giây phút cuối cùng của ổng. Tôi chưa kịp cạo râu hay tắm rửa gì, ngay cả thay quần áo, kể từ lúc nghe tin, làm như nếu mà tôi cứ làm mọi chuyện như thường ngày thì là tôi đã chấp nhận là ba tôi đã mất vậy.
Xuống phi trường và trên đường về nhà, tôi càng lúc càng bực mình về mọi thứ chung quanh tôi. Tôi nhìn thấy thiên hạ lái xe, vô tiệm, ra đường bình thường như mọi ngày, nhưng đối với tôi thì mọi chuyện đã thay đổi.
Về tới nhà thì tôi mới nhớ là mình đã cắt nước cắt điện hai tháng trước. Không đèn, nhìn căn nhà khác biệt một cách kỳ cục so với đường phố, làm như nó ở một thế giới khác. Giống như ba tôi vậy, tôi nghĩ. Và chắc tôi cũng vậy. Hình như vì nghĩ như vậy mà tôi đủ sức bước vô nhà.
Mạng nhện giăng đầy trước cửa, tôi thấy có tấm cạt của một ông luật sư tên William Benjamin, phía sau tấm cạt ổng viết là ổng đại diện cho ba tôi. Tôi phải qua nhà hàng xóm gọi điện thoại ké và ngạc nhiên khi thấy sáng hôm sau ổng mò tới nhà, cặp táp trên tay.
Tôi mời ổng vô nhà, mời ngồi. Bộ đồ vét của ổng dám bằng hai tháng lương của tôi lắm. Tự giới thiệu, và chia buồn vói tôi, xong ổng chồm tới. “Tôi tới đây vì tôi thích ba anh,” ổng nói. “Ba anh là một trong mấy khách hàng đầu tiên của tôi, cho nên tôi làm dùm không tính tiền. Ba anh lại gặp tôi ngay lúc anh mới chào đời để làm di chúc, và năm nào cũng vậy cùng một ngày, và tôi có nhận cái thư bảo đảm một danh sách của tất cả mấy đồng cắc mà ổng đã mua. Tôi cắt nghĩa cho ổng nghe về thuế trên di sản, cho nên mua đồng nào là ổng làm giấy cho anh đồng nấy liền.”
Tôi ngạc nhiên đến cứng lưỡi, nói không ra lời.
“Rồi cách đây sáu tuần ông viết thư báo cho tôi biết là đã giao bộ sưu tập lại cho anh rồi, và ông muốn là giấy tờ mọi chuyện đầy đủ, cho nên tôi mới cập nhật cái di chúc của ông lần cuối. Khi ông viết chỗ ông đang ở, tôi đoán là ông không được khỏe nên tôi mới gọi điện thoại cho ông. Ông không nói gì nhiều nhưng cho phép tôi được nói chuyện với ông giám đốc. Ông giám đốc hứa là nếu ba anh có mệnh hệ gì thì sẽ cho tôi hay để tôi gặp anh. Cho nên bữa nay tôi lại đây là vậy.”
Ông luật sư bắt đầu lục trong cặp táp của ổng. “Tôi biết là anh đang buồn, và bận bịu chuyện ma chay. Nhưng ba anh nói là anh sẽ không ở lại đây lâu và tôi nên lo chuyện giấy tờ này nọ dùm anh. Đây là lời của ba anh, không phải của tôi. Đây tôi tìm ra rồi.” Ổng đưa tôi một phong bì dày cộm. “Đây là di chúc của ba anh, danh sách bộ sưu tập có luôn chất lượng và ngày mua, và chi tiết đám tang – cũng cho anh hay là chi phí đã được ông trả trước rồi. Tôi hứa với ổng là tôi sẽ lo chuyện di sản tới nơi tới chốn. Nhưng chắc cũng đơn giản vì là gia tài ông để lại cũng không to lớn gì và anh là con một nữa. Và nếu anh muốn thì tôi sẽ kiếm người tới dọn dẹp hết những đồ đạc anh không muốn giữ và bán căn nhà luôn dùm. Ba anh nói là có thể anh sẽ không có thì giờ làm chuyện này”
Ổng đóng cặp táp lại. “Như tôi đã nói, tôi thích ba anh. Thông thường tôi phải nói tới nói lui thì bà con mới thấy mấy chuyện này là quan trọng, nhưng ba anh thì khác. Ông là một người có kế hoạch nghiêm chỉnh đâu vào đó.”
Tôi gật đầu. “Dạ đúng vậy.”
Đúng như ông luật sư nói, mọi chuyện đã được thu xếp đâu vào đó. Ba tôi đã lựa sẵn kiểu mả, quần áo liệm, và ngay cả quan tài. Biết tính ổng, tôi nghĩ là mấy chuyện như vầy không có gì lạ, nhưng tôi cảm thấy là mình không bao giời thật sự hiểu được ổng.
Ngày đám tang của ba tôi vào tháng Tám, trời mưa và ấm, chỉ có vài người đi dự. Hai người làm chung sở hồi xưa, ông giám đốc nhà điều dưỡng, ông luật sư, bà hàng xóm người từng giúp chăm sóc ba tôi. Trái tim tôi như nát ra triệu mảnh khi nghĩ tới cả thế giới này, chỉ có một vài người như vầy thấy được ba tôi là người tốt. Khi ông linh mục đọc xong lời cầu nguyện, ông hỏi nhỏ vào tai tôi là tôi có muốn nói gì không. Tới lúc đó cuống họng tôi đã căng thẳng như mặt trống rồi, nói gì nổi nữa, nên tôi lắc đầu từ chối.
Về tới nhà tôi ngồi nép trên giường của ba tôi. Trời đã tạnh mưa, và chút ánh mặt trời ló xuyên qua cửa sổ. Căn nhà có mùi mốc, nhưng tôi vẫn ngửi thấy mùi của ba tôi bay từ gối của ổng. Bên cạnh tôi là cái phong bì ông luật sư đưa cho tôi. Tôi mở và đổ ra giường.Cái di chúc nằm bên trên, xong tới vài giấy tờ. Tuy nhiên dưới đó là cái khuôn hình mà ba tôi đã dẹp từ bàn làm việc của ổng hồi xưa, tấm hình duy nhất hai cha con chụp chung.
Tôi cầm khung hình lên để sát mặt và nhìn kỹ cho tới khi hai mắt ướt sũng.
Buổi xế chiều hôm đó, Lucy, cô bồ cũ của tôi hôi xưa tới thăm. Khi nhìn thấy cô đứng trước thềm nhà, tôi không biết nói gì. Hình ảnh cô gái da sạm nắng của những ngày trẻ tuổi hoang dại không còn nữa, thay vào đó là một thiếu nữ mặc đồ sẫm, cái quần đắt tiền với cái áo vét lụa.
“John, xin chia buồn với anh,” nàng nói nhỏ, tiến gần lại tôi. Hai đứa tôi ôm nhau, thiệt sát, và cái cảm giác của thân thể nàng đụng vô tôi như là một li nước lạnh trong một ngày hè nóng nực. Nàng xức chút dầu thơm nhẹ, tôi không biết là hiệu gì nhưng nó làm tôi liên tưởng tới Paris dù rằng tôi chưa bao giờ đặt chưn tới đó.
“Em mới đọc lời cáo phó trên báo,” nàng nói sau khi lui lại. “Em xin lỗi là đã không đi dự đám tang được.”
“Không sao đâu,” tôi nói. Tôi đưa tay chỉ bộ xa lông. “Mời em vô nhà.”
Nàng ngồi bên cạnh tôi, và khi tôi nhìn xuống tay không thấy nàng đeo nhẫn, nàng che mấy ngón tay trái lại một cách vô tình.
“Tụi em thôi nhau rồi,” nàng nói, “Không hạp nhau, nên li dị năm ngoái.”
“Ủa vậy hả.”
“Không có gì đâu,” nàng đưa tay nắm lấy tay tôi. “Mọi chuyện suông sẻ chớ anh?”
“Ừ”, tôi nói cho qua chuyện.
Hai đứa tôi nhắc lại chuyện cũ; Lucy không tin chuyện cú điện thoại sau cùng của nàng làm tôi đi lính. Tôi nói với nàng chuyện đi lính là chuyện đúng mà tôi nên làm lúc đó. Nàng kể về đời sống hiện tại của nàng – nàng làm thiết kế gian hàng cho mấy siêu thị – và hỏi tôi Iraq ra sao. Tôi kể cho nàng nghe về cát. Nàng cười ngoặc nghẽo rồi hỏi thêm nữa. Dần dần rồi cũng hết chuyện để nói, cả hai đứa nhận ra là cả hai đều đã thay đổi. Có thể vì hai đứa đã có một thời cặp với nhau, có thể giờ nàng đã trở thành một người đàn bà, nhưng tôi cảm thấy là nàng đang quan sát tôi và biết tỏng câu hỏi kế tiếp của nàng.
“Anh đang thương cô nào, phải vậy không,” nàng nói nhỏ.
Tôi để hai tay lên đùi và nhìn ra cửa sổ. Bên goài trời mây mù sẫm lại, như sắp có thêm mưa lớn. “Ừ,” tôi thú thiệt.
“Cổ tên gì vậy?”, “Savannah,” tôi trả lời. “Có có ở đây không?”
Tôi ngần ngừ. “Không.”
“Kể cho em nghe chuyện cổ với anh đi.”
Không, tôi muốn trả lời như vậy. Tôi không muốn nói về chuyện này cho ai biết. Kinh nghiệm trong nhà binh dạy cho tôi hay là chuyện của tụi tôi thì không hay ho gì, lập đi lập lại, và ai cũng hỏi nhưng không ai muốn nghe chi tiết.
Nhưng tự nhiên tôi lại kể hết cho nàng nghe từ đầu đến cuối chuyện của tôi và Savannah, ngay cả những chi tiết đúng ra không nên kể, và nhiều lần Lucy đưa tay ra nắm lấy tay tôi. Tôi đâu có biết là giữ mọi chuyện khư khư trong bụng không nói cho ai biết là cực khổ như vậy, khi tôi ngưng giọng thì tôi nghĩ là Lucy biết là tôi cần ngồi một mình riêng tôi. Nàng hôn nhẹ lên má tôi và nói lời từ biệt, và khi nàng đi rồi thì tôi đi lên đi xuống vòng vòng trong nhà cả mấy tiếng đồng hồ. Tôi vô hết phòng này tới phòng khác, nghĩ về ba tôi và Savannah, và cảm thấy mình như một người xa lạ, và từ từ nhận ra là có một nơi chốn tôi cần phải ghé lại.
Nguyễn Sĩ Hạnh phỏng dịch
0 Bình luận