Tại sao lại đi thăm nước Tiệp Khắc làm chi cà? Câu trả lời muốn đơn giản thì cũng dễ mà muốn dài dòng phức tạp thì cũng đặng…

Có một hai chuyện đáng nể về người Tiệp Khắc.

Sau thế chiến thứ 2, đảng Cọng Sản Tiệp Khắc với sự lãnh đạo của Liên Xô cai trị Tiệp Khắc từ 1948. Trong thập niên 50, rất nhiều người không cọng sản phải bỏ trốn ra nước ngoài, một số lớn bị bắt lại, vô tù, và nhiều người chết trong những trại tù khổ sai. Tháng 4 năm 1968 tân Bí Thư Thứ Nhất của đảng Cọng Sản Tiệp Khắc, Alexender  Dubcek, bắt đầu chương trình “đổi mới” mà sau này lịch sử gọi là “Mùa Xuân Prague“. Chế độ kiểm duyệt bị bãi bỏ, tù nhân chính trị được thả về nhà, và kinh tế trung ương tập trung bắt  đầu được “bung” ra… Liên Xô không hài lòng với kiểu “xét lại” như vậy, nhưng “đồng chí” Dubcek không ngán. Liên Xô tức giận, bèn chơi kiểu “lấy thịt đè người“, cho xe tăng qua Prague ngày 20.8.1968, và nối gót theo là 200.000 bộ đội của Liên Minh Warsaw. Chế độ độc tài chuyên chính cọng sản được thiết lập trở lại, nhiều người theo phe cải cách bị trục xuất khỏi đảng, 500.000 đảng viên mất việc. Những người chống đối bị bắt và cho đi học tập cải tạo sặc sừ[1].

Prague1 1968
Xe tăng Liên Xô ở Prague tháng 8.1968 

Bức tường Berlin sụp đổ hôm 8.11.1989. Ngày 17.11.1989 một cuộc biểu tình chính thức của sinh viên học sinh ở Prague  bị cảnh sát công an đánh dẹp. Liền những ngày sau đó ngày nào cũng có biểu tình xuống đường mà cao điểm là cuộc tổng đình công hôm 27.11.1989. Những người chống cọng dưới sự lãnh đạo của nhà soạn kịch Vaclav Havel thành lập “Diễn Đàn Nhân Dân Chống Cọng” (Anti-Communist Civic Forum) buộc chính phủ của đảng Cọng Sản phải giải tán vào ngày 27.11.1989. Chính phủ đoàn kết quốc gia được thành lập, ông Vaclav Havel được bầu làm tổng thống ngày 3.12.1989. Không đổ một giọt máu không mất một mạng người, những ngày sau 17.11.1989 được lịch sử mệnh danh là cuộc “cách mạng Velvet“[1].


Prague, tháng 11.1989

Đã hai mươi mấy năm trôi qua, ngày nay Tiệp Khắc độc lập, tự do, dân chủ – tất cả đều thiệt tình chớ không phải chỉ trên khẩu hiệu như xưa. Tiệp Khắc gia nhập NATO năm 1999, vô EU hôm 1.5.2004. Du lịch phát triển, kĩ nghệ vững vàng, tỉ lệ thất nghiệp rất ít, đời sống cao nhứt trong số các nước Đông Âu đã từ bỏ “thiên đường” cọng sản[1].

* * *

Prague là một thành phố đẹp. Sách vở dạy là nếu chỉ thăm một nơi ở nước Tiệp Khắc thì nơi đó phải là Prague.

Prague nổi tiếng về nhiều thứ, các bạn thử google hay wiki thì biết liền. Chẳng hạn Công Trường Phố Cổ (Old Town Square) với mấy nhà thờ và  tháp đồng hồ xây từ thế kỉ 14, 15, lúc nào cũng du khách nườm nượp và hàng quán dày đặc. Khu ghetto Do Thái (Jewish Quarter) chẳng hạn, với nghĩa trang có những ngôi mộ cả năm bảy trăm năm cũ, với nhà bảo tàng ghi tên của mấy trăm ngàn nạn nhân người Do Thái bị tập trung ở đây rồi chuyển qua mấy trại xả ga giết người trong thế chiến thế hai…

Đi bộ qua cầu Vua Charles là một kinh nghiệm tuyệt vời không thể bỏ qua được khi ghé thăm Prague, dù trời mưa nắng nóng lạnh ra sao đi nữa. Nếu không có thì giờ thì nên bắt chước theo vua chúa công hầu khanh tướng tổng thống thủ tướng… từng ghé thăm Prague xưa nay, chỉ cần từ Công Trường Phố Cổ đi xe qua sông Vltava, leo lên đồi thăm Cung Điện Prague một vòng xong tà tà xuống phố đi bộ qua cầu Vua Charles để về lại trung tâm Prague là được. Tôi đoán là ai cũng thích khổ trước sướng sau, chỉ khác nhau cái định nghĩa thế nào là sướng với khổ! Cho nên hai vợ chồng đi bộ qua cầu Vua Charles trước, thăm Cung Điện Prague xong thì mới xuống núi bắt xem tram vê lại trung tâm thành phố!


Cung điện Prague và cầu Vua Charles

* * *
Người Việt mình đi Bờ-ra (Prague) mà không ghé Sa-ba (Sapa) thì coi như là chưa đi vậy. Sapa đây dĩ nhiên là chợ Sapa ở ngoại ô Prague, chớ không phải Sapa thành phố du lịch mù sương ở vùng cao nguyên miền Bắc bên nhà!

Có người bà con năm ngoái đi Prague chơi năm ngày thì ngày nào cũng đi chợ Sapa. Không biết vì ổng thèm phở Bắc, hay thích nghe giọng nói quê hương Ninh Bình của mấy người bán hàng trong chợ! Thật ra đường đi cũng dễ và không xa. Từ trung tâm thành phố Prague xuống hầm đón Metro tuyến C (màu đỏ) đi chừng mười phút tới trạm Kacerov thì xuống, xong đón xe bus số 113. Đi chừng 10 phút thì sẽ thấy bên trái bảng chỉ đường vô “trung tâm thương mại Sapa.” Tổng cọng chừng nửa giờ và 14KM,


Một góc chợ Sapa – nhìn từ ngoài đường vô cổng chính.

Hai vợ chồng tới chợ cỡ 11 giờ sáng, nhưng không biết vì là còn sớm, hay vì trong tuần ế ẩm mà chợ vắng teo. Chợ rộng mênh mông, đi dạo từ khu A qua khu Z muốn sụm hai đầu gối nhưng chỉ thấy toàn người bán hàng, một số tiệm còn đóng cửa, một số đang dọn hàng ra. Đây phần lớn là chợ bán sỉ, chẳng hạn vớ thì bán cả túi mấy chục đôi, rượu cả thùng, bia cả két … Vô nhà lồng chợ thấy một vài xách tay coi cũng được nhưng bà xã ngại không dám hỏi, vì đã được dặn trước là lạng quạng hỏi mà không mua thì sẽ bị chửi te tua theo kiểu Bắc Kì Hà Nội (thú thiệt là tôi cũng không biết chửi kiểu Bắc Kì Hà Nội nghe ra sao vì chưa bị chửi bao giờ) !

Nhìn chung thì cả khu chợ man mác một nỗi buồn buồn sao sao đó. Tôi không chắc là vào lúc đông người thì chợ sẽ vui hơn. Có lẽ đó là một chút bộc lộ thầm kín cái nỗi buồn xa xứ của người Việt mình, vì lí do này hay lí do nọ mà phải sống li hương, nhưng ở đâu cũng ráng tụ lại tạo một chút quê hương nơi xứ người. Như Footscray ở Melbourne, như Quận 13 Paris, như Little Sài Gòn ở California … Ngoài chợ búa còn có chùa chiền nhà thờ, trường học tiếng Việt, vân vân và vân vân

Đi tới đi lui một hồi đã tới giờ ăn trưa. Người bà con khen phở ở đây ngon, thấy trong chợ có vài quán phở nhưng chưa mở cửa, cần chỗ nghỉ chân nên hai vợ chồng vô nhà hàng Đông Đô ở đầu chợ gần đường chính cho chắc ăn. Nhà hàng thì cho hút thuốc xả láng khắp nơi! Phở chắc là phở Bắc vì không thấy có giá hay rau thơm gì cả. Ăn cũng được nhưng chắc chắn là không bằng phở bà xã nấu ở nhà!

Hỏi thăm thì biết nhà hàng Đông Đô chuyên trị tiệc cưới, trung bình chừng 200-300 người một đám. Tôi quên hỏi là người mình qua đây có mang theo cái đồng hồ Việt Nam khi đi ăn đám cưới không. Khi biết hai vợ chồng từ Úc qua, cậu bồi bàn khen nước Úc đẹp. Bà xã thiệt tình trả lời là Prague đẹp hơn thì cậu buộc miệng “nhưng ở Úc có biển!” Tôi nghe và tưởng tượng trong tiềm thức của cậu câu này là “nhưng ở bên nhà có biển!” Chắc là biển như một biểu tượng của quê nhà. Biển nào cũng được, Sầm Sơn, hay Đồ Sơn, hay vịnh Hạ Long… Biển thân thuộc, nồng nàn, ấm áp làm sao … nhứt là trong những ngày mùa đông trung Âu lạnh lẽo, có tuyết rơi và gió lồng lộng thổi qua những cánh đồng mông quạnh bao quanh ba mặt của khu chợ.

Ăn trưa xong hai vợ chồng quay vô khu chợ một lần nữa. Đã quá ngọ, khung cảnh vẫn vậy, chỉ đỡ hơn một chút là có thêm năm bảy người nữa dạo chợ. Ra khỏi cổng chính, hai vợ chồng chụp vài bức hình rồi theo đường trải nhựa ra lại đường chính đón xe về trung tâm Prague. Thiệt là “chưa đi chưa biết Sapa, đi rồi mới thấy chợ nhà vui hơn!

* * *

Mấy ngày ở Prague qua cái vèo, ngày vui qua mau mà. Những hình ảnh đẹp về Prague đã được chụp và sẽ được coi lại và nhớ, những cầu Vua Charles và cung điện Prague, những phố Cũ phố Mới và phố Nghèo, những nhà thờ tháp chuông thời trung cổ, những con đường lát đá, vân vân và vân vân. Nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất – mà không cần nhờ tới hình ảnh gì cả – là  nơi đây đã có một “mùa Xuân Prague“, đã có lần những bánh xích xe tăng Liên Xô đè nghiến những con đường lát đá, và đã có một cuộc “cách mạng Velvet” để giờ này có được một đất nước Tiệp Khắc khấm khá, độc lập, tự do, dân chủ …

Nguyễn Sĩ Hạnh
tháng 7.2013

[1] Central Europe, Lonely Planet, 9th edition, 2011.

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận