“Bridges To No Where” ở Samana (Photo Trần Quang Kim)

Ở thành phố Samana, Dominican Republic có 3 chiếc cầu tên “The Bridges Of Samaná” nối liền 2 đảo hoang với đất liền, cầu không rộng chỉ dành cho người đi bộ. Được xây dựng vào cuối thập niên 1960 với mục đích phục vụ cho một Casino, nhà hàng và quán ba tương lai trên đảo. Phải hơn 20 năm sau khi khánh thành chiếc cầu mới có một nhà hàng mở cửa ở đây nhưng chỉ trong một thời gian ngắn phải dẹp tiệm vì không có đủ khách hàng để nuôi sống nhà hàng. Từ đấy đảo hoang đã trở lại thành đảo hoang với những dấu tích nham nhở với những khối bê tông trước đây xây dựng nhà hàng. Đây là một ví dụ điển hình sự phí phạm công quỹ của một lãnh tụ độc tài từng cai trị đất nước này, chưa nghiên cứu thị trường đã quyết tâm xây dựng chiếc cầu để bây giờ chiếc cầu ngày càng xuống cấp, rất ít người xử dụng, nhưng vẫn đứng sừng sững làm trò cười cho thiên hạ, được mọi người đặt cho một tên mới “Bridges to No Where”. Chưa có bò đã lo làm chuồng là trường hợp này. Tất nhiên có người đã chấm mút trong quá trình xây dựng chiếc cầu, chuyện này khá quen quen với người việt chúng ta phải không các bạn?

Hơn 10 năm trước trong một dịp về ghé thăm quê xưa Bình Định, ai ai cũng hảnh diện giới thiệu với tôi về chiếc cầu Thị Nại (Nhơn Hội) bắt ngang đầm Thị Nại nối liền thành phố Qui Nhơn và bán đảo Phương Mai, chiếc cầu dài nhất Việt Nam và là niềm tự hào của người dân Bình Định.

Thời bấy giờ, bên kia bán đảo Phương Mai, chẳng có khu kỹ nghệ hay công ty nào đáng kể khả dĩ cung cấp công ăn việc làm cho người dân Bình Định, có chăng là một vài cơ sở sàng lọc lấy quặng titan đang làm ô nhiểm môi trường của bọn Trung Quốc. Chẳng biết chúng lấy quặng titan hay chúng đang sàng lọc lấy “Rare Earth Minerals” một cái tên rất xa lạ với nhiều người Việt Nam, có giá trị cao hơn titan nhiều, có trời biết chúng lấy gì, đem đi.

Con đường đến làng đánh cá Nhơn Lý cũng đã được xây dựng, mỗi bên có 2 làn đường cho xe hơi và 1 làn cho xe máy. Một con đường rất tân tiến và dĩ nhiên cũng rất tốn kém. Vấn đề ở chỗ một ngày không tới 100 chiếc xe bốn bánh chạy trên đường này đến Nhơn Lý. Bãi biển kề bên làng chài Nhơn Lý cũng được rào chận lại, cấm người dân lai vãng. Không như phần lớn người dân Bình Định, nhìn về khía cạnh kinh tế tôi không nghĩ ra được lý do gì để có sự hiện hữu của chiếc cầu và một con đường đắt tiền trong thời điểm bấy giờ.

Cầu Nhơn Hội – Qui Nhơn (Photo Trần Quang Kim)

Phải 10 năm sau khi khánh thành chiếc cầu tôi mới có được giải đáp cho mình. Khu kinh tế Nhơn Hội ở bán đảo Phương Mai vẫn èo uột chưa là đầu tàu đưa cả tỉnh đi lên, một FLC resort sang trọng đã chiếm ngự 1/3 bãi biễn xinh đẹp ngày xưa dân bị cấm vào, chưa kể đất cho sân golf, sở thú…

Ai đã “viển lự thâm mưu” để tiền thuế của người dân chi xài, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho tập đoàn FLC, cũng xin nói thêm nếu ai chưa biết đàng sau tập đoàn FLC có bọn Trung Quốc hổ trợ tài chánh. Ai đã chia xẻ đất đai của đất nước cho tập đoàn FLC và những tập đoàn nhà đất làm giàu bất chính trên khắp đất nước Việt Nam? Người dân Việt Nam càng ngày càng nghèo khó, các tập đoàn sân sau của một nhóm người ngày càng giàu to một cách bất thường. Nều nhìn cho kỹ, những gì đang xảy ra trên đất nước Việt Nam chỉ là một bản sao nhỏ của xã hội Trung Quốc.

Ngày nay mong rằng người dân quê tôi không còn hãnh diện với chiếc cầu được xây lên bằng thuế, mồ hôi, nước mắt của người dân Việt Nam.

Ôi! Chúng ta có nên thắc mắc chi chuyện một chiếc cầu khi mà chúng đã đem cả cảng Qui Nhơn ra bán.

 
Trần Quang Kim

Nguồn: Trang FB của Kim Tran

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận