Quito, thủ đô của Ecuador. Hai vợ chồng tôi trên đường về khách sạn, vẫn như mọi khi, mấy thằng Trung Quốc di dân lậu tìm đường đến Mỹ vẫn lãng vãng trước cửa hotel như mọi khi. Tài chánh eo hẹp cùng với trở ngại ngôn ngữ không cho phép chúng đi xa hơn. Ra đường nhìn xe cộ, kẻ qua người lại là thú tiêu khiển cho qua thời gian của bọn chúng. Bổng nhiên, một tên da vàng từ một cửa tiệm phóng vội ra trước mặt, hai tay hắn dang rộng chận đường bà xã tôi như thể nếu chúng tôi bay lên hắn sẽ chụp lấy quyết không cho tẩu thoát. Trong bụng tôi thầm nghĩ thằng Trung Quốc này sao lại thô lỗ, hắn xổ một tràng tiếng Spanish với vợ tôi, nghe không rõ tôi nhướng mày hỏi lại bà xã “Nó nói gì?” bà xã tôi chưa kịp trả lời, hắn hét lên “Ối giời ơi! Anh chị là người Việt hở, em cũng là người Việt đây”.

Thế là hắn lôi tuột hai vợ chồng tôi vào trong cửa tiệm của hắn, chưa kịp nói năng hắn đã trịnh trọng mời beer rượu, thuốc lá, trà ….. tình đồng hương nơi xứ lạ quê người thật cảm động. Hắn cho biết thấy chúng tôi mấy ngày nay đi qua trước cửa tiệm, nhìn trang phục hắn đoán là người Việt, hôm nay hắn mới đánh bạo chận đường hỏi thăm. Ecuador không nằm trên trục các địa điểm du lịch thông dụng nên rất hiếm du khách Việt Nam viếng thăm. Theo hắn có khoảng 100 người Việt làm ăn sinh sống tại đây nhưng vì mưu kế sinh nhai, họ sống rải rác khắp đất nước này.

Hắn sinh ra và lớn lên ở miền bắc, trước cái đói khổ, nghèo khó quanh năm, gia đình hắn đã gom góp tiền bạc, của cải cũng như vay mượn đóng tiền để hắn có được một suất “Xuất khẩu lao động” bên Liên Xô, chỉ mong thằng con làm ăn chăm chỉ có chút tiền dư giả gửi về trả nợ cũng như giúp đỡ gia đình.

Khi máy bay đáp xuống phi trường Liên Xô, với mớ hành lý khiêm nhượng và trọng trách trên vai, hắn chờ và chờ mãi chẳng một ai đến đón hắn. Những hành khách chung chuyến bay đã đi hết chỉ còn hắn trơ trọi, bơ vơ chờ người không bao giờ đến. Cuối cùng, hắn nhận ra rằng hắn đã bị lừa, ngay ngày đầu tiên đặt chân trên đất Nga xa lạ.

Từ một người đang sống an bình với cha mẹ và người thân, bổng nhiên hắn bị quăng ra đời một cách thô bạo nơi xứ lạ quê người. Trở thành một kẻ không nhà, không cửa, không thân nhân, cái gì cũng không. Tháng đầu tiên trên đất Nga thật là khó khăn cho hắn, lang thang đầu đường, xó chợ như kẻ ăn mày, ngôn ngữ bất đồng với cái lạnh thấu xương về đêm. May mắn thay, hắn được một người phụ nữ Việt Nam góa chồng cho hắn vào ở chung. Chồng cô trong một phi vụ làm ăn (bất hợp pháp?) đã bị tụi mafia Nga giết chết, cướp tiền vùi xác dưới đống tuyết mùa đông. Cũng như bao người Việt ở các nước cọng sản, cô không dám khai báo chính quyền, cảnh sát Nga sẽ lợi dụng cơ hội làm khó dễ và làm tiền cô. Có người lại nói chồng cô đã ôm tiền trốn đi làm cô thêm phân vân. Chỉ khi tuyết tan, xác chồng hiện ra, cô biết rằng chồng mình đã không phụ bạc.

Mối tình chị em, già nhân nghĩa non vợ chồng đã không giữ được chân hắn lâu, hắn đã bỏ lại sau lưng tất cả đến châu Âu đi tìm một tương lai mới. Như nhiều người Việt nhập cư bất hợp pháp ở châu Âu, hắn không thể có được những công việc hợp pháp ổn định, khi tham gia các tổ chức bán thuốc lá lậu hắn đã từng có một thời khá huy hoàng. Hắn không nói ra nhưng tôi đoán hắn phải rời châu Âu vì chính quyền ra tay triệt hạ các tổ chức tội phạm bán thuốc lá lậu hay các băng đảng thanh toán lẫn nhau. Nói chung hắn không thể nào sống bên đó được nữa. Với chính sách đầu tư ưu đãi và di dân dễ dãi của chính quyền Ecuador, hắn đã đem tiền qua đầu tư và bây giờ là chủ nhân ông một cửa tiệm nho nhỏ kiếm sống qua ngày, gửi tiền nuôi nấng bốn đứa con rơi rớt trên đường lưu lạc mặc dù hắn chưa bao giờ chính thức lập gia đình.

Cuộc đời hắn ba chìm, bảy nổi, chín long đong nhưng tôi vẫn nhìn ra được hắn vẫn chưa đầu hàng số phận, còn nhiều nhiệt huyết, vẫn có những ước mơ để tiếp tục sống và cố gắng vươn lên. Qua phong cách ứng xử, kỷ năng điều hành cửa tiệm tôi đánh giá cao khả năng của hắn, tôi nghĩ dù hắn không có bằng cấp tiến sĩ, kỷ sư nhưng bất kỳ ở đâu và làm gì hắn cũng có thể tồn tại và nếu có cơ hội hắn sẽ thành công ở một mức độ nhất định nào đó.

Được ra nước ngoài theo diện xuất khẩu lao động không phải là bước đầu trên con đường rải hoa như một vài người nghĩ nhưng là những bước đầu của con đường với nhiều thử thách, khó khăn, phải nuốt vào bao nhiêu tủi nhục mà không còn chọn lựa nào khác phải đi. Buồn cho người dân nước tôi, phải mang thân đi làm ôsin, làm thuê, làm mướn xứ người.

Người dân nghèo nước tôi không thể sống bằng những lời hoa mỹ hay những tương lai xán lạn đang được vẽ trên những chiếc bánh.

 
Trần Quang Kim

Nguồn: Trang FB của Kim Tran

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận