Chương 18. Cố Nhân
phỏng dịch truyện Dear John của Nicholas Sparks
Tối hôm đó tôi ngủ trong giường của ba tôi, lần đầu tiên trong đời. Cơn bão đã đi qua, và trời trở nóng dữ dội. Ngay cả mở toang hết mấy cửa sổ cũng không ăn thua gì, tôi trăn qua trở lại cả mấy tiếng đồng hồ vẫn không ngủ được. Buổi sáng, thức dậy leo ra khỏi giường, tôi tìm thấy chìa khóa xe của ba tôi treo trong nhà bếp. Tôi thảy cái xách ma ranh lên xe và lấy đem theo một vài món lặt vặt trong nhà mà tôi muốn giữ. Ngoại trừ tấm hình của hai cha con ra thì chẳng có gì đáng giữ nữa. Xong tôi gọi ông luật sư nhờ ổng chuyện dọn dẹp và bán căn nhà. Tôi bỏ chìa khóa nhà vô hộp thư.
Trong ga ra, tôi phải đề một hồi xe mới chịu nổ. Tôi de xe ra, đóng cửa ga ra lại. Đứng từ ngoài sân nhìn vô nhà, tôi nhớ tới ba tôi, và biết rằng mình sẽ không bao giờ trở lại đây nữa.
Tôi lái xe tới nhà điều dưỡng, lấy mấy món đồ còn lại của ba tôi, xong rời Wilmington, theo đường xuyên tiểu bang đi về hướng tây, để xe chạy tự động. Đã lâu lắm rồi tôi mới thấy đường dài như vậy, và tôi lừ đừ không để ý gì tới xe cộ chung quanh, nhưng những hình ảnh cũ trở về cuồn cuộn. Tôi chạy ngang qua cái thành phố của tuổi trẻ của tôi, qua Chapel Hill và hướng về Raleigh, nơi những kỷ niệm cũ hiện về với đau đớn hằn sâu, tôi đạp ga, rán bỏ lại tất cả sau lưng.
Tôi đi qua Burlington, Greensboro, và Winston-Salem. Ngoại trừ một lần ngừng lại để đổ xăng, và sẵn mua bình nước lọc, tôi lái liên tục không nghỉ, chỉ nhấp mấy ngụm nước, và không nghĩ nỗi tới chuyện ăn uống. Bức hình của hai cha con để bên cạnh tôi, và thỉnh thoảng tôi rán nhớ lại thằng nhóc trong hình. Sau cùng tôi rẽ lên hướng bắc, đi theo một xa lộ nhỏ chạy cong queo theo một dãy núi xanh nằm dài theo hướng bắc-nam, và lài vô mặt đất.
Cũng phải xế chiều tôi mới ngừng lại tấp vô một cái khách sạn tồi tàn kế bên xa lộ. Người tôi cứng ngắt, và sau khi dãn mình mấy phút, tôi tắm rửa cạo râu. Tôi xỏ vô cái quần jean sạch và cái áo thun, xong phân vân không biết có nên đi kiếm cái gì ăn không, nhưng tôi vẫn không thấy đói. Mặt trời xuống thấp, không khí không còn nóng ẩm ngột ngạt như ở vùng biển nữa, và tôi ngửi thấy mùi nhựa thông bay xuống từ trên núi. Đây là quê của Savannah và tôi biết là nàng vẫn còn ở đây.
Mặc dù tôi có thể ghé lại nhà ba má Savannah để hỏi thăm nàng ở đâu, nhưng tôi gạt qua ý định đó. Tôi lái xe vô Lenoir, đi ngang qua mấy dãy phố chính đầy dẫy những nhà hàng bán fast-food, và chỉ chậm lại khi tới khu phố cũ. Vùng này không có gì thay đổi, nơi khách du lịch và ngưới mới dọn tới thì cũng được hoan nghênh nhưng không bao giờ thành dân địa phương được. Tôi ngừng lại ghé vô một tiệm bi da, nơi gợi cho tôi nhớ lại những ngày tuổi trẻ lêu lổng của mình. Đèn neon nhấp nháy trên cửa sổ, bãi đậu xe chật cứng. Mấy chỗ như vầy thì hỏi chuyện gì cũng ra.
Tôi bước vô tiệm. Giọng ca Hank Williams rổn rảng từ dàn máy, khói thuốc bay lững lờ trong quán. Bốn bàn bi da để sát nhau, mấy tay đang thọt, tay nào cũng đội mũ lưỡi trai, và có hai tay dán thuốc lá dán ngay trên má. Có cái cúp treo trên tường, chung quanh là vài lưu vật của NASCAR. Có mấy tấm hình chụp ở Talladega và Martinsville, North Wilkesboro và Rockingham, và mặc dù quan niệm của tôi về thể thao vẫn như xưa, cảnh trí chung quanh như vầy lại làm cho tôi thoải mái một cách lạ lùng. Ở một góc bar, dưới khuôn mặt cười tươi như hoa của Dale Earnhardt, là một hũ tiền quyên cho một người dân địa phương bị ung thư. Tự nhiên thấy thông cảm cho người bệnh, tôi thảy vô đó mấy đồng lẻ.
Tôi kéo ghế ngồi xuống và gợi chuyện với người đứng quầy. Anh chàng cỡ tuổi tôi, giọng miền núi làm tôi liên tưởng tới giọng của Savannah. Sau chừng hai mươi phút nói chuyện trên trời dưới đất, tôi lấy tấm hình của Savannah trong bóp ra và cắt nghĩa là tôi là bạn với gia đình nàng. Tôi dùng tên ba má nàng và hỏi khéo, làm như là tôi đã từng ghé thăm họ nhiều lần.
Anh chàng hơi ngần ngại lúc đầu, ai mà lại chả vậy. Tỉnh nhỏ nên bà con ai cũng thủ kỹ, nhưng té ra anh chàng có đi Thủy Quân Lục Chiến mấy năm nên cũng đỡ. Anh ta gật đầu.
“Tôi có biết cổ,” anh chàng nói. “Cổ ở ngay trên đường Old Mill, kế bên nhà ba má cổ.”
Mới chừng tám giờ tối, trời bắt đầu tối dần. Mười phút sau tôi để lại một mớ tiền buộc boa và rời quán.
Đầu óc tôi trống rỗng một cách kì lạ khi tôi lái xe vô vùng quê chuyên nghề nuôi ngựa này. Ít ra đó là cái cảm tưởng còn lại sau lần ghé thăm hồi xưa. Đường xá bắc đầu dốc lên, và tôi từ từ nhận ra mấy cái mốc. Tôi biết chừng vài phút nữa là tôi sẽ đi ngang qua nhà ba má nàng. Khi qua khỏi rồi thì tôi nghiêng người ra rán nhìn chỗ hàng rào đứt đoạn để quẹo vô một con đường dài trải sỏi. Lúc quẹo tôi để ý thấy một bảng hiệu vẽ tay đề “Hy vọng và Ngựa.”
Tiếng bánh xe chạm sỏi kêu lào xào mà lại nghe êm lỗ tại mới lạ, tôi ngừng xe lại dưới bóng một cây dương liễu, kế bên một cái xe vận tải nhỏ cũ kĩ. Tôi nhìn vô hướng nhà. Mái dốc và vuông, sơn trắng, và ống khói cao, như là một bóng ma tích tụ cả trăm năm nay mới nhô lên từ mặt đất. Một chậu lan nhỏ treo bên cửa chính trầy trụa, và một chậu bông treo kế bên một lá quốc kỳ, cả hai đong đưa theo gió. Một phía bên cạnh nhà là một cái chuồng ngựa và một miếng đất nhỏ có hàng rào thấp lè tè xung quanh; xa xa là một đồng cỏ xanh mượt có hàng rào sơn trắng vây quanh kéo dài tới một hàng cây sồi cổ thụ. Kế bên cái chuồng ngựa là một cái nhà kho nho nhỏ, nhìn trong bóng tối tôi thấy lờ mờ mấy dụng cụ làm nông cũ mèm. Tự dưng tôi đâm ra thắc mắc không biết mình tới đây làm cái giống gì .
Bây giờ mà bỏ đi thì cũng không muộn, nhưng lòng tôi không nỡ. Bầu trời ráng đỏ trước khi mặt trời lặn xuống cuối chân trời. Hơi ẩm từ cỏ làm ướt mũi giày tôi, và tôi lại ngửi thấy mùi nhựa thông lần nữa. Tôi nghe được tiếng dế kêu, và giọng hót đều đặn của mấy con chim sơn ca. Âm thanh chung quanh dường như làm cho tôi thêm sức mạnh để bước lên thềm nhà. Tôi rán nặn óc nghĩ tới chuyện phải nói gì nếu nàng ra mở cửa. Trong khi tôi tính tới tính lui thì một con chó bẹc giê vẫy đuôi đi lại gần tôi. Tôi đưa tay ra, con chó đưa lưỡi liếm một cách thân thiện xong nhảy xuống bực thềm. Đuôi nó cứ quắc tới quắc lui và tiếp tục vòng quanh nhà, và có tiếng kêu, đúng là cái tiếng kêu đã làm tôi lặn lội lại Lenoir này. Tôi rời thềm nhà, bước theo con chó. Nó chùng mình xuống, thót bụng lại, chui qua hàng rào và chạy vô chuồng ngựa.
Khi con chó biến dạng, tôi thấy Savannah bước ra khỏi chuồng ngựa, hai tay ôm một bó cỏ khô vuông vắn. Mấy con ngựa từ cánh đồng cỏ nhảy cà tửng về phía nàng khi nàng quăng cỏ khô ra tứ phía. Tôi tiếp tục bước tới. Nàng đưa tay phủi mấy cọng rơm dính trên quần áo rồi tính quay lại bước vô nhà kho thì vô tình nhìn về hướng tôi. Nàng bước tới một bước, nhìn tôi một lần nữa, rồi đứng im tại chỗ.
Trong một thời gian dài cả hai đứa đứng yên như trời trồng. Cái kiểu nàng nhìn chăm chăm vô tôi, tôi nhận ra là mình hơi tầm bậy khi lại đây, mà lại không kèn không trống gì hết. Tôi biết là mình nên nói một câu gì đó, câu gì cũng được, nhưng đầu óc tôi trống rỗng. Tôi chỉ biết nhìn nàng trân trối.
Những kỉ niệm cũ chạy về rần rần, tất cả mọi thứ, tôi thấy là nàng vẫn như xưa, không có gì thay đổi mấy. Cũng giống như tôi, nàng mặc quần jean và áo thun dính bùn tùm lum, và đôi giày cao bồi nàng mang trầy trụa và cũ mèm. Kiểu cao bồi vậy mà lại làm cho nàng sang ra. Tóc nàng dài hơn hồi trước, nhưng nàng vẫn còn cái khe hở giữa hai răng cửa mà tôi lúc nào cũng thương. “Savannah,” sau cùng tôi mở miệng.
Lúc này tôi mới thấy là nàng cũng mở miệng không ra lời được như tôi vậy. Bất thình lình, nàng nhăn răng nở một nụ cừơi mỉm vui mừng một cách ngây thơ.
“John?” nàng nói lớn. “Anh về hồi nào vậy?”
Nàng lắc đầu, như thể cho tỉnh táo lại, xong nhìn tôi trở lại. Sau khi đã bảo đảm chắc chắn thiệt là tôi, nàng chạy ra cổng. Nàng ôm tôi, thân thể nàng mềm mại ấm áp làm sao. Trong một khoảnh khoắc, tôi tưởng như là hai đứa vẫn còn như hồi xưa vậy. Tôi muốn ôm nàng mãi mãi trong tay như vầy, nhưng khi nàng buông tôi ra bước lui lại thì cái ảo tưởng đó biến mất, và hai đứa tôi trở thành hai người xa lạ như cũ. Khuôn mặt nàng biểu lộ cái câu hỏi mà tôi không tự trả lời được trên cả chuyến đi tới đây.
“Anh ghé thăm có chuyện gì không?”
Tôi tránh ánh mắt nàng. “Anh cũng không biết,” tôi nói. “Anh chỉ thấy mình cần phải ghé lại đây.”
Mặc dù nàng không nói gì thêm, như thể nàng không chắc là nàng muốn tôi nói thêm chi tiết. Tôi bước lui lại một bước nhỏ, để cho nàng dễ thở một chút. Tôi có thể thấy bóng mấy con ngựa mờ mờ sau lưng nàng và cảm thấy những chuyện buồn trong mấy ngày qua quay trở lại.
“Ba anh mới mất,” tôi nói nhỏ, mở miệng nói không suy nghĩ. “Đám tang mới xong xuôi.”
Nàng im lặng, khuôn mặt nàng dịu lại và biểu lộ sự thương cảm một cách tự nhiên, điều làm tôi mê mệt nàng hồi xưa.
“Ồ, John.. em thành thật chia buồn với anh,” nàng thì thầm.
Nàng bước tới, ôm tôi, siết chặt một chặp. Khi nàng buông tôi ra, lui lại, một nửa mặt nàng chìm trong bóng tối.
“Bác mất ra sao vậy?” nàng hỏi, tay vẫn còn nắm tay tôi.
Tôi có thể nghe được nỗi buồn rầu rất thật tình trong giọng nói của nàng, và ngưng lại, làm sao mà tóm tắt mấy năm qua trong một câu nói được. “Chuyện dài dòng lắm,” tôi nói. Qua ánh đen của chuồng ngựa, tôi thấy dường như trong ánh mắt của nàng có dấu vết của những kỷ niệm cũ mà nàng đã cố chôn vùi. Khi nàng buông tay tôi ra, tôi thấy chiếc nhẫn cưới lấp lánh trên tay trái nàng. Chiếc nhẫn như một gáo nước lạnh dội vô mặt, nhắc cho tôi trở lại với cái thực tế phũ phàng.
Nàng đọc được ý nghĩ của tôi. “Dạ,” nàng nói, “em đã lập gia đình.”
“Anh xin lỗi,” tôi vừa nói vừa lắc đầu. “Đúng ra anh không nên tới đây làm chi.”
Tôi ngạc nhiên khi thấy nàng vẫy tay. “Không sao đâu anh à,” nàng nói, nghiêng đầu. “Làm sao anh kiếm ra địa chỉ vậy?”
“Tỉnh nhỏ mà.” Tôi nhún vai. “Anh hỏi vòng vòng.”
“Chỉ vậy mà thiên hạ nói cho anh biết?”
“Thì anh kèo nài hỏi cho được.”
Cũng trái cẳng ngỗng, hai đứa tôi dường như không biết nói gì nữa. Một phần của tôi thì nghĩ là cứ tiếp tục đứng nói chuyện như vầy, như hai người bạn cũ gặp nhau, kể cho nhau nghe chuyện mấy năm qua kể từ ngày chia tay độ nọ. Một phần khác của tôi thì nghĩ là ông chồng của nàng sẽ từ trong nhà thò đầu ra bất thình lình, rồi hoặc bắt tay tôi, hoặc thách tôi đấu tay đôi. Trong im lặng có tiếng ngựa hí, qua bờ vai nàng tôi thấy bốn con ngựa đang cúi đầu gặm cỏ, nửa trong bóng tối, nửa lộ ra dưới ánh đèn từ chuồng ngựa. Ba con ngựa khác, kể cả con Midas, thì đứng nhìn chăm chú vô Savannah, làm như tụi nó thắc mắc không biết là nàng có quên tụi nó hay không. Cuối cùng Savannah nhích người nói.
“Em phải tiếp tục lo cho mấy con ngựa,” nàng nói. “Đã tới giờ ăn của tụi nó, tụi nó bắt đầu quậy rồi đó.”
Khi tôi gật đầu, Savannah lui lại xong quay người. Khi tới cổng, nàng nói. “Anh phụ với em một tay dùm nghen.”
Tôi ngần ngừ, nhìn về phía nhà chính. Nàng theo dõi ánh mắt của tôi.
“Đừng lo,” nàng nói. “Ông xã em không có ở nhà, và có anh phụ một tay thì đỡ em lắm.” Giọng nàng bình tĩnh một cách ngạc nhiên.
Mặc dù tôi không hiểu vì sao nàng lại nói tỉnh queo như vậy nhưng tôi cũng gật đầu đại. “Ừ, vậy cũng được.”
Nàng đứng chờ cho tôi vô rồi đóng cổng lại. Nàng chỉ vô một đống phân ngựa nói. “Anh coi chừng, sợ đạp trúng dơ giày.”
Tôi e dè. “Anh sẽ rán tránh.”
Trong chuồng ngựa, nàng tách ra hai bó cỏ khô và đưa cho tôi.
“Anh cứ thảy đại vô trong máng. Em đi lấy lúa mạch.”
Tôi làm theo lời nàng, mấy con ngựa bu lại. Savannah bước ra trên tay bưng hai cái xô.
“Anh phải đứng ra xa một chút. Lỡ tụi nó đá sảng trúng anh.”
Tôi bước qua một bên, Savannah treo hai cái xô lên hàng rào.Mấy con ngựa chạy lại. Savannah nhìn tụi nó, khuôn mặt lộ vẻ hãnh diện.
“Hàng ngày phải cho tụi nó ăn mấy lần vậy?”
“Hai lần, ngày nào cũng vậy. Nhưng không phải chỉ mỗi chuyện cho ăn. Tụi nó rất là lọng cọng. Tụi em có đường dây liên lạc thẳng với bác sĩ thú y để lỡ có chuyện gì.”
Tôi mỉm cười. “Coi bộ nhiều chuyện để làm quá.”
“Đúng vậy. Người ta nói là nuôi ngựa như là sống với một cái neo vậy. Trừ phi có ai phụ, còn không thì không đi đâu được hết.”
“Ông bà già em có phụ được gì không?”
“Thì cũng đôi khi. Kẹt lắm em mới nhờ. Nhưng ba em lớn tuổi rồi, vả lại tới bảy con ngựa chớ đâu phải chỉ một con.”
“Vậy cũng phải.”
Trong buổi tối ấm áp, tôi lắng nghe tiếng ru đều đặn của mấy con ve, thở trong không khí yên tĩnh, và rán bình tĩnh lại.
“Đây đúng là chỗ mà anh tưởng tương trong đầu là em sẽ lựa để sống.” Sau cùng tôi nói.
“Em cũng nghĩ vậy,” nàng nói. “Nhưng cực hơn là em nghĩ. Lúc nào cũng có chuyện phải làm. Anh đâu có tưởng tượng được là cái chuồng ngựa có mấy chỗ dột, và một khúc hàng rào bị ngã hồi mùa đông vừa qua. Mùa xuân vừa rồi tụi em mới sửa xong.”
Mặc dù tôi nghe nàng dùng hai chữ “tụi em” và nghĩ là ý nàng nói về chồng nàng nhưng thú thiệt là là tôi chưa có sẵn sàng để nói về anh chàng này, mà coi bộ nàng cũng vậy.
“Nhưng đời sống ở đây đẹp quá, mặc dù là cực. Những đêm như vầy em thích ra ngồi trước hiên nhà và lắng nghe thế giới chung quanh. Lâu lắm mới có một chiếc xe chạy qua, chung quang thật là bình lặng. Đầu óc mình thanh thản ra, nhứt là sau một ngày bận rộn với đủ thứ chuyện.”
Nghe nàng nói, tôi cảm thấy là nàng ráng giữ ý, không để lộ tình cảm của mình ra hết.
“Anh cũng đoán vậy.”
“Em phải lau mấy móng ngựa,” nàng nói. “Anh giúp em một tay nhen.”
“Anh không biết làm,” tôi thú thiệt.
“Dễ lắm,” nàng nói. ‘Để em chỉ cho.” Nàng đi vô chuồng ngựa, đem ra hai dụng cụ nhìn hình giống như hai móng tay. Nàng đưa cho tôi một cái. Mấy con ngựa đang ăn cỏ ngon lành, nàng bước lại gần một con.
“Anh chỉ cần nắm chân ngựa gần móng, xong vừa nhấc lên vừa vỗ nhè nhẹ vô đùi nó,” nàng vừa nói vừa làm. Con ngựa ham ăn, nhấc bàn chân lên theo ý nàng. Nàng giữ cái móng chân ngựa giữa hai chân nàng. “Xong mình chỉ cần cạy bùn chung quanh móng. Vậy là xong.”
Tôi tiến lại con ngựa gần nàng và rán bắt chước nàng nhưng coi bộ không xong. Con ngựa vừa lớn vừa lì. Tôi rán vừa kéo cẳng vừa vỗ đùi liên tục nhưng con ngựa cứ tỉnh queo ăn cỏ không để ý gì tới tôi cả.
“Con ngựa không chịu nhấc cẳng lên,” tôi càm ràm.
Nàng làm xong một cái móng ngựa, xong bước qua chỗ tôi. Chỉ cần một tay nhấc nột tay vỗ là cái móng ngựa nằm gọn giữa hai chân nàng. “Ngựa cũng khôn lắm, nó biết là anh làm không đúng điệu và không quen chuyện. Anh phải tỏ ra là mình tự tin mới đựoc.” Nàng thả chân ngựa xuống, và tôi nhào vô thế nàng. Con ngựa vẫn tỉnh queo.
“Coi em làm nè,” nàng nói kỹ lưỡng.
“Thì anh cũng nhìn chớ,” tôi chống chế.
Nàng lập lại động tác, và con ngựa nhấc cẳng lên. Tôi bắt chước y chang theo nàng nhưng không ăn thua gì. Mặc dù không dám nói là tôi đọc được ý nghĩ của mấy con ngựa, nhưng tôi có cảm giác kỳ cục là con ngựa này coi bộ muốn thử tôi. Bực mình tôi vừa kéo cẳng vừa vỗ đùi con ngựa liên tục, cuối cùng, như là có phép lạ, con ngựa dở cẳng lên. Mặc dù chỉ là chuyện nhỏ nhặt như vầy như tôi thấy hãnh diện trong lòng. Lần đầu tiên từ lúc lại đây tôi thấy Savannah cười.
“Hay lắm. Bây giờ anh chỉ cần khơi bùn ra là xong.”
Savannah làm xong sáu con ngựa khi tôi vừa xong một con ngựa một. Xong xuôi nàng mở cổng và mấy con ngựa chạy lon ton ra cánh đồng cỏ tối om. Tôi không biết làm gì tiếp, nhưng Savannah đi về huớng nhà kho. Nàng đem ra hai cái xẻng.
“Giờ là lúc dọn dẹp,” nàng miệng nói tay đưa tôi cái xẻng.
“Dọn dẹp?”
“Phân ngựa,” nàng nói. “Nếu không thì sẽ tùm lùm tà la ra.”
Tôi đưa tay cầm lấy cái xẻng. “Ngày nào em cũng phải làm như vầy?”
“Thì cuộc đời là màu hồng mà, phải không anh?” nàng chọc tôi. Nàng lại bỏ vô nhà kho và đẩy ra một cái xe cút kít.
Hai đứa tôi lui cui xúc phân ngựa, mặt trăng nhô từ từ lên khỏi mấy ngọn cây. Cả hai im lặng làm, tiếng xẻng của nàng nạo vô đất kêu một cách đều đặn rõ ràng. Một hồi thì cũng xong hết mấy bãi phân ngựa, tôi đứng dựa vô cái xẻng, nhìn nàng. Dưới bóng tối của chuồng ngựa trông nàng dễ thương và xa xôi như một bóng ma. Nàng không nói gì nhưng tôi cảm thấy là nàng đang thăm dò tôi.
“Đời sống em ra tôi, mọi chuyện đều tốt đẹp?”, sau cùng tôi mở miệng.
“Anh tới đây làm chi vậy, John?”
“Em hỏi rồi mà.”
“Em nhớ là em hỏi rồi,” nàng nói. “Nhưng anh chưa có trả lời thiệt tình.”
Tôi ngẫm nghĩ về câu nàng nói. Đúng là tôi chưa trả lời nàng. Tôi không chắc là mình có thể nói ra cho hết ý mình và chuyển thế dựa từ chân này qua chân kia. “Anh không biết đi đâu nữa.”
Tôi ngạc nhiên thấy nàng gật đầu. “Vậy hả.”
Giọng nàng chấp thuận câu cắt nghĩa của tôi làm tôi phấn khởi.
“Thiệt tình là vậy,” tôi nói. “Nói cho cùng thì em là người bạn tốt nhứt của anh xưa giờ.”
Tôi thấy mặt nàng dịu lại. “Được rồi,” nàng nói. Câu trả lời của nàng làm tôi nhớ đến ba tôi, và sau khi mở miệng, có lẽ nàng cũng cảm thấy như vậy. Tôi ép mình quay ra nhìn chung quanh trang trại.
“Đây là cái trang trại mà em thường mơ ước, phải không?” Tôi hỏi. “Ngựa và Hi Vọng là cho mấy trẻ bị autistic ?”
Nàng đưa tay vuốt tóc, vén một lọn qua sau lỗ tai. Nàng coi bộ vui lên khi thấy tôi còn nhớ mấy chuyện này. “Dạ,” nàng nói. “Đúng vậy.”
“Mọi chuyện có đúng như em mơ ước hồi đó không?”
Nàng cười và dơ hai tay lên trời. “Không phải lúc nào cũng vậy,” nàng nói. “Nhưng đừng tưởng là tiền thu vô chi đủ sở hụi. Tụi em ngườì nào cũng có việc làm riêng, và càng ngày em càng thấy là những gì mình học ở trong trường là không đủ.”
“Không đủ?”
Nàng lắc đầu. “Những đứa trẻ lại đây, hay là ngoài trung tâm, không dễ dạy.” Nàng ngần ngừ, ráng tìm cho đúng chữ. Cuối cùng nàng lắc đầu. “Em đoán là em cứ tưởng là đứa nào cũng dễ dạy như Alan.” Nàng nhìn tôi. “Anh còn nhớ Alan không?”
Thấy tôi gật đầu, nàng nói tiếp. “Té ra Alan là một ca đặc biệt. Em cũng không biết có phải vì nó sinh ra và lớn lên ở một nông trại không, chớ nó dễ dạy hơn mọi em khác.”
Không thấy nàng tiếp tục, tôi nhìn nàng thắc mắc. “Anh nhớ là đâu phải vậy. Anh nhớ là em nói là lúc đầu Alan cũng kinh hoàng lắm.”
“Thì đúng vậy, nhưng mà … nó lại chịu cái cách dạy của tụi em. Còn rất nhiều em khác về đây mà không thay đổi gì hết, năm này tháng nọ. Đâu phải chỉ cuối tuần không đâu, nhiều em tới đây hàng ngày cả năm trời. Tụi em là việc ở trung tâm khám nghiệm, cho nên tụi em có rất nhiều thì giờ với các em này, và khi mở nông trại tụi em nhứt định là bệnh cỡ nào cũng nhận vô hết. Đây là điều quan trọng mà tụi em muốn làm, tuy nhiên có nhiều em… Em ước gì là tụi nó hiểu được ý mình. Đôi khi tụi em thấy dường như mình chỉ chạy vòng vòng.”
Tôi thấy là Savannah sắp xếp lại trí nhớ của nàng. “Em không muốn nói là tụi em cảm thấy mình tốn công vô ích,” nàng tiếp tục. “Có một số em đỡ hẳn ra. Tụi nó lại đây một vài cuối tuần, và như là…những búp hoa vậy, từ từ nở ra thành những đóa hoa tuyệt đẹp. Cũng như Alan vậy. Giống như là mình thấy cái đầu của các em mở rộng ra để đón nhận những ý tưởng mới, chuyện mới, và khi thấy các em cưỡi ngựa miệng cười tươi rói thì mình cảm thấy như là trên đời không có gì đáng kể nữa. Cái cảm giác thiệt là đã, và mình muốn là em nào tới đây cũng được như vậy. Em thường nghĩ là chỉ cần rán là xong, rằng là ai mình cũng giúp được, nhưng không phải vậy. Nhiều em thấy ngựa là sợ rồi chớ nói chi tới chuyện cỡi.”
“Đâu phải lỗi ở em đâu. Ngay cả anh cũng thấy chuyện cưỡi ngựa là nhiêu khê nữa mà, em nhớ không?”
Nàng cười hí hí, “Ừa nhớ rồi. Lần đầu tiên cưỡi ngựa, anh coi bộ còn sợ sệt hơn là mấy em nhỏ nữa.”
“Đâu phải vậy,” tôi chống chế. “Thêm vào đó, con Peper đâu có hiền gì.”
“Ha!.”, nàng chọc quê. “Anh có biết tại sao em để anh cưỡi con Peper hay không? Nó là con ngựa dễ chịu nhứt. Em thấy cưỡi nó là êm nhứt.”
“Anh thấy ngồi trên lưng nó bị nhồi lên xóc xuống quá xá,” tôi nói rán.
“Anh đúng là một tay mơ thiệt tình,” nàng nghẹo tôi. “Nhưng mà dù không đúng đi nữa, em cũng cảm động vì anh còn nhớ.”
Mấy câu nói nghẹo cuả nàng làm những kỷ niệm cũ chạy về rần rần.
“Dĩ nhiên là anh nhớ,” tôi nói. “Đó là những ngày đẹp nhất trong cuộc đời anh. Anh sẽ không bao giờ quên được.” Nhìn qua vai nàng tôi thấy con chó đi tà tà trong đồng cỏ. “Có thể vì vậy mà anh vẫn còn một thân một mình.”
Nghe tôi nói, nàng ngập ngừng. “Thì em cũng còn nhớ vậy.”
“Thật không?”
“Dĩ nhiên là em còn nhớ,” nàng nói. “Có thể anh không tin, nhưng sự thật là vậy.” Giọng nàng nghe như tràn ngập cái không khí chung quang.
“Em sống hạnh phúc ?” Sau cùng tôi hỏi.
Nàng cười gượng. “Phần lớn là vậy. Còn anh thì sao?”
“Anh cũng không biết nữa,” tôi nói, làm nàng cười lần nữa.
“Câu trả lời thường lệ của anh là vậy, anh biết không. Có khi nào anh tự nhìn vào chính mình để tìm câu trả lời không? Lúc nào cũng vậy, làm như câu trả lời này là một phản ứng tự nhiên vậy. Tại sao anh không hỏi thẳng câu mà anh thiệt tình muốn hỏi?”
“Anh thiệt tình muốn hỏi chuyện gì vậy?”
“Thì rằng là em có yêu ông xã em không. Bộ đó không phải đó là điều anh muốn hỏi sao?” nàng hỏi, quay mặt nhìn đi chỗ khác.
Tôi không biết nói sao, nhưng biết là nàng nghĩ đúng. Đó là lí do tại sao tôi mò lại đây.
“Dạ có,” nàng nói, đọc được suy nghĩ của tôi lần nữa. “Em yêu ông xã em.”
Giọng nói chân thật của nàng làm tôi đau điếng, nhưng trước khi tôi có đủ thì giờ để thấm thía thì nàng quay mặt lại phía tôi. Khuôn mặt nàng thoáng biến sắc, như thể nàng mới chợt nhớ tới chuyện gì đau khổ lắm, nhưng chỉ thoáng qua rồi thôi.
“Anh đã ăn uống gì chưa?” nàng hỏi.
Tôi vẫn còn đang suy nghĩ về khuôn mặt của nàng. “Chưa,” tôi nói. “Thiệt ra anh chưa ăn sáng, ăn trưa gì hết.”
Nàng lắc đầu. “Trong nhà còn ít thịt hầm từ hôm qua. Anh có thì giờ ở lại ăn tối không?”
Tôi gật đầu, mặc dù trong bụng thắc thắc mắc không biết ông chồng của nàng ở đâu. “Có chớ.”
Hai đứa tôi bước về hướng nhà, và ngừng lại khi tới bực thềm trước một hàng giày cao bồi cũ dính đầy bùn đất. Savannah đưa tay nắm lấy cánh tay tôi một cách nhẹ nhàng và tự nhiên, dùng tôi làm điểm tựa để tháo giày ra. Có lẽ vì bàn tay nàng chạm vô tay tôi, khuyến khích tôi nhìn nàng kĩ hơn, và mặc dầu tôi thấy vẫn cái nét bí ẩn và già dặn, những nét vốn làm cho nàng lúc nào nhìn cũng hấp dẫn, nhưng thêm vào đó là một chút buồn bã và trầm mặc. Càng nhìn càng đứt ruột, vì tất cả những nét này trộn lại lại làm nàng càng đẹp ác liệt hơn.
Nguyễn Sĩ Hạnh phỏng dịch
0 Bình luận