Thơ của Đặng Đình Hưng có nhiều sắc thái tư tưởng ‘mới lạ’, tuy ‘không dễ đọc’, còn sự kiện ra mắt tập thơ ‘Bến Lạ’ của cố thi sỹ bất đồng chính kiến này tại Hà Nội mới đây không chỉ có ý nghĩa riêng với gia đình của ông, mà còn với cả xã hội, một nhà thơ, dịch giả từ Sài Gòn nói với BBC.

Thi sĩ Đặng Đình Hưng

Bình luận về sự kiện văn hóa liên quan Đặng Đình Hưng – thân phụ quá cố của nghệ sỹ piano Đặng Thái Sơn, hôm thứ Năm, nhà thơ Hoàng Hưng nói với một chương trình Mạn đàm đón Xuân và Tết Tân Sửu của BBC News Tiếng Việt:

“Đối với gia đình của cụ Đặng Đình Hưng, thực ra sự kiện này ghi dấu một kỷ niệm mà gia đình rất là tự hào, theo tôi là vì thấy được đón chờ và sự hưởng ứng của công chúng.

“Tôi cũng nói thêm rằng đây là lần hiếm hoi mà một tập thơ in ra, rất là dày, hơn 500 trang, mà người ta đăng ký mua rất nhiều. Đó là sự kiện lạ, bán đắt chứ không phải bán rẻ đâu, giá bìa là 450 nghìn đồng/cuốn.

“Những người đăng ký mua đầu tiên, chúng tôi giảm giá còn 350 nghìn đồng, nhưng sau đó bán hết veo mấy trăm cuốn tại sự kiện. Kể ra cũng là lạ.

“Đối với gia đình, chắc chắn là các con thấy được người bố của mình được công chúng hâm mộ, nhất là thơ của cụ Hưng thuộc loại khó hiểu, thơ ‘moderne’ hiện đại, chứ không phải là loại thơ dễ hiểu theo kiểu đại chúng.”

Theo nhà thơ Hoàng Hưng, đối với gia đình của cố thi sỹ Đặng Đình Hưng, đây là một sự kiện rất vui và đáng tự hào của con cháu, nhưng không dừng ở đó, sự kiện ra mắt tác phẩm của cố thi sỹ còn có ý nghĩa về mặt xã hội:

“Nó còn có ý nghĩa về mặt xã hội có nghĩa là vụ Nhân văn – Giai phẩm trước đây chúng ta đã biết rồi, nhà nước không bao giờ nhận là sai lầm hết.

“Nhưng sau đó cứ lẳng lặng trao giải thưởng nhà nước cho các ông như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, rồi Phùng Quán, riêng Đặng Đình Hưng thì chưa được, bởi vì tác phẩm chưa xuất hiện trong thời gian cụ sống.

“Đến khi cụ mất rồi, và tôi cũng hỗ trợ thêm, thì gia đình mới in ra hai tập đầu tiên sau khi nhà thơ mất, tức là tập ‘Bến Lạ’ và ‘Ô mai’, và đến bây giờ gần như tất cả các tác phẩm quan trọng nhất của cụ đã được in trong một tổng tập, kể cả thơ, cả họa.

“Đối với mọi người và xã hội, về mặt văn hóa chung, theo tôi đó là một sự kiện vì các tác phẩm của Đặng Đình Hưng, về mặt phong cách, cũng như về chủ nghĩa và con đường nghệ thuật rất mới lạ so với mặt bằng chung của văn nghệ Việt Nam mà vẫn nặng về truyền thống và nó chậm, thì đó là một sự cách tân đổi mới và do đó nó có ý nghĩa xã hội.”

Xúc động khi conkhông quên cha đau khổ’

Cha con thi sỹ Đặng Đình Hưng (phải) và nghệ sỹ dương cầm Đặng Thái Sơn (FB Dang Thai Son)

Ông Hoàng Hưng nhân dịp mạn đàm văn nghệ đầu Xuân Tân Sửu, cũng chia sẻ thêm với BBC những gì mà ông cảm nhận được về tâm tư của nghệ sỹ piano, Giáo sư âm nhạc Đặng Thái Sơn – con trai của cố thi sỹ, trong quá trình trao đổi chuẩn bị cho chuỗi sự kiện vinh danh Đặng Đình Hưng được Đại sứ quán Pháp và Viện Pháp (Institut Francais) hậu thuẫn tổ chức đầu năm 2021.

“Về việc này, anh Đặng Thái Sơn ở Canada và tôi thường xuyên trao đổi với nhau qua Internet suốt 5-6 tháng trời.

“Bởi vì công việc này rất tỷ mẩn, đòi hỏi nhiều chuyện phải rất chu đáo, thì mới làm được sự kiện lớn như thế.

“Qua tâm sự, tôi xúc động ở chỗ anh Sơn thể hiện là một người con rất có hiếu với cha, mẹ, tuy bản thân anh ấy thì quá là lừng lẫy đối với thế giới rồi, thế nhưng không quên được người cha đau khổ của mình.

“Và lúc cụ còn sinh thời, khi anh Sơn được giải thưởng Chopin, thì anh cũng đã giúp đỡ, đổi đời cho cụ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, tức là cụ không còn bị kỳ thị như cũ.

“Thế nhưng qua 30 năm rồi, anh vẫn có một tấm lòng yêu thương người bố như thế, riêng đối với tôi, người cũng bắt đầu già, thế hệ cổ lai hy, thì tôi xúc động lắm trước lòng hiếu của người con đối với cha, mẹ mình như thế,” nhà thơ dịch giả Hoàng Hưng nói với cuộc mạn đàm đầu Xuân, đón Tết của BBC.

Từ cha ‘đau khổ’ Đặng Đình Hưng

Sinh năm 1924, quê ở làng Thụy Hương thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Đông, Việt Nam, ông Đặng Đình Hưng là con một nhà danh gia vọng tộc và cùng em ông – Đặng Đình Áng ra Hà Nội học trường Bưởi.

Học trường Luật Đông Dương từ 1942, sau cuộc Cách mạng Tháng 8/1945, ông đi kháng chiến, làm công tác tuyên truyền và làm tới Đoàn trưởng kiêm chính trị viên Đoàn văn công Nhân dân Trung ương.

Ông kết hôn với nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên, người du học ở Tiệp Khắc trở về.

Năm 1956, tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xảy ra vụ “Nhân văn – Giai phẩm”, với một số đông văn nghệ sĩ muốn Đảng Cộng sản nới lỏng kiểm soát tư tưởng nhân thời kỳ giải ảo Stalin ở Liên Xô và Đông Âu (sau 1953-54).

Trong số các văn nghệ sĩ tham gia phong trào này, nổi tiếng nhất có các ông Phan Khôi, Trần Duy, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán, Văn Cao, Nguyễn Tuân, bà Thụy An.

Có nhiều nhà trí thức, không phải văn nghệ sĩ, như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu cũng tham gia phong trào này và mọi người biết đến nó dưới cái tên là nhóm “Nhân Văn – Giai Phẩm”.

Ông Đặng Đình Hưng có tên trong phong trào này và bị đàn áp, và không được đăng các tác phẩm thơ.

Đài báo Việt Nam do Tuyên giáo cộng sản của đảng cầm quyền kiểm soát hoàn toàn không nhắc đến tên tuổi Đặng Đình Hưng khi đưa tin Đặng Thái Sơn đoạt giải thưởng cao quý ở Ba Lan.

Nhưng cũng nhờ Đặng Thái Sơn đoạt giải Chopin, ông Đặng Đình Hưng đã được nhà nước cấp cho căn hộ tại Hà Nội, và nhờ con trai ở nước ngoài chu cấp, ông có những năm tháng cuối cùng thể hiện nghệ thuật thơ, họa và vẽ chữ.

Năm 1991, tập Bến Lạ của ông lần đầu được xuất bản ở Sài Gòn một năm sau khi ông qua đời (1990).

Đến con trai ‘lẫy lừng thế giới’

Nghệ sỹ piano Đặng Thái Sơn tại sự kiện triển lãm, ra mắt các tác phẩm nghệ thuật thi, họa của Đặng Đình Hưng, do Viện Pháp đăng cai tổ chức tại Việt Nam đầu năm 2021

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, hiện làm việc tại Nhạc viện Oberlin (Ohio, Hoa Kỳ), đoạt Huy chương Vàng tại cuộc thi piano ‘International Chopin Piano Competition, Warsaw, Ba Lan’ năm 1980, và là người châu Á đầu tiên đoạt giải thưởng cao quý này.

Có ý kiến ở Ba Lan tin rằng chỉ những nghệ sĩ hiểu thế nào là đau khổ mới diễn tả nổi nhạc Fryderyk Chopin, người qua đời năm 39 tuổi ở Pháp sau khi phải bỏ Ba Lan đi sống tha hương vì khởi nghĩa 1830 bị Nga đàn áp.

Học piano hồi nhỏ ở Hà Nội với mẹ, bà Thái Thị Liên, Đặng Thái Sơn được nghệ sĩ người Nga, Isaac Katz phát hiện ra khi thăm Việt Nam năm 1974, và được mời sang Liên Xô du học.

Sau khi đoạt giải Chopin, ông quay trở về Nhạc viện Moscow State Tchaikovsky để tiếp tục học, với các vị thầy nổi tiếng, Vladimir Natanson và Dmitry Bashkirov.

Giải thưởng từ cuộc thi piano mang tên Chopin đã đưa nghệ sĩ Đặng Thái Sơn lên đẳng cấp quốc tế trong trình diễn nhạc cổ điển, và tiểu sử chính thức của ông cho biết ông đã tới trên 40 quốc gia, trình diễn tại các phòng hòa nhạc nổi tiếng như Lincoln Center (New York), Barbican Center (London), Salle Pleyel (Paris), Herculessaal (Munich), Concertgebouw (Amsterdam), Opera House (Sydney) và Suntory Hall (Tokyo).

Trong các năm 2012-2013 ông công diễn trên thế giới với chương trình năm concerto của Beethoven. Dự án Beethoven Marathon được cho là đỉnh cao tiếp theo trong sự nghiệp đàn piano của ông kể từ cuộc thi Chopin năm 1980.

Đặng Thái Sơn đã ghi âm các tác phẩm trình diễn của mình cho Deutsche Grammophone, Melodya, Polskie Nagrania, CBS Sony, Analekta, Victor JVC và Viện Fryderyk Chopin.

Có quốc tịch Canada, ông đã dạy âm nhạc cả ở Berlin (1999) cùng Murray Perahia, Vladimir Ashkenazy và tham gia ban giám khảo các cuộc thi uy tín gồm Warsaw International Chopin Piano Competition (2005, 2010, 2015), Cleveland (Mỹ), Clara Haskil (Thụy Sỹ), Artur Rubinstein (Tel-Aviv), Hamamatsu, Sendai (Nhật Bản), Piano Masters of Monte Carlo, Sviatoslav Richter (Moscow), Prague Spring International, Montreal International Piano Competition và Ferruccio Busoni International Piano Competition…

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56039300

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận