Chút Ký Ức Về Một Quãng Đời Sau Ngày 30.4.1975 [1]
(Đây là chuyện mắt thấy tai nghe, kể lại cho các bạn nghe chơi. Chuyện đã hơn 40 năm, xin không hoan nghênh các bình luận ra ngoài chủ đề nhằm chỉ trích bất cứ chế độ nào)
Chuyện này tôi cứ ngần ngừ mãi, không có ý định kể ra, song gần đây có mấy bạn trẻ cứ hỏi mãi, mặt khác, nghĩ lại, không phải lúc nào trí nhớ cũng trung thành với ta mãi, sẽ có một ngày nào đó, mọi thứ trong đầu ta sẽ trở nên trống rỗng, không còn trước, chẳng còn sau. Thôi thì, những gì mắt thấy tai nghe trong quãng đời cũ đã qua, kể lại để góp chút nào bức tranh lịch sử nhiều màu sắc vẫn còn nhiều chỗ đậm nhạt khác nhau.Trước khi đi vào câu chuyện chính ở phần 2, xin kể trước câu chuyện phụ, ở phần 1.
PHẦN I – CHUYỆN Ở LONG THÀNH .
Nói về đời tù thì phải bắt đầu từ cái ngày 15.6.1975, xách gói ra trường Trưng Vương, Sài Gòn, trình diện cải tạo theo yêu cầu “mang theo tiền bạc, đồ dùng đủ xài trong một tháng”. Trại cải tạo Long Thành nguyên là Làng cô nhi Long Thành dưới quyền điều hành của một người tên Tư Sự, sau 30.4.1975, nghe đâu từng là một “cơ sở cách mạng”.
Ngôi làng cô nhi này từng một thời là một trung tâm từ thiện nức tiếng, ngày chủ nhật hàng tuần, người thiện tâm lên thăm viếng nườm nượp, hỗ trợ tiền bạc, thực phẩm, thuốc men. Từ tháng 6.1975, làng cô nhi biến thành Trường học tập cải tạo rồi Trại cải tạo Long Thành. Trái với các trung tâm cải tạo tại các tỉnh do địa phương quản lý, trại cải tạo Long Thành đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Cục trại giam Bộ Nội vụ nên mang danh số 15 NV.
Trại chứa khoảng 3 ngàn người có dây mơ rễ má với chế độ VNCH, chia thành 4 khối:
– Khối 1: viên chức các thành phần, gồm viên chức hành chánh từ cấp Phó Ty, Phó Quận đến Phó Tổng thống, các dân biểu, nghị sĩ, các thẩm phán (Chánh án, Biện lý, Phó Biện lý, Dự thẩm)
– Khối 2: đảng viên các đảng phái “phản động”: Việt Nam Quốc Dân đảng, đảng Đại Việt, đảng Dân Chủ …, từ cấp Phó Bí thư Quận-Huyện trở lên
– Khối 3: Nhân viên Phủ Đặc ủy Trung Ương Tình báo từ trung cấp trở lên
– Khối 4: Sĩ quan cảnh sát từ Thiếu tá trở lên.
4 khối này chia nhau khoảng 10-11 dãy nhà, mỗi nhà mang một số thứ tự từ 1 trở đi, có 4 gian rộng, chứa khoảng trên dưới 300 người.
Tất nhiên, khối 1 là sự tập hợp thành phần tinh túy của một chế độ vừa sụp đổ, có người từng là Chủ tịch Tối cao Pháp viện như cụ Trần Minh Tiết, có người từng là Chủ tịch Hạ viện như cụ Nguyễn Bá Lương, có người từng là Bộ trưởng Tài chánh rồi Cố vấn Tài chánh Phủ Tổng thống như cụ Lưu Văn Tính, có người tùng là Trưởng phái đoàn VNCH trong Hội đàm Ba Lê như ông Nguyễn Xuân Phong, có người là kiến trúc sư lừng danh như ông Ngô Viết Thụ …, thôi thì đủ cả!
Khối 2 có hai nhân vật nổi bật là cụ Vũ Hồng Khanh, nguyên lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng, thành viên chính phủ Liên hiệp kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và từng cùng ông Hồ ký với đại diện chính quyền Pháp Sainteny bản Hiệp định sơ bộ Hạ Long 1946. Năm 1975, cụ Khanh đã 77 tuổi, có lẽ là người tù lớn tuổi nhất lúc bấy giờ.
Người thứ hai là luật sư Nguyễn Lâm Sanh, cương vị cuối cùng trong chế độ VNCH là Phó Chủ tịch Liên minh Á châu chống Cộng (chủ tịch là ông Phan Huy Quát, nguyên Thủ tướng Chính phủ), nghe kể lại từng mở văn phòng luật sư chung với ông Nguyễn Hữu Thọ, trước khi ông Thọ bỏ ra khu. Khoảng tháng 9-10.1975, có một đoàn căn cước của Bộ Nội vụ (sau là Bộ Công An) lên trại Long Thành làm hồ sơ căn cước từng người, lúc đó luật sư Thọ là Phó Chủ tịch nước. Nghe đâu lần này, một người con trai ông Thọ có tháp tùng đoàn công tác trên để thăm cụ Lâm Sanh.
Ở khối 3, có một chuyện cười ra nước mắt: thông báo trình diện tập trung cải tạo định rằng thành phần công chức từ trung cấp trở lên của Phủ Đặc ủy TUTB đều phải trình diện, mà theo chế độ công chức của chính quyền VNCH, thư ký các loại được xếp vào thành phần công chức hạng B (trung cấp). Vì thế, thành phần đi trình diện tập trung cải tạo này có hàng trăm cô thư ký đánh máy của cơ quan trung ương tình báo này. Mãi đến 6 tháng sau, có lẽ duyệt xét thấy họ chỉ là những thư ký đánh máy thông thường, “chỉ đâu đánh đó”, Cục trại giam Bộ Nội vụ đã trả tự do hàng loạt, ngày họ về đông như mở hội.
Đúng một năm sau, khoảng giữa năm 1976, việc thanh lọc các thành phần “học viên” hoàn tất, những ai xét “không có tội” được cho về, những ai “có tội” được ghi danh trong một văn bản chi tiết là quyết định 3 năm học tập cải tạo. Còn nhớ trong văn bản này ghi rõ hai chi tiết:
– Ai học tập tốt, “lập công chuộc tội”, được xét cho về trước thời hạn
– Ai không chịu học tập, còn có tư tưởng chống đối, sẽ kéo dài thêm thời gian học tập.
Như vậy, cũng có thể mặc nhiên hiểu là ai không lập công, cũng không chống đối, sẽ được về sau khi hết hạn 3 năm. Song điều này đã không xảy ra trên thực tế.
Trong những năm 1975-1978, tại trại Long Thành, có hai đợt tập trung ra Bắc mà anh em tù gọi vui với nhau là đợt “bao bố 1” và “bao bố 2”.
Danh xưng này ra đời trong hoàn cảnh như sau: một buổi sáng nọ, gần 3 ngàn trại viên được đưa lên Hội trường, nơi vẫn thường được nghe các cán bộ từ Sài Gòn lên thuyết giảng (trong đó có lần người thuyết giảng là nhà biên khảo văn học Hoài Thanh, đồng tác giả quyển Thi Nhân Việt Nam).
Nhưng buổi sáng hôm đó không có là một bài thuyết giảng nào. Đó là buổi tuyên đọc một thông báo mà khi nghe qua, cả một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng của từng người trại viên một. Lệnh rằng ai có tên trong danh sách sắp đọc thì đi nhận một chiếc bao bố, về nhà dồn hết đồ đạc riêng vào đó để trại chở đi trước.
Đó là một bất ngờ lớn nhất, không ai lường trước được và sự nhớn nhác, lo sợ bao trùm cả trại mấy ngàn người suốt một ngày liền. Cuối cùng thì số cả ngàn bao bố đựng vật dụng tùy thân và chủ nhân của chúng cũng được đưa về trại 16 NV tại Thủ Đức trước khi xuống tàu ra Bắc.
Chuyến “bao bố 2” diễn ra một thời gian khá lâu sau đó, lần này đã quen rồi, sự xúc động không còn dâng cao như trước. Sau chuyến này, còn lại tại trại Long Thành khoảng 200 người thuộc khối 1 (các khối khác đã đi hết), có lẽ chờ để đi chuyến “bao bố 3”.
Nhưng chuyến đi vét “bao bố 3” đã không xảy đến, có lẽ do ít nhất 2 lý do quan trọng:
– Khoảng năm 1978, chính quyền cần mở một trại mới tại Xuyên Mộc, trong một khu rừng trống trải, dễ dàng cho những cuộc trốn trại, mà theo đánh giá của họ, thành phần công chức trung cao (cũ) ở trại Long Thành, khi cần đưa lên đó xây dựng trại mới, ít có nguy cơ trốn nhất.
– Song đây mới là lý do chủ yếu: tháng 2.1979, Trung Quốc mở cuộc tấn công các tỉnh cực Bắc, chiến tranh diễn ra ác liệt, chính quyền phải di tản các trại cải tạo đang hoạt động ở khu vực này về một số tỉnh an toàn hơn, nhiều nhất ở Thanh Hóa. Vì phải sắp xếp lại các trại cải tạo có sẵn ở miền Bắc và giải quyết hậu quả của trận chiến khốc liệt tháng 2.1979, nên có lẽ nhờ đó mà chương trình đưa tù cải tạo từ Nam ra Bắc phải đình chỉ, khoảng 200 người dự kiến cho đợt “bao bố 3” tại Long Thành thoát được cảnh đi xa.
Khoảng cuối năm 1978, đầu 1979, hơn 40 trong số gần 200 người kể trên được đưa từ Long Thành lên Xuyên Mộc để mở một trại mới gồm 3 khu:A, B và C. Năm 1979, khi vừa hoàn thành những bước đầu, trại Xuyên Mộc đã đón tiếp 5 loại “khách” đến ở, một là các tù hình sự, hai là quân nhân chế độ mới bị án tù, ba là tù “hiện hành”, danh từ dùng để chỉ những người chống phá chính quyền mới và bị bắt sau 30.4.1975, bốn là một số văn nghệ sĩ miền Nam bị bắt khoảng năm 1976, năm là các sĩ quan cấp úy VNCH đi cải tạo từ các trại khác chuyển đến, và sáu là viên chức hành chánh chế độ cũ từ trại Long Thành đưa về.
Lê Nguyễn
28.4.2020
KỲ SAU: Những nhân vật quen thuộc với nhiều người
Nguồn: Trang FB của Lê Nguyễn
Bài Cùng Tác Giả:
- Toàn Quyền Đông Dương Paul Doumer Và “Chứng Điên” Của Vua Thành Thái
- Cựu Hoàng Thành Thái Sống Ra Sao Trong Những Năm Tháng Bị Lưu Đày?
- Sứ Mạng Bất Thành Của Sứ Bộ Miến Điện Tại Việt Nam Dưới Triều Vua Minh Mạng
- Chút Ký Ức Về Một Quãng Đời Sau Ngày 30.4.1975 [3]
- Chút Ký Ức Về Một Quãng Đời Sau Ngày 30.4.1975 [2]
- Câu Chuyện Tháng 4: Nghĩ Về Một Sự Phân Ly
- Một Vài Khía Cạnh Đáng Lưu Ý Trong Tổ Chức Tư Pháp Và Thanh Tra Thời Việt Nam Cộng Hòa
- Thân Phận Người Phụ Nữ Trong Cung Đình Xưa
- Những Bước Đi Đầu Đời Của Ngành Điện Báo Việt Nam
- Ngày Tết cung đình theo chiều dài lịch sử Việt
- Những thú vui vang bóng một thời
- Về câu chuyện Trung Quốc “xâm lược” Việt Nam vào thế kỷ XIX
- Chút gợi nhớ của một người chứng, sau sự ra đi của một nhà tu hành
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [4]
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [3]
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [2]
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [1]
- Chuyện nước sạch ở Sài Gòn xưa
- Chuyện học hành ngày xưa
- Chuyện thắp sáng Sài Gòn xưa
- Mấy Cảm Nghĩ Vụn Vặt Về Thơ Nguyễn Bắc Sơn
- Những Chuyến Xe Thổ Mộ Trong Tuổi Thơ Của Tôi
- Mối Quan Hệ Của Cộng Đồng Người Hoa Với Phong Trào Tây Sơn Trong Cuộc Nội Chiến 1771-1802
- Nghĩ Về Những Bà mẹ Trong Cuộc Chiến
- Chút Hồi Ức Về Những Ngày Bệnh Xá Năm 1975
- Các Em Ngày Ấy … Bây Giờ
- Kỷ Niệm Về Một Kịch Thơ Đêm Cuối Năm Xa Nhà
- Lại Nghĩ Về Lộc Hưng
- Chút Hồi Ức Của Một Người Tù Cải Tạo
- Những Người Việt Nam Đầu Tiên Được Chụp Ảnh Chân Dung Là Ai ?
0 Bình luận