Viết về Nguyễn Bắc Sơn, ca ngợi Nguyễn Bắc Sơn, nhiều bậc thượng thừa trong làng văn nghệ như Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, Đặng Tiến … đã làm, mình là loại lục lục thường tài mà cầm bút viết về thơ Nguyễn Bắc Sơn giống như một hình thức “ăn theo” kệch cỡm.

Song trong cuộc sống bộn bề này, có những thôi thúc mà lòng ta không cưỡng nổi. Trước đây, thơ của người tù Tô Thùy Yên thôi thúc mình như thế, và hôm nay, sau những nhắc nhở về một nhà thơ lính Nguyễn Bắc Sơn “kỳ dị”, tài hoa, sự thôi thúc cũng y như thế. Mình luôn cảm thấy cần phải viết một cái gì đó về ông như khơi mạch một cơn lũ đang cuồn cuộn ở đầu nguồn, như sự hàm ơn đối với người đã gieo rắc cái đẹp cho đời.

Ở miền Nam hay miền Bắc trước 1975, thơ thời chiến khá nhiều, như sự phản ánh của một thực trạng xã hội đau buốt tận đáy tâm can của mỗi người. Người lính Nguyễn Bắc Sơn cũng làm thơ thời chiến, song ông đã tạo cho mình một sắc thái độc đáo, chung với cái chung của nỗi niềm, nhưng rất riêng ở cái riêng phong cách. Một phong cách Nguyễn Bắc Sơn không lẫn vào đâu được!

Khi nói về thơ của người lính Nguyễn Bắc Sơn trong cuộc chiến ở miền Nam, người ta luôn nhắc đến người lính Quang Dũng tài hoa trong những ngày kháng chiến chống Pháp ở phía Bắc. Trong lúc Nguyễn Bắc Sơn cười cợt bên cái chết chẳng biết đến vào lúc nào:

Khi tao đi lấy khẩu phần,
Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao.
Chúng mình nhậu để trừ hao,
Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng.
Mùa này gió núi mưa bưng,
Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan
(Một tiếng đồng hồ trước khi lên đường hành quân)

thì Quang Dũng đằm thắm và ray rứt hơn:

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa,
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ,
Thoáng hiện em về trong đáy cốc,
Nói cười như chuyện một đêm mơ (Đôi bờ)

hay:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,
Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.. (Tây Tiến)

Trong lúc người lính Quang Dũng luôn mực thước, nghiêm túc trong diễn tả những tình cảm đằm thắm của người trai thời loạn, thì Nguyễn Bắc Sơn lại tưng tửng, cười khà trên sự an nguy của chính mình.

Sự khác biệt ấy là điều tất yếu. Trong một môi trường xã hội mà sự khóc vợ cũng bị coi như một cái tội thì tình cảm của Quang Dũng thể hiện đến mức đó cũng đã quá lắm rồi. Nguyễn Bắc Sơn ở một môi trường khác hơn, ở đó người làm thơ có thể thể hiện những cảm nghĩ của mình một cách tự do hơn, thậm chí “phá phách” hơn. Và cũng chính nhờ cái môi trường tự do ấy mà sự phóng túng, nét hài hước trong thơ đã được ông đẩy lên thành một nghệ thuật:

Mai ta đụng trận ta còn sống,
Về ghé Sông Mao phá phách chơi,
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm,
Đốt tiền mua vội một ngày vui..

Nguyễn Bắc Sơn không coi chiến tranh là một nghiệp dĩ, thậm chí là một lý tưởng. Với ông, không có gì phi lý và đớn đau hơn khi nhắm bắn vào một thân xác cùng dòng máu, cùng giống nòi, những chàng trai quê 17-18 tuổi đầu, cơm ăn chẳng đủ no, áo mặc chẳng đủ ấm, không làm chủ được số phận của mình:

Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu,
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo,
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo,
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước.
Ta bắn trúng ngươi vì người bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi… (Chiến tranh Việt Nam và tôi)

Người lính đó bắn viên đạn đi là để bảo vệ sự sống của chính mình. Anh cầm súng mà không kêu gọi bắn giết, không kích động hận thù. Bằng lời thơ, anh nói lên tiếng nói của lương tri một con người biết tôn trọng những giá trị sống của những con người khác:

Xem cuộc chiến như tai trời ách nước,
Ta bắn trúng người vì người bạc phước…

Người lính bên kia chiến tuyến, trước khi ngã xuống trước mũi súng của người lính Nguyễn Bắc Sơn, chắc cũng kịp nở một nụ cười!

Cái tinh tế, cái tài hoa trong chọn chữ gieo vần của Nguyễn Bắc Sơn làm ta nhớ đến cái tinh tế, tài hoa của Trịnh Công Sơn, một nhà thơ của âm nhạc. Những câu tuyệt vời trong thơ Nguyễn Bắc Sơn:

Nên tâm hồn ta là cánh đồng úng thủy,
Và nỗi buồn như nước những đêm mưa
(Cười lên đi tiếng khóc bi hùng)

gợi nhớ ngay đến cái tinh tế đó trong nhạc Trịnh:

Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ,
Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa
(Tình Xa)

Trong lúc nhạc Trịnh Công Sơn nói lên nỗi sợ hãi của con người sống trong một thành phố bị đe dọa bởi đạn bom:

Đại bác đêm đêm dội về thành phố,
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe

thì Nguyễn Bắc Sơn cũng nằm nghe súng nổ ran trên chiến trường, nhưng vẫn thi vị hóa những giây phút cận kề cái chết đó:

Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát,
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù,
Chợt thấy trong lòng buồn bát ngát,
Nỗi buồn sương khói của mùa Thu (Mật khu Lê Hồng Phong)

Trong không khí chiến trường, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ là một tiếng nổ dòn tan, người nghệ sĩ vẫn cảm nhận được trong lòng mình một “nỗi buồn sương khói của mùa Thu”! Thật khó có cái đẹp nào đẹp hơn thế!

Tuy gặp nhau trong cái tài hoa của tâm hồn nghệ sĩ, hai người cùng có cái tên Sơn ấy đã không có cùng tiếng nói trong cái tâm thế của người trai thời chiến. Trong lúc Trịnh Công Sơn luôn trăn trở với đại bác ru đêm, người chết hai lần … trong Ca Khúc Da Vàng thì Nguyễn Bắc Sơn vẫn tưng tửng, vẫn cười khà giữa lúc hành quân:

Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất,
Dừng chân đây nói chuyện tiếu lâm chơi,
Hãy tựa gốc cây, hãy ngắm mây trời,
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic …

Một nhà văn miền Bắc viết về Nguyễn Bắc Sơn có kể rằng vào những ngày đoàn quân chiến thắng trùng trùng kéo về thành phố Phan Thiết, người lính bại trận Nguyễn Bắc Sơn đã ở trong số những người “lên phát biểu chào mừng cách mạng” (trích). Và anh đã nói ba câu “để bày tỏ niềm vui chân thành của mình”, đó là:

“Trước hết, từ nay, tôi sẽ được cởi bỏ bộ quân phục mà không phải mất một cắc hối lộ. Thứ hai, tôi sẽ được nói những điều tôi nghĩ, và cuối cùng, từ nay tôi sẽ được làm những điều tôi nói…” (Nguyễn Bắc Sơn, tác phẩm và dư luận – NXB Hội nhà văn – 2019, trang 204).

“tôi sẽ được nói những điều tôi nghĩ” !!! Câu nói cứ y như những ngày trước tháng 4.1975, Nguyễn Bắc Sơn đã bị bóp nghẹt tiếng nói của người nghệ sĩ!

Phải sống thật giữa những ngày tháng 3, tháng 4 dầu sôi lửa bỏng của năm 1975 mới hiểu hết tâm trạng của những người cầm súng chiến đấu của bên thua cuộc. Trong những ngày tháng ấy, lãnh thổ VNCH như một chiếc bánh rả tan từng mảnh trước trận cuồng phong, khởi đầu từ Darlac, Pleiku, xuống dần đến Quảng Trị, Thừa Thiên, Nha Trang … Khi Ninh Thuận, phòng tuyến hùng hậu cuối cùng, niềm hi vọng cuối cùng của bộ máy lãnh đạo miền Nam, với sự hiện diện của hàng chục tướng lãnh VNCH, bị chọc thủng, thì cũng là lúc sự tồn tại của một chế độ chỉ còn có thể đếm từng ngày. Bình Thuận lúc ấy chỉ còn là nơi tiếp quản một thành phố rệu rả sau cái tan tành của Ninh Thuận, những người lính bại trận đương nhiên trở thành tù binh, bảo sao không cưỡng lại việc phải thốt lên những lời mà người thắng trận muốn họ phải nói.

Những gì Nguyễn Bắc Sơn đã nói ra (nếu là sự thật) trong những ngày dầu sôi lửa bỏng ấy, trong cái khí thế hừng hực của kẻ chiến thắng và sự cam chịu nhục nhằn của người chiến bại, là chuyện chẳng đặng đừng. Xin chớ lấy làm hả hê về những câu nói đó. Đó không phải là một thái độ chính trị, mà đó là cái nhẫn nhục tạm thời của con thú hoang đang nằm trong bẫy rập trước khi tìm ra một lối thoát cho chính mình … Thực tế là sau những ngày tháng tư đầy biến động ấy, sau cuộc “đổi đời” ấy, người ta vẫn tìm thấy một Nguyễn Bắc Sơn hồn hậu, tài hoa và tưng tửng như ngày nào. Bài thơ Một Ngày Nhàn Rỗi ông làm năm 1990, 15 năm sau, là một minh chứng. Nó vẫn đậm nét tài hoa, vẫn tiềm tàng cái khí chất của một con người coi khinh những trắc trở của đời sống:

Buổi sáng mang tiền đi hớt tóc,
Vô tình ngang một quán cà phê,
Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn,
Mải mê tán dóc chẳng cho về,

Về đâu, đâu cũng là đâu đó,
Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ,
Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ,
Ba nghìn thế giới cũng chưa to….

… Ghé thăm ông bạn trồng cây thuốc,
Mời nhau một chén rượu trường sinh,
Bát cơm tân khổ mười năm ấy,
Câu chuyện năm năm thấy giật mình..

Nằm dưới gốc cây nghỉn cánh bạc,
Dường như mặt đất tiết mùi hương,
Ngủ thẳng một lèo nay mới dậy,
Dường như mình cũng mộng hoàng lương…

Theo tôi, đây là một trong những bài thơ hay nhất, “Nguyễn Bắc Sơn” nhất, trong di sản nghệ thuật của ông. Nó chứa đựng khi thì sự hài hước của kẻ bất cần đời, khi thì cái cách sống thi vị của dân lãng tử, khi thì sự ray rứt mà khi đọc qua, có những lúc ta phải kìm lòng để nước mắt khỏi trào ra:

Bát cơm tân khổ mười năm ấy,
Câu chuyện năm năm thấy giật mình…(Một ngày nhàn rỗi)

hay:

Đời mình như rượu còn ly cặn,
Hắt toẹt đời đi chẳng nhíu mày …(Tha lỗi cho ta)

Đó là những tuyệt cú!

Cứ như thế, suốt những tháng năm dài trước hay sau 1975, thơ Nguyễn Bắc Sơn luôn là cái dòng suối hiền hòa chảy tràn qua vùng ký ức đầy những sắt máu, kỳ thị, và thậm chí cả hận thù. Đọc thơ ông, người ta tìm thấy sự bình an, sự an ủi của tâm hồn mình giữa những lo toan, những ẩn ức của cuộc sống…

***
Vào những năm tháng chiến sự diễn ra ác liệt, nhiều văn nghệ sĩ miền Nam viết nên những tác phẩm mang màu sắc phản chiến, một cuộc chiến vô nghĩa trong cái nhìn của họ, thì tuy cũng lao vào cuộc chiến, Nguyễn Bắc Sơn đã đặt mình lên trên cuộc chiến, coi đó chỉ là “tai trời ách nước”, bằng một tâm thế của người “ngoại cuộc”. Xét cho cùng, đó cũng là một hình thức phản chiến, song là cái phản chiến của người “đạt đạo”, vẫn không coi kẻ đang cầm súng lăm lăm nhả đạn vào mình như một loại kẻ thù không đội trời chung. Người đọc quý cái tâm hồn Nguyễn Bắc Sơn ở chỗ đó. Và đến nay, những ai luôn vỗ tay cổ xúy cho chiến thắng huy hoàng của mình trên xác chết của hàng triệu đồng bào, đồng loại, những ai vẫn còn mang nỗi ám ảnh, ray rứt, thậm chí hận thù của người thua cuộc, hẳn sẽ phải nhìn lại mình khi đối mặt với cái đẹp, cái hài hước đậm chất nhân văn của người lính Nguyễn Bắc Sơn, sống cạnh bên cái chết mà vẫn không coi người sắp bắn vào mình là kẻ thù! Đọc thơ Nguyễn Bắc Sơn, tôi cảm thấy hàm ơn ông, người nghệ sĩ luôn gieo rắc cái lạc quan tếu táo, cái tình con người trong một xã hội mà sự kỳ thị, sự hận thù vẫn còn là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong đầu của mỗi chúng ta.

Tưởng nhớ ông, xin chỉ có mấy dòng mộc mạc như thế!

Lê Nguyễn
12.8.2019

Nguồn: Trang FB của Lê Nguyễn

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận