Tác phẩm cổ điển tiêu biểu viết về thân phận người phụ nữ trong cung đình xưa là Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (1741-1798):

Trải vách quế gió vàng hiu hắt
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng,
Oán chi những khách tiêu phòng,
Mà xui phận bạc nằm trong má đào

Hai bà phi dưới thời Nguyễn

Tuy nhiên, vào những thập niên 1740-1750, khi tại Đàng Ngoài, Ôn Như Hầu còn rất nhỏ, thì tại Đàng Trong, một người phương Tây đã có dịp đi vào phủ chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và kể lại một số chi tiết về đời sống của những cung phi trong phủ chúa. Đó là Jean Koffler, sinh quán ở Tiệp Khắc, được Võ vương sử dụng làm y sĩ riêng trong 7/14 năm ông có mặt tại Đàng Trong.

Trong hồi ký ông viết về thời gian này (được cây bút V. Barbier dịch ra tiếng Pháp với cái tên Description historique de la Cochinchine), có một số đoạn miêu tả sinh động về cấu trúc của phủ chúa, một lãnh vực không thấy chính sử hay một tác giả Việt nào đề cập đến. Theo Koffler, đi vào phủ chúa theo các cửa hông, người ta sẽ bắt gặp một bên là chuồng ngựa, chuồng nuôi những súc vật nhỏ, trong đó có gà chọi và một bên là chỗ ở của các ca nhi trong phủ chúa. Ở khu nhà dành cho các phụ nữ này, có một sân vườn tĩnh mịch trồng đủ các loại kỳ hoa dị thảo.

Đi sâu vào trong sẽ gặp tòa lâu đài thứ hai, nhỏ hơn, được bao bọc bởi một dãy hành lang có cột và mái che để người đi dạo không bị ướt lúc trời mưa. Các nhân vật trọng yếu cư ngụ trong những căn nhà đầu tiên, kế đến là nhà những vương thân trong phủ chúa. Sâu vào trong hơn nữa là chỗ ở của các cung phi của chúa. Nơi đây có phong cách của một tu viện; mỗi căn nhà được phân cách nhau bằng một bức vách, tất cả cửa ra vào đều hướng về một hành lang. Người ta bố trí bên phải mỗi căn nhà một chiếc giường lộng lẫy dành cho chúa đến nghỉ ngơi, bên trái là chiếc giường của người cung phi. Sau nhà là chỗ ở của những người hầu gái và bếp.

Khu vực trong cùng là chỗ ở của chúa Nguyễn gồm năm tòa nhà, tất cả đều làm bằng gỗ quý, được chạm trổ và đánh bóng rất công phu.

Gần vương phủ còn có ba tòa nhà lớn khác, cổ nhất là tòa ngân khố với những bức tường kiên cố, thứ đến là tòa nhà xây dựng trên một nhánh sông, nơi chúa thường đến nghỉ ngơi vào mùa Đông và cuối cùng là khuê phòng, dành làm nơi thủ tiết cho các bà phi của các chúa Nguyễn đã qua đời.

Trong sinh hoạt tại phủ chúa, khi chúa có chuyện quan trọng di chuyển trên sông, các bà phi được tham gia vào đội thuyền rồng của chúa. Họ ngồi trong những chiếc thuyền nhỏ có 14 tay chèo, cửa sổ trong khoang thuyền được gắn mắt lưới thật nhỏ để họ có thể nhìn thấy bên ngoài, song người bên ngoài nhìn vào trong thuyền không thấy họ.

Khi chúa Nguyễn nằm xuống cũng là lúc sự bất hạnh ập đến với các cung phi trong vương phủ. Kể từ đấy, họ phải giam mình giữa chốn khuê phòng và kéo dài cuộc sống của những tiết phụ. Họ phải cắt đi mái tóc dài đã dày công nâng niu, chăm sóc, mặc áo quần bằng vải thường, màu xám tro và đeo ở cổ một xâu chuỗi hạt. Có những đêm họ sống trong nước mắt, khóc cho tuổi thanh xuân đang trôi qua, và có thể cho một bóng hình nào đó mà lòng họ đang ấp ủ. Họ bị một đội lính canh giữ, nhưng không quá chặt chẽ như những ngày chúa còn sống. Mẹ, chị và những người bà con thuộc giới nữ có thể đến thăm họ, một điều rất hiếm xảy ra khi chúa còn sống.

Thế kỷ XIX và XX, dưới triều Nguyễn, chỉ có 2 trường hợp các vua tấn phong hoàng hậu. Đó là trường hợp vua Gia Long tấn phong Thừa Thiên Cao hoàng hậu vào năm 1806 và trường hợp vua Bảo Đại tấn phong Nam Phương hoàng hậu. Các nhà vua khác chỉ phong các bà vợ tới mức cao nhất là Hoàng quý phi, người có nhiệm vụ cai quản tất cả cung phi trong cung điện.
Thời ấy, các phi tần trong cung vua được xếp làm 9 bậc, gồm có:

– Bậc 1 gồm: Thuận phi, Thiện phi, Nhã phi;
– Bậc 2 gồm: Cung phi, Cần phi, Chiêu phi;
– Bậc 3 gồm: Khiêm tần, Thận tần, Nhân Tần, Thái tần;
– Bậc 4 gồm: Khoan tần, Giai tần, Tuệ tần, Giản tần;
– Bậc 5 gồm: Tĩnh tần, Cẩn tần, Tín tần, Uyển tần;
– Bậc 6 gồm: Tiệp dư;
– Bậc 7 gồm: Quý nhân;
– Bậc 8 gồm: Mỹ nhân;
– Bậc 9 gồm: Tài nhân.

Khi sinh Tuy Lý vương Miên Trinh (1820), mẹ ông, bà Lê thị, là cung tần bậc 6 (Tiệp dư), sử thường chép là Lê thị Tiệp dư khiến không ít người lầm tưởng Tiệp dư là tên thật của bà.

Trong thời gian làm vợ vua, những người được sủng ái sẽ được thăng từ hạng cung tần lên hạng phi, chẳng hạn thời Tự Đức, một cung tần họ Võ (con đại thần Võ Xuân Cẩn) được phong Cần phi, hay cung tần họ Nguyễn Đình được phong Chiêu phi (sau thăng Thiện phi).

Do có nhiều hạng bậc mà lương bổng, cách ăn mặc, nếp sinh hoạt của các bà vợ vua cũng theo đó mà thay đổi. Mỗi phi tần được phép đưa vào cung một số người (nữ) phục dịch riêng và trả lương họ bằng chính lương bổng của mình. Thường thì bà Hoàng Quý phi (tương đương Hoàng hậu) có khoảng 12 người phục dịch, người ở bậc chót cũng được khoảng ba người phục dịch. Ngoài phi tần, trong cung vua còn có một bộ phận thị nữ, thời Tự Đức khoảng 300 người, có nhiệm vụ chèo thuyền rồng của vua và canh gác trong cung. Họ được sống trong một dãy nhà bên cạnh hậu cung, mặc đồng phục gồm một quần dài, một áo dài, một khăn xếp xanh.

Ngoài thị nữ, còn có một số nữ quan giữ những nhiệm vụ liên quan đến bút mực, giấy tờ trong cung. Theo Hocquard, tác giả quyển Une campagne au Tonkin (một chiến dịch tại Bắc Kỳ), trong cung vua Tự Đức có đến 1.014 phụ nữ thuộc các thành phần trên.

Thời Nguyễn, các phi tần được tuyển vào cung theo hai cách, hoặc chọn trong số những cô gái có nhan sắc, con các quan lại hay các nhà giàu có; hoặc trong số con gái của thường dân được mua vào cung để đào tạo thành con hát rồi được nhà vua để ý và tuyển luôn. Khi đã được tuyển vào cung rồi, họ không được phép về thăm nhà, triều đình chỉ cho cha mẹ vào cung thăm viếng.

Nếu lâm bệnh nặng, người cung phi sẽ được cách ly ở một nơi riêng biệt trong cung, các lương y được mời đến chẩn đoán, bốc thuốc dưới sự giám sát của các thái giám. Trong trường hợp một cung phi (hay bất cứ thành phần nào đang phục vụ trong cung) qua đời, người ta đưa xác qua tường của hoàng thành nhờ một chiếc tời, tuyệt đối không đưa thi thể ra khỏi cung điện bằng những cửa mà nhà vua thường hay qua lại. Ngay cả nhà vua cũng không thoát khỏi quy lệ này. Khi ông mất, trong ngày an táng, người ta đưa tử cung (quan tài vua) ông ra ngoài theo một lỗ thủng đục qua tường, sau đó trám kín bức tường lại ngay.

Khi nhà vua băng (chết), các cung phi có hai số phận khác nhau: những người có thứ bậc cao được xếp ở một nơi cạnh lăng mộ nhà vua dưới sự giám sát của các thái giám. Quãng đời còn lại của họ dành vào việc chăm sóc hương khói cho người chồng chung này. Những người ở thứ bậc thấp được cho về nhà, sau thời hạn chịu tang, được phép tái giá, nhưng chỉ được lấy thường dân.

Luật lệ thời phong kiến cấm chỉ quan lại ở mọi phẩm cấp đi cưới một phụ nữ xuất thân từ hậu cung, vì cho rằng làm như thế là bất kính, phạm thượng. Ngay cả nhà vua cũng vậy, một trong những trọng tội là tư thông với cung phi tiền triều. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt như việc vua Gia Long gả một cung phi của mình là bà Đỗ Thị Phẫn cho Tả quân Lê Văn Duyệt để chăm sóc ông lúc tuổi già, dù ông Duyệt là người bất túc bẩm sinh.

Bà Đoan Huy Hoàng Thái hậu Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại

Viết về phụ nữ dưới triều Nguyễn, Michel Đức Chaigneau, người con hai dòng máu của Jean Baptiste Chaigneau và bà Hồ Thị Huề, là một trong những tác giả phương Tây có những miêu tả và nhận định thú vị.

Năm 1858, ông có đăng trên tờ báo Pháp Le moniteur de la Flotte một bài viết dài đề cập đến đời sống của người phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Nhan đề của bài viết là De l’état des femmes en Cochinchine (Bàn về hiện trạng người phụ nữ ở Việt Nam), nội dung đề cập chủ yếu đến tệ trạng đa thê và thân phận thấp hèn của người phụ nữ thời phong kiến trong đời sống xã hội.

Theo Michel Đức, đa số nàng hầu của những kẻ quyền quý, giàu có, sống như những kẻ tôi đòi. Trong nhà, ít khi có sự yên bình, luôn xảy ra sự tương tranh, sự ganh tỵ, sự cãi cọ, trong khi quyền hành của người chủ gia đình không đủ để khắc chế những biểu hiện bất ổn đó. Các bà ít khi đi thăm nhau. Mỗi khi cần đi, họ ngồi kiệu, theo sau là cả một toán con gái mặc áo dài hai màu khác nhau, tay cầm những món đồ của bà chủ nhà như dép, hộp trầu, hộp thuốc, lò nấu… Kiệu do đàn ông khiêng, riêng lọng chỉ những phụ nữ có địa vị cao mới được sử dụng.

Trong tác phẩm Souvenirs de Hue (Những hồi ức về Huế – Paris 1867), Michel Đức cũng kể rằng thời ấy, vua Gia Long tỏ ra có một óc hài hước khá thú vị khi đề cập đến những nàng hầu của mình. Tại cung đình, trong những buổi nói chuyện thân mật cùng Chaigneau hay Vannier, nhà vua thường nói vui rằng cai trị vương quốc của mình còn dễ hơn là quản lý một đội ngũ cung phi hùng hậu như thế. Theo ông, thật là một sự lầm lẫn lớn khi nghĩ rằng sau những lúc cùng quần thần bàn chuyện quốc gia đại sự, ông tìm được sự an nghỉ ở hậu cung. Trái lại, tại đây, ông chạm trán với hàng tá những điều kinh khiếp. Các nàng hầu của ông cãi nhau, cấu xé nhau, ngược đãi lẫn nhau… Họ phân bì, khóc lóc, buộc ông phải bưng tai trước sự ồn ào, náo nhiệt đó. Lần nọ, một quan lại người Pháp tâu với nhà vua: “Sẽ rất dễ dàng nếu Bệ hạ giảm thiểu sự bực bội của mình bằng cách bớt số cung phi đi…” Nhà vua chận lại ngay: “Suỵt, nói nhỏ thôi, nói nhỏ thôi…”. Rồi ông lệnh cho những viên quan hầu cận rút lui và nói tiếp với Chaigneau: “À, này ông C…, nếu các bạn đồng liêu của ông mà nghe những điều ông vừa nói ra, họ sẽ trở thành kẻ tử thù của ông đấy. Ông không biết là hầu như các bà sống ở hậu cung đều là con gái của các quan lại hay sao? Này, cách đây khá lâu, có một ông mang dâng con gái cho Trẫm, cho dù tuổi tác của Trẫm, Trẫm không thể chối từ, vì như thế, Trẫm sẽ làm cho ông ta rất giận dữ. Ở đây, đối với một ông quan, sẽ là một vinh dự, một thuận lợi khi có con gái được tuyển vào cung…”.

Cứ thế, thân phận người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến cứ xoay vần, dù là trong cung cấm hay ngoài xã hội.

Lê Nguyễn
8.3.2020

Nguồn: Trag FB của Lê Nguyễn

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận