Cựu Hoàng Thành Thái Sống Ra Sao Trong Những Năm Tháng Bị Lưu Đày?
Trong gần hết thập niên 1990, ngoài một vài tạp chí như KTNN, TGM…, tôi viết bài lịch sử dưới dạng feuilleton cho tờ tuần báo ĐKTB của nhà báo, nhà làm phim ST (đã mất). Khoảng đầu năm 1993, tôi nhận được lá thư của một người không quen gửi về tòa soạn báo, muốn gặp tôi để kể cho nghe về vua Thành Thái.
Tôi tìm đến địa chỉ ghi trong thư, ở một xóm nghèo gần sân vận động Thống Nhất, Sài Gòn, thì mới biết người muốn gặp tôi là ông Nguyễn Phúc Vĩnh Cầu, con trai út cựu hoàng Thành Thái, sinh năm 1924 tại đảo Réunion. Ông đọc báo ĐKTB thấy có nhắc đến vua Thành Thái nên muốn gặp tôi để kể cho tôi nghe về cuộc sống lưu đày của cha mình. Tôi xin ông cho ghi âm những gì ông kể, ông khoát tay, bảo để ông ghi chép lại đầy đủ cho. Và trong một lần gặp sau, ông trao cho tôi xấp giấy ông viết như đã hứa, nét chữ run run của một người đã cao tuổi.
Tôi rưng rưng cầm lấy, cảm ơn ông, người mà trước đó không lâu, đã được một vài tờ báo ở Sài Gòn phong là “ông hoàng tử sửa xe đạp”. Bận rộn với cuộc mưu sinh, tôi ít đến thăm ông, ngày nọ, tìm đến địa chỉ cũ thì ông đã dọn đi mất rồi. Bây giờ, nếu còn sống, ông cũng đã 96 tuổi. Tôi sợ rằng ông không còn, vì khi gặp nhau thì ông cũng đã gần 70 tuổi rồi. Nhớ đến ông, tôi cảm thấy như mình có lỗi.
Phần lớn những điều kể lại dưới đây là căn cứ vào những gì ông Vĩnh Cầu đã có lòng viết tặng tôi. Nhiều chi tiết được ông viết lại với cả địa chỉ, tháng, năm, chứng tỏ vào năm 1993, trí nhớ của ông còn khá tốt. Dù vậy, cũng xin phổ biến những gì ông kể với tất cả sự cẩn trọng.
KHỞI ĐẦU CUỘC SỐNG LƯU ĐÀY
Năm 1889, vua Đồng Khánh thăng hà ở tuổi 25, con là hoàng tử Bửu Đảo (vua Khải Định sau này) còn quá nhỏ nên thực dân Pháp và triều đình Huế đã đưa con vua Dục Đức là ông hoàng Bửu Lân lên ngôi với niên hiệu Thành Thái.
18 năm ngồi trên ngôi báu (1889-1907), canh cánh bên lòng nỗi nhục mất nước cũng như ý thức về sự bất lực của mình, nhiều lúc nhà vua tỏ rõ sự phẫn chí bằng những hành động quá đáng mà chính quyền thực dân Pháp và nhiều người gọi là ông bị điên. Khoảng tháng 8-1907, trong một phút không kiềm chế được, vua Thành Thái đã rút súng nhắm bắn vị quản lĩnh Tôn Nhơn phủ là An Thành công Miên Lịch (theo lời kể của một số cây bút Pháp đương thời). Phát súng như một giọt nước làm tràn ly, thực dân Pháp truất phế ông rồi đày đi an trí ở Cap Saint-Jacques (Vũng Tàu).
Con vua Thành Thái là hoàng tử Vĩnh San mới 7 tuổi được đưa lên ngôi với niên hiệu Duy Tân (1907-1916). Vào giữa thập niên 1910, nhà vua còn rất ít tuổi này đã sớm ý thức cảnh nước mất nhà tan. Đầu năm 1916, ông triệu tập quần thần, yêu cầu cử ra một phái bộ đi sang Pháp đòi xét lại các hòa ước đã ký. Đầu tháng 5-1916, ông ban mật dụ cho cuộc khởi nghĩa do Thái Phiên và Trần Cao Vân tổ chức. Việc bị lộ nửa chừng, nhà vua bị Pháp bắt giữ và hai ngày sau (5-5-1916), bị đưa vào Cap Saint-Jacques, nơi vua cha là Cựu hoàng Thành Thái đang bị an trí.
Sau khi tính toán lợi hại, ngày 10-5-1916, thực dân Pháp buộc hai cựu hoàng cùng gia quyến bước xuống tàu, nhắm hướng Réunion – một hòn đảo thuộc Pháp nằm giữa Ấn Độ Dương, gần với châu Phi. Ngày 19-6-1916, tàu cập vào hòn đảo này, khởi đầu những năm tháng lưu đày của hai cựu hoàng cùng gia quyến.
Thân nhân tháp tùng trong chuyến đi này có các bà phi Nguyễn Thị Định (mẹ Cựu hoàng Duy Tân), Hồ Thị Nhàn và Hồ Thị Mừng (mẹ ông Vĩnh Cầu); bà phi Mai Thị Vàng, vợ Cựu hoàng Duy Tân, cùng ba người con khác của Cựu hoàng Thành Thái. Thực dân Pháp cấp cho hai cựu hoàng cùng gia quyến ngôi nhà số 72 đường Saint-Marie thuộc thủ phủ Saint-Denis của đảo Réunion và hàng tháng gửi cho mỗi vị một khoản sinh hoạt phí là 4.000 quan Pháp.
Năm 1918, Cựu hoàng Thành Thái tự ý rời căn nhà trên, đến thuê căn nhà số 171 đường Grand Chemin (Saint-Denis) cho gia đình ở. Không lâu sau, Cựu hoàng Duy Tân dọn đến một nơi ở khác. Thực dân Pháp nhiều lần yêu cầu hai cựu hoàng trở về ngôi nhà cũ nhưng vô hiệu, liền dọa cắt bỏ khoản trợ cấp hàng tháng.
Năm 1919, vua Khải Định (em chú bác với Cựu hoàng Thành Thái) gửi một công điện qua Réunion, đề nghị hai cựu hoàng vui lòng nhận thường xuyên khoản tiền trợ cấp do “hoàng tộc gửi qua” (nói thế vì hai cựu hoàng không muốn nhận tiền của Pháp nữa). Việc gửi và nhận khoản tiền này kéo dài từ năm 1919 đến năm 1926 thì chấm dứt.
Sau khi vua Khải Định qua đời (1925), hoàng thái tử Vĩnh Thụy lên ngôi với niên hiệu Bảo Đại, do một bất đồng nào đó không rõ, hai cựu hoàng không nhận trợ cấp từ Việt Nam gửi sang nữa. Dù sao, sau 10 năm, cả gia đình đã có một đời sống tương đối ổn định.
Trong thời gian này, 3 bà phi của Cựu hoàng Thành Thái hạ sinh thêm 10 người con, gồm 5 trai và 5 gái, người con trai cuối cùng là ông Nguyễn Phúc Vĩnh Cầu (1924), người con gái cuối cùng là bà Lương Cầm (1926). Năm 1921, bà Nguyễn Thị Định và bà Mai Thị Vàng (mẹ và vợ Cựu Hoàng Duy Tân) được trở về Việt Nam.
It lâu sau, Cựu hoàng Duy Tân sống chung với một phụ nữ bản xứ tên là Anna, có hai con, một mất lúc còn nhỏ, một tên là Armand, đến đầu thập niên 1990 vẫn còn sống ở Pháp (chi tiết này không giống với hầu hết tài liệu viết về Cựu hoàng Duy Tân).
Năm 1927, bà Anna qua đời vì bạo bệnh, Cựu hoàng kết hôn với một phụ nữ có quốc tịch Pháp là bà Fernande Antier và chung sống cho đến ngày ông tử nạn.
TÌM KẾ MƯU SINH
Năm 1926, khi các khoản trợ cấp không còn nữa và gia đình đã có thêm 10 miệng ăn, Cựu hoàng Thành Thái tính đến việc mưu sinh trên đất khách quê người. Ông mở tiệm chụp ảnh lấy tên là Saigon photo; giao cho hai người con lớn là Vĩnh Chương và Lương Mỹ trông coi, rồi tổ chức nuôi ngựa đua; huấn luyện nài ngựa, mở võ đài…
Ngần ấy công việc không đủ đài thọ chi phí gia đình, ông tận dụng cả những sở thích từ ngày còn làm vua là ngành cơ khí để lập một xưởng sửa chữa xe và tạo ra các kiểu xe riêng. Dù sống xa quê hương, Cựu hoàng vẫn nuôi trong đầu tư tưởng bài Pháp. Ông dạy con cái học tiếng Việt, không cho học tiếng Pháp. Ông thường cưỡi ngựa đi ra phố, thăm viếng những người bản xứ quen biết.
Về phần Cựu hoàng Duy Tân, sau khi không còn ở chung với vua cha, ông cũng lên kế hoạch tự lực cánh sinh, hành nghề sửa chữa radio (máy thu thanh), máy thu phát tin, dạy đánh gươm. Qua người vợ Pháp, ông có quen với một số người châu Âu và qua lại thăm viếng nhau. Trong những bữa cơm mời khách của ông, bao giờ món ăn Huế cũng là thực đơn chính.
Đầu thập niên 1940, chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945) đã diễn ra ác liệt, nhiều người Việt Nam rời Pháp về nước; trên đường về, một số ghé lại Réunion thăm hai cựu hoàng . Lúc đầu, nhà cầm quyền địa phương tìm cách ngăn cản những cuộc thăm viếng như thế, nhưng trước sự phản kháng của Cựu hoàng Thành Thái, họ đành nhượng bộ.
Khoảng năm 1935-1936, có người khách lạ, không xưng tên tuổi, tìm gặp Cựu hoàng Thành Thái. Đến giữa buổi nói chuyện, mới biết đó là Cựu hoàng Hàm Nghi (Ưng Lịch), chú họ Cựu hoàng Thành Thái. Nơi lưu đày của ông là Algérie – thuộc địa của Pháp tại châu Phi. Ông cũng đã kết hôn với một phụ nữ Pháp và hàng năm thường bay sang Vichy (Pháp) để nghỉ mát. Trong lần gặp gỡ duy nhất này, Cựu hoàng Thành Thái có ý muốn gửi Cựu hoàng Duy Tân theo ông chú đến Alger nhưng Cựu hoàng Hàm Nghi ngần ngừ, không tỏ ý.
Từ năm 1943 trở đi, Cựu hoàng Thành Thái cố gắng tổ chức các cuộc đua ngựa và đấu võ. Khi chính quyền sở tại không cho phép thi đấu võ Tàu, ông quay sang tổ chức thi đấu võ Hồng Mao (quyền Anh).
NHỮNG NĂM THÁNG CUỐI ĐỜI
Khoảng năm 1942-1943, Cựu hoàng Duy Tân thường lênh đênh trên biển với thú đam mê câu cá. Cuộc sống lưu đày hơn 15 năm vẫn có lúc gợn lên trong lòng ông nỗi đau vong quốc. Tuy nhiên, ảnh hưởng của người vợ Pháp trong sinh hoạt và nếp nghĩ của ông không phải là không có. Năm 1944, ông tình nguyện gia nhập quân đội Pháp và ít lâu sau, được phong cấp thiếu tá không quân.
Tháng 12-1945, trong một chuyến bay từ Paris hướng về đảo Réunion, ông bị tử nạn trên vùng trời Bangui (Trung Phi). Cái chết của ông đến nay vẫn còn nhiều điều chưa được làm rõ. Nỗi bất hạnh đến quá bất ngờ, Cựu hoàng Thành Thái rơi vào tình trạng hoang mang, hụt hẫng. Từ tháng 1-1946, ông vận dụng mọi nỗ lực, liên hệ với những người đến từ Madagascar và Bangui để tìm hiểu thêm về cái chết của con trai. Ông gửi thư cho một người quen là phó tham biện Huỳnh Văn Cao ở Madagascar, nhờ cử người sang Bangui dò la.
Một tháng sau, ông nhận được một bức thư viết bằng tiếng Anh – không ghi tên cùng địa chỉ người gửi – kèm theo bức ảnh một người bị cháy xém, chỉ thấy nửa phần mặt. Tháng 3-1947, ông Huỳnh Văn Cao có đến Réunion, nhưng không rõ vì lý do gì đã không gặp Cựu hoàng Thành Thái.
Lúc bấy giờ, thực dân Pháp không an tâm trước việc Cựu hoàng nôn nóng tìm hiểu về cái chết của con trai. Họ lập kế hoạch đưa ông về nước cùng với các con gái, con trai để ở lại Réunion. Biết được tin này, ông phản đối kịch liệt, đòi cho con trai được cùng về Việt Nam.
Một hôm, chính quyền Pháp trên đảo mời Cựu hoàng xuống thăm chiếc tàu Hương Giang và dự tiệc ở đó. Giữa bữa tiệc, họ cho tàu ra khơi, neo lại một nơi cách bờ khoảng 20 hải lý (hơn 36km), nói là tàu bị hỏng. 12 giờ đêm đó, Cựu hoàng được chuyển sang một tàu khác, cùng bà phi Hồ Thị Mừng và 5 người con gái tiến thẳng về Việt Nam, cập bến Vũng Tàu. Ông sống tại đây đến tháng 5-1948 thì về Sài Gòn, thuê nhà ở đường Cây Mai. Trong năm này, 5 người con trai của Cựu hoàng, trong đó có ông Vĩnh Cầu, cũng được đưa từ Réunion về Việt Nam. Tháng 5-1949, nhận thấy gia đình ở Sài Gòn đông đúc quá, Cựu hoàng trở ra Vũng Tàu.
Cuối năm 1951, Cựu hoàng Bảo Đại, lúc ấy là Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam, có ra Vũng Tàu thăm Cựu hoàng Thành Thái, cũng là chú họ của ông. Trong cuộc gặp gỡ đó, Cựu hoàng đề nghị người cháu họ này cho mình được tự do đi lại Sài Gòn – Vũng Tàu để thăm viếng gia đình.
Cuối năm 1953, Cựu hoàng Thành Thái ốm nặng, được đưa về điều trị tại Bệnh viện Grall (còn gọi là Bệnh viện Đồn Đất, nay là Bệnh viện Nhi Đồng 2). Tháng 6-1954, ông mất tại nhà riêng, số 72 đường Nguyễn Du, Sài Gòn, thọ 75 tuổi. Có lẽ sợ rằng lễ an táng tổ chức vào ban ngày có nhiều người tham dự sẽ gây ra những xáo trộn về an ninh trật tự, lúc 4 giờ sáng ngày 14-6-1954, chính quyền Pháp cho chuyển thi hài ông ra Huế, an táng tại khu vực lăng vua Dục Đức.
Riêng hài cốt Cựu hoàng Duy Tân, vào năm 1987, được một người con trai là Yves Claude Vĩnh San (Nguyễn Phước Bảo Vàng) đưa về Huế an táng.
Lê Nguyễn
27.5.2014 – 27.5.2020
Nguồn: Trang FB của LN
Bài Cùng Tác Giả:
- Những Năm Tháng Lưu Đày Và Cái Chết Của Cựu Hoàng Duy Tân
- Toàn Quyền Đông Dương Paul Doumer Và “Chứng Điên” Của Vua Thành Thái
- Sứ Mạng Bất Thành Của Sứ Bộ Miến Điện Tại Việt Nam Dưới Triều Vua Minh Mạng
- Một Vài Khía Cạnh Đáng Lưu Ý Trong Tổ Chức Tư Pháp Và Thanh Tra Thời Việt Nam Cộng Hòa
- Thân Phận Người Phụ Nữ Trong Cung Đình Xưa
- Những Bước Đi Đầu Đời Của Ngành Điện Báo Việt Nam
- Ngày Tết cung đình theo chiều dài lịch sử Việt
- Về câu chuyện Trung Quốc “xâm lược” Việt Nam vào thế kỷ XIX
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [2]
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [1]
- Chuyện học hành ngày xưa
- Những Chuyến Xe Thổ Mộ Trong Tuổi Thơ Của Tôi
- Những Ngộ Nhận Về Năm Mất Của Vua Dục Đức Và Cái Chết Đầy Nghi Vấn Của Vua Kiến Phúc
- Tuy Lý Vương Miên Trinh Và Những Biến Động Ở Cung Đình Huế Thập Niên 1880
- Tùng Thiện Vương Miên Thẩm Và Biến Động “Giặc Chày Vôi”
- Chuyện “Đào Mả Không Bài” Dưới Triều Duy Tân
- Nhớ Văn Cao (1923 – 10.7.1995)
- Câu Chuyện “Bỏ Vua Không Khả” Dưới Triều Vua Thành Thái
- Nghĩ Từ Một Sự Ra Đi
- Tình Yêu Và Người Quả Phụ Trong Chiến Tranh
- Nghĩ Về Những Bà mẹ Trong Cuộc Chiến
- Chút Hồi Ức Về Những Ngày Bệnh Xá Năm 1975
- Cuộc Phiêu Lưu Của Marie Đệ Nhất Quốc Vương Xứ Sedang – Lời Nói Đầu
- Nhân Vật Nguyễn Hữu Chỉnh Thời Tây Sơn
- Thi Võ Ngày Xưa
- Kỷ Niệm Về Một Kịch Thơ Đêm Cuối Năm Xa Nhà
- Hình Luật Việt Nam Qua Các Chặng Đường Lịch Sử – Phần 2
- Hình Luật Việt Nam Qua Các Chặng Đường Lịch Sử – Phần 1
- Chút Hồi Ức Của Một Người Tù Cải Tạo
- Những Người Việt Nam Đầu Tiên Được Chụp Ảnh Chân Dung Là Ai ?
0 Bình luận