Kỷ Niệm Về Một Kịch Thơ Đêm Cuối Năm Xa Nhà
Đã 43 năm rồi, mà hình ảnh kỷ niệm vẫn còn hiển hiện trong đầu mỗi khi Tết đến. Tết năm Bính Thìn đó (1976), chúng tôi chỉ mới xa nhà hơn 6 tháng, sau cái ngày 15.6.1975, xách ba lô đi trình diện theo thông cáo của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn-Định: “mang theo tiền bạc và vật dụng đủ xài trong một tháng”. Giấc mơ một tháng tan biến dần theo thời gian, lụi hụi cái Tết xa nhà đầu tiên đã lù lù đến. Nó nặng nề, khắc khoải hơn cả 6-7 cái tết về sau, khi đã dày dạn kiếp tù.
Thời đó, người ta còn dành cà năm trời để thanh lọc từng trường hợp nên trong năm đầu tiên, chúng tôi còn được gọi là “học viên”, nơi giam giữ còn có tên “Trường 15 NV” ở Long Thành (NV: Nội vụ, tức trường trực thuộc Bộ Nội vụ), chứ chưa là trại.
Có thể nói trường HTCT Long Thành là nơi chứa chấp hầu hết “tinh hoa” của chế độ VNCH, gồm dân biểu, nghị sĩ, thẩm phán và công chức hành chánh từ Phó Ty, Phó Quận đến Phó Tổng thống (theo tinh thần thông cáo của UBQQ). Nhà tôi ở là nhà số 2 (hay A14) trong số hơn 10 dãy nhà, mỗi dãy chứa gần 300 người. Các viên chức có tên tuổi rải đều các nhà. Riêng nhà 2 của tôi có những nhân vật cộm cán sau:
– KTS Ngô Viết Thụ, giải Khôi nguyên La Mã, thiết kế và thực hiện công trình tái thiết Dinh Độc lập
– Ông Trần Minh Tiết, nguyên Ủy viên Nội vụ (Bộ trưởng) nội các Nguyễn Cao Kỳ (1965), nguyên Chủ tịch Tối cao Pháp viện.
– Ông Lưu Văn Tính, chuyên gia kinh tế-tài chánh, từng làm Tổng Giám đốc Ngân sách và Ngoại viện một thời gian dài, rồi Bộ trưởng Tài chánh, cuối cùng là Cố vấn Tài chánh tại phủ Tổng thống
– Ông Nguyễn Xuân Phong, Trưởng phái đoàn hòa đàm Paris (1968-1972) của VNCH, Quốc vụ khanh đặc trách Ngoại giao của nội các VNCH cuối cùng.
– Anh Nguyễn Đình Xướng, nguyên sinh viên QGHC, Tỉnh trưởng Vĩnh Bình thời chính phủ Ngô Đình Diệm, Tổng Thư Ký Bộ Nội vụ, chức vụ cuối cùng là Tổng Quản trị hành chánh Phủ Tổng thống.
– Chung đội với tôi là một tổ Ngoại giao mà người đứng đầu là cụ Phạm Trọng Nhân, từng làm Đại lý Đại sứ, rồi Đại sứ, chức vụ cuối cùng là Giám đốc Nha Nghi Lễ Bộ Ngoại giao. Trước 1975, cụ Nhân là một cây bút mà tôi khá ngưỡng mộ trên tạp chí Bách Khoa. Cụ có nhiều bài viết trên tạp chí này, khi thì với tên thật, khi thì với bút danh Phạm Lương Giang. Lúc ấy, tuổi của chúng tôi chỉ ở khoảng trên dưới 30 thì cụ đã gần sáu chục. Người thứ hai trong tổ Ngoại giao là anh Trương Hữu Lương, Giám đốc Nha Phi Châu sự vụ. Người thứ ba là anh Nguyễn Ngọc Diễm, từng là giáo sư trung học, chức vụ cuối cùng là Giám đốc Nha Âu châu sự vụ. Khi gặp anh lúc đó (1975), trí nhớ thiên phú mách với tôi rằng, trước đó 16 năm (1959), tôi đã thi oral (vấn đáp) kỳ thi THĐIC tại trung tâm Hồ Ngọc Cẩn, Gia Định, và anh Diễm chính là ông thầy đã sát hạch tôi môn văn. Tôi còn nhớ cả những câu hỏi mà anh đã đặt ra cho tôi. Tôi nhắc lại với anh chút kỷ niệm mong manh của kỳ thi vấn đáp ấy, hai thầy trò cùng cười, và từ đó không còn là thầy trò nữa, mà đã là hai … bạn tù. Người cuối cùng trong tổ Ngoại giao cũng khá đặc biệt, đó là anh Nguyễn Cao Quyền, nguyên Đại tá Nha Quân pháp, từng làm Ủy viên Chính phủ, Chánh thẩm Tòa án Quân sự Đặc biệt, từng xử tử hình trùm lúa gạo Tạ Vinh, chức vụ cuối cùng là Cố vấn Ngoại giao. Anh Quyền có người em là họa sĩ Ngy Cao Uyên, trước 1975 là một nghệ sĩ tài hoa. Về phần anh Quyền, tuy là con nhà luật, nhưng cũng tài hoa không kém người em trai, anh viết chữ Hán thật đẹp.
Xin kể thêm là số phụ nữ nằm trong tiêu chuẩn trình diện HTCT tại trại Long Thành khi đó có khoảng hơn 200 người. Họ được dành cho một dãy nhà riêng, nhưng khi sinh hoạt thì từng nhóm khoảng 20 chị sinh hoạt chung với các nhà nam. Nhà 2 của tôi có khoảng 20 chị cùng tham dự sinh hoạt, trong đó có ít nhất hai chị rất nổi tiếng, một là bà Nguyễn Thị Hoa tự Phấn, dân biều Quốc Hội, chánh thất của tướng Hòa Hảo Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt. Nghe đâu khi Ba Cụt còn sống, bà cầm quân đánh trận lừng lẫy nên các phương tiện truyền thông thời đó phong tặng bà danh hiệu “nữ tướng Phàn Lê Huê”; người thứ hai là chị Cao Thị Liễu, một nữ trí thức rất giỏi, là Bí thư của riêng bà Nguyễn Văn Thiệu, phu nhân Tổng thống VNCH. Chị Liễu là con gái một nhân sĩ trí thức đương thời là bác sĩ Cao Văn Trí.
***
Ở trên, tôi nhắc nhiều đến tổ Ngoại giao vì có ít nhất hai người có liên quan mật thiết đến kỷ niệm mà tôi sẽ kể dưới đây.
Những ngày cuối năm ấy, ai cũng buồn và nhớ nhà lắm. Rồi không biết cụ Phạm Trọng Nhân moi đâu từ trong trí nhớ một vở kịch thơ với nhan đề tạm đặt tên là “Chiến sĩ triều Trần” , diễn tả cảnh người anh hùng Trần Bình Trọng bị giặc Nguyên Mông bắt giữ và bị cô công chúa Mông Cổ dùng ba tấc lưỡi dụ hàng. Cụ Nhân lúc đó được anh em gọi vui là “ông bầu gánh”, tìm những người thích hợp, mời vào từng vai một. Vai người anh hùng Trần Bình Trọng được giao cho Dorohiem, khóa 12 QGHC, một trong hai bạn đồng môn người Chàm mà tôi đã có bài tưởng nhớ. Vai công chúa Mông cổ thuộc loại cần có người dễ thuộc thơ vì phải ngâm hay đọc thơ gần suốt vở kịch, và kẻ hèn này bị buộc phải chuyển đổi giới tính. Anh Nguyễn Đình Xướng, khóa 1 QGHC (đã giới thiệu ở trên) là người to cao, nước da sậm, thích hợp với vai tướng Mông Cổ. Tướng thì phải có quân hầu, anh Nguyễn Duy Thanh, khóa 7 QGHC, Giám đốc một Nha tại Thượng viện, vui lòng đảm nhận vai này, chỉ đi qua, đi lại, không nói năng gì cả. Bạn Nguyễn Thế Viên, khóa 17 QGHC, trẻ và trắng trẻo, thích hợp với vai tì nữ của cô công chúa Mông Cổ. Bạn Cao Đình Phúc, chuyên viên Tổng Cục thực phẩm thủ vai tùy tướng.
Người bận rộn nhất không phải là các diễn viên mà là Đại tá Nguyễn Cao Quyền. Anh bao thầu việc trang trí trong vở kịch, hóa trang và trang điểm cho các diễn viên, nhất là các vai công chúa và tì nữ. Để tô má hồng và môi son, anh lấy gạch non cà nhuyễn, pha với nước, về sau trại Long Thành có mua giấy hồng đơn để viết câu đối Tết, anh xin được một ít, lấy loại giấy này cho thấm nước rồi áp lên hai má là có thể tạo ra một cặp má hồng xinh xắn. Để trang bị cho vị tướng quốc Mông Cổ (Nguyễn Đình Xướng) chiếc nón chóp giống như nón của các quan Tàu, anh lấy chiếc nắp xô nhựa rồi dùng giấy cứng cuốn tròn dán lên làm chóp nhọn, viên tướng này đội lên đầu trông cũng ra dáng lắm. Người anh hùng Trần Bình Trọng (Dorohiem) mặc chiếc áo chẽn màu đen, anh Nguyễn Cao Quyền dùng giấy bạc trong bao thuốc lá, cắt ra, trang trí lên quần áo của chàng.
Đêm trình diễn sơ khởi cho nội bộ nhà 2 xem vào tối 29 tết, anh Nguyễn Đình Xướng vẫn chưa thỏa mãn lắm với trang phục đang mặc, sắp đến giờ diễn, nhìn thấy chiếc mền (chăn) người bạn vứt trên chỗ nằm, anh chụp lấy và khoác vội lên người cho thêm phần … bặm trợn. Nhìn anh lúc đó, quả là ra vẻ tướng Tàu thật!
Vai công chúa Mông Cổ (LN) mang lại nỗi khổ tâm không ai có. Ngoài việc phải diễn ngâm suốt vở kịch, trang phục của công chúa cũng phải có phần nữ tính, và tôi đã phải lẻo đẻo theo anh Nhà trưởng Đỗ Hữu Cảnh (chuyên viên dầu khí) đi xuống nhà của các chị, mượn một bộ quần áo phù hợp. Người cho tôi mượn trang phục là chị Q., Chánh sở thuộc Bộ Xã Hội. Chị nằm ngoài tiêu chuẩn phải tập trung cải tạo, nhưng buổi chiều ngày 15.6.1975 năm đó, tại sân trường Trưng vương, tôi tận mắt chứng kiến cảnh chị nóng ruột, đi ra đi vào chỗ trình diện, cố nài nỉ được … vào tù. Cuối cùng chị cũng được chấp nhận.
Người phải thuộc nhiều thơ sau tôi là Trần Bình Trọng. Dorohiem không có duyên lắm với thơ, thường bị vấp trong các buổi tập. Anh đã chứng tỏ một tinh thần phấn đấu cao độ: tối tối, trong lúc anh em nghỉ ngơi, anh ra khoảng vườn rộng tối tăm ở bên ngoài để vừa nhẩm thơ, vừa tập điệu bộ khi diễn.
Trương Quốc Khánh, khoảng hai mươi mấy tuổi, là một tay trống có hạng ngoài đời. Vào trại mới hai tháng, anh bị một trận xuất huyết dạ dày (ulcère d’estomac) thừa chết thiếu sống, phải đi nằm bệnh viện Biên Hòa hơn tháng trời. Nhà trang trí Nguyễn Cao Quyền đã tìm cho Khánh một chiếc “trống” độc đáo, đó là cái xô nước bằng nhựa lật úp xuống, giơ đáy lên trên, Khánh dùng đôi đũa cứng, gõ tốt ra trò …Lúc tập tuồng, anh vẫn chưa hết căn bệnh dạ dày, vừa gõ “trống”, vừa lấy tay xoa xoa cái bụng.
Đêm 28 Tết năm ấy, anh em diễn vở kịch thơ cho nội bộ anh chị em nhà 2 xem trước. Họ từng chứng kiến tụi tôi tập tuồng, nhưng khi đã ráp thành một vở kịch hoàn chỉnh, trong “trang phục” do anh Nguyễn Cao Quyền tạo ra, họ cũng hết sức bất ngờ và hào hứng.
Buổi trình diễn chính thức diễn ra đêm mùng hai tết Bính Thìn 1976 tại hội trường lớn của trại Long Thành. Khán giả khoảng 3.000 người, trong đó có cả cụ Vũ Hồng Khanh, nhà cách mạng lão thành, nguyên Đảng trưởng VNQDĐ, cụ Luật sư Nguyễn Lâm Sanh, người đồng nghiệp thân thiết với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trước khi ông Thọ chạy ra khu, cụ Nguyễn Bá Lương, nguyên Chủ tịch Hạ Viện, ông Trần Minh Tiết, nguyên Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện…
Không ngoài dự đoán của mọi người, trong gần 10 tiết mục trình diễn đêm đó, vở kịch thơ Chiến Sĩ Triều Trần được chấm giải nhất, phần thưởng gồm mấy loạt tiếng vỗ tay, không hiện kim, hiện vật.
Xong rồi đêm văn nghệ, anh em trở về nhà khi đã 1g sáng. Trong cái Tết xa nhà đầu tiên đó, nhiều người chỉ nằm mà không ngủ, quá khứ, hiện tại, tương lai nháo nhào trong những cái đầu u uất. “Cô” công chúa Mông Cổ cũng thế, cô xin một mẩu nến thừa của người bên cạnh, thắp lên và nằm hí hoáy viết một bài thơ dài 12 đoạn, đơn sơ, mộc mạc, chỉ như một sự nhắc nhở chút kỷ niệm cho riêng mình…
Đến cái tết năm nay (2019), đã 43 năm trôi qua, bao nhiêu vật đổi sao dời! Ông bầu gánh Phạm Trọng Nhân không còn nữa, tướng Mông Cổ Nguyễn Đình Xướng cũng không còn; tướng Trần Bình Trọng Dorohiem cũng vừa vĩnh biệt mọi người cách nay chưa đầy một tháng, tì nữ Nguyễn Thế Viên đang sống ở Mỹ, những người khác không biết lưu lạc hà phang, ai còn, ai mất? Với những ai còn, chắc hẳn không quên được kỷ niệm về vở kịch thơ vào một trong những cái tết đáng nhớ nhất của một đời người.
Lê Nguyễn – 2.2.2019
***
KỶ NIỆM VỀ MỘT VỞ KỊCH THƠ
Bọn mình mấy gã cùng làm kịch,
Cho bớt nhớ nhà đêm cuối năm,
Mỗi đứa lần đầu ra góp mặt,
Lòng riêng nơm nớp mối lo thầm
Có ông bầu gánh tuổi tuy cao,
Nhưng máu thanh niên vẫn dạt dào,
Chỉ sợ người đời chê lắm tuổi,
Mới gần sáu chục, đã già đâu.
Có chàng tướng quốc triều Mông Cổ,
Vai rộng lưng dài nón chóp xanh,
Phút chót muốn làm tăng vẻ hách,
Quơ chăn người khác phủ lên mình.
Có nàng công chúa vừa .. tư tám (4×8)
Cũng đã xa rồi cái tuổi hoa,
Mượn giấy hồng đơn tô má thắm,
Mi dài thêm đậm nét kiêu sa.
Có anh tùy tướng mặt đầy râu,
Chòm tóc xanh xanh mọc giữa đầu,
Áo chẽn bó vừa thân cá hố,
Quần dài, ống chật bước chân mau.
Anh chàng thủ diễn vai Bình Trọng,
Ra tận vườn rau để tập tuồng,
Viền áo làm bằng bao thuốc lá,
Nụ cười che giấu vẻ bi thương.
Và không kể xiết bao người nữa,
Đã góp phần trong vở kịch thơ,
Nào chú lính hầu cao thước bảy,
Nào cô tỳ nữ đẹp như mơ.
Nào anh đánh trống bằng xô nước,
Chốc chốc thầm xoa cái dạ dày,
Anh họa sĩ chuyên nghề vẽ mặt,
Miệt mài nào kể chuyện riêng tây
Buổi diễn mỗi người run tựa rét,
Nghe hằn trên trán nỗi ưu tư,
Trái tim nhảy loạn trong lồng ngực,
Chưa diễn mà nghe đã mệt nhừ
Nhưng những niềm vui thật bất ngờ,
Có gì sánh được tiếng hoan hô,
Trong từng tay vỗ, từng đôi mắt,
Trên những vành môi thoáng đợi chờ
Tan rồi đêm kịch, mình không ngủ,
Lắng tiếng mùa Xuân nhẹ bước về,
Thắp nến hồng lên cho đủ ấm,
Nghe hồn trổi dậy chút tình quê.
Mai này mình sẽ về trăm ngả,
Vút cánh bằng bay khắp mọi miền,
Chắc hẳn lòng mình luôn nhớ mãi,
Ảnh hình vở kịch buổi tàn niên …
LN – Long Thành 1.2.1976
Bài Cùng Tác Giả:
- Tưởng niệm Nhà thơ Cung Trầm Tưởng
- Những Năm Tháng Lưu Đày Và Cái Chết Của Cựu Hoàng Duy Tân
- Toàn Quyền Đông Dương Paul Doumer Và “Chứng Điên” Của Vua Thành Thái
- Cựu Hoàng Thành Thái Sống Ra Sao Trong Những Năm Tháng Bị Lưu Đày?
- Sứ Mạng Bất Thành Của Sứ Bộ Miến Điện Tại Việt Nam Dưới Triều Vua Minh Mạng
- Chút Ký Ức Về Một Quãng Đời Sau Ngày 30.4.1975 [3]
- Chút Ký Ức Về Một Quãng Đời Sau Ngày 30.4.1975 [2]
- Câu Chuyện Tháng 4: Nghĩ Về Một Sự Phân Ly
- Chút Ký Ức Về Một Quãng Đời Sau Ngày 30.4.1975 [1]
- Một Vài Khía Cạnh Đáng Lưu Ý Trong Tổ Chức Tư Pháp Và Thanh Tra Thời Việt Nam Cộng Hòa
- Những Bước Đi Đầu Đời Của Ngành Điện Báo Việt Nam
- Những thú vui vang bóng một thời
- Về câu chuyện Trung Quốc “xâm lược” Việt Nam vào thế kỷ XIX
- Chút gợi nhớ của một người chứng, sau sự ra đi của một nhà tu hành
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [4]
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [2]
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [1]
- Chuyện nước sạch ở Sài Gòn xưa
- Mấy Cảm Nghĩ Vụn Vặt Về Thơ Nguyễn Bắc Sơn
- Những Chuyến Xe Thổ Mộ Trong Tuổi Thơ Của Tôi
- Những Ngộ Nhận Về Năm Mất Của Vua Dục Đức Và Cái Chết Đầy Nghi Vấn Của Vua Kiến Phúc
- Tùng Thiện Vương Miên Thẩm Và Biến Động “Giặc Chày Vôi”
- Câu Chuyện “Bỏ Vua Không Khả” Dưới Triều Vua Thành Thái
- Nghĩ Về Những Bà mẹ Trong Cuộc Chiến
- Chút Hồi Ức Về Những Ngày Bệnh Xá Năm 1975
- Các Em Ngày Ấy … Bây Giờ
- Cuộc Nổi Dậy Của Nhà Tây Sơn – Lời Giới Thiệu
- Hình Luật Việt Nam Qua Các Chặng Đường Lịch Sử – Phần 2
- Lại Nghĩ Về Lộc Hưng
- Chút Hồi Ức Của Một Người Tù Cải Tạo
0 Bình luận