Chuyện nước sạch ở Sài Gòn xưa
Từ những năm đầu thập niên 1860, nước sinh hoạt là một trong những vấn đề gai góc nhất của chính quyền thực dân Pháp. Nạn nhân của tình trạng thiếu nước và nước không sạch nhiều hơn cả nạn nhân của khí hậu thay đổi.
Trong phiên họp ngày 20.11.1868, Hội đồng thành phố Sài Gòn đồng thanh xác định nhu cầu đào giếng mới và xây dựng bể chứa để cung cấp nước uống được cho người dân Sài Gòn. Ngày 14.12.1869, Hội đồng quyết định dành một ngân khoản 10 ngàn franc cho công tác nghiên cứu về nước uống cho cả thành phố.
Ngày 10.3.1870, Giám đốc Sở Y tế Nam Kỳ d’Ormay gửi đến Hội đồng một báo cáo chi tiết về kết quả khảo sát với những kết luận sau:
– Nước giếng đào trên đồi cao và trong Đồng Mả mồ (Plaine des Tombeaux, còn gọi là Đồng Tập Trận) rất xấu, không đủ sạch để chế biến thực phẩm, giếng mau cạn.
– Nước giếng trong khu vực ao đầm từ Sài Gòn đến Chợ Lớn nhiều hơn và tốt hơn, song cũng khó tách các chất hữu cơ đã hòa tan trong nước.
Tóm lại, theo d’Ormay, cả hai loại nước đều khó sử dụng và giải pháp tốt nhất là sử dụng chủ yếu nước mưa hứng và tồn trữ trong các bể chứa.
Tuy nhiên, chủ trương sử dụng nước mưa của viên Giám đốc Sở Y tế sớm bị phản bác. Theo nhiều nhà khoa học, nguồn nước này dễ bị nhiễm độc và là một trong những nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh tại địa phương.
Năm 1871, trong hai phiên họp quan trọng ngày 24.10 và 6.12.1871, Hội đồng thành phố Sài Gòn bàn đến việc xây dựng một tháp nước (château d’eau) cạnh ngôi chợ Cũ ngày nay, với kinh phí 50.788 franc, sử dụng nước lấy từ kênh Charner (còn gọi là kênh Lấp).
Sự hình thành tháp nước cho Sài Gòn đòi hỏi phải giải quyết một số trở ngại, trước hết là vấn đề nước. Nước trên dòng kênh Charner ở sát ngôi chợ nên được sử dụng thường xuyên cho việc rửa sạch chợ, do đó không đạt yêu cầu về mặt vệ sinh, chính quyền Pháp dự trù việc đào các giếng để cấp nước cho tháp nước.
Phải đến năm 1876 mới ra đời dự án cấp nước đầu tiên cho cư dân thành phố Sài Gòn, với nước từ các giếng đào riêng cho công tác này. Việc cung cấp nước ban đầu được thực hiện bởi một giếng thủy tĩnh có đường kính lọt lòng 2,80 mét và sâu 20 mét, cùng các bể lọc. Giếng lấy nước từ vỉa nước ngầm trải dài dưới lòng đất. Bể lọc tạo thành một phòng chứa khổng lồ bên dưới mặt đất có kích thước dài 120 mét, rộng 12 mét, cao 9,50 mét, vách được xây dựng bằng các cột chống đỡ một mái vòm, những tấm lọc bằng đá khô.
Hai bể chứa nước đã lọc được xây dựng trên một nền đất cao (thay vì 4 bể chứa theo hình chữ thập như thiết kế). Thành bể chứa được xây bằng đá granit (đá hoa cương) rất dày, bề dày phần dưới đáy lên đến 1,50 mét.
Nước được đưa từ bể lọc lên các bể chứa bằng hai cái bơm nhiều tầng, một máy bơm thứ ba vận hành bằng hơi nước, đưa nước từ hai bể chứa lên bồn chứa làm bằng tôle ở độ cao 20 mét, có dung tích chứa 100 m3, được chống đỡ bằng 8 cột đúc, và có cầu thang cuốn dẫn lên đến nơi. Tháp nước được xây dựng từ năm 1879 và khánh thành vào năm 1881 tại địa điểm nay là Hồ Con Rùa. Trong dịp khánh thành tháp nước, xã trưởng Sài Gòn đề nghị Hội đồng thành phố gắn một tấm biển bằng đá hoa màu đen trên có khắc hàng chữ: “Việc (xây dựng hệ thống) phân phối nước tại Sài Gòn khởi sự vào tháng 11.1879 và kết thúc vào tháng 7.1881”.
Từ ấy, nước cung cấp cho cư dân Sài Gòn qua vài mươi trụ nước nằm rải rác khắp nơi mà người địa phương gọi là “phông – tên nước” (fontaine).
Đến thập niên 1910, sự gia tăng dân số của Sài Gòn cho thấy sự bất cân bằng giữa cung và cầu về nước sạch ở Sài Gòn. Dung tích của tháp nước xây dựng từ cách đó hơn 30 năm không còn đáp ứng đủ nhu cầu của công chúng, cho dù vào năm 1910, người ta đã sử dụng được bơm nước chạy bằng điện.
Năm 1918, chính quyền Pháp thiết lập một hệ thống cung cấp nước sạch mới bao gồm các nhà máy nước ở Sài Gòn và Chợ Lớn, kết nối với các giếng nước ở Phú Thọ, Gò Vấp và Tân Sơn Nhất. Năm 1921, khi hệ thống cung cấp nước đã khá hoàn chỉnh, họ phá bỏ tháp nước.
Từ đó, trong sinh hoạt hàng ngày, người dân Sài Gòn kéo nhau ra các phông-tên nước nằm trên những con đường lớn để xếp hàng hứng nước vào những đôi thùng có dung tích khoảng 20 lít. Nhà nào có khả năng tài chánh, thuê người giúp việc, thì việc gánh đôi thùng nước ra xếp hàng ở phông-tên được dành ưu tiên cho các “con sen” (người giúp việc nữ). Trong lúc chờ đợi đến phiên hứng nước, các cô gái này thường gác chiếc đòn gánh lên hai cái thùng để cách khoảng nhau và ngồi lên, ư ử ca những bài ca dễ thuộc. Họ được các nhà báo viết phóng sự thời đó gọi bằng một cái tên vui là “Mari phông-tên”!
Ngoài ra, nhà nào neo người nhưng không có con sen thì có thể thuê người lấy nước hộ. Từ đấy đất Sài Gòn phát sinh thêm một nghề mới là “nghề gánh nước mướn”, tập trung những người nghèo, có sức khỏe, nhưng ít học nên không có một nghề mưu sinh nào ổn định. Nghề này tồn tại ở Sài Gòn đến thập niên 1950 và mai một dần vào các thập niên 1960-1970, khi hệ thống nước máy được phân phối ngày một rộng rãi hơn.
Lê Nguyễn
6.10.2019
Nguồn: Trang FB của Lê Nguyễn
Bài Cùng Tác Giả:
- Những Năm Tháng Lưu Đày Và Cái Chết Của Cựu Hoàng Duy Tân
- Cựu Hoàng Thành Thái Sống Ra Sao Trong Những Năm Tháng Bị Lưu Đày?
- Sứ Mạng Bất Thành Của Sứ Bộ Miến Điện Tại Việt Nam Dưới Triều Vua Minh Mạng
- Chút Ký Ức Về Một Quãng Đời Sau Ngày 30.4.1975 [3]
- Câu Chuyện Tháng 4: Nghĩ Về Một Sự Phân Ly
- Một Vài Khía Cạnh Đáng Lưu Ý Trong Tổ Chức Tư Pháp Và Thanh Tra Thời Việt Nam Cộng Hòa
- Thân Phận Người Phụ Nữ Trong Cung Đình Xưa
- Những Bước Đi Đầu Đời Của Ngành Điện Báo Việt Nam
- Ngày Tết cung đình theo chiều dài lịch sử Việt
- Những thú vui vang bóng một thời
- Về câu chuyện Trung Quốc “xâm lược” Việt Nam vào thế kỷ XIX
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [4]
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [3]
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [2]
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [1]
- Chuyện học hành ngày xưa
- Chuyện thắp sáng Sài Gòn xưa
- Những Chuyến Xe Thổ Mộ Trong Tuổi Thơ Của Tôi
- Mối Quan Hệ Của Cộng Đồng Người Hoa Với Phong Trào Tây Sơn Trong Cuộc Nội Chiến 1771-1802
- Tuy Lý Vương Miên Trinh Và Những Biến Động Ở Cung Đình Huế Thập Niên 1880
- Tùng Thiện Vương Miên Thẩm Và Biến Động “Giặc Chày Vôi”
- Chuyện “Đào Mả Không Bài” Dưới Triều Duy Tân
- Câu Chuyện “Bỏ Vua Không Khả” Dưới Triều Vua Thành Thái
- Cuộc Phiêu Lưu Của Marie Đệ Nhất Quốc Vương Xứ Sedang – Lời Nói Đầu
- Cuộc Nổi Dậy Của Nhà Tây Sơn – Lời Giới Thiệu
- Liêm Sĩ Của Người Xưa Qua Cái Chết Kỳ Lạ Của Lý Trần Quán
- Nhân Vật Nguyễn Hữu Chỉnh Thời Tây Sơn
- Thi Võ Ngày Xưa
- Hình Luật Việt Nam Qua Các Chặng Đường Lịch Sử – Phần 2
- Hình Luật Việt Nam Qua Các Chặng Đường Lịch Sử – Phần 1
0 Bình luận