Trong lịch sử các nước Đông Dương, mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước Miến Điện (hay Diến Điện, nay là Myanmar), Xiêm (nay là Thái Lan), Chân Lạp (nay là Campuchia) và Lào luôn có những tác động nhân quả lên nhiều nước. Trong phần lớn các trường hợp xung đột giữa những nước này, Việt Nam thường giữ vai trò hòa giải hay “cứu khổn phò nguy”, giúp nước yếu thoát được sự uy hiếp của nước láng giềng mạnh hơn. Dù ở tương đối xa nhau, mối quan hệ Việt-Miến không vì thế mà không có những điều đáng nói.

Theo sách Hoàng Việt Long Hưng Chí của Ngô Giáp Đậu, năm 1784, trong khi chúa Nguyễn Ánh đang nương náu ở Xiêm, Giám quân Tống Phước Đạm cùng một số thuộc hạ từ Đại Việt vượt bể sang Xiêm để bắt liên lạc với chúa. Song, “không may gặp gió bão, thuyền của bọn phước Đạm dạt vào bờ biển Miến Điện. Người Miến vốn có hận thù lâu đời với người Xiêm, ngờ bọn Đạm là gián điệp của Xiêm. Bọn Phước Đạm bị bắt giam hơn một tháng, sau nhân gặp một người nước Thanh (Trung Quốc) cư ngụ ở Miến Điện, Phước Đạm dùng cách bút đàm nhờ người ấy nói giúp, nhờ thế được tha. (sđd – NXB Văn Học – 1993, trang 133)

Tháng 2 âm lịch (AL) năm 1786, trong lúc chúa Nguyễn Ánh cùng tướng sĩ còn nương náu ở thành Vọng Các (Bangkok, nước Xiêm) thì được tin quân Miến Điện chia thành ba ngả tiến công vùng đất Sài Nặc của Xiêm. Vua Xiêm thân chinh cầm quân đánh giặc, trước khi đi đã tham khảo ý kiến chúa Nguyễn. Ông trả lời “Diến Điện cất quân từ xa lại, chở lương đi hàng nghìn dặm, kể đã mệt rồi. Tôi xin giúp sức, đánh chóng hẳn được” (HVLHC). Thế rồi Nguyễn Ánh tự mang quân trợ chiến, cử Lê Văn Quân và Nguyễn Văn Thành đi trước, dùng ống phun lửa tấn công quân Miến Điện, gây cho đối phương nhiều thương vong, bắt được 500 tù binh.

Chiến công của chúa Nguyễn và tướng sĩ tòng vong khiến vua Xiêm vô cùng cảm kích, mang vàng lụa ra tạ ơn và ngỏ ý muốn giúp quân cho chúa Nguyễn trở về lấy lại đất Gia Định từ tay nhà Tây Sơn. Sau khi bàn bạc cùng các tướng tâm phúc, có lẽ để tránh những hậu quả như đã xảy ra từ gần hai năm trước, chúa Nguyễn khéo léo chối từ thiện chí của vua Xiêm.

Trong những thập niên dưới thời Gia Long, mối quan hệ tay ba Việt Nam – Miến Điện – Xiêm thường trở nên phức tạp, phần lớn do Miến Điện tìm cách gây hấn với người láng giềng, và mỗi lần như thế, Xiêm vương lại cầu cứu nước ta. Tháng 2 AL 1798, Miến Điện cất quân đánh Xiêm, Xiêm sai sứ sang nước ta cầu cứu. Chúa Nguyễn Ánh cử Chưởng Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức và Chưởng cơ Nguyễn Văn Trương mang hơn 7.000 thủy quân và hơn 100 chiến thuyền tăng viện cho quân Xiêm. Khi quân ta chưa đến nơi thì Xiêm đã đẩy lui được Miến, sai người báo tin thắng trận cho chúa Nguyễn.

Theo sách Đại Nam Thực Lục, khoảng năm 1822, Tả quân Lê Văn Duyệt cử một thuộc hạ là Nguyễn Văn Độ dùng thuyền buôn đi sang các nước thuộc Anh để mua binh khí, binh dụng. Trên đường đi, thuyền bị gió thổi bạt vào trấn Tavoy (Đào Quai hay Đào Ca). Viên trấn thủ Tavoy bắt Độ giải về Ava – Enva (sử Việt chép là An Hòa), kinh đô của Miến Điện lúc bấy giờ. Tại đây, vua Miến nghi ngờ ông là gián điệp của nước Xiêm, xét hỏi gắt gao, chừng biết là người nước Việt lạc sang, liền hậu đãi rồi cho người đưa về.

Chi tiết trong sử Việt không trùng hợp với nội dung tài liệu trong phần phụ lục của tác phẩm Journal of an Embassy from the Governor General of India to the Courts Siam and Cochin-China (Nhật ký của phái bộ do Toàn quyền Ấn Độ cử đến các triều đình nước Xiêm và Việt Nam) của trưởng phái bộ Anh John Crawfurd. Theo tài liệu của Crawfurd, hoạt động của phái bộ Nguyễn Văn Độ chỉ có tính thương mại, được cử sang Ava để mua tổ yến, mang về xuất sang Trung Quốc. Họ bị giải từ đảo Penang về Rangoon (Ngưỡng Quang, sau là thủ đô của Miến Điện) và từ Rangoon giải về Ava. Lúc đầu, họ bị nghi ngờ hoạt động chính trị, bị tống giam và tra tấn để khai rõ ràng hơn. Cuối cùng, khi biết được mục đích thương mại của họ, vị tân vương Miến Điện là Bagyidaw thả họ về.

Nhân chuyện trên, quốc vương Miến Điện đang có tham vọng tấn công Xiêm, muốn Việt Nam hỗ trợ mình chiếm đóng và chia cắt nước này. Ông ta liền cử một sứ bộ do một quan chức có tên Gibson (Sử Việt âm là Hợp thần Thăng thụ) cầm đầu đi sang nước ta để chính thức đặt vấn đề hợp tác với vua Minh Mạng.

***

Sứ thần Anh John Crawfurd (1783-1868)

Gibson có mẹ là người bản địa sống ở Madras, cha là một người Anh sống nhiều năm ở Miến Điện, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại đây. Theo “Nhật ký Gibson”, một trong những tài liệu được Crawfurd nhắc đến trong tác phẩm của mình, nhân vật này từng đặt chân đến vùng đất Nam Bộ năm 1798 và có cuộc gặp gỡ với một vài người Pháp có uy tín tại đây. Đây hẳn là những người Pháp đang tham gia vào đạo quân của Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn, như Chaigneau, Vannier, Puymanel, Barisy …

Trong chuyến đi lần này, sứ bộ Gibson rời Rangoon vào đầu tháng 1.1823, đi trên một chiếc tàu Anh đóng ở châu Âu. Hành trình bằng đường biển của họ rất xa. Từ kinh đô Ava (An Hòa) ở phía Bắc, họ đi về Rangoon (Ngưỡng Quang ở phía Nam, từ đó đến Tavoy (Đào Quai hay Đào Ca), ghé Penang (Mã Lai), đi dọc theo đảo Prince de Galles (đảo ông Hoàng xứ Galles), qua eo bể Malacca rồi mới đi ngược lên biển Đông của Việt Nam, qua quần đảo Poulo-Condore (Côn Đảo).

Tàu của sứ bộ đến đảo Penang thuộc Mã Lai (Malaysia) ngày 26.2. Tại đây, một chiếc tàu của Xiêm bốc cháy, va chạm với tàu của sứ bộ và làm cháy lan sang tàu này. Cả đoàn công tác phải làm mọi cách để bảo vệ tối đa vật dụng, đồ châu báu và tặng vật mà quốc vương Miến dành tặng vua Minh Mạng rồi chuyển sang một chuyến tàu Bồ Đào Nha, tiếp tục cuộc hành trình.

Sứ bộ rời đảo Prince de Galles ngày 22.4, đến eo bể Malacca ngày 2.5, đến Singapore ngày 12.5 và thả neo tại vùng biển Vũng Tàu ngày 1.6.1823. Sau khi đến Cần Giờ ngày 8.6, họ được Tả quân Lê Văn Duyệt cho chiếc tàu đón về Sài Gòn. Hai ngày sau, họ tiếp hai người Pháp đến thăm họ. Lúc bấy giờ tại triều đình chỉ còn hai quan lại người Pháp là J.B. Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng) và Philippe Vannier (Nguyễn Văn Chấn), song vì họ đang làm việc ở Huế nên không chắc gì hai người đến tiếp xúc với sứ bộ Miến là những người này.

Một trong những việc làm đầu tiên của sứ bộ Gibson là dịch bức quốc thư của vua Bagyidaw ra tiếng Xiêm, theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam. Điều này không khó hiểu: nhiều quan lại Việt từng sống ở Vọng Các (Bangkok) nên biết được ít nhiều tiếng Xiêm. Công việc đòi hỏi phải tốn hơn 4-5 ngày, song khi bản dịch đưa ra lại không đạt yêu cầu, nên phải nhờ hai người Pháp và một giáo dân Cơ đốc giáo người bản xứ dịch ra tiếng Pháp và tiếng La tinh.

Trong lúc chờ thành thần Gia Định báo sự việc về triều đình, sứ bộ được lưu lại Sài Gòn, được Phó Tổng trấn Trương Tấn Bửu, Tổng trấn Lê Văn Duyệt tiếp kiến, được tham gia vào nhiều sự kiện diễn ra như hát tuồng, xem cách luyện voi chiến và được cấp lương thực, thực phẩm, tiền để chi dụng trong suốt thời gian lưu trú. Ngày 30.6.1823, họ dự buổi trưng bày các tặng phẩm của vua Bagyidaw cho vua Minh Mạng, gồm có 20 viên đá ruby, nhiều vòng sa-phia, một ấn vàng cùng các xâu chuỗi hạt, một hộp đựng 4 bộ quần áo bằng lụa … Riêng Tổng trấn Lê Văn Duyệt được tặng 10 khẩu súng hỏa mai kèm lưỡi lê, một ống dòm mua tại đảo Prince de Galles (hay Prince of Wales theo tiếng Anh). Mãi đến ngày 19.11.1823, Tả quân Lê Văn Duyệt mới lên đường đi Huế sau khi được vua Minh Mạng chấp thuận. Có lẽ mục đích chính của chuyến đi là trình lên bức quốc thư của quốc vương Miến Điện đã được dịch ra các thứ tiếng.

Chân dung vua Minh Mạng in trong sách của John Crawfurd

Theo sách Đại Nam Thực Lục, buổi thiết triều của vua Minh Mạng diễn ra vào một ngày tháng 12 âm lịch năm Quý Mùi, tức khoảng tháng 1-2 năm 1824. Nội dung bức quốc thư của Miến Điện được tâu lên, chủ ý nhằm xin với triều đình Huế tuyệt giao với nước Xiêm. Khi nhà vua yêu cầu đình thần có ý kiến, có hai quan điểm trái ngược nhau, một đàng thuận theo đề nghị của Miến, một đàng không thuận.

Cuối cùng, vua Minh Mạng dụ rằng: ”…Hoàng khảo ta (chỉ vua Gia Long – LN) lại nghĩ tấm lòng tốt buổi đầu của người Xiêm, họ lại là láng giềng, nên từ trước đến giờ vẫn cho là giao hiếu, trẫm noi theo phép cũ, há lại nghe lời nói ngoài mà tự mình tước bỏ nghĩa láng giềng… Vậy lời xin của nước Diến Điện không cho thi hành. Nhưng nghĩ sứ thần vượt biển đi xa, giữa đường lại gặp hỏa tai, nên trả lại đồ cống mà thưởng cho quốc vương và sứ thần” (Đại Nam Thực Lục – Tập Hai – NXB Giáo dục – Hà Nội 2004 – trang 325)

Quyết xong, nhà vua sai Quản cơ Nguyễn Văn Uẩn và Chánh Tuần hải đô dinh Hoàng Trung Đồng đem binh thuyền và mang theo lương tiền sử dụng trong 6 tháng, đưa sứ bộ đến địa đầu nước Miến Điện mới quay về. Mặt khác vua Minh Mạng lại sai bộ Lễ thông báo cho Xiêm sự kiện này, vua Xiêm gửi thư tạ ơn.

Ngày 18.2.1824, chỉ dụ của vua Minh Mạng về đến Sài Gòn, nơi sứ bộ Gibson đang hồi hộp trông chờ. Ngày hôm sau, họ yết kiến Tổng trấn Lê Văn Duyệt vả được thông báo là một chiếc tàu lớn đã được chuẩn bị để đưa họ về nước, cùng với thư và tặng phẩm của vua Minh Mạng gửi cho quốc vương Bagyidaw. Về phần mình, họ được cấp 516 quan tiền và 141 phương gạo, đủ chi dùng trong hành trình 3 tháng trở về nước. Họ được đưa đến Cần Giờ và khởi hành từ Vũng Tàu ngày 31.3.1824 để trở về nước.

Trang bìa tác phẩm của John Crawfurd (1830)

Sứ bộ Gibson đến Singapore ngày 9.4.1824, vừa kịp nhận được tin về cuộc chiến đã nổ ra giữa quân Anh và quân Miến Điện.

Lê Nguyễn
15.5.2020

Nguồn: Trang Facbook của LN

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận