(đọc bài [1] tại đây)

When I tell Any truth
it is not for the sake of Convincing those who do not know it
but for the sake of defending those who Do.

Khi nói ra Bất kỳ một sự thực nào,
tôi không nhắm Thuyết Phục những kẻ không biết,
nhưng cốt để chống đỡ cho những người Biết rồi.
William Blake

**

Tôi cho rằng, chỉ trong những dịp quan hôn tang tế, người ta mới có dịp nhìn lại quá khứ mà, ít nhất, kiểm chứng được những gì chúng ta đã biết trước đó rồi cân nhắc về một người nay đã vắng mặt vĩnh viễn. Trong bài 1, tôi đã nói sơ qua về một số sáng tác của Tô Thùy Yên. Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, cùng Nhóm Sáng Tạo, đã là một nhà phê bình trọn vẹn ở nghĩa đó. Ông hiểu được phản ứng cần có để thẩm định sự nghiệp văn thơ của một tác giả chỉ sau khi người đó qua đời:

          -“[…] Tôi đồng ý với Thoại: Những người chết đi là chết đi, rồi một ngày nào chúng tôi, những người còn sống, dần dần quên lãng những kỷ niệm riêng tư về Thoại cũng là tự nhiên. Nhưng lúc ấy, theo ý tôi, người chết chính thực được giải thoát khỏi mọi cùm xích của bè bạn thân thuộc, một mình hoàn toàn tự do và cô đơn đến với những kẻ xa lạ chỉ bằng tác phẩm. Đó là giờ phút ước ao, ở đấy hình ảnh thi sĩ chỉ còn tìm thấy được trong tác phẩm của người…” [Thanh Tâm Tuyền, Chủ đề “Những kỷ niệm về Quách Thoại”, Sáng Tạo-Bộ Mới, Số 5, Trang 2-3, Tháng 11.1960]

Không riêng độc giả mà “bè bạn thân thuộc” cũng cần “dần dần quên lãng những kỷ niệm riêng tư“, biến thành một “kẻ xa lạ“, được “một mình hoàn toàn tự do” và có thể cũng hoàn toàn “cô đơn” hầu tìm thấy “hình ảnh thi sĩ chỉ bằng tác phẩm” khi phải đề cập đến những chi tiết liên quan đến tác phẩm hay tiểu sử. Do đó, tôi có thể hiểu trọn bốn chữ “một đời thất sắc” (1) có nghĩa ghê gớm thế nào khi được đọc bài điếu tang của ông Tô Thẩm Huy trong đám tang Tô Thùy Yên. Một người “xa lạ” yếu bóng vía chắc chắn càng phải “thất sắc” khi nghe câu cảnh cáo này: Buổi tối hôm nay hứa hẹn sẽ có nhiều tiết mục gay cấn và thú vị, đúng theo ý muốn của người đã ra đi.…” [Tô Thẩm Huy, “Lễ tưởng niệm thi sĩ Tô Thùy Yên”, http://www.gio-o.com]

Người đã ra đi” là thi sĩ Tô Thùy Yên. Tôi không thể và không dám nói thân đến nỗi biết rõ sở thích hồi còn sinh tiền, nhưng tiết mục gay cấn theo ý muốn của chàng? Có xiếc? Có múa võ đánh quyền? Có diễn ảo thuật? Nếu bắt buộc, tôi có thể lục lọi trí nhớ mà quyết định bằng điều này: Điều “gay cấn” nhất với chàng luôn luôn là một cuộc thách đố độc giả–bắt đầu từ thân hữu– xem chàng “lấy chữ” ở đâu và những con chữ xem ra bí hiểm đó khoác một chiếc áo lộng lẫy hay mộc mạc ẩn dấu từ một điển tích nào. Lần thứ nhất, gặp nhau tại tòa soạn Khởi Hành, chàng đã “lục vấn” tôi về vốn ca dao tục ngữ vì nghe nói thuộc Bắc Kỳ-di cư nhưng học trường-Nam- Kỳ. Đợi chàng chấm dứt thao thao bất tuyệt–vâng, Tô Thùy Yên mà “lên cơn” nói thì rất khó xen vào–tôi mới hỏi: “Anh lấy chữ trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của chứ gì?!” Chàng sững sờ trong khi Viên Linh–từng đăng bài thơ Chiều trên Phá Tam Giang trên Thời Tập khi Mai Thảo-Văn không dám vì sợ chạm vía bà Kiểm Duyệt–cười phá lên. Trong trường hợp Tô Thùy Yên, nhiều điều gay cấn càng thú vị ở đây lại liên quan tới tiểu sử văn nghệ không riêng của ông mà còn cả Văn học Miền Nam hay/và Văn học tỵ nạn Hải ngoại. Do đó, tôi xin mạn phép trình bầy ý kiến nhắm góp vào việc hoàn chỉnh một văn sử và có thể, một tiểu sử nhà thơ. Ông Huy đã mở đầu bài điếu tang như sau: “Theo thông lệ, có lẽ tôi phải nói đôi điều về tiểu sử của người quá cố, tuy là điều ấy không cần thiết, bởi lẽ hầu như mọi người Việt Nam trong cũng như ngoài nước đều biết ông là ai.” [Tô Thẩm Huy, bđd]

Mọi người Việt Nam trong cũng như ngoài nước sẽ có dịp đều được biết Tô Thùy Yên  là ai qua các tiết mục gay cấn và có thể rất cần thiết sau đây. Hơn thế nữa, những tài liệu trong loạt bài này cũng sẽ cho tôi kết thúc một bài viết cách đây hơn 20 năm về thơ ông.

1. HOÀN CẢNH THÀNH LẬP VÀ ĐÌNH BẢN CỦA TẠP CHÍ SÁNG TẠO

Ông Huy cho chúng ta biết “Rồi từ đó, ông đã trở thành một thành viên sáng lập của tờ Sáng Tạo lúc chưa đầy 20 tuổi...” [Tô Thẩm Huy, bđd]. Lời phát biểu rất sai lầm thượng dẫn– từ một người tự nhận “đều đặn mỗi tuần vài ba lần” được nghe nhà thơ “nói chuyện ngày xưa, việc ngày nay“–khiến tôi quyết định nhìn lại tạp chí (tờ) Sáng Tạo cùng các thành viên với những tài liệu cũ mới xuất hiện trong suốt mấy chục năm qua. Thật ra, sự sai lầm ấy không có gì đáng ngạc nhiên, nhất là với người ngoại đạo như ông Huy. Cho tới nay, tuy nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã cho công bố công trình nghiên cứu rất quan trọng về tạp chí và Nhóm Sáng Tạo vào cuối năm 2011, vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng trong một màn sương khói quá khứ, nhất là khi quá khứ ấy được nhìn lại với một đôi kính ngưỡng vọng. Dĩ  nhiên không một bản tổng kết nào sẽ có thể được coi là hoàn hảo khi nhân chứng chính Mai Thảo đã qua đời, nhưng chúng ta vẫn có thể tiến tới gần kết quả đó một cách thận trọng.

Điều đầu tiên mà tôi có thể quả quyết là, trên thực tế, không ai “sáng lập” tạp chí (tờ) Sáng Tạo, từ Tô Thùy Yên nói riêng đến Nhóm Sáng Tạo nói chung, trừ Mai Thảo và Graham Tucker, đại diện cơ quan USIS (The Unites States Information Service). Chữ “sáng lập” không thể có một nghĩa nào khác nên dù có yêu mến các thành viên đến đâu, có căn cứ vào sự góp sức của họ đến đâu, chúng ta cũng khó thể tiếp tục một cách nói không chính xác như thế. Tôi đã phỏng vấn Tô Thùy Yên, đã viết 2 bài đầy chi tiết–một vào năm 2001 và một vào năm 2011– về sự thành hình của tạp chí này, trong đó có đoạn ghi lại lời phát biểu của họa sĩ Duy Thanh trích từ Tạp chí Thơ:

          -“Họa sĩ Duy Thanh đã viết bài Vài kỷ niệm với Mai Thảo, đăng trên Tạp chí Thơ, Số Mùa Xuân 1998  (trang 16-17) do Khế Iêm làm Chủ bút, thuật lại rõ ràng như sau: ‘Thời gian mà tôi hay đi chung với Mai Thảo nhất là khi bắt đầu làm tạp chí Sáng Tạo. Về lịch sử tạp chí này, có nhiều người muốn biết, tiện đây xin kể ra. Khoảng đầu năm 56, tôi và Ngọc Dũng tổ chức chung một cuộc triển lãm tranh sơn dầu ở Phòng Thông tin Đô thành tại đường Tự Do […]…Trở lại về vụ khai mạc phòng tranh, thì tôi gặp ông Graham Tucker, bấy giờ là Giám đốc phòng Thông tin Hoa kỳ. Ông này nói tiếng Pháp trôi chẩy, ngỏ ý muốn găp một số văn nghệ sĩ Việt Nam mà tôi quen. Mai Thảo là người độc nhất mà tôi giới thiệu […] Tucker dáng người nho nhã, gặp Mai Thảo, lại đàm thoại bằng tiếng Pháp nên tương đắc ngay[…] Sau một thời gian ngắn, Tucker nhân danh phòng Thông tin Hoa kỳ tài trợ cho Mai Thảo một số tiền–400 đô la–hàng tháng để ra một tờ báo văn nghệ độc lập. Sở dĩ tôi biết đích xác số tiền này là vì sau đó, tôi cũng làm khoán cho sở Thông tin Hoa kỳ toạ lạc đường Hàm Nghi–trình bày tờ Đời sống Mỹ–và tôi có được đọc hồ sơ về tờ Sáng Tạo. Tên Sáng Tạo do Mai Thảo đặt ra, và số đầu tiên chàng lấy bài của các anh em lẳng lặng hình thành. Số đầu ra mắt khoảng mùa Thu năm 1956. Tôi hoàn toàn không dính líu gì trong số đầu tiên, kể cả chữ Sáng Tạo ngoài bìa cũng do họa sĩ của phòng Thông tin Hoa Kỳ kẻ. Nhưng bắt đầu từ số 2 trở đi thì tôi với Mai Thảo như hình với bóng’…” [Nguyễn Tà Cúc, “Từ nguồn gốc của Tạp chí Sáng Tạo đến những “sáng tạo” được gán cho Văn học Miền Nam và Văn học Biển-Ngoài cần được xét lại”, Khởi Hành số 173, Tháng 3.2011, trang 12]         

Sau đó, tôi nhận được thư của họa sĩ Duy Thanh, tuy  ngắn ngủi vỏn vẹn 3 giòng, nhưng hỗ trợ thêm cho một số tin tức xác định vấn đề đã nêu ra. Trong phần này, tôi sẽ đề cập từ tài liệu cũ liên quan đến Mai Thảo tới tài liệu mới nhất qua một nghiên cứu quan trọng của Dương Nghiễm Mậu xuất hiện vào năm 2011. Để công bằng, tôi sẽ trích dẫn các khám phá và nhận định của ông trước khi trình bầy kết luận hay giả thuyết riêng. Cũng để công bằng cho độc giả–là những người không có tài liệu gồm các số Sáng Tạo-Bộ Mới hay Bộ Cũ dẫn đến nghiên cứu của Dương Nghiễm Mậu– tôi sẽ cố gắng kiểm chứng hay trưng bày các tài liệu liên quan, nếu có thể.

1.1 Mai Thảo với tạp chí Sáng Tạo và Nhóm Sáng Tạo

Tạp chí Sáng Tạo khởi đầu và kết thúc như thế nào với Mai Thảo, người khai sinh ra nó? Mai Thảo luôn luôn bầy tỏ về tờ Sáng Tạo chỉ bằng vài câu ngắn: “Vào Nam vào đầu năm 1955[…] Tôi may mắn gặp gỡ vài người có lòng yêu văn chương chữ nghĩa. Đó là các anh Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Sỹ Tế.  Cũng trong năm này, cùng với mấy người bạn vừa kể chúng tôi cho ra đời tạp chí Sáng Tạo …[Hoàng Khởi Phong, “Gối đầu lên chữ nghĩa: Phỏng vấn nhà văn Mai Thảo”-Kỳ 1, Văn Học Số 101, trang 9, Tháng 9. 1994] hay “Tờ Người Việt đình bản. Tờ Sáng Tạo thay thế…” [Mai Thảo, “Màu lụa Hà đông trong thơ Nguyên Sa”, Văn Số 36, trang 7, Tháng 6.1985]

Những tiết lộ đó dẫn đến những tin tức như một nhận xét từ Thụy Khuê:

          -” Đôi dòng về Sáng Tạo: Sáng Tạo do Mai Thảo chủ trương, nhưng nếu kể về thâm niên, thì Mai Thảo là người đến sau. Theo Trần Thanh Hiệp, Sáng Tạo, thoạt tiên là một nhóm sinh viên hoạt động trong Tổng hội sinh viên Hà Nội, trước 1954, gồm bốn người: Nguyễn Sĩ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền và Trần Thanh Hiệp, chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Sau 1954, vào Sàigòn, tiếp tục hoạt động văn nghệ làm tuần báo Dân Chủ (do Trần Thanh Hiệp và Thanh Tâm Tuyền phụ trách phần văn nghệ), rồi tờ Người Việt (tiền thân của tờ Sáng Tạo). Lúc ấy Mai Thảo gửi đến truyện ngắn Đêm giã từ Hà Nội, Thanh Tâm Tuyền đọc, thích và đăng ngay. Nhóm có thêm Mai Thảo, sau mở rộng với Lữ Hồ, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Quách Thoại. Mai Thảo là “đầu tầu” của nhóm Sáng Tạo [Thụy Khuê, “Mai Thảo (1927-1998)”, http://thuykhue.free.fr/stt/m/maithao.html]

Đúng, Mai Thảo có thể là “đầu tầu” của tờ Sáng Tạo nhưng chưa chắc đã là “đầu tầu” của Nhóm Sáng Tạo, nhất là với Nguyễn Sỹ Tế và Thanh Tâm Tuyền. Theo tôi, không hề có Nhóm Sáng Tạo trước khi có tờ Sáng Tạo. Cứ nhìn mục lục Sáng Tạo số 1 không có mặt hầu hết thành viên trong nhóm và lời kể của Duy Thanh sẽ rõ, nhất là câu này: “Tên Sáng Tạo do Mai Thảo đặt ra, và số đầu tiên chàng lấy bài của các anh em lẳng lặng hình thành […] Tôi hoàn toàn không dính líu gì trong số đầu tiên, kể cả chữ Sáng Tạo ngoài bìa cũng do họa sĩ của phòng Thông tin Hoa Kỳ kẻ…” [Duy Thanh, bđd]. Giả thuyết “không hề có nhóm Sáng Tạo trước khi có tờ Sáng Tạo” căn cứ trên 3 tài liệu trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền và được Dương Nghiễm Mậu cung cấp một phần.

Thật ra, mọi sự đã có thể đã chìm nghỉm nếu Mai Thảo không viết một câu rất đáng suy ngẫm về Thanh Tâm Tuyền, người đã đưa ông tới Nhóm Người Việt, và bởi thế, sau này, tờ Sáng Tạo.

Năm 1985, tại California, Mai Thảo cho xuất bản Chân dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam, một cuốn hồi ức về một số người đã cùng sinh hoạt văn nghệ trước 1975. Tác giả cẩn thận rào đón, rằng những hồi ức này “đã được minh họa từ những chất liệu của kỷ niệm và trí nhớ chứ không phải được viết bằng tác phẩm hay tài liệu văn học…” [Mai Thảo, sđd, trang 10]. Thanh Tâm Tuyền không phải là một trong 15 “chân dung” đó nhưng người đọc có thể tìm thấy  1 câu liên quan đến ông trong bài viết về Dương Nghiễm Mậu:

          “- […] Những người của hai lên đường làm mới văn học nói trên, đến nay tuy đã mấy chục năm, nhưng với phần lớn tôi đều giữ được những kỷ niệm về lần đầu gặp mặt. Kỷ niệm với mỗi người mỗi khác. Thanh Tâm Tuyền, căn gác xép ám khói ở toà soạn Dân Chủ, hắn hỏi xin một điếu thuốc và tôi tưởng hắn là thợ sắp chữ….” [Mai Thảo, “Con Đường Dương Nghiễm Mậu”, Chân dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam, Trang 84, Nhà xuất bản Văn Khoa, 1985, Hoa Kỳ]

Lời thuật của Thanh Tâm Tuyền về cùng sự việc lại khác hẳn. Trong một bài viết sau khi Mai Thảo qua đời, ông cho biết chính ông “khám phá” Mai Thảo–lúc Mai Thảo còn chưa tiếng tăm nhiều–và đưa Mai Thảo vào nhật báo Hòa Bình. Họ gặp nhau tại tòa soạn qua lời mời của chính Thanh Tâm Tuyền

Một cuộc gặp gỡ được báo trước như Thanh Tâm Tuyền đã bầy tỏ khó thể bất ngờ đến nỗi Mai Thảo có thể tưởng nhầm một thi sĩ không đến nỗi vô danh với một “anh thợ sắp chữ”. Còn “hỏi xin một điếu thuốc”?! Một người có tiếng khắc khổ và cực kỳ thận trọng như Thanh Tâm Tuyền mà ngửa tay xin một điếu thuốc từ một người lạ?!  Tôi không thể bảo đảm rằng không có, nhưng việc đó không quan trọng bằng việc Thanh Tâm Tuyền có chủ động trước hay không. Trái với Mai Thảo, thứ “kỷ niệm và trí nhớ” của Thanh Tâm Tuyền thuyết phục được tôi ngay:

          “[…] Bấy giờ là năm 1955. Di cư đã đến hồi vãn cuộc. Hà Nội khuất biệt từ tháng 10 năm trước. Sài Gòn vẫn còn xô bồ những mới mẻ những hứa hẹn trong con mắt người di cư.Chúng tôi – các anh Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, và tôi – gặp nhau, cùng làm việc, quen dần nhau qua mấy số Lửa Việt – nơi đã in vở kịch Trắng Chiều của anh Tế viết khi còn ở Hà Nội, các truyện ngắn Chàng Nhạc Sỹ, Gìn Vàng Giữ Ngọc của anh Sỹ và một vài bài thơ của tôi – , đồng ý cần có tờ báo của mình để viết cho sướng tay, để may ra đóng góp được cái gì cho công cuộc chung. Trong khi chờ anh Hiệp tìm kiếm nguồn tài trợ, chúng tôi nhận hợp tác với nhật báo Hòa Bình của anh Vũ Ngọc Các, làm trang Văn Nghệ hàng tuần cho tờ báo. Tôi được giao phó công việc đầu bếp việc sắp xếp bài vở cho trang báo vì rảnh thì giờ nhất và được nết chịu khó đọc.Nhờ trang báo chúng tôi gặp thêm bạn: Giao Thanh và Mai Thảo […] Mai Thảo gửi đến chúng tôi Đêm Giã Từ Hànội […] Tôi nhận được một bao thư dầy cộm, không địa chỉ người gửi, trong đựng xấp bản thảo đánh máy. Bút hiệu Mai Thảo hoàn toàn xa lạ với tôi.  Liếc nhìn dòng chữ đầu tiên của bài gửi, tôi giật mình kinh ngạc: “Phượng nhìn xuống vực thẳm:  Hànội ở dưới ấy.” […] Nhớ trong buổi họp kiểm bài vở trước khi chuyển xuống nhà in, tôi đã không ngăn nổi mình yêu cầu các anh Hiệp, Sỹ, Tế nghe tôi đọc Đêm Giã Từ Hànội đăng trọn trong một kỳ báo, không cần lời giới thiệu. Và tôi đọc say sưa, hùng hồn liên hồi. Và các anh chịu khó ngồi nghe trên căn gác lửng tối chật của tòa báo. Anh Tế kết thúc buổi họp nói đùa ‘Anh làm chúng tôi mất cái thú tự mình khám phá’…” [Thanh Tâm Tuyền, “Trong đất trời nhau”, Tạp chí Thơ, Số Mùa Xuân 1998, trang 4-7, Hoa Kỳ]

Năm 1985, khi Mai Thảo cho xuất bản Chân dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam mà ông miêu tả như những người “là bạn đường, nên là bạn đồng hành. Nên là cùng trời cùng biển… [trang 10, sđd] tuy có những người như Nhã Ca, Trùng Dương, Lê Tất Điều vv nhưng không có Thanh Tâm Tuyền thì ông vẫn còn ở Miền Nam, không chút hy vọng được thoát.  Mãi đến năm 1987, chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam mới bắt đầu bàn thảo chương trình “Tái định cư Thân nhân, Con Lai và Cựu Tù nhân Chính trị” Miền Nam. Chương trình “Tái định cư Cựu Tù nhân Chính trị” được cộng đồng Việt Nam biết đến qua tên gọi ” Chương trình H.O.”. Năm 1990, Thanh Tâm Tuyền–bị giam nhiều năm sau 1975– sang Hoa Kỳ theo diện H.O. .

Năm 1998, ngay sau khi Mai Thảo qua đời, Thanh Tâm Tuyền cho công bố một bài viết 6 trang (như đã dẫn) rất lịch sự nhưng khúc chiết về hoàn cảnh và buổi đầu tiên 2 người gặp nhau: “Bút hiệu Mai Thảo hoàn toàn xa lạ với tôi…” Nghĩa là, theo tôi đọc, Mai Thảo không được biết đến như Nhóm Người Việt cho ngay đến khi gửi bài tới Hòa Bình. Không được biết  mãi cho đến khi Thanh Tâm Tuyền–một mình Thanh Tâm Tuyền–“khám phá” và đưa Mai Thảo tới gặp những người sau này sẽ trở thành Nhóm Sáng Tạo. Trong sinh hoạt văn nghệ, chữ “khám phá” dùng không đúng chỗ có khi thay cho một thái độ khinh thường nhưng Thanh Tâm Tuyền chỉ nói một sự thật, một sự thật rất ít ai được biết.

Khoảng gần 4 năm sau khi Mai Thảo qua đời, Tạp chí Khởi Hành làm chủ đề về Nhóm Sáng Tạo. Nguyễn Sỹ Tế cung cấp một chân dung trước và trong khi có Nhóm Sáng Tạo, không những khẳng định những điều Thanh Tâm Tuyền đã tiết lộ, mà còn đầy đủ hơn về hoạt động văn nghệ của nhóm. Nghĩa là, hoàn toàn trái lại, sau khi–chứ không phải trước khi–tạp chí Sáng Tạo xuất hiện, Nhóm Sáng Tạo mới có cơ hội tập hợp một cách quy củ và thường xuyên rồi có những hoạt động văn nghệ như chúng ta đã biết. Trên nguyên tắc, cho công bằng, dẫu sao đó vẫn là tờ báo của Mai Thảo. Đó là lý do tại sao, sau khi tờ Sáng Tạo đình bản, nhóm Sáng Tạo cũng ngưng hoạt động. Tôi sẽ viết đầy đủ hơn trong bài tới–về những hoạt động văn nghệ của Tô Thùy Yên sau khi định cư tại Hoa Kỳ–nhưng độc giả có thể tìm đọc loạt bài nghiên cứu hết sức công phu và tỉ mỷ của nhà văn Dương Nghiễm Mậu về quãng thời gian trước rồi sau khi Thanh Tâm Tuyền khám phá Mai Thảo.

Loạt nghiên cứu này xuất hiện trên tạp chí Hợp Lưu trước vào ngày 6.2. 2011 với tên “Thanh Tâm Tuyền và những người bạn trước khi có tạp chí Sáng Tạo” [ Thanh Tâm Tuyền Và Những Người Bạn Trước Khi Có Tạp Chí Sáng Tạo, https://hopluu.net]. Đúng như tên gọi, đây là 1 bài rất khái quát. Phải đợi tới ngày 24, tháng 3. 2012, loạt bài gồm 4 chương và mục lục toàn tập Sáng Tạo mới bắt đầu phổ biến trên mạng litviet do nhà thơ Phan Nhiên Hạo chủ trương. Dương Nghiễm Mậu chú trọng vào Thanh Tâm Tuyền và một số tác giả nòng cốt của tờ Sáng Tạo qua 4 chương kèm một bản phụ lục, gồm có:

          -“Chương 1 Thanh Tâm Tuyền và những người bạn với tuần báo Người Việt, Chương 2 Tạp chí Sáng Tạo từ số 1 đến số 31, Chương 3 Tạp chí Sáng Tạo bộ mới từ số 1 đến số 7, Chương 4 Thanh Tâm Tuyền: cuối cùng là thơ và Bảng mục lục toàn bộ 38 số tạp chí Sáng Tạo…” [Dương Nghiễm Mậu – Thanh Tâm Tuyền, những người bạn và tạp chí Sáng Tạo (Chương 1), https://litviet.wordpress.com , Ngày 24. 3.2012. Diễn đàn văn học trên mạng litviet-Nhà thơ Phan Nhiên hạo chủ trương]

Độc giả có thể bắt đầu đọc chương 1 tại địa chỉ này: Dương Nghiễm Mậu – Thanh Tâm Tuyền, những người bạn và tạp chí Sáng Tạo (Chương 1), https://litviet.wordpress.com.

Căn cứ trên 4 số Người Việt -Bộ Mới từ tháng 8 tới tháng 10, 1955, Dương Nghiễm Mậu cho thấy Nguyễn Sỹ Tế, Duy Thanh, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp vv. đã gặp nhau trước khi tờ Sáng Tạo và Nhóm Sáng Tạo ra mắt. Tôi nghĩ không phải một sự tình cờ mà tạp chí Sáng Tạo lại trùng tên với chủ đề “Sáng Tạo” của Người Việt số 4, 1955.

Tuần báo Người Việt, cuối năm 1955, Chủ đề “Sáng Tạo” (Tài liệu Dương Nghiễm Mậu)

Theo Dương Nghiễm Mậu thì Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sĩ Tế, Quách Thoại rồi Mai Thảo (mà không có Tô Thùy Yên) đã quây quần, hoạt động văn nghệ trên một tờ báo của người khác– tuần báo Dân Chủ của Vũ Ngọc Các và Tuần báo Người Việt–trước khi có bài trên tờ Sáng Tạo. “Thơ Tự do” của Thanh Tâm Tuyền đã xuất hiện dưới lá cờ đó,  trước khi có Sáng Tạo:

          -“[…] Người Việt bộ mới in cỡ 20cm  x  27cm, bìa hai màu, Duy Liêm vẽ bìa và minh họa. Bìa một, trong một khung vuông có in tám chữ cỡ lớn đậm nét: DIỄN ĐÀN TIỀN PHONG  ĐẤU TRANH VĂN HÓA, tám chữ này cho thấy phần nào nội dung mà tờ báo hướng tới. Người Việt bộ mới hiện diện ở nửa sau của năm 1955 là một tập hợp đầu tiên giữa Thanh Tâm Tuyền với những người bạn: Mai Thảo, Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sĩ Tế, Quách Thoại […]Trong 4 số báo Người Việt, Thanh Tâm Tuyền đã cho in thơ, truyện ngắn, ký, kịch. Sau đây chúng ta cùng nhau đọc những tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền

THANH TÂM TUYỀN VÀ THƠ TỰ DO

Về thơ, có lẽ để khẳng định đây là thơ tự do nên những trang thơ đều ghi ở trên: Thơ Tự Do, có tất cả 4 bài: Phiên khúc 20 (1), Mắt biếc (3), Bài thơ chữ số (4), Thành phố (4)…”

 [THANH TÂM TUYỀN VÀ NHỮNG NGƯỜI BẠN VỚI TUẦN BÁO NGƯỜI VIỆT, Dương Nghiễm Mậu – Thanh Tâm Tuyền, những người bạn và tạp chí Sáng Tạo (Chương 1), https://litviet.wordpress.com, Diễn đàn litviet-Phan Nhiên Hạo chủ trương. Ngày 24. 3. 2012]

Gần một năm rưỡi sau cuộc tập hợp đó, tờ Sáng Tạo ra mắt vào tháng 10 năm 1956, do Mai Thảo hoàn toàn làm chủ, cho họ một cơ hội thực sự thử nghiệm về cuộc cách mạng văn học dưới hình thức một nhóm. Sáng Tạo số 1 không có Thanh Tâm Tuyền, không có Doãn Quốc Sỹ, không có Trần Thanh Hiệp, không có Duy Thanh, càng không có Tô Thùy Yên mà chỉ có Thái Tuấn và Nguyễn Sỹ Tế. Đằng khác, sự xuất hiện của 2 tác giả thuộc Nhóm Quan Điểm–Mặc Đỗ và Vũ Khắc Khoan–là dấu hiệu mà một người nghiên cứu về giai đoạn văn học này cần chú ý đến. Theo tôi, Mai Thảo đã rất khôn khéo khi chọn toàn những tay anh hào trong mỗi bộ môn của họ để chứng tỏ bản lãnh của một chủ bút. Trong số này, có bài của Mai Thảo xác định Sài gòn–chứ không còn Hà Nội– là “thủ đô văn hóa Việt Nam”, có bài của dịch giả Mặc Đỗ, có bài của nhạc sĩ Lê Thương, có bài của kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, có bài của họa sĩ Thái Tuấn. Và có bài của Nguyên Sa, vừa trở về từ Paris.

Tôi trở lại vấn đề Sáng Tạo là có lý do. Trước hết, tác phẩm quan trọng và rất đáng tin cậy, dầy như một cuốn sách, của Dương Nghiễm Mậu sẽ cập nhật những gì chúng ta đã biết trước đó về tạp chí Sáng Tạo và Nhóm Sáng Tạo với rất nhiều chi tiết. Bất cứ nhà phê bình nào muốn nghiên cứu về tờ Sáng Tạo và thành viên cần nên đọc công trình nghiên cứu này. Thứ hai, tài liệu đó cũng sẽ giúp tôi về một vấn đề khác:  Tô Thùy Yên tự nhận là người “em út” (le benjamin) của nhóm, nhưng tôi nghĩ, với tài liệu này, khoảng cách giữa ông và các bạn trong nhóm, nhất là Thanh Tâm Tuyền, càng xa hơn nữa. Thơ Tô Thùy Yên chỉ xuất hiện trên Sáng Tạo bắt đầu từ Số 4.

Chủ đề “Những kỷ niệm về Quách Thoại” (Sáng Tạo-Bộ Mới, Số 5, Tháng 11, 1960) không hề có bài tham dự của Tô Thùy Yên. “Bản lên tiếng chung của tám tác giả Việt Nam” trên Sáng Tạo Số 12, Tháng 9.1957 có tên (in hoa):  “DOÃN QUỐC SỸ – DUY THANH – MAI THẢO – MẶC ĐỖ – NGUYỄN SỸ TẾ – THANH TÂM TUYỀN – TRẦN THANH HIỆP – VŨ KHẮC KHOAN” cũng không có tên Tô Thùy Yên.

Bởi thế, tôi đặt một giả thuyết, rằng Thanh Tâm Tuyền chưa chắc đã gần với Tô Thùy Yên về Thơ, hay cả về lối sinh hoạt văn nghệ — dù theo Tô Thùy Yên thì Thanh Tâm Tuyền là một người bạn chí thiết–và sẽ trình bày giả thuyết đó cũng trong một trong nhiều bài tới. 

1.2 Mai Thảo và lần đình bản thứ nhất của tạp chí  Sáng Tạo

Khởi đi, Sáng Tạo đã nhận tài trợ từ Graham Tucker/USIS như đã có thể xác nhận từ lâu nay. Ngoài Duy Thanh, Mai Thảo đã cho biết, rất trần trụi, về nguồn tài chính khi Thụy Khuê hỏi: “Sáng Tạo thành lập bằng tiền của ai?”:

          -“Bằng cái hợp đồng tôi ký với một thằng Mỹ ở Virginia, không biết bây giờ sống chết thế nào. Đó là cái hợp đồng bán báo, không có điều gì cần giấu diếm hết, đại khái nếu mình  in 5000 tờ, thì nó mua đứt cho mình 2000, vừa đủ tiền in, tiền giấy, không có cái nghĩa gì khác hết, và cũng không có điều kiện gì khác hết” [Thụy Khuê,”Lần trò chuyện cuối cùng với Mai Thảo”, Hợp Lưu, sđd, trang 89,  http://thuykhue.free.fr/mucluc/maithao.html]

Dĩ nhiên, “hợp đồng bán báo” chỉ là một cách nói khéo. Không ai “bán báo” tuyền tiếng Việt cho một cơ quan thông tin Hoa Kỳ mà không tự hỏi họ mua báo để làm gì, phát cho ai hay không để phát cho ai cả. Một chi tiết quan trọng nữa: Mai Thảo không bao giờ trả nhuận bút cho Thái Tuấn, Nguyễn Sỹ Tế, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền như tôi được biết một cách chắc chắn mặc dù được nhận 400 mỹ kim tài trợ một tháng (nếu Duy Thanh nói đúng con số). Trong lúc đó, lương hàng tháng của Khoa Trưởng Đại học Văn khoa lúc bấy giờ tương đương với 120 mỹ kim theo Nguyễn Đình Hòa trong From the City inside the Red River: A Cultural Memoir of Mid-Century Vietnam [trang 136].

Nhận tài trợ hậu lại không trả nhuận bút và chỉ cho các tác giả nồng cốt tham dự sau khi “ván đã đóng thuyền”, nghĩa là từ số 2, theo tôi, chỉ có Mai Thảo mới biết chuyện gì xẩy ra cho Sáng Tạo một cách rành mạch cùng nắm toàn quyền sinh mạng của nó. Bởi thế, đó là lý do chưa thành viên nào, cho tới nay, kể cả ông Hiệp, lạm bàn chi ly đến lần đóng cửa thứ nhất.

Mai Thảo dư biết chuyện “bán báo” “vừa đủ tiền in, tiền giấy” này có nhiều người biết. Mặc Đỗ, trong một lá thư gửi cho tôi vào tháng 10 năm 2004, cho biết Graham Tucker cũng đã hỏi ý ông trước khi quyết định chọn Mai Thảo. Ngoài Mặc Đỗ và Duy Thanh, tôi có cảm tưởng–mà không có chứng cớ chắc chắn– còn một người nữa. Đó là giáo sư Nguyễn Đình Hòa, người nhậm chức Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài gòn vào tháng 8. 1957 và gặp Tucker cũng ngay vào lúc này. Năm 1999, Tucker viết tựa cho cuốn hồi ký Anh ngữ thượng dẫn, xuất bản tại Hoa Kỳ. Nhờ đó, chúng ta biết được đôi chút về thân thế của Graham Tucker và quan trọng hơn, vài chi tiết về cuộc đời nghề nghiệp của vợ chồng ông tại Sài gòn. Những chi tiết thượng dẫn sẽ được dùng để kiểm chứng một “truyện hai kỳ ” có tên “Cánh tay dịu dàng, một đất nước ở xa” của Mai Thảo. Có thể năm 2008, Mai Thảo không biết “thằng Mỹ ở Virginia…bây giờ sống chết thế nào” nhưng đã thuật lại cuộc trùng phùng với “thằng Mỹ đó” vào khoảng 1985. Tôi có được Kỳ 1 với mọi chi tiết đều đến trong đời thực, từ tên các nhân vật như “Graham” và con trai Steven–“Stephen”, trong hồi ký Nguyễn Đình Hòa–, hay “Nhị” (bút hiệu khi làm thơ của Mai Thảo ở Sài gòn) tới căn biệt thự của họ tại đường Hiền Vương.

Mai Thảo, “Cánh tay dịu dàng, một đất nước ở xa”- Truyện hai kỳ, Văn số 40, Kỳ 1, trang 79-88, Tháng 10.1985

Sáng Tạo đình bản lần thứ nhất sau 31 số từ tháng 10, 1956 tới  tháng 9-1959. Sau đó, Mai Thảo tái bản nhưng chỉ tồn tại được không quá 7 số từ tháng 7. 1960 tới tháng 9-1961. Lý do của hai lần đóng cửa (1 lần vĩnh viễn) theo Mai Thảo về nơi thiên thu. Tôi chưa được đọc ai phỏng vấn ông mà có hỏi đến 2 lần đóng cửa này.

1.3 Trần Thanh Hiệp và vấn đề đình bản của tạp chí  Sáng Tạo

Về khởi đầu của Sáng Tạo, Trần Thanh Hiệp cũng trình bầy tương tự như Mai Thảo, nghĩa là không rõ ràng bằng Duy Thanh:

          “[…] Thanh Tâm Tuyền gặp Mai Thảo, anh em chúng tôi cho Tạp chí Sáng Tạo ra đời…” [Trần Thanh Hiệp,  “Nhớ nghĩ về Thanh Tâm Tuyền, những điều chợt đến”, Thế Kỷ 21, Chủ đề “Tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền (1936-2006)”, trang 46, Số 204, Tháng 4.2006]

Tin tức này, dù sao, cũng không quan trọng bằng một tin tức khác do Trần Thanh Hiệp phổ biến chỉ cách đây vài năm từ 2008 tới 2014, trước sau không chỉ một lần mà ít nhất tới ba lần, nên tôi tin rằng đã đến lúc cần phải đặt lại vấn đề: Đó là sự đình bản của Sáng Tạo-Bộ mới. Trong đoạn viết dưới đây, Trần Thanh Hiệp gây cho tôi 2 cảm tưởng. Thứ nhất, chế độ Cộng sản hay Việt Nam Cộng hòa đều không khá và, thứ hai, tờ Sáng Tạo tự ý đóng cửa vì áp lực nào đó:

          -“[…] Sáng Tạo là tên của tờ báo anh em chúng tôi xuất bản hàng tháng ở Sài Gòn từ 1956 đến đầu thập niên 1960 thì ngưng […] Sáng Tạo thực chất là một hiện tượng văn học. Chống Cộng, đương nhiên. Nhưng chống cộng bằng ngôn ngữ, bằng nghệ thuật, bằng văn hóa. Không theo cung cách của những người làm chính trị chống cộng vì quyền lực, đảng tranh. Với khoảng cách thời gian gần một nửa thế kỷ nay đã đến lúc nên nhấn mạnh trên đặc tính văn học này. Chúng tôi không theo đuổi, không về hùa với những kẻ làm chính trị chống cộng để cầm quyền. Vì chúng tôi nhờ linh tính đã không thể đánh giá cao đạo đức cũng như khả năng của những nhân vật giữ vai trò lãnh đạo. Những gì đã đưa tới biến cố 1975 ở miền Nam và sau đó những ứng xử thấp kém diễn ra ở hải ngoại đã biện minh, tuy muộn màng, cho linh tính của chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn minh bạch đứng dưới ngọn cờ chống cộng và anh em chúng tôi như Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên v.v… đã phải trả giá rất đắt cho thái độ lấy đất đứng này. Chính để cho thái độ chung đó được sáng tỏ mà tờ Sáng Tạo đã tự ý đình bản đầu thập niên 1960.  Sáng Tạo đã nói bằng sự im lặng tâm trạng thuận tình tự chế của nó. Tâm trạng của không ít người cầm bút ở Pháp những năm 1940 bị Đức chiếm đóng mà Antoine Saint-Exupéry đã không e ngại phơi trần: “Tôi không bao giờ chối bỏ anh em cùng chiến tuyến của tôi. Nếu họ làm cho tôi phải hổ thẹn thì tôi giữ sự riêng trong lòng sự hổ thẹn ấy mà chẳng cần nói ra…” [Trần Thanh Hiệp, “Mai Thảo người kể chuyện bằng văn”, Hợp Lưu-Bộ Mới, Đặng Hiền Chủ biên- Số 100, Tháng 5&6. 2008, trang 127, 130-131 – https://quenoi.com]

Năm 2014, ông Hiệp lập lại việc Sáng Tạo “tự đình bản” trong “im lặng” với ký giả Đinh Quang Anh Thái: “Khi tự ý đình bản tạp chí Sáng Tạo vào năm 1961, chúng tôi đã sử dụng quyền ‘im lặng’ trên một diễn đàn” [Đinh Quang Anh, ” Phỏng vấn Luật Sư Trần Thanh Hiệp về tạp chí Sáng Tạo”, https://www.nguoi-viet.com, Ngày 2 tháng chạp 2014]

Ông không hề giải thích lý do của “quyền ‘im lặng'” nhưng tự mâu thuẫn khi đã nói rất rõ, cũng với Đinh Quang Anh Thái:

          “[…]Nhân Văn-Giai Phẩm ở miền Bắc đã không kéo dài được vì sự đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội quá khốc liệt. Còn ở miền Nam, lúc đó, không có đàn áp, bất cứ dưới hình thức nào. Những người cầm bút ở miền Nam có đủ các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do sáng tác. Tạp chí Sáng Tạo là sự thể hiện của những quyền tự do này…” [Trần Thanh Hiệp, sđd]  

Trong một cuộc phỏng vấn khác vào năm 2013, giữa 2008 và 2014, ông Hiệp còn mạnh mẽ bàn tới “2 thứ vũ khí” là ” lên án buộc tội” và “im lặng bất hợp tác” trong sự “áp bức” vv và vv. Không những thế, ông Hiệp còn tự nhận đã “thành lập nhóm Sáng Tạo” (!!!) như một người cầm bút chứ không phải như một luật sư vv và vv. Lời bàn đó, trên thực tế không cần nêu xuất xứ vì, trước hết, 2 thí dụ trên đã quá đủ khi chúng xuất hiện trên các diễn đàn tương đối lớn nếu người đọc muốn kiểm chứng. Dù vậy, tôi muốn trưng ra để cho thấy loại tin tức này nếu không bị công khai thách đố, sẽ rất có cơ biến thành chính thức chỉ sau vài năm thôi. Sau nữa, cái bằng nào cũng nhẹ hơn một chiếc lông hồng khi các vị toan tính bước (hay nhẩy) sang lãnh vực văn chương. Dù sao, chúng ta sẵn sàng chờ xem khả năng chuyên môn của ông Hiệp có giúp được gì trước tòa án công luận sau khi nhân chứng và tài liệu xuất hiện.

Trên hết thẩy, thật không khó để đồng ý với quan điểm của ông Hiệp khi Đệ nhất Cộng Hòa sụp đổ với cái chết đẫm máu của Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu, nhưng việc xếp chung một chính thể tự do (Việt Nam Cộng Hòa) với một chế độ độc tài (Cộng sản); giữa một quốc gia có Hiến Pháp như Việt Nam Cộng hòa với “Việt Nam Không Có Hiến Pháp Chỉ Có Cương Lĩnh Của Đảng” như chính ông báo động vào năm 2013; giữa một chính thể đã cho phép Sáng Tạo có mặt với một chế độ giam cầm rồi trực tiếp hủy hoại đời văn của hầu hết thành viên của Nhóm Sáng Tạo; giữa một chính thể cho phép người cầm bút có quyền quyết định ra báo hay ngưng ra báo với một chế độ có toàn quyền ra lệnh cho công dân của họ viết hay không viết vv  thì rõ ràng quá ngây thơ. Bởi thế, là một luật sư, ông Hiệp càng không nên cố tình quên những quyền căn bản được Hiến pháp quốc gia và Luật Nhân Quyền Quốc tế bảo đảm khi Cộng sản vi phạm trầm trọng các quyền này, nhất là khi tự nhận hay được phong là “chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân Quyền”.

Sau nữa, ông Hiệp nhầm thái độ “chẳng cần nói ra” vể  “anh em cùng chiến tuyến” của Antoine Saint-Exupéry với nguyên nhân hiện hữu rồi đình bản của tờ Sáng Tạo, khi có lẽ ông “nói ra” thay cho cả nhóm.

1.4 Trần Thanh Hiệp và sự đình bản lần thứ hai của tạp chí  Sáng Tạo

Một chi tiết đặc biệt quan trọng nằm ẩn trong hàng trăm trang nghiên cứu của Dương Nghiễm Mậu: Đó là chức danh của Mai Thảo trong 2 lần Sáng Tạo. Theo Dương Nghiễm Mậu, chức “chủ nhiệm” của Mai Thảo chỉ xuất hiện trong Bộ Mới. Ông cho biết rất chi tiết như sau:

          -“[…] Tạp chí Sáng Tạo bộ mới số 1 phát hành tháng 7 năm 1960 cho thấy những khác biệt đối với 31 số báo đã phát hành trước đó:

          “– Khuôn khổ tạp chí như cũ không thay đổi nhưng tăng số trang lên 112 và 4 trang bìa, bìa do Duy Thanh trình bầy từng số khác nhau, in 2 màu.

          “–Sáng Tạo, “Tạp chí văn nghệ” trở thành “diễn đàn văn học nghệ thuật hôm nay“.

          “–Mai Thảo là “Chủ nhiệm, thay vì “Chủ trương biên tập”. Quản lý: Đặng Lê Kim.

          “–Sáng Tạo có Bộ biên tập gồm: Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thái Tuấn, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Trần Thanh Hiệp.

          “–Bộ mới không còn các mục như: Biên Khảo, Phê Bình Văn Học, Qua Các Bộ Môn Văn Nghệ, Vấn Đề Văn Học. Thay vào đó, phần lớn số trang của tạp chí dành cho sáng tác và bàn tới những vấn đề thiết thân của nghệ thuật mới. Ngay ở 4 số đầu là bốn chủ đề được đặt ra cho bốn cuộc thảo luận gồm nhiều tác giả tham dự….” [Dương Nghiễm Mậu, “Thanh Tâm Tuyền, những người bạn và tạp chí Sáng Tạo” Chương 3, phần 1]

Trong phần “GHI CHÚ CUỐI BÀI”, Dương Nghiễm Mậu nhắc đến vai trò “chủ nhiệm” của  “Phòng Thông Tin Mỹ” với Sáng Tạo và mấy chi tiết quan trọng chưa được công bố nếu không nhầm:

          -“GHI CHÚ: Trong cuốn Niên lịch Công Đàn 1960-1961 do Nguyễn Ngọc Linh chủ trương biên tập – nhà xuất bản Công Đàn-Sài Gòn phát hành. Trong mục: Danh sách các báo xuất bản tại Việt Nam, ở phần nguyệt san, người ta thấy có mấy tờ báo mà ở phần chủ nhiệm ghi là Phòng Thông Tin Mỹ. Đó là các nguyệt san: Hương Xa – chủ bút Nguyễn Công Phú, tòa soạn 150 Bùi Thị Xuân, Sài Gòn; Sáng Tạo – chủ bút Mai Thảo, tòa soạn 133B Ký Con, Sài Gòn; Thế Giới Tự Do – chủ bút Từ Ngọc Bích, tòa soạn 145 Nguyễn Huệ, Sài Gòn; Trẻ – chủ bút Nguyễn Thúc Dư, tòa soạn 145 Nguyễn Huệ , Sài Gòn. Trên tạp chí Sáng Tạo từ số 1 tới số 31 không thấy ghi giấy phép xuất bản, hoặc số Kiểm Duyệt. Tạp chí Sáng Tạo bộ mới do Mai Thảo làm Chủ Nhiệm, mỗi số báo đều có in Giấy phép kiểm duyệt. Như ở số 1 bộ mới ghi: K.D.số 289/U.B.K.D. ngày 29-6-1960; Ở số 7 bộ mới có ghi: K.D.số 445/U.B.K.D. ngày 7-9-61.” [ Dương Nghiễm Mậu – Thanh Tâm Tuyền, những người bạn và tạp chí Sáng Tạo (Chương 3 [phần 3,] https://litviet.wordpress.com )]

Tôi đã cố gắng kiểm chứng một số tin tức Dương Nghiễm Mậu nêu trên và có thể nói ông đã đúng. Ngoài ra, tôi còn có những nhận xét chính sau đây:

–  Địa chỉ Tòa soạn và Trị sự  của 31 số Sáng Tạo Bộ Cũ và 6 số-Bộ Mới được đặt tại Số 133 B, Đường Ký Con, Sài gòn nhưng đến số cuối-Bộ Mới (số 7) thì tòa soạn dời về Số 38, đường Phạm Ngũ Lão, Sài gòn. Đó là địa chỉ của Cơ sở Xuất bản Nguyễn Đình Vượng, sau này cũng là Tòa soạn tạp chí Văn với Thư ký Tòa soạn Trần Phong Giao, người đã gầy dựng tên tuổi cho nó.

–  Cũng như Dương Nghiễm Mậu có lần nhận xét, chữ Sáng Tạo-Bộ Mới đã được kẻ khác với Bộ Cũ. Lần này, Duy Thanh kẻ 2 thứ chữ Sáng Tạo khác nhau: một cho Số 1 và Số 2. một cho 5 số còn lại.

–  Ngoài Sáng Tạo, Dương Nghiễm Mậu còn nhắc tới Trẻ với chủ bút Nguyễn Thúc Dư. Tôi tìm thấy một tin tức tương tự, không về Mai Thảo, nhưng về Nguyễn Thúc Dư trong cuốn hồi ký của Nguyễn Đình Hòa. Tác giả viết như sau: “Nguyễn Thúc Dư’s boss, Graham Tucker, on charge of publications at USIS…/Graham Tucker, thượng cấp của Nguyễn Thúc Dư, chịu trách nhiệm về các ấn bản của Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ Hải ngoại …(U.S. Information Service)” (sđd, trang 140). Nguyễn Đình Hòa còn cung cấp thêm tên của 1 tờ báo ngoài báo Trẻ dưới sự trông coi của Graham Tucker: Đó là báo Gia Đình. Tôi không có cuốn Niên lịch Công Đoàn 1960-1961, nhưng tìm được hình bìa trong 1 bài viết của Thiếu tá Hồ Đắc Huân về Nguyễn Ngọc Linh. Ông được nhận bản copy cuốn sách này từ Đại tá Trần Ngọc Thống. Theo Niên lịch Công Đoàn 1960-1961, thì “chủ nhiệm Sáng Tạo là Bộ Thông Tin Mỹ” và “chủ bút Mai Thảo”.

Hồ Đắc Huân, “Tưởng nhớ Giáo Sư Nguyễn Ngọc Linh”, ngày 20.4.2017 http://m.viendongdaily.com/

Tôi sẽ cố gắng liên lạc với Đại tá Trần Ngọc Thống hay Thiếu tá Hồ Đắc Huân để xin bản sao của tài liệu này. Trong khi chờ đợi, đây là chứng cớ về “Chủ bút Từ Ngọc Bích”:

Dù vậy, cho tới khi nào được nhìn thấy bản hợp đồng giữa Graham Tucker/USIS và Mai Thảo hay Giấy cho phép Sáng Tạo xuất bản, tôi không thể kết luận được. Trên thực tế và nguyên tắc nguyên cứu, Mai Thảo vẫn là người “Chủ trương biên tập” như đã ghi trên Sáng Tạo-Bộ Cũ và đó mới là điều cần biết và quan trọng nhất. Theo một tài liệu tôi đã đọc, USIS không ảnh hưởng được, hay đúng hơn, không muốn can dự vào các tạp chí, báo chí, bản tin vv. do họ bảo trợ để thực hiện chủ trương biến USIS (United States Unformation Service) thành VIS (Vietnamese Information Service) qua các phương cách ngầm-nhưng-không lộ liễu để Việt Nam Cộng hòa không bị càng mang tiếng là “con rối” của “bọn đế quốc Hoa Kỳ” [ https://www.vietnam.ttu.edu].

Ngày nay, chúng ta Miền Nam đã chứng tỏ và có thể tự hào đã lập được một nền Văn học Cộng hòa tự do và độc lập dù có hay không viện trợ– song song với quốc gia Việt Nam Cộng hòa mà nền văn học này đã tồn tại trong đó–qua các nhật báo như Tự Do với Mặc Đỗ, hay tạp chí văn học như Sáng Tạo với Mai Thảo và Thế Kỷ Hai Mươi với “Giám Đốc”/luật sư Nguyễn Cao Hách & “Chủ trương Biên tập”/Khoa Trưởng Văn khoa Nguyễn Khắc Hoạch.

Sau nữa, tòa soạn của Sáng Tạo-Bộ Mới dời về nơi Nguyễn Đình Vượng là có lý do. Trong bài “38, Phạm Ngũ Lão”, Mai Thảo đã giải nghĩa một cách gián tiếp sự thay đổi đó [từ khi báo Văn còn Nguyễn Xuân Hoàng-Thư ký Tòa soạn]:

          -“[…] Chỉ nhớ là từ khá lâu trước số Văn ra mắt. Bấy giờ tôi đang cho in tờ Sáng Tạo, đâu ở nhà in Tia Sáng, đường Phát Diệm, của ông Nguyễn Trung Thành. Nhà in thình lình thầu được mấy món lớn, không in tiếp nữa, phải tìm nhà in mới. Một hôm, tôi mở coi mấy tờ báo, tìm một đọa chỉ ấn quán […] tình cờ cái tên Nguyễn Đình Vượng và con số 39 Phạm Ngũ Lão hiện ra trước mắt…” [Mai Thảo, Văn Số 194 & 195–Giai phẩm Xuân Nhâm Tý, trang 2 *Tài liệu của Lưu Đức, PA]

Địa chỉ này cũng là tòa soạn của Vấn Đề [từ số 22]-Vũ Khắc Khoan và Tuổi Ngọc-Duyên Anh. Nhân đây, tôi muốn đưa ra một nhận xét có vẻ lạc đề mà, may ra, được các nhà nghiên cứu về in ấn chú ý: Đó là tại các nhà in mà tôi có dịp tới tại Sài gòn, các người thợ sắp chữ đều là đàn ông con trai, nhưng sau khi báo in ra thì công việc “đóng gấp” lại thuộc về một đoàn quân con gái đàn bà. Người trẻ nhất mà tôi đã gặp là một thiếu nữ chỉ khỏang 14, 15 tuổi. Viên Linh có nhắc tới đoàn quân này ở đâu đó, tôi chưa có thì giờ lục ra; nhưng Mai Thảo đã viết trong cùng một bài: “Bây giờ là hiệp thợ đóng, gấp đàn bà con gái ngồi chấn từ thềm, tới ngưỡng….”[Mai Thảo, sđd, trang 2]

Vì công việc của họ, khi sắp chữ, người thợ phải đứng; nhưng khi gấp báo, người thợ thường ngồi từng hàng. Sau khi đã kể về kinh nghiệm với nhà in, tôi có thể, sau cùng, nhận xét về việc Mai Thảo nhầm Thanh Tâm Tuyền với một anh thợ xếp chữ trong lần gặp đầu tiên: Rất khó! Ngày nay, ngồi viết về Văn học Miền Nam, tôi không bao giờ quên số phận của những người thợ in và thợ gấp. Số phận của họ đứng sau ngay số phận của văn nghệ sĩ Miền Nam sau 1975.

Trong trường hợp Sáng Tạo-Bộ Mới, Mai Thảo đã dời được tòa soạn về Cơ sở Xuất bản Nguyễn Đình Vượng, nhưng tại sao không sống sót? Trừ Mai Thảo, không ai biết chắc, nhưng lý do của Trần Thanh Hiệp cần được cân nhắc với nhiều yếu tố.

Thứ nhất, Sáng Tạo là một tạp chí hầu như tuyền văn học nghệ thuật. Thứ hai, thành viên của Nhóm chỉ trích Tự Lực Văn đoàn mà Nhất Linh–một trong 2 con chim đầu đàn, người kia là Khái Hưng–sau này sẽ phải tuẫn tiết chỉ trước khi bị chính phủ Ngô Đình Diệm truy tố tại tòa án. Thứ ba, có lẽ ông Hiệp đã quên một chi tiết hết sức quan trọng: Bản thông điệp của Tổng- thống Ngô Đình Diệm nhân ngày Thánh-Đản Đức Khổng Tử (28-9-1960) đăng trên Sáng Tạo -Bộ Mới số 4, tháng 10. 1960. Theo Dương Nghiễm Mậu:

          -“Về nội dung, thông điệp được đưa ra là để tưởng niệm Khổng Tử, và nội dung nhắc lại những tư tưởng của Khổng Tử. Bản thông điệp được in ở bìa 3 của tạp trí, trang bìa thường dùng để giới thiệu sách báo, trả lời thư bạn đọc…” [Dương Nghiễm Mậu, Dương Nghiễm Mậu – Thanh Tâm Tuyền, những người bạn và tạp chí Sáng Tạo (Chương 2 [phần 2], https://litviet.wordpress.com) ]

Tôi có thể cho ông Hiệp biết thêm vài chi tiết trích nguyên văn từ bản thông điệp đó như sau:

          -“Đồng bào thân mến: […] ta phải bình tĩnh nhận định tình thế, hơn là để cho Phong Thực Cọng lợi dụng lòng dễ tin dễ nghe mà tuyên truyền xuyên tạc làm suy yếu tinh thần và lực lượng quốc gia dân tộc […] Vậy, đừng để đối phương lũng đoạn tinh thần, đừng để tâm trí xao lãng ra ngoài nhiệm vụ, tất cả các cấp dân quân chính mỗi người trong phạm vi công tác của mình phải tập trung ý chí và khả năng vào việc xây dựng một đời sống mới cho dân tộc…” [Tổng thống Ngô Đình Diệm, sđd, Tháng 10.1960]

Nếu ông Hiệp vẫn chưa nhớ ra, tôi có thể nhắc thêm, rằng đây là số Sáng Tạo có chủ đề “Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam” và ông Hiệp còn có bài “Giữa hai người” [trang 98-99, sđd].

Sau chót, thứ tư, nếu ông nói thay cho Tô Thùy Yên, tôi cần bằng chứng vì Tô Thùy Yên từng có mấy câu thơ này vào tháng 8.1957: Còn tôi làm thơ theo ý riêng tôi nghĩa là dịch thuật tâm hồn nghĩa là nói về con cháu chúng ta / Nghĩa là ngợi ca loài người hiền hậu / Nghĩa là thúc giục đám đông nổi loạn chống cường quyền…[Tô Thùy Yên, “Tôi”, Sáng Tạo-Bộ Cũ, Số 11, trang 45] Tôi cần bằng chứng cụ thể là Tô Thùy Yên đã “im lặng” trong khi chỉ vài năm trước đó, đã thúc giục đám đông nổi loạn chống cường quyền!

Như thế, căn cứ trên những tài liệu trên, có hai trường hợp có thể xẩy ra. Có thể Sáng Tạo-Bộ Mới chỉ được trợ cấp tới chừng đó. Ngược lại, cũng có thể đã không có trợ cấp mà lại không bán báo được–vì toàn những tác giả không có độc giả– thì phải đình bản vĩnh viễn, có gì là lạ, cần gì phải phóng đại tô màu một cách coi thường độc giả đến thế? Bây giờ không ai phủ nhận được giá trị của Sáng Tạo, nhưng hơn 60 năm trước đây, cái lối đả kích khiến mích lòng độc giả ái mộ Tự Lực Văn Đoàn, làm thơ “hũ nút” như Hà Thượng Nhân chê thơ Thanh Tâm Tuyền hoặc cái lối “tôi” thế này, “tôi” thế kia của Tô Thùy Yên mà không thấy hành động nhỡn tiền vv. quả có dự phần vào việc không bán báo được.

Tựu chung, tôi không nghiên cứu về tờ Sáng Tạo và Nhóm Sáng Tạo mà còn biết đến thế thì ông Hiệp sẽ phải cần nhiều tài liệu hơn nữa, phải xuất trình lời chứng từ đa số thành viên của Nhóm mới mong chứng minh nổi cho cái sự gieo tiếng dữ, rất đao to búa lớn rằng, Sáng Tạo– không- những- đã- phải -đình -bản- vì- áp -lực -từ -chính- phủ -VNCH-mà-còn-rất-quân-tử-Tầu-giữ-sự-im-lặng-để-khỏi-hổ chàng hổ thiếp. Ôi, nếu có cũng không có gì là ghê gớm lắm đâu: Mặc Đỗ từng công khai cho biết về việc ông và Vũ Khắc Khoan phải quyết định đóng cửa nhật báo Tự Do khi bị chính phủ Ngô Đình Diệm toan ảnh hưởng vào vì Tự Do bán rất chạy. Nhân chứng Trùm Mật vụ Trần Kim Tuyến– di tản sang Luân Đôn sau 1975 và vẫn xướng họa với Mặc Đỗ– chỉ định Phạm Việt Tuyền điều hành tờ báo này sau khi nhóm Mặc Đỗ bỏ trống. Tôi sẽ nói thẳng điều này: Cho đến khi trưng ra được tài liệu cụ thể, ông Hiệp không nên nhân danh cả nhóm để phát biểu những điều có thể tai hại cho Sáng Tạo. Làm báo là một nghệ thuật. Đừng đòi hỏi (hay tưởng nhầm) rằng những điều mình viết là Tử viết vì vấn đề sinh tử của mình có khi không bao giờ là chuyện sinh tử của bạn mình, nói chi tới độc giả? Bán được báo–đúng nghĩa in ấn và phát hành đàng hoàng– khó lắm chứ. Cứ hỏi hải nội chư quân tử làng báo bán trong ngoài nước là biết ngay.

Họa sĩ Thái Tuấn, Nhóm Sáng Tạo và Thư ký Tòa soạn Nguyễn Tà Cúc, Tòa soạn Khởi Hành, Santa Ana, California

Cuối cùng, nhiều danh ngôn ngoại quốc rất khó áp dụng vào các vấn đề của chúng ta. Trước hết, lời tuyên bố của ông Hiệp “Chúng tôi không theo đuổi, không về hùa với những kẻ làm chính trị chống cộng để cầm quyền” vv.  là một câu hết sức thừa.  Văn nghệ sĩ Miền Nam chống Cộng có bao giờ “về hùa với những kẻ làm chính trị chống cộng để cầm quyền”?! Thậm chí, họ còn nhận giúp đỡ từ Hoa Kỳ hay Quốc tế như Mặc Đỗ, như Mai Thảo và có thể cả Nguyên Sa và Nguyễn Khắc Hoạch, nhưng họ đã chứng minh không bán linh hồn cho…đế quốc.

Sau nữa, ông Hiệp ám chỉ ai trong câu “Vì chúng tôi nhờ linh tính đã không thể đánh giá cao đạo đức cũng như khả năng của những nhân vật giữ vai trò lãnh đạo“? Về Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp lãnh đạo cao như 5 vị tướng đã tự sát hoặc cấp nhỏ như Lữ đoàn trưởng Nguyễn Xuân Phúc và binh lính mất tích trong những ngày cuối của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Về chính phủ Việt Nam Cộng hòa, tôi chỉ cần đưa một thí dụ về luật sư Trần Văn Tuyên (1913-1976)– đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng kiêm chính trị gia–, một người cùng nghề với ông Hiệp. Cuộc đời hoạt động của Trần Văn Tuyên rất dài, tôi chỉ xin đơn cử vài thí dụ sau đây.

Ông là đại biểu trong Hội đồng Soạn thảo Hiến Pháp (1964) và giữ chức  Phó Thủ tướng Đặc trách Kế hoạch cho nội các của Phan Huy Quát. Sau đó, ông được bầu làm trưởng khối Dân-Tộc Xã-Hội trong Hạ-Viện khi đắc cử Dân Biểu Quận Ba từ năm 1971. Ngoài ra, ông còn là Thủ lãnh Luật sư đoàn Việt Nam Cộng Hòa. Ông từ chối lời mời được di tản của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Bị đưa ra Bắc sau 1975, LS Tuyên ngã xuống hôn mê trong trại giam Hà Tây, tức Hà Sơn Bình, vào buổi sáng ngay trước khi sửa soạn bị đấu tố về hoạt động đảng phái và chính trị. Ông qua đời khoảng 1 ngày sau đó vào cuối tháng 10, 1976. Một người tên Hùng, cùng trại giam, đã thuật lại sự chôn cất bi thảm như sau: “Còn cái hòm quan tài thì thật thảm hại, bằng gỗ tạp bào sơ sài, bên ngoài được quét một lớp nước đỏ không phải là sơn, lại hà tiện gỗ nên chật hẹp phải đặt Trần Văn Tuyên ngoẹo đầu gập chân mới đậy được nắp áo quan…” [Bác sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, “Tấm gương bất khuất”, Thế Kỷ 21 Số 210, trang 53, Tháng 5. 2006]

Còn ai có “những ứng xử thấp kém diễn ra ở hải ngoại”?  Tôi muốn cho riêng ông Hiệp một thí dụ ngược lại nhưng rất quen thuộc: Đó là Trung tá Không quân Trần Tam Tiệp, người đảm nhận Trưởng Ủy ban Nhà văn-bị cầm tù, Trung Tâm Văn bút Việt Nam Hải ngoại trong một thời gian rất dài (1979-1995). Ông là người viết thông báo yêu cầu các nhà xuất bản hải ngoại phải trả tiền bản quyền cho tác giả Miền Nam đang bị giam hay đã di tản ra ngoại quốc. Sau khi một trong những đường dây giúp văn nghệ sĩ bên nhà bị vỡ, đưa người liên lạc và một nhóm văn nghệ sĩ Miền Nam vào tù, Trần Tam Tiệp không bao giờ giao trọn vẹn hồ sơ cho bất cứ ai. Ông lẳng lặng rời Trung Tâm Văn bút VN Hải ngoại bắt đầu từ nhiệm kỳ của Nguyễn Ngọc Ngạn. Linh mục/học giả Thanh Lãng và nhà văn Thụy Vũ là một trong nhiều người được trực tiếp cứu trợ. Nhà thơ Nguyên Sa, một trong 3 người sáng lập TT Văn bút Việt Nam Hải ngoại, cũng đã chính thức đề cập đến vấn đề bảo mật trong cuộc họp Đại hội Đồng khoảng 1995 tại California, khiến Trần Tam Tiệp trở thành người duy nhất giữ trọn hồ sơ đó. Tại sao tôi biết rõ như thế? Vì tôi được Nguyên Sa và Viên Linh cảnh giác khi nhận Ủy Ban -Bị cầm tù sau khi Trần Tam Tiệp lâm bệnh nặng. Tôi đã được đọc thư  viết tay của Trần Tam Tiệp gửi Chủ tịch Viên Linh vào khoảng năm 1995 xác minh về hoàn cảnh khác thường của Ủy ban này.

Từ đó, tôi trở thành người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Trung tâm (1979-2000) thay Trần Tam Tiệp nên, bởi thế, cũng đã bị tấn công tàn nhẫn và đê hạ vào tư cách phụ nữ ấy. Tôi đã phải trả một cái giá được ghi nhận bằng rất nhiều văn bản, bài báo và nhân chứng suốt 6 năm. Nhưng tôi không hề ngưng sáng tác hay hoạt động văn nghệ vì không phí thì giờ than thân trách phận “Ai đưa tôi đến chốn này/Bên kia là kiếm, bên này là đao”. Trái lại là đằng khác:          

Tôi càng muốn chứng minh phụ nữ như chúng tôi rất xứng đáng vì có cả kiếm lẫn đao ngay chỗ gió tanh mưa máu với bản lãnh để hoàn tất trách nhiệm. Bởi thế, tôi rất thiếu kiên nhẫn với loại tự-dương-danh như ông Hiệp. Hoạt động chống áp bức dưới bất cứ hình thức nào hay đưa ra một lối sáng tác hoặc khám phá mới là đã nên sửa soạn tự chống đỡ trước làn sóng tấn công, có hay không ác ý, nếu cảm thấy cần thiết. Ngày nay, ngồi trong nhung lụa tại ngoại quốc mà trách móc “những người lãnh đạo” vô tài, đồng minh Hoa Kỳ hay bọn vô lại chữ nghĩa tại hải ngoại nhắm ra vẻ holier than thou/ “So bề tài sắc lại là phần hơn” thì tôi chê là ngụy biện, là không xứng đáng chút nào với 20 năm Việt Nam Cộng Hòa và sự hy sinh của bao nhiêu binh sĩ,  người khác trong tù, trên biển và còn tiếp tục. 

Bởi thế, trong trường hợp này, chính anh em Nhóm Sáng Tạo đã vào tù thì điều hay nhất mà ông Hiệp có thể làm được là vinh danh họ bằng cách nghiên cứu về tác phẩm, chứ không phải sơn son thếp vàng một quá khứ dù hay dù dở bằng cách nhân danh họ một cách rất khả nghi.  

 (còn tiếp)

Nguyễn Tà Cúc
10-2019
 

Ghi Chú:
Đầu ta như chiếc đầu lâu cổ: Hãy nói dùm Tô Thùy Yên “một đời thất sắc”

* Em ơi đừng đành đoạn/ đừng lặng thinh miết/ hãy kể dùm qua một đời thất sắc,http://www.gio-o.com/NguyenTaCucToThuyYen2.htm

** [William Blake (1757-1827), The Complete Poetry and Prose of William Blake: With a New Foreword and Commentary by Harold Bloom – Chủ biên: David Vorse Erdman, Harold Bloom giới thiệu, Nhà xuất bản University of California Press, Berkeley,  Tái bản, 2008, trang 578]

Nguồn: http://www.gio-o.com/HoLieu/NguyenTaCucToThuyYen3.htm

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận