Họa sĩ Duy Thanh, Những ngày còn “sáng tạo” [2]
1. Miền khuyết sử: Giọt tối phiếm du/miền khuyết sử, Thanh Tâm Tuyền
1.1.2 Mang lời thề lên miền sơn khê/từng đêm địa đầu hun hút gió sâu – Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh/ca sĩ Nhật Trường (trích đoạn 2)
cuối cùng,
nhiệm vụ người chép sử tương lai
mới cứu rỗi nhà thơ Tô Thùy Yên,
dù ông có thể không công nhận.
ông đã bỏ mộng
thúc giục đám đông nổi loạn
chống cường quyền.
sau khi nhìn lại,
ông còn gì đáng kể với văn chương?
ngoài mấy bài thơ trước 1975 và
Ta Về, Mùa Hạn, Tàu Đêm, Nỗi Đợi
ghi lại một phần lịch sử Miền Nam
sau khi bị Cộng sản chiếm?
Nguyễn Tà Cúc
(xem nguyên bài tại đây)
Chiến tranh Việt Nam in đậm trong Văn Học Miền Nam và Tô Thùy Yên không phải là một trường hợp ngoại lệ.
Phần hiện hữu của Tô Thùy Yên như một người lính và hậu quả của đời lính đó, đều đặn hiện ra khi tỏ khi lu, nhưng không thể từ chối được. Do đó, rất khó để kết luận một cách rất giản dị và ung dung như Ý Nhi đã quả quyết: “Chắc chắn, nếu không có cuộc ‘khai giải’ trong tâm tưởng ấy, không có cuộc khai giải tự lòng mình ấy, không thể có hình ảnh người tù…” [Ý Nhi, sđd]
Thú thật, tôi rất muốn mà chưa được thuyết phục vì hai bài thơ thượng dẫn khác nhau xa, cả từ hoàn cảnh chiến tranh, hậu quả sau chiến tranh lẫn ý nghĩ của tác giả lúc đó. Điểm nổi bật ở đây: Hai người lính thù địch đại diện cho hai vị trí cá nhân nhưng cân bằng lực lượng cũng cá nhân trong Chiều trên Phá Tam Giang. Ngược lại, Ta Về nghiêng hẳn theo vị trí sinh sát của một tổ chức nắm quyền tuyệt đối trên một tập thể bị-sinh sát trong đó có tác giả. Ở trường hợp thứ nhất, cái chết của bất cứ bên nào cũng có thể kết thúc cuộc gặp gỡ không do họ quyết định. Ở trường hợp thứ hai, sự tàn phá vượt qua cái chết Ở đây địa ngục chín tầng sâu/Cả giống nòi câm lặng gục đầu/ Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt,/Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau hay những sự kiện như Cho đeo bảng dong đi khắp phố/Bắn bỏ bên đường, cấm nhận thây là những sự kiện thuộc về lịch sử.
Khi đọc Chiều trên Phá Tam Giang, đó là tôi đọc Thiếu Tá Tâm Lý chiến Tô Thùy Yên–mặc quân phục, đeo lon, đội mũ sắt, ngồi trên trực thăng–làm thơ. Thế nên hai chữ “bay là” trong Chiếc trực thăng bay là mặt nước thật đắc vị. Máy bay phản lực thì không cách gì “bay là” được, trừ phi bị trúng đạn rồi cố “bay là mặt đất”. Tôi đã được phép tháp tùng Thiếu Tá Bộ Binh V. Kh.–người hùng Rừng Sác, cao 1m80, có đôi mắt rất đẹp mà bọn tôi gọi đùa là “mắt phượng”, sau 1975 bị chính phủ Cộng sản giam hơn 10 năm, hiện định cư tại Miền Đông Hoa kỳ–trên một chiếc trực thăng khoảng năm 1973. Tôi còn đã “quá giang” một chuyến máy bay quân sự, (nghe đâu) bị bắn trúng và phải quay lại đáp xuống khẩn cấp, nên có thể bàn về 2 trường hợp này. Tôi còn nhớ cảm giác lúc ấy: Chiến tranh tràn ngay vào một khoảng không gian rất nhỏ trong trực thăng. Hãy tưởng tượng đang ngồi trong một khối sắt rỗng, đại diện cho nền văn minh cơ khí; với tiếng động của cánh quạt và súng đạn ngay bên cạnh, đại diện cho nền văn minh phá hủy. Tôi không phải người yếu bóng vía vì đã tới những nơi giao tranh có giao thông hào nhưng lập tức nghĩ ngay đến một cách chết, hoặc rơi từ trên độ cao vô cùng xuống độ sâu thăm thẳm; hoặc vì bom đạn bất dung hệt như Tô Thùy Yên đã có cảm tưởng. Sự mỏng manh của con người da mềm thịt nóng trực diện với nỗi chết bằng sắt lạnh theo tốc độ trong một tích tắc. Nghĩa là tác giả của nó đã làm thơ từ một phần sống khi mặc áo lính.
Bài Chiều trên Phá Tam Giang cũng bầy tỏ sự bất lực của con người dù chân thành tới đâu trước một thiên nhiên bất biến hầu như thách đố sự trực diện sống mái giữa 2 kẻ thù nghịch. Bài thơ này xuất hiện năm 1974 trên Thời Tập của Viên Linh nhưng tháng năm ghi dưới bài thơ–cả trong cuốn Thơ Tuyển, Hoa Kỳ, Thu 1995–là tháng 6, năm 1972.
Lúc ấy, ván cờ chưa ngã ngũ. Quân đội Việt Nam Cộng hòa, với sự hỗ trợ của Không quân và đầy đủ đạn dược với sự hợp tác của dân chúng, đã phản công vào năm 1972 trên nhiều mặt trận, khiến đoàn quân hùng hậu của Tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tham mưu cùng xe tăng, đại pháo bị tan tành không còn mảnh giáp. Riêng trận An Lộc đã kéo dài khoảng 3 tháng, bắt đầu tháng 4 và chấm dứt vào đầu tháng 7. 1972. An Lộc vẫn đứng vững. Lần tấn công và bại trận một lần nữa của Miền Bắc sau vụ Mậu Thân cho thấy sự thắng thế của họ vào 3 năm sau (tháng 4 năm 1975) không nhờ sức mạnh hay tài điều quân khiển tướng mà giản dị chỉ nhờ Miền Nam đã bị trói tay khi không còn vũ khí đạn dược.
Nếu căn cứ trên Thời Tập, bài thơ này dài khoảng 4 trang, trong đó có hẳn 1 trang về một người tình tại Sài Gòn. Ông không phải là một người lính hiện dịch, nhưng cung cách vẫn là của một người lính chuyên nghiệp trong 12 năm “ở lính”. Như đã chứng minh, Nguyễn Bắc Sơn đã đi trước và được xem như nhà thơ của Chiến tranh Việt Nam. Tô Thùy Yên nhận xét về thơ chiến tranh của ông như sau: “Tôi có làm vài bài thơ về chiến tranh và những bài thơ đó thật sự chẳng nói được bao nhiêu so với những điều tôi đã thấy và muốn nói” [Nguyễn Mạnh Trinh thực hiện, “Nói chuyện với Tô Thùy Yên”, Hợp Lưu số 24, trang 168, Tháng 8&9. 1995-Chủ biên: Khánh Trường & Phụ tá: Phan Tấn Hải]
Kế đó, khi đọc Ta Về, đó là tôi đọc người tù Tô Thùy Yên làm thơ. Gần đúng 13 năm sau Chiều trên Phá Tam Giang. Tháng 7.1985, Tô Thùy Yên trở lại với Ta về. Mười năm tù. Rã rời. Không còn ảo tưởng về một cuộc cầm cự bất phân thắng bại. Cuộc đối đầu đã phân định ai nắm sinh mạng ai. Cuộc sinh tồn thảm thiết trong tù và ngoài tù Đã mấy năm quằn quại đói thay đổi giọng thơ từ một người hầu như bất cần sống Chuyện cũng thành vô ích, tới một kẻ nuối tiếc quá khứ Mười năm, cây có nhớ người xa, tri ân sự sống long lanh trên từng sinh mạng quanh mình. Ta Về dành cho chính ông sau khi đã đối mặt chủ nghĩa Cộng sản trên thực tế, không cần phải tưởng tượng nữa. Ông đã học bài đó, sau khi “tai ương” (nhân tạo!) — mượn lời “con oanh học nói trên cành mỉa mai” Ý Nhi– ập xuống, không chỉ cho riêng ông mà cho toàn dân Miền Nam. Ở Chiều trên Phá Tam Giang, cùng lắm thì chỉ thân ông thiệt mạng. Nào có chi đáng kể. Sau 1975, cái tai ương nhân tạo ấy đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng và cả triệu triệu người khốn đốn, neo lại một chấn thương dân tộc đến nay vẫn chưa giải quyết xong và hằn một vết sẹo khi ông tự tử không thành lên cườm tay Tiếng rú hãi dung nham lũ đọng trong chàng một vùng sẹo bất an.
Bởi thế, ông có thể thay đổi nhân sinh quan từ một người lính kiêm một nghệ sĩ chiến đấu chống Cộng Sản sang một nhà thơ an phận không rao giảng chống cường quyền hay không thể “kiểm duyệt” Thành phần Thứ Ba nữa. Chính vì thế, tôi cảm thấy rất khó mà liên kết hai (trong nhiều) bài thơ thượng dẫn giúp phần tôn vinh nhà thơ thành hành giả-kiêm tri cảm của một người lớn (một- người -lớn?!) kiêm một nhà thơ lớn. Ông chỉ có thể Giải oan cho cuộc biển dâu này cho bản thân. Cuộc biển dâu của bao nhiêu sách vở hay tác giả Miền Nam thì sẽ không bao giờ giải oan được. Hai bài thơ đó cũng không thể tẩy trắng hết những “tai ương” gieo trên Miền Nam. Và không chỉ từ người lãnh đạo Cộng Sản mà đừng quên rằng còn cũng từ một số người tập kết, nằm vùng. Họ cùng nhau chia phần làm thực dân mới trên toàn Miền Nam, từ kinh tế, đất đai, giảng đường đại học tới diễn đàn văn nghệ.
Tôi chỉ cần đưa một thí dụ: Ai đã thay thế Linh mục Thanh Lãng tại Đại học Văn Khoa? Đã chiếm Đại Học Văn Khoa? Đã ngăn ông giảng dậy và soạn sách trong bao nhiêu năm, cho tới khi ông qua đời? Đã trầm hà bao nhiêu tác phẩm và tài liệu nghiên cứu của ông? Vâng, tôi chẳng cần giấu giếm mà đặt những câu hỏi này cũng để tưởng nhớ một vị thầy tận tụy và lỗi lạc. Thanh Lãng đặt tên cho tôi là Nguyệt Lãng, rồi hết lòng hướng dẫn vào ngành phê bình một cách gián tiếp dù không học Văn Khoa. Giáo sư Hoàng Như Mai, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dậy Văn học thuật lại nguyên văn lời thê thiết của Thanh Lãng sau nhiều năm bị đẩy sang một lãnh vực khác:
-“Tôi khi ở Pháp chỉ chuyên nghiên cứu văn học Việt Nam; về nước, tôi dồn tất cả công sức vào công việc viết sách và đào tạo sinh viên Văn khoa. Nhưng 14 năm qua, tôi không có điều kiện làm văn học nên sang làm ngôn ngữ học. Nay quý anh gọi tôi ra làm văn học chẳng khác nào đã chôn dưới đất lại được moi lên, quý anh cần dùng vào công việc gì tôi xin tận lực.” [Thanh Lãng, 13 năm Tranh luận Văn học, “Lời nói đầu-Giáo sư Hoàng Như Mai”, Nhà Xuất bản Văn Học, Sài gòn, 1995]
Nhà nước Cộng sản đã thành công trong việc xóa tan dấu vết của Thanh Lãng, một nhà biên khảo và phê bình, hoạt động văn hóa xã hội lừng danh của Miền Nam. Ngày nay, rất khó tìm được tin tức của ông hay về ông. May mắn thay, sách biên khảo của ông đã được nhiều người tại hải ngoại cho lên mạng, nhưng tiểu sử tác giả thì vẫn còn thiếu. Ngay cả ngày qua đời của ông cũng bị viết nhầm. Điều cay đắng và đau đớn ở đây là tất cả những điều đó đã xẩy ra cho một người từng tố cáo Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa hầu cứu vớt những cán bộ văn hóa nằm vùng, nghĩa là rất lịch sự với Miền Bắc. Chỉ một câu hỏi ấy thôi đã quá đủ.
Bởi vậy, tôi muốn lập lại: Đừng lãng mạn hóa văn chương khi ngay chính văn chương là nạn nhân. Cũng đừng nhập nhằng tình huynh đệ thế giới hay tình nhân ái nhân loại với tội ác Cộng Sản. Tô Thùy Yên đã phát biểu như sau tại Tòa soạn Khởi Hành-Bộ Mới, 2004:
-“Những người như Dương Thu Hương, Trần Độ chỉ muốn làm chế độ đẹp hơn, xây cái nhà Cộng sản cho hấp dẫn hơn để dụ người khác vào, chớ chẳng phải là phá xập nó đi, mà theo họ là lầm. Dĩ nhiên khi mình đứng ngoài căn nhà Cộng sản đó khi thấy họ chống đối thì cũng phải vỗ tay nhưng đừng nhầm phản kháng Cộng sản với family squabbles…”
Thế nên, viết về một nhà thơ rất phức tạp như Tô Thùy Yên không phải dễ, nhưng giải mã được các mâu thuẫn hay biến chuyển theo từng giai đoạn thượng dẫn cho công bằng sẽ là bước đầu cho một thành công không nhỏ của bất cứ ai muốn nghiên cứu riêng Thơ ông. Ngoài ra, Bút ký chiến trường & Văn cùng 3 tập thơ do tác giả phát hành sau 1975, bên cạnh tiểu sử quân nhân song hành với nhà thơ, sẽ giúp giới phê bình tương lai quyết định vị trí của ông trong Thơ Miền Nam một cách chính xác. Sự chính xác ấy sẽ tùy thuộc phần nào vào tiểu sử với Cục Tâm lý chiến, nghĩa là với Quân lực cùng vô số binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh cho một nền văn nghệ từng nuôi dưỡng nhà thơ. Phần Tiểu sử ấy không dễ gì bỏ qua, thí dụ như truyện ngắn “Người bạn đồng hành”. Ông ca ngợi người lính Việt Nam Cộng hòa có “nét thần thánh của một pho tượng Hy La” qua nhân vật “hắn” (học cao đọc rộng) khoảng 23, 24 tuổi trên một chuyến xe đò về Sài gòn. Giữa đường, hành khách bị một nhóm Việt Cộng chặn lại khám xét. Nhân vật “hắn” tuy không mặc áo lính kèm một căn cước giả, nhưng rơi vào bẫy của gã trưởng toán Việt Cộng nên bị lộ. Đoạn kết của truyện như sau:
“[…] Viên sĩ quan vẫn bình thản, thật khó lòng đoán được hắn đang nghĩ gì lúc đó. Thỉnh thoảng một vài gã Việt cộng lại đến đứng trước mặt chúng tôi lên đạn rắc rắc. Có tiếng một bà cụ già lâm râm khấn vái Phật Trời cho tai qua nạn khỏi. Thời gian bất tỉnh trong sự chờ đợi hãi hùng. Bỗng gã trưởng toán Việt cộng bất thần hô to như một tiếng sét ran: ‘Nghiêm’. Hành khách không hiểu chuyện gì, phản ứng lại bằng sự ngơ ngáo. Duy có viên sĩ quan giựt mình vì tiếng hô đó, và như một cái máy, đứng dụm đôi chân lại, hai chiếc giày đánh cụp vào nhau. Cử động chớp mắt đó không thoát khỏi cái nhìn chờ đợi của gã trưởng toán. Gã bước sấn lại gần người thanh niên, mỉm cười tinh quái và vỗ vai khen: Đúng là một quân nhân kiểu mẫu. Rồi gã đẩy hắn ra khỏi hàng. Hai tên khác xông lại chỉa súng vào người hắn. Gã trưởng toán hỏi với một giọng đắc chí, bề trên ‘Cấp bực gì?’ Tôi nghe như một khối nặng đè lên lồng ngực. Người thanh niên ngẫm nghĩ không lâu rồi đáp, giọng chắc nịch: ‘Thiếu úy’. Lúc nói, hắn đứng thẳng người, mặt hơi ngửng lên và ánh sáng đỏ thẫm cuối cùng của buổi chiều vỗ vào mặt hắn những đường nét thần thánh của một pho tượng Hy La. Trong đời tôi, tôi chưa từng gặp người trai trẻ nào đẹp như hắn chiều hôm đó.” [Tô Thùy Yên, “Người bạn đồng hành”, Văn Nghệ, Số 18, trang 37-38, Tháng 11.1962-Chủ nhiệm Lý Hoàng Phong]
Đó cũng là quân nhân Tô Thùy Yên, người tường thuật về “Trận đánh mở màn Chiến dịch Đông Xuân” của Việt Cộng tại Lộc Ninh vào năm 1967. Lần khác, trong quân phục Việt Nam Cộng hòa, ông cùng nhà văn-phóng viên chiến trường Dương Nghiễm Mậu tới thăm Thới Bình, U Minh Thượng, Cà Mau vào khoảng 1965-1966:
Lộc Ninh rồi U Minh, tương tự như huyện Thới Bình, U Minh Thượng… mang danh các đấu trường giữa toán Việt Cộng võ trang với viên sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa trẻ tuổi. Những địa điểm hẻo lánh khác, đại diện không chỉ cho chiến tranh Việt Nam, mà còn đại diện cho Văn học Miền Nam ở hai điều Đảng Cộng sản không muốn nhắc đến. Thứ nhất, sự thất bại trong việc lôi kéo người dân về phía họ. Họ tràn tới đâu, người dân bỏ chạy tới đó dù có đắp mô phục kích hay bắn xả vào. Thứ hai, Văn học Miền Nam chứa rất nhiều tác phẩm chống Cộng Sản từ nhiều văn nghệ sĩ quân nhân. Nhóm Sáng Tạo không phải là nhóm duy nhất hội đủ 2 điều kiện này.
Theo tôi, bức thư gửi nhà văn Miền Nam tỵ nạn tại hải ngoại của Chủ tịch Hội Nhà Văn Hữu Thỉnh và bài “Thức cho xong bài thơ” về Tô Thùy Yên của nhà thơ Ý Nhi có khác gì nhau lắm đâu. Theo tôi, họ lại còn rất giống nhau ở chỗ cố tình hay vô ý đồng hóa thảm kịch của dân Miền Nam trong tay Chính quyền Cộng sản thành những bi kịch cá nhân.
1.1.3 Chinh chiến quả là thêm tiếc hận/Hòa bình liệu có hết thương đau – Nguyễn Sỹ Tế
Mọi tác phẩm, gồm cả hồi ký của thường dân, ghi lại chính sách của Cộng Sản dành cho dân Miền Nam sau 1975 thì không chỉ chứa đựng kinh nghiệm riêng của tác giả nữa. Khúc hát Gia Trung (Nguyễn Sỹ Tế-Ông bị giam tại Gia Trung, trại tù dành cho quân cán chính VNCH sau 1975), hay các bài Mùa Hạn, Nỗi Đợi đều ghi lại dấu vết một thời đại trong lịch sử nước nhà. Đó là lý do khi đọc những bài như bài thượng dẫn của Ý Nhi, tôi vẫn cảm thấy có mấy điều không ổn. Có lẽ điều-không-ổn ấy nằm ở chỗ đã bàn đến: Tô Thùy Yên không chỉ có Thơ, và không chỉ cầm bút mà còn cầm súng.
Khi mới quen, Tô Thùy Yên và tôi đều có một ấn tượng rất mù mờ về nhau. Khi ông có vẻ đối xử với tôi như một thiếu phụ tập tễnh vào văn nghệ nên dễ bị rù quến bằng lời thơ, tôi phải “cảnh cáo” bằng cách thuật lại kinh nghiệm về chiến tranh. Tôi đã ghé qua những thành phố bị tàn phá, nhìn thấy những hố bom ngập nước, yên lặng trước xác đàn bà trẻ con gục chết trong hầm. Vài lần, có mặt ở xã ấp xa xôi, thức cả đêm nghe tiếng khóc rú của vợ con người lính khi nghe tin chồng cha tử trận. Tôi lại có một thứ ác-cảm-phản-xạ với các anh thi sĩ “dài lưng tốn vải ăn no lại làm thơ” phó mặc chuyện kiếm tiền cho người khác. Tôi càng không thuộc loại người vợ hiền-kiêm người mẹ hiền- kiêm Bà Bồ Tát càng [giả vờ] hiền hơn hầu phục vụ các ông nhà thơ. Vì lỡ thi sĩ Bùi Giáng mà biết được cái kiểu Mẹ-Con ấy mà giáng cho 2 câu: Con về giũ áo đười ươi/Nực cười …Tà Cúc ngậm ngùi mẫu thân thì hết đường làm thơ Anh sẽ vì em làm thơ tình ái [Trần Thiện Thanh]
Phần tôi, tôi cứ tưởng ông thuộc loại lính kiểng nên … khinh thường ra mặt. Một người như tôi, từng nhẩy lên trực thăng không cần đỡ và từng thoát thân khỏi một chiếc máy bay bốc khói khét lẹt, thì rất khó mà bị qua mặt như các “nàng thơ” đầu 2 thứ tóc mà vẫn tin Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng (Nguyễn Bính). Ông hiểu ra nên kể cho tôi nghe mấy lần “đụng trận” có lẽ suýt chết. Khi không còn “đụng trận” ở chiến trường, ông vẫn “đụng trận” tại một nơi khác: Cuộc chiến tuyên truyền. Đó chính là nơi ông đã “kiểm duyệt” Trịnh Công Sơn một cách rất khéo léo.
Bài thượng dẫn của Ý Nhi còn là một trường hợp điển hình khi xây dựng hình ảnh Thơ của ông một cách quá giản dị bằng cách “bình giảng” theo những câu thơ được chọn sẵn hầu phù hợp với một tiêu đề nào đó. Như tiêu đề thứ 3:
-“3. Câu thơ soi mệnh viết mà khóc
Vào năm 1972, trong bài thơ Bất tận nỗi đời hung hãn đó, nhà thơ từng cầu ước được một lần thấu suốt Định mệnh của mình, được một lần nhìn thấy toàn cảnh những con đường mình sẽ đi. Nhưng, vẻ như, ông đã không được toại ước, không thể biết rằng, chỉ vài ba năm sau đó, đã phải đặt chân lên đoạn đường tàn khốc của đời mình: “Đất ta, ta giẫm mà ghê chân”… Đó là thời của những Mùa hạn: mùa hạn của trời đất, mùa hạn của thể xác, của tâm tưởng […] Có thể vị Hành giả đã không thể hiểu hết những dòng lược sử của mình (Thoáng nhớ có lần ta đọc trộm / Lược sử ta trong bí lục nào / Văn nghĩa mơ hồ không hiểu trọn / Thiên thu lóe tắt vệt phù du) để biết được rằng: Định mệnh buộc người phải trải qua những khổ nạn này, như một thử thách. Một lò luyện. Nhưng, ông đã đi qua, tự giác đi qua. Với con người ấy, những oan khiên, những mất mát, những khổ lụy của cá nhân không làm lụi tắt tình yêu thương bất tận với đồng loại, không làm lụi tắt nỗi lo âu nhân thế. Chính trong cái Mùa hạn kinh hoàng ấy, trong cảnh tù đày khốn khổ ấy, những câu thơ vẫn bật lên ánh sáng nhân ái kỳ diệu nhất mà con người có thể có được…” [Ý Nhi, sđd]
Tôi phải mạn phép tác giả và độc giả in đậm những câu trên để cho thấy những điều suy nghĩ sau đây về “định mệnh” mà bà sử dụng để giải thích Thơ Tô Thùy Yên.
Trước hết, có chắc ông phó mặc vào “định mệnh” như cách diễn giải nêu trên không? Chưa chắc. Tôi không cần nói tới cách nhìn thơ ông theo ý tôi. Tôi chỉ cần trưng dẫn một trong vài thí dụ nhắm cho thấy chính ông muốn hy sinh “mạng sống”–nghĩa là quyết định của chính ông chứ không phải của “định mệnh”–hầu bảo vệ nhân phẩm bằng Thơ dù tuyệt vọng:
-“[…] Đặc biệt, trong những tình huống cực kỳ chông chênh, nghiệt ngã, sinh tử mà chính con người đã bị đày đọa dìm đắm vào đó, bị đặt để trước nguy cơ thường trực của sự trấn lột chính cái nhân phẩm còn sót lại của mình, thơ, hơn bao giờ hết, đã chứng tỏ một cách mãnh liệt cái khả năng siêu tuyệt gần như là tôn giáo của thơ. Trong những tình huống đó, rất nhiều con người đã nương tựa vào thơ, để mà gìn giữ lấy mình, để mà sống sót với tư cách là con người, gầy dựng cho chính mình và cho cả bằng hữu cùng cảnh ngộ một thế giới ánh sáng, một thế giới niềm tin giữa một thế giới tối tăm, cùng mạt và hủy diệt. Ở đây, tôi không hề muốn nói gì thêm về cái thế giới tù đầy mà chúng tôi đã đau đớn đi qua. Ở đây tôi chỉ muốn nói thêm về cái bản chất của thế giới tù đầy đó. Trong thế giới đó, những con người thất trận của một cuộc chiến, một cuộc chiến đã tạm thời phải ngã ngũ như vậy đó, những con người bất hạnh đã bị tước đoạt gần như tất cả mọi sở hữu tối thiểu của mình từ đất đứng danh vị, thậm chí đến cả sinh mạng của mình, chỉ còn lại mỗi một phần duy nhất tạm thời chưa thể bị tước đoạt hoàn toàn, đó là nhân phẩm, và niềm tin của chính mình. Chúng tôi, mỗi người một cách, đều phải ý thức một cách rõ ràng rằng đó mới chính là nỗi sinh tử cốt tủy, đích thực của chính mình, rằng không thể để cho con người trong chúng tôi bị bức tử ô nhục, rằng đó chính là cái phần mà chúng tôi bắt buộc phải gìn giữ bảo vệ bằng mọi giá, kể cả bằng mạng sống của mình…[Tô Thùy Yên, “Tâm thức khuất dạng của thơ”* Bài nói tại Seattle Public Library ngày 26 -7-1997. Nhan đề và phân đoạn do Khởi Hành đặt, Khởi Hành số 22, trang 8, Tháng 8. 1998)]
Do đó, Ý Nhi có thể bàn tới “định mệnh”, nhưng tôi nghĩ quả là một sự vô nghĩa nếu so sánh với chính lời chứng của Tô Thùy Yên, khi ông xác nhận được “nỗi sinh tử cốt tủy” khiến “không thể để cho con người trong chúng tôi bị bức tử ô nhục” không chỉ cho riêng ông ” mà còn “gầy dựng cho chính mình và cho cả bằng hữu cùng cảnh ngộ”. Hậu quả của “một cuộc chiến đã tạm thời phải ngã ngũ như vậy đó” rất khó được trùm lên bằng hai chữ “định mệnh”, kiểu “Định mệnh buộc người phải trải qua những khổ nạn này, như một thử thách. Một lò luyện….” [Ý Nhi, sđd]
Sau nữa, nhiều đoạn thơ tố cáo tội ác của Cộng sản và cực tả thảm kịch Miền Nam, như trong Mùa Hạn và Tàu Đêm do chính bà dẫn ra, không chỉ dành cho tác giả mà dành “cho cả bằng hữu cùng cảnh ngộ”. Đó là 2 bản cáo trạng tố cáo tội ác Cộng sản với dân Miền Nam:
Ở đây địa ngục chín tầng sâu
Cả giống nòi câm lặng gục đầu
Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt
Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau
…Nước khe, cơm độn, thân tàn rạc
Sống chẳng khôn, cầu được thác thiêng
…Sông hồ nẻ đáy, giếng vô vọng
Muôn thú điên lầm lũi bỏ đàn
Không, một địch thủ quá nhiều thủ đoạn được Khối Cộng Sản Thế giới giúp đỡ tận tình mới buộc được người Miền Nam bó tay chứ không phải “định mệnh”. Vài câu trong hồi ký của sử gia Tạ Chí Đại Trường sẽ góp phần cho biết như thế. Ông bị tù sau 1975, có lúc cùng chỗ với Nguyễn Sỹ Tế:
-“[…] Khi dần dần chúng tôi đọc thấy được ở đâu đó trong những bài báo, sự thú nhận về số tiền, số gạo viện trợ từ khối xã hội chủ nghĩa, những điều nói về các nhà máy được Liên Xô xây dựng dùng đến 80, 90 % nguyên liệu từ Đông Âu đưa đến thì chút ảo tưởng còn sót lại đã tan vỡ hẳn và từ sự khinh miệt ‘Vương quốc lừa dối’…” [Tạ Chí Đại Trường, Một khoảnh Việt Nam Cộng hòa nối dài, trang 179, Thanh Vân xuất bản, 1993, California, Hoa Kỳ]
Dĩ nhiên tôi không ám chỉ Ý Nhi thuộc “Vương quốc lừa dối” [có hay không sẽ trở lại ở một bài khác với tài liệu cho công bằng], nhưng, bởi thế, Không, không chỉ Tô Thùy Yên mà mấy chục triệu dân Miền Nam đã “phải đặt chân lên đoạn đường tàn khốc của đời mình”.
Không, đó không là “mùa hạn của trời đất” mà phải là “mùa hạn” lòng nhân của một chính quyền hà khắc Treo ngược con đen trên lửa đỏ khiến tạo thành “mùa hạn của thể xác” Máu bung từ mỗi lỗ chân lông, khiến gây nên “mùa hạn” của “tâm tưởng” Đầu ta như chiếc đầu lâu cổ/Trống rỗng không khô khốc nặng nề.
Không, không phải “Định Mệnh” mà Chính quyền Cộng sản đã giam giữ nhà thơ cùng hàng trăm ngàn dân, đầy đọa họ ra Vùng Kinh tế mới, chia lìa gia đình, bức bách đến nỗi họ phải vượt biển vượt biên rồi chết oan, bị hãm hiếp hàng loạt.
Định mệnh nào hay Chính quyền Cộng sản đã liên tiếp giáng xuống Miền Nam những đòn trí mạng:
Người mẹ trẻ buồn đôi mắt trũng
Thân gầy nhom, tóc cháy, da cằn
Địu con, một nhúm thịt nhăn nhúm
Ra ruộng khê tìm mót cái ăn
…Làng mạc giờ đây đã trống trơn
Con dê, con chó cũng không còn
Người đi bỏ xác nơi bờ bụi
Miếu sạt, thần hoàng rũ héo hon [Tô Thùy Yên, Mùa Hạn]
Hay đã khiến bao nhiêu người dân Miền Nam mất người thân trên biển:
Trăm họ lần lượt bỏ xứ trốn.
Biển thì hung hãn, thuyền mong manh
[Tô Thùy Yên]
Cúi trông cố lý mây vô xứ
Ngầu trắng u mông táp mạn thuyền
Ngút ngọn triều dâng vách sụt lở
Bọt xóa thiên thanh dấp sóng quên
[Thanh Tâm Tuyền, “vượt biên”, trang 87, Thơ ở đâu xa, Trầm Phục Khắc xuất bản, Cơ sở Văn phát hành, 1990]
Hãy đọc lại Tô Thùy Yên để xem trước 1975, có những câu thơ nào như: Chỉa súng đuổi người ra khỏi đất,/Đày đi biền biệt miệt thiên thu./Đuổi cả người chết ra khỏi mộ,/Cày nghĩa trang, trả vói thâm thù. [Nỗi Đợi] Không riêng gì ông mà cả Miền Nam đã vực nhau dậy, nhưng những gì đã xẩy ra cho họ, qua những câu thơ, thì muôn đời vẫn còn đó. Mà không chỉ những câu thơ: Ông nhiều lần nhắc đến sự ghê tởm chế độ Cộng sản, hơn thế nữa còn mong ước chế độ này bị tiêu diệt. Nói một cách khác, ông có thể kính trọng người lính Miền Bắc vì họ chiến đấu cho lý tưởng của họ cũng như ông đã chiến đấu cho lý tưởng của ông, nhưng vẫn phân biệt họ với chế độ Cộng sản. Đó lại thêm một điều-không-ổn trong Thức cho xong bài thơ [Ý Nhi]. Cũng trong bài trả lời Nguyễn Mạnh Trinh, ông phát biểu về xã hội Miền Nam sau khi bị Cộng sản chiếm:
-“Nguyễn Mạnh Trinh: Anh đã sống một thời gian khá dài ở trong nước sau 1975. Vậy anh có thể nào nói và mô tả xã hội mà anh phải sống với và những nỗi niềm ray rứt đã có trong thời gian ấy?
“-Tô Thùy Yên: Nói ngắn gọn, đó không phải là một xã hội dành cho con người. Ray rứt bức xúc ghê gớm nhất là sống trong xã hội đó, liệu mình còn là con người cho đến lúc nào đây…”[sđd, trang 169]
Và diệt “tập đoàn Cộng Sản”:
-“Nguyễn Mạnh Trinh: Nhìn lại nửa thế kỷ vừa qua, anh có nghĩ chiến tuyến Quốc Cộng vẫn còn giữa những người Việt Nam? Hay nghĩ rằng đó là chuyện quá khứ và bây giờ là hiện tại và tương lai?
“-Tô Thùy Yên: Trong thâm tâm chúng ta, những con người Việt Nam, thật sự chúng ta có chút nào hài lòng về cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua không? Nếu không thì tại sao chúng ta cứ phải duy trì và duy trì cho đến bao giờ cái điều mà chính chúng ta không hài lòng đó. Nghĩ như vậy không có nghĩa là chúng ta nhắm mắt làm ngơ cho bất kỳ thế lực tối tăm ngu muội nào muốn làm gì thì làm trên đất ước chúng ta. Từ hai mươi năm qua, những người Cộng sản đã toàn thắng nhưng chính sự toàn thắng đó đã hàm chứa cái mầm móng đương nhiên của sự thất bại hiện giờ và vĩnh viễn của họ. Điều tiên quyết hết sức đơn giản là chúng ta phải tách ra khỏi, trong cái nhìn của chúng ta một bên là dân tộc Việt Nam dù ở miền Bắc hay ở miền Nam, dù ở trong nước hay ngoài hải ngoại, một dân tộc từ lâu mòn mỏi kêu cầu được xót thương nhau, vỗ về nhau, tha thứ nhau, với một bên là tập đoàn Cộng sản thống trị ngăn trở. Từ đó, có thể chúng ta sẽ tìm ra được cái cách thức hữu hiệu nhất, nhẹ nhàng nhất nhằm xóa bỏ hoàn toàn chế độ Cộng sản. Tôi đặt một hy vọng lớn lao vào những tiếng nói văn hóa.” [sđd, trang 169]
Phần trả lời trên đây hầu như vô hiệu hóa toàn bài của Ý Nhi. Bà đã phí công viết một bài vô ích về những điều Tô Thùy Yên đã bầy tỏ và bầy tỏ nhiều hơn, rõ ràng hơn từ năm 1995, nghĩa là từ 20 năm trước đây. Điều bầy tỏ “nhiều hơn, rõ ràng hơn” mà bài Ý Nhi không hề có chính là ý muốn “xóa bỏ hoàn toàn chế độ Cộng sản”.
Thế nên, tuy không nghiên cứu riêng về ông nhưng tôi sẽ có một kết luận sơ khởi sau khi đọc và trình bày tài liệu đã được dẫn chứng trong bài này: Cuối cùng, nhiệm vụ người chép sử tương lai [Tôi] mới cứu rỗi nhà thơ Tô Thùy Yên, dù ông có thể không công nhận bằng cách không tuyển bài thơ ấy vào các tập thơ xuất bản sau 1975. Là một Thi sĩ từng phải tự vẫn trong tù, ông đã thực sự trải qua cảnh Tôi chạy cắm đầu trên sợi kinh hoàng/Giăng qua đôi bờ vực lạnh hư vô. Ông có thể là một nhà thơ quan trọng của Miền Nam nhưng không thể vượt qua Nguyễn Bắc Sơn về Thơ Chiến Tranh Việt Nam hay không thể vượt qua Thanh Tâm Tuyền về Thơ Tự Do. Ông đã bỏ mộng thúc giục đám đông nổi loạn chống cường quyền [Tôi]. Có lẽ ông muốn thực hiện việc xóa bỏ hoàn toàn chế độ Cộng sản bằng những tiếng nói văn hóa nên đã trở về Hà Nội năm 2014, đã đi chung ngồi chung với vài người trong hệ thống dẫu sao cũng thuộc hệ thống cường quyền ấy. Ông đã là đề tài nghiên cứu của bài “Làng ta, ngựa đá đã qua sông”, 1 trong 4 bài xuất hiện trên bìa tờ Văn Nghệ thuộc Hội Nhà Văn Việt Nam, Số 42, Ngày 21.10.2017. Chủ đề của số báo này:
CHÀO MỪNG CUỘC GẶP MẶT LẦN THỨ NHẤT
NHÀ VĂN VỚI SỰ NGHIỆP ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC
HÀ NỘI THÁNG 1O NĂM 2017
Nhưng có lẽ ông phải nhận ra chưa ai Miền Nam được nói tiếng nói nào.
Khác với Phan Nhật Nam, không ai biết ông ngư tiều vấn đáp thế nào với Hữu Thỉnh.
Như vậy, sau khi nhìn lại, ông còn gì đáng kể với văn chương? Ngoài mấy bài thơ trước 1975 và Ta Về, Mùa Hạn, Tàu Đêm hay Nỗi Đợi vv. ghi lại một phần lịch sử Miền Nam sau khi bị Cộng sản chiếm? Ngoài vị trí của một người viết cùng bị cầm tù và cùng lên tiếng như bao nhiêu người cầm bút hay người dân và người lính Miền Nam khác?
Qua trường hợp Tô Thùy Yên và Phan Nhật Nam, cả Ý Nhi lẫn Hữu Thỉnh cần học lời khuyên từ Dương Nghiễm Mậu cách đây gần nửa thế kỷ: Hãy “phải chăng”. Nay xin thêm lời đề nghị của tôi: Hãy sòng phằng. Bởi thế, xin quý bạn tha cho “dân tộc”, “thiên chức nhà văn”, “trời đất”, “định mệnh”, “tiên tri”, “khai giải”, “nhà thơ lớn”,”người lớn” vv và vv nếu không thể [hay không dám?] nói đến nguồn gốc gây ra tang thương ấy. Quý bạn có còn sống trong thời chiến nữa đâu? Hãy áp dụng lời khuyên đó vì không bao giờ có thể chuyển những liên hệ hay kinh nghiệm cá nhân sang những thứ cao trọng hơn như Hữu Thỉnh đã từng lầm và có lẽ Ý Nhi cũng thế:
-“[…] Tôi mới gặp Thụy Kha vừa ở bên ấy về, cho biết có gặp anh và hai người đã từng cùng nhau uống bia vui vẻ. Đây quả là một sự kiện bất ngờ thú vị. Với dư âm của các cuộc gặp ấy, tôi viết thư này thăm anh và bày tỏ nguyện vọng ‘tái bản’ cuộc gặp ấy, và di chuyển nó về quê nhà với quy mô rộng hơn, thời gian dài hơn trong khuôn khổ một cuộc gặp mặt của Hội Nhà văn Việt Nam với các nhà văn Việt Nam đang sống và làm việc tại nước ngoài…”
Tôi không có ý chế diễu nhưng mỗi lần đọc lá thư này, tôi lại bật cười. Sao Hữu Thỉnh lại có thể hớ đến thế nhỉ: “Bày tỏ nguyện vọng ‘tái bản’ cuộc gặp ấy, và di chuyển nó về quê nhà với quy mô rộng hơn…”?! Từ một tình thân cá nhân đến bước-tiến-nhẩy-vọt qua…đất gài mìn đắp mô nhanh thế a? “Tái bản”?!!! Bỏ trường hợp Phan Nhật Nam ra, Hữu Thỉnh vẫn cứ là một thứ Hồ Tôn Hiến tân thời, nhưng không có Từ Hải nào chết đứng. Vì Từ Hải tân thời đã sẵn sàng ứng chiến. Một trăm, ông Hữu Thỉnh ơi!/Chiều nay, một trăm phần trăm!Một trăm, ông Hữu Thỉnh ơi!/Chiều nay, một trăm phần trăm! Người ông chiếu cố giờ đây lại cắm trại rồi” [mượn 100 phần/100, Ngọc Sơn & Tuấn Hải] .
Nếu tôi là Phan Nhật Nam và ưng thuận lời cố vấn tối cao của quân sư Ngô Thế Vinh để trả lời “theo một văn phong… style télégraphique / đánh điện tín” [Ngô Thế Vinh, sđd], tôi sẽ trả lời lập tức cho Hữu Thỉnh:
-“‘TÁI BẢN’ DẤU BINH LỬA, MÙA HÈ ĐỎ LỬA, DỌC ĐƯỜNG SỐ1 VÀ TÙ BINH và HÒA BÌNH TRƯỚC KHI NGƯỜI LÍNH-VIẾT VĂN VIỆT NAM CỘNG HÒA XÉT CÓ THAM DỰ. ‘TÁI BẢN’ TÁC PHẨM CỦA NHÀ VĂN MIỀN NAM quy mô rộng hơn. DÙNG Thiên chức nhà văn TẠ TỘI với dân tộc vì đã THIÊU HỦY VĂN HÓA PHẨM VÀ GIAM CẦM TÁC GIẢ MIỀN NAM. TẠ TỘI ĐẤY ẢI VÀ BUỘC HÀNG TRĂM NGÀN QUÂN DÂN MIỀN NAM VỀ VÙNG KINH TẾ MỚI HẦU CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN. CẤP DƯỠNG CHO THƯƠNG PHẾ BINH VNCH. NGƯNG NGAY HAI CHỮ GIẢI PHÓNG.”
Đấy, tôi rất tiếc Đại Úy Nhẩy Dù Phan Nhật Nam đã không vấn kế em gái hậu phương Nguyễn Tà Cúc. Không đùa nhé.
Tôi cũng muốn nhân dịp này để công khai mấy điều. Thứ nhất, lá thư trả lời của Phan Nhật Nam làm nhiều người, trong đó có tôi, rất cảm động. Ông đã không quên đồng đội vì chút bả danh vọng. Thứ hai, cũng đã đến lúc cần góp ý về một người trong văn giới trong trường hợp này. Trong bài thượng dẫn, Ngô Thế Vinh viết:
-“[…] Với một chút dư vị cay đắng, Nam nói: “Chỉ có bác nghĩ về tôi như vậy, nhưng đó không phải cái nhìn của văn giới và ngay cả với những bạn Võ Bị của tôi nữa.” Bản thân Nam đã bị đối xử khá bất công, không phải chỉ với trong nước mà kể cả với các cộng đồng ở hải ngoại…” [Ngô Thế Vinh, sđd]
Không, tuy không luôn luôn đồng ý với Phan Nhật Nam, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên xương máu (đúng nghĩa) của ông đã thấm vào hàng ngàn trang trong các tác phẩm về chiến tranh, nhất là trước 1975. Sẽ không quên bức thư công khai nhân danh người lính trong khi người khác thì không. Sẽ không quên nỗ lực tranh đấu với bản thân để viết-cho-người-chết. Sẽ không quên ông và các thành viên trong Ban Liên hợp Quân Sự 4 Bên & 2 Bên phải chống đỡ cho phẩm giá Việt Nam Cộng Hòa khi đồng minh rút lui, thế giới ngoảnh mặt cùng nhau đẩy Miền Nam vào cửa tử chỉ chưa đầy 2 năm sau.
Đằng khác, chúng ta cũng không thể quan tâm đến sự “bất công” từ bất cứ ai vì thứ nhất, Viết không phải là một cuộc chạy đua lấy lòng độc giả & bạn bè & gia đình/Writing is not a popular contest. Thứ hai, chính chúng ta phải tôn trọng ý kiến của người đọc, dù người đọc ấy là ai. Nghe hay không là chuyện của mình, phản bác hay không là chuyện của mình, giải thích hay không cũng là chuyện của mình; nhưng không thể cứ ai không đồng ý là giáng cho cái tiếng “bất công”. Còn bọn “lưu manh văn nghệ” [mượn lời Thanh Lãng] thì đáng gì nói đến? Thứ ba, cầm bút là đồng thời ôm vào một nỗi cô độc vô phương cứu chữa. Bạn bè người thân rồi già đi, rồi mai một. Tôi đã mất dần Nguyễn Sỹ Tế, Thái Tuấn, Mặc Đỗ, Cao Tiêu, Tô Thùy Yên rồi Duy Thanh. Hãy tin vào điều chúng ta đang làm. Rồi sẽ có người tri kỷ. Tử Nha nào mà không có Bá Kỳ. Chưa gì mà đã toan…đập đàn, hỡi (các) người bạn của tôi?
Tôi sẽ chuyển sang phần người lính Việt Nam Cộng hòa một cách sơ lược, qua một khía cạnh mà tôi chú ý, trước khi nhập vào phần họa sĩ Duy Thanh, người góp mặt suốt 20 năm Việt Nam Cộng hòa hiện diện trên bản đồ thế giới .-
Lệ Nam Nguyễn Tà Cúc
———————–
* Như thường lệ, loạt bài Duy Thanh sẽ có quá nhiều tài liệu nên xin quý bạn đọc cho biết khi có lỗi lầm để sửa chữa. Xin đa tạ trước.
1) Độc giả có thể xem lại đoạn Đinh Quang Anh Thái phát biểu về Tô Thùy Yên trong bài “’Ta Về’ thăm lại cố đô Sài gòn cùng Thiếu Tá Tâm lý Chiến Tô Thùy Yên [Nguyễn Tà Cúc, http://www.gio-o.com/Thiếu Tá Tâm lý Chiến Tô Thùy Yên]
2) Một đoạn trong bài Tôi, Tô Thùy Yên, Tháng 8.1957
Tôi là Tô Thùy Yên là thi sĩ là người chép sử tương lai […]
Nghĩa là ngợi ca loài người hiền hậu
Nghĩa là thúc giục đám đông nổi loạn chống cường quyền
[…]Nghĩa là có mặt trong mọi hành vi lớn nhỏ của đời mình
Nghĩa là giúp mọi người sống đủ hai mươi bốn giờ mỗi ngày nghĩa là giúp họ tìm thấy họ.
3) “Thơ giải thoát chớ không chỉ đơn thuần là giải sầu, giải muộn hoặc giải tỏa...” [Tô Thùy Yên phát biểu- Phan Nhiên Hạo-LitViet, “Thảo luận Bàn tròn…”]
4) Ngô Thế Vinh viết: “Phan Nhật Nam cũng là bút hiệu, Rốc là tên gọi ở nhà; sinh ngày 9/9/1943, tại Phú Cát, Hương Trà, Thừa Thiên, Huế; nhưng ngày ghi trên khai sinh 28/12/1942, chánh quán Nại Cửu, Triệu Phong, Quảng Trị.” Những tin tức này đều đúng nhưng thiếu một chi tiết. Tên đầu tiên của Phan Nhật Nam là Phan Ngọc Khuê.
Phan Nhật Nam giải thích lý do có 2 cái tên đó như sau: “Tên đầu tiên, Phan Ngọc Khuê […] Đổi thành Phan Nhật Nam (hẳn vì an ninh lý lịch gia đình khi thân phụ thoát ly vào chiến khu…) với ngày sinh mới…” [Phan Nhật Nam, Mùa hè đỏ lửa– tái bản lần thứ 30, trang 262, Tổ hợp Nắng mới Miền Nam xuất bản, Garden Grove, California, Hoa Kỳ, 2003]
Nguồn: http://www.gio-o.com/HoLieu/NguyenTaCucSangTao2.htm
Bài Cùng Tác Giả:
- Tô Thùy Yên, Một Ảo Ảnh Lớn
- Họa sĩ Duy Thanh, Những ngày còn “sáng tạo” [3]
- Họa sĩ Duy Thanh, Những ngày còn “sáng tạo” [1]
- đầu ta như chiếc đầu lâu cổ: hãy nói dùm Tô Thùy Yên “một đời thất sắc” * [3]
- đầu ta như chiếc đầu lâu cổ: hãy nói dùm Tô Thùy Yên “một đời thất sắc” * [2]
- đầu ta như chiếc đầu lâu cổ: hãy nói dùm Tô Thùy Yên “một đời thất sắc” [1]
- “Ta Về” thăm lại cố đô Sài gòn cùng Thiếu Tá Tâm lý Chiến Tô Thùy Yên [2]
- “Ta Về” thăm lại cố đô Sài gòn cùng Thiếu Tá Tâm lý Chiến Tô Thùy Yên [1]
0 Bình luận