Họa sĩ Duy Thanh, Những ngày còn “sáng tạo” [3]
Ka-ki láng như lòng trai sáng láng*
Văn học Miền Nam, với tôi, ngoài tính chất văn học, còn là một kho tài liệu có thể sử dụng hầu nghiên cứu về nhiều đề tài khác. Bài này sẽ cung cấp một thí dụ về kho tài liệu đó: Chiến tranh Việt Nam và số phận phụ nữ Miền Nam trong chính sách của người Cộng sản. Đảng Cộng sản đã chủ trương từ xâm chiếm lãnh thổ tới bắt giam dài hạn một số lớn đàn ông sau 1975. Bằng nỗ lực phi thường, phụ nữ Miền Nam đã bảo toàn được gia đình và bảo đảm được cho cha, chồng, anh sống sót. Tôi không viết nhầm đâu: Có những gia đình mà tất cả đàn ông đều bị bỏ tù và bị bỏ tù dài hạn. Trên con đường khó nhọc đó, một số phụ nữ đã phải vượt qua những chiếc cầu vồng, có khi lọt xuống sông mê, với bầy chó ngao chực chờ bên dưới. Đã đến lúc đưa những cầu vồng và những chó ngao đó ra ánh sáng để nạn nhân–vốn vẫn im lặng mà nuốt nỗi phẩn uất như hòn than lửa vào lòng– được yên nghỉ.
Bởi thế, khi xét tới vấn đề này, tôi cũng phải có phần viết về Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, dù rất sơ sài, một quân đội đã nỗ lực chiến đấu nhắm bảo vệ dân chúng và Miền Nam. Khi bị buộc bỏ súng, bản thân họ tử trận hay bị giam đã đành, mà mẹ, chị em hay vợ của họ cũng rơi vào vòng lao lý, một thứ lao lý bủa vây bằng sự trả thù tinh vi và đê tiện dành cho gia đình họ. Cũng đã đến lúc chúng ta cần viết về người lính, không phải để vinh danh (Ôi, họ nào có muốn một thứ vinh danh muộn màng và hời hợt), mà để cho thấy tại sao Việt Nam Cộng Hòa và Văn Học Miền Nam đã tồn tại được 20 năm.
1. Hàng ngàn người vượt biển đang cho chúng ta thấy không hề có tự do trong cái-gọi-là hòa bình tại Việt Nam/Tens of thousands of boat people have shown us there is no freedom in the so-called peace in Vietnam…[Ứng cử viên Tổng thống Ronald Reagan, Ngày 18.8.1980, Chicago, Illinois (1)]
Chiến tranh Việt Nam chính thức chấm dứt ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhưng cuộc chiến giữa nhà cầm quyền Cộng sản với di sản văn hóa Miền Nam chưa kết thúc. […]
Để tìm giải đáp công bằng, tôi sẽ trích dẫn tài liệu theo thứ tự thời gian. Tài liệu thứ nhất từ nhà văn Dương Nghiễm Mậu, 1967. Tài liệu thứ hai từ nhà văn Võ Phiến, 1968. Kèm vào đó là 2 tài liệu khác hầu mở rộng vấn đề từ ký giả chiến trường Hồng Phúc, 1972 tới nhà văn Phan Nhật Nam, 1974. Phần tài liệu này sẽ kết thúc với một đoạn trong hồi ký bị tù [ “cải tạo” ] của sử gia Tạ Chí Đại Trường, 1993.
Phần trích dẫn Tạ Chí Đại Trường, nhận xét về 3 loại số phận của phụ nữ Miền Nam sau 1975, có giá trị ở chỗ ông là sử gia. Ông có phần chi li khi phán đoán anh em tù nhân VNCH, đặc biệt giới phi công và giới bác sĩ dược sĩ. Sang Hoa Kỳ năm 1994, ông nộp đơn và được tuyển thành một nghiên cứu viên niên khóa 2001-2002 của William Joiner Center, một tổ chức đặc biệt nâng đỡ nhà văn Miền Bắc trong chương trình của họ thuộc Đại học Masschussetts. Năm 2014, ông nhận giải thưởng Nghiên Cứu 2014 của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Việt Nam, với bà (Mặt Trận) Nguyễn Thị Bình và cựu đại tá Cộng Sản/nhà văn Nguyên Ngọc hiện diện trong 5 thành viên giữ Hội Đồng Quản lý Quỹ.
Trong các nghiên cứu (“biên khảo”), kể cả cho Joiner, ông mạt sát người tỵ nạn hơi nhiều, lập đi lập lại những lý luận không vững chắc. Trong Việt Nam nhìn từ bên trong: Những khuynh hướng chính trị tiên tri thời hiện tại ở Việt Nam (2007), ông thêm phần “Tài Liệu” với phần bình luận về Bà Thanh Hải Võ Thượng Sư và hiện tượng Trần Văn Trường, người treo cờ đỏ cùng chân dung Hồ Chí Minh tại một cửa tiệm của anh ta tại Little Saigon, California khiến gây ra một cuộc biểu tình chống lại. Theo tôi, ông viết rất không chính xác về cả hai vấn đề trên. Về vấn đề thứ nhất, tôi không những có đi dự buổi đại nhạc hội đó mà còn giữ bích chương quảng cáo nên câu “Hình như đã gợi ra nhạc Thiền của dòng Phật Giáo di tản chính thống bây giờ” của ông cần phải xét lại.
Về vấn đề thứ hai, ông xem họ như “một nhóm người thất cơ lỡ vận, không tìm được phương hướng […] chỉ còn mỗi một việc là gặm nhấm thất bại trong vai trò ‘cứu nước’, hục hặc chửi bới nhau trong thế ‘tự do’ của kẻ bên lề”. Một điều rất nên chú ý là ông nhiều lần đồng hóa cách biểu tình của người (phụ nữ) tỵ nạn với lối tranh đấu của phụ nữ nằm vùng Cộng sản: “lối ăn vạ ở Việt Nam (được sử dụng nhiều lần trong công tác chống Mỹ cứu nước) …” [Việt Nam nhìn từ bên trong] hay:
-“[…] Cuộc biểu tình chống đối Trần Văn Trường ở phố Bolsa, quận Cam năm 1999, với đàn bà đẩy con tràn xuống đường là dấu hiệu dễ thấy ‘sang trọng’ hơn nhưng vẫn dáng dấp lập lại từ cuộc ‘ôm hè’ vật lộn với dân vệ Bến Tre của ‘đoàn quân tóc dài’ ở đấy, hay những cuộc biểu tình cởi truồng, khiêng xác đòi bồi thường nhân mạng ở Miền Nam trong chiến tranh vừa qua…” [Tạ Chí Đại Trường, nộp cho William Joiner Center, sđd, “Chương Kết”, Tháng 3. 2002]
Tôi không tin ông có mặt tại các buổi biều tình này. Vì tôi đã có mặt 3 lần tại đây. Một buổi tối áp chót [báo chí Hoa Kỳ tường thuật] có 15.000 người tham dự gồm đa số người trẻ và rất nhiều đàn ông. Chúng tôi đốt nến tham dự trong một không khí trang trọng. Sau khi tan hàng, chúng tôi nhặt rác và thu dọn đường phố cho sạch sẽ. Tôi là một trong những người nhặc rác đêm hôm đó. Nếu khắc nghiệt, tôi có thể nói ông–một sử gia và một người đàn ông– đã vu cáo rất nhiều phụ nữ, kể cả tôi.
Nhưng điều làm tôi suy nghĩ không phải là xét đoán của ông về 2 vấn đề trên dù sai. Điều làm tôi suy nghĩ là vài dòng cuối sách, ông viết về Đào Mộng Nam [1940-2006], một nhà nho có sách dậy tự học chữ Nho: “chỉ biết ĐMN hơi bốc láo, xưng hô lung tung trong đời sống, đến trên tin tức ở tờ Người Việt CA 30-6-06 mà cũng nói rằng ĐMN “dạy Hán Nôm ở Đại học Cornell“!” Tôi có quen Đào Mộng Nam nhiều năm và tôi có thể nói rằng ông không có tính “bốc láo”. Sau nữa, Người Việt chỉ là một tờ báo đại chúng, không phải một tờ báo chuyên ngành, tại sao ông phải kèn cựa như thế? Bởi thế, tôi không ngạc nhiên khi ông tự hiến vào mấy cuộc “đấu đá”. Ông bị biếm nhẽ là “sử gia Tam quốc… chí” thất cơ lỡ vận (mượn chữ chính ông xỉ mạ người khác.) Dù vậy, tôi lại nghĩ khác khi trích dẫn ông: Thứ nhất, tôi tôn trọng ý kiến của ông. Ông phải có quyền phát biểu. Thứ hai, nếu thoát được vòng kim cô của Võ Phiến & Co. rồi có dịp gặp khoa bảng Miền Nam hay những người từng tốt nghiệp tại các đại học tại đây, có lẽ ông đã không biến thành một thứ phát nhân ngôn không chính thức như thế! Bởi thế, chính vì thái độ của ông với bạn tù và người Việt tỵ nạn, người Cộng Sản sẽ gặp khó khăn khi muốn thuyết phục người đọc rằng ông bịa đặt. Tuy không thuộc vào giai đoạn Văn học Miền Nam, nhưng lời chứng của Tạ Chí Đại Trường sẽ có tác dụng chứng minh hữu hiệu, một lần nữa, giá trị phụ nữ chỉ là con số không với người Cộng Sản.
Dương Nghiễm Mậu: Cha chú của chúng là ai? Bao nhiêu tuổi thơ Việt Nam đã chết ngay trên đường về quê hương của Bác Hồ… (1967)
“[…] Chưa đầy mười năm sau tính từ 1954, một cuộc chiến mới đã đến. Cuộc chiến cũ được trao lại trong một cuộc chiến mới đã đến, cha chú tôi ra khỏi cuộc chiến này. Chúng tôi ở trong cuộc. Khởi đầu là cuộc chiến tranh ý thức hệ, và theo thời gian biến thái, cuộc chiến mười năm ấy sắp kết thúc để chờ đợi…Trong vòng bốn năm nay, dọc theo đường mòn, trên hành lang Trường Sơn không ngày nào không có những thiếu niên miền Nam được đưa về Bắc, không hẳn là những thiếu niên, nhiều đứa được cõng trên vai, được bế trên tay những người cán bộ, những bộ đội miền Bắc tôi gặp đã nói lại cho tôi biết điều này. Cha chú của chúng là ai? Bao nhiêu tuổi thơ Việt Nam đã chết ngay trên đường về quê hương của Bác Hồ, chết vì bom đạn, chết vì thiên nhiên, và ở nơi miền Bắc kia chúng sẽ sống thế nào giữa những người không cùng máu mủ. Tôi hình dung tới một guồng máy tàn nhẫn mà những trẻ thơ kia sẽ được đưa vào từ đầu máy, và ở cuối cùng của hệ thống sản xuất chúng đã trở thành một con người khác, một công cụ sẽ được sử dụng, khi đó cuộc chiến thứ ba sẽ đến, lúc ấy chắc chắn thế hệ tôi đã bị loại trừ, để còn lại thế hệ những em thơ của tôi…”[Dương Nghiễm Mậu, Mười bảy năm qua-Những hy vọng và tuyệt vọng, Khởi Hành Số 114, Ngày 22. 7. 1971]
Dương Nghiễm Mậu viết “Trong vòng bốn năm nay“, nghĩa là năm 1967. Tin tức này đã được nhà văn Võ Phiến thuật lại còn rõ ràng hơn trong “Bắt trẻ đồng xanh“, một bài báo rất quen thuộc với độc giả Sài gòn.
Võ Phiến: Tổ chức những đám cưới cấp tốc khiến cho hàng chục vạn binh sĩ và cán bộ Việt cộng ra đi bỏ lại trong Nam bấy nhiêu cô vợ trẻ, có những cô chỉ ăn ở với chồng được đôi ba hôm…(1968)
-“[…] Lúc ấy chính quyền quốc gia lo đùm túm kéo nhau vào Nam, và tổ chức cuộc di cư cho đồng bào Miền Bắc. […] Cũng lúc ấy, cộng sản lo liệu công việc của họ có lớp lang:[…]
“-Gấp rút tạo thêm nhiều liên hệ giữa thành phần tập kết ra Bắc và dân chúng Miền Nam: đặc biệt là tổ chức những đám cưới cấp tốc khiến cho hàng chục vạn binh sĩ và cán bộ Việt cộng ra đi bỏ lại trong Nam bấy nhiêu cô vợ trẻ, có những cô chỉ ăn ở với chồng được đôi ba hôm. Bấy nhiêu cô vợ trẻ và gấp đôi gấp ba chừng ấy cha mẹ già cùng cô cậu chú bác v.v… là một lực lượng đáng kể. Bằng chính sách tập kết và gây liên hệ này, cộng sản cưỡng bức một số người về sau phải làm nội tuyến cho chúng[…]Đó là lợi khí hết sức đắc dụng giúp họ đặt các cơ sở quần chúng đầu tiên. Gây được cơ sở quần chúng, vận động được sự đóng góp số lương thực tiền bạc cần thiết để nuôi quân rồi, bấy giờ các lực lượng vũ trang tại chỗ bắt đầu được thành lập, các lực lượng vũ trang ngoài Bắc kéo vào. Sau đó mới có cái Mặt trận Giải phóng ra đời[…]
“Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ những cuộc liên hoan chia tay giữa kẻ ở người đi trong thời hạn 300 ngày tập kết, những cuộc liên hoan có hát có múa, có bánh trái tiệc tùng… Nó xuất hiện ngay từ những đám cưới vội vã sau ngày đình chiến, những đám cưới lắm khi tổ chức tập thể, do trưởng cơ quan, trưởng đơn vị chủ tọa. Nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến này không phải là những kẻ ngã gục vào 1958, 1959, mà là những cô gái tức khắc biến thành góa bụa từ 1954.
“Dân chúng Miền Nam ai nấy đều biết những bận rộn tới tấp, những công việc bề bộn ngổn ngang mà nhà cầm quyền cộng sản hồi ấy phải làm cho kịp trước khi rút ra Bắc. Trong hoàn cảnh rộn ràng bấy giờ, nếu không vì lý do quan trọng, chắc chắn đảng và nhà nước cộng sản hồi ấy không đến nỗi quá sốt sắng lo cưới vợ cho cán binh như thế. […] Cũng như hiện nay, trong giai đoạn ác liệt sau cùng của chiến cuộc tại miền Nam này, nếu không vì lý do quan trọng, đảng và nhà nước cộng sản nhất định không bao giờ khổ công gom góp thiếu nhi ở đây đưa ra Bắc, trải qua bao nhiêu gian nan khó nhọc, trong những điều kiện di chuyển nguy hiểm đến nỗi cả các binh sĩ khỏe mạnh của họ cũng hao mòn suy kiệt dọc đường. […] “Trong giới quan sát nhiều kẻ bảo rằng Bắc Việt kiệt quệ rồi, không đủ sức kéo dài chiến tranh nữa, họ bối rối lắm, luống cuống lắm. Dù không tin vào nhận định ấy, ít ra cũng phải chịu rằng lúc này họ bận trăm công nghìn việc, nếu chuyện bắt trẻ miền Nam không có một tầm quan trọng đặc biệt thì họ không hơi đâu nghĩ đến. Đàng này họ đang ra sức thực hiện một kế hoạch bắt trẻ qui mô trên một phạm vi hết sức rộng lớn: đồng loạt, người ta phát giác ra trẻ em bị bắt ở khắp nơi trên toàn quốc Việt Nam Cộng hòa, từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Pleiku, Kontum, đến Mỹ Tho, Cà Mau, người ta gặp những toán trẻ em chuyển ra Bắc Việt bằng phi cơ từ Căm-bốt, hoặc bị dẫn đi lũ lượt trên đường mòn Hồ Chí Minh, nghĩa là bằng mọi phương tiện, một cách gấp gáp.
“Họ bổ sung quân số đó chăng? — Không đâu. Trẻ bị bắt có hạng mới tám chín tuổi. Trong những trường hợp khẩn cấp, họ có thể tạm sử dụng một số trẻ con bắt được ngay tại địa phương; chứ thành lập những đơn vị con nít như thế để dùng ngay vào chiến cuộc này là chuyện điên rồ. Không phải bổ sung quân số đưa vào chiến cuộc đang kết thúc đâu, mà là họ đang tổ chức chiến cuộc kế tiếp mai sau đấy[…]
“Như thế, chủ trương bắt đám trẻ em ở miền đồng bằng Nam Việt bát ngát, phì nhiêu đem ra xứ Bắc đông người đất hẹp, nhà cầm quyền Hà Nội chính đang bắt đầu chiến cuộc mai sau ngay từ lúc này, lúc mà chúng ta còn đang xôn xao mong ước ngưng chỉ chiến cuộc hiện tại. Nói họ bắt đầu lúc này cũng chưa đúng: thực ra các tài liệu về “Vấn đề gửi các cháu ra Miền Bắc” đã được phổ biến trong hàng ngũ cộng sản từ tháng 4-68, và thúc giục thực hiện trước mùa mưa năm nay. Tháng 4-68, tức là liền ngay sau khi tổng thống Mỹ mở miệng thốt ra vài dấu hiệu tỏ ý xuống thang chiến tranh để đi tới điều đình.
“Ý tưởng về ngưng chiến của chúng ta dính liền với một mơ ước xây dựng: bao nhiêu tỷ bạc cho Miền Nam, bao nhiêu tỷ bạc cho Miền Bắc, trao đổi kinh tế ra sao, trao đổi văn hóa thế nào v.v…Ý tưởng về ngưng chiến của cộng sản dính liền với một kế hoạch tấn công quân sự. Và những nạn nhân đầu tiên của trận chiến tương lai là những đứa bé con và bố mẹ chúng đã chịu đau thương từ sáu tháng qua rồi. Trận chiến tranh tương lai đã chọn nạn nhân của nó trong đám trẻ thơ, đàn bà Miền Nam, để biến họ thành con côi vợ góa. Xong rồi. Việc đã bắt đầu từ nửa năm nay rồi[…]
“Hỡi các em bé của đồng bằng Nam Việt xanh ngát bị bắt đưa đi, từng hàng từng lớp nối nhau dìu nhau ra núi rừng Việt Bắc! Riêng về phần mình, các em đã chịu côi cút ngay từ lúc này; còn đất nước thì sẽ vì những chuyến ra đi của các em mà lâm vào cảnh đau thương bất tận. Tai họa hiện xảy đến cho các em cũng là tai họa về sau cho xứ sở. Đã sáu tháng qua rồi. Dù người ta có thôi dài cổ ngóng về Ba-lê, để nghĩ cách cứu các em, thì cũng đã muộn. Nhưng đâu có ai chịu thôi ngóng chờ? Và trong không khí thấp thỏm chờ đợi hòa bình, ngày ngày báo chí chỉ những rập rình từng thoáng tin ngưng oanh tạc, tôi hướng về các em những ý nghĩ vô cùng buồn thảm, đen tối.” [Võ Phiến, “Bắt trẻ đồng xanh”, Bách Khoa Thời đại, Số 284, trang 1-7 và trang 80, ngày 1.11.1968, Sài gòn]
Nhà văn Võ Phiến biết rõ người Cộng Sản: ông gốc Bình Định và từng giữ chức Trưởng Ty Thông Tin. Bài này là một tài liệu tuyệt vời trình bày khúc chiết với lý luận chặt chẽ dựa trên 2 sự kiện: Người Cộng sản đã tổ chức hàng loạt đám cưới cho binh lính của họ tập kết vào năm 1954 nhắm gài lại một thế hệ sẽ chào đời để sửa soạn cho cuộc viễn chinh trường kỳ đã được hoạch định trước. Sau đó, họ tiếp tục bắt cóc hàng loạt trẻ em đưa ra Bắc vào năm 1967-1968 hầu gầy dựng một thế hệ lính mới sau thế hệ 1954 của những đám cưới tập thể kia.
Hai bài viết của Dương Nghiễm Mậu và Võ Phiến dẫn đến một diễn tiến khác. Không chỉ sự kiện một số binh lính hoặc người nằm vùng Cộng Sản được tổ chức làm đám cưới tập thể hồi 1954 mà vụ hãm hiếp phụ nữ có cả thanh nữ tại Bồng Sơn vào năm 1972 theo chính sách của Đảng Cộng sản đã được chính thức ghi lại trong biên bản một cuộc họp khoảng năm 1974, Ban Liên Hợp 4 Bên qua phát biểu của Đại Tá Đóa, Việt Nam Cộng Hòa. Sau đây là bối cảnh của cuộc họp và lời phản bác của Đại Tá Đóa, đại diện Việt Nam Cộng Hòa về những cáo buộc “hiếp dâm”, “luộc người” vv. của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do Phan Nhật Nam ghi lại trong Chương “Đấu”, Tù Binh và Hòa Bình.
Phan Nhật Nam, đầu năm 1974, “Mặt Trận Giải Phóng lẽ tất nhiên không thể chối bỏ rằng không có các tội vi phạm đó, nên họ lại bày ra một chiến pháp tố cáo khác để đánh lạc hướng, hóa giải lời buộc tội của Việt nam Cộng hòa… “
[…] Các vi phạm được ghi nhận, lưu ý, đúc kết dần dần kết tụ nên hiện thực tội ác của người Cộng sản. Phía Việt nam Cộng hòa đã dùng những chứng tích cụ thể này để xây nên luận cứ buộc tội, Mặt Trận Giải Phóng lẽ tất nhiên không thể chối bỏ rằng không có các tội vi phạm đó, nên họ lại bày ra một chiến pháp tố cáo khác để đánh lạc hướng, hóa giải lời buộc tội của Việt nam Cộng hòa… Ví dụ khi phía Việt nam Cộng hòa tố cáo Mặt Trận Giải Phóng vi phạm một vụ khủng bố bắt cóc một Trưởng ấp thì họ sẽ dựng lên một vụ giết người đại quy mô có dự mưu, với mục đích cướp của hiếp dâm…[…]
“Thường thường ‘tội ác’ của quân đội Việt nam Cộng hòa phạm bao giờ cũng lớn hơn, nặng nề, nghiêm trọng hơn các vi phạm của du kích Cộng sản!! Nhưng có lẽ vì không liên lạc với các đơn vị địa phương, chẳng có báo cáo chính xác về các hành động phạm pháp của binh sĩ quân lực Việt nam Cộng hòa trong các cuộc hành quân ở khắp nơi (nếu có)… Phái đoàn Mặt Trận Giải Phóng dựng đứng bằng cách ghép các tội ác trên vào với những đơn vị quân lực Việt Nam Cộng hòa đang tham dự các cuộc hành quân mà Mặt Trận Giải Phóng ghi nhận được. (Yếu tố sau này thì trưởng phái đoàn Mặt Trận Giải Phóng có tài liệu rất kỹ càng, không những các cuộc hành quân lớn mà ngay các cuộc điều động cấp tiểu đoàn, đại đội ở các địa phương cũng được cán bộ cộng sản ở nơi đó báo cáo về phái đoàn Mặt Trận Giải Phóng)
“Nhưng trưởng đoàn Mặt Trận Giải Phóng thường lại tỏ ra vụng về trong việc dựng tội ác; vì để tăng cường độ, gây khích động, phái đoàn Mặt Trận Giải Phóng thường ‘phịa’ ra những tội rùng rợn, ghê tởm như binh sĩ Việt nam Cộng hòa hiếp dâm tập thể hai bà già 60 tuổi xong bỏ vào bao bố đem ném vào lửa hoặc nồi nước sôi!! Tội ác tưởng chừng chỉ có trong các chuyện cổ tích, chuyện hoang đường về một địa ngục[…] Đại Tá Đóa là một ông Bắc Kỳ thuộc loại người trời sinh để nói-để lập ngôn-nói nhiều, nói độc, nói dài hơn bất cứ đối thủ ăn nói nào… Ông thách đố: ‘Nếu quí vị cứ phê phán thì chúng tôi sẽ đáp lễ, quí vị nói dài, chúng tôi sẽ nói dài hơn, nếu cần quí vị hãy đem ‘ghế bố’ đến đây để nằm nghỉ đợi chúng tôi phát biểu!’ Đối với những tội ác như hiếp dâm bà già, ném người vào lửa, Đại Tá Đóa đã có đòn phản công như sau:
” ‘- Chúng tôi lấy làm lạ tại sao quí vị cứ đem chuyện hiếp dâm ra để nói tại bàn hội nghị, những câu chuyện dơ bẩn, hạ đẳng mà chúng tôi thiết tưởng những người có giáo dục bình thường, những người có một chút luân lý tối thiểu sẽ phải hổ thẹn khi đọc lên, khi nhắc đến… Nhưng ở đây quí vị lại nhắc tới một cách say sưa, mê mải, phải chăng quí vị bị ẩn ức, bị dồn nén, quí vị muốn hiện thực một tội ác lý tưởng, một hành động ám ảnh nhưng vì không thể làm, không có điều kiện làm nên đã chuyển giao qua cho người khác mà tâm lý học gọi là ‘transfert de cupabilité…’ Và tại sao, và đến nỗi gì binh sĩ, sĩ quan chúng tôi phải làm hành động bỉ ổi dơ dáy đó, chúng tôi có gia đình ở bên cạnh, binh sĩ sau giai đoạn hành quân trở về hậu cứ, ở đó có trại gia binh, hoàn cảnh ép buộc nào để binh sĩ chúng tôi phải phạm đến tội lỗi trên… Vậy có hiếp dâm hay không là ở phía quí vị, chính quí vị mới có hành động thô bạo dơ bẩn trên bằng những từ ngữ ngụy trang như ‘ủng hộ chiến sĩ, tham gia cách mạng, ghi ơn bộ đội…!!!’. Như phía quí vị đã ép buộc các thanh nữ, thiếu phụ vùng Tam Quan, Hoài Ân (Bình Định) hiến thân, gần gũi với cán binh lúc Cộng sản Bắc Việt tạm kiểm soát những vùng trên trong cuộc tổng công kích 1972, hành vi cưỡng ép này được quí vị ngụy danh thành một động tác ‘ghi ơn bộ đội!!’ Và hơn ai hết, chính các quí vị ở đây mới là những người đã có hành động đó… ‘[…]
” Đấy, những sự kiện trên mới phản ảnh đúng chính sách, chỉ đạo của Đảng Cộng Sản cùng với ý thức đạo đức mới mẻ, mà trong đó chủ trương ‘cấy giống’ được ngụy danh để thay thế những cuộc hiếp dâm tập thể!! Bầy ra những tội hiếp dâm tập thể xong, phanh thây người chết ra, hoặc hiếp dâm bà già, ném con nít, ông già vào nước sôi (vùng quê Việt Nam, trong một cuộc hành quân kiếm đâu ra cái chảo lớn đủ để ‘luộc’ được người, hơn nữa trong một cuộc đi càn (ngôn ngữ Cộng sản) lấy đâu ra thì giờ nước, củi đủ nấu một chảo lớn để ‘luộc’ người thật nhiêu khê rắc rối theo như tố cáo của phái đoàn CS!! ) Được ba, bốn lần không thấy khích động được đối phương, lại chỉ gây thêm trò cười vì các “tội ác” quá sách vở, quá Quốc văn giáo khoa thư… Và chắc sau khi hội ý kiểm thảo, phái đoàn Mặt Trận Giải Phóng cũng nhận thấy rằng tội ác khó “chấp hành” được, có vẻ là bối cảnh của chuyện Phạm Công – Cúc Hoa, Mục Liên – Thanh Đề nên đồng ý dẹp bỏ…” [Phan Nhật Nam, sđd, trang 323-328, Nhà Xuất bản Hiện Ðại, Sài Gòn, 1974]
Trước đó 2 năm, vụ “buộc các thanh nữ, thiếu phụ vùng Tam Quan, Hoài Ân (Bình Định) hiến thân, gần gũi với cán binh lúc Cộng sản Bắc Việt tạm kiểm soát những vùng trên trong cuộc tổng công kích 1972” đã xuất hiện qua bài tường thuật của ký giả Hồng Phúc:
-“[…]Thêm một lần nữa những người khoác áo ‘cách mạng’, ‘giải phóng’ đã có cơ hội chứng tỏ với dân chúng ‘chủ nghĩa xã hội’ như thế nào. Thêm một lần nữa, người dân sống trong vùng bị chiếm được chứng nghiệm bộ mặt thật của những người Cộng Sản bằng xương máu, bản thân mình. Mười tám năm sau, cả một thế hệ đổi thay (hột giống đã vươn mầm thành cây), mọi người còn in khắc hai chữ ‘tiếp thu’ với nhiều đắng cay, oán hận nghe chuyện xưa tái diễn[…]’Bộ đội’ có ‘ngũ hộ’, đồng bào ‘xung phong tình nguyện’ theo khả năng. Ðệ nhất hộ, nhẹ lắm… ‘ủng hộ chiến sĩ’. Một bà 36 t. nghẹn ngào kể lại (xin được giấu tên, khỏi nhục và ô danh với bà con chòm xóm): -‘Họ’ cho gài người khích động ‘tự nguyện ủng hộ chiến sĩ’ […] Bao lâu nữa Bồng Sơn mới xóa nhòa những hạt mầm tủi nhục gieo vào thân thể những người con gái chưa tới tuổi làm đàn bà? Sản phẩm đắc ý nhất nằm trong chiến lược của các đồng chí CSBV…”[Hồng Phúc, “Tái chiếm Tam Quan-Bồng Sơn”, Những ngày dài trên quê hương, trang 135, 139-143, Sài gòn, 1972]
Qua 4 tài liệu trên, độc giả sẽ có quyết định của mình. Những đám cưới tập thể đó không ai có thể phản bác là không có. Cứ cho là những người đàn bà ấy bằng lòng–không bị uy hiếp tinh thần trong tình trạng xôi đậu, không bị bố hay anh quyết định thay–nhưng số phận họ sao mà thảm thương. Họ biến thành gái-không-chồng, có khi không con, vì ai còn dám hay muốn lấy họ nữa? Cả một đời xuân với những ngày đêm cô đơn. Rồi con cái họ bị bắt mang ra Bắc dưới mưa bom trong điều kiện kinh hoàng của đường mòn Hồ Chí Minh. Tới đây thì khác: Người mẹ nào cho phép đứa con thơ bị rứt khỏi tay mình, ném vào một cuộc phiêu lưu nhiều phần chết mà không đau khổ? Bao nhiêu thanh nữ hay đàn bà đã sống một đời lo sợ và mất mát như thế? Hóa ra, phụ nữ chỉ là máy đẻ của ông Hồ và tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản? Nếu Dương Nghiễm Mậu tự hỏi về “cha chú” của những đứa bé đó, phần tôi, là phụ nữ, tôi muốn hỏi “Mẹ và dì” “của chúng là ai? Bao nhiêu tuổi thơ Việt Nam đã chết ngay trên đường về quê hương của Bác Hồ?” Rổi việc hãm hiếp ở Bồng Sơn? Người Cộng Sản đã nhiều lần dùng chuyện “hãm hiếp” để tấn công chính phủ VNCH, nhưng đó không bao giờ là một chính sách của chính phủ này.
Nay tôi nêu ra một sự kiện đã được ghi lại trong biên bản, sẵn sàng chờ đợi sự nghiên cứu của các thế hệ tương lai, cho thấy Chiến Tranh Việt Nam không chỉ ở trong trang sách của những người xuất thân từ Miền Bắc, của Giải Phóng Miền Nam mà còn ở trang sách của Miền Nam, những trang sách sống sót sau đại họa phần thư.
Chưa hết, vấn đề hãm hiếp phụ nữ Miền Nam không dừng lại tại năm 1972. Sử gia Tạ Chí Đại Trường dành tới 6 trang ghi lại thật chi tiết về ba loại số phận điển hình cho phụ nữ Miền Nam, trong đó có một trường hợp người vợ tù bị hãm hiếp bằng 1 công an rồi tập thể đến mang thai (trang 188-189, sdd). Người chồng phi công sau đó trốn trại “trong một buổi đẵn cây rừng. Bây giờ anh ở nơi nào?” (trang 189, sđd). Đọc mà lạnh gáy. Không hiểu bà Nguyễn Thị Bình khi trao giải cho ông, có đọc và có lạnh gáy chút nào không? Hay còn bận đóng tuồng…ba đảm?
Tạ Chí Đại Trường, Một khoảnh Việt Nam Cộng Hòa nối dài
Điều làm tôi rất chú ý trong 6 trang đó là hiện tượng lập lại của một thứ “tình nguyện” quyện khổ nhục, đẫm tuyệt vọng của cả vợ lẫn chồng cố ngoi lên khỏi tình cảnh người chồng đi tù không biết bao giờ về kéo trì theo gốc “ngụy” của người bố đe dọa sự sống còn của các con. Mong cứu các con, người vợ/người mẹ trả một cái giá bằng cách bỏ chồng, kết hôn với người-bên-kia:
-“[…] Một bức thư với mục đích phân trần về hành động rẽ bước nhưng có chi tiết tình cảm không đơn giản: ‘Nhà ta đã không thong thả gì mà bây giờ em phải gánh lấy 7 đứa con dại với một tương lai mờ mịt. […] Phần em bây giờ không đáng kể gì rồi nhưng các con vẫn là điều quan trọng. Thời thế đã đổi thay, các con sống chật vật đã đành mà quá khứ nguỵ của anh còn là một trở ngại lớn cho chúng nó nữa. Nay có người chịu nhận nuôi nấng con anh, hi vọng dây liên kết với người của chế độ mới sẽ bảo đảm một chừng mực nào đó cho chúng sống dễ thở hơn, em tưởng tuy không dùng đến chữ hi sinh, nhưng dù mọi người chung quanh có nhìn em bằng cặp mắt khinh bỉ, dù anh có bực tức thế nào đi nữa, em cũng nghĩ là em đã làm theo ý nguyện của anh’…”[Tạ Chí Đại Trường, Một khoảnh Việt Nam Cộng hòa nối dài, trang 190-191, Nhà Xuất bản Thanh Văn, 1993, Hoa Kỳ]
Nếu chúng ta chưa có nghiên cứu về hiện tượng “đám cưới tập thể cho người tập kết 1954” hay bị hãm hiếp sau 1975 (theo lời thuật của Tạ Chí Đại Trường) thì ít nhất chúng ta đã có ít nhất một giải thích cho tình trạng bị cưỡng hiếp hay “tình nguyện” sau 1975. Theo phân tích của ông, một người từng bị giam 6 năm rồi nhập cư Hoa Kỳ vào năm 1994, việc phụ nữ bị đẩy vào những trường hợp như thế không có gì khó hiểu:
-“Những bức thư viết đi cũng được cho lên lớp vì có những lời lẽ tuyệt vọng động chạm đến lòng tự cao tự đại phình to của người chiến thắng. “Thôi, đời anh như vậy là hết rồi, em nên đi tìm hạnh phúc mới, coi có người bộ đội nào…” Lời gầm phản đối thật đầy vẻ kiêu hùng: ‘Nhà nước giam giữ các anh không phải nhằm mục đích chia rẽ gia đình, và chúng tôi chiến đấu không phải là để cướp đoạt vợ con của các anh!’ Thật đầy lí tưởng nhưng chẳng thực tế chút nào. Hãy nói chuyện nghe được về nơi khác […]
“Chuyện có thể được bào chữa là do sai trái của một vài cá nhân lẻ tẻ, như thói quen biện hộ thông thường. Nhưng ‘con dại cái mang’, một quyền bính chối bỏ trách nhiệm của mình thật chẳng bình thường tí nào, huống chi đối với một chính quyền cứ tự cho mình không chỉ bênh vực lẽ phải mà chính là hiện thân của lẽ phải, văn minh. Đây chính là điều đáng nói. Thường nhân sai lầm có thể bị mắng mỏ, đánh đập nhưng cũng được tha thứ. Còn những người tự xưng là thánh thiện có thể được kính trọng tôn sùng nhưng khi đổ vỡ thì thật là tai hại, tan tành không phương cứu vãn. Sống mà cái gì phải, cái gì thành công thì vơ về mình, cái gì trái, cái gì thất bại thì đẩy cho người khác, sống như thế, cai trị như thế cũng “dễ” thôi. Tất nhiên đây chỉ là bàn tới trên lí lẽ mà thôi. Nếu sức mạnh khiến cho lí lẽ không giành được ưu thắng thì đối lại chỉ còn sự khinh miệt – tuy rằng khinh miệt chẳng nhằm nhò gì đối với quyền thế. Về Sài Gòn ít lâu tôi thấy thái độ trên chất chứa thật sâu xa, thật lan tràn trong dân chúng. Và cả người cán bộ cũng ngượng ngùng, né tránh…
“Không thể không nhìn nhận sự hấp dẫn của Sài Gòn đối với người chiến thắng
“- hấp dẫn về mức sống cao, từ đó là hấp dẫn bởi con người, đầu tiên bao giờ cũng là đàn bà.! Lúc mới giải phóng, con gái ngõ hẻm đã chê bộ đội “không láng”. Có nghĩa ngược lại là con gái đàn bà Sài Gòn “láng” lắm. Văn chương Giải phóng có vào khuôn phép cho mấy cũng lộ ra một sự vùng vẫy chống cự sự hấp dẫn đó. Với uy thế chiến thắng sao họ không biết lợi dụng tình thế? Kẻ đạo đức trong vụ này là những tên chậm lụt, ì à ì ạch. Những người ở địa vị lãnh đạo tiếp thu cơ sở có đủ quyền uy, tiền bạc để che cái “không láng” của họ, mà có còn thì cũng dễ dàng nhanh chóng khắc phục[…]
“Huỳnh Tấn Phát quy định thời gian cải tạo là ba năm. Tuy cũng đã trải qua một năm rồi nhưng khoảng thời gian còn lại vẫn thấy là ngút ngàn! Quy định có nói đến trường hợp được về sớm nếu có cơ quan bảo lãnh, có người thân là Cách mạng. Thế là tự nhiên nảy nòi những tay bà con Cách mạng, từ những bà con thực sự, tuy xa lắc xa lơ mà honda, tivi rút ngắn con đường thân thuộc đến những tay bà con chẳng biết từ đâu, bằng cách nào lại trở nên cùng họ hàng! Trong đó yếu tố can thiệp mạnh vẫn là đàn bà[…]
“Xã hội không có quy mô công nghệ nữa mà lại suy sụp trở về với thời làm ăn tủn mủn, vụn vặt, một thứ “chạy chợ” tuy ở khung cảnh đô thị nhưng vẫn mang dáng dấp của sinh hoạt “con cò lặn lội bờ ao”. Người “làm ăn” được là đàn bà, con gái, trẻ em đi làm để nuôi đàn ông vào tù hay co rút lại. Những người này không được chuẩn bị sẵn để chống đỡ với những cạm bẫy do chính bởi cái ưu thế đàn bà đã giúp họ làm ăn dễ dàng: Qua mặt công an, luồn lọt công quyền, ứng biến khi sơ thất ngay cả trên đường xa…” [Tạ Chí Đại Trường, sđd, trang 187-191)
Bởi thế, tôi mới đặt vấn đề “sòng phẳng” trong bài trước. Tôi quan niệm tha thứ là một chuyện, ghi lại lịch sử cho chính xác là một chuyện khác cần thiết hơn nhiều. Nỗi thống khổ của dân chúng, đặc biệt của phụ nữ, dưới chế độ Cộng Sản đã lưu lại trên nhiều tác phẩm của nhà văn, nhà thơ hay sử gia Miền Nam. Một thí dụ về một biến cố trong và hậu chiến như thế đủ cho thấy Văn học Miền Nam không chỉ ở “thành phố, đô thị” như người Cộng sản vu cáo. Văn học Miền Nam luôn luôn là một thực thể gồm nhiều thành phần văn nghệ sĩ thuộc mấy thế hệ tiếp nối nhau.
Thực thể này gồm “ở lính” có, “lính kiểng” có, “không bao giờ… cầm súng đâu em” cũng có; rồi làm chủ báo có, viết thuê trường thiên tiểu thuyết từng kỳ cũng có; rồi làm chủ nhà xuất bản có, rồi không đoái hoài gì đến xuất bản cũng có; rồi báo lính có, báo phó thường dân cũng có; rồi báo diều hâu-chống Cộng có, báo phản chiến ăn cơm quốc gia thờ Ma Cộng sản của các anh chị trở cờ như Trình Bầy cũng có luôn; rồi báo lá cải có, báo đại học cũng có; rồi báo của linh mục có, báo của hòa thượng dĩ nhiên phải có; rồi báo tiếng ta có, báo tiếng Tầu có, báo tiếng Anh nhưng của người Hoa Kỳ cũng có; rồi báo chuyên đăng bài của cán bộ nằm vùng có, báo của đảng phái quốc gia phải có cho cân bằng lực lượng; rồi báo của người lớn giả làm nhi đồng có- như Tuổi Ngọc, báo của nhi đồng muốn làm người lớn cũng có- như đặc san của các trường trung học; rồi báo tại Sài gòn có, báo tại Miền Trung cũng có vv. Đó chính là nét tuyệt vời của văn học nghệ thuật của quốc gia Việt Nam Cộng hòa. Chưa kể tới các nhóm văn nghệ.
Có nhóm cùng chủ trương như Nhóm Quan Điểm, có nhóm dưới-một-bóng-cờ quây quần trong cùng tạp chí như Nhóm Sáng Tạo hay Nhóm Văn Nghệ bên cạnh các nhóm khác như Nhóm xôi đậu Bách Khoa. Có nhóm trẻ hăng say nên không dịu dàng với các nhóm già tuổi hơn. Nhóm Sáng Tạo chỉ trích kịch liệt Nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Thanh Tâm Tuyền vói sang Nhóm Quan Điểm, chê Mặc Đỗ bằng 2 chữ “làm dáng”. Gần 40 năm sau, Mặc Đỗ tình nguyện nhắc đến vụ đó khi tôi phỏng vấn hầu cho độc giả biết về quan điểm viết văn của riêng ông với sự tự tin của một người luôn luôn biết mình đang và sẽ làm gì. Nhân vật của ông không bao giờ phỏng theo bất kỳ ai ngoài đời. Chưa hết, Tô Thùy Yên nhân công việc “điểm sách” cuốn Kỳ Hoa Tử đã không ngần ngại phân tích luôn tới đời riêng của tác giả Nguyễn Mạnh Côn. Bởi thế, chàng bèn bị mang tiếng trí thức làm dáng. Không phải giới già chịu thua đâu: theo lời Hà Thượng Nhân–Chủ nhiệm báo quân đội Tiền Tuyến, Thanh Tâm Tuyền làm thơ “hũ nút” nghĩa là cực kỳ làm dáng. Mặc Đỗ tiếp tục viết văn. Trăng Đỏ xuất hiện năm 1974 trên báo Văn. Lập tức nhiều chàng và nhiều nàng nhận (vơ) là nhân vật trong truyện. Theo tôi, thế là ông thành công: mượn một người làm nhân vật rất dễ. Cái khó là làm sao cho ai cũng tưởng mình là nhân vật (làm dáng) đó!
Tuy thế, các nhóm văn nghệ mạnh ai nấy …làm dáng này, không phải vô tình mà đều trở thành kẻ đại thù của anh cán bộ Cộng sản chân chưa hết phèn Vũ Hạnh. Anh ta, lập đại bản doanh tại tờ Bách Khoa rồi bí mật đào hầm trong Trung Tâm Văn bút Việt Nam, thò bút tấn công hết thảy, trừ anh ta và các anh nhà văn mang bí danh, dĩ nhiên. Tôi không hiểu, sau 1975, anh ta làm sao nhìn mặt Thanh Lãng được nhỉ? Tôi mạn phép mượn lời Viên Linh đặt tên cho Vũ Hạnh thành “Anh lùn cạnh Linh mục Thanh Lãng”. Số là Viên Linh từng viết bài “Anh lùn cạnh Nhà thờ Đức Bà” trước 1975 để bênh vực những nhà thơ làm Thơ Tự Do.
Tới đây, tôi sẽ viết một chút về Quân lực Việt Nam Cộng hòa trước khi sang phần Duy Thanh vì nghiệm ra một điều: Họ cần được nhớ đến như một phần không thể tách rời với nền văn học nghệ thuật mà họ đã bảo vệ. Khi phân tích về các tác giả như Tô Thùy Yên, phần “ở lính” của ông nhòa đi, nhường cho phần…”ở tù” với những sự nhân ái mà cả Miền Nam này có thừa. Tôi phải công nhận không phải ai cũng có dịp ngồi trong trực thăng, máy bay quân sự bốc cháy hoặc tới các thôn ấp xa xôi, nhưng đó không phải là lý do để các nhà phê bình hay đồng nghiệp bỏ qua phần ông ca ngợi người lính VNCH. Bởi thế, sự liên hệ giữa Văn học Miền Nam và các biến cố chiến tranh sẽ hiển hiện càng lúc càng rõ, đặc biệt với thế hệ nghiên cứu tương lai, một khi những cơn địa chấn tình cảm cả cá nhân lẫn tập thể lắng xuống.
2. Lực lượng địa phương quân, Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Nhờ có cơ hội tới khắp “bốn vùng chiến thuật” trước 1975, tôi có lời giải đáp cho chính tôi: Làm thế nào Việt Nam Cộng hòa có thể đứng vững khi quân chính quy Miền Bắc đổ ào ạt xuống theo ngả Cam Bốt và Đường mòn Hồ Chí Minh? Nhất là khi họ được tiếp sức hiệu quả bởi du kích nằm vùng và người dân nghiêng theo họ như thí dụ các gia đình có con gái kết hôn với người tập kết đã bàn đến thượng dẫn? Và một màng nhện giúp đỡ, che giấu họ?
Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu bao lâu nay, nhất là vào dịp 30 tháng 4, báo chí Việt Nam lại tràn ngập loạt bài ca ngợi nhiệt liệt các màng nhện đó, các du kích, các nằm vùng Việt Cộng toàn các chiến sĩ bí danh một-hai-ba-bốn-năm-sáu như các chị Út Tịch-Nguyễn Thị Út, chị Ba Định-Nguyễn Thị Định, anh Ba Nghĩa-Nguyễn Hữu Thọ, anh Tư Ánh-Trần Bạch Đằng, anh Tư Trang-Trần Hữu Trang, anh Sáu Hà-Hồng Hà, anh Tám Chí-Huỳnh Tấn Phát, anh Mười Cúc-Nguyễn Văn Linh, chị Mười Thập-Nguyễn Thị Thập vv. Họ từng thề thốt trước cộng đồng thế giới “Còn cái lai quần cũng đánh” [Út Tịch] để giữ Miền Nam trung lập và hòa bình. Ôi! Cần gì phải thề cho uổng một lời thề với bọn Sở Khanh tân thời? Cầu được ước thấy: Nhà Nước giải phóng tư sản rồi giải phóng luôn tới Mặt Trận Giải Phóng theo đúng chiến thuật “giả mù sa mưa” cổ điển: “Đánh một trận sạch không …Mặt Trận, đánh hai trận tan-tác …quân ta“. Và giải phóng luôn cả “lai quần”. “Chị” Nguyễn Thị Bình hiện còn sống nên có thể trả lời cho toàn quân và toàn dân hai Miền, rằng có bao nhiêu gia đình Miền Nam phải đem (áo) quần đồ đạc đi bán? Có bao nhiêu thân nhân Miền Nam của Mặt Trận đã bị giam sau 1975? Đến nỗi Hai Thuần phải nhẩy lầu tự vận. Hai Thuần là ai? A! “Chị” Nguyễn Thị Bính dư biết Hai Thuần là ai. Nếu không, cứ hỏi Việt cộng-Trương Như Tảng sẽ biết.
Phải đối đầu với loại “trí thức” nằm vùng đầy thủ đoạn và một đoàn quân xâm lược ngoài mặt trận cùng du kích len lỏi trong dân chúng, bắt buộc Việt Nam Cộng hòa phải có chiến lược ứng phó: Một quân lực gồm cả các lực lượng địa phương như Địa Phương Quân, Nhân dân Tự vệ và Nghĩa quân. Trong 20 năm, cho tới khi cận những năm tháng phải bó tay, các binh chủng như Bộ Binh, Không Quân và Hải Quân đã được tiếp tay bằng lực lượng Địa phương quân, Nghĩa quân và Nhân dân Tự vệ. Các lực lượng địa phương đứng trên tuyến đầu ngăn chặn sự xâm nhập của đoàn quân Cộng sản vào làng xã. Trái với lối đùa “chuyện dài Nhân dân Tự dzận” của dân thành phố, dân làng tại các nơi cô quạnh “đêm buồn tỉnh lẻ” dư hiểu cái giá có khi bằng sinh mạnh chính gia đình họ. Không có khả năng đi quá xa về phần chuyên môn, tôi chỉ muốn nhắc tới một phần tử đã góp phần đắc lực bảo vệ Việt Nam Cộng hòa; đồng thời, giúp Văn Học Miền Nam tạo những thành tích còn lưu lại.
Các lực lượng dân quân địa phương Miền Nam thường chưa được nghiên cứu một cách chi tiết ngoài quân đội cho tới năm 1981 khi Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (2) góp phần vào việc nghiên cứu ấy bằng cách soạn cuốn Territorial Forces/”Những lực lượng địa phương quân”. Sau đây là 1 đoạn ngắn giúp chúng ta biết thêm về quân số và trách nhiệm của họ:
-“[…]Chương trình ‘Nhân dân Tự vệ/People’s Self Defense Force phát triển nhanh chóng và đến năm 1972, ‘Nhân dân Tự vệ’ đã trở thành một lực lượng đáng kể với hơn một triệu thành viên tác chiến […] Thành phần hỗ trợ ‘Nhân dân Tự vệ’ thậm chí còn lớn hơn với 2 triệu 500 ngàn thành viên. Sự kiện chương trình này vượt quá mọi mong đợi là một dấu hiệu không thể nhầm lẫn được về thái độ của người dân miền Nam Việt Nam đối với cuộc nổi dậy của cộng sản. Hơn nữa, điều thực tế là Miền Nam đã võ trang cho 500.000 dân làng thuộc hệ thống dân sự hầu bảo vệ gia cư của họ, và những công dân này đã chọn làm điều đó, thay vì giúp đỡ người Cộng sản hoặc chống lại chính phủ, là bằng chứng cụ thể cho thấy lòng trung thành và tận tụy của họ…” [Quang Truong Ngo, Territorial Forces, trang 70- Tài liệu nghiên cứu/monograph, In lại từ bản sao lưu trữ thuộc sưu tập của&tại Thư viện Đại học Michigan/University of Michigan Library Collection -Do Trung Tâm Quân Sử Hoa Kỳ in ấn, Washington D.C., Hoa kỳ, 1980, Tác giả và Trung Tâm Quân sử Hoa Kỳ không giữ Bản quyền (3)]
Nhà văn Võ Phiến giúp chúng ta hình dung được một Ấp Chiến lược được bảo vệ bằng quân lính địa phương tại một nơi hẻo lánh vào năm 1971.
Một làng biên giới, Võ Phiến,
-“Ngoại ô tỉnh lỵ Mộc hóa có con kinh Cá rô, có ấp Cá rô v.v […] Lại chẳng hạn câu chuyện về xã Th. t.. Xế chiều đến xã. Trụ sở xã như một pháo đài. Văn phòng nằm trong ba vòng rào dây kẽm gai, có hào, có thành bao bọc. […] Đi được một quãng, lấy làm tiếc đã không có dịp lọt vào thăm cái nơi thầm nghiêm, tức là văn phòng xã nọ. Quay đầu lại xem, thì người nghĩa quân đã biến mất vào trong lô cốt, ở một góc thành. Tiếc là phải: năm năm trước, tại cái trụ sở xã này đã xảy ra một biến cố. Hồi ấy, năm 1966, vào lúc tình thế hỗn loạn nhất, lực lượng địch từ đất Cam-pu-chia tràn qua, mà lực lượng ta thì không dám rời khỏi tỉnh lỵ. Từ lâu, xã đã nghe sự đe dọa đò nặng trên đầu. Một buổi chiều, tình báo đem về tin dữ, cán bộ xã cho vợ con bỏ nhà, tản mác đi lánh ở các gia đình thường dân. Còn 45 dân vệ và 5 cán bộ, kể cả xã trưởng, cùng tử thủ trong trụ sở với những khẩu M1 cũ kỹ và 700 quả lựu đạn. Từ hai giờ rưỡi cho đến sáu giờ sáng, hai tiểu đoàn 504 và 262 của cộng quân tấn công với AK, với súng cối, với B40… Bảy giờ sáng, biệt động quân từ Mộc hóa kéo đến thì địch đã rút. Chung quanh các vòng rào không còn cái xác nào, địch đã có thì giờ khiêng đi hết. Chỉ còn lại máu, óc, ruột gan, bầy nhầy, và rất nhiều. Trong trận ấy, địch mất chừng 170 quân. Và từ đó xã Th. t. hết bị quấy rối, uy hiếp. Người nghe không khỏi bày tỏ cảm tưởng ngạc nhiên:–Các ông gan và giỏi quá. Ông xã trưởng nhũn nhặn: –Chúng tôi nhờ có mấy vòng rào và nhiều lựu đạn.
– Dù sao, không phải xã nào cũng có những dân vệ như thế.
– Chúng tôi là cựu quân nhân[…]
– Một đơn vị… một tiểu đoàn: thế thì xã này đâu có đông dân ?
Ông xã trưởng : – Vâng. Cho đến nay, toàn xã chưa đến tám trăm đầu người. Một số đã bó xã đi làm ăn xa.
Tám trăm nhân khẩu trấn giữ một ranh giới nguy hiểm trong thời chiến quả là ít oi, bơ vơ.-(Tháng 9. 1971) [Võ Phiến, “Một làng biên giới”, Tùy Bút, trang 257-259, Văn Nghệ xuất bản, 1986, Hoa Kỳ- Tùy bút này đã được đăng vào Đất nước quê hương, Lửa Thiêng, 1973, Sài gòn]
Võ Phiến nhắc đến năm 1966 khi địa phương quân chỉ có vũ khí từ thời Thế Chiến thứ Hai trong khi “cộng quân tấn công với AK, với súng cối, với B40″…Nghĩa là rõ ràng phần chết nhiều hơn phần sống. Bởi thế, theo Tướng Trưởng, bắt đầu từ năm 1969, sau trận Mậu Thân, các đơn vị địa phương được trang bị bằng khí giới tân tiến hơn như súng M-16, một loại tương đương với AK-47, nhưng quan trọng nhất là súng chống thiết giáp LAW M-72 (Quang Truong Ngo, Territorial Forces, trang 97] nhắm chống lại quân đội Miền Bắc với vũ khí tối tân như xe tăng T-54, súng AK-47, xe tăng, súng B-40 và B-41 (súng phóng lựu cá nhân chống xe tăng/ Antitank Grenade Launcher)
Loại vũ khí cá nhân chống xe tăng/(L)ight (A)nti-Armor (W)eapon M-72 được người lính Miền Nam sử dụng sẽ chứng minh, một khi hai bên quân bằng khí giới và đạn dược, binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa ngay tại địa phương cùng các binh chủng khác có thể đánh gục bất cứ một chiến dịch tấn công nào. Đó là chuyện đã xẩy ra vào năm 1972 khi người Cộng Sản mở Chiến dịch Xuân-Hè còn ghi dấu với nhiều thảm bại, trong số có An Lộc. An Lộc địa sử ghi chiến tích/Biệt Cách Dù vị quốc vong thân.
Ngoài Tướng Trưởng và Y sĩ Thiếu Tá (lúc đó còn là Đại Úy Quân Y) Nguyễn Văn Quý, ít nhất còn có lời chứng của Trung Tá Cố Vấn James H. Wilbanks– người cũng hiện diện tại trận chiến An Lộc trong cuốn The Battle of An Loc— về chiến công bắn hạ xe tăng Cộng Sản của quân lính địa phương.
Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, The Easter Offensive of 1972
-“[…] Một điểm phi thường nổi bật xẩy ra trong vài giờ đầu chiến đấu là việc sử dụng hiệu quả súng chống xe tăng M-72 LAW. Trên thực tế, chiếc xe tăng đầu tiên bị diệt là do công của một người lính Địa phương quân, thuộc đoàn quân QLVNCH bảo vệ An Lộc, trong lúc kẻ thù tấn công vào thành phố này. Tin tức về kỳ công đó đã lan truyền nhanh chóng giữa các toán quân của QLVNCH và sự tự tin của họ được tăng cường đáng kể, như thể chỉ trong tích tắc, nỗi kinh hoàng có sẵn từ lâu đối với xe tăng địch đã đột nhiên biến mất…” [Quang Truong Ngo, The Easter Offensive of 1972, trang 119,121- Tài liệu nghiên cứu/monograph, In lại từ bản sao lưu trữ thuộc Bộ Sưu tập của&tại Thư viện Đại học Michigan/University of Michigan Library Collection -Do Trung Tâm Quân Sử Hoa Kỳ in ấn, Washington D.C., Hoa kỳ, 1980, Tác giả và Trung Tâm Quân sử Hoa Kỳ không giữ Bản quyền- Tác giả viết xong ngày 28. 7.1977 tại thành phố McLean, Virginia. (4)]
Y sĩ Thiếu tá Nguyễn Văn Quý, Nhật ký An Lộc: 86 ngày của một bác sĩ giải phẫu tại mặt trận
Đúng như tên gọi, cuốn nhật ký này được viết ngay từ Mặt Trận An Lộc, Bình Long, 1972, khi tác giả còn nhiệm chức Y Sĩ Đại Úy và có mặt trong 86 ngày tử chiến tại đây. Ông là con trai duy nhất của một góa phụ nên được miễn dịch, nhưng vẫn tình nguyện xin nhập ngũ Khóa 10 Y Sĩ Trưng Tập. Chức vụ đầu tiên của ông là Đại đội trưởng Đại đội 43, Tiểu đoàn 18 Quân Y. Sau đó, ông xin về học 1 năm chuyên ngành Giải phẫu tại Tổng Y Viện Cộng Hòa rồi nhận nhiệm sở tại An Lộc, Tiểu Khu Bình Long. Ngày 5 Tháng 4, 1972 mở đầu nhật ký. Ngày 29 Tháng 7. 1972 kết thúc. Vượt biển sang Hoa Kỳ 1979. Đây là một trong những hồi ký lưu lại tài liệu về số phận của ban điều hành một bệnh viện thuộc một thị xã phủ trùm trong mưa bom. Có một chi tiết mà tôi nghĩ cần được đưa vào lịch sử Y Khoa: Ngày 15 tháng 6, khi đợt tấn công thứ 2 bắt đầu thì bệnh viện không còn loại chỉ “Cat gut 1.0” hay “silk 1.0” để may đóng bụng lại sau khi giải phẫu. Bác sĩ Quý bèn nói với y tá [Trung sĩ Sáu Xòm] tìm “ba túm dây nilon cột bao cát” mang về “ngâm rửa trong xà bông” quân-tiếp vụ khoảng 20 phút rồi cất vào một cái lọ phòng khi hữu sự. Quả nhiên, Đại Úy Nghi thuộc Pháo binh Dù là bệnh nhân đầu tiên. Sau đó, ông còn dùng cho ba bệnh nhân nữa trước khi được tiếp tế [trang 282-288, sđd].
Toàn thể những gì xẩy ra trong thời gian đó, từ khía cạnh chuyên môn của một bác sĩ giải phẫu duy nhất cho tới sức chống trả của người lính và nỗi chịu đựng của người dân, đã được quan sát tỉ mỉ rồi lưu lại để phổ biến đúng 30 năm sau bên bờ đại dương khác. Tôi tiếc cuốn này đã tuyệt bản, chỉ còn tìm thấy may lắm ở thư viện.
“[…] Xe tăng nào không bị lật nghiêng cũng bị chúi mũi xuống hố bom. Ở vòng trong thì bị M 72. Dọc theo tỉnh lộ từ Lộc Ninh về, trên con đường dẫn vào thị xã An Lộc ba chiếc xe tăng mới tinh bị bắn cháy nằm xếp hàng ngay trên lộ, y như đi duyệt binh. Tôi nghe nói đó là công của mấy anh em đào binh và của Địa Phương Quân. Ngay bộ chỉ huy tiểu khu, hai xe tăng bị bắn cháy sát vòng rào dây kẽm gai, một ở đằng trước và một ở đằng sau bộ chỉ huy tiểu khu. Xa hơn nữa phía bờ rừng cao su gần bên quốc lộ 13 dẫn vào tỉnh lỵ, hai chiếc nữa cũng bị quân Dù bắn cháy. Rải rác những con đường trong thành phố cũng có xe tăng bị hạ, tính ra chính mắt tôi nhìn thấy và đếm được tổng cộng là 13 chiếc. Nhìn chung, quả thực đáng sợ, nếu quân ta không trừ ngay được chúng, để chúng hoành hành thì hậu quả không biết đâu lường được.
“Hồi đầu thấy xe tăng binh sĩ đều có vẻ ngán và hơi lo sợ, nhưng sau khi được phân phát đầy đủ súng chống tăng M72 đồng thời thấy xe tăng vào cái nào bị hạ cái đó nên binh sĩ thấy tự tin và hăng hái, tinh thần lên rất cao. Ít ra họ cũng biết rõ trong tay họ có thứ vũ khí diệt xe tăng rất hữu hiệu. Lòng tin tưởng mãnh liệt đó và kinh nghiệm của cuộc tấn công đợt đầu đã giúp cho họ giữ vững được An Lộc trong những cuộc tấn công tới. Một cuộc tấn công mà Việt Cộng cố dốc toàn lực để xả láng đã làm các vị chỉ huy ở đây đã có lúc phải lo ngại[…]
“Tiểu đội đó hoạt động linh lợi vô cùng. Từ xa tôi thấy người này người nọ lăng xăng lấy M72 ra tiếp tế cho nhau, sửa soạn để bắn chiến xa. Bóng họ in sẫm trên nền trời xanh nhạt. Tôi thấy một người lính đưa một khẩu M72 cho một người bạn. Người này quỳ xuống nhắm vào chiếc xe tăng đang chay ở dưới đường. Mấy người khác nằm rạp ra hai bên. Một cột lửa phụt dài ra đằng sau đuôi M72 tiếp theo một tiếng nổ dữ dội vang lên. Mấy người lính đứng bật dậy, ùa ra lan can xem rồi reo hò lên. Từ xa tôi cũng nghe được tiếng họ la hét. Họ tung cả mũ sắt lên trời, ôm nhau nhảy vòng tròn vui vẻ lắm. Tôi đoán họ vừa hạ xong một xe tăng của Việt Cộng. Họ coi Việt Cộng như không. Đánh giặc như trò đùa. Họ thật bình tĩnh và can đảm. Họ bắn liên tiếp ba bốn trái nữa. Tôi xem hoạt cảnh đó một cách say mê. Đến bây giờ tôi vẫn còn lấy làm lạ sao thấy xe tăng địch tràn vào thành phố mà tôi và mấy người lính hôm đó không có một cảm giác sợ hãi nào…”[Y sĩ Thiếu tá Nguyễn Văn Quý, Nhật ký An Lộc: 86 ngày của một bác sĩ giải phẫu tại mặt trận, Nhà Xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 2002]
Đây cũng sẽ là lần thứ hai, sau trận Mậu Thân, người ta xác nhận được một số binh lính Cộng sản bị xích vào các cỗ đại pháo hay xe tăng khiến họ không bỏ trốn được. Tôi đã đọc vô số bản tin tường thuật từ các ký giả ngoại quốc, lần này sẽ trích dẫn lời Y sĩ Thiếu tá Nguyễn Văn Quý:
-“Tôi thấy một bộ xương người ngay chỗ tài xế. Cổ xương chân trái có một sợi dây xích cột vào cần lái xe. Mọi sự hồ nghi của tôi về việc này trong giây phút đó đã được hoàn toàn giải tỏa. Trong xe không còn một bộ xương nào khác. Trong cơn nguy hiểm, người tài xế xe tăng đã chết một mình[…] Người tài xế không thể trốn đi được vì đã bị xích chặt vào xe. Tôi có thể hình dung nỗi tuyệt vọng, nỗi kinh hoàng của người tài xế trước khi chết ra sao […] Trong thời chiến thiếu gì những trường hợp quyết tử […] Nhưng khi thấy những hành động trên chúng ta chỉ thấy cảm phục thương xót nhưng không ghê tởm như thấy những trường hợp bị xích chân vào xe tăng hay những khẩu thượng liên. Có lẽ vì hình ảnh bị xích cho ta cái ấn tượng bị ép buộc phải làm những việc nguy hiểm ngoài ý muốn của người lính, không để cho họ thoát thân dù rất nhỏ...” [Nguyễn Văn Quý, sđd, trang 368-369]
Họ tình nguyện hay bị cấp chỉ huy cưỡng bách? Câu hỏi này sẽ không bao giờ trả lời được một cách chính xác, nhưng nó phản ảnh sự dã man và kinh hoàng cực độ của cuộc chiến tranh Việt Nam. Dù sao, đó cũng là một biểu tượng rất tai hại cho Đảng Cộng sản khi người ta hình dung hình ảnh một người lính Cộng Sản bị xiềng vào thứ vũ khí có tầm tiêu diệt khủng khiếp như đại pháo hay xe tăng nhắm tiêu diệt địch quân có cả người dân tình nguyện bỏ chạy hay chống lại. Khẩu hiệu “Giải Phóng” Miền Nam không bao giờ có một định nghĩa nào mỉa mai hơn nữa. Cả hai sự kiện trong cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Quý được James H. Willbanks xác nhận trong The Battle of An Loc bằng cách miêu tả về việc quân sĩ VNCH bắn hạ xe tăng Bắc Việt và việc người lính Bắc Việt bị xiềng vào xe tăng:
-“[…] Một trong những chiếc xe tăng đã theo suốt con đường chính tiến tới chiếc cổng phía nam, nơi ba người lính Địa Phương quân sử dụng súng M72 LAW để phá hủy nó. Cũng trong khoảng thời gian đó, đoàn quân trú đóng phía trái của vành đai phá hủy một chiếc xe tăng khác. Đại úy Harold Moffett, cố vấn lực lượng Biệt Động Quân QLVNCH, mô tả tác động của việc Biệt Động Quân phá hủy chiếc xe tăng đầu tiên này: ‘Anh chàng nhỏ bé đó tìm săn một khối kim loại nặng 40 tấn, đeo trên lưng thứ vũ khí chống tăng nặng từ gần 1 kg tới gần 1 kg rưỡi. Thật ngoài sức tưởng tượng khiến tôi hào hứng. Làm cách nào để mô tả một người lính VNCH nhỏ bé chống lại một chiếc xe tăng?’ Sau đó, ông nhớ lại: ‘Tôi cũng rất sợ hãi như mọi người khác cho đến khi xác định được chúng ta có thể hạ gục mấy chiếc xe tăng này bằng vũ khí chúng ta có.’ ” [James H. Willbanks, sđd, trang 75-76, Đại học Tiểu bang Indiana xuất bản, 2005 (5)]
Tôi không nghĩ James H. Willbanks khinh thường khi dùng chữ “nhỏ bé/little” vì hãy tưởng tượng một người lính, kể cả người lính Hoa Kỳ cao lớn và nặng ký hơn, đứng trước một khối sắt 40 tấn, chiều cao khoảng 2 mét 40 chưa kể nòng súng nếu giương lên, với hỏa lực bắn xập bất cứ chướng ngại vật nào, tốc độ gần 50 km (30 dặm) một giờ, ầm ầm xông đến,.
Ông cũng cho biết, tại phần kết luận của cuốn sách thượng dẫn, quân số của quân địa phương khoảng hơn 2.000 người. Khi An Lộc được giải tỏa, 350 tử trận, 250 mất tích và 900 bị thương. Ông dành nhiều trang miêu tả cảnh người dân bị đoàn quân Miền Bắc bắn giết bất kể họ chỉ là dân chạy loạn. Theo tôi thì nhiều hơn nữa.
Tôi đã được đọc nhiều cuốn sách của Miền Bắc phỉ báng không chỉ Văn học Miền Nam mà còn cả người lính Miền Nam và thượng cấp xứng đáng của họ, những người đã chiến đấu cho sự tồn tại của nền văn học này bằng sự can đảm, nhiều khi hy sinh tới tính mạng, như lời tường thuật của các tác giả trên. Bởi thế, tôi sẽ kèm bài viết của Đại úy Quân Nhu Lê Đình Thọ, một sĩ quan tác chiến từng có mặt tại Huế, Mậu Thân 1968. Ông đã viết về Trung Tướng Trưởng mà cũng không chỉ về Tướng Trưởng. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng khởi đầu binh nghiệp với cấp bực Thiếu úy Khóa Nhẩy Dù, 1954, rồi sau nhiều năm giữ chức Tư lệnh phó Sư đoàn Nhẩy Dù. Vào ngày 19 tháng 6, năm 1966, ông được thăng Đại tá nhiệm chức và được cử về giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ Binh. Ngày 4. 2.1967, Chuẩn tướng nhiệm chức. Ngày 3.6.1968, Thiếu tướng nhiệm chức. 1970, Trung Tướng nhiệm chức (6).
3. Huynh đệ chi binh
Đại úy Lê Đình Thọ phục vụ dưới quyền Trung Tướng Trưởng suốt 6 năm [1966-1970] tại Huế, kể cả biến cố Mậu Thân. Tác giả, giáo sư Trường Trung học Kỹ Thuật Huế, động viên vào quân đội, thuộc binh chủng Quân Nhu. Năm 1970, tác giả giữ chức Đại úy Đại đội trưởng, Đại đội Tiếp liệu, Sư đoàn I Bộ Binh. Đã có nhiều người viết về Tướng Trưởng, nhưng tôi chọn bài của Đại úy Lê Đình Thọ vì ông cung cấp những quan sát tinh tế từ vị trí của một sĩ quan cao cấp can dự trực tiếp vào cuộc chiến. Không những thế, ông có một mối liên hệ rất gần gũi với Tướng Trưởng qua 6 năm đó nên sự kiện trong bài có thể coi là rất trung thực. Trong giới hạn bài viết, tôi xin mạn phép tác giả trích dẫn những đoạn cần thiết nhất:
-“[…]Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã mất[ …]Theo tôi nghĩ, với sức khỏe của ông, ông sống được như vậy là đã quá lâu rồi. Ông sống chỉ với một lá phổi. Lúc còn ở đơn vị nhảy dù ông đã bị thương ngoài mặt trận, một viên đạn vào phổi và sau đó đã phải chịu cắt bỏ một lá khi vào bệnh viện. Đã từng làm việc dưới quyền của ông từ năm 66 đến năm 70, tôi ghi lại sau đây một vài điều mà cho đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ[…]Người Nam (Kiến Hòa), với gương mặt khắc khổ, hiếm hoi có nụ cười; và nếu họa hoằn lắm mới cười, thì cười cũng không vui hơn khóc là bao nhiêu, và lúc đó hai má của ông sẽ cóp thêm một chút nữa. Ông ít nói và đã nói thì mạch lạc, ngắn gọn, không dư và cũng không thiếu một chữ.
“Suốt ngày ông bay trên trực thăng và đáp xuống các tiền đồn bất cứ lúc nào cho nên các tiền đồn lúc nào cũng phải canh phòng nghiêm chỉnh, không phải vì ở xa mà chểnh mảng công việc phòng thủ được. Mỗi lần Sư Đoàn có đơn vị đang hành quân dưới đất thì lúc đó sẽ có ông bay ở trên trời. Ông nắm vững tình hình ngoài mặt trận còn hơn cả Phòng 3 của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn. Tôi nhớ có một hôm vào một buổi sáng Thứ Bảy, trong buổi họp hàng tuần của các Phòng, Ban của Bộ Tư Lệnh và các Đơn vị Trưởng các đơn vị biệt lập, Trung Tá H. Trưởng Phòng 3 Sư Đoàn đã báo cáo là vừa rồi Trung Đoàn 3 sau khi chạm địch đã tịch thu được một số vũ khí cá nhân và một súng cối 82 ly thì đã bị ông chỉnh lại: ‘Trung Tá H. xem lại, chỉ có cái đế súng thôi, không có nòng súng đó!’ Làm Trung Tá H. ngượng nghịu, anh em chúng tôi nháy mắt cười với nhau. Có mấy lần trực thăng suýt rớt và có một lần rớt thật nhưng may mắn thoát nạn vì phi công đã kịp tách chong chóng ra khỏi động cơ khi động cơ tắt máy thình lình, do đó với đà có sẵn của chong chóng máy bay đã xuống được, nhưng chạm đất một cái rầm. Anh bạn của tôi là Đại Úy TTK tùy viên đi theo, một tuần sau ban đêm nằm ngủ vẫn còn nằm mơ thấy bị rớt máy bay. Và vì ngày nào cũng bay như vậy nên phải có hai Tùy viên thay phiên nhau đi với ông, một người không sao chịu nổi. Ban ngày bay thị sát mặt trận, tối lại về tư dinh thì mười tối như một, ông ngồi nhìn bản đồ trên vách với ly rượu whisky trên tay. […]
“Dáng người cao, gầy, ông luôn luôn nghiêm chỉnh trong bộ quân phục nhưng tôi có cảm tưởng hình như lúc nào bộ áo quần cũng có vẻ hơi rộng đối với con người của ông […]Từ lực lượng nhảy dù về nhưng khi đến Sư Đoàn Bộ Binh thì Tướng Trưởng không mặc đồ dù nữa mà mặc quân phục theo màu của bộ binh, chỉ có ở trên túi áo là còn thêu cánh dù mà thôi. Tôi nhớ có hôm ông Bác sĩ C. từ Sư đoàn Dù được đổi về làm Chỉ Huy Trưởng Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương ở trong thành Mang Cá Lớn. Vì mới thuyên chuyển đến nên Bác sĩ C. chưa có đồng phục kaki màu xanh olive mà vẫn còn mặc quân phục nhảy dù để đi họp. Sau buổi họp Tướng Trưởng đã nói với Bác sĩ C. :’Tôi muốn lần tới Bác sĩ C. bận quân phục cho giống như các anh em ở đây.’ Chỉ hai ngày sau thôi, tôi thấy Bác sĩ C đã không còn bận đồ dù nữa.
“Năm 69 khi Việt Cộng vây căn cứ Birmingham, áp lực địch rất nặng, một Tiểu đoàn Biệt Động Quân phải tăng cường phòng thủ vòng đai bên ngoài để căn cứ khỏi bị tràn ngập. Trong lúc đó mấy khẩu đại bác 105 và 175 của pháo đội ở trong căn cứ lại bị trở ngại tác xạ vì thiếu đầu di động để thay thế. Buổi họp ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, Đại Úy Bích– Đại Đội Trưởng Đại Đội Bảo Toàn –báo cáo là đã xin tiếp liệu khẩn rồi nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phát để thay thế. Thiếu Tướng Trưởng liền chỉ thị: ‘Sau buổi họp, phòng 3 Sư Đoàn lấy máy bay trực thăng của tôi chở Đại Úy Bích lên căn cứ Birmingham. Đến khi nào các khẩu đại bác ở trên đó bắn được rồi thì Đại Úy Bích mới về!’ Chỉ một đêm thôi, Việt Cộng pháo kích không ngủ được, lại lo không biết sống chết lúc nào, sáng lại Đại Úy Bích gọi điện thoại về cho Đại Úy Qua -Đại Đội phó, hối thúc cho sĩ quan tiếp liệu vào gấp tiểu đoàn 210 Trung Hạng Yểm Trợ Quân Cụ ở Đà Nẵng, bằng mọi cách phải làm sao xin tiếp liệu khẩn cấp hàng ngang hay hàng dọc một số đầu di động cho đại bác, để… giải thoát cho Đại đội trưởng đang bị nhốt làm con tin ở trên căn cứ (chứ không phải để giải phóng cho mấy khẩu súng đang bị tắt nòng vì thiếu cơ phận!) Đó, làm việc với Tướng Trưởng là như vậy đó […]
“Đây lại là Sư Đoàn cộng, nghĩa là có đến 4 Trung đoàn. Quân số 18 ngàn người. Do đó bảng cấp số của các đơn vị yểm trợ cũng đông hơn ở các sư đoàn khác. Thời gian tôi làm Đại đội trưởng Đại đội Tiếp liệu, quân số của đại đội có lúc lên đến 340 người, trong đó gồm 15 Sĩ quan và 60 Hạ sĩ quan […]Trong thời gian làm Đại đội trưởng Đại đội Tiếp liệu tôi bị Tướng Trưởng lưu ý một lần về những giây leo ngoài bờ thành của đơn vị, phía sau kho xăng. Thành Mang Cá Lớn là một trại binh của triều Nguyễn, bờ thành bao bọc chung quanh rất cao, nhưng từ trên trực thăng ông đã thấy có những giây leo ở ngoài, VC có thể dùng những giây đó để leo vào trong đơn vị được. Vậy Là Chủ Nhật đó thầy trò tôi phải đi bọc ra ngoài khai quang cho hết đám giây leo (mặc dầu ông chỉ mới chỉ thị vào ngày Thứ Bảy, với ông, nói là phải làm ngay). Ông đã để ý đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất[…]
“Và kỷ niệm đậm nét nhất với ông là về đợt tấn công của Việt Cộng vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 và vào Thành phố Huế vào Tết Mậu Thân. Chiều 30 Tết năm 1967, tôi đi với đoàn xe tiếp tế thực phẩm cho điểm tiếp liệu loại 1 của đơn vị ở trong thành Quảng Trị về, khi đi ngang qua cầu An Hòa, thấy Đại Đội Công binh của Mỹ thường ngày đóng ở đây để làm đường và làm cầu bỗng dưng rút đi đâu mất, trong lúc mới sáng hôm đó khi đi qua đây chúng tôi vẫn còn thấy họ. Sau nầy khi kiểm chứng lại, tôi mới biết, không những chỉ toán nầy mà tất cả những toán khác ở nhiều nơi khác nữa, cũng đều được lệnh rút về Phú Bài như vậy. Hình như về phía Mỹ họ biết trước cuộc Tổng tấn công đêm nay của Việt Cộng. Còn phía quân đội VNCH chúng ta thì chỉ có lệnh cấm trại 100% như thường lệ mà thôi […] Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh nằm trong thành Mang Cá Lớn cùng với một số đơn vị kỹ thuật gồm Tiểu đoàn 1 Truyền Tin, Tiểu đoàn 1 Quân Y, Đại đội 1 Quân Nhu, Đại đội Tổng Hành Dinh và Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương […] Những ngày sau đó Tướng Trưởng đã chỉ huy các đơn vị tác chiến của Sư Đoàn 1 Bộ Binh, phối hợp với các đơn vị Tổng trừ bị như Dù và Thủy Quân Lục Chiến, cùng với các đơn vị Đồng minh, đẩy lui hoàn toàn các đơn vị địch ra khỏi thành phố Huế, làm cho địch quân tổn thất rất nặng nề […]
“Rời chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh vào đầu năm 70 để vào nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn 4 kiêm Tư Lệnh Vùng 4 Chiến thuật, Tướng Ngô Quang Trưởng đã ra lại Đà Nẵng vào đầu năm 72 để kịp thời tổ chức cuộc Tổng phản công tái chiếm cổ thành Quảng Trị vào Mùa hè đỏ lửa. Nhìn bề ngoài với gương mặt lạnh lùng khắc khổ, ai cũng tưởng Tướng Ngô Quang Trưởng là một người khô khan. Nhưng bên trong ông lại là một con người tình cảm. Trong buổi lễ chia tay trước hàng quân ở sân cờ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn để vào Nam nhận nhiệm vụ mới, sau khi ngắn gọn ngỏ vài lời cảm ơn và từ giã với toàn thể Sĩ quan, Hạ sĩ quan và Binh sĩ thuộc quyền, ông đã khóc khiến cho các cố vấn Mỹ đứng bên lúc đó bối rối và kinh ngạc. Mấy dòng hồi ký để tưởng niệm một vị Tướng Lãnh tài ba, tận tụy với nhiệm vụ, thanh sạch trong đời sống, xứng đáng để làm gương cho nhiều người.” [Lê Đình Thọ, ” Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và Sư Đoàn 1 Bộ Binh”, Tháng 3.2007, Hạt Cam, California, Hoa Kỳ]
Qua mấy đoạn thượng dẫn, tôi hy vọng sẽ cung cấp được thêm tài liệu, không chỉ về một ông Tướng, mà còn về người lính Việt Nam Cộng hòa vô danh khiến chúng ta liên tưởng tới nhiều khía cạnh chuyên môn xưa nay vẫn chìm đắm trong cuộc chiến tự vệ của Miền Nam. Đại úy Lê Đình Thọ giải thích thêm:
-“[…] Tất cả các Sư đoàn Bộ Binh đều có đủ các Binh chủng như Quân Nhu, Quân Cụ, Công Binh, Truyền Tin, Pháo Binh, Thiết Giáp… Mỗi bình chủng yểm trợ một loại quân dụng hay một phương tiện chiến đấu cho Sư đoàn. Cũng là Binh chủng Quân Nhu, Quân Cụ, Công Binh, Truyền Tin… nhưng nếu ở những đơn vị trung ương hay Đơn vị kho bãi thì ít vất vả và nguy hiểm hơn những đơn vị trực tiếp yểm trợ ở các Sư đoàn. Quân số các Đại đội kỹ thuật ở các Sư Đoàn thường bằng quân số một Tiểu đoàn Bộ Binh. Các đơn vị yểm trợ như Quân Nhu, Quân Cụ…trực thuộc các Binh chủng gốc về chuyên môn nhưng thuộc chỉ huy trực tiếp của các Tư lệnh Sư đoàn. Năm 73 khi tôi vào làm Chỉ Huy Trưởng kho Nhiên Liệu Chu Lai thì không trực thuộc chỉ huy của Sư đoàn hay Quân đoàn nào nữa, mà thuộc Tiểu đoàn Nhiên Liệu, Cục Quân Nhu...” [Lê Đình Thọ, Trả lời Nguyễn Tà Cúc về Cục Quân Nhu-Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tháng chạp, 2019]
Năm 1973, Đại úy Lê Đình Thọ được thuyên chuyển vào làm Chỉ Huy Trưởng kho Nhiên Liệu Chu Lai, Tiểu đoàn 1 Nhiên liệu, trực thuộc Cục Quân Nhu. Ngày 23 tháng 8, 1970, Thiếu Tướng Ngô Quang Trưởng bàn giao chức Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ Binh cho chuẩn tướng Phạm Văn Phú để nhiệm chức Tư lệnh Quân đoàn IV, Quân Khu 4. Ngày 3 tháng 5, năm 1972, ông nhiệm chức Tư lệnh Quân đoàn I, Quân khu 1, chỉ huy cuộc phản công vẫn được biết đến như Mùa hè đỏ lửa [tên một tác phẩm của Phan Nhật Nam] nhắm tái chiếm Quảng Trị và giữ vững mặt trận Cao Nguyên.
Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, tướng Ngô Quang Trưởng soạn 3 cuốn theo như tôi biết: Territorial Forces (1978), RVNAF and US Operational Coopperation and Coordination (1979), The Easter Offensive of 1972 (1980). Đó là những tài liệu quý giá về Chiến Tranh Việt Nam do chính một vị tướng lãnh tài ba mà cả Miền Bắc, Miền Nam hay Hoa Kỳ đều kính trọng. Bạn đọc có thể đọc và in lại miễn phí theo một số mạng Internet: Tác giả không giữ bản quyền. Mỗi lần đọc 2 cuốn này, tôi lại ngậm ngùi vô kể: Những tài liệu như vậy thì bị bỏ quên trong khi bao nhiêu cuốn khác đã được hệ thống Đại học Hoa Kỳ trân trọng xuất bản. Dù vậy, tôi vẫn tin, một ngày nào đó, sẽ có nhà nghiên cứu nào đó đưa chúng vào vị trí xứng đáng tại Việt Nam. Vâng, tại Việt Nam.
Đại Úy Lê Đình Thọ đi tù, rồi về dựng lại cuộc đời. Ông sang đây khoảng đầu những năm 90. Không hận thù, ông tham gia những việc chung, giúp người giúp bạn. Ông làm thơ, có câu: Khi tôi ở trong ba vòng rào giây kẽm gai,/tôi thương những người canh tù tự nhốt mình trong một vòng rào giây kẽm…
Tôi sẽ tiến tới phần về họa sĩ Duy Thanh, họa sĩ thuộc một nền văn nghệ tự do, không bị nhốt trong bất cứ vòng rào giây kẽm gai nào trong bài tới.
Lệ Thanh Nguyễn Tà Cúc
Chú Thích
* “Ka-ki láng như lòng trai sáng láng” [Quách Thoại, “Sáng Saigon”, Giữa lòng cuộc đời, trang 126-128, Tạp chí Văn Nghệ xuất bản, Sài gòn, 1963]
[…] Tôi vội chào sĩ quan nọ đi qua
Ka-ki láng như lòng trai sáng láng
Tôi mê say bởi mắt chàng chói rạng
Một niềm tin mãnh liệt ở tương lai…[trang 127,sđd]
1) Câu này trích trong diễn văn “PEACE, Restoring the Margin of Safety/HÒA BÌNH, Khôi phục khuôn khổ của sự an toàn”- Ứng cử viên Tổng thống Ronald Reagan phát biểu tại VETERANS OF FOREIGN WARS CONVENTION / Đại Hội Cựu chiến binh từng tham dự các cuộc Chiến tranh Ngoại quốc, Chicago, Illinois, Hoa Kỳ, 1980, https://www.reaganlibrary.gov/8-18-80 .
2) Trung Tướng Ngô Quang Trưởng sinh vào tháng chạp. 1929, Ấp Tân Sinh, Thạnh Phong, Tỉnh Bến Tre (sau là Kiến Hòa) và qua đời vào ngày 22. tháng giêng. 2007, Virginia, Hoa Kỳ. Năm 2012, gia đình đã đem tro ông về rải trên biển từ đèo Hải Vân như ông ước nguyện.
3) “[…] The PSDF developed rapidly and by 1972, the PSDF has become a considerable force with over one million combat members […]The PSDF support component was even larger with 2.5 million members. That the program exceeded expectations was an unmistakably an indication of of the South Vietnames’s people attitude toward the communist insurgency […] Furthermore, the fact that South Vietnam armed 500,000 of its civilian villagers to defend their homes, and these citizens chose to do that rather than assist the Communists or rise up against the government, was concrete evidence of their loyalty and devotion…” [Quang Truong Ngo, Territorial Forces, Indochina monographs, Published by the U.S. Army Center of Military History, Washington D.C.-Reprint from the University of Michigan Library Collection, First Printing, 1981.]
4) -“[…] A remarkable highlight during the first few hours of fighting was the effective use of the M-72 LAW rocket. In fact the first tank killed by the ARVN defenders during the ennemy attack on An Loc was scored by a RF solders. Word of this feat spread rapidly among ARVN trops and their confidence was greatly enhances. It was as in a matter in just a minute, the long established fear of enemy tanks has suddenly disappeared …” [Quang Truong Ngo, The Easter Offensive of 1972, pp. 119,121, Indochina monographs, Published by the U.S. Army Center of Military History, Washington D.C.-Reprint from the University of Michigan Library Collection, 1980-Tác giả viết xong ngày 28. 7.1977 tại thành phố McLean, Virginia.]
5) ” […] One of the tanks made it all the way down the main street to the southern gate, where it was destroyed by three from the local Territorial Forces with M72 LAWs. At about the same time, another tank was destroyed by ground troops on the left side of the perimeter. Captain Harold Moffett, an adviser with the ARVN rangers, described the impact of the first destruction of a tank by the rangers: ‘This little guy goes out to hunt a 40-ton piece of metal with a light antitank weapon on his back weighing two to three pounds. That’s beyond belief and it inspired me. How do you describe a little ARVN solder fighting tanks?” He later recalled: ‘I was pretty well frighten like everyone else till it was determined we can knock them out with the weapons we had.'” [James H. Willbanks, The Battle of An Loc, University of Indiana Press, pp. 75-76, 2005]
6) Nhiều chi tiết trong tiểu sử của Tướng Ngô Quang Trưởng đã được trích từ Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Nhà Xuất bản Hương Quê, 2011, Hoa Kỳ. Ba đồng tác giả cuốn này đều bị giam sau 1975: Đại Tá Trần Ngọc Thống (Hà Nam, 1924-2020] 13 năm, Thiếu Tá Hồ Đắc Huân (Quảng Nam, 1937-) 7 năm và Trung Úy Lê Đình Thụy (Thừa Thiên, 1945-2008) 6 năm. Đây là một công trình công phu, gồm 900 trang giấy láng khổ lớn, đen trắng, thu thập tiểu sử, hình ảnh và tài liệu về Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tôi đã trích dẫn hay học hỏi nhiều từ cuốn quân sử duy nhất cho tới nay tại hải ngoại như phần tiểu sử Trung Tướng Ngô Quang Trưởng thượng dẫn (trang 235-237). Nỗ lực của 3 cựu quân nhân– sinh trưởng từ ba vùng khác nhau trên đất nước, trong hoàn cảnh bị giam giữ rồi bắt đầu cuộc sống mới đầy thử thách tại một nơi hoàn toàn xa lạ– đủ vinh danh một quân đội tuy thất trận vì hết vũ khí và bị đồng minh bỏ rơi, nhưng vẫn đủ lòng can trường và sức bền bỉ để hoàn thành công việc trong âm thầm và thiếu điều kiện. Đại Tá Trần Ngọc Thống hồi còn sinh tiền vẫn tới tham dự những buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật với tạp chí Khởi Hành. Tôi xin được có lời đa tạ một lần nữa tới Thiếu Tá Hồ Đắc Huân và sẽ có lúc trở lại với cuốn quân sử VNCH cùng 3 đồng tác giả này một cách chi tiết hơn.
Nguồn: http://www.gio-o.com/HoLieu/NguyenTaCucSangTao3.htm
Bài Cùng Tác Giả:
- Tô Thùy Yên, Một Ảo Ảnh Lớn
- Họa sĩ Duy Thanh, Những ngày còn “sáng tạo” [2]
- Họa sĩ Duy Thanh, Những ngày còn “sáng tạo” [1]
- đầu ta như chiếc đầu lâu cổ: hãy nói dùm Tô Thùy Yên “một đời thất sắc” * [3]
- đầu ta như chiếc đầu lâu cổ: hãy nói dùm Tô Thùy Yên “một đời thất sắc” * [2]
- đầu ta như chiếc đầu lâu cổ: hãy nói dùm Tô Thùy Yên “một đời thất sắc” [1]
- “Ta Về” thăm lại cố đô Sài gòn cùng Thiếu Tá Tâm lý Chiến Tô Thùy Yên [2]
- “Ta Về” thăm lại cố đô Sài gòn cùng Thiếu Tá Tâm lý Chiến Tô Thùy Yên [1]
0 Bình luận