đầu ta như chiếc đầu lâu cổ: hãy nói dùm Tô Thùy Yên “một đời thất sắc” * [3]
When I tell Any truth
it is not for the sake of Convincing those who do not know it
but for the sake of defending those who Do.
Khi nói ra Bất kỳ một sự thực nào,
tôi không nhắm Thuyết Phục những kẻ không biết,
nhưng cốt để chống đỡ cho những người Biết rồi.
William Blake **
đầu ta như chiếc đầu lâu cổ: hãy nói dùm Tô Thùy Yên “một đời thất sắc” [1]
đầu ta như chiếc đầu lâu cổ: hãy nói dùm Tô Thùy Yên “một đời thất sắc” * [2]
2. Hành trình Thơ Tô Thùy Yên
Ông Huy đưa chúng ta về một quãng thơ sơ sinh của nhà thơ: “Quý vị cũng có biết là lúc lấy nhau ở tuổi 23, sau khi ngòi bút của anh đã làm mưa làm gió trên văn đàn Sáng Tạo, thì lúc bấy giờ anh cũng không có cả mảnh bằng Tú Tài? Nguyên do là vì lúc đang ở bậc trung học anh bị bịnh thương hàn rất nặng, tưởng chết, việc học vì thế phải dang dở. Chính chị Bích là người đã ghi tên, lấy phiếu báo danh, dục anh đi thi. Sở học của anh lúc bấy giờ đã bao trùm Đông Tây kim cổ, mục đã quán quần thư, nên anh nhắm mắt đi thi lấy mấy mảnh bằng chẳng được…” [Tô Thẩm Huy, bđd]
Tôi có 2 điều cần bàn đến khi đọc đoạn “khen phò mã tốt áo”, nhưng rất có triển vọng biến thành The Emperor has no clothes /”Hoàng đế ở trần” thượng dẫn về cơn “bệnh thương hàn” và “sở học” của Tô Thùy Yên.
2.1 Điểm khởi hành của một đời thơ
Theo tôi, cơn bệnh thương hàn này hết sức quan trọng, quan trọng hơn mảnh-bằng-Tú Tài-lúc-23-tuổi nhiều. Tô Thùy Yên đã thổ lộ về điểm khởi hành của một đời thơ bắt đầu ngay trong cơn bạo bệnh đó. Nhà thơ đã giúp độc giả trở lại điểm khởi hành ấy qua cuộc phỏng vấn của Nguyễn Mạnh Trinh vào năm 1995:
– ” Tôi say mê chữ nghĩa từ hồi còn nhỏ, rất nhỏ, 13, 14 tuổi gì đó. Và tôi cũng đã rón rén tập tành làm văn, làm thơ từ cái tuổi đó, mặc dù lúc bấy giờ cũng như mãi về sau rất lâu, tôi hoàn toàn không có ý thức và càng không có ý muốn sẽ ăn ở một đời sống chết với văn chương. Đầu hè 1954, sau mùa thi tôi lãnh một căn bệnh thập tử nhất sinh, nằm liệt mấy tháng liền […] Lúc đó, tôi thèm một cách thảm khốc được sống, […] Và lúc đó tôi thấy cần làm thơ, cần hơn tất cả mọi thứ cần khác. Một trong những bài thơ làm lúc đó, tôi gửi cho Tạp chí Đời Mới do nhà văn lão thành Nguyễn Đức Quỳnh chủ trương biên tập. Bài thơ đó đã được chọn đăng với lời nhắn của ông Nguyễn Đức Quỳnh muốn tôi đến gặp ông. Lúc đó tôi mới vừa 16 tuổi và tôi chợt lờ mờ hiểu rằng dường như giữa tôi và văn chương đã manh nha một ràng buộc định mệnh chờn rờn nào đó, một ràng buộc mà về sau có nhiều lần tôi muốn tháo bỏ mà tôi vẫn không tháo bỏ được. Tuy rằng bài thơ đầu tiên đăng báo đó chắc chắn không phải là một bài thơ hay và ngày nay tôi chẳng còn nhớ nó như thế nào nữa…”[Nguyễn Mạnh Trinh, “Nói chuyện với Tô Thùy Yên”, Hợp Lưu Số 24, trang 162, Tháng 8&9, 1995]
Tôi không có tin tức chính xác về bài thơ đầu tiên của Tô Thùy Yên, nhưng rất may mắn được đọc bài “Tin Mùa” đã đăng trên tuần báo Đời Mới, Số Xuân 152, Tuần lễ Ngày 30.Tháng giêng.1955 – Ngày 7.2.1955, do ông Đinh Thanh Nguyện sưu tầm được. Nếu “Tin mùa” không phải bài đầu tiên thì cũng là một trong những bài được đăng sớm nhất lúc tác giả tròm trèm 17 tuổi quả rất gần với thời “mới vừa 16” và, bài thơ này chắc chắn không hay mà gần như loại thơ tuyên truyền là đằng khác. Tuy vậy, bất cứ độc giả nào cũng đều nhận thấy niềm lạc quan thành thật trong sự chiến đấu cho một đất nước thanh bình: “[…] Mừng mùa xuân chan hòa/Lửa tương tàn tắt lụi/Nắng thắm hồng non sông/…/Máu đào thôi nhuộm hòang hôn xuống/Mùa thơ nằm giữa nhịp lời thơ…/…/Bàn tay xây dựng/Hàn rịn vết thương/Lòng đất loạn/Gió hiền, nắng ấm…/Có những người trai…/Say nhịp quân hành…/…/Nhìn sao mai lấp lánh/Trở về trong nhạc quân reo/…/Tin mùa qua khúc hát/Rộn ràng lòng thơ cháy…Nắng thắm hồng non sông…”
Như vậy, sự lạc quan của nhà thơ/Thiếu tá Tâm lý chiến Tô Thùy Yên trong cuộc chiến đấu chống người Cộng sản sẽ tiếp tục hay không trong suốt hành trình thơ (văn) khởi đi từ điểm Đời Mới này?
Từ “Có những người trai…/Say nhịp quân hành…/…/Nhìn sao mai lấp lánh/Trở về trong nhạc quân reo (1955) tới Ta thương ta yếu hèn/…/”cam phận quay cuồng (1972)?
Đó, đó mới chính là điều độc giả cần biết, chứ độc giả có lẽ không cần biết về bất cứ mảnh bằng hay sở học nào, dù có “bao trùm Đông Tây kim cổ“. Do đó, tôi cũng muốn đưa mấy thí dụ điển hình sau đây có liên quan đến thơ của ông.
2.2. Trường hợp “Ghi chú” của Tô Thùy Yên cho 2 bài thơ “Nhà xưa, lửa cất ủ” và “Soi mệnh”
Tô Thùy Yên theo học Văn Khoa được khoảng vài năm thì nhập ngũ. Giới khoa bảng Miền Nam, khỏi cần nhắc đích danh, nhất là tại Đại học Văn Khoa, toàn những tác giả tên tuổi lừng danh như Linh mục Thanh Lãng. Một trong những Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài gòn là giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch (1921-2003). Ông tốt nghiệp Cử nhân Văn Chương năm 1950, rồi Tiến Sĩ Văn Chương Quốc Gia năm 1955 tại Đại Học Sorbonne, Paris, Pháp. Ông cũng là nhà thơ Trần Hồng Châu, người chủ trương tạp chí Thế Kỷ Hai Mươi mà Tô Thùy Yên là 1 trong ba nhân viên tòa soạn. Tuy là một giáo sư được huấn luyện trong hệ thống đại học Tây phương (tốt nghiệp từ đại học Pháp và sau này, còn được mời dậy tại đại học Hoa Kỳ), ông thấm nhuần tinh thần và giáo dục Việt Nam và còn có thể làm thơ bằng chữ Hán. Đó là chưa nói tới các Đại học khác như Đại học Y khoa với giáo sư Trần Ngọc Ninh mà danh tiếng về các lãnh vực nghiên cứu ngoài Y khoa, không những rất được kính trọng tại Miền Nam, còn đã lan ra tới Miền Bắc trước 1975.
Tôi rất hân hạnh được biết, theo ông Huy, “sở học“ của Tô Thùy Yên “lúc bấy giờ đã bao trùm Đông Tây kim cổ, mục đã quán quần thư…”, một điều mà tuy được gặp và được hầu chuyện Giáo sư Khoa trưởng Nguyễn Khắc Hoạch vài lần, tôi chưa bao giờ nghe Giáo sư Hoạch tự nhận tương tự. “Mục đã quán quần thư” tức là “mắt đã đọc hết mọi loại sách”? Tôi rất tiếc mà phải bình phẩm rằng, có lẽ trong khi chợp nghỉ mắt vì đọc quá nhiều sách, nhà thơ của chúng ta đã bỏ sót một vài cuốn khi giải thích “Nhà xưa, lửa cất ủ“ và “Soi mệnh” trong phần “Ghi Chú”- Thắp Tạ.
Trước khi cho bạn đọc biết nội dung những cuốn sách đó, tôi cần đính chính thanh minh, kẻo bị hiểu lầm là cố tình đợi đến khi nhà thơ qua đời mới…phục kích. Vào khoảng cuối năm 2015, đại diện một nhà xuất bản tình cờ gặp tôi trong một cuộc họp mặt và ngỏ ý về việc có thể mời tôi viết bạt cho tập thơ của Tô Thùy Yên. Hai tuần sau, ông gọi tôi, chính thức bàn đến “tập thơ cuối”. Tôi góp ý, Rằng một nhà thơ với địa vị của ông thì không cần bất cứ Tựa hay Bạt, nhưng cần một người biên tập có khả năng giúp tuyển chọn và xếp đặt. Được may mắn theo học tại một số trường đại học Miền Nam và, càng may mắn hơn, được đào tạo tại một trong những đại học thuộc loại già tuổi nhất Hoa Kỳ, tôi nhận ra có những thứ người ta phải được dậy mới làm nổi. “Truyền thống biên tập” quả chưa được phổ biến lắm trong một cộng đồng văn chương hải ngoại tương đối vẫn còn non trẻ của chúng ta. Việc thực hiện một tập thơ còn thập phần quan trọng hơn, nhất là một tập thơ đại diện cho một đời thơ trừ phi đích thân chăm sóc từ A đến Z. Tôi cũng báo cho ông biết phần “Ghi Chú” trong Thắp Tạ có nhiều chỗ cần xem lại vì, ngoài vài lỗi chính tả, còn có vài sai sót quá đáng, nếu không, sẽ phản ảnh vào ngay chính thơ ông. Và không, tôi đã không thể nhận làm người biên tập đó vì bệnh lười kinh niên. Sách của tôi, tôi còn bỏ xó nữa là.
Cuối năm 2018-đầu năm 2019, tập thơ cuối, nghĩa là tập thứ tư, của Tô Thùy Yên ra mắt bạn hữu–dưới tên Nhà Xuất bản Kẻ Sĩ– với nỗ lực suốt 4 năm của Đinh Quang Anh Thái (thuộc Cơ sở Báo chí Nhật báo Người Việt). Nhưng tập thơ này đã không thể ra mắt độc giả vì ông quá yếu rồi qua đời ngay sau đó. Căn cứ vào lời thuật của ông Huy, tôi rất tiếc nhà thơ đã mất hứng thú biên soạn đến nỗi phó mặc cho người vợ Huỳnh Diệu Bích cùng ông Huy một công việc mà họ đã làm vì lòng yêu thương nhưng tốn quá nhiều công sức vì sự “bất hợp tác” của ông:
– “[…] Và trong thời gian giúp trình bày và sửa lỗi đánh máy tập thơ mới nhất của anh, tôi đã có dịp làm việc sát cánh với chị Bích, có dịp chứng kiến tinh thần làm việc cẩn thận, chắt chiu từng chữ của chị. Quý vị có biết là việc tu chỉnh bản đánh máy trước khi trao cho nhà in đã mất hơn 2 năm không? Có anh Đinh Quang Anh Thái ở đây làm chứng. Anh Đinh Quang Anh Thái là người cũng đã bỏ ra nhiều công sức cho tập thơ. […] Anh ngâm tôm tháng này sang tháng nọ. Hỏi anh thì anh bảo làm gì mà hối thúc dữ vậy. Hỏi nữa thì anh la là sao nhiều chuyện quá vậy…“[Tô Thẩm Huy, sđd]
Thú thật, tôi hơi ngạc nhiên khi khám phá bạn tôi có thái độ “bỏ bê”, vì như tôi biết, Tô Thùy Yên rất mong mỏi có một tập thơ sau cùng để mà “đờn ca hát xướng” với người yêu –hay không yêu–thơ ông. Nhưng tôi không khỏi buồn cười và liên tưởng ngay đến một câu thơ của Viên Linh “Chuyện lớn bàn với vợ…” Chuyện gì chứ chuyện lớn như in thơ mà giao cho một người vợ không chuyên môn thì trách gì không …hỏng! Bằng cớ là ông Huy đã nhắc đến chuyện bà Huỳnh Diệu Bích đánh máy sai chữ “miệng đất” trong “Chiều trên Phá Tam Giang“:
– “Chị cũng là người thuộc thơ anh hơn ai hết, và là người rất tinh tế với chữ nghĩa. Tập thơ xuất bản đầu tiên của anh là tập Thơ Tuyển, in năm 1995 do chính tay chị sửa bản đánh máy. Tập thơ ấy không có một lỗi chính tả, không một chỗ nào sai dấu hỏi ngã. Nhưng có một chữ sai, không đúng với nguyên tác. Quý vị có biết đó là chữ nào không? Ở trong bài Chiều Trên Phá Tam Giang ấy? Thưa đó là chữ “miệng đất”, đã bị in nhầm là “mặt đất”….” [Tô Thẩm Huy, sđd].
Ngược lại, trong Tuyển tập Thơ-Tô Thùy Yên [lmn edition, Bonn, 1994], “miệng đất” lại đúng nguyên bản vì 2 người biên tập đều chuyên nghiệp: Mai Vi Phúc (nhà thơ) và Lê Phương (họa sĩ).
Nay tôi sẽ bàn chi tiết tới phần “Ghi Chú” do Tô Thùy Yên soạn cho các bài thơ “Nhà xưa, lửa cất ủ” và “Soi mệnh”
2.2.1 Ghi chú cho “Nhà xưa, lửa cất ủ”
Tô Thùy Yên giải thích 2 câu cuối/đoạn 20 “Giờ lai sinh làm cô gái nhỏ dịu dàng/Dắt tay gã mù mê qua gió cát” trong bài thơ “Nhà xưa, lửa cất ủ” như sau:
– “Nhà xưa, lửa cất ủ/trg 60 […] Dắt tay gã mù mê qua gió cát
Thần thoại Hy Lạp: Oedipus về già điên loạn tự móc mắt, sống đời lang thang, phải nhờ con gái Antigone dắt qua sa mạc về thành phố Thebes mà ông từng trị vì. (Tham khảo: Sopholes/ Oedipus Rex / Oedipus ở Colonus / Antigone)…” [Tô Thùy Yên, Thắp Tạ, tác giả xuất bản với tên An Tiêm, trang 129, Hoa Kỳ 2004]
Phần giải thích thượng dẫn quá giản dị đến nỗi quá thiếu sót, và sai 2 chi tiết khiến người đọc không thể thưởng thức hay đánh giá đoạn thơ đó một cách trọn vẹn hay chính xác. Tôi sẽ trích phần nhà văn/dịch giả Mặc Đỗ biên soạn về sự tích này trong cuốn Thần nhân và Thần thoại Tây phương trước khi bàn tiếp:
– “Sự tích Œdipe– Laïus trở lại giữ ngôi vua ở Thèbes. Laïus cưới Jocaste, con gái của Moénécé và em gái Créon. Tiên tri cho biết rằng đứa con trai sẽ sinh ra sau này sẽ giết chết cha và lấy mẹ. Để giải cái số mạng ghê gớm đó, khi sinh đứa con trai đầu tiên, Laïus đục thủng hai bàn chân đứa nhỏ rồi lấy dây cột lại. Sau đó Laïus sai đem đứa nhỏ treo trên một cành cây ở trên núi Cithéron và bỏ đó. Jocaste sai một kẻ tôi mọi chuyên việc chăn các thú vật của nhà vua ở trên núi làm công việc độc hại này. Nhưng anh ta trông thấy cảnh thương tâm của đứa nhỏ nên động lòng, đem nó giao cho một người bạn cũng làm nghề chăn thú vật cho vua xứ láng giềng Corinthe nuôi giúp. Chủ chăn chiên này lại đem đứa nhỏ về cho chủ nhà là Polybe và Mérope. Polybe và Mérope nhận nuôi đứa trẻ và đặt tên cho nó là Œdipe, tức là bàn chân bị thương. Sau đó, chàng Œdipe vẫn coi vua và hoàng hậu Corinthe là cha mẹ ruột của mình.Nhưng một hôm trong đám tiệc có người nói ra mấy câu khiến cho Œdipe sinh hoài nghi về tông tích của mình. Œdipe tới Delphes hỏi nhà tiên tri. Nhưng vị thần linh này cho biết rằng nếu Œdipe trở về thì sẽ giết chết cha, lấy mẹ và sinh ra một giòng giống xấu xa. Hoảng sợ vì lời tiên tri, Œdipe nhất định không quay về Corinthe nữa mà đi về hướng Béotie…” [Mặc Đỗ, sđd, trang 112-113]
Định mệnh xui khiến Œdipe gặp cha ruột Laïus ngay trên con đường dẫn tới Thèbes. Một cuộc cãi cọ xẩy ra, Œdipe giết ông già trên cỗ xe ngựa chắn đường và tiến vào cửa thành. Tại đây, Œdipe đối đầu con nhân sư, một quái vật mình sư tử đầu đàn bà, vẫn ăn thịt dân Thèbes:
– ” […] Trước cảnh con nhân sư tàn hại dân gian, Créon có ước hẹn sẽ gả Jocaste và giao ngôi báu cho ai giết chết được con nhân sư đó. Œdipe nghe tin đó thử tìm cách hạ con nhân sư để chiếm lấy phần thưởng quý báu. Con nhân sư là một thứ quái vật mình sư tử đầu người đàn bà. Con nhân sư này do Junon sai tới để trừng trị vua xứ Thèbes vì một tội ác chưa phải trả. Con nhân sư hỏi Œdipe: ‘Vật gì buổi sáng cỏ bốn chân, trưa có hai chân và tối có ba chân ?’ Œdipe không ngần ngừ đáp: Người ta, vì hồi nhỏ bò bốn chân, khi lớn đi bằng hai chân, rồi về già phải chống gậy.’ Tức giận vì có kẻ đoán trúng câu hỏi hóc búa, con nhân sư lao đầu xuống biển. Œdipe toàn thắng con nhân sư trở thành vua xứ Thèbes và lấy Jocaste làm vợ. Cuộc nhân duyên ghê gớm đó sinh ra hai con gái: Antigone và Ismène, và hai con trai sinh đôi : Etéocle và Polynice. Theo truyền thuyết, đám anh em này chưa sinh ra đời đã thù ghét nhau. Trong khi đó một trận dịch tễ bỗng nổi lên tại Thèbes và tàn hại dân chúng rất nhiều. Créon đi hỏi nhà tiên tri thì được biết rằng cả xứ Thèbes đang bị xú uế vì sự có mặt của kẻ sát nhân đã giết chết Laïus. Dịch tễ sẽ hết khi nào dân Thèbes đã tìm ra kẻ sát nhân và đuổi nó đi khỏi xứ. Œdipe lập tức làm một cuộc điều tra cặn kẽ. Œdipe hăng hái, siêng năng theo dõi cuộc điều tra cho tới khi lần lần vỡ lẽ rằng bao nhiêu tội lỗi đều quy vào mình cả. Ông già tóc bạc mà Œdipe giết chết ở đoạn đường rẽ về Thèbes chính là Laïus. Bà hoàng hậu mà Œdipe lấy chính là mẹ của chàng. Được tin này Jocaste nổi điên lên vì xấu hổ và thất vọng, lấy sợi dây lưng treo cổ chết. Còn Œdipe thì giựt lấy cây ghim găm trên áo của con người vừa là mẹ vừa là vợ của mình rồi tự đâm mù cả hai mắt. Kịch sĩ Hy Lạp Sophocle có viết một bi kịch rất hay về sự tích này, tựa đề là Œdipe-roi (Œdipe làm vua). Créon liền thi hành đúng lệ luật là trục xuất Œdipe ra khỏi xứ Thèbes. Các con của Œdipe có thể theo cha đi lưu đày được nhưng bọn con trai thì muốn ở lại thay phiên nhau trị vì, Ismene cũng bị các em giữ lại. Chỉ có một mình Antigone đưa cha đi...” [Mặc Đỗ, sđd, trang 114-115]
Đây là một sự tích có thể được biết đến nhiều nhất trong thần thoại Tây phương. Antigone, như thế, vừa là con gái vừa là em gái cùng mẹ khác cha với Oedipus/ Œdipe. Cô là người duy nhất, trong 4 người con (2 trai: Polynices, Eteocles và 2 gái Antigone, Ismene), nhận làm người đưa đường hướng dẫn cha trên đường lưu đày biệt xứ. Đoạn chú thích của Tô Thùy Yên cũng tạm được, nhưng vì ông soạn lời giải thích dành cho độc giả không hể được biết với lời dặn “Rất có thể những ghi chú này không cần thiết đối với người đọc. Trong trường hợp đó, xin người đọc vui lòng coi như chẳng có những ghi chú này” [Tô Thùy Yên, “Ghi chú”, trang 125, sđd] thì không thề thiếu sót đến nỗi như vậy.
Ông đã bỏ rơi phần cốt tủy: Bố mẹ toan giết con trai, con trai sống sót, nỗ lực chạy trốn khỏi số phần ác nghiệt khiến hắn giết cha và lấy nhầm mẹ nhưng mọi sự vẫn tuần tự xẩy ra. Người ta không thoát khỏi số phần Các Thần đã dành sẵn dù được biết trước. Nếu cố gắng tránh khỏi, bằng cách tỏ ra khôn hơn Các Thần, sẽ bị trừng phạt nặng nề. Bởi thế, sau cùng, Oedipus tự móc mắt (hay lấy kim găm áo mẹ đâm nát đôi mắt) vì thấu cảm được sự trừng phạt đó chứ không vì (tự nhiên) “về già điên loạn“. Lúc đó, Oedipus chưa hẳn đã già. Ông còn rất tỉnh táo đến phút chót đời mình. Rồi ra, ông sẽ bị đuổi khỏi Thebes và qua đời tại Colonus, một thành phố ngoại ô của Athens thuộc Hy Lạp-một quốc gia khác, chứ không “về thành phố Thebes” như Tô Thùy Yên trình bầy.
Ba vở kịch Oedipus Rex / Oedipus ở Colonus / Antigone do Sophocles soạn còn nhiều tình tiết đau thương hơn: Hai con trai, Polynices và Eteocles, giết lẫn nhau trong khi tranh quyền dưới triều ông bác Creon, người trở thành vua sau khi Oedipus từ ngôi. Antigone–hứa hôn với Haemon, con trai của Creon–không tuân phục lệnh cấm mai táng anh mình Polynices với đầy đủ nghi lễ, bị giam vào hầm tối. Được cảnh cáo, Creon truyền lệnh bỏ đói cô thay vì giết chết. Creon đổi ý nhưng không kịp nữa: Antigone đã treo cổ tự tử kéo theo cái chết tự sát, của hôn phu Haemon và bà mẹ (hoàng hậu Eurydice, vợ của vua Creon). Tôi sẽ không đi sâu vào phần phân tích ba vở kịch này. Tôi chỉ muốn thuật lại một cách đầy đủ để người đọc nào không biết có thể liên tưởng tới đoạn thơ đó một cách toàn vẹn.
Phần tôi, tôi nghĩ Tô Thùy Yên đã không thành công khi mượn thần thoại Tây phương thập phần cay nghiệt và nhiều lớp chồng chất tình tiết oan trái này vào một đoạn thơ rất có hậu lại lấp lánh hàng mã trang kim sau đây:
Tình yêu sáng tạo em.
Ôi ngọc nát vàng tan, em trước đây chưa từng hiện hữu…
Giờ lai sinh làm cô gái nhỏ dịu dàng
Dắt tay gã mù mê qua gió cát.
Như có cả một vùng sao chợt đáp rợp,
Gương kính em soi hiện nghiệp duyên chàng.
Em đứng lại, khóc cựu tình sơ ngộ.
Nghe hồn con chó nhỏ quấn mừng em. .[Tô Thùy Yên, bđd]
Không, Oedipus tàn đời với nỗi thống hận cõng trên lưng, kết quả của một thứ tội lỗi không cách gì xóa bỏ được, cho dẫu trước khi chết, vì ăn năn nên được Các Thần đoái thương mà có quyền ban phép lành cho nơi an nghỉ cuối cùng. Cuộc đời Antigone, một người hiếu hạnh đủ đường, kết thúc bằng cái chết thảm thương. Hôn phu của nàng, cũng vì tôn trọng quyền phản kháng trước tục lệ cứng nhắc do Con Người lập ra mà công khai chống lại vua cha Creon rồi tự sát. 7 người trong gia quyến Oedipus bị hủy hoại bằng nhiều cái chết kinh hoàng đến chậm chạp mà chắc chắn sau từng đợt giông lớn (2)..
Sau này, có một số giả thuyết về tính chất Nữ Quyền của nhân vật Antigone khi tranh luận hay cân nhắc về cách ứng xử và đối thoại giữa một phụ nữ (Antigone) và một người đàn ông đại diện quyền lực tuyệt đối (Vua Creon) trong một xã hội không coi trọng phụ nữ. Ismene, em gái Antigone, đã khuyên chị: “We must remember that we two are women so not to fight with men/Chúng ta phải nhớ rằng 2 chúng ta là đàn bà, thành ra không tranh đấu chống lại đàn ông” [Sopphocles, Volume II-The Complete Greek Tragedy , trang 161]. Vua Creon đã nói như sau khi được hỏi về việc ông xử tử hôn thê của con trai “Oh, there are other furrows for his plough/Ồ sẽ có những luống cày khác để hắn cày bừa” [sđd, trang 179] sau khi đã nói nhiều lần: “No woman rules me while I am alive/Không có người đàn bà nào chỉ huy (được) tôi khi tôi còn sống” (trang 177, sđd) hay “not let myself be beaten by a woman/đừng để Ta thua một người đàn bà” [trang 182, sđd].
Còn “cô gái nhỏ dịu dàng” và “gã mù mê” trong thơ Tô Thùy Yên? A! Yên tâm! Họ sẽ sống hạnh phúc mãi mãi/Happily ever after. Dù cực kỳ trau chuốt, đoạn thơ trên chỉ diễn tả một mối tình không có gì đặc sắc khi một thứ định mệnh giản dị (hay tưởng tượng) được bảo chứng quá dễ dàng với sự đồng thuận của người trong cuộc.
Antigone “hiện hữu” là một cô công chúa không quản ngại rơi xuống kiếp bần cùng đến nỗi bị xã hội hắt hủi như một thứ dịch hạch khi quyết định làm người dẫn đường, chia sẻ định mệnh khốc liệt với thân phụ. Sau khi không còn cha, cô chọn cái chết hầu trọn nghĩa với anh ruột, nhưng cũng đồng nghĩa với hy sinh tình yêu chính mình. Ngược lại, “cô gái nhỏ” trong thơ Tô Thùy Yên chỉ “hiện hữu” bằng một tình yêu đôi lứa định sẵn “Tình yêu sáng tạo em. Ôi ngọc nát vàng tan, em trước đây chưa từng hiện hữu[…]Gương kính em soi hiện nghiệp duyên chàng”. Tô Thùy Yên không cho chúng ta biết cô ta làm được gì công trạng gì đặc biệt trong một xã hội tao loạn và đầy thảm kịch sau 1975 ngoài việc phục vụ chỉ cho một người “mù mê“. Thế nên tôi không ngạc nhiên khi hạnh phúc của cô ta (và anh chàng mù mê) này rất đỗi bình thường–và có lẽ tầm thường– kiểu “Nghe hồn con chó nhỏ quấn mừng em”/ Một thầy một cô một con chó cái.”
Đằng khác, ngay trong bài thơ này lại còn có 2 câu khác càng làm cho sự “lai sinh” và “hiện nghiệp duyên chàng…” có vẻ miễn cưỡng thêm khó tin. Đó là 2 câu cuối/ đoạn 13 về một người đàn bà khác: “Cô em nhỏ, chồng, anh đi cải tạo/Tự tận, một đời nhan sắc chẳng tàn phai…”[Tô Thùy Yên, sđd, trang 64]. “Cô em nhỏ” tự sát lúc còn trẻ hẳn để bảo vệ tư phẩm lúc chồng và anh bị giam không che chở được cho mình nữa? Số phận bi thảm của “cô em nhỏ” can đảm và chung tình này có phần giống Antigone hơn khiến tôi càng cảm thấy “cô gái nhỏ dịu dàng” (theo gã mù mê) có vẻ thụ động và vô tích sự trong một thời đại mà người phụ nữ phải hành động để tranh đấu cho người khác bất kể cho gia đình mình hay tha nhân.
Thế nên, tôi lại cảm 6 câu thơ lục bát rất nôm na, rất chung thủy, rất thật thà, mà rất sâu đậm, và rất biết điều-biết ta-biết…nàng trung niên vì không “óng ánh hư ngụy” (mượn Thanh Tâm Tuyền) mà rất thực tế của thi-sĩ -trung- niên Bùi Giáng:
Đã qua cái tuổi dậy thì
Đã qua cái tuổi nhu mì yêu nhau
Đã qua tất cả sang giàu
Còn chăng
chỉ một chậm mau tuổi già
Hồi sinh hồng lệ trao quà
Tái sinh vô tận tình ta tặng người.
[Bùi Giáng, “Đã qua“, Chớp Biển, trang 10, Gia đình Bùi Giáng xuất bản-Kỷ niệm 70 năm sinh, Hoa Kỳ và Canada, 1996]
Chỉ cần thay hai chữ Tái sinh thành Lai sinh: Lai sinh vô tận tình ta tặng người thì có phải không còn lấp lánh hàng mã trang kim mà long lanh ngọc ngà châu báu xiết bao không? Một thí dụ nữa cần tiếp tục bàn tới là ghi chú về bài thơ “Soi Mệnh”
2.2.2 “Soi Mệnh“:
Tô Thùy Yên giải thích như sau:
-“Soi mệnh/trang 117: The stars are threshed, and the souls are threshed from their husks. Tạm dịch: Những vì sao được giả (sic) giần, và những linh hồn được giả (sic) giần khỏi lớp vỏ trấu của chúng. Lời của William Blake, tôi đọc thấy trích dẫn trong thi phẩm đầu tay Early Poems của W.B. Yeats, không ghi chú xuất xứ. Tôi có thử tìm trong tuyển tập thơ của Blake (bản Oxford University Press 1994), nhưng không gặp.” [Tô Thùy Yên, Thắp Tạ, “Ghi chú”, trang 137, 2004]
Ông sẽ không bao giờ tìm được The stars are threshed, and the souls are threshed from their husks trong bất cứ cuốn sách nào của William Blake vì không có. Sở dĩ có sự nhầm lẫn này vì W.B. Yeats đã trích không đúng (3). Nguyên văn của William Blake là And all the Nations were threshed out, and the stars threshd from their husks/ Và mọi quốc gia đã bị dần sàng, và các vì sao bị dần sàng khỏi vỏ trấu của chúng”.
Đây là trường hợp rất danh tiếng của một thi sĩ danh tiếng hoán chuyển và thay đổi một câu thơ hết sức quan trọng của một thi sĩ danh tiếng khác. Tô Thùy Yên– một thi sĩ tự nhận là “Tây học từ nhỏ, Tây hóa, lúc nhỏ đọc Tây, học Tây, suy nghĩ cũng như người Tây vv.” [ http://vanviet.info/audio-van-viet/t-thy-yn-bn-ve-thap-ta/] –mà không biết nội dung có liên quan đến Kinh Thánh với các Sách như “Sách Khải Huyền” và chủ ý của William Blake trong bản trường thi Vala/The Four Zoas (4) ? Mà W.B. Yeats chép nhầm/trích nhầm/thay đổi không phải 1 lần mà 2 lần để sau cùng, hợp với một chủ đề Thơ của Yeats?
Khởi đầu, vào năm 1893, Bộ sách-Ba tập về sáng tác kèm tranh minh họa của nhà thơ /họa sĩ minh họa William Blake được xuất bản với lời tựa của đồng biên tập Edwin John Ellis và W[illiam] B[utler] Yeats. Hai người này đã trích nhầm trong khi dẫn giải, biến nó thành “The souls are threshed and the stars threshed from their husks/ Các linh hồn bị dần sàng và các vì sao bị dần sàng khỏi vỏ trấu của chúng”, Tập 1, trang 282– Phần “The Symbolic System”, trang 273, https://archive.org/details/WorksOfWilliamBlakeVolume1/page/n281
Sau đó, họ đã in lại theo đúng nguyên bản trong Tập 3, nơi xuất hiện câu And all the Nations were threshed out, and the stars threshed from their husks. Câu thơ đó thuộc tập thơ Vala (hay The Four Zoas) của William Blake.
Trong khi cùng soạn Ba-tập thượng dẫn cho Blake, W.B. Yeats xuất bản tập thơ Crossways vào năm 1889 với lời trích vẫn sai nhưng lần này lại đảo ngược, ngay trên trang đầu như một thứ tiêu chí cho tập thơ của ông: “The stars are threshed, and the souls are threshed from their husks.” Nhiều lần tái bản sau này đã không chú thích khiến nhiều độc giả như Tô Thùy Yên cũng bối rối, sai lầm hay bó tay khi muốn tìm xuất xứ.
Trở lại cuộc nói chuyện với Tô Thùy Yên vào năm 2015, tôi đã lưu ý rằng nếu ông không biết về xuất xứ của câu thơ–nghĩa là trường thi The Four Zoas— của William Blake thì vị trí của nó sẽ ra sao trong bài “Soi Mệnh“? Theo bài “Quotations from Chairman Blake” (“Trích dẫn từ Chủ tịch Blake”, tạp chí Horizon Số Mùa Thu, Bộ thứ XIV, Số 4, năm 1972, trang 106) thì một thi sĩ có bổn phận “liên kết với kẻ nô lệ trong các hãng xưởng, người nghèo trong trại giam và lính tráng ngoài biên cương” (trang 106, sđd). Blake từng tán thưởng các cuộc cách mạng tại Pháp nhắm lật đổ đế chế và tại Mỹ nhắm thoát khỏi sự nô lệ cho một thứ tôn giáo nhân tạo dựng nên bởi hàng giáo phẩm quá khích. Tác phẩm của ông, rất lâu trước Marx, đã nhắc tới sự bần cùng hóa nông dân và những kỹ nhân tài hoa trong mọi ngành bằng cách giam họ vào những hãng xưởng hầu rút rỉa sức lao động của họ. Khi ông viết “And all the Nations were threshed out, and the stars threshed from their husks” [Tập “Night the Ninth“] là để cũng nói tới sự giải phóng Con Người.
Tôi nêu ra những việc này, không phải để chê Tô Thùy Yên dở. Không ai văn võ song toàn, không ai có thể biết hết mọi thứ: “Làm người hay một họa hay hai/Mã cậy sang, mã cậy tài …”, Nguyễn Trãi (5). Tôi không sang cũng không tài trong vụ này. Sở dĩ tôi biết vì được may mắn đi học lại mà học về một bộ môn có kèm chút văn chương. Hơn thế nữa, tôi đã đọc và nghiên cứu về một số vấn đề có liên quan tới Kinh Thánh Tin lành nên tương đối quen thuộc với các Sách như “Sách Khải Huyền”. Cho đến bây giờ, tôi cũng chưa bao giờ dám bàn luận về William Blake bằng tiếng Việt. (Bằng tiếng Anh thì dễ thôi: Các thầy dậy sao thì cứ khoanh tay lập lại hệt như thế dù chưa chắc đã hiểu chữ mù nào.) William Blake là nhà thơ kiêm họa sĩ/ nghệ sĩ minh họa sách bằng cách có khi chạm khắc thời đó. Tập thơ Vala được coi như một trong số rất hiếm vẫn được coi là bí hiểm nhất thuộc thế giới Thơ Tây phương. Các nhà phê bình tài tử nhà ta–chuyên đọc Lời giới thiệu hầu sản xuất lời giới thiệu cho tất cả các sách từ A đến Z như cái dịch tễ bây giờ–sẽ bị từ trọng thương tới quá cố nếu vô ý đi lạc vào những tử địa có tên như William Blake.
Một lần nữa, tôi nghiệm ra rằng, chớ bao giờ kiêu ngạo. Con người, dù học hỏi hết đời, cũng không tránh khỏi nhầm lẫn. Viết là một cách học từ các tác giả và độc giả khác.
Cũng trong tinh thần “không ai văn võ song toàn, không ai có thể biết hết mọi thứ” đó, tôi sẽ bàn tới bài thơ “Mùa Hạn“. –
(còn tiếp)
CHÚ THÍCH
(*) Nguyễn Tà Cúc, “Đầu ta như chiếc đầu lâu cổ: Hãy nói dùm Tô Thùy Yên “một đời thất sắc”.
“Em ơi đừng đành đoạn/ đừng lặng thinh miết/ hãy kể dùm qua một đời thất sắc…”, http://www.gio-o.com/NguyenTaCucToThuyYen2.htm
** When I tell Any truth it is not for the sake of Convincing those who do not know it but for the sake of defending those who Do/ Khi nói ra Bất kỳ một sự thực nào, tôi không nhắm Thuyết Phục những kẻ không biết, nhưng cốt để chống đỡ cho những người Biết rồi. [William Blake (1757-1827), The Complete Poetry and Prose of William Blake: With a New Foreword and Commentary by Harold Bloom – Chủ biên: David Vorse Erdman, Harold Bloom giới thiệu, Nhà xuất bản University of California Press, Berkeley, Tái bản, 2008, trang 578]
(2) Khi phân tích phần Oedipus, tôi sử dụng và trích dẫn từ cuốn Sophocles, Volume II-The Complete Greek Tragedy, do David Grene và Richmond Lattimore đồng chủ biên, Nhà Xuất bản The University of Chicago Press, In lần thứ 3, 1960, Hoa Kỳ. Bộ này gồm 2 tác giả nữa: Aeschylus-Volume I và Euripides-Volume III & IV.
Theo lời dẫn giải của David Grene, người ta vẫn thường tưởng lầm rằng 3 vở kịch Oedipus Rex (Oedipus The King)/ Oedipus at Colonus / Antigone đã được tác giả viết theo thứ tự đó như thần thoại diễn tiến. Trên thực tế, tác giả viết vở Antigone trước, khi ông khoảng 44 tuổi; tiếp theo bằng Oedipus Rex khoảng 14, 15 năm sau đó. Cuối cùng, đến lượt Oedipus at Colonus (Oedipus tại thành phố Colonus) sáng tác nhưng được trình diễn sau khi ông qua đời, khoảng 90 tuổi.
(3) Độc giả có thể tìm thấy chứng tích sự [cố tình] trích nhầm William Blake của W.B. Yeats trong cuốn A Yeats Dictionary: Persons and Places in the Poetry of William Butler Yeats, Lester I. Conner, Nhà Xuất bản Syracuse University Press, Ngày 1, Tháng giêng. 1999.
(4) William Blake (28.11. 1757-12.8.1827), một họa sĩ/thi sĩ/và nghệ sĩ ấn họa chạm khắc người Anh, không được biết đến ngay lúc còn sinh tiền tuy từng minh họa nhiều tác phẩm danh tiếng của các thi sĩ khác để kiếm sống. Ngày nay ông được xem như một nghệ sĩ tài hoa một cách đa dạng đã kết hợp được bằng nghệ thuật Hình tượng của Thượng đế và Hiện hữu của Con người trong một phong cách thần bí đầy lãng mạn. Tôi chỉ có thể trình bày một cách hết sức vắn tắt và dĩ nhiên, hết sức không đầy đủ, về tác phẩm này trong giới hạn của một chú thích. Tập thơ Vala hay The Four Zoas gồm 9 tập, là một sự tái-sáng tạo lấy một phần cảm hứng từ “Sách Khải Huyền” với 4 thực thể tạo ra từ sự tứ-phân của “Albion”, một kẻ khổng lồ. 4 thực thể đó là: Tharmas, đại diện cho phần Sinh sôi&Lao động, Urizen, đại diện cho Lý trí &Tri thức, Luvah, Cảm xúc&Tình yêu và Urthona, đại diện cho Khôn ngoan&Cảm hứng. Đó là một thế giới huyền bí do Blake gây dựng bằng quan điểm của ông về con người nhắm giải phóng khỏi những vấn đề trói buộc nhân loại trong đó có tôn giáo (cùng sự áp đặt của nó) và tình dục (gây nên ghen tuông thái quá) vv. William Blake vốn là một tín đồ cấp tiến.
Tôi kèm đây một đoạn từ “Sách Khải Huyền” được nhắc tới trong đoạn trên:
” 6 Trước ngôi có như biển trong ngần giống thủy-tinh, còn chính giữa và chung quanh có bốn con sanh-vật, đằng trước đằng sau chỗ nào cũng có mắt. 7 Con sanh -vật thứ nhứt giống như sư -tử, con thứ nhì như bò đực, con thứ ba mặt như mặt người, con thứ tư như chim phụng -hoàng đang bay. 8 Bốn con sanh vật ấy mỗi con có sáu cánh, chung quanh mình và trong mình đều có mắt; ngày đêm lúc nào cũng nói luôn không dứt: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Chúa, là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn năng, TRƯỚC ĐÃ CÓ, NAY HIỆN CÓ, SAU CÒN ĐẾN! [Kinh Thánh Phổ thông-Cadman, Phần Tân Ước (trang 1-327), Sách Khải Huyền- “Những đều Chúa tỏ cho Giăng thấy”, Đoạn 4, Câu 6-8, trang 311-312, Thánh -Kinh Hội Mỹ -Quốc xuất bản, Nữu-Ước, 1976]
Độc giả có thể đọc Sách Khải Huyền trên mạng Internet, tại đây https://vietchristian.com/kinhthanh/tim.asp?btt/65/4, nhưng người số hóa đã đổi chữ “nhứt” thành “nhất”. Tôi giữ nguyên bản theo cuốn Kinh Thánh Tin lành Việt ngữ– màu đen bìa cứng; khổ nhỏ; chiều ngang 11cm, chiều dài 17cm, bề dầy 3cm3/4 17cm, giấy cực mỏng– mà anh N.T.T. đã tặng tôi vào tháng 10 năm 1976. Tôi đoán đây là loạt Kinh Thánh xuất bản sớm nhất, dành cho tín hữu Tin Lành Miền Nam tỵ nạn tại Hoa Kỳ, vào đợt 1975.
Tôi thành thực hy vọng đoạn chú thích cực kỳ khiêm nhường trên đây về Vala/The Four Zoas của William Blake bằng sự hiểu biết rất giới hạn của tôi về nhà thơ đa tài này sẽ cho thấy một kiến thức về Thơ Thế giới là cần thiết nhưng, đồng thời, cũng rất khó khăn. Bởi thế, sự nhầm lẫn của Tô Thùy Yên cũng dễ hiểu. Sau nữa, trường hợp Vala/The Four Zoas cũng là một thí dụ điển hình, xứng đáng được các thi sĩ lưu ý. Theo tôi, trừ phi họ hoàn toàn không chú ý, một sự sắp xếp và giải thích tiến trình đó là điều cực kỳ cần thiết nếu không muốn các thế hệ độc giả và phê bình tương lai hiểu lầm.
Sau gần một thế kỷ sửa chữa, bôi đi xóa lại, thêm vào lấy ra trong khi cầm cự với cái nghèo miên viễn của chính tác giả, bản thảo bản trường thi này tới tay hai người đồng biên tập E. J. Ellis and W. B. Yeats như một mớ-giấy- lộn (xộn). Họ sắp xếp theo ý họ và Vala/The Four Zoas được xuất bản lần thứ nhất như tôi đã thuật lại trong bài. Sau đó, mớ-giấy- lộn (xộn) này sẽ lại được nhân viên của Bảo tàng Viện Anh quốc nghiên cứu rồi sắp xếp lại nhiều lần trước khi cất cẩn thận vào một chỗ. Vì danh tính W. B. Yeats quen thuộc với độc giả hơn William Blake [một người vẫn bị xem là điên trong thời ông], câu trích dẫn không đúng đó xuất hiện nhan nhản dưới tên William Blake. W. B. Yeats cố tình hay lẫn lộn? Đó lại là một thắc mắc đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của một số nhà nghiên cứu nhưng không phải trọng tâm của bài này.
(5) “Tự thán”, Nguyễn Trãi
Làm người hay một họa hay hai
Mã cậy sang, mã cậy tài
Tiết trực cho bằng đá, sắt;
Đường đi sá tránh chông gai,
Miệng người tựa mật, mùi qua ngọt,
Đạo thành bằng tơ, mối hãy dài.
Ngõ dốc nhượng khiêm là mỹ đức,
Đôi co ai dễ kém chi ai!
[Nguyễn Trãi, Quốc Âm Thi tập, Phần VI “Tự Thán”, trang 91-92.
Trần Văn Giáp & Phạm Trọng Điềm phiên âm và chú giải, Nhà Xuất bản Văn Sử Địa, Hà Nội, 1956]
Nguyễn Tà Cúc
10-2019
Bài Cùng Tác Giả:
- Tô Thùy Yên, Một Ảo Ảnh Lớn
- Họa sĩ Duy Thanh, Những ngày còn “sáng tạo” [3]
- Họa sĩ Duy Thanh, Những ngày còn “sáng tạo” [2]
- Họa sĩ Duy Thanh, Những ngày còn “sáng tạo” [1]
- đầu ta như chiếc đầu lâu cổ: hãy nói dùm Tô Thùy Yên “một đời thất sắc” * [2]
- đầu ta như chiếc đầu lâu cổ: hãy nói dùm Tô Thùy Yên “một đời thất sắc” [1]
- “Ta Về” thăm lại cố đô Sài gòn cùng Thiếu Tá Tâm lý Chiến Tô Thùy Yên [2]
- “Ta Về” thăm lại cố đô Sài gòn cùng Thiếu Tá Tâm lý Chiến Tô Thùy Yên [1]
0 Bình luận