Những Ngộ Nhận Về Năm Mất Của Vua Dục Đức Và Cái Chết Đầy Nghi Vấn Của Vua Kiến Phúc
Năm 1883, sau cái chết của vua Tự Đức (19.7.1883), số phận của các vua kế vị sớm rơi vào những tình huống bất ngờ: vua Dục Đức bị phế truất khi chưa kịp làm lễ tấn tôn, vua Hiệp Hòa bị hai quyền thần sát hại, vua Kiến Phúc qua đời chỉ sau chưa đầy một năm tại vị … Về thời gian qua đời của vua Dục Đức, đã có khá nhiều ngộ nhận, còn cái chết trẻ của vua Kiến Phúc lại kéo theo những lời đồn đại đầy nghi vấn.
SỰ NGỘ NHẬN VỀ NĂM MẤT CỦA VUA DỤC ĐỨC
Về số phận vua Dục Đức sau khi bị phế truất và bỏ ngục, đáng tiếc là có những ngộ nhận liên quan đến cái chết của ông. Theo học giả Đào Trinh Nhất trong tác phẩm “Phan Đình Phùng” (NXB Tân Việt-Sài Gòn-1957), ông Dục Đức bị giam trong ngục tối, mỗi bữa chỉ được ăn một nắm cơm rồi mấy ngày sau không được ăn gì và chết đói trong ngục. Học giả Đào Duy Anh trong một bài viết về Đệ nhất Phụ chánh Trần Tiễn Thành đăng ở tạp chí Tri Tân năm 1942 cũng xác định ông Dục Đức mất khi Trần Tiễn Thành còn sống, tức mất trước ngày 29.11.1883. Nhà nghiên cứu sử A. Delvaux khẳng định là ông Dục Đức mất vào ngày 6.10.1883, tức hơn hai tháng sau ngày ông bị phế bỏ. Gần đây nhất, tài liệu Nguyễn Phước Tộc giản yếu do ban liên lạc Nguyễn Phước Tộc tại TP. Hồ Chí Minh in năm 1992 (phát hành nội bộ) cũng ghi ngày chết của Dục Đức là 6.10.1883 (Phải chăng căn cứ vào tài liệu của Delvaux ?).
Nếu phân tích kỹ nội dung bộ chính sử Đại NamThực Lục (ĐNTL), ta sẽ thấy những điều xác định kể trên về thời điểm mất của ông Dục Đức là một nhầm lẫn đáng tiếc:
“ Giáp thân, năm Kiến Phúc thứ nhất (1884), tháng 9, mùa thu, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết dời để vua mới nối ngôi là Thụy Quốc Công xuống ngục rồi ngầm giết đi… Đến ngày mùng 6 tháng ấy là ngày Đinh Mùi, giờ Thìn thì tự quân chết ở ngục, người coi ngục cứ báo là chẳng ăn mà chết, bèn an táng ở cánh đồng xứ Tứ Tây xã An Cựu, huyện Hương Thủy (nay dâng tên lăng là An lăng)…” (Sđd- Tập chín – NXB Giáo dục – Hà Nội-2007, trang 109)
Bộ Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu (QTCBTY) chương viết về vua Hàm Nghi (8.1884 – 7.1885) cũng ghi rõ “… tháng 9, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đem tự quân cũ là ngài Thụy Quốc Công giam cầm rồi thí tại ngục kín” (Sđd-Nhóm nghiên cứu Sử Địa Sài Gòn xuất bản-1972-trang 413). Như vậy, theo hai bộ sử soạn theo lối biên niên này, ông Dục Đức đã chết vào tháng 9 (âm lịch) năm 1884, dưới triều vua Hàm Nghi; ông chết sau cả vua Kiến Phúc (tháng 6 AL.1884).
Nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn của các nhà nghiên cứu trên là cụm từ “năm Kiến Phúc thứ nhất”. Vì vua Kiến Phúc lên ngôi năm 1883 nên họ tưởng rằng cái chết của vua Dục Đức xảy ra vào “năm Kiến Phúc thứ nhất”, tức năm 1883. Kỳ thực, vì năm 1883 còn thuộc về niên hiệu Tự Đức thứ 36 nên triều đình đã phải lấy năm 1884 là năm Kiến Phúc thứ nhất. Sách QTCBTY ghi rõ điều này: “Năm Quí Vị 1883, tháng 11, mùng 3 là ngày Canh Thìn, Ngài lên ngôi hoàng đế tại đền Thái Hòa, đặt niên hiệu Kiến Phúc, kể từ sang năm Giáp Thân (tức năm 1884 –LN) làm đầu…” (sđd – trang 408)
Tương tự như thế, vua Hàm Nghi lên ngôi năm 1884, nhưng vì năm này còn là năm Kiến Phúc thứ nhất nên năm Hàm Nghi thứ nhất phải là năm 1885.
Những chứng cứ trên cho phép xác định Dục Đức mất vào tháng 9 AL năm 1884, tức sau 1 năm 3 tháng kể từ ngày bị phế bỏ và những ngộ nhận cho rằng ông chết trong năm 1883, chỉ mấy tháng sau khi bị giam cầm, cần được đính chính để phù hợp với thực tế lịch sử.
VÀ CÁI CHẾT ĐẦY NGHI VẤN CỦA VUA KIẾN PHÚC
Trong hai người con của Kiên Thái vương Hồng Cai, em vua Tự Đức, được nhà vua cho đưa vào cung làm con nuôi, Ưng Kỳ hay Ưng Đường (sinh năm 1864) được bà Thiện phi chăm sóc và cho học ở Chánh Mông đường nên người đương thời gọi là ông hoàng Chánh Mông; Ưng Đăng (sinh năm 1869) được bà Học Phi chăm sóc, học ở Dưỡng Thiện đường nên được gọi là ông hoàng Dưỡng Thiện. Ưng Đăng tuy nhỏ hơn anh 5 tuổi nhưng được đưa lên ngôi trước (1883), với niên hiệu Kiến Phúc, năm đó mới 14 tuổi.
Về mối quan hệ giữa vua Kiến Phúc và đệ nhị Phụ chánh Nguyễn Văn Tường, trong một bài viết dài 100 trang nhan đề Quelques précisions sur une période troublée de l’histoire d’Annam (Vài điểm minh xác về một thời kỳ rối ren của lịch sử An Nam) đăng trên Tập san Đô thành hiếu cổ (BAVH) số 3 năm 1941 (trang 215 – trang 314), nhà nghiên cứu người Pháp A. Delvaux đã nhầm khi cho rằng vua Kiến Phúc là rể của Nguyễn Văn Tường (sđd – trang 245). Trên thực tế, một người chị của nhà vua đã lấy con trai ông Tường là Nguyễn Văn Chi, chứ nhà vua không có liên hệ gì với vị đệ nhị Phụ chánh này hết.
Theo một vài tác giả người Pháp, thể trạng vua Kiến Phúc rất yếu đuối, ông thường hay đau ốm và mẹ nuôi là bà Học phi phải thường xuyên theo sát để chăm sóc ông. Trong những hôm vua Kiến Phúc đau ốm, các vị Phụ chánh Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết thường tự điều hành việc triều chính và giấu nhẹm tin tức về sức khỏe của ông. Sáng sớm ngày 28.7.1884, nhà vua cảm thấy sức khỏe có phần khá hơn trước nên ban lệnh thiết đại triều để các quan chúc mừng, đồng thời ban thưởng cho họ. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau đó, nhà vua lâm trọng bệnh trở lại và qua đời vào sáng ngày 31.7.1884.
Về cái chết của vua Kiến Phúc, chính sử chép như sau:” …Vua không khỏe, tháng tư trước, ngọc thể vi hòa, đình thần đã xin vua tĩnh dưỡng và chia nhau đi cầu đảo các linh từ, sau đó đã khỏe nhưng chưa được bình phục như cũ, đến ngày mồng bảy tháng này, ngày Kỷ Mão, mới ngự điện Văn Minh, chịu lễ chầu mừng, ban thưởng lụa hoa cho các bầy tôi có sai bậc, rồi sau lại không được khỏe. Thái y tiến thuốc không thấy công hiệu. Ngày mồng mười Nhâm Ngọ, bệnh kịch, giờ Ngọ hôm ấy vua mất ở chính tẩm điện Càn Thành...” (Đại Nam Thực Lục – Tập chín – NXB Giáo dục – Hà Nội – 2007, trang 95).
Tuy nhiên, trong cung đình lúc đó, người ta đồn với nhau rằng vua Kiến Phúc bị đầu độc chết. Học giả Trần Trọng Kim đã viết vắn tắt như sau trong sách Việt Nam Sử Lược: ”…có chuyện nói rằng: khi vua Kiến Phúc se mình nằm trong điện, đêm thấy Nguyễn Văn Tường vào trong cung, Ngài có quở mắng. Đến ngày hôm sau thì Ngài ngộ thuốc mà mất” (sđd – Trung tâm học liệu Bộ Giáo Dục – Sài Gòn 1971 – trang 313).
Trong tập nhật ký của mình, Rheinart, lúc bấy giờ là Tổng trú sứ Pháp (Résident général) cạnh triều đình Huế, cho rằng vua Kiến Phúc bị đầu độc vì Nguyễn Văn Tường muốn nhân dịp này đưa con trai ông là Nguyễn Văn Chi, anh rể nhà vua, lên kế vị. Rheinart cũng nhắc đến “mối quan hệ thân mật” giữa Nguyễn Văn Tường với bà Học Phi, vợ vua Tự Đức, đồng thời là mẹ nuôi vua Kiến Phúc, và cho rằng do mối quan hệ này mà ông Tường đã nhờ tay bà Học Phi đầu độc nhà vua.
Về ý thứ nhất liên quan đến Nguyễn Văn Chi, cách lập luận của Rheinart quá thiển cận và phi lý, vì chỉ khi nào trong hoàng tộc nhà Nguyễn không còn ai nữa thì may ra người ta mới nghĩ đến một người như Nguyễn Văn Chi, mà điều này hầu như chả bao giờ có thể xảy ra. Nguyễn Văn Tường là người khôn ngoan, mưu chước, chắc chẳng bao giờ ôm ấp một tham vọng bất khả thi như vậy. Tuy nhiên, về ý sau (mối quan hệ “thân mật” giữa Nguyễn Văn Tường và bà Học Phi), vấn đề tế nhị hơn, vì nghe đâu phát xuất từ một viên thái giám đã bị ông Tường bắt giam và y đã kể lại cho nhiều người trong cung nghe.
A. Delvaux trong tập san BAVH năm 1941 đã tường thuật câu chuyện khá chi tiết. Ông ta kể rằng một hôm, nhà vua bị bệnh đậu, bà Học Phi luôn kề cận bên mình để chăm sóc. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, nhà vua thấy ông Tường chuyền điếu thuốc đang hút dở cho bà mẹ nuôi, nhưng ông không lưu tâm lắm. Sau đó, vào đêm 30.7.1884, nhà vua đang thiu thiu ngủ bỗng giật mình thức dậy khi nghe bên tai tiếng thì thầm giữa Tường và bà Học Phi. Sau khi để Tường nói một hồi, nhà vua thét lên :” Tao lành tao chặt đầu cả ba họ” (nguyên văn bằng tiếng Việt trong bài viết của Delvaux, BAVH-sách đã dẫn, trang 251).
Viên Phụ chánh bối rối trước phản ứng bất ngờ của nhà vua, sau đó xuống nhà Thái y kiểm tra lại những thang thuốc đang sắc cho nhà vua uống. Tại đây, ông Tường tỏ ra không vừa ý nên pha chế một chén thuốc theo cách của mình. Thuốc được bưng vào tẩm điện, nhà vua như có linh tính báo trước nên cự tuyệt, không chịu uống. Cuối cùng, do bà Học Phi cứ nài ép mãi, nhà vua bưng chén thuốc uống cạn. Sáng hôm sau, người ta thấy ông chết cứng trên giường bệnh.
Cái chết của vua Kiến Phúc, với những lời đồn đại đầy tính nghi vấn, đã dẫn đến những hậu quả khó lường. Một trong những nạn nhân của vụ này là Gia Hưng vương Hồng Hưu, con trai thứ 8 vua Thiệu Trị, nguyên Chủ tịch Tôn nhơn phủ kiêm Đệ nhất Phụ chánh đại thần (thay Trần Tiễn Thành bị sát hại). Theo Delvaux, tháng 4.1885, ông này chuẩn bị làm sáng tỏ những uẩn khúc trong cái chết của vua Kiến Phúc nhưng đã bị Tường ra tay trước, bắt giam Hồng Hưu về hai “tội” “loạn luân” và “phản bội đất nước”. Đại biện lâm thời Pháp Lemaire can thiệp nhưng Tường vẫn cho đày Gia Hưng vương và gia đình đi Cam Lộ. Ngày 9.5.1885, ông này vừa rời kinh thành cùng gia đình thì bị sát hại. Người thứ hai dính líu vào vụ này là Nguyễn Hữu Độ, Tổng đốc Hà Nội, cũng được lệnh phải tự sát (Delvaux – Sđd – trang 255). Chi tiết sau hoặc là Delvaux (và Rheinart) viết không chính xác, hoặc tuy có lệnh của hai ông Tường và Thuyết nhưng chuyện tự sát đã không xảy ra, vì đến năm 1888, Nguyễn Hữu Độ mới qua đời.
Sau Delvaux, một số cây bút Việt Nam cũng đề cập ít nhiều đến cái chết đầy nghi vấn của vua Kiến Phúc cùng mối quan hệ giữa Nguyễn Văn Tường và bà Học Phi, như Thái Văn Kiểm, Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Lý Tưởng …
Dù sao, câu chuyện đầy kịch tính và nhiều nghi vấn này cũng cần được xem xét thận trọng, vì có liên quan đến danh dự của những nhân vật được đề cập đến ở trên, việc nhắc lại những gì các cây bút Pháp và Việt viết ra chỉ là sự tường thuật với tất cả sự dè dặt.
Lê Nguyễn
21.7.2019
Nguồn: Trang FB của Lê Nguyễn
Bài Cùng Tác Giả:
- Những Năm Tháng Lưu Đày Và Cái Chết Của Cựu Hoàng Duy Tân
- Toàn Quyền Đông Dương Paul Doumer Và “Chứng Điên” Của Vua Thành Thái
- Sứ Mạng Bất Thành Của Sứ Bộ Miến Điện Tại Việt Nam Dưới Triều Vua Minh Mạng
- Chút Ký Ức Về Một Quãng Đời Sau Ngày 30.4.1975 [3]
- Chút Ký Ức Về Một Quãng Đời Sau Ngày 30.4.1975 [2]
- Tháng Tư Và “Nửa Hồn Xuân Lộc”
- Chút Ký Ức Về Một Quãng Đời Sau Ngày 30.4.1975 [1]
- Một Vài Khía Cạnh Đáng Lưu Ý Trong Tổ Chức Tư Pháp Và Thanh Tra Thời Việt Nam Cộng Hòa
- Những Bước Đi Đầu Đời Của Ngành Điện Báo Việt Nam
- Ngày Tết cung đình theo chiều dài lịch sử Việt
- Về câu chuyện Trung Quốc “xâm lược” Việt Nam vào thế kỷ XIX
- Chút gợi nhớ của một người chứng, sau sự ra đi của một nhà tu hành
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [4]
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [3]
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [2]
- Ký Ức Vụn Về Chuyện Học Ở Miền Nam Thời Đệ Nhất Cộng Hòa [1]
- Tuy Lý Vương Miên Trinh Và Những Biến Động Ở Cung Đình Huế Thập Niên 1880
- Tùng Thiện Vương Miên Thẩm Và Biến Động “Giặc Chày Vôi”
- Chuyện “Đào Mả Không Bài” Dưới Triều Duy Tân
- Câu Chuyện “Bỏ Vua Không Khả” Dưới Triều Vua Thành Thái
- Nghĩ Về Những Bà mẹ Trong Cuộc Chiến
- Chút Hồi Ức Về Những Ngày Bệnh Xá Năm 1975
- Cuộc Nổi Dậy Của Nhà Tây Sơn – Lời Giới Thiệu
- Liêm Sĩ Của Người Xưa Qua Cái Chết Kỳ Lạ Của Lý Trần Quán
- Thi Võ Ngày Xưa
- Kỷ Niệm Về Một Kịch Thơ Đêm Cuối Năm Xa Nhà
- Hình Luật Việt Nam Qua Các Chặng Đường Lịch Sử – Phần 2
- Hình Luật Việt Nam Qua Các Chặng Đường Lịch Sử – Phần 1
- Chút Hồi Ức Của Một Người Tù Cải Tạo
- Những Người Việt Nam Đầu Tiên Được Chụp Ảnh Chân Dung Là Ai ?
0 Bình luận